Hình ảnh trên mạng chỉ mang tính minh hoạ bài viết
Đạo Phật ở Việt Nam đang ở giai đoạn cực thịnh và bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng đức tin không ngoài nguyên nhân do chính những người hành đạo phá vỡ nó một cách phi hệ thống.
Nhiều nhà sư pháp thoại trước tăng chúng và đại chúng rằng “nếu một ngày nào đó trên đất nước này không còn chùa chiền và tăng, ni thì ai là người hướng dẫn đại chúng tiếp cận với triết lý của Phật mà biết đường tu tập? Ai sẽ biết đến Phật và thực hành những giáo lý của Phật vốn đã hình thành và tồn tại hơn 2600 năm qua”. Hoặc họ cho rằng “nếu không có bố thí, cúng dường của đại chúng thì các tăng, ni ăn bằng gì, sắm lễ bằng gì để dâng lên Phật và lấy gì để sống mà tu với hành”?
Cần khẳng định lại lần nữa rằng Phật đã nhập Niết-bàn 2600 năm trước nên không cần ăn và không ăn được gì cả trong khi ngài không khuyên ai xây chùa và cúng lễ. Còn ăn gì để tu là việc của các vị bởi tu là tu cho các vị, cho ấm cái thân của các vị chứ dứt khoát không thể tu hộ ai ! Cho nên cùng là người như nhau chứ các vị có là thánh thần gì đâu mà không tự làm ra những thứ như người khác đã làm theo nguyên lý có làm có hưởng thay vì ngồi chờ của bố thí? Hành ư? Xét ra thì đã có mấy vị tu xong đâu mà hành ? Mà tu chưa xong đã hành thì chỉ có thêm nặng nghiệp chứ báu bở gì đâu! Bởi vậy làm gì để có cái mà ăn, ăn để mà tu là trách nhiệm của các vị với bản thân mình chứ không thuộc trách nhiệm của đại chúng.
Khi muốn dẫn chứng một điều nào đó thì các vị lại thuyết rằng “Phật nói, Phật dạy” nhưng thực tế ai là người đã nghe thấy Phật nói, Phật dạy trong khi Phật không trực tiếp viết ra Kinh mà chỉ do những thế hệ sau đó dựa vào điều Phật đã giảng Pháp mà tự viết ra. Vậy thì ai dám chắc những điều đã diễn giải trong Kinh hoàn toàn là lời thuyết của Phật mà không có sai lệch theo quan điểm của người khác vì lý do nào đó hoặc do “tam sao thất bản”?
Ai sẽ dẫn dắt đại chúng tiếp cận với triết lý của Phật ư? Vậy thì trải qua bao giai đoạn chiến tranh liên miên các ngôi chùa lớn nhỏ hoặc bị phá dỡ, hoặc bị đóng cửa ; tất cả các lễ hội, các nghi lễ chùa chiền bị cấm đoán để tập trung mọi nguồn lực cho chiến tranh thì ai dẫn dắt con người tiếp cận với triết lý của Phật mà con người khi ấy lại tử tế với nhau, thương yêu, đùm bọc, chia sẻ với nhau, giúp đỡ nhau như thế trong khi bây giờ với 18000 ngôi chùa, hàng 60 nghìn tăng, ni dẫn dắt mà con người ngày càng vô cảm, tham lam và tàn nhẫn với nhau như thế?
Vậy thì có phải cứ ai ở chùa, khoác tấm Cà-sa đã là tu? Có phải cứ đến chùa nghe sư thuyết giảng cái gọi là giáo lý mới “cải ác vi thiện”? Không ! Bất kỳ đạo nào thì cũng sinh ra từ đạo trời, đạo người, tuân thủ đạo trời, đạo người mà hành sự. Chỉ cần tôn trọng quy luật của tự nhiên, biết lẽ phải trong hành xử được tóm lại bởi một câu rất ngắn gọn rằng “đừng làm cho người những gì mà mình không muốn người làm cho mình” là đủ, là thiện và là tu rồi đấy!
Kiếm được cái gì bằng trí tuệ, công sức trong sự chính đáng thì dùng cái đó, không kiếm được thì nhịn dùng ; có ít dùng ít, có nhiều dùng nhiều. Thấy của người không thèm khát, không tìm cách chiếm đoạt. Có công thì hưởng, không có công thì từ chối. Thấy ai khổ thì thương, thấy ai thiếu thì chia sẻ, ai khó thì giúp đỡ, ai lỡ lầm thì khuyên bảo, tha thứ. Không thù hận để tránh oan oan tương báo nối đời, không cậy mạnh hiếp yếu, không vô cớ tấn công người khác, không dùng miệng lưỡi cay độc, không xảo ngôn xảo ngữ để gây tổn thương mất mát cho người đời. Biết đủ trong cái đủ mà không dậy lòng tham - thế là tu rồi đấy, đắc đạo rồi đấy, thành Phật rồi đấy!
Ai cũng có thể thực hiện được điều đó ở mọi lúc mọi nơi chứ cứ gì phải đến chùa, cứ gì phải nghe ai thuyết giảng, cứ gì phải lo kiếp trước hay kiếp sau? Nhưng khốn nạn thay rằng đến kiếp này sống còn chưa nên thân, chưa ra cái giống người lại cứ lo đến kiếp sau, hàng trăm kiếp sau khi chẳng ai chứng minh được điều đó có hay không!
Thật vô lý và khó chấp nhận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét