XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

TRUNG THỰC- TÀI GIỎI VÀ THẬT THÀ - KHÔN NGOAN


Tại sao không dạy Trung thực, sáng tạo, tài giỏi mà lại dạy Thật thà, khôn lỏi, khôn ngoan ? Thấy gì qua đọc loạt truyện cổ tích được dạy trong trường phổ thông điển hình là truyện “Trí khôn của ta đây”

           “Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðến trưa, mở cày, Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi:

– Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy?

Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:

– Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ!

Cọp không hiểu, tò mò hỏi:

– Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?

Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:

– Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy!

Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:

– Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?

Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:

– Trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít.

Cọp nghe nói, mừng lắm.

Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói:

– Nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao?

Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp:

– Hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm.

Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:

– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!

Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào.

Mãi sau dây thừng cháy đứt, Cọp mới vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại.

Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả”.

.............................

          Ở đây anh nông dân đã dùng mẹo mực (toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì), thủ đoạn lừa dối (trí khôn tôi để ở nhà) con cọp để con cọp mắc bẫy bị trói và bị đốt hòng giết chết con cọp mặc dù con cọp ban đầu đã rất tử tế với anh nông dân (quá ác độc) và được tác giả câu truyện gọi đây là trí khôn của con người;

Vậy khôn là gì, khôn phải chăng bao hàm cả không lỏi và khôn ngoan; Khôn có gì lợi cho cá nhân và xã hội “Khôn là Có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có; Khôn lỏi là khôn vặt, luôn tìm cách giành lợi riêng cho mình một cách ích kỉ; Khôn ngoan là khôn trong cách xử sự, biết tránh cho mình những điều không hay;” Tóm lại khôn chì có ích cho cá nhân không có ích cho xã hội vì khôn chỉ là khả năng suy xét để né, tránh những điều không có lợi cho mình và kiếm lợi trong đó nếu có thời cơ. Người khôn khác và ngược hẳn với người tài giỏi, người tài giỏi không né, không tránh mà trực diện đối đầu đấu tranh và chinh phục các khó khăn thử thách của thiên nhiên và thú dữ, người tài giỏi dùng đầu óc thông minh sáng tạo của mình phát minh ra lửa, ra vũ khí, chế tạo ra cạm bẫy để bắt và giết thú dữ….Do vậy trong câu chuyện cổ tích trên tác giả nên viết lại là trâu hay hổ (cọp) sợ người không phải là do con người khôn mà là con người giỏi hơn, thông minh hơn nên họ có khả năng chết tạo ra cạm bẫy để bắt hoặc vũ khí để giết chúng nếu vậy thì câu chuyện cổ tích sẽ có giá trị giáo dục cao hơn; Sẽ dạy ra được những con người của phát minh và sáng tạo, dạy ra được những con người có khả năng chinh phục thiên nhiên và thế giới, những con người biết sản xuất vật chất cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống con người; Đây có thể cũng là nguyên nhân người Việt mình chưa có giải Nobel bởi vì trong giáo dục và đời sống thường ngày từ xa xưa cho đến nay luôn coi trọng không ngoan hơn tài giỏi;

          Hệ thống truyện cổ tích được giảng dạy và truyền thụ trong kho tàng cổ tích Việt hầu hết cấu thành na ná kiểu “trong gia đình thằng anh khôn ngoan khi sống với cha mẹ và khôn lỏi khi bố mẹ chết chiếm hết gia tài của thằng em và thằng em chấp nhận không phản kháng sau đó được bụt (Thánh thần) cứu giúp”; Không bao giờ đề cập đến khả năng thằng em nỗ lực phấn đấu bằng sự thông minh, chịu khó và tài giỏi của mình làm giàu chính đáng và vượt xa thằng anh; Vô tình truyện cổ tích đã ca ngợi sự khôn ngoan khôn lỏi của người anh, ca ngợi sự thật thà chịu đựng của người em, thủ tiêu sự đấu tranh của người cô thế, Quyền lợi của người cô thế bị áp bức bóc lột chỉ có thể dựa vào thần phật mà thôi; Phải chăng đây cũng là nguyên nhân mà người dân ngày nay đến chùa đông như vậy;

          Trong giáo dục cũng nên dạy trung thực thay cho thật thà bởi vì Trung thực khác với thật thà, trung thực là không dùng sự giả dối để đánh lừa người khác hay che đậy bản thân, nhưng có quyền im lặng không nói những điều không nên nói. Nói nôm na là bên trong người trung thực luôn tồn tại chữ “trí”. Còn thật thà là chỉ nói thật không nói dối, nhưng là nói thật không biết chọn lọc, cái gì cũng nói thật (không tồn tại chữ trí trong lời nói của mình) thật thà kiểu vô minh.

Tóm lại trong giáo dục nên tập trung dạy Trung thực, sáng tạo, tài năng, bỏ dạy Thật thà, khôn lỏi, khôn ngoan./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét