XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

Nguyễn Trãi


Tranh chân dung Nguyễn Trãi lưu giữ trong kho bảo tàng Lịch sử quốc gia.


Bạn biết không? Theo hồ sơ lưu lại, đây là bức tranh vẽ khi Nguyễn Trãi 60 tuổi (1439) và được lưu giữ trong gia tộc ở thôn Nhị Khê, xã Quốc Tuấn, huyện Thường Tín, Hà Đông. Tranh do cháu đời thứ 17 của Nguyễn Trãi tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vào tháng 12 năm 1959. Đây cũng là tác phẩm vẽ trên lụa cổ nhất ở Việt Nam hiện nay, là minh chứng cho những công lao, đức độ của ông đã được họa sỹ đương thời khắc họa rất chân thực.

Tranh vẽ chân dung Nguyễn Trãi thể hiện nét mặt hiền từ, đôi mắt sáng tinh anh, ngồi trên ngai, đội mũ cánh chuồn màu đen, mặc áo màu xanh có trang trí hai rồng chầu mặt trời, mây, tứ linh; cổ, ngực và vạt tay áo màu cánh sen. Ngai màu nâu trang trí hoa bốn cánh, tay ngai thể hiện cách điệu hình rồng quay ra ngoài, chân quỳ.

Do có công lao lớn Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tổ ban họ vua là Lê Trai và phong chức tước: "Khai quốc công thần, Nhập nội hành khiển, Trung thư hàn lâm ngự sử, Lục Bộ Thượng Thư, Tứ Kim Ngư Đại Thượng Hộ Quan Phục Hầu”. Năm 1442, vụ án Lệ Chi Viên oan khuất đã kết thúc đời ông cùng ba họ.

Nguyễn Trãi có năm người vợ.

+ Bà họ Trần: Sinh ra Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng, Nguyễn Phù.
+ Bà họ Phùng: Sinh ra Thị Trà, Nguyễn Bảng, Nguyễn Tích.
+ Bà Thị Lộ: Không có con.
+ Bà Phạm Thị Mẫn: Sinh ra Nguyễn Ánh Vũ (sau vụ án Lệ Chi Viên)
+ Bà họ Lê: Sinh ra con cháu ở chi Quế Lĩnh, Phương Quất- huyện Kim Môn, Hải Dương.

Sau vụ án Lệ Chi Viên, dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết. Trong các phả hệ ghi lại số ít thoát nạn là: Nguyễn Phi Hùng con Nguyễn Phi Khanh là em thứ ba của Nguyễn Trãi chạy về Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh; Nguyễn Phù con Nguyễn Trãi chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn. Bà họ Lê vợ thứ năm của Nguyễn Trãi mang thai chạy về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương.

Bà Phạm Thị Mẫn vợ thứ tư của Nguyễn Trãi có mang ba tháng, được người học trò cũ của Nguyễn Trãi là Lê Đạt đưa bà chạy trốn vào xứ Bồn Man (phía Tây Thanh Hóa); Sau lại về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Nay là thôn Dự Quần, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia. Tại Đây, bà sinh ra Nguyễn Anh Vũ. Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Thanh Vũ.

Mặc dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn Nguyễn Anh Vũ vẫn nối chí cha ông, dùi mài kinh sử, thi đỗ hương cống.

Năm 1464, vua Lê Thánh Tông ra chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi, vụ án Lệ Chi Viên mới đến hồi kết thúc sự truy sát của triều đình. Nguyễn Anh Vũ được Lê Thánh Tông phong cho chức Đồng Tri Phủ Tĩnh Gia- Thanh Hóa, cấp cho 100 mẫu ruộng gọi là "Miễn hoàn điền" (ruộng không phải trả lại) con cháu đời đời được hưởng. Nhớ ơn ông cha tổ tiên, Nguyễn Anh Vũ xây dựng mộ chí của Nguyễn Trãi tại xứ đồng Tai Hà, làng Dự Quần. Lấy sọ dừa, cành dâu táng làm cốt. Ông xây dựng từ đường tổ tiên và người cha quá cố của mình. Lấy ngày mất của Nguyễn Trãi, 16 tháng 8 là ngày giỗ họ. Đời sau do khó khăn về kinh tế, tháng 8 lại gió bão nhiều, không thuận tiện cho việc tế tổ, họ chuyển ngày giỗ sang ngày 21 tháng Giêng (ngày mất của tổ Nguyễn Anh Vũ).

Nguyễn Anh Vũ có hai bà vợ, tám người con: Bà cả sinh hạ sáu con trai một con gái.

Con cả là Nguyễn Tạc năm 23 tuổi đỗ tiến sĩ đệ tam danh "Thám hoa" được bổ nhiệm chức trấn thủ xứ An Bang (khu vực tỉnh Quảng Ninh hiện nay). Sau đi sứ Trung Quốc bị đắm thuyền mất ở hồ Động Đình, tỉnh Hà Nam- Trung Quốc.

Sau vụ Lệ Chi Viên ở quê tổ Chi Ngại và Nhị Khê, dòng họ thất tán không còn ai. Nguyễn Anh Vũ cử người con thứ hai là Nguyễn Đám trở về Nhị Khê để khởi dựng lại dòng họ, tu sửa từ đường phần mộ tổ để thờ cúng.

Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, dòng họ Nguyễn ở Nhị Khê lại cử cụ Nguyễn Thung hiệu là Phúc Khánh trở về chốn tổ là thôn Chi Ngại để chấn hưng dòng họ và trông coi phần mộ tổ ở núi Bái Vọng. Vì vậy chi họ Nguyễn ở Chi Ngại lấy đệm là Nguyễn Quy (Quy là quay trở lại gốc tổ tiên).

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét