XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

SÔNG MÃ

Ngã ba bông một con gà gáy 6 làng thuộc 6 xã và 6 huyện cùng nghe

1-Đặc trưng lưu vực

Sông Mã có tổng diện tích lưu vực sông 28.490 km2, nằm trên lãnh thổ 2 Quốc gia là Lào và Việt Nam. Toàn bộ lưu vực sông Mã nằm trong toạ độ địa lý từ 22o37’30” đến 20o37’30” độ vĩ Bắc và 103o05’10” đến 106o05’10” độ kinh Đông. Trên đất Việt Nam lưu vực sông Mã nằm trong địa giới hành chính của 5 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An.

Dòng chính sông Mã bắt nguồn từ núi Phu Lan (Tuần Giáo - Lai Châu) chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đến Chiềng Khương (Sơn La) sông chảy qua đất Lào và trở lại đất Việt Nam tại Mường Lát rồi đổ ra biển tại Cửa Hới.

Chiều dài dòng chính sông Mã là  512 km. Sông Mã có 39 phụ lưu lớn và 2 phân lưu. Lưới sông Mã phát triển theo dạng cành cây phân bố đều trên 2 bờ tả và hữu. Các chi lưu quan trọng của sông Mã là: Nậm Lệ, Suối Vạn Mai, sông Luồng, sông Lò, sông Bưởi, sông Cầu Chày, sông Hoạt, sông Chu.  

Lưu vực sông Mã có hướng dốc chính Tây Bắc- Đông Nam, cao độ biến đổi từ 2.000 m đến 1,0 m. Địa hình đa dạng, có thể chia địa hình sông Mã thành 3 dạng chính là địa hình núi cao, địa  hình gò đồi, địa hình đồng bằng.

Lưu vực sông Mã trải dài nên chế độ khí hậu của các vùng miền khác nhau nhưng đều mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới, gió mùa. Một năm thường có đầy đủ 4 tiết khí hậu xuân, hạ, thu, đông. Giữa các vùng khí hậu có chênh lệch nhau, phần thượng nguồn nằm trong vùng thời tiết khí hậu Tây Bắc - Bắc Bộ, vùng sông Chu nằm trong vùng thời tiết khí hậu Bắc Trung bộ. Phần trung và hạ lưu sông Mã nằm trong vùng khí hậu giao thời giữa Bắc Bộ và Bắc trung bộ. Chính vì vậy khí hậu trong lưu vực rất đa dạng, phong phú và ôn hoà.

Lưu vực sông Mã có lượng mưa trung bình năm thuộc loại trung bình của Bắc Trung Bộ, phân bố không đều theo không gian và thời gian. Theo không gian có tâm mưa lớn nhất tại Thường Xuân với lượng mưa trung bình năm đạt 2234mm. Theo thời gian, khu vực đồng bằng hạ du sông Mã mùa mưa đến bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Vùng thượng nguồn dòng chính sông Mã mùa mưa đến sớm và kết thúc sớm hơn, còn lưu vực sông Chu mùa mưa đến muộn hơn và kết thúc cũng muộn hơn khoảng 10- 15 ngày. Tổng lượng mưa mùa mưa chiếm từ (65-70)% tổng lượng mưa năm .

Dòng chảy năm trung bình nhiều năm trên lưu vực sông Mã 18 tỷ m3 nước tương ứng với lưu lượng trung bình nhiều năm là 570 m3/s, mô số dòng chảy năm trung bình là 20 l/s.km2. Trong đó phần dòng chảy sản sinh tại Việt Nam là 14,1tỷ m3 với mô số 25,3 l/s.km2 và tại Lào 3,9.tỷ m3 với mô số trung bình 11,4 l/s.km2.  

2- Hiện trạng phát triển Tài nguyên nước và những thách thức

2.1. Hiện trạng phát triểnTài nguyên nước

Trên toàn lưu vực sông Mã hiện có hơn 1.800 công trình thủy lợi. Trong đó đáng kể nhất là hồ chứa đa mục tiêu Cửa Đạt có dung tích 1,45 tỷ m3 nước nhằm giảm nhẹ lũ sông Chu, cấp nước tưới ổn định cho 87.000 ha, phát điện với công suất lắp máy 97 MW và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp. Hệ thống đập dâng Bái Thượng được xây dựng từ thời Pháp thuộc có nhiệm vụ tưới cho hơn 50.000 ha. Ngoài 2 công trình lớn trên, còn có 2 hệ thống trạm bơm lớn Hoàng Khánh, Nam sông Mã  và một số hồ chứa có dung tích khá lớn như: hồ Thung Bằng, hồ Tây Trác, Đồng Ngư, Cống Khê, Bai Manh, Bai Lim, Minh Sơn, hồ sông Mực, hồ Yên Mỹ,... và đầu tư nâng cấp nhiều công trình đầu mối, kênh mương đã hỗ trợ đắc lực cho  cấp nước phát triển nông nghiệp.

Để bảo vệ sản xuất, trên lưu vực sông Mã đã xây dựng được khoảng hơn 500km đê sông, đê biển, hình thành một mạng lưới khép kín. Các cửa lấy nước và nhận nước trên các triền sông đều có cống khống chế. Hệ thống cống dưới đê khá ổn định về kết cấu để chống lũ, các cánh cống đều kín nước. Tuy nhiên mặt cắt các đê còn chưa đủ theo tiêu chuẩn thiết kế, chưa đủ cơ đê và các cống dưới đê đều ngắn hơn mặt cắt đê. Các tuyến đê Sông Mã, sông Chu và các sông nhánh đều phần lớn nằm sát với khu dân cư nên khả năng tôn cao và mở rộng mặt cắt đê vẫn có thể thực hiện được nhưng khó khăn.

2.2. Những thách thức

Do trải dài nên lưu vực sông Mã đã và đang đối mặt với những thách thức rất lớn trong việc khai thác và sử dụng nguồn nước:

2.2.1. Là con sông Quốc tế nhưng trên lưu vực sông Mã hiện chưa có cơ chế nào bảo đảm chia sẻ nguồn nước giữa Lào và Việt Nam.

2.2.2. Thiên tai xẩy ra nặng nề trên lưu vực:

- Bão, lũ lụt ngày càng gia tăng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của lưu vực. Những hậu quả để lại như môi trường bị phá hủy, bệnh tật phát sinh, đồng ruộng bị bồi lập,.. Điển hình như lũ lịch sử năm 1962 xảy ra trên sông Chu, mực nước tại Xuân Khánh đạt 13,84m tương đương với tần suất 2,5%; Lũ năm 1980 là lũ lớn trên sông Mã mực nước tại Giàng đạt 7,51m;… làm vỡ đê gây thiệt hại lớn về người và của cho nhân dân tỉnh Thanh Hoá. Theo thống kê thiệt hại trong vùng trong những năm 1998 -2007 số người chết do bão lũ là 39 người, tổng thiệt hại tài sản khoảng  3.550.000 triệu đồng

- Hạn hán những năm gần đây diễn ra rất khó dự báo và khốc liệt hơn làm cho cạn kiệt các hồ chứa nhỏ, suy giảm mạnh mực nước trên các triền sông là nguyên nhân chính mặn xâm nhập sâu và ảnh hưởng mạnh đến khả năng lấy nước của các công trình. Năm 2010 là năm hạn nặng xảy ra trên diện rộng đối với vùng Bắc Trung Bộ, theo thống kê chưa đầy đủ, đối với tỉnh Thanh Hoá diện tích hạn vụ Đông Xuân là 30.080ha, các triền sông mực nước xuống rất thấp, trên sông Mã mực nước thấp dưới mức lịch sử tại Trạm bơm Kiểu là 2,9m, lưu lượng trên sông Mã chỉ đạt 70% lưu lượng kiệt trung bình nhiều năm, gây nên tình trạng mặn xâm nhập sâu trên các lưu vực sông, không lấy được nước vào trong đồng.

- Tình hình xâm nhập mặn trên các lưu vực sông: Ở vùng hạ du các lưu vực sông, nhất là vùng cửa sông do ảnh hưởng của thuỷ triều mặn đã xâm nhập khá sâu vào vùng nội địa. Những tháng về mùa khô khi mà nguồn nước ngọt rất nhỏ, mặn ảnh hưởng sâu từ 20-40km với độ mặn trung bình mặt cắt từ 1¸1,5‰. Qua theo dõi mức độ mặn ở lưu vực sông Mã cho thấy mặn có những năm lên đến ngã Ba Giàng cách cửa sông Mã khoảng 27km. Độ mặn lớn nhất đo được tại Hàm Rồng lên tới 6-7‰; Trên sông Lạch Trường tại Hoàng Yến là 7,1‰, Hoàng Hà là 4,2‰, Xi Phông Cự Đà là 0,22‰; Trên sông Lèn tại Mỹ Điền là 3,5‰, Phà Thắm là 0,94‰, Quang Lộc là 0,92‰, tại Cầu De trên sông De là 3,6‰.

2.2.3. Điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng tới lưu vực.

Theo thông báo đầu tiên của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, đến năm 2070 khu vực Bắc trung bộ sẽ chịu tác động như sau: Nhiệt độ trung bình năm tăng trung bình 0,10C/10năm, các tháng mùa hè tằng từ 0,1-0,30C/10năm là nguyên nhân làm suy giảm nguồn nước ở các lưu vực sông (nhất là các tháng mùa kiệt) trong vùng từ 2,1% đến 42,9%, trong đó mức độ suy giảm nghiêm trọng tại một số lưu vực như  Lưu vực sông Mã, sông Chu sẽ giảm tới 11,5% so với dòng chảy bình quân hiện tại. Nguồn nước bị suy giảm gây nên tình trạng thiếu nước, nhất là ở các sông suối nhỏ, khu vực miền núi. Gây khó khăn trong công tác cấp nước sinh hoạt, tưới và cấp nước cho các ngành.  Mưa có xu thế giảm các tháng mùa khô và tăng trong các tháng mùa mưa (tháng 9, 10, 11) tăng nguy cơ lũ lụt ở các lưu vực sông, nhất là khu vực đồng bằng. Nước biển dâng dự báo sẽ tăng 9cm vào năm 2010, 33cm vào năm 2050 và 45cm năm 2070. Nước biển dâng sẽ có tác động mạnh đến các hoạt động tưới, tiêu, chống lũ của lưu vực sông. Bao gồm:

- Về cấp nước: Mực nước biển dâng sẽ làm cho xâm nhập mặn vào sâu trong sông, mặn tiềm tàng trong đất dẫn đến nhu cầu dùng nước sẽ tăng cao và ảnh hưởng tới diện tích vùng đồng bằng ven biển và thiếu nước sinh hoạt.

-Về tiêu thoát nước: Mực nước biển sẽ ảnh hưởng tiêu tới vùng ven sông và vùng tiêu ra sông bằng cống tự chảy hiện nay. 

-Về phòng chống lũ: Mực nước biển dâng chỉ ảnh hưởng tới đê bối, đê cửa sông ven biển, còn vùng bị lũ uy hiếp không bị ảnh hưởng. Thủy triều chỉ ảnh hưởng nhưng không dâng cao mực nước trong sông mà chỉ làm giảm khả năng thoát lũ và thời gian lũ dài hơn.

Nguồn tài liệu:

    “Báo cáo Quy hoạch sử dụng tổng hợp và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mã - Viện Quy hoạch Thủy lợi, 2005”; “Báo cáo quy hoạch tổng thể thuỷ lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng Vùng Bắc Trung bộ - Viện quy hoạch Thuỷ lợi 2011”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét