Phật giáo Việt Nam biến đổi nhanh nhưng đang phát
triển hay suy thoái?
Nguyễn Lễ
Phật Đản
năm nay ở trong nước làm lớn thật lớn.
Ở hải
ngoại không có điều kiện làm lớn như vậy. Trước đó một tuần, Phật tử người Việt
khắp vùng đông bắc Hoa Kỳ tề tựu lại một ngôi chùa nhỏ ở Maryland rồi đi xe hoa
rước Phật đến một hội trường thuê trong trường học để làm Lễ Phật đản chung.
Cũng dễ
hiểu là vì năm nay là lần thứ ba Phật đản ở Việt Nam được nâng lên thành Đại lễ Tam
hợp Liên hiệp Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã đem sức dốc núi
từ chỗ không có gì dựng lên một cảnh chùa hùng vĩ giữa trời mây non nước của tỉnh
Hà Nam để tiếp đón các phái đoàn quốc tế bằng tất cả tấm lòng trọng thị của
người Việt.
Được dốc
sức chuẩn bị như thế là vì Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc bên cạnh ý nghĩa tôn vinh
Đức Phật còn là cơ hội thể hiện hình ảnh đất nước, con người và chính quyền
Việt Nam. Nhưng đối với mỗi người Phật tử, Lễ Phật đản dù lớn hay nhỏ trước hết
vẫn là cảm giác thuần khiết của sự an lạc, hoan hỉ vì tưởng nhớ ngày Đấng Từ
phụ ra đời.
Với ý
nghĩa đó, Lễ Phật đản năm nay dù lớn nhưng cảm giác của người Phật tử không còn
tròn vẹn như những năm trước.
Phật
giáo vừa trải qua cơn rúng động với tai tiếng nối tiếp tai tiếng.
Hết hóa
vàng, dâng sao giải hạn đến thỉnh vong báo oán, từ hòm công đức 'không minh
bạch' cho đến xây chùa to để 'buôn thần bán thánh'. Đến nỗi có người đã nói về
sự suy đồi của Phật giáo và đòi phải chấn hưng. Thậm chí còn có lời mạt sát Tam
bảo.
Tuy nhiên,
nói chấn hưng Phật giáo là chấn hưng cái gì? Chấn hưng làm sao? Chứ nói khơi
khơi như vậy khiến cho các Phật tử hoang mang quá. Giáo hội chẳng phải đã nói
các hiện tượng kể trên không có trong giáo lý nhà Phật đó sao?
Có lật
hết ngàn trang vạn quyển kinh văn Phật giáo cũng không thấy có chỗ nào nói về
thỉnh vong, đốt vàng hay giải hạn hết. Vậy thì làm sao bãi bỏ một cái không có
cho được?
Từ tín
ngưỡng dân gian…
Mặc dù
nói không có trong giáo lý nhà Phật nhưng rành rành nhà chùa có làm, và các
hiện tượng nói trên không chỉ bó hẹp trong nhà chùa mà còn nhan nhản trong đời
sống quảng đại của người Việt. Vậy thì, muốn chấn hưng thì phải bỏ tận gốc
những tập quán, tín ngưỡng đó chứ?
Trước
hết, thật lòng mà nói tôi cũng đốt vàng bạc vì từ nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ
đốt giấy tiền mỗi khi tang ma hay giỗ quẩy rồi đến lượt mình tôi cũng làm theo.
Đành
rằng chết là hết vì đã rã xác tan hình, còn theo nhà Phật vong linh phải luân
hồi trả nghiệp thì còn đâu mà tiêu xài vàng bạc cõi trần gửi cho, đó là chưa kể
đốt mọi thứ thành tro bụi thì lãng phí biết bao nhiêu. Biết là vậy nhưng đến
ngày giỗ mà không đốt giấy tiền tôi lại thấy thiếu. Hơn nữa, vì thương ông bà
mình đã quá vãng chẳng thà làm để được an lòng còn hơn là không làm, dù chỉ là
một chút cho có lệ.
Cũng
thành thật mà nói là tôi cũng từng được cúng sao mặc dù không tin tưởng. Năm đó
tôi gặp nạn liên tục trong mấy ngày Tết nên khi được người thân cúng cho tôi
cũng không có gì phản đối. Trông chờ vào thần thánh nào đó là phi lý và trái
luật nhân quả của nhà Phật, nhưng suy cho cùng những người dâng sao cũng chỉ
mong được hóa giải nạn tai.
Trong
lúc bấn loạn có thêm chút cảm giác bình an dù sao vẫn tốt hơn. Và nếu nói mê
tín thì xây nhà, tang ma, cưới hỏi, vốn là những việc ai cũng mong được bình
an, đừng chọn ngày lành tháng tốt gì hết, cứ đụng ngày nào làm ngày đó có được
không?
… đến
chùa Ba Vàng
Còn việc
thỉnh vong báo ứng nhân quả của chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, vốn là đỉnh điểm tai
tiếng của Phật giáo, cũng mang đầy màu sắc dân gian nhưng có pha lẫn Phật giáo.
Màu sắc dân gian là niềm tin vào linh hồn, còn giáo lý nhà Phật là nhân quả,
nghiệp lực và cúng dường.
Những
lời 'giảng' của bà Phạm Thị Yến chùa Ba Vàng nói rằng Cao Mỹ Duyên, cô gái giao
gà bị hãm hiếp, sát hại là do "ác nghiệp từ tiền kiếp" đã gây bức xúc
lớn trong dư luận
Trước
hết, những ai nói vong linh là mê tín thì liệu có dám dọn vào ở trong một căn
nhà vừa có người chết oan do bị sát hại hay hỏa hoạn không? Thử hỏi xung quanh
xem có bao nhiêu người tin rằng ông bà mình dù chết đi nhưng linh hồn vẫn còn
đâu đó và sẽ về sum họp vào ngày giỗ, Tết?
Tại sao
người Việt hàng ngàn năm nay vẫn duy trì tục lệ xá tội vong nhân mà trong Nam
gọi là cúng cô hồn?
Tại sao
người dân xây am thờ dọc các quốc lộ để an ủi vong linh các vụ tai nạn?
Mà đâu
chỉ người Việt Nam. Trên thế giới có tôn giáo nào không tin là có thế giới sau
khi chết?
Khác với
dâng sao hay hóa vàng vốn thuần túy là tín ngưỡng dân gian, câu chuyện chùa Ba
Vàng còn lồng ghép các yếu tố giáo lý của nhà Phật.
Để giải
nghiệp, chùa Ba Vàng cho rằng cần cúng dường cho chùa để hồi hướng cho vong
linh nhưng vào cửa chùa mà đòi tiền bạc thì quá phản cảm.
Cái gốc
của cúng dường là tâm hướng thiện. Hơn nữa, đó cũng để học cách cho đi để nhận
lại.
Lên chùa
nghe kinh, thính pháp, tu tập, học điều hay lẽ phải, được đãi cơm chay ai mà
không cảm thấy cần đóng góp trở lại để tạo phước duyên cho người khác cũng được
lợi lạc? Cho nên, cúng dường tự thân nó không có lỗi mà lỗi ở chỗ nó bị lợi
dụng.
Sự việc
ở chùa Ba Vàng đúng là có dấu hiệu lợi dụng Phật giáo để trục lợi, nhưng vẫn
còn đó những chỗ chưa rõ. Làm sao bác sỹ một bệnh viện lớn lại khuyên bệnh nhân
đến chùa Ba Vàng?
Rồi số
tiền được cho là hàng ngàn tỉ bị chiếm đoạt đã đi đâu về đâu?
Sau khi
báo chí phanh phui sao không thấy có nạn nhân nào đòi tiền lại?
Và nếu
là để kiếm chác từ tiền cúng dường thì vị trụ trì phải nói là 'Càng giàu càng
phải cúng dường' chứ sao lại nói là 'càng nghèo'?
Đạo Việt Nam?
Ở đây
chắc sẽ có người thắc mắc là bàn về 'chấn hưng Phật giáo' sao lại đi sâu vào
tín ngưỡng dân gian, hai phạm trù đó gần như hòa lẫn làm một khó phân biệt
được.
Khi du
nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã linh động, mềm dẻo để tùy nghi, tiếp biến những
yếu tố văn hóa, tâm linh của người Việt, chứ không ở thế đi giáo hóa bản địa.
Phật tử Việt Nam cũng thờ cúng ông bà, đốt vàng mã, xá tội vong nhân, dâng sao
giải hạn, trong nhà có thờ thêm ông Công ông Táo (hay trong nam là Thần Tài,
Thổ Địa).
Các chùa
miền Bắc ngoài Phật còn thờ bà Chúa, Thánh mẫu, ban Cô, ban Cậu và những bậc
tiên hiền, anh hùng dân tộc có công với nước. Nhiều chùa trở thành nơi phục vụ
tín ngưỡng dân gian, từ tụng kinh ma chay cho đến coi ngày coi tháng.
Giáo lý
nhà Phật đã ăn sâu vào tâm lý dân tộc hơn là chúng ta nhận ra. Nhiều người chưa
từng quy y tam bảo, chưa từng học Phật nhưng gặp chuyện vẫn niệm Phật, ngày Tết
vẫn đi chùa, tin vào nhân quả và khi chết vẫn được tung kinh siêu độ.
Có thể
nói Phật giáo tuy xuất phát từ nơi khác nhưng khi được trao cho dân tộc Việt
Nam, người Việt đã biến nó hoàn toàn thành của mình, không còn lệ thuộc gì vào
nơi sinh ra nó nữa.
Người
Phật tử vì thế không bị giằng xé giữa đất nước và tín ngưỡng nên hòa thành một
khối với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc suốt mấy ngàn năm.
Thời kỳ
hưng thịnh nhất của dân tộc cũng là thời kỳ đỉnh cao của Phật giáo khi triết lý
từ bi của nhà Phật thấm nhuần vào đạo trị quốc của nhà vua. Có vị vua kiệt xuất
xuất gia làm sư (Trần Nhân Tông) và có nhà sư lỗi lạc vào triều giúp vua (thiền
sư Vạn Hạnh, Khuông Việt …). Vị vua khai quốc nhà Lý sinh ra ở cửa Thiền còn vị
vua khai quốc nhà Trần viết sách luận về Thiền (Khóa hư lục).
Tuy
nhiên, tiếp biến quá mức thì có thể dẫn đến hoán chuyển hoàn toàn. Ở nhà đốt
vàng mã thì được chứ đến chùa cũng hóa vàng thì Trời Phật nào nhận cho? Dâng
sao khác nào phỉ báng luật nhân quả?
Nhà chùa
thờ Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… thì không ai nói nhưng thờ Hồ
Chí Minh sẽ làm tổn thương tình cảm một số người.
Với lại,
đạo pháp đi với dân tộc thì nhuần nhuyễn, nhưng gắn thêm 'chủ nghĩa xã hội' thì
không thuận tai vì Phật giáo chủ trương giải phóng tư tưởng, sửa mình, từ bi,
không cố chấp - chỏi hoàn toàn với tin tưởng tuyệt đối, đấu tranh giai cấp, bạo
lực cách mạng và chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Chấn sao mới hưng?
Cũng
may, Phật giáo chính tông - tức là theo sát lời dạy của Đức Phật là Tứ Diệu Đế,
Bát Chánh Đạo để tìm sự an lạc, giải thoát - đang ngày càng lan tỏa, nhất là ở
các chùa miền Nam.
Khai
phóng chứ không áp đặt, không bắt tin mà phải hành, không dạy cầu mà phải tự
tạo, không chấp 'có' cũng chẳng chấp 'không', thấy trong bát nước có hằng hà sa
số sinh vật, nhìn chúng sinh là 'vạn vật hữu tình', trong vũ trụ có tam thiên
đại thiên thế giới, hiếu đạo phải đến bảy đời…,
Phật
giáo chính tông đang phát triển song song với Phật giáo dân gian tạo thành hai
nền Phật giáo. Chánh tín càng lan tỏa thì càng có thể cân bằng và trung hòa mê
tín.
Mê tín
thì phải bỏ nhưng cũng không thể dẹp hết tín ngưỡng dân gian cho được vì nó đã
thành một phần máu thịt của dân tộc.
Cấm hóa
vàng, cấm giải hạn thử xem có dẹp được không? Phê phán ô nhiễm thế nào cũng
không ngăn người Ấn tắm sông Hằng.
Mấy chục
năm xây dựng xã hội chủ nghĩa', trong đó có chủ trương triệt hạ tôn giáo, mà xã
hội Việt Nam giờ còn tâm linh hơn trước. Cán bộ, đảng viên cộng sản vốn phải
quán triệt vô thần mà giờ đây cũng cúng bái, lễ lạy không thua gì thường dân.
Tuy
nhiên, Giáo hội Phật giáo cũng không thể nhắm mắt bịt tay trước những đòi hỏi
chấn hưng mà có đòi hỏi rất bức thiết, nhất là trong thời đại ngày nay.
Phật
giáo Việt Nam vốn có truyền thống nhập thế, khác với chủ trương xuất thế của
Đức Phật, cho nên đời xưa mới có các bậc Quốc sư ra giúp vua trị nước.
Nhưng
nay tu hành nếu chỉ toàn họp hành, hội nghị, tiếp khách thì còn thời gian đâu
mà tham thiền nhập định, thời gian đâu để tinh tấn tu tập nữa?
Cửa
thiền lâu nay rất dễ bị kẻ xấu len lỏi vào trục lợi.
Dẫu biết
là con đường thoát khổ tự nguyện nên Phật giáo không chủ trương tổ chức chặt
chẽ để ràng buộc tín đồ, nhưng chính vì thế đã lọt nhiều kẽ hở. Đã xảy ra không
ít trường hợp trụ trì trộm chuông bán tượng hay hòa thượng chơi bời hút chích.
Có tướng
cướp 'buông hạ đồ đao' thành sư thì cũng có sư hành xử như tướng cướp.
Có những
kẻ xem đi tu là một 'nghề' mà vào đó họ tu ăn, tu ngủ, tu hưởng thụ.
Siết
chặt kỷ cương, tuyển lựa kỹ càng và sàng lọc cẩn thận là điều Giáo hội nhất
thiết phải làm để trả lại sự thanh tịnh cho chốn Thiền môn và giữ gìn uy tín
cho Phật giáo.
Thêm
nữa, cúng dường trong hoàn cảnh xưa, nay cũng khác.
Thời
Phật tại thế, cúng dường chỉ là vật thực, thau, bồn, đèn, đuốc, nhang, dầu. Bây
giờ thời đại kim tiền, người tu hành quá gần gũi mùi tiền công đức thì làm sao
mà Giới, Định, Tuệ cho được?
Xây chùa
lớn cũng giúp cộng đồng Phật giáo phấn khởi vì có thêm chỗ nương theo Phật,
Pháp, Tăng và tiếp nối 'tứ đại khí' của cha ông, chưa nói lượng khách hành
hương đến còn có thể giúp cải thiện thu nhập của dân địa phương.
Có điều
nó cũng đặt ra gánh nặng rất lớn về duy tu, quản lý. Nhưng nhà tu hành thì làm
sao quản lý theo kiểu kinh doanh cho được? Tôi thấy chùa Phật Quang Sơn, Đài
Loan, vốn cũng hết sức hùng vĩ, có mô hình hoạt động rất hay mà Phật giáo Việt
Nam có thể tham khảo.
Thấy lỗi
mình và biết sửa lỗi mới là làm đúng lời dạy của Đức Phật. Có như vậy, Phật
giáo Việt Nam mới vững vàng tiếp nối truyền thống gần 2.000 năm đồng hành cùng
dân tộc.
Bài viết
phản ánh quan điểm và cách hành văn của tác giả, thạc sỹ ngành Quan hệ Quốc tế
tại Đại học California, San Diego và từng là thực tập sinh tại Viện Nghiên cứu
Chiến lược Quốc tế ở Washington D.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét