Từ đầu thế kỷ trước, Tam Quốc
(Tam quốc diễn nghĩa) đã được dịch sang tiếng Việt và được các thế hệ người đọc
Việt Nam
nhiệt liệt đón chào. Tại Trung Quốc, nơi sinh ra bộ sử thi - tiểu thuyết số một
này, Tam Quốc bao giờ cũng được giữ nguyên sức sống mãnh liệt.
Mới đây, Đài THHN lại đưa người
xem về với một không khí Tam Quốc "thứ thiệt" qua bộ phim hoành
tráng, dài trên 80 tập mà chắc chắn được xem là tốt nhất trong các bộ phim cùng
đề tài trước đây. Bằng diễn xuất tuyệt vời của mình, nghệ sỹ Bào Quốc An một
lần nữa đã gieo vào lòng những người hâm mộ Tam Quốc một câu hỏi đã tồn tại lâu
nay và tưởng chừng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng:
-Tào Tháo là kẻ gian hùng hay là
người anh hùng?
Quả vậy, cho tới nay, các chuyên
gia về Tam Quốc của Trung Quốc vẫn còn đang "bất phân thắng bại" ở đề
tài này, cho dù dường như các bên đều thừa nhận Tào Tháo là một vĩ nhân lỗi
lạc. Với lòng hâm mộ tác phẩm, chúng tôi xin được lạm bàn đôi nét, rất mong
được các bậc đại khoa chỉ giáo.
1. Tam Quốc bao quát cả một thời
kỳ lịch sử gần một thế kỷ (từ 184 đến 280 sau công nguyên), tại đó, ba nước
Ngụy, Thục, Ngô đã hình thành thế chân vạc trong quá trình đánh dẹp cuộc khởi
nghĩa nông dân và trong cuộc chiến tranh giữa các chư hầu với nhau. Bắt đầu từ
cuộc khởi nghĩa của ba anh em Trương Giốc mà lịch sử gọi là cuộc khởi nghĩa
Hoàng Cân (Khăn vàng) cho tới khi Tư Mã Viêm, cháu tướng Ngụy Tư Mã Ý, thống
nhất được Trung Quốc để lập nên nhà Tấn và chấm dứt cục diện tam quốc phân
tranh.
Tác giả La Quán Trung viết Tam
Quốc với quan điểm "chính thống" phò Hán Yên Lưu mà tư tưởng chủ yếu
được hình thành do ảnh hưởng của học thuyết Khổng giáo kết hợp với vài yếu tố
của Phật giáo và Đạo giáo. Với ông, họ Tào không phải dòng dõi họ Lưu (Hán) nên
được xem là đối nghịch với Lưu Bị và người dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương. Đứng
trên quan điểm tiến bộ, La Quán Trung đã nói lên nguyện vọng của nhân dân được
sống trong hòa bình và dưới triều của một ông vua anh minh. Vì thế, đương nhiên
kẻ đối nghịch là Tào Tháo phải được mô tả như một tên gian thần.
Tháo khôn ranh từ nhỏ. Vốn nghịch
ngợm nên hay bị người chú mách với cha là Tào Tung. Vì thế, Tháo nghĩ ra ngay
một kế để lừa chú. Thấy chú đến, Tháo giả vờ nằm quay ra đất như kẻ bị trúng
phong. Chú Tháo thấy vậy sợ quá liền chạy vào báo với Tào Tung. Tung ra thấy
con không làm sao bèn hỏi:
- Chú mày nói trúng phong, khỏi
rồi à?
- Thưa cha, từ nhỏ có bao giờ con
bị bệnh ấy đâu! Chẳng qua chú ghét con mới đặt điều ra thế.
Từ đấy, Tào Tung tưởng thật và
không bao giờ tin người em khi ông này mách tội Tào Tháo nữa.
Người ta đã quá quen thuộc với
các giai thoại về Tào Tháo với châm ngôn "chết người"- "Thà ta
phụ người còn hơn để người phụ ta", chẳng hạn, Tháo giết cả nhà Lã Bá Sa,
mượn đầu Vương Hậu để yên bụng quân, giả vờ ngủ say để rồi giết cả lính hầu...
Trong cái "bảy thực ba hư" của Tam Quốc, tác giả mượn Tào Tháo để mô
tả một cách khái quát và sống động tính gian hùng, đa nghi, tàn ác, xảo quyệt
của giai cấp thống trị đương thời và của nhiều thời đại.
Người đời Tấn là Lục Cơ có nói:
"Tuy công lao của Tào Tháo đầy khắp cả cõi Trung Hoa, nhưng ông ta lại tàn
ác vô cùng, dân chúng ai ai cũng oán ghét".
Tào Tháo kỳ thị người hiểu rõ gan
ruột mình mà Dương Tu, Tuân Úc, sau này đều là các nạn nhân. La Quán Trung đã
dành trọn ác cảm với họ Tào qua bài hịch hùng hồn do Trần Lâm soạn khi Viên
Thiệu chuẩn bị khởi binh đánh Tào Tháo... Phải chăng với tư tưởng chủ đạo của
Tam Quốc, ở Tào Tháo, chữ nhân - yếu tố đầu tiên của Ngũ thường, được xem là
thiếu hụt hơn hết so với các mặt khác. Điều này không khó giải thích khi chứng
kiến ác cảm với ông ta của nhiều thế hệ người đọc. Nhưng...
2. Dù cho tác giả có mô tả Tào
Tháo như một kẻ gian thần ác độc, một mẫu nhân vật có thể khiến người đời phải
khiếp đảm khi nghĩ đến ông ta, song điều nghịch lý lại ở chỗ La Quán Trung vẫn
cứ phải dùng những lời lẽ tốt đẹp nhất để nói về Tào Tháo, kể cả việc viết nên
rất nhiều chi tiết xúc động lòng người để mô tả tài năng xuất chúng và cả lối
hành xử rất quân tử của con người ấy.
Ngay khi xuất hiện lần thứ nhất,
tác giả đã đặc biệt ưu ái Tào Tháo rồi: "... Bỗng thấy một toán binh mã
kéo toàn cờ đỏ xông ra chặn đường. Một tướng đi đầu mình cao bẩy thước, mắt nhỏ
râu dài. Tướng ấy là ai? Tức là quan kỵ đô úy, người ở Tiêu quận nước Bái, họ
Tào tên Tháo, tự là Mạnh Đức". La Quán Trung kể tiếp: Bấy giờ có người tên
là Kiều Huyền bảo Tháo rằng:
- Thiên hạ sắp loạn, trừ phi có
tay tài giỏi hơn đời thì mới mong dẹp được loạn. Làm được như thế chắc chỉ có
bác.
Hà Ngung ở Nam Dương, một hôm
trông thấy Tháo đi qua cũng tán tụng rằng:
- Nhà Hán sắp mất, yên được thiên
hạ chỉ có người này!
Gian hùng mà không phải gian thần
(bản dịch của Phan Kế Bính - Bùi Kỷ). Đó mới là lối miêu tả qua tướng mạo nhìn
người của chính tác giả với nhân vật trung tâm của mình. Tuy thế, phải đến lúc
mô tả lối hành xử khi đã cầm quân của họ Tào, ngòi bút của La Quán Trung mới
thể hiện được một cách xuất sắc điều ông muốn nói.
Ngay từ khi mới ra làm quan, Tào
Tháo nổi bật tính thanh liêm và luôn tôn trọng luật pháp với phương châm
"luật pháp bất vị thân" nên rất được dân nể sợ. Là người hết sức coi
trọng tài năng, bất kể "quý - tiện", Tào Tháo tỏ ra có quan điểm tiến
bộ nhất trong đám quan lại hồi đó. Cũng chỉ một mình Tào Tháo xung phong vào
cung hành thích tên gian tặc Đổng Trác, việc không thành, bỏ trốn bị Trần Cung
bắt được, Tháo dõng dạc:
- Ông cha ta đời đời ăn lộc nhà
Hán, nếu ta không nghĩ cách báo quốc, có khác chi giống muông thú. Nay việc
không xong, cũng là lòng Trời!
Tào Tháo nổi bật nhất so với mọi
tướng lĩnh cùng thời về cách hiểu và dùng người. Ông là người anh hùng nên cũng
trọng người anh hùng và chuyện "Uống rượu luận anh hùng" của Tam Quốc
chỉ là một ví dụ. Hết sức coi trọng tài năng và giữ tín nghĩa, đấy cũng là phẩm
chất số một của họ Tào. Chả thế mà chưa có một tướng nào bỏ Tào Tháo mà đi. Hãy
nghe Tào Hồng nói với ông khi thấy Tào Công chẳng muốn dùng ngựa của mình để
chạy thoát thân lúc bị giặc vây hãm - "Ta chạy đi rồi giặc sẽ giết ngươi
mất".
- Ông đi đi! Thiên hạ có thể
không có tôi nhưng không thể không có ông!
Biết Quan Công là danh tướng, Tào
Tháo đãi cực hậu: Thượng mã đề kim, hạ mã đề ngân (lên ngựa tặng vàng, xuống
ngựa tặng bạc); năm ngày một tiệc lớn, ba ngày một tiệc nhỏ.
Biết Trương Phi tài giỏi, bảo các
tướng ghi tên Dực Đức vào vạt áo, sau gặp không được khinh địch. Thấy Tử Long
xuất chúng, Tào Tháo sai Tào Hồng cầm lệnh tiễn phi ngựa xuống truyền các tướng
sĩ không được bắn trộm, Tử Long cũng thoát hiểm từ đó...
Màn ảnh nhỏ mới đây đã cho người
xem thấy rõ hơn về Tào Tháo. Ông ra đón Quan Công với con mắt thán phục sâu
sắc, quỳ xuống đất vái kẻ hàng tướng. Trận Quan Độ, khi hai tướng của Viên
Thiệu là Trương Cáp, Cao Lãm tới doanh trại, dù tả hữu khuyên nên đề phòng, Tào
Tháo vẫn tự mình bước ra tận nơi vái chào. Có lẽ vì thế các tướng giỏi như Từ
Hoảng, Trương Liêu, Vân Trường, Trương Cáp ... lần lượt về với Tào Tháo.
3. Đối với các quan văn, những
mưu sĩ, tượng trưng cho trí tuệ của nghệ thuật quân sự Trung Hoa một thời, Tào
Tháo bộc lộ sự trân trọng từ phía người trong cuộc. Trước tiên, chính ông cũng
là một mưu sĩ cực giỏi. Tào Tháo tự đi tìm người hiền mà không như Lưu Bị phải
"Tam cố thảo lư" để vời Khổng Minh theo giới thiệu của Tư Mã Huy, hay
Tôn Quyền dùng Trương Chiêu theo lời ủy thác lúc lâm chung của anh là Tôn Sách
và giới thiệu của Chu Du. Với chú cháu Tuân Du, Tuân Úc, với Trình Dục, Đổng
Chiêu... đều như thế.
Chỉ cần một hồi, miêu tả trận đại
chiến Quan Độ, người xem đã thấy rõ thế nào là lời khen tặng "Thừa tướng
dụng binh như thần" của tướng lĩnh dành cho Tào Tháo.
Ông sáng suốt đã đành, nhưng cũng
là người duy nhất ở Tam Quốc không bao giờ kết thúc trận đánh ngay sau khi còn
có thể, dù chỉ là một hy vọng nhỏ, để chuyển bại thành thắng. Xem Tam Quốc, chỉ
thấy mỗi Tào Tháo, trong tên đạn bời bời ở sông Vị, lửa thiêu thành Bộc Dương
hay giữa lúc mất áo, trụi râu vẫn đủ sức chuyển bại thành thắng ngay trong
khoảnh khắc bằng những quyết đoán sáng suốt. Vì thế, câu nói "Không ngờ
lại mắc mưu Tào Tháo" chẳng phải của riêng một ai ở Tam Quốc.
Tháo không kịp xỏ giày, chân
không ra đón Hứa Du, khóc tiễn Trần Cung, lưu luyến Thẩm Phối, Thư Thụ, tế lễ
Điển Vi và cả khi tế Viên Thiệu. Tào Tháo dùng Trần Lâm mặc dù đó chính là
người viết lời hịch sỉ nhục ba đời nhà mình. Trên đường đi đánh Viên Hy, Viên
Thượng vẫn chăm sóc Quách Gia lâm bệnh, khi Hạ Hầu Đôn bị mất mắt đã vào tận
giường hỏi thăm...
Tháo đặc biệt ghét bọn bán chúa
cầu vinh mà việc chém Miêu Trạch là một ví dụ. Ở vào thời đại của mình, lịch sử
đã ghi rằng ba cha con Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực đều là những nhà thơ có
tên tuổi. Tào Tháo tinh thông cầm-kỳ-thi-họa, thơ phú ngay cả trong lúc gian
nan, hài hước khi thua trận (đường Hoa Dung, Xích Bích), giỏi đàn nơi doanh
trại. Tào Tháo là người sành kiến trúc: từ việc lớn như "duyệt"
phương án xây đền Đồng Tước cho tới tiểu tiết về cái cổng của vườn hoa nơi
chính điện. Đi đánh Mặc Đặc xa xôi, trên đường vẫn ghé lại thăm nhà cố sử gia
Sái Ung rồi ra tận bia mộ đọc văn bia với một chi tiết cực kỳ sâu sắc của trí
tuệ Tào Tháo, liệu đã có ai bằng?
Xưa nay ai cũng hiểu rằng làm một
người anh hùng thời loạn là việc cực kỳ khó. Càng khó hơn, nếu người ấy vẫn giữ
được thân và lại yên thiên hạ. Sách Tam Quốc kể rằng năm Kiến An thứ 15, mùa
xuân, Tào Tháo ở Nghiệp Quận bày tiệc mừng đền Đồng Tước. Đêm ấy, các quan văn
có tiếng trong triều như Trần Lâm, Vương Xán, Chung Do, Vương Lãng đã làm thơ
để ca ngợi công đức Thừa tướng. Ông xem qua rồi trả lời bằng đoạn tự bạch nổi
tiếng sau: "Các ông văn hay khen ta quá lời. Ta vốn là người ngu lâu, khi
xưa may mà đỗ Hiếu Liêm. Sau gặp lúc thiên hạ đại loạn, có dựng cái nhà đọc
sách cách phía Đông của Tiêu thành năm mươi dặm, lòng những muốn mùa xuân mùa
hạ đọc sách, mùa thu mùa đông săn bắn, đợi thiên hạ thái bình mới ra làm quan.
Không ngờ triều đình gọi ta ra, phong làm Điển quân Hiệu úy, ta mới đổi nguyện
vọng xưa, quay ra giúp nước mong dẹp giặc lập công; chỉ mong sau khi chết đi,
trên mộ được ghi mấy chữ "Đây là mộ Tào hầu, cố chinh Tây tướng quân"
cũng đã là mãn nguyện. Ta vẫn còn nhớ đến lời đức Khổng Tử khen đức lớn của vua
Văn Vương đời nhà Chu , lời xưa ta vẫn canh
cánh bên lòng. Nhưng nếu lại muốn cho ta bỏ binh quyền tất sẽ bị kẻ khác hãm
hại. Ta mà bị hại thì nhà nước tất sẽ lâm nguy. Bởi thế ta không thể mến cái
tiếng hão để chuốc lấy vạ thật. Chắc các ông chưa ai hiểu hết bụng ta"...
Cách đây chừng ba chục năm, trên
văn đàn Trung Quốc đã xuất hiện một khuynh hướng xem xét lại sự đánh giá với
các nhân vật trong Tam Quốc. Theo đó, Lưu Bị vốn có đức nhưng kém tài, lại nhu
nhược và giả dối. Khổng Minh tài năng siêu tuyệt, nhưng lại chỉ là nhân vật
mang nét huyền thoại với tài hú gió gọi mưa, biết phép độn giáp dâng sao, biết
chế ra trâu gỗ, ngựa gỗ và chính ông đã cùng Lưu Bị cố tình kéo dài cuộc nội
chiến đẫm máu.
Chỉ có Tào Tháo với tài năng và
cả những mặt hạn chế đã trực tiếp góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển của
lịch sử Trung Hoa, đồng thời có nhiều công lao trong những cải cách xã hội cho
đất Trung nguyên vào thời ấy. Được biết, khuynh hướng nói trên đã được cố nhà văn
Quách Mạt Nhược ủng hộ và đề cao. Phải chăng vì thế, bộ phim "Tam Quốc
diễn nghĩa" mà chúng ta đã xem là một tác phẩm điện ảnh với những sáng tạo
mới xuất sắc tiếp theo mạch suy nghĩ này?
Bài của Lưu
Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét