XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2023

NGUỒN GỐC THÔN LÀNG XÃ VĨNH TIẾN


LỊCH SỬ CÁC LÀNG THUỘC XÃ VĨNH TIẾN HUYỆN VĨNH LỘC TỈNH THANH HOÁ

1 * Làng Thổ Phụ:

          Làng Thổ Phụ có tên là Thổ Sơn Trang, rồi thôn Thổ Sơn, đến đầu thế kỷ thứ XX mới đổi là Thổ Phụ. Làng Thổ Phụ xưa thuộc tổng Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc. Hiện nay làng Thổ Phụ thuộc xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc). Làng nằm bên tả ngạn sông Mã và cách Thành Nhà Hồ khoảng 1km về phía Tây - Nam.

          Vào thế kỷ XII ở khu vực làng Thổ Phụ bây giờ đã có dòng Họ Bùi đến khai phá lập nghiệp, sau đó các dòng họ khác như họ Phạm, Họ Dương, Họ Lê…ở các nơi khác đến sinh sống và lập nên làng xóm; Đến cuối triều Hồ khu vực núi Ngưu Ngoạ đã có một vài ba hộ của dòng họ Bùi, họ Lưu, họ Nguyễn đến khai phá đất đai và sinh sống;

          Đất Thổ sơn trang lúc bấy giờ không chỉ đến làng Thọ Đồn mà còn cả làng Cẩm Bào ngày nay; Bấy giờ ở Thổ Sơn Trang có ông Phạm Đốc sinh năm 1513 (đời vua Lê Tương Dực); Phạm Đốc mặt vuông chữ điền, lông mày nét mác, tướng mạo oai phong, đi đứng nhanh nhẹn, được cha trực tiếp dạy bảo Văn bài và Võ nghệ; Bấy giờ triều đình nhà Lê rối loạn, các vua Lê liên tiếp thay nhau và sống sa đoạ cực độ. Trong khi đó nhà Mạc tìm mọi cách chiếm ngôi nhà Lê; Phạm Đốc không có chí lập công danh chỉ lấy việc đọc sách và săn bắn làm vui;

        Năm 1533 một cựu thần nhà Lê tên là Nguyễn Kim đã đứng lên phù Lê diệt Mạc. Thái sư Hưng Quốc Công Nguyễn Kim sai người tìm được Lê Duy Ninh là con của vua Lê Chiêu Tông, cháu nhiều đời của Lê Thánh Tông, đón sang Ai Lao (Lào) tôn lập; Ở làng Biện Thượng (nay là là Bồng Thượng xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) có ông Trịnh Kiểm là người dũng lược đã theo Nguyễn Kim phò Lê diệt Mạc; Đến năm 1538 nghe tướng Nguyễn Kim phò vua Lê Trang Tông (tức Lê Duy Ninh) chống lại nhà Mạc, Phạm Đốc mới đi theo Trịnh Kiểm và được nhà vua và Trịnh Kiểm trọng dụng; Ông Phạm Đốc là người có nhiều công lao và được phong nhiều ruộng đất, trong đó ngoài đất Thổ sơn còn có ruộng đất của làng Thọ Đồn (Thọ Sơn Trang), làng Cẩm Bào (Bắc Thượng Trang) ngày nay.

        Trung tuần tháng 5 năm Mậu Ngọ Ông Phạm đốc bị cảm mạo, thuốc thang chạy chữa không có hiệu nghiệm, ngày mùng 4 tháng 8 ông mất, năm ấy ông mới 46 tuổi (tính cả tuổi mụ) thi hài ông được đưa về làng Thổ Sơn (Thổ Phụ) chôn cất; Ông Phạm Đốc sinh được 3 người con trai trên đất Thổ sơn (Thổ Phụ) vào cuối thế kỷ thứ XVI người con trai cả là Phạm Đức Thắng – Tên Bộ là Phạm đức Kỳ vẫn ở tại Thổ Sơn trang (Thổ Phụ); Người con thứ 2 là Phạm Đức Thuần – tên bộ là Phạm Đức Nho lên Thọ Sơn Trang (Thọ Đồn); Người con thứ 3 là Phạm Quý Thư – tên bộ là Phạm Quý Tâm lên Bắc thượng Trang (Cẩm Bào).

          [Trước năm 1945, làng Thổ Phụ có khoảng 100 gia đình với gần 450 người. Người dân làng Thổ Phụ có tinh thần yêu nước và có phong trào cách mạng sôi nổi liên tục. Những năm 1924 - 1928, làng có ông Vũ Văn Huyền, thường gọi là giáo Huyền đã về Hậu Lộc liên lạc với Đinh Chương Dương và một số người khác tham gia vận động người đi xuất dương về làm cách mạng, tham gia chủ trương cứu nước của Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thái Học. Sau đó, ông tham gia thanh niên Tân Việt, Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên và đã trở thành chiến sĩ cộng sản và đã có nhiều hoạt động cách mạng bí mật trong những năm đầu xây dựng tổ chức Đảng.

         Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp nối con đường cách mạng của Vũ Văn Huyền, nhiều người con của làng Thổ Phụ đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 như: Lê Đình Quỷnh, Lê Đình Huỗn, Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Quảng Lai, Lê Văn Khoa, Phạm Văn Lân, Vũ Văn Kháng, Phạm Văn Huế, Phạm Bảng, Lê Đình Diễn...

         Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc thành lập Ủy ban vận động cách mạng các phủ, huyện. Trong tháng 7-1938, tại nhà ông Nguyễn Thành Khải (Lý Kim) ở làng Phương Giai đã có cuộc họp thành lập Ủy ban vận động cách mạng của huyện Vĩnh Lộc. Ủy ban gồm 10 người, đồng chí Lê Văn Thiệp, Tỉnh ủy viên tỉnh Thanh Hóa 1931 - 1934 làm Trưởng ban, trong đó làng Thổ Phụ có hai người là các đồng chí: Nguyễn Văn Chí và Lê Đình Quỷnh.

          Thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương có phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ và sách báo cách mạng, sách báo tiến bộ được lưu hành khá phổ biến. Tháng 5-1938, hiệu sách “Thanh Hóa thư quán”, được thành lập tại thị xã Thanh Hóa. Từ thị xã Thanh Hóa, hội đọc sách báo được tổ chức rộng rãi ra nhiều huyện trong tỉnh. Cuối năm 1938 làng Thổ Phụ đã tổ chức nhóm đọc sách báo và truyền bá chữ Quốc ngữ. Sau này “Thanh Hóa thư quán” bị mật thám theo dõi và kiểm soát, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ “Thư quán” phải chuyển về các huyện, trong đó có về làng Thổ Phụ được Nhân dân tận tình giúp đỡ. Đồng chí Lê Văn Thiệp đã giới thiệu chị Đông, chị Cúc về ở nhà bà Nhàn, bà Tường để hoạt động.

          Trong phong trào đấu tranh cách mạng ở làng Thổ Phụ có nhiều người được giác ngộ và tham gia hoạt động từ lúc cách mạng đang còn gặp nhiều gian khó, điển hình như hai anh em ruột Lê Đình Quỷnh và Lê Đình Huỗn. Lê Đình Quỷnh hoạt động từ năm 1936 trong phong trào Mặt trận Dân chủ ở huyện Vĩnh Lộc, tháng 7-1939 đồng chí bị địch bắt và kết án một năm tù giam tại nhà lao Thanh Hóa. Tháng 7-1940 đồng chí được ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng, và đã hy sinh. Đồng chí Lê Đình Huỗn còn có tên là Lê Văn Kẽm tham gia cách mạng từ năm 1938 đến năm 1941 bị địch bắt giam ở Buôn Mê Thuột. Ra tù đồng chí được Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thanh Hóa cử lên chỉ đạo việc cướp chính quyền ở các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa và có thời gian giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Cẩm Thủy. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Lê Đình Huỗn được điều vào quân đội và đã hy sinh anh dũng.

          Ở làng Thổ Phụ còn có Nguyễn Trọng Vĩnh lớn lên đi làm công nhân Nhà máy in Hà Nội. Đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939). Đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh bị địch tìm bắt ở làng Thổ Phụ và bị đi tù ở Đắc Lây 5 năm (1940 - 1945). Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng và trở thành thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1960 đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng, rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (1961 - 1963) và giữ nhiều chức vụ khác.

          Tháng 11-1939, Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Ở làng Thổ Phụ từ đầu năm 1940 đồng chí Lê Đình Huỗn, rồi đến đồng chí Phạm Văn Lân tổ chức những người được giác ngộ vào mặt trận phản đế cứu quốc. Những hội viên phản đế cứu quốc là đội viên tự vệ. Lúc này làng Thổ Phụ có 13 người trong đội tự vệ có nhiệm vụ là mỗi khi có cán bộ về họp ở cơ sở thì đội viên làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ cuộc họp, bảo vệ cán bộ thoát ly đang bí mật công tác trong làng, bảo vệ cơ quan làm báo “Đuổi giặc nước” của Đảng bộ tỉnh.

         Báo “Đuổi giặc nước” do các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Hoàng Tiến Trình sau khi được cử về chỉ đạo phong trào cách mạng ở Thanh Hóa đã được giới thiệu về làng Thổ Phụ. Tại nhà đồng chí Phạm Văn Lân, tháng 7-1942, báo “Đuổi giặc nước” ra số 1 và tháng 8-1942 ra số 2.

         Từ tháng 9-1940, Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp đầu hàng và cấu kết với Nhật để thống trị và bóc lột Nhân dân ta. Các cơ sở cách mạng bị lục soát, tìm kiếm khám xét bất kể ngày đêm. Được cơ sở cách mạng và Nhân dân che chở cơ quan làm báo “Đuổi giặc nước” và các đồng chí lãnh đạo đều an toàn. Phát xít Nhật còn thi hành các chính sách vơ vét rất độc ác, chúng bắt Nhân dân ta nhổ lúa, nhổ ngô để trồng bông, trồng đay. Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh là cuộc đấu tranh chống Nhật của Nhân dân huyện Vĩnh Lộc là cuộc đấu tranh của làng Thổ Phụ đuổi Nhật cướp đất trồng đay.

          Lần thứ 3, vào đầu năm 1944 bọn Nhật lại kéo đến làng Thổ Phụ. Theo kế hoạch đã bàn, làng phân công người canh gác ở các con đường và đã vận động ông Phạm Văn Tuynh (tức ông Đoàn Lơi) làm ngòi nổ đầu tiên trong cuộc đấu tranh chống Nhật của làng. Hôm đó bọn Nhật đến làng Thổ Phụ, chúng đỗ xe trên đường, rồi xuống đồng đánh đập những người đang cày bừa, sau đó vào làng đi tìm hội đồng Lý hương bắt dẫn ra đồng nhận ruộng. Lúc đó ông Đoàn Lơi dùng trống mõ của làng đánh liên hồi, lập tức tất cả người dân trong làng, người ngoài đồng tay cầm cào, cầm cuốc, cầm gậy la thét và tiến thẳng về phía quân Nhật để tấn công chúng, bảo vệ mình. Ông Đoàn Lơi tay cầm con dao cò (dao dài, cán dài) nét mặt hung dữ xông thẳng vào bọn Nhật thét “tao không sợ, tao sẽ cho bọn bay chết”. Trước thái độ dữ tợn của ông Đoàn Lơi và dân làng, bọn Nhật (và tay sai) vô cùng sợ hãi vội vàng lên xe biến mất. Từ đó dân làng Thổ Phụ mới được yên ổn làm ăn.

         Để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền theo chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh, từ tháng 5-1945, làng Thổ Phụ đã thành lập một trung đội tự vệ với trên 30 cán bộ, chiến sĩ do Phạm Xuân Lai làm trung đội trưởng, mỗi đội viên được trang bị một thanh kiếm dài. Trung đội tổ chức tập luyện và chờ lệnh. Sáng ngày 19-8-1945, trung đội tự vệ làng Thổ Phụ đã tham gia giành chính quyền thắng lợi ở huyện Vĩnh Lộc.

         Trong quá trình tham gia phong trào đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945), làng Thổ Phụ có 13 gia đình được tặng Bằng có công với nước, có 9 người đã được công nhận Lão thành cách mạng và 4 người là cán bộ tiền khởi nghĩa. Tự hào hơn hết là ngày 28-1-1964 Chính phủ đã tặng Bằng có công với nước cho làng Thổ Phụ với thành tích “Đã nêu cao tinh thần yêu nước tích cực đấu tranh chống đế quốc và bảo vệ cách mạng góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám”.

          Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, trải qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới đất nước... làng Thổ Phụ đã luôn luôn hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2020, Thổ Phụ được công nhận làng nông thôn mới kiểu mẫu.

         Thổ Phụ - làng có công với nước xưa, đến nay đã được đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, như: đường giao thông, nhà văn hóa, hệ thống đèn chiếu sáng. Ngoài việc phát triển kinh tế, người dân trong thôn còn tự giác, hăng hái tham gia làm đẹp đường làng, ngõ xóm, trồng hoa ven đường, giữ gìn vệ sinh chung. Ánh sáng cách mạng đã rọi soi cho lớp thế hệ hôm nay dựng xây quê hương giàu đẹp.] Theo LỊCH SỬ LÀNG THỔ PHỤ VĨNH TIẾN VĨNH LỘC THANH HOÁ

Ngày nay làng Thổ Phụ:

- Diện tích: 68,7 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 40,92 ha; Đất phi nông nghiệp 23,87 ha; Đất GTTL + nghĩa địa 2,83 ha; Đất chưa sử dụng 1,08 ha.

- Dân số: 521người; số hộ: 174 hộ;

- Nhà văn hóa làng: Có; diện tích: 136 m2 ;

- Khu thể thao làng: Có; diện tích: 2.561m2 ;

- Vị trí địa lý: Phía Nam giáp Vĩnh Thành; phía Tây giáp Sông Mã; phía Bắc giáp thôn Phú Lĩnh; phía Đông giáp làng Phố Mới.

2 * Làng Xuân Giai:

Năm 1428, Lê Lợi đại thắng giặc Minh, đất nước thái bình, nhà vua có chính sách khuyến khích nông dân khai phá đất hoang hóa phát triển sản xuất, xây dựng làng xóm yên bình. Phố Hoa Nhai chuyển thành làng Hoa Nhai chuyên sản xuất nông nghiệp. Từ đây một số dòng họ lại đến sinh cơ lập nghiệp trên đất Hoa Nhai. Đời Thiệu Trị (1841 - 1847) kiêng chữ Hoa (tên huý mẹ vua Thiệu Trị) nên đổi làng Hoa Nhai thành làng Xuân Nhai. Đến đời Thành Thái (1889 - 1907), làng Xuân Nhai lại đổi thành làng Xuân Giai.

- Diện tích: 102,41 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 71,81 ha; Đất phi nông nghiệp 24,4 ha; Đất GTTL + nghĩa địa 4,7 ha; Đất chưa sử dụng 1,5 ha.

- Dân số: 1.080 người; số hộ: 327 hộ;

- Nhà văn hóa làng: Có; diện tích: 140 m2 ;

- Khu thể thao làng: Có; diện tích: 6.000 m2

- Vị trí địa lý: Phía Đông giáp Vĩnh Long; phía Nam giáp làng Phố Mới; phía Tây giáp làng Phú Lĩnh; phía Bắc giáp làng Tây Giai.

3 * Làng Tây Giai:

Làng Tây Giai còn có tên phường Lan Giai, Tây Nhai, Tây Vệ. Đất của làng Tây Giai ở hiện nay, trước kia cũng là đất động An Tôn, huyện Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc). Vào cuối thời Trần, mảnh đất này lác đác đã có cư dân sinh sống. Từ khi xây dựng thành An Tôn (1397) nhà Hồ cho xây dựng các đường phố, xây dựng chợ, đặt ra các phường, trong đó có phường Lan Giai, nay là làng Tây Giai, chợ Tây Đô nay là chợ Tây...

Làng Tây Giai hiện có các dòng họ đang sinh sống đó là: Trương, Phạm, Nguyễn, Dương, Lê, Đào, Ngô, Lưu, Vũ, Hoàng, Đỗ, Trịnh... Trong đó họ Trương là đông nhất, nhưng họ Trương lại có tới 4 dòng đó là Trương Bá, Trương Trọng, Trương Đình, Trương Văn. Họ Nguyễn có 3 dòng, họ Phạm 2 dòng, họ Lê 2 dòng.

- Diện tích: 198,17 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 129,79 ha; Đất phi nông nghiệp 57,74 ha; Đất GTTL + nghĩa địa 6,9 ha; Đất chưa sử dụng 3,74 ha.

- Dân số: 1.959 người; số hộ: 561 hộ;

- Nhà văn hóa làng: Có; diện tích: 312 m2 ;

- Khu thể thao làng: Có; diện tích: 2.800 m2

- Vị trí địa lý: Phía Tây giáp Vĩnh Yên; phía Đông giáp Vĩnh Long; phía Bắc giáp Vĩnh Yên; phía Nam giáp làng Phú Lĩnh.

4 * Làng Phương Giai:

Làng Phương Giai có tên là Vạn Ninh Phường, Phương Nhai, Phương Vệ. Làng có nguồn gốc từ một cụm dân cư ở Cồn Xấm (nay là đất làng Phố Mới - khu vực Ngã ba đi Kim Tân). Theo truyền lại vùng dân cư ở Cồn Xấm đã có trước khi Hồ Quý Ly cho xây dựng thành An Tôn (1397). Năm 1400 Hồ Quý Ly xưng Vương tại Tây Đô, các cụm dân cư xung quanh thành được đặt tên mới. Cụm dân cư ở Cồn Xấm gọi là Vạn Ninh Phường (phường Vạn Ninh) nằm trong khu vực hành chính Kinh đô nhà Hồ.

- Diện tích: 46,56 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 29,1 ha; Đất phi nông nghiệp 14,0 ha; Đất GTTL + Nghĩa địa 2,42 ha; Đất chưa sử dụng 1,04 ha.

- Dân số: 629 người; số hộ: 170 hộ;

- Nhà văn hóa làng: Có; diện tích: 130 m2 ;

- Khu thể thao làng: Có; diện tích: 2.600 m2

- Vị trí địa lý: phía Tây giáp Vĩnh Thành; phía Đông giáp Thị Trấn; phía Nam giáp Vĩnh Thành; phía Bắc giáp làng Thổ Phụ.

5 * Làng Phú Lĩnh:

Làng Phú Lĩnh còn có tên là Phú Sơn. Làng nằm sát bên dòng sông Mã và lại có một quả núi nhỏ và thấp quen gọi là núi Phú Lĩnh. Nhưng núi Phú Lĩnh cũng liền một dãy với núi Ngưu Ngoạ (trâu nằm) của làng Thọ Đồn (xã Vĩnh Yên).

Làng Phú Lĩnh có Chùa Linh Giang, cách Thành Nhà Hồ khoảng 1,5 km về phía Tây. Chùa nằm sát bờ sông Mã, Tiền Đường ngoảnh hướng Tây, lưng tựa vào núi Phú Sơn (hay còn gọi là núi Phú Lĩnh). Nơi đây, phong cảnh hữu tình, sản vật phong phú, đất đai màu mỡ. Có lẽ, người xưa cho rằng đây là nơi hội tụ, hun đúc khí thiêng.

          Chùa Linh Giang được xếp hạng Di tích Kiến trúc văn hóa Nghệ thuật cấp tỉnh tại Quyết định số 460/QĐ ngày 08 tháng 11 năm 2000. Theo các cụ già trong làng kể lại, đất chùa xưa kia rộng rãi, chiếm giữ cả một góc sườn đồi và cánh bãi phù sa phía trước chùa. Phía Bắc là khu Văn Chỉ, phía Nam là đình làng Phú Lĩnh, Bến Ngự và bến đò Thổ Sơn, phía Đông dựa vào sườn núi Phú Lĩnh. Chùa ngoảnh về hướng tây (Tây Trúc), phía trước là dòng Mã Giang, bên kia bờ là làng Xổ, thuộc xã Quý Lộc, huyện Yên Định. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, chùa Linh Giang còn cổng Tam quan, gác chuông, Phật đường, nhà Tổ, nhà Mẫu. Trong chùa có rất nhiều tượng Phật. Đặc biệt, phía trước chùa, gần Tam quan có hai cây thông cổ thụ cao tới mấy chục mét, đường kính gốc như chiếc nong đại, cỡ trên 1,5m.

Hệ thống thờ tự

         Nhà Mẫu: thực ra, đây chính là ngôi nhà duy nhất của chùa Linh Giang xưa còn lại, nhân dân địa phương quen gọi là chùa Đá. Sau khi xây dựng xong ngôi Tiền đường, ngôi nhà này được chuyển sang thờ Mẫu.

         Trong nhà có ba bệ thờ mới được xây trong những năm gần đây. Gian giữa thờ Mẫu Thiên (Mẫu Liễu Hạnh), gian bên phải thờ Đức Thánh Trần, có 3 long ngai, tượng Trần Triều ngồi trên long ngai đội mũ bình thiên, gian bên trái thờ mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Trong nhà còn một số đồ thờ và một chiếc chuông đồng nhỏ khoảng 10 kg. Tất cả tượng và đồ thờ, đồ tế khí đều mới.

        Nhà Tiền đường: ngôi nhà này làm năm 2006, quay về hướng tây. Lớp trên cùng là ba pho tượng Tam Thế. Lớp thứ hai là tượng Thiên thủ, thiên nhãn. Cạnh hai bên là tượng Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, hai tay cầm cành hoa sen. Lớp thứ ba, ở giữa là tượng Phật A Di Đà, bên trái là tượng Dược Sư, bên phải là tượng Ngọc Hoàng. Lớp thứ tư, bên phải là tượng Đức Ông, bên trái là tượng Đức Thánh Hiền. Lớp thứ năm là tòa Cửu Long Thích Ca sơ sinh, phía dưới là chiếu để nhà sư tụng kinh và thực hành nghi lễ tôn giáo.

         Toàn bộ tượng trong chùa mới được nhà chùa tạo dựng và Phật tử cung tiến. Tượng và các đồ thờ, đồ tế khí đều của thời đại mới, kỹ thuật tinh xảo, trang nhã, đẹp đẽ.

          Nhà Tổ: nhà gồm bốn gian quay hướng nam, khép vuông góc với nhà Tiền đường, tạo hình chữ Đinh (J), dài 12 m, rộng 8 m. Nhà lợp ngói mũi, có chắn mái. Ba gian bên phải liên thông làm nhà thờ. Gian ngoài phía bờ sông được xây tường ngăn cách làm nhà ở cho chư Tăng. Trong ba gian nhà thờ, gian giữa lớp trên thờ Tổ Tây (Đạt Ma), có hai vị Thị giả hai bên. Gian bên phải là thờ tượng Hồ Chí Minh. Trong nhà còn một chiếc chuông đồng nhỏ mới đúc nặng khoảng 10 kg.

         Phía trước sân chùa có một tượng Quán Thế Âm Bồ tát, chất liệu bằng xi măng cốt thép, tượng cao 2,4 m, đặt trên bệ xi măng cao 1 m. Sân chùa được lát gạch. Thấp thoáng trong sân chùa có mấy cây nhãn, cây xoan già, hai cây đại mới trồng cạnh cổng ra vào và một số loại cây khác. Rải rác dưới gốc cây, góc vườn, còn sót lại những con rùa đá, đá tảng kê cột nhẵn thín với mưa nắng của thời gian, khiến ta không khỏi ngậm ngùi nuối tiếc.

          Chùa Linh Giang nằm trong một vùng một thời tấp nập ngựa xe, trên bến dưới thuyền, gửi gắm niềm tâm linh và tình cảm của hàng trăm thế hệ, đồng thời là chứng tích của biết bao những thăng trầm lịch sử.

         Chùa Linh Giang là một địa chỉ, một mắt xích không thể thiếu trong quần thể Di tích Lịch sử Thành Nhà Hồ (Thành Nhà Hồ nằm giữa hai sông, sông Mã và sông Bưởi, hai sông gặp nhau phía Nam Thành nhà Hồ, Sông Bưởi nhập và sông Mã (cuối nước) tại Vĩnh Khang; Phía Bắc Thành là núi Thổ tượng (đầu non) trên nữa gần kề có chùa Lê Sơn Núi Quan Vịnh; Phía Nam Thành có núi Đốn Sơn (Núi Đún) có chùa Tường Vân (Chùa Giáng) dưới chân núi; Phía Đông Thành có núi Hắc Khuyển cạnh núi có Chùa Thái Bình (Chùa Bèo); Phía Tây Thành có núi Phú Sơn (Hắc khuyển kéo dài) nay gọi là núi Phú Lĩnh có chùa Linh Giang (tựa lưng vào núi quay mặt ra sông Mã)

Hiện nay làng Phú Lĩnh có:

- Diện tích: 72,2 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 41,49 ha; Đất phi nông nghiệp 25,94 ha; Đất GTTL + nghĩa địa 3,25 ha; Đất chưa sử dụng 1,52 ha.

- Dân số: 605 người; số hộ: 183 hộ;

- Nhà văn hóa làng: Có; diện tích: 144 m2 ;

- Khu thể thao làng: Có; diện tích: 1.821 m2

- Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Vĩnh Yên; phía Nam giáp thôn Thổ Phụ; phía Tây giáp Sông Mã; phía Đông giáp làng Xuân Giai.

6 * Làng Phố Mới:

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng từng bước công nghiệp hóa, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu, có phát triển kinh tế dịch vụ không những ở thành thị mà ở cả nông thôn. Thực hiện chủ trương của huyện về xây dựng khu vực Ngã Ba đi Kim Tân trở thành khu vực dịch vụ thương mại, tháng 11 năm 1993 Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Tiến cắt đất ở cho nhân dân dọc Quốc lộ 45 và Quốc lộ 217 từ khu đất có tên là Nổ Đơm đến đền Tam Tổng và xây dựng chợ Tây Đô ở khu Cồn Xấm để hình thành khu dân cư mới và là trung tâm dịch vụ thương mại của xã.

- Diện tích: 7,0 ha, trong đó: Đất phi nông nghiệp 6,14 ha; Đất GTTL + nghĩa địa 0,86 ha.

- Dân số: 420 người; số hộ: 127 hộ;

- Nhà văn hóa làng: Có; diện tích: 140 m2 ;

- Khu thể thao làng: Có; diện tích: 3.000 m2

- Vị trí địa lý: phía Bắc giáp làng Xuân Giai; phía Nam giáp Thị Trấn; phía Tây giáp làng Thổ Phụ; phía Đông giáp Vĩnh Long.

Làng Phố mới lấy ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày hội làng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét