Nho và mùi
Quả nho ăn thì có mùi vị nho, nhưng khi đã ủ thành rượu vang
(Vin-tiếng Pháp) thì xảy ra một sự rất lạ, ấy là lúc đó ta ngửi thấy trong ly
rượu có rất nhiều thứ mùi khác.
Nếu bạn thính mũi và dùng được cồn thì rất nên mua rượu vang tốt,
rót ra đúng cách vào chiếc ly đúng kiểu, xoay nhẹ nhẹ rồi thong thả thò mũi vào
ly mà ngửi, nhắm mắt lại nghĩ một tí sẽ thấy nguyên một bouquet (một bó, kiểu
bó hoa) mùi thơm. Mùi trái cây, mùi gỗ, mùi khói, mùi hoa... dường như cả thiên
nhiên thu lại vào trong chai vang như chiếc hồ lô thần hút mọi thứ của Thái
thượng lão quân vậy.
Vì sao có hiện tượng này?
Chúng ta biết là một gốc nho làm rượu có thể sống vài trăm năm
tuổi. Những vườn nho ở các vùng làm rượu nổi tiếng các gốc được đánh số cẩn
thận. Sản lượng quả mỗi năm một khác và chất lượng cũng khác, do thiên nhiên
thời tiết từng năm. Cây nho có một đặc tính quái quỷ là nó có khả năng thu hút
mùi vị của môi trường xung quanh vào trái. Nếu cạnh đó có vườn đào-mơ-mận, rượu
sau này sẽ thơm mùi mơ mận, nếu cạnh rừng tùng bách, trong rượu sẽ có hương
tùng bách... vì thế có những nhà làm rượu tương kế tựu kế hun khói trên cánh
đồng nho. Và rượu của họ năm đó tất nhiên là vào bảng đặc biệt.
Thực sự không phải bỗng dưng mà rượu vang lại chinh phục được nhiều
trái tim hâm mộ như thế. Tất cả chỉ vì những mùi những vị mà nó mang trong
mình. Tuỳ từng vùng đất đai cây cỏ thiên nhiên, tuỳ từng giống nho, tuỳ từng
mùa mưa nắng Trời phát, và tuỳ từng tay người thợ ủ mà từ cái gốc nho khù khoằm
sản sinh ra cái thứ nước trong vắt có mùi thơm nguyên một bó bu-két.
Cồn là để uống cho say, còn mùi vị là để mình ngất ngây. Rượu vang
tốt là một thứ rất hay để đưa ta vào một trạng thái khác, mà nhất định là trạng
thái tích cực. Vì ngửi thấy mùi thiên nhiên, cảm được vị mưa nắng thì cái giống
sinh vật tên Người là ta chắc chắn sẽ tử tế lên hơn một tí 🙂
Một ly vang tốt ấy là một cái ly có chân bằng pha-lê chất lượng,
trong có rượu chất lượng. Ta xoay nó, nhìn ngắm cái ánh sáng khúc xạ đẹp đẽ của
pha-lê bao quanh chất lỏng. Ta cụng ly và lắng nghe tiếng vang của âm thanh
thật nhã nhặn. Ta ngửi mùi thơm rồi đoán và nghĩ tới những thứ xa xôi cạnh cánh
đồng nho xứ xa ấy. Rồi ta mới nhấp để tìm cái vị vang tan trong miệng. Từng ấy
bước đã đủ là một cuộc du lịch nho nhỏ mà thư giãn, chưa kể có bạn hiểu đời
hiểu mình mà bàn tán về vang, thì quả là đáng đồng tiền bát gạo. Tất nhiên rồi,
mắt ngắm, mũi ngửi, tai nghe, lưỡi nếm và trí tưởng tượng triển khai. Ly vang
không còn thấy đắt đỏ một chút nào nữa.
Nếu bạn muốn say thì đơn giản có thể dùng vodka, rum, tequila... rẻ
và hiệu quả lại nhanh, nhưng bạn muốn giữ mình tỉnh biết, mà lại thả hồn bay
bổng xa xôi thì phải dùng vang thôi. Không khác được.
Ở Cờ-rưm có một chuyện đáng tiếc, ấy là vườn nho của Sa hoàng ngày
xưa gây giống từ thời Ekaterina Đệ nhị mang cây quý từ Pháp về trồng. Trải qua
mấy trăm năm thì nghề làm vang đã trở nên khá teo tóp dưới thời CCCP. Rồi ông
Gooc-ba-chop với tầm nhìn hạn hẹp đã ra cái lệnh Cấm rượu, dẫn tới vụ phá nho
hàng loạt ở Cờ-rưm. Thế là câu Ngu dốt+Nhiệt tình= Phá hoại đã hiển hiện nhỡn
tiền, tài nguyên của nả nước nhà bao thế hệ gây dựng đùng cái phá tan nát. Mấy
trăm năm nho đã thành tro bụi 😞
May thay bảy tám năm trước, cả vùng Krasnodar
và Kuban đã trồng lại nho từ từ rồi. Đến giờ
đã bắt đầu có trái, năm ngoái rượu nho Cờ-rưm mang đi triển lãm ở Pháp được bốn
năm giải liền. Đỡ quá!
Bây giờ nếu đi xe từ thủ đô về Cờ-rưm, nhất định bạn sẽ thấy những
cánh đồng nho chạy dài hai bên quốc lộ, tuy cây còn non trẻ nhưng chắc chắn vẫn
đang hút mùi thơm của thiên nhiên đồng ruộng chung quanh vào trái đấy.
Nếu ai còn nghi ngờ mùi nho thì Tết này thử luôn đi nhé. Nhớ là mua
vang tốt uống cho đúng kiểu mới nhận được ra. Làm mà sai hay tịt mũi không thấy
gì ráng chịu 🙂
..............
Ảnh là lũ nho Isabela hồi mùa thu ngày nghỉ tớ đi thu hoạch. Cuối
cùng tất nhiên là không ủ được rượu, ta bỏ ra nhắm cho đẹp.
Còn cái ly rượu đẹp đẽ kia là bức tranh của danh hoạ Tây ban nha
Javier Mulio 8 ngàn đô. Đồ tốt là nó không rẻ được, tranh cũng thế mà rượu càng
thế.
Bài của Cat Nhu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét