Nguyễn Hoàng vừa mới lên 2 thì triều
đình nhà Lê gặp chuyện tày trời: Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tông, rồi vua
Lê Cung Hoàng, tự lên ngôi lập ra triều nhà Mạc...
Bấy giờ là năm 1527, Quan hữu vệ Điện
tiền tướng quân, An Hòa hầu Nguyễn Kim, thân phụ của Nguyễn Hoàng - để lại đứa
con nhỏ cho người anh vợ là Thái phó Uy quốc công Nguyễn Ư Dĩ nuôi dạy - chạy
sang nước Ai Lao láng giềng mưu việc trung hưng nhà Lê. Đến năm 1533 thì tìm
được con trai của Lê Chiêu Tông là Lê Ninh, tôn làm vua Lê Trang Tông và được
vị vua đầu triều Lê Trung Hưng này tôn làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công
Chưởng nội ngoại sự.
Từ lời
khuyên của Trạng Trình…
Năm
1540, Nguyễn Kim đưa lực lượng trung hưng nhà Lê của mình về chiếm được Nghệ
An. Hai năm sau, chiếm tiếp Thanh Hóa, chọn đất Vạn Lại (ở huyện Thọ Xuân bây
giờ) làm thủ phủ của "Nam Triều", chống lại "Bắc Triều" của
nhà Mạc.
Nguyễn
Hoàng vào lúc này, được Nguyễn Ư Dĩ chăm chút rèn văn luyện võ, nuôi chí lớn,
đã trở thành một trang thanh niên tuấn kiệt bèn tìm đường vào "Nam
Triều" theo giúp phụ thân lập chiến công ở trận đánh huyện Ngọc Sơn: chém
tướng nhà Mạc là Trịnh Chí, được vua Lê Trang Tông khen ngợi: "thực là Hổ
phụ sinh Hổ tử" và phong cho tước Đoan Quận công.
Nhưng
đến năm 1545, vừa cập tuổi 20 thì họa lớn đã ập xuống đầu Nguyễn Hoàng. Nguyễn
Kim bị đầu độc chết và anh rể của Nguyễn Hoàng là Trịnh Kiểm, chồng của chị cả
Nguyễn Hoàng là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, đã được Lê Trang Tông phong làm Lượng Quốc
công, giữ chức Thái sư thay Nguyễn Kim. Thấy anh trai của Nguyễn Hoàng là tả
tướng Lãng Quận công Nguyễn Uông có thể là đối thủ tranh quyền, Trịnh Kiểm đã
xuống tay giết chết Nguyễn Uông!
Biết
mình sẽ tiếp theo anh trai Nguyễn Uông trở thành cái gai phải nhổ đi, trước mắt
Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng một mặt kín đáo giữ gìn, một mặt - theo lời của Nguyễn
Ư Dĩ - cho người bí mật ra "Bắc Triều", tìm đến nơi ở ẩn tại quê
hương bên dòng sông Hàn của Tuyết giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trạng nguyên
khoa thi năm 1535 của triều Mạc nhưng nổi danh hiền triết khắp Nam Bắc Triều -
vấn kế.
Lặng lẽ
tiếp sứ giả của Nguyễn Hoàng, Trạng Trình sau một hồi suy nghĩ, lững thững đi
ra chỗ bày hòn non bộ trước sân, đang có một đàn kiến leo bò, thủng thẳng buông
một câu bâng quơ: "Hoành sơn nhất đái/Vạn đại dung thân".
Sứ giả
đem câu nói ấy về bẩm với Nguyễn Hoàng. Ngộ ra ý tứ sâu sắc của Trạng Trình:
"Hãy vào mạn trong dải Hoành Sơn (đèo Ngang) đi! Nương thân được lâu dài
đấy!" - Nguyễn Hoàng nhờ ngay chị Ngọc Bảo của mình nói lót với chồng
(Trịnh Kiểm) cho đi vào đất Thuận Hóa làm quan Trấn thủ. Nghe lời vợ, sau khi
cân nhắc, Trịnh Kiểm đồng ý.
Thế là vào năm 1558, ở tuổi "tam
thập nhi lập" 33, Nguyễn Hoàng cùng những người thân tín, đứng đầu là
Nguyễn Ư Dĩ, cả ngàn đồng hương quê gốc Tống Sơn (tức huyện Hà Trung ngày nay)
và nghĩa dân 2 xứ Thanh, Nghệ rời khỏi miền đất căn bản của "Nam
Triều" đang liên miên cuộc chiến do Trịnh Kiểm đứng đầu, chống đánh
"Bắc Triều" của nhà Mạc, lên đường, vượt qua đèo Ngang, thẳng tiến về
phương Nam.
… Đến
công cuộc mở mang Xứ Đàng Trong
Đoàn thuyền "Nam tiến" dài
dặc của Nguyễn Hoàng chọn cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị) đổ bộ,
đến xã Ái Tử (nay thuộc huyện Triệu Phong) lập dinh quan Trấn thủ Thuận Hóa, gọi
là Dinh Ái Tử - thủ phủ của cả miền đất từ Quảng Bình vào tới Thừa Thiên - Huế
ngày nay.
Khéo
quản lý miền đất ấy, 11 năm sau, ở tuổi 44 "tứ thập nhi bất hoặc" vào
năm 1569, Nguyễn Hoàng lại khéo cả ứng xử với "Nam Triều": Thân hành
mang một số quân lương lớn của Thuận Hóa ra Thanh Hóa, giúp "Nam
Triều" chống đánh "Bắc Triều", đồng thời vừa niềm nở lấy lòng
vua Lê Anh Tông (mới kế vị vua Lê Trang Tông) vừa nhún nhường, chiều chuộng
Trịnh Kiểm (lúc này đã là Thượng tướng Thái Quốc công). Kết quả thật hậu hĩ:
Được phong làm Tổng trấn Tướng quân, kiêm quản luôn cả Xứ Quảng Nam (tức Thừa
Tuyên Quảng Nam do vua Lê Thánh Tông lập từ năm 1471) rộng lớn (từ Đà Nẵng tới
Bình Định ngày nay).
Từ Thanh Hóa trở về vào đầu năm 1570,
ở cương vị là người đứng đầu cả 2 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, dài rộng từ Quảng
Bình vào tới Bình Định ngày nay, Nguyễn Hoàng có thêm 22 năm nữa, ở độ tuổi
chín muồi từ 45 đến 67, để từ dinh (thủ phủ) mới, đặt ở làng Trà Bát chếch về
mạn Đông Bắc dinh cũ Ái Tử, gọi là Dinh Trà Bát, vừa gìn giữ, bảo vệ vừa quản
lý, điều hành, mở mang phát triển mạnh mẽ toàn vùng đất rồi sẽ thành căn bản và
địa đầu của cả Xứ Đàng Trong, đối trọng với Xứ Đàng Ngoài, từ Hoành Sơn (đèo
Ngang) trở ra, tới biên giới phía Bắc của các vua Lê - chúa Trịnh ở từ thế kỷ
sau.
Đặc biệt, vào các năm 1578, 1579, để
bảo vệ vùng đất phía Nam Xứ Quảng Nam bị Chiêm Thành gây rối đánh phá, Nguyễn
Hoàng đã sai tướng Lương Văn Chánh vừa đem quân tiễu trừ vừa đưa dân vào định
cư, tích nhập trên thực tế vào 2 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam của mình miền đất từ
đèo Cù Mông tới đèo Cả, tức tỉnh Phú Yên ngày nay.
Nguồn: Báo Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét