Tuổi trẻ là bình minh cuộc sống tuổi già là hoàng hôn cuộc đời nói như vậy vừa đúng (về hình thức bên ngoài) vừa không đúng (Về trí tuệ bên trong)…Tuổi già mới là tuổi đẹp nhất trong đời, như mặt trời khi lên cao nhất là sáng nhất và nóng nhất, như hoa nở rộ đến tột cùng, là lúc hương sắc tỏa ra rực rỡ nhất.
Về già, ai cũng vậy không còn sục sôi như
thời niên thiếu, không còn lãng mạn đầy ắp ước mơ như hồi còn trẻ trung, nhưng
ngộ ra nhiều điều về cuộc sống và lẽ đời. Về già, không còn nét cười của trẻ
thơ và vẻ đẹp của tuổi thanh xuân nhưng chỉ đến khi về già ta mới hiểu rằng,
đời người cho dù thành công hay thất bại, vui sướng hay khổ đau, thịnh hay suy,
vinh hay nhục, tất cả đều như dòng suối tự nhiên, chảy từ chỗ cao xuống chỗ
thấp, từ đồi núi hẻo lánh nhập dòng vào sông, trăm sông về biển và tất cả là
Một.
Chỉ đến khi về già người ta mới hiểu
rằng trên đời không có trắng đen rõ ràng, giữa đen và trắng có nhiều màu trung
gian (đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím…màu của 7 sắc cầu vồng), cho nên cô
đơn, lẻ loi, thất vọng, buồn phiền, đau đớn, hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục là những thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của đời
một con người. Tử tế với chúng tức là tử tế với đời, ghét bỏ chúng đời cũng
ghét bỏ mình và cuộc sống trở nên vô nghĩa vì không còn gia vị làm phong phú
thêm cuộc sống và bản thân thực chất là đang tồn tại trong thế giới chứ không
phải là sống trong thế giới.
Chỉ đến khi về già người ta mới hiểu
rằng không phải ai cũng thành công, không phải ai cũng danh giá, nhưng ai cũng
có dấu chân của mình để lại trong đời. Nếu ta đã phấn đấu, đã theo đuổi, vậy
thì được và mất có là gì ! ai mà chẳng có câu giá như và nuối tiếc với chữ “nếu
như”, Về già mới hiểu sau 40 tuổi, trình độ học vấn cao thấp cũng giống nhau vì
sự hào nhoáng không còn hữu dụng nữa, bạn cần thực lực. Sau 50 tuổi, xấu đẹp
cũng như nhau vì ai rồi cũng xuất hiện nếp nhăn và tàn nhang. Sau 60 tuổi, làm
quan hay làm dân cũng giống nhau vì ở cương vị nào đi chăng nữa, rồi một ngày
bạn cũng sẽ đến tuổi về hưu. Sau 70 tuổi, ở nhà to cũng như nhà nhỏ vì bạn không
thể đi hết những không gian mình muốn. Sau 80 tuổi, tiền nhiều cũng như tiền ít
vì dù tiêu tiền như thế nào trong thời điểm này bạn cũng không thể tiêu nhiều. Sau
90 tuổi, đàn ông cũng như phụ nữ vì nếu không có ai, bạn vẫn có thể làm những
việc như vậy. Sau 100 tuổi, nằm xuống cũng như thức dậy vì dù có gượng dậy được
vào lúc này thì bạn cũng chẳng thể làm được gì.
Vì vậy,
dù đi đến giai đoạn nào của cuộc đời, bạn cũng nên thích nghi với khoảng thời
gian đó và hoàn thành những nhiệm vụ nên hoàn thành ở giai đoạn đó.
Đừng mê đắm quá khứ, đừng hăng hái
hướng tới tương lai, mỗi khoảnh khắc đều là khoảng thời gian tươi đẹp nhất
trong cuộc đời. Tuy nhiên, Dại khờ là mọi người đều sống không trân trọng hiện
tại, sống trong dự đoán không biết đúng sai của tương lai; Sống trong hoài niệm
về quá khứ hay mạnh hơn ăn mày quá khứ, thậm chí như một kẻ dở hơi; Tiếc rằng
cuộc đời trôi qua quá nhanh, đến lúc nhận ra thì đã quá muộn. Khi trẻ thì chế
trai sợ vợ nhưng khi già rồi mới biết Trai sợ vợ là khôn ngoan nhất vì có sợ vợ
thì mới hưởng thụ được hết các thú vui của cuộc sống đàn ông còn không sợ vợ
thì phải sống gương mẫu như một cái máy do vợ điều khiển thì sung sướng nỗi gì.
Khi về già làm người tử tế mới thấy tiếc sao thời trai trẻ mình không là trai
hư để biết được nhiều thứ muốn biết, thật là quá thiệt thòi và tiếc nuối.
Chỉ đến khi về già người ta mới hiểu
rằng tuổi già có sắc màu và tâm thế của tuổi già. Trẻ trung cho dù lộng lẫy sắc
màu nhưng sẽ phai mờ dần theo năm tháng. Chỉ có Tâm Thế trẻ trung mới là màu
sắc bất biến trong cuộc sống, và vì thế tuổi già không có nghĩa là suy tàn.
Thất vọng, thờ ơ, chán đời, suy nghĩ tiêu cực không có lối thoát mới thực sự là
suy tàn.
Chỉ đến khi về già người ta mới hiểu
rằng trên đời không có người đàn bà nào đúng như ý người đàn ông mong muốn và
cũng không có người đàn ông nào đúng như ý người đàn bà mong muốn. Chìa khoá
của hạnh phúc gia đình là sự bao dung và hiểu nhau, là lòng biết ơn và sự tôn
trọng. Càng về già tình vợ chồng càng nhạt đi nhưng do sống tốt với nhau nên
nghĩa dày lên, hãy tôn trọng đời tư của nhau và đừng dại dột đi chứng minh
những điều làm cho mình đau khổ, sống đôi lúc đôi khi phải biết đui mù. Có
những cái để trong nghi ngờ vẫn đẹp đẽ hơn sự thật;
Về già mới bắt đầu nhàn rỗi. Khi ta già, bọn trẻ đã đi làm. Chúng nó trở thành trụ cột của gia đình, ta được thong thả sống cuộc sống của mình. Để ngăn chặn những nguy cơ bệnh tật tuổi già, người lớn tuổi cần duy trì kết nối bạn bè bằng nhiều cách. Đơn cử là tham gia câu lạc bộ (như dưỡng sinh, chơi nhạc cụ, hát hò, tham gia câu lạc bộ văn hoá…), hoạt động thiện nguyện, họp lớp, du lịch cùng bạn bè để vừa vận động thể chất, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, vừa gặp gỡ bạn bè. Ngoài ra, sử dụng mạng xã hội cũng giúp người lớn tuổi giữ liên lạc với người thân và bạn bè. Nhờ vậy, người già sẽ tìm được nhiều niềm vui, đồng thời cải thiện sức khỏe thể chất đáng kể. Quan trọng hơn, tạo thói quen tự tìm kiếm niềm vui từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống sẽ giúp tâm trạng người lớn tuổi thấy thoải mái hơn. Càng đơn giản sự thỏa mãn với cuộc sống thì hạnh phúc tuổi già càng trở nên viên mãn. Nhờ đó những nỗi buồn phiền, mối bận tâm không đáng có cũng được giảm tải đáng kể. Để làm được như thế, bạn nên tìm niềm vui khi tự do làm điều mình thích, cảm nhận từng khoảnh khắc gia đình sum vầy, tạo hy vọng cho những ngày mới sẽ đến. Bên cạnh đó, trò chuyện và chia sẻ với người thân, duy trì tình cảm gia đình gắn kết sẽ ươm mầm cho cảm giác bình yên cho tuổi già.
Về già,
ta có quyền hưởng hạnh phúc. Khi còn trẻ luôn nghĩ rằng khi việc làm ăn ổn định
và bọn trẻ lớn lên là ta có thể hưởng phúc. Nay ta già thật rồi, cũng nên hưởng
sự chăm sóc và yêu thương của con cháu. Hãy để bọn trẻ quây quần bên mình để
tận hưởng niềm vui gia đình. Ta được coi là thần tượng của gia đình, là chỗ dựa
tinh thần của gia đình. Không có người già, gia đình mất đi một kho báu.
Về già,
nhàn nhã hơn và không có gì vội vã. Về già, không còn sự khôn lanh và xông xáo,
nhưng sự chu đáo và tỉ mỉ khi suy xét mọi việc thì chắc chắn là hơn thời trẻ. Ta
chỉ muốn thụ hưởng phần thuộc về mình và thuận với lẽ tự nhiên trong một đời
người bình thường để thực sự bước vào quãng đời tự do tự tại sung sướng của cõi
nhân sinh. Người già, được thời gian rửa tội, Chân chất mà Bền bỉ, Hiểu biết mà
Vững vàng.
Người
già, được tuổi tác tôn vinh, minh triết mà điềm đạm, tỉnh táo mà thong dong...được
pháp luật bảo hộ cho nên hãy suy nghĩ tích cực và sống sao cho vui vẻ mỗi
ngày./.
Có thơ rằng:
Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy
Ta thấy thêm ngày nữa để yêu thương
Để những ai nhìn đời còn gai góc
Có cơ may trông thấy được hoa hồng
Sưu Tầm và bổ sung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét