XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

Người đầu tiên xây thành nhà Hồ ở Thanh Hóa

KHẢO CỨU NGUỒN CỘI, KHẢO VỀ CÁC DÒNG HỌ, MINH CHỨNG TỪ KHẢO CỔ

Thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, nằm giữa 2 dòng sông Mã và sông Bưởi, là di tích đã được công nhận di sản văn hóa thế giới. Thành nhà Hồ thì hiển nhiên do nhà Hồ (Hồ Quý Ly) xây dựng. Nhưng nơi đây đã từng là hành cung hay một trị sở quan trọng của các triều đại từ trước đó. Ai là người thật sự đầu tiên đặt gạch nền móng để xây dựng thành tại khu vực này?


Dinh Phu Luu

Gian tiền tế đình Phù Lưu (Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Xung quanh khu vực thành nhà Hồ có nhiều nơi thờ vị thần tên là Cao Sơn đại vương. Như ở phía cổng Tây của thành nhà Hồ có đình Phù Lưu và đền Cao Sơn tại xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc). Còn ở phía Đông thành có phế tích đền Còng tại xã Vĩnh Hưng, cũng là nơi thờ Cao Sơn đại vương.

Cao Sơn là một vị thần được thờ khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo thống kê trong sách Thanh Hóa chư thần lục do bộ lễ triều Nguyễn soạn vào năm Thành Thái thứ 15 cho biết ở Thanh Hóa có tới trên 400 làng nơi thờ Cao Sơn làm thành hoàng trải dài ở hầu hết các huyện của tỉnh Thanh. Hiện nay ngay ở thành phố Thanh Hóa còn có một con đường lớn mang tên Cao Sơn.

Vậy Cao Sơn là ai, có công nghiệp như thế nào đối với xứ Thanh mà được tôn thờ rộng rãi như vậy?

Theo sách Thanh Hóa chư thần lục thì: Bản ngọc phả làng Yên Tôn Thượng ghi cụ thể về xuất thân vị thần tên huý là Hiển, ông đỗ tiến sỹ vào thời Tấn (thế kỷ 10), khi đó nước Việt ta bị phong kiến phương Bắc cai trị, tiến sỹ Hiển được điều sang cai quản vùng đất thuộc Thanh – Nghệ này nay. Khi qua núi An Tôn, nhận thấy vùng đất này là thắng địa, ông cho xây dựng ở chân núi một số công trình để thỉnh thoảng về nghỉ ngơi. Viên quan cai trị đã lập công to trong lần đi chinh chiến ở đất Đông Di. Ông mất năm 103 tuổi, tại núi Đại Liễn. Trang Bảo Thánh huyện Đông Thành, Nghệ An, Cao Hiển vốn là viên quan có học vấn cao, lại có lòng thương dân, nên ông được dân tôn vinh. Nhân dân vùng đất An Tôn thờ Ông, coi Ông như một vị thành hoàng bảo hộ cho dân làng. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều có sắc phong thần cho Ông thuộc hạng Thượng đẳng tối linh với nhiều mỹ tự ca ngợi.


Bia An TônTấm bia An Tôn… năm Thành Thái thứ nhất đặt ở sân đình Phù Lưu.

 Thần tích này cho biết Cao Sơn có tên là Cao Hiển, người Trung Quốc sang nước ta dẹp giặc Đông Di và đã cho xây dựng một số công trình ở vùng núi xứ Thanh.

Chỗ khác, như ở đền Còng (Vĩnh Hưng, Vĩnh Lộc) thì chép thần Cao Sơn ở vào thời Lý: vào khoảng năm Khánh Lịch (1041-1048) ông làm quan tới chức Thừa tướng kiêm trấn thủ các xứ Nghệ An, Thanh Hóa… Bỗng năm đó có giặc Đông Di (Cao Ly Triều Tiên ngày nay) nổi lên xâm chiếm đất đó, quấy nhiễu cướp đoạt dân cư. Nhà vua bèn sai ông ra quân dẹp giặc…

Thật không biết vị thần Cao Sơn này chính xác sống vào thời nào. Chỗ thì bảo là đời Tấn (thế kỷ thứ 10), chỗ lại là thời Lý nhưng dùng niên hiệu Khánh Lịch của nhà Tống. Thậm chí ông này còn đánh giặc Đông Di ở tận Triều Tiên??? Quãng thời gian thế kỷ 10 – 11 thì nước ta đã độc lập rồi, lấy đâu ra vị quan đô hộ nào của phương Bắc cai quản ở đất Thanh Hóa nữa?

Vị tiến sĩ tài ba cai quản đất Thanh Nghệ mang tên Cao Hiển Văn Trường này thực ra là Tiết độ sứ của nhà Đường Cao Biền. Tướng Cao Biền có công đánh dẹp quân Nam Chiếu, truyền tích gọi là giặc Đông Di, ở vùng Thanh Nghệ, chứ chẳng phải ở tận Cao Ly Triều Tiên. Nam Chiếu là quốc gia xuất phát từ Bắc Trung Bộ Việt (không phải từ Vân Nam như sử Tàu vẫn chép) chiếm lĩnh vùng Tây Bắc Việt, làm nhà Đường lao đao, phải cử Cao Biền làm tướng đánh dẹp. Việc Cao Biền tiến xuống phía Nam, đánh vào sào huyệt của Nam Chiếu ở Nghệ An đã từng được bàn trong bài trước về thần Cao Sơn Cao Các. Thanh Hóa là nơi Cao Biền cho xây hành cung, là một vị trí chiến lược trong yếu trong việc trấn giữ quân Nam Chiếu thời kỳ này.

Sự xuất hiện của Cao Biền và hành cung tại Vĩnh Lộc thời Đường được khẳng định bởi những khai quật khảo cổ thành nhà Hồ. Tại di tích này đã phát hiện nhiều viên gạch mang dòng chữ Giang Tây quân và Giang Tây chuyên. Giang Tây là từ tương đương với tên gọi Tĩnh Hải mà Cao Biền là vị Tiết độ sứ đầu tiên của Tĩnh Hải quân. Gạch Giang Tây quân là loại gạch của Tĩnh Hải sứ quân Cao Biền.

Giang Tay quan - Gạch Giang Tây quân tìm thấy ở thành nhà Hồ

(nguồn ảnh https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phat-hien-gach-co-nghin-nam-tai-thanh-nha-ho-2662936.html)

Cũng tại di tích thành nhà Hồ còn tìm thấy các viên gạch mang chữ Đại Việt quốc, nhưng lại không hoàn toàn giống như gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên dùng trong xây thành Hoa Lư và Thăng Long. Viên gạch ở thành nhà Hồ mang các chữ còn lại đọc được là Đại Việt quốc Nam bình 大越国南平. Gạch Đại Việt là loại gạch dùng xây thành dưới thời nước Đại Việt do Lưu Cung lập nên, chứ không phải thời Lý vì mãi tới năm 1054 vua Lý thứ 3 là Lý Thánh Tông mới đặt tên nước là Đại Việt và dùng gạch với niên hiệu Long Thụy Thái Bình.

Gach Dai Viet quoc - Gạch Đại Việt quốc Nam bình… tìm thấy ở thành nhà Hồ

(Nguồn ảnh https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phat-hien-gach-co-nghin-nam-tai-thanh-nha-ho-2662936.html)

Hai lớp gạch Giang Tây quân và Đại Việt quốc ở thành nhà Hồ như vậy tương đồng với các lớp gạch xây thành tại Hoa Lư. Đây là bằng chứng xác thực về một trị sở quan trọng liên tục từ thời Đường tới thời Đinh Lê tại địa bàn Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Các hiện vật thời Lý Trần cũng được phát hiện và trưng bày tại thành nhà Hồ như lá đề có hình rồng, phượng, gạch lát nền hoa dây, hình đầu thú đất nung,… Có thể thấy rõ đây là một trung tâm chính trị tồn tại liên tục bắt đầu từ khi Tiết độ sứ Cao Biền xây dựng vào thời Đường cho tới khi nhà Hồ chuyển kinh đô của cả nước về An Tôn và xây thành đá. Việc loại bỏ không trưng bày hay không tính tới các lớp di vật của thời Đường, thời Đinh Lê tìm thấy trong di tích làm hạn chế giá trị của di tích này và làm khuất lấp sự thực lịch sử về vai trò của các triều đại trước thời Trần Hồ khi xây dựng khu vực thành ở Vĩnh Lộc.

La de lech - Lá đề lệch hình rồng trưng bày ở khu thành nhà Hồ.

Sự hiện diện của Tiết độ sứ Cao Biền và hành cung thời Đường ở Vĩnh Lộc còn được ghi nhận trong một sự tích khác. Đình Hồ Nam tại xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) cũng như nhiều ngôi đình, nghè ở khu vực xung quanh thành nhà Hồ hiện đang thờ vị thần là Quản Gia Đô Bác. Sách Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo chép về vị thần này như sau:

Buổi đầu, ngài giữ chức Quan Lang Thổ Tù ở đất Thiên Vực họ Trịnh, tên La (Ngọc phả ghi là Ra), là người thông minh mẫn tiệp, trung tín, truyền mãi danh thơm. Nhà ở xứ Long Xá, đời thế làm tù trưởng, có 3 anh em, 2 trai, 1 gái, trai trưởng là ngài, thứ là Tú, gái út tên là Thị Ba. Cả ba anh em dung mạo đẹp đẽ, dáng dấp khỏe mạnh, đĩnh đạc.

Vào thời gian vua Đường Ý Tông niên hiệu Hàm Thông bên Bắc Quốc (Trung Quốc), vua xuất trị thiên hạ sai Cao Biền giữ chức Đô Hộ sứ trấn giữ nước Nam. Khi đặt chân tới Nam Bang, Cao Biền mệnh xưng là Cao Vương đi kinh lý quan sát địa hình núi sông. Qua đất nhà Trịnh ở huyện Vĩnh Ninh, Cao Biền ngang qua nhà ông. Biền biết ông là người trung thực, bình định xong được Nam Chiếu, Cao Biền cho ông theo cùng về thành Đông Quan. Ông không quản mệt nhọc, một lòng theo hầu, chuyên tâm vào việc. Cao Biền cho ông là người hiền lành, tài đức, chịu khó nên rất mực yêu thương, bèn giao cho ông năm quyền quản lý kho của phủ và việc nhà. Ông làm việc chăm chỉ nên lại lập được nhiều công lớn. Cao Vương rất mực yêu mến tài của ông, ban cho Thạch Khố sứ quan, kiêm Quản Tri quan trung Nội Ngoại chư khố.

Ông lại cáo từ về quê. Cao Vương quý ông trung thành ban cho ông 500 quan tiền, vì thế mà trở thành người giàu có. Ông lại có tính thương xót kẻ nghèo khó, mọi người trong huyện ai nấy đều được ông ban phát.

Trước kia tổ phụ họ Trịnh có hiềm khích với người làng Vĩnh Thanh, có oán thù về đời thế từ lâu mà chưa phân giải được, người đó tên là Hà Lang… Khi thuyền gần tới phía bờ cát, ba anh em đang ngồi trên thuyền nhìn nhau, Hà Lang từ trong bờ đột nhiên xông ra phục kích, cả ba anh em đều bị hại… Xác trôi quanh quẩn ở đó 5 ngày, người nhà biết được báo tin cho Cao Vương. Cao Vương nhớ đến công lao, bèn cho an táng ở đỉnh núi Nhật Chiêu, sai người đắp thành mộ, lập đền thờ trên đó, lệnh cho nhân dân thờ phụng… Cao Biền phong cho ngài là Đương Giang Quản Gia Thần Vương…

Dinh Ho Nam - Đình Hồ Nam (Vĩnh Khang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Cuối triều nhà Trần, khi họ Hồ tiếm ngôi vua đế, dời kinh đô từ về Tây Đô. Một đêm, mộng thấy một người khách lạ, mình mặc áo lụa mỏng, đầu đội bình đính, lưng thắt đai đen, đứng bái trước mặt tự xưng: Thần là Trịnh La, nối đời làm Tù trưởng, xin Cao Vương phong làm Thần vương, giúp dân quanh vùng được hưởng phụng thờ bảo vệ dân trong một vùng. Nay thiên hạ thái bình, nguyện xin đại vương bày rõ uy đức, chớ đem tai ương đến cho dân sinh. Nói xong không thấy đâu nữa.

Vua Hồ tỉnh dậy, mới biết là mình nằm mộng, liền chiêu gọi các phụ lão hỏi rõ đầu đuôi. Vua Hồ biết được quả rất anh linh, có ý giúp lập cơ vận nhà Hồ, bèn ban lệnh cho sửa chữa đền thờ, gia phong cho thần là Đương Giang Quản Gia Đô Bác Đại Vương.

Từ sự tích trên ta có bằng chứng rõ ràng về hiện diện của Cao Vương Biền tại đất Vĩnh Lộc. Hơn thế, khi đó tù trưởng hay thủ lĩnh địa phương tại đây là người họ Trịnh, đã theo Cao Biền làm quản gia. Có thể suy luận, người đã giúp Cao Biền xây hành cung tại Vĩnh Lộc chính là vị Quản Tri quan trung nội ngoại chư khố Trịnh La. Đó cũng là lý do tại sao sau đó khi vua Hồ dời đô về An Tôn đã gặp vị “thành hoàng” họ Trịnh này hiển mộng phù trợ.

2018-04-19 - Sơ đồ các điểm di tích trong khu vực thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc

(ảnh theo Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ).

Điểm đáng lưu ý khác là như thần tích cho biết họ Trịnh ở đất Vĩnh Lộc đã đời thế làm tù trưởng, từ thời Đường. Sau đó đến thời Lê vùng đất này lại có danh tướng là Trịnh Khả, công thần lập quốc của nhà Lê, cùng tham gia khởi nghĩa với Lê Lợi. Trịnh Khả có cha là Tổng chính (chánh tổng) của vùng Vĩnh Ninh. Tổ tiên trước làm quan triều Trần, có công bình dẹp giặc Nguyên. Như vậy, họ Trịnh trên vùng đất Vĩnh Lộc là thủ lĩnh của khu vực này suốt từ thời Đường tới thời Lê sơ. Sang thời Lê trung hưng lại nổi lên chúa Trịnh, cũng quê ở Vĩnh Lộc, là người nắm quyền điều hành quốc gia trong một thời gian dài.

Như thế rất có thể cội nguồn của các chúa Trịnh, tướng quân Trịnh Khả thời Lê đều bắt đầu từ vị Trịnh La, người xây thành đầu tiên tại đất Vĩnh Lộc dưới thời Cao Vương Biền. Đồng thời, hơn 400 nơi thờ thần Cao Sơn ở Thanh Hóa cũng chính là nơi thờ Cao Biền, vị Tiết độ sứ quân đầu tiên của đất Tĩnh Hải, người xây thành Đại La, Hoa Lư và thành ở Vĩnh Lộc.

NGỒN BÀI ĐĂNG: NGƯỜI ĐẦU TIÊN XÂY THÀNH NHÀ HỒ Ở THANH HOÁ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét