XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Những bản dịch về Tết và vấn đề nguồn gốc của Tết

Hai câu nói, trích dẫn sau được chia sẻ rất phổ biến và rộng rãi, thậm chí trên cả những trang thông tin chính thống của chính phủ cũng đăng tải lại những câu nói này để khẳng định về nguồn gốc của Tết.
1. Kinh Lễ viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”. [1]
2. Sách “Giao Chỉ Chí” viết: “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này”. [1]
Nhưng khi tra lại nguồn của những bản dịch, đoạn trích này, ad rất thất vọng vì những câu nói này hoặc đã dịch sai ý gốc của câu nói, hoặc là không có thực.
Về câu nói số 1, nếu ad không nhầm, đây là bản dịch của tác giả Nguyễn Hy Vọng, nếu bạn đọc tìm hiểu về ngôn ngữ có lẽ sẽ biết. Nhưng nguyên văn hoàn toàn khác với đoạn trích trên. Đây là nguyên bản của đoạn trích trong Kinh Lễ:
"子貢觀於蜡。孔子曰:「賜也樂乎?」對曰:「一國之人皆若狂,賜未知其樂也!」子曰:「百日之蜡,一日之澤,非爾所知也。張而不弛,文武弗能也;弛而不張,文武弗為也。一張一弛,文武之道也" [2]
Tạm dịch: "Tử Cống (sau khi đi xem lễ tế nông nghiệp cuối năm). Khổng Tử nói: 'Tứ (Tử Cống) có vui không?' (Tử Cống) trả lời: 'Người dân cả nước vui sướng như điên. Ta không biết thế nào là vui.' Khổng Tử nói: 'Hàng trăm ngày lao động, (những người nông dân) được hưởng ân trạch vào một ngày lễ ấy. Đó là điều ngươi không hiểu.'"
Câu nói này không nhắc gì tới người Việt (man), mà chỉ nhắc về ngày lễ cuối năm (mừng mùa vụ) (có lẽ là ở vùng đồng bằng sông Hoàng Hà).
Về đoạn trích số 2, ad tìm nguồn 交趾志 (Giao Chỉ Chí) , hoàn toàn không ra kết quả nào, đây là nguồn chữ Hán duy nhất mà ad tìm được, cũng là từ trang Việt Nam (baochinhphu): 交趾志书亦写:「交郡人常在连续许多天聚会跳舞唱歌、吃喝玩乐来喜悦迎接新的耕种季节,参加者不仅为农民而还包括郎官、洞王家人。」[3]
Nhưng đây lại là chữ Hán giản thể được dịch ngược từ tiếng Việt, không phải bản gốc thực sự của câu nói này. Nếu nó là bản gốc, sẽ phải được viết dưới dạng chữ Hán phồn thể, và có thể tra được nguồn của đoạn trích, nhưng kết quả hoàn toàn không có.
Thực sự nguy hiểm khi những đoạn trích, câu nói được dịch sai lệch hoặc không có thực này lại được sử dụng phổ biến để xác định về nguồn gốc của Tết, hay phần nào đó chính là nguồn gốc dân tộc. Những câu nói sai lệch này đã bị người Trung Quốc chụp lại, đăng nhiều bài viết chế giễu [4], quả thực là đáng xấu hổ.
Như đoạn trích từ Lễ Ký, chúng ta hiểu được rằng lễ hội mừng năm mới, chính là một ngày lễ để ăn mừng sau những ngày tháng vất vả làm nông nghiệp, đó chính là nhu cầu cơ bản của mọi dân tộc làm nông nghiệp, đặc biệt là ở trong vùng Đông Á, Đông Nam Á, vốn xuất phát từ hai vùng nông nghiệp lớn trên thế giới: trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Dương Tử và trồng kê ở vùng đồng bằng sông Hoàng Hà. Nên tất cả các dân tộc có nguồn gốc từ các vùng nông nghiệp này nhìn chung đều có những ngày lễ mừng mùa vụ, chào đón năm mới.
Dân tộc Việt cũng xuất phát từ vùng nông nghiệp lúa nước ở vùng đồng bằng sông Dương Tử, chúng ta có thể nói là một trong những hậu duệ trực tiếp nhất của văn minh ở đây (mà nhiều bài viết ad đã chỉ ra sự kế thừa của văn hóa Đông Sơn với các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà và các văn hóa vùng Dương Tử) [5][6], nên việc người Việt có ngày lễ mừng năm mới là điều tất yếu và tự nhiên. Nên không cần phải nhờ người Hoa Hạ dạy, chúng ta mới biết ăn Tết, trong khi họ có nguồn gốc từ vùng Cam Túc, Thanh Hải ở Tây Bắc Trung Quốc, vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà mới chỉ khoảng 5000-6000 năm trước [7][8][9].
Thêm nữa, vấn đề nguồn gốc của lịch cũng là một vấn đề quan trọng nhưng chưa được làm rõ, người Việt trải qua 1000 năm đô hộ bởi các triều đại Hoa Hạ, nên dù có lịch, người Việt cũng không thể giữ được, nhưng qua chính những ghi chép của Trung Quốc, chúng ta biết được tương ứng với thời nhà Hạ, người Việt đã có lịch, đó là lịch rùa, được nhà Hạ tiếp nhận qua việc tặng rùa thần ngàn tuổi của người Việt phương Nam.
Thái Bình ngự lãm (Lý Phưởng) dẫn Thuật dị kí của Nhâm Phưởng chép: “陶唐之世,越裳國獻千歲神龜,方三尺余。背上有文,皆科斗書,記開辟已來命錄之龜曆。” – “Vào thời nhà Đào Đường, người nước Việt Thường tặng rùa thần ngàn tuổi, vuông hơn ba thước, trên lưng có chữ, đều là lối chữ khoa đẩu, ghi từ thủa mở mang về sau, (vua Nghiêu) sai chép lại gọi là lịch rùa.”
Thêm những thông tin về nguồn gốc tên gọi của 12 con giáp, một bộ phận của âm lịch, các nghiên cứu ngôn ngữ đã cho thấy, tên gọi của 12 con giáp có nguồn gốc từ ngôn ngữ Austroasiatic, mà đại diện tốt nhất là tiếng Việt-Mường [10][11][12], đã cho thấy, có khả năng âm lịch không phải do người Hoa Hạ tạo nên, họ có thể tiếp nhận từ người Việt phía Nam, sau đó phát triển thêm, và người Việt từ đó mượn ngược lại cách tính lịch của người Trung Quốc.
Do vậy, chúng ta hoàn toàn không cần ngụy tạo những thông tin như vậy, để tự huyễn hoặc người dân nước mình làm gì, nó không những không có ích, mà còn khiến nhiều người lầm tưởng, đồng thời cũng khiến nhiều người khác nảy sinh tâm lý kỳ thị về vấn đề nguồn gốc dân tộc. Chỉ cần nói sự thực, tìm hiểu, chứng minh bằng những bằng chứng khoa học, thì những gì của chúng ta, sẽ tự nhiên thuộc về chúng ta mà không cần thiết phải gắng công cố nhận về mình (giống như việc tạo ra những câu nói, trích dẫn không có thực ở trên).
Chú dẫn và tham khảo:
[2] Kinh Lễ, Thiên Tạp Ký Hạ. https://ctext.org/liji/za-ji-ii (đoạn 125)
[7] Su, B., Xiao, C., Deka, R. et al. Y chromosome haplotypes reveal prehistorical migrations to the Himalayas. Hum Genet 107, 582–590 (2000). https://doi.org/10.1007/s004390000406
[8] Zhao YB, Li HJ, Li SN, Yu CC, Gao SZ, Xu Z, Jin L, Zhu H, Zhou H. Ancient DNA evidence supports the contribution of Di-Qiang people to the han Chinese gene pool. Am J Phys Anthropol. 2011 Feb;144(2):258-68. doi: 10.1002/ajpa.21399. Epub 2010 Sep 24. PMID: 20872743.
[9] Wang, C. C., Wang, L. X., Shrestha, R., Zhang, M., Huang, X. Y., Hu, K., Jin, L., & Li, H. (2014). Genetic structure of Qiangic populations residing in the western Sichuan corridor. PloS one, 9(
[10] Norman, Jerry (1985). A Note on the Origin of the Chinese Duodenary Cycle. In: Graham Thurgood; James A. Matisoff; David Bradley (editors), Linguistics of the Sino-Tibetan Area: The State of the Art: 85–89. Pacific Linguistics, Series C 87.
[11] Mei, Tsu-lin (梅祖麟) (1980). “Chinese and the languages of Southeast Asia”. Association for Asian Studies Conference.
[12] Ferlus, Michel (2013). “The sexagesimal cycle, from China to Southeast Asia”. 23rd Annual Conference of the Southeast Asian Linguistics Society, Bangkok, Thailand.
Nguồn :

Lược Sử Tộc Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét