XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Hồ - Minh đại chiến


Hồ - Minh đại chiến: Vì sao Hồ Quý Ly thất bại?


Hạn hán, đói kém, bất mãn trong dân chúng và ưu thế quân sự của nhà Minh dường như là các yếu tố chính kết hợp, khiến nhà Hồ sụp đổ trước đợt xâm lược của nhà Minh đầu thế kỷ 15.
Hồ Quý Ly (1336-1407), người gốc ở Chiết Giang, Trung Quốc, có ông tổ là Hồ Hưng Dật được cử sang làm Thái thú Diễn Châu (Nghệ An ngày nay) hồi thế kỷ 10.
Dưới thời Trần Nghệ Tông, năm 1371, Quý Ly giữ chức Khu mật viện đại sứ, được vua gả em gái.
Trong vòng 20 năm, đến 1397, Quý Ly đã giữ chức Thái sư khuynh đảo toàn bộ triều Trần.
Năm 1397, Quý Ly cho xây thành Tây Đô ở tỉnh Thanh Hóa, sau này sẽ là kinh đô của nhà Hồ.
Đến năm 1400, Quý Ly chính thức bức vua Trần nhường ngôi, lập ra nhà Hồ, đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu.
Nạn đói
Chưa đầy một năm, Hồ Quý Ly nhường ngôi ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, làm Thái thượng hoàng, nhưng thực tế vẫn nắm triều chính.
Nhà Hồ chỉ tồn tại 7 năm ngắn ngủi (1400-1407). Trong những năm này, Việt Nam trải qua các năm hạn hán 1401-4, và ngay sau đó là nạn đói năm 1405.
Sự thanh trừng tàn khốc với họ Trần cũng khiến Hồ Quý Ly có nhiều kẻ thù. Theo sách Việt sử Giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần, có vụ Hồ Quý Ly sát hại một lúc trên 370 người, trong đó có Thượng tướng Trần Khát Chân là người đã có công giết chết vua Chế Bồng Nga của Chiêm Thành trong trận đánh năm 1390.
Tháng 4/1406, vua Minh Thành Tổ sai tướng đưa 5.000 quân đưa Trần Thiêm Bình, người trá xưng là con vua Nghệ Tông, sang Việt Nam.
Trần Thiêm Bình tự nhận là người duy nhất còn lại của họ Trần và xin vua Minh xuất quân điếu phạt.
Đến biên giới, xảy ra giao tranh với quân nhà Hồ. Kết quả, quân Hồ bắt được Thiêm Bình, đem về chém đầu.
Nhưng cuối năm đó, nhà Minh đưa đại quân sang đánh. Nhà Minh đã huy động các vị tướng và binh lính thiện chiến nhất cho chiến dịch tấn công Đại Việt.
Hỏa khí
Theo nghiên cứu về vũ khí của Sun Laichen, để đối phó với hỏa khí của Đại Việt, vua Minh Thành Tổ ra lệnh sản xuất các khiên lớn và dày. Ông ra lệnh không được để lộ kỹ thuật làm súng cho đối phương, phải bảo đảm là khi rút quân, súng "phải được đếm theo số hiệu và không để một khẩu súng nào thất lạc."
Trong số 215.000 quân Minh tham gia chiến dịch viễn chinh, khoảng 21.000 lính thuộc khẩu đội được vũ trang bằng súng.
Ngày 19 tháng 11 năm 1406, quân Minh do Trương Phụ dẫn đầu tiến vào từ Quảng Tây, còn đội quân của Mộc Thạnh tấn công từ Vân Nam.
Sau các thắng lợi ban đầu, quân Minh tổ chức đánh thành Đa Bang, thuộc Sơn Tây, là tiền tuyến của quân Hồ.
Việc chiếm thành Đa Bang bộc lộ vai trò quan trọng của súng ống của quân Minh. Đa Bang là vị trí chiến lược quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống phòng thủ khi ấy của Đại Việt, và nhà Hồ tập trung quân tướng và vũ khí tốt nhất để phòng thủ nơi này.
Trận tấn công bắt đầu ngày 19 tháng Giêng, 1407. Khi quân Minh dùng thang ập vào thành mà leo lên, những người lính Việt chỉ có thể bắn vài mũi tên và đạn. Sau khi vào thành, quân Minh đối diện với các đoàn voi trận. Quân Minh vẽ hình sư tử trùm lên ngựa để làm voi sợ, và đặc biệt, nhóm quân súng thần cơ đóng vai trò quyết định cho thắng lợi của quân Minh.
Các đoàn voi trận Đông Nam Á vốn vẫn là đối thủ đáng gờm trước quân Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, nhưng trước hỏa lực mạnh của đối phương, voi đành bỏ chạy.
Khi Đa Bang vỡ, quân nhà Hồ không còn ngăn được đà tiến về miền đông và nam của quân Minh.
Ngày 20 tháng Giêng, Đông Đô (Thăng Long) sụp đổ, và sáu ngày sau, Tây Đô (vùng Thanh Hóa) cũng rơi vào tay quân viễn chinh.

Chiến cuộc
Trong các trận chiến sau đó, súng của quân Minh cũng chứng tỏ hiệu quả.
Ngày 21 tháng Hai, trên Lục giang, quân Minh huy động thủy - lục quân với nhiều loại súng, tấn công 500 chiến thuyền của Hồ Nguyên Trừng, giết chết hơn 10.000 lính Việt.
Một nguồn sử Trung Hoa mô tả trận chiến là "súng bắn ra như sao rơi, sét đánh."
Đầu tháng Năm 1407, một trận lớn diễn ra ở bến Hàm Tử, Hưng Yên. Nhà Hồ huy động lực lượng đáng kể (70.000 quân) và nhiều chiến thuyền kéo dài trên sông đến năm cây số. Mặc dù quân Hồ cũng sử dụng súng chống trả, nhưng hỏa lực quân Minh vẫn đủ sức tạo chiến thắng, với 10.000 lính Việt tử trận.
Ngày 16-17 tháng Sáu 1407, quân Minh kết thúc chiến dịch với việc bắt sống Hồ Quý Ly và các con.
Chiến thắng nhanh chóng khiến tướng Hoàng Phúc bình luận: "Thành công nhanh chóng thế này chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ."
Sách Việt sử Toàn thư của Phạm Văn Sơn còn nhắc một chi tiết. Khi quân Minh tiến vào nước Nam, đã thả xuống sông những tấm ván có viết bài hịch, nói rằng họ sang dẹp nhà Hồ có ý khôi phục lại dòng dõi nhà Trần và cứu nhân dân khỏi vòng đói khổ.
Sách viết: "Quân sĩ của ta xem được bài hịch này nhiều kẻ nản lòng. Bọn Mạc Địch, Mạc Viễn, Mạc Thủy (cháu trạng Mạc Đỉnh Chi ở lộ Hải Dương) và Nguyễn Huân bất bình với nhà Hồ bỏ theo quân Minh được trọng đãi. Nhờ có sự cộng tác của bọn này, nội tình quân dân nước Nam thời đó bị phanh phui hết thảy ra trước mắt quân xâm lược."

Hồ Quý Ly cùng các con Hán Thương, Nguyên Trừng bị quân Minh giải về Trung Quốc.
Tại đây, Minh Thành Tổ hỏi Quý Ly: "Giết vua cướp nước có phải là đạo bề tôi không?"
Quý Ly không trả lời, sau đó, cùng Hán Thương, bị đưa đi làm lính tuần ở Quảng Tây.
Con của ông, Nguyên Trừng, giỏi chế tạo vũ khí, được nhà Minh phong làm quan, sau này viết sách Nam Ông Mộng Lục.
Sau khi đánh bại nhà Hồ, từ 1407, nhà Minh tự đặt Việt Nam thành quận Giao Chỉ của Trung Quốc. Việt Nam lúc này rơi vào sự đô hộ của Trung Quốc.
Bình định xong, nhà Minh đặt ba cơ quan hành chính: Ty Đô chỉ huy sứ, ty Thừa tuyên bố chính sứ và ty Đề hình án sát sứ, thuộc quyền Đô đốc Lã Nghị và Thượng thư Hoàng Phúc.
Đại Việt dưới thời Hồ Quý Ly đã chuẩn bị cho khả năng bị xâm lăng từ sớm, và huy động một lực lượng quân đội lớn chưa từng thấy.
Tuy vậy, chế độ nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng. Lý do, bên cạnh các yếu tố khác như bất mãn của tầng lớp quý tộc và dân chúng trong nước, sai lầm chiến lược, còn là ưu thế quân sự, bao gồm súng đạn, của nhà Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét