XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Sông Mã - Dòng sông hồn cốt xứ Thanh

 





NHÀ VĂN LÊ NGỌC MINH

Có nhà thơ đã viết: “Cửa Tén Tằn sông Mã dồn quí thủy/Xây đắp miền cốt cách mấy tầng văn” (thơ Từ Nguyên Trực). Sông Mã, dòng sông lớn nhất miền Trung này đổ vào địa giới Thanh Hóa ở bản Tén Tằn, huyện Mường Lát tạo nên nền văn minh vật chất và tinh thần phong phú cho xứ Thanh, một vùng đất Địa Linh Nhân Kiệt.

Dòng sông hồn cốt xứ Thanh

1. Từ tuổi thơ, tôi đã được học bài tập đọc Sông Mã trong chương trình lớp bốn, hệ giáo dục phổ thông 10/10 trước đây. Tôi nhớ, và chắc chắn, lũ bạn học lớp bốn của tôi thời đó vẫn còn nhiều người nhớ, giọng đọc mẫu chậm rãi diễn cảm của thầy chủ nhiệm Lê Văn Thiêm mở đầu bằng những câu: “Phát nguyên từ Tây Bắc, sông Mã chảy qua Sơn La, Thanh Hóa rồi đổ ra biển Đông. Sông dài và lớn. Mùa lũ lụt dòng sông chảy xiết vượt qua những ghềnh đá cao ngất, nước tung lên trắng xóa như bờm ngựa bạch… Còn từ cuối thu trở đi sông hiền hòa trôi lững lờ một mầu nước xanh biếc thơ mộng…”.

Đoạn kết của bài tập đọc Sông Mã  là một áng văn xuôi rất trữ tình: “… Chảy về đến ngã ba Bông, sông Mã gặp sông Chu, xuôi về Hàm Rồng, len vào những rặng dừa xanh mát rồi đổ ra cửa Lạch Trào gần Sầm Sơn”.

Đúng là đoạn kết của bài tập đọc đã tả đúng cái thần của sông Mã, nơi dòng sông chảy giữa bạt ngàn dừa, chỗ nào cũng dừa. Dừa của các xã Hoàng Đại, Hoàng Quang, Hoàng Châu, Hoàng Trường (Hoằng Hóa), dừa của làng Nam Ngạn (thành phố Thanh Hóa), của xã Đông Hải (huyện Đông Sơn cũ), của các xã Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Châu, Quảng Tiến (huyện Quảng Xương cũ), trong đó có làng Hòa Chúng, xã Quảng Thọ của chúng tôi…

Kết thúc buổi học tập đọc, thầy Lê Văn Thiêm căn dặn các học trò của mình phải cố học thuộc lòng bài này bởi nó có một phần đất đai, công sức mồ hôi, nước mắt bao đời nay của làng tôi. Vì thế, tôi đã nhớ và luôn cảm thấy rất tự hào, vì đã được sinh ra bên dòng sông Mã.

2. Nhìn lên bản đồ Việt Nam, ở địa bàn Bắc miền Trung, sông Mã đúng là một “dòng sông dài và lớn”. Có lẽ vì vậy mà nhiều vùng ở xứ Thanh, sông Mã còn được gọi là sông Mạ (mẹ) hoặc sông Cái (như ngoài Bắc người ta gọi sông Hồng). Ở quê tôi, người dân thường ngày gọi sông Mã là sông Cái.

Sách Địa chí Thanh Hóa chép: “Hệ thống sông Mã lớn nhất Thanh Hóa. Trong phạm vi của tỉnh, lưu vực của sông Mã chiếm tới bốn phần năm diện tích toàn tỉnh... Sông Mã gồm tám mươi chín chi nhánh có chiều dài lớn hơn mười kilomet trở lên, cụ thể:  bốn mươi nhánh cấp 1, ba mươi ba nhánh cấp 2, và mười bảy nhánh cấp 3. Khi chảy vào địa phận Thanh Hóa ở địa điểm xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, sông Mã tạo nên hai vùng lưu vực”.

Cũng theo sách đã dẫn: Vùng lưu vực ở thượng nguồn, hai bên núi đá ép vào sông khiến lòng sông hẹp và sâu, dòng chảy tốc độ lớn, đôi bờ thường có vách đá núi dựng đứng, nên mật độ ghềnh thác nhiều với ba mươi mốt thác lớn nhỏ trong đó có bốn thác mà dân sơn tràng, người đi bè, người chở đò dọc đã bao đời truyền khẩu: “Nhất Suội, nhì Cả, ba Long/ Lòng còn ái ngại Ngốc cùng mà thôi”

(Suội, Cả, Long, Ngốc là bốn ngọn thác lớn trong đoạn sông Mã chảy từ Điền Lư huyện Bá Thước đến gần Cửa Hà, huyện Cẩm Thủy).

Qua Cửa Hà chừng gần hai mươi kilômét, sông Mã chảy vào các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hoá, Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn là địa hình đồng bằng, lòng sông rộng hơn, lưu tốc hiền hòa. Sông nhận nước của các sông nhánh lớn như sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày… bồi đắp nên miền châu thổ rộng lớn của xứ Thanh...

3. Từ Ngã ba Bông xuôi xuống Hàm Rồng, sông Mã rẽ thành ba nhánh tạo nên bốn cửa biển. Cửa chính chảy ra Lạch Trào (cửa Hới), ba cửa tiếp theo là cửa Lạch Trường, Cửa Sung và cửa Thần Phù. Mỗi cửa biển cửa hạ lưu sông Mã đều gắn với một vùng văn hoá bản địa ôm chứa nhiều sự tích huyền thoại và lời ca thấm đẫm ý nghĩa nhân văn: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”;  “Bóng trăng em ngỡ bóng đèn/ Bóng nước em ngỡ bóng thuyền anh xuôi”...

Chảy trên lãnh thổ Việt Nam 410 km, riêng ở Thanh Hóa dòng chảy của sông Mã là 242 km tạo nên một lưu vực 9.000km2, trong đó đồng bằng tỉnh Thanh được coi là đồng bằng lớn thứ ba trong cả nước (sau đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng). Sông Mã đúng là sông Mạ (sông Mẹ) và sông Cái của người Thanh Hóa, bởi dòng sông đã bồi đắp thành một miền đất đai nuôi sống gần bốn triệu người, đồng thời cũng tạo nên một  vùng văn minh rực rỡ của văn hóa Đại Việt,Việt Nam.

Thanh Hóa là một trong những cái nôi sinh thành của không chỉ người Việt mà của cả nhân loại. Có thể kể đến ba cái nôi chính. Đó là Động Người xưa ở huyện Thạch Thành, Núi Đọ ở huyện Thiệu Hóa có niên đại đến hàng vạn năm, làng cổ Đông Sơn gắn liền với nền văn minh Đông Sơn có niên đại cách đây hơn 2.000 năm.

Ba nền văn minh nói trên đều có liên quan đến lịch sử loài người từ buổi hồng hoang đến lúc biết sử dụng kim khí để chế tác ra công cụ lao động và khí cụ bảo vệ cương vực, bảo vệ giống nòi bằng đồ sắt, đồ đồng đều nằm trong lưu vực sông Mã.

Chảy vào Thanh Hóa ở Tén Tần, trên hành trình tạo lưu vực đổ ra biển Đông, sông Mã hình thành bên đôi bờ của mình một nền văn hóa rực rỡ, và độc đáo.

Đó là suối Cá Thần ở Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ với đàn cá kết tinh dáng vẻ mầu sắc của nhiều loài cá, luôn sinh sôi nẩy nở trường tồn, luôn óng ả vân vi ôm chứa nhiều huyền thoại say đắm tình yêu, thăm thẳm tâm linh;

Là Cửa Hà sừng sững, vách núi uy nghi bên dòng chảy nước trong như lọc, khiến thi nhân phải dừng chân và thốt lên: “Một vùng núi dựng nước soi/ Nước non tương thế, lòng người tương tư”

Là một vùng Thọ Xuân, Lam Kinh, nơi phát tích rỡ ràng của nhà Tiền Lê, Nhà Hậu Lê đóng góp, kiến tạo nên hào khí hàng ngàn năm của Đại Việt:

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời dựng nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”

(Cáo bình Ngô - Nguyễn Trãi)

Là thành đá Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) bền gan cùng trời đất hơn 600 năm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới…

4. Sông Mã chảy về đến Hàm Rồng thì tạo nên một vực lớn trước núi Ngọc (còn gọi là Núi Nít). Không gian của Hàm Rồng thật hùng vĩ khi 99 ngọn núi dồn về đây tạo hình thế núi Đầu Rồng, có động Long Quang. Minh quân thi sỹ Lê Thánh Tông đã từng đến đây vãn cảnh và đề thơ: “Ngao nổi đội non, non có động? Kình bơi lấp bể, bể thành ao”.

Cách núi Rồng chỉ hơn 1km là làng Nam Ngạn với ngôi chùa Mật Đa nổi tiếng và đền thờ tướng quân Chu Văn Lương, người được đánh giá là vị tướng dân quân đầu tiên của Đại Việt. Trong tấm bia ghi công đức ở đền thờ ngài khắc rõ: “Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai, ngài đã tập hợp hơn tám trăm dân đinh của làng Nam Ngạn và các làng xung quanh kéo ra Bắc tham gia đại quân của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn”.

Chếch bên kia sông Mã là làng Bột Thượng - Cổ Quăng, quê hương của Trạng Quỳnh mà người xứ Thanh gọi là Làng Quan Trạng, một vùng đất học rực rỡ công danh, có đến mười hai vị đại khoa thời phong kiến và hơn một trăm giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ từ sau Cách mạng tháng Tám thành công đến nay.

Bên bờ nam sông Mã là thành phố Thanh Hóa, đô thị trị sở ngàn năm của xứ Thanh tính từ thời thành Tư Phố của Dương Đình Nghệ, vị thủ lĩnh có dưới trướng ba ngàn khách ở làng Dương Xá và 215 năm tính từ khi vua Gia Long ra sắc chỉ thành lập Hạc Thành, năm 1804;

 Là một thành phố Sầm Sơn với dãy núi Trường Lệ thơ mộng, ôm chứa bao nhiêu huyền tích về thần Độc Cước và núi Cổ Giải, về thần Bà Triều và cửa Hới, về chùa Cô Tiên linh nghiệm và về đôi lứa yêu nhau bền lâu như trời đất tạo nên hòn Trống Mái...

Văn minh Sông Mã còn sản sinh ra một vùng văn hoá phi vật thể đặc sắc phong phú mang đậm hồn quê.

Bao con người đã từ thế hệ này qua thế hệ khác đưa con thuyền mưu sinh nặng nề lựa theo chiều gió, ngược lên phía nguồn mà cứ phăm phăm rẽ nước để  làm nên điệu hò sông Mã khi thao thiết hy vọng: “Trăng lên khuất núi trăng mờ/ Bạn về mặc bạn, ta chờ trăng lên”; khi đam mê tinh tế: “Tốt gió thuyền đậu bờ nam/ Làm thơ gửi lại em khoan lấy chồng”; khi  thương người như thể thương thân: “Thuyền Than mà đậu Bến Than/Thấy anh vất vả cơ hàn em thương”…

Nhưng câu ca đằm thắm yêu thương nhân nghĩa như trên khó ai có thể thống kê cho hết được, bởi chúng đều có ở những thôn làng xứ Thanh, ở mỗi khúc sông, bến nước , ở mỗi đầu sông, cửa bể khi yên ả thanh bình, khi chớp lạch mưa nguồn.

Có nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng: Đất Thanh Hóa nơi cứ xới lên một tấc là thấy một tấc trầm tích của văn hoá và lịch sử; đi đến làng quê Thanh Hóa không làng quê nào là không có một kho tàng thần tích và tục ngữ dân ca. Có lẽ vì thế mà người Thanh Hóa tự hào nói về tính bách nghệ của dân mình.

Nghệ ở đây được hiểu như là nét văn hoá nghệ thuật dân gian độc đáo, về phương ngữ ở mỗi làng quê xứ Thanh. Tuy là bách nghệ nhưng đều có mẫu số chung là sự tương ái đằm thắm thiết tha. Ca dao của người Mường, Thanh Hóa:

“Vào vườn hái quả cau xanh

Bổ ra làm bốn mời anh ăn trầu

Trầu này trầu nghĩa trầu tình

Trầu loan, trầu phượng trầu mình trầu ta”.

Ca dao của người Kinh, Thanh Hóa:

“Muốn cho gần bến gần thuyền

Gần bác gần mẹ nhân duyên cũng gần”…

Thật bản sắc mà cũng thật trang nhã hòa hợp.

Sông Mã tạo nên một miền văn hoá bản sắc độc đáo, phong phú, giầu có và luôn sinh thành thêm các yếu tố mới mẻ. Bởi thế, đất văn vật võ công xứ Thanh đã sản sinh cho đất nước biết bao anh hùng hào kiệt, văn nhân tài tử như: Mai An Tiêm, Triệu Thị Trinh, Khương Công Phụ, Dương Đình  Nghệ, Lê Hoàn, Lê Văn Hưu, Chu Văn Lương, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, Lương Đắc Bằng, Trạng Quỳnh - Nguyễn Quỳnh, Trần Xuân Soạn, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng... Câu thơ của cố thi sĩ Bế Kiến Quốc “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông”, dòng sông ở trong câu thơ trên, không thể vắng thiếu sông Mã, xứ Thanh.

Người Thanh Hóa hôm nay tự hào với văn hiến với truyền thống của quê hương sông Mã đang ra sức xây dựng xứ sở theo con đường đổi mới nhằm biến các giá trị hun đúc từ đất Địa linh nhân kiệt, từ nguồn mạch Đẻ đất đẻ nước... để chinh phục các tầm cao mới của văn minh phồn thịnh và hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét