Chuyện ít biết về nữ hoàng duy nhất ở Việt Nam
Với 7
chức vị trong đời, Lý Chiêu Hoàng có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử Việt Nam và
vai trò của bà với vận mệnh quốc gia khá mờ nhạt.
Là nữ
hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử vương triều phong kiến Việt
Nam, song Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh) ở ngôi báu chỉ hơn một năm nên sách sử
khi viết về bà chỉ đề cập đến với những dòng sơ lược khiến hậu thế ít biết về
cuộc đời lắm nỗi truân chuyên của bà.
Theo Đại
Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng sinh năm Mậu Dần (1218), là con gái vua Lý
Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Khi bà chào đời, nhà Lý (1010-1225) đã vào
thời kỳ suy tàn. Ông nội của bà, tức Lý Cao Tông được biết đến là ông vua
"chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như
ong, đói kém liền năm" nên cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy.
Tới đời
Lý Huệ Tông đất nước càng bi đát hơn. Sử viết: “Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã
lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không
ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông. Dĩ
Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết
đoán, chính sự ngày một đổ nát".
Huệ Tông
vào cuối đời thường hay rượu chè, lâm bệnh gần như điên loạn, không thể cáng
đáng nổi việc triều chính. Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Điện tiền chỉ huy sứ
Trần Thủ Độ (anh họ Trần Thị Dung) - người nắm quyền lực lớn nhất trong triều
đình thời bấy giờ - đã buộc vua xuống chiếu lập Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử,
nhường ngôi cho cô công chúa mới 6 tuổi, niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Từ
đây sóng gió đã phủ lên cuộc đời vị nữ hoàng nhỏ tuổi này.
Năm
1225, Trần Thủ Độ dàn xếp cho cháu của mình là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông
sau này) vào cung hầu hạ Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu
mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu
Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng
nhường (thực chất là ép) ngôi cho chồng.
Tháng 11
năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Một
tháng sau, triều đình mở hội lớn ở điện Thiên An, Chiêu Hoàng ngự trên sập báu,
các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự
mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế và trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần.
Chiêu
Hoàng lúc đó mới 7 tuổi, được sắc phong làm hoàng hậu, gọi là Chiêu Thánh. Bảy
năm sau (1232), khi 14 tuổi bà sinh con trai nhưng không may thái tử mất ngay
sau đó.
Hoàng
hậu đau ốm liên miên suốt 5 năm. Lúc này Trần Thủ Độ và mẹ ruột của bà là Trần
Thị Dung (đã lấy Trần Thủ Độ và được gọi là công chúa Thiên Cực), lại bàn mưu
phải giữ được ngai báu cho dòng họ nhà Trần nên đã ép Trần Cảnh lấy Thuận Thiên
công chúa (lúc này đang là vợ của Trần Liễu, anh trai của nhà vua) và giáng
Chiêu Thánh xuống làm công chúa.
Quá buồn
và chán nản, Chiêu Thánh xuất gia đi tu. Sau 21 năm sống cuộc đời cô độc và
buồn thảm, một biến cố lớn đến trong cuộc đời nhưng cũng là niềm an ủi, hạnh
phúc những năm tháng cuối đời bà.
Trong
cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (1257- 1258)
tướng Lê Tần lập được nhiều chiến công, đặc biệt là công cứu Trần Thái Tông
trong một trận đánh khốc liệt nên được vua đổi tên là Lê Phụ Trần. Sau khi đánh
đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, Trần Thái Tông không chỉ phong tước cho
Lê Tần mà còn gả vợ cũ của mình cho ông.
20 năm
sống với Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh sinh được 2 người con. Con trai là Thượng vị
hầu Tông (có nghiên cứu cho rằng người này là danh tướng Trần Bình Trọng nổi
tiếng với câu nói: Ta thà làm quỷ nước Nam , chứ không thèm làm vương đất
Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi). Còn
con gái của bà là Ứng Thụy công chúa Khuê. Theo chính sử, trong lần về thăm quê
hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), bà đã qua đời ở tuổi 60 và được thờ
ở đền Rồng.
Tuy là
vua chính thức của vương triều nhà Lý - vương triều rực rỡ của nước Đại Việt,
đặt nền móng cho sự thịnh trị của các triều đại sau này - nhưng Lý Chiêu Hoàng
không được sử sách công nhận một cách công bằng. Nhà Lý có 9 vị vua nhưng chỉ
có 8 vị trước bà (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, riêng bà
lại thờ tại khu vực khác, gọi là Đền Rồng.
Một số
nhà nghiên cứu cho rằng vì Lý Chiêu Hoàng đã để mất ngôi nhà Lý nên bị coi là
mang tội với dòng họ, không được thừa nhận và phải thờ riêng. Còn theo Giáo sư
Sử học Vũ Văn Ninh, có thể vì bà làm vua trong 2 năm nhưng do còn nhỏ nên không
có công lao gì với đất nước. Hơn nữa, về sau bà đã nhường ngôi vua, rồi lại bị
phế ngôi hoàng hậu, trở thành công chúa và cuối cùng "xuất giá tòng
phu" không còn là người trong cung thất nhà Lý.
Từ khi
sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, với bao biến cố đã khiến bà trở thành một
người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở
những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế
nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân
tướng quân nhà Trần.
Trung
Sơn
Chuyện chồng và con của Lý Chiêu Hoàng
Là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam, nhưng ở trên ngôi báu có hơn một năm nên sách sử chính thống khi viết về Lý Chiêu Hoàng chỉ đề cập đến với những dòng sơ lược, ngắn ngủi khiến hậu thế ít ai biết rằng cuộc đời người phụ nữ này còn biết bao nhiêu sự kiện độc đáo, thú vị cùng những chi tiết về gia đình riêng rất đặc biệt của bà.
Nữ hoàng trong sóng gió vương
triều
Lý Chiêu Hoàng tên thật là là Lý
Phật Kim (sau đổi tên là Lý Thiên Hinh), được sắc phong làm Chiêu Thánh công
chúa, bà là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung.
Theo chính sử bà chào đời tháng 9
năm Mậu Dần (1218) còn nội dung bản văn chầu sự tích về công chúa cho biết rõ
hơn về ngày sinh, đó là ngày 16 qua đoạn ghi: “Lại còn thu cửu trăng cao/ Ngọc
Hoàng sai chúa hiện vào Lý gia”, như vậy “thu cửu” tức là mùa thu, tháng 9; còn
“trăng cao” là vào ngày 16 giữa tháng khi trăng tròn mọc cao và sáng nhất.
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224),
sau một thời gian thao túng, khống chế triều đình, anh em họ hàng của hoàng hậu
Trần Thị Dung do Trần Thủ Độ đứng đầu nhân cơ hội Lý Huệ Tông bệnh tình càng
nặng đã gây sức ép buộc vua phải xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm
Hoàng Thái tử rồi nhường ngôi cho với niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo (nghĩa
là Đạo Trời sáng tỏ).
Sau đó vua xuất gia đi tu tại
chùa Chân Giáo trong đại nội thành Thăng Long với pháp danh là Huệ Quang đại
sư. Vậy là khúc quanh của lịch sử đã đưa đẩy Lý Phật Kim, một cô bé 8 tuổi bước
lên sân khấu chính trị trong giai đoạn vương triều Lý đã suy vong cùng cực.
Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng tại đền
Rồng
Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng tại đền
Rồng
Nữ hoàng ở ngôi khi tuổi còn quá
nhỏ nên việc triều chính do Thái hậu Trần Thị Dung điều hành. Từ đấy những
người thân thuộc của họ Trần được đưa vào nắm giữ binh quyền và các chức vụ
quan trọng trong triều ngày càng nhiều.
Lúc đó Trần Thủ Độ đang giữ chức
Điện tiền chỉ huy sứ tính kế đoạt vương quyền về tay dòng họ mình, dưới sự đạo
diễn của ông, một người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi được đưa vào cung làm
Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.
Vì cùng lứa tuổi nên Chiêu Hoàng
chỉ thích gần gũi trò chuyện, trêu đùa với Trần Cảnh rất vui vẻ, thân thiết.
Cho đây là cơ hội ngàn năm khó gặp, Trần Thủ Độ, bàn với chị họ là Thái hậu
Trần Thị Dung thực hiện cuộc “đảo chính cung đình” với việc làm táo bạo bằng
cách đem hết gia thuộc thân thích vào trong cung cấm.
Sau đó Trần Thủ Độ sai quân lính
của mình đóng chặt cửa thành và các cửa cung, cử người coi giữ nghiêm ngặt, các
quan xin vào chầu vua nhưng không được chấp thuận.
Khi hoàng cung đã bị phong tỏa,
triều thần nhà Lý không ai có phản ứng gì vì họ Trần giữ nữ hoàng và Thái hậu
khác nào có con tin ở trong tay thì ai dám manh động. Tiếp đó Trần Thủ Độ liền
cho loan báo rằng: “Bệ hạ đã có chồng rồi”.
Các quan đều nghe theo, xin chọn
ngày vào chầu mừng. Thế là Trần Thủ Độ dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu
Hoàng và Trần Cảnh; từ chuyện chơi bời của trẻ con thành chuyện tình duyên, rồi
vợ nhường ngôi cho chồng cũng là lẽ hợp lý;
Triều chính chuyển giao sang tay
họ Trần với sự kiện ngày 21 tháng 11 năm Ất Dậu (1225) Lý Chiêu Hoàng xuống
chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh, và tới ngày 11 tháng 12 năm ấy cho mở hội lớn
ở điện Thiên An, rồi từ trên ngai vàng bước xuống, trút bỏ áo hoàng bào, chính
thức khuyên mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế.
Trần Cảnh lên điện rồng, đầu đội
mũ bình thiên, mình khoác áo long cổn làm lễ đăng quang, xưng là Thiên Hoàng,
đặt niên hiệu là Kiến Trung, trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần.
Việc này cũng khiến Lý Chiêu
Hoàng (Phật Kim) và Trần Thái Tông (Trần Cảnh) trở thành đôi vợ chồng duy nhất
trong lịch sử đều làm vua. Sau khi nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng trở
thành hoàng hậu Chiêu Thánh, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:
“Bính Tuất, Kiến Trung năm thứ 2
[1266], (Tống Bảo Khánh năm thứ 2) mùa xuân, tháng giêng, sách phong Chiêu
Hoàng làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh”.
Người chồng đầu tiên và người con
trai yểu mệnh
Người chồng đầu tiên của Lý Chiêu
Hoàng là Trần Thái Tông, ông tên thật là Trần Cảnh nhưng còn có tên khác là
Trần Bồ (dã sử thì cho hay ông tên tục là Lành Canh theo tên một loài cá vì họ
Trần vốn xuất thân làm nghề chài lưới, sau đọc chệch là Cảnh).
Trần Thái Tông sinh ngày 16 tháng
6 năm Mậu Dần (1218) tại làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mặc,
huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), khi lên 8 tuổi được tuyển vào cung giữ chức Chi
hậu chánh chi ứng cục lo phục dịch Lý Chiêu Hoàng.
Tháng 12 năm Ất Dậu (1225) được
vợ nhường ngôi cho, trở thành vị vua đầu tiên của vương triều Trần, ở ngôi 33
năm (1225-1258). Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), Trần Thái Tông nhường ngôi
cho con là thái tử Trần Hoảng, lên làm Thái thượng hoàng trong 19 năm
(1258-1277) rồi mất ngày 01 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277), thọ 59 tuổi.
Trần Thái Tông là một vị vua tài
giỏi, nhân đức và rất am tường Phật giáo, được sử sách khen ngợi nhưng đồng
thời cũng cũng phê phán những điểm hạn chế nhất định của ông dưới nhãn quan Nho
giáo, nhất là huyện gả vợ cho người khác, lấy chị dâu làm vợ, thậm chí còn chê
trách có việc mộ đạo của ông…
Sách Việt sử tiêu án viết: “Vua
là người khoan nhân, có độ lượng đế vương, lập ra chế độ, điển chương đã văn
minh đáng khen, nhưng chỉ vì tam cương lộn bậy, nhiều sự xấu xa trong chốn
buồng khuê…
Mấy năm đầu vua Thái Tôn có tính
tà dâm, đều do Thủ Độ xui bảo cả; đến mấy năm sau để ý học vấn, tấn tới được
nhiều, lại càng nghiên cứu điển cố trong kinh sách, có làm ra sách "Khóa
Hư lục" mến cảnh sơn lâm, coi sinh tử như nhau, tuy ý hơi giống đạo Phật
không hư, nhưng mà ý chí thì khoáng đạt, sâu xa cho nên bỏ ngôi báu coi như
trút giầy rách thôi”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư bình
rằng: “Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp
truyền dòng, lập kỷ dựng cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy. Song quy hoạch
việc nước đều do Trần Thủ Độ làm và chốn buồng the cũng có nhiều điều hổ thẹn”.
Những điều mà sử sách cho là hổ
thẹn đó liên quan đến việc Trần Thái Tông bị ép phải phế bỏ ngôi vị hoàng hậu
Chiêu Thánh vì lý do không sinh được con, rồi lấy chị dâu làm vợ, về sau lại
đem vợ mình là Chiêu Thánh gả cho tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần) như một phần
thưởng đền ơn.
Chiêu Thánh hoàng hậu bị phế vào
tháng giêng năm Đinh Dậu (1237), sử chép như sau: “Lập công chúa Thuận Thiên họ
Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu
Thánh làm công chúa.
Bấy giờ Chiêu Thánh không có con
mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên
Cực bàn kín với vua là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh
ấy” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Nguyên do là làm vợ Trần Thái
Tông hơn 10 năm mà vẫn chưa sinh cho vua được con trai nối dõi nên Thái sư Trần
Thủ Độ sợ vua không có người thừa tự mới ép vua rằng: “Hoàng hậu Chiêu Thánh
làm vợ đã hơn 10 năm mà không sinh nở thì làm sao có hi vọng về sự nối dõi sau
này, phải chọn một hoàng hậu khác!”.
Thực ra Chiêu Thánh đã một lần
sinh nở, người con đầu tiên của bà và cũng là kết quả của mối tình chồng vợ với
vua Trần Thái Tông sinh ra năm Quý Tị (1233) được đặt tên là Trần Trịnh. Có lẽ
vui mừng vì có con mà vua đã phong ngay làm Hoàng thái tử, nhưng người con này
đã chết sau khi sinh không lâu.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư đặt
nghi vấn: “Hoàng thái tử sinh, tất phải chép rõ ngày, tháng, năm sinh; khi mất
cũng thế. Đây chỉ chép khi mất, có lẽ là vừa mới sinh đã chết ngay, nên không
chép ngày tháng sinh”.
Cái kết có hậu của một mối duyên
tình bị ép buộc
Trong cuộc kháng chiến chống quân
Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (1257- 1258) có một vị tướng là Lê Tần lập
được nhiều chiến công, đặc biệt là công cứu vua Trần Thái Tông trong một trận
đánh diễn ra vào giữa tháng 12 năm Đinh Tị (1257) nên được vua đổi tên là Lê
Phụ Trần.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho
biết như sau: “Tướng Nguyên là Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Vua
thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả
hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Trần) một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc
mặt bình thản như không.
Lúc ấy, có người khuyên vua dừng
lại để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần cố sức can vua: Nay thì bệ hạ chỉ đánh một
ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người
ta thế!. Bấy giờ, vua mới lui quân đóng ở sông Lô.
Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc
bắn loạn xạ, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc. Thế giặc
rất mạnh, [vua] lại phải lui giữ sông Thiên Mạc. Phụ Trần theo vua bàn những
việc cơ mật, rất ít người biết được đều đó...”.
Sau khi đánh đuổi quân Nguyên
Mông ra khỏi bờ cõi, Trần Thái Tông định công ban thưởng cho quần thần, nghĩ
đến công lớn của Lê Tần, vua không chỉ phong tước mà còn gả vợ cũ của mình cho
ông, lúc này Chiêu Thánh đang ở trong cung cấm sau một thời gian xuất gia tu
hành.
Sử sách chép: “Mậu Ngọ, năm thứ 8
(1258). Tháng giêng, mùa xuân. Đem Hoàng hậu cũ là Lý Thị gả cho Ngự sử Đại phu
Lê Phụ Trần…Nhà vua bảo Lê Phụ Trần rằng: Nếu trẫm không có nhà ngươi giúp sức,
thì làm gì được có ngày nay, nhà ngươi nên cố gắng để cùng làm tròn sự nghiệp
sau này” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Bị ép lấy Lê Phụ Trần, biết không
thể chối từ, Chiêu Thánh đặt ra 3 điều kiện là: 1. Phải xóa bỏ ngay lệnh truy
sát, bức hại tôn thất nhà Lý; 2. Lăng miếu thờ các vị hoàng đế, công thần triều
Lý phải được giữ gìn, chăm sóc chu đáo; 3.
Dinh thự của Lê Phụ Trần phải
chuyển ra xa Hoàng thành. Sau khi triều Trần chấp nhận các điều kiện trên,
Chiêu Thánh mới đồng ý kết hôn cùng Lê Phụ Trần, lúc này bà dù 40 tuổi nhưng
vẫn còn xuân sắc mặn mà.
Ở vùng Từ Sơn (Bắc Ninh ngày nay)
từ bao đời vẫn lưu truyền câu ca dao thác lời Chiêu Thánh trách vua Trần về việc
gả chính vợ mình cho bề tôi:
Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!
Tướng Lê Phụ Trần tên thật là Lê
Tần (còn gọi là Lê Tân Trần) quê ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), theo Lê Tần
miêu duệ và Cổ Mai bi ký thì: “Lê Tần (tự là Lê Kính), Tần là con trai Lê Khâm,
là thân phụ của Trần Bình Trọng”; một số tài liệu cho hay Lê Khâm là cháu nhiều
đời của vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê.
Không rõ Lê Phụ Trần sinh và mất
năm nào, sử sách cũng không viết rõ về thời điểm ông trở thành tướng quân rồi
tham gia triều chính từ năm nào. Những dòng sử đầu tiên nhắc đến Lê Phụ Trần là
vào năm Kỷ Dậu (1250) ông được vua Trần Thái Tông phong chức Ngự sử trung tướng
tri tam viện sự có trọng trách can gián và xét đoán việc kiện tụng.
Khi quân Mông Cổ kéo vào xâm lược
nước ta, Lê Phụ Trần tham gia chiến trận và lập công lớn, khi định công phong
tước ông được giữ chức Ngự sử đại phu rồi làm Chánh sứ sang nước Nguyên.
Tháng 6 năm Kỷ Mùi (1259) ông
được giữ chức Thủy quân đại tướng quân; cuối đời về già, vào tháng 7 năm Giáp
Tuất (1274) được giữ chức Thiếu sư, kiêm Trừ cung giáo thụ để dạy thái tử.
Như vậy Lê Phụ Trần không chỉ là
võ tướng mà còn là văn thần có tài, “văn võ song toàn”, có mưu lược, đức hạnh
được tin dùng làm thầy dạy Thái tử Khâm (sau lên ngôi là vua Trần Nhân Tông).
Cuộc đời ông làm quan trải các triều vua Trần Thái Tông (1225 - 1258), Trần
Thánh Tông (1258 - 1278) và Trần Nhân Tông (1279 - 1293).
Theo một số tư liệu, như sách
Việt Nam đại hồng sử, sau khi được gả cho Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh theo chồng
về ở tại đất Bạch Hạc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) rồi không lâu sau họ cùng nhau
trở về quê ông nơi đất Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay).
Sống một cuộc đời mới với một
cuộc hôn nhân gượng ép nhưng may mắn cho Chiêu Thánh, bà và Lê Phụ Trần sống
hoà hợp, yêu thương nhau, đó là những ngày tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời
người phụ nữ đầy truân chuyên, đau khổ.
Chỉ một năm sau ngày cưới, tức
năm Kỷ Mùi (1259), Chiêu Thánh sinh hạ một người con trai đặt tên là Lê Tông,
còn có tên khác là Lê Phụ Hiền, tiếp đó bà sinh thêm một người con gái đặt tên
là Lê Thị Ngọc Khuê (còn gọi là Minh Khuê).
Vậy là hạnh phúc đã đến với Chiêu
Thánh, tuy muộn màng nhưng dù sao đó cũng là kết thúc có hậu mà bà đáng được
hưởng sau bao phen tủi hờn, sầu thảm.
Người con trai Lê Tông của Chiêu
Thánh, khi trưởng thành được phong tước Thượng vị hầu, sau này được ban quốc
tính (họ vua) và đổi tên thành Trần Bình Trọng, một danh tướng nổi tiếng với
câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.
Năm Ất Dậu (1285), tướng Trần
Bình Trọng trong một trận đánh với giặc Nguyên Mông ở bãi Thiên Mạc (thuộc
huyện Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay), vì quân ít thế yếu nên ông bị chúng bắt
được nhưng không khuất phục nên chúng đã giết hại ông, triều đình thương tiếc
truy phong tước Bảo Nghĩa Vương.
Ít ai biết rằng Lê Tông, tức Trần
Bình Trọng còn là phò mã triều Trần, được vua Trần Thái Tông gả con gái là Công
chúa Thụy Bảo làm vợ, hai vợ chồng ông chỉ sinh một người con gái tuyệt sắc sau
này được tuyển vào cung làm vợ vua Trần Anh Tông, được tấn phong là Chiêu Hiến
hoàng hậu (mẹ của hoàng tử Trần Mạnh, tức vua Trần Minh Tông).
Còn người con gái út của Chiêu
Thánh là Lê Thị Ngọc Khuê, sinh năm Tân Dậu (1261), còn được gọi là Minh Khuê,
có tài liệu như sách Việt Nam đại hồng sử thì viết bà hiệu là Kiều Thụy.
Sử sách và dã sử không cho biết
rõ về cuộc đời của bà, chỉ biết rằng bà được phong làm Ứng Thụy quận chúa (có
thuyết nói là Ứng Thụy công chúa).
Sau này Ngọc Khuê được gả cho
Trạng nguyên Trần Cố, quê ở xã Phạm Triền, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng, lộ
Hải Đông (nay là thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, Hải Dương), đỗ
Kinh trạng nguyên khoa Bính Dần, năm Thiệu Long thứ 9 (1266) đời Trần Thái
Tông, sau làm quan đến chức Hiến sát sứ, Thiên chương các đại học sĩ.
Theo chính sử, Chiêu Thánh (tức
Lý Chiêu Hoàng ) mất vào đầu năm Mậu Dần (1278) tại quê hương Cổ Pháp (nay
thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), thọ 60 tuổi, lăng mộ đặt ở bên rừng Báng thuộc đất
Đình Bảng, dân gian gọi đó là lăng Cửa Mả.
Vậy là kể từ khi sinh ra cho đến
khi từ biệt cõi đời, với bao biến cố đã trải qua khiến bà trở thành một nhân
vật có số phận đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam với 7 lần ở những danh vị
khác nhau cho dù vai trò của bà đối với vận mệnh quốc gia khá mờ nhạt:
1. Công chúa (nhà Lý),
2. Hoàng Thái tử,
3. Nữ Hoàng đế,
4. Hoàng hậu nhà Trần,
5. Công chúa (nhà Trần),
6. Nhà sư,
7. Phu nhân tướng quân.
Dù chỉ xuất hiện thoáng qua trên
vũ đài chính trị nhưng Lý Chiêu Hoàng đã trở thành nhân vật độc đáo, thành đề
tài luận bàn gần 800 năm qua và sẽ còn là điều thu hút sự quan tâm của các thế
hệ người Việt mãi sau này.
Lê Thái Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét