XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

TƯỚNG NGUYỄN HỮU AN

 

"Cởi áo cà sa khoác chiến bào

Tuốt gươm bồng súng dẹp binh đao

Ra đi quyết rửa thù cứu nước

Vì nghĩa quên thân hiến máu đào.

Cởi áo cà sa khoác chiến bào

Giã từ thiền viện lướt binh đao

Câu kinh tiếng kệ chờ khi khác.

Cứu nước thương dân dễ đợi nào?

Nghe theo tiếng gọi của núi sông

Cà sa gửi lại chốn thư phòng.

Xông ra trận tuyến trừ hung bạo

Thực hiện từ bi lực phải hùng".

THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN HỮU AN LÀ 1 VỊ TƯỚNG NHƯ THẾ - MỘT VỊ TƯỚNG VÌ DÂN, VÌ NƯỚC. VỊ TƯỚNG TIÊN PHONG THẦN TỐC.

(Nhân kỷ niệm ngày sinh của ông; người chỉ huy Người đã giã nát Sư đoàn kị binh bay số 7 của Mỹ trong trận Ia Drăng. Sau này chính Đại tướng Westmorlend cũng phải thán phục và giật mình mỗi khi nghe thấy tên ông)

Sở dĩ tôi gọi ông là "Thần tướng tiên phong" bởi ông thật sự sinh ra để làm tướng tấn công, sinh ra để lập công đầu. Được xếp hàng thứ 4 trong bộ "tứ nguyên tử" mà tôi đã giới thiệu từ bài trước.

Tướng An trải qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ở đâu, trên chiến trường nào, ông cũng để lại nỗi "ám ảnh" kinh hoàng cho đối thủ.

Là người được tôi xếp đứng hàng đầu trong bộ ba vị "Sư đoàn trưởng đánh trận giỏi nhất trong QĐNDVN". Khác với tướng Hoàng Đan - một chuyên gia phòng ngự. Tướng Nguyễn Hữu An có cùng sở trường tấn công như Thượng tướng Nguyễn Chơn, nhưng ở tướng An vẫn có một sự khác biệt đó là: Tướng Nguyễn Chơn nổi tiếng với lối đánh "bóc trọc" nghĩa là đánh đến đâu tiêu diện gọn ghẽ, sạch sẽ tới đó, còn tướng Nguyễn Hữu An lại mang một phong cách tấn công hoàn toàn khác, ông nổi tiếng với những cuộc tấn công thần tốc, chóng vánh, chiến thuật của ông thường sử dụng là dùng mũi nhọn tinh nhuệ hoặc đội xe tăng xung kích xông thẳng vào cơ quan đầu não của đối phương để tiêu diệt, sẵn sàng bỏ qua mục tiêu nhỏ lẻ, để hướng tới mục tiêu lớn. Tuy nó có phần mạo hiểm, nó có thể là con dao hai lưỡi, nhưng thực sự lại là đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến. Dưới cái tài thao lược của ông, ông chưa bao giờ gặp thất bại trong bất kỳ một trận đánh lớn nào.

* Tướng An sinh tháng 10/1926, tại cố đô Hoa Lư - Ninh Bình của Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh. Tháng 8/1945, ông bắt đầu tham gia nhập ngũ. Ông đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy các trận đánh ở đèo Bông Lau, Lũng Phầy năm 1949.

* Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, ông là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 251 chủ công của trung đoàn 174 (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 lúc này là Hùm Xám Đường Số 4 - Tiểu Napoleon Trung tá Đặng Văn Việt) tấn công và tiêu diệt đồn Đông Khê, mở đầu thắng lợi cho chiến dịch.

* Tiếp đó, tới chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Ông vinh dự trở thành vị Trung đoàn trưởng trẻ tuổi nhất trong QĐNDVN tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, khi chỉ huy Trung đoàn 174 tấn công cứ điểm đồi A1.

Trận đánh đồi A1 được chia làm 2 đợt:

- Đợt 1 (30/3 - 3/4/1954) hai bên bất phân thắng bại.

- Đợt 2: 6/5/1954. Phía QĐNDVN dùng hơn 1 tấn thuốc nổ đánh sập đồi A1 mới dứt điểm được cứ điểm này.

+ Đây là một trong những trận đánh quan trọng bậc nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Do vị trí đặc biệt quan trọng nên quân đội Pháp bố trí lực lượng phòng ngự dày đặc với nòng cốt là Bán lữ đoàn lê dương số 13 - Niềm tự hào của Quân đội Pháp trong Thế chiến thứ 2, khi chưa để thua bất kỳ một trận tham chiến nào, cùng với hệ thống hầm ngầm vô cùng kiêm cố và liên tục chi viện viện binh, hoả lực một cách tối đa.

+ Trong lần tiến công lần 1 vào cứ điểm A1, do hệ thống đường dây liên lạc bị đứt nên Trung đoàn 174 nổ súng chậm 35 phút so với các đơn vị bạn vì không được bất kỳ mệnh lệnh nào của cấp trên chỉ thị nổ súng. Việc nổ súng và tiến vào vị trí trậm trễ hơn nửa giờ đồng hồ so với kế hoạch nên lúc này pháo binh Pháp đã hồi sức, bắn dữ dội vào cửa mở. Các lô cốt, ụ súng ở tiền duyên dồn đạn về phía các chiến sĩ Trung đoàn 174, khiến Trung đoàn bị thiệt hại nặng. Sau bốn lần xung phong tấn công, cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề mà bất phân thắng bại.

Đã có những lúc phía bên Pháp tưởng chừng như A1 đã bị thất thủ khi chỉ còn vài tay súng cố thủ trong công sự. Tuy nhiên do mũi tấn công của tướng An phát triển quá nhanh nên ông không nắm rõ được tình hình địch và bất ngờ cho quân rút lui để bảo toàn lực lượng, trong sự ngỡ ngàng của Quân đội Pháp. Chính những người lính Pháp lúc đó cũng không thể tin ở mắt mình khi thấy bộ đội Việt Nam bất ngờ ngừng tiến công, từ từ rút quân ra bên ngoài đồn.

Lănggơle, chỉ huy khu trung tâm, đã viết trong hồi ký: " Rất may Điện Biên Phủ đã không bị mất đêm đó là do kẻ thù bị bất ngờ vì giành được những mục tiêu chỉ định quá nhanh chóng nên không đủ khả năng khai thác những thắng lợi ban đầu."

+ Trong đợt tấn công ₫ợt hai mặc dù gặp phải sức kháng cự vô cùng mãnh liệt của quân địch - những người lính dù Pháp đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng vẫn phải chịu thất thủ vào sáng sớm 7/5/1954.

+ Với việc chiếm được A1, trung tâm đề kháng Eliane phía đông tập đoàn cứ điểm đã hoàn toàn sụp đổ, QĐNDVN gần như đã nắm chắc phần thắng vì chỉ còn cách sở chỉ huy cứ điểm (hầm Đờ Cát) vài trăm mét. Chỉ 1 ngày sau QĐNDVN đã có thể dễ dàng thọc sâu tiêu diệt sở chỉ huy Pháp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự đầu hàng của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ.

* Năm 1964, trên cương vị Sư đoàn trưởng, ông dẫn Sư đoàn 325 vào miền Nam chiến đấu. Và trở thành Tư lệnh phó mặt trận B3 Tây Nguyên. Trong lần đụng độ lớn đầu tiên giữa QGPMN và QLVNCH, tướng An đã chỉ huy Trung đoàn 101 đánh Trung đoàn 44 sư 23 Bộ Binh VNCH thiệt hại nặng, Trung đoàn trưởng tử trận.

* Tháng 11/1965, Ông trực tiếp chỉ huy quân đội tham gia trận Ia Đrăng huyền thoại (4/11 - 8/11/1965) - Trận đụng độ lớn đầu tiên giữa QGPMN và Quân đội Hoa Kỳ.

+ Trận đánh gồm 2 trận đụng độ: trận đụng độ thứ nhất xảy ra trong ba ngày từ 14/11 - 16/11/1965 tại bãi đáp X-Ray; trận đụng độ thứ nhì xảy ra vào ngày 17/11 tại bãi đáp Albany, nằm gần mạn phía Nam của sông Ia Drang.

Tại đây dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng An, QGPMN đã áp dụng triệt để chiến thuật "bám thắt lưng địch mà đánh" để hạn chế tối đa hoả lực yểm trợ mạnh mẽ của quân đối phương, và đánh quỵ hoàn toàn Lữ đoàn 3, Sư đoàn Không Kỵ số 1 Hoa Kỳ. Nặng nề nhất là Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7 Kỵ binh Hoa Kỳ khi rơi vào trận địa phục kích trên đường tới bãi đáp Albany vào sáng ngày 17/11/1965. Trong gần 600 quân số ban đầu, khoảng 150 binh sĩ bị thiệt mạng, hơn 300 bị thương và chỉ 84 lính còn khả năng chiến đấu; trong đó Đại đội C chịu 93% tổn thất, một nửa trong số đó tử trận.

Kết thúc trận đánh, mỗi bên tổn thất hàng trăm binh sĩ, cả hai bên đều tuyên bố giành thắng lợi.

- Tuy nhiên theo giới chức trách, quân sự và sử gia thế giới đánh giá thì trận Ia Drăng đã làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam. Rõ ràng sau trận đánh này đã làm giới lãnh đạo Mỹ không còn cách nhìn lạc quan về triển vọng "chiến thắng dễ dàng" trước QGPMN nữa. Ngay tuần lễ sau đó Westmoreland đã đề nghị cho ông thêm 41.500 lính nâng tổ số lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam lên tới 375.000 quân.

- Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó sang thăm Việt Nam Cộng hòa đã đóng vai một nhà báo chiến trường đến quan sát chiến dịch Pleime về nói như sau: "Quân đội Mỹ ở Việt Nam đã có đủ những vũ khí và phương tiện mà những người chỉ huy quân sự các nước khác chỉ thấy trong mơ. Thế mà, mỗi khi đối phương đã tiếp nhận giao chiến là trên 90% các trận đánh, quyền chủ động thuộc về họ...".

- Cho tới năm 2002. Người Mỹ đã xây dựng lại bối cảnh trận đánh Ia Drăng qua bộ phim "We are soldiers" Chúng tôi từng là lính, được chuyển thể từ cuốn sách We Were Soldiers Once… And Young của tướng Hal Moore. Tuy nhiên bộ phim lại bị chính các tướng lĩnh, bĩnh sĩ trực tiếp tham gia trận đánh cùng tác giả cuốn hồi ký phản đối kịch liệt vì nội dung của nó bị chỉnh sửa đến hơn 80% sự thật. Thực tế thì QGPMN không hề sử dụng chiến thuật "biển người" như trong phim. Và theo như Tướng H. Moore nhận xét trong hồi ký: "Kẻ thù là những chiến binh khôn khéo, luôn tìm cách tập kích hoặc cơ động đánh vào sườn chúng tôi, "giỏi không chịu được".

* Năm 1967, Ông giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 bộ binh QGPMN tham gia chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh (3/11 - 22/11/1967). Đặc biệt là trận đụng độ lớn với Lữ dù độc lập 173 khét tiếng của quân đội Hoa Kỳ tại đồi 875 và các cao điểm xung quanh. Tại đây những người lính "Thiên binh bay" Lữ dù 173 Sky Soldiers bị tên tuổi của Trung đoàn 174 QGPMN khắc ghi vào lịch sử như những trang hồi ức đẫm máu, bi thương nhất khi bị đánh thiệt hại hơn một nửa quân số trong số hơn 3000 quân tham chiến.

Trận đánh được Phóng viên chiến trường Mỹ tường thuật lại một đoạn như sau:

"Một đơn vị Mỹ đang chiến đấu giành sự sống và trận dội bom nhầm của một máy bay không quân đã giết chết 20 lính bị thương trước đó. Tám chiếc trực thăng bị bắn hạ khi cố gắng di chuyển những người bị thương khác vào sáng hôm đó. Không có cách nào để đưa những lính bị thương hoặc bất kì ai ra khỏi chiến trường... Cách duy nhất để phân biệt người sống và người chết là khi chứng kiến pháo cối của kẻ thù dội vào. Người còn sống đổ xô không một chút xấu hổ vào những boongke bé nhỏ được đào trên đỉnh đồi, người bị thương thì quằn quại bò tới ẩn nấp sau những bụi cây đổ xuống đất..".

* Năm 1971, ông là tư lệnh sư đoàn 308 tham gia chiến đấu và góp phần cùng các đơn vị khác trong chiến thắng ở mặt trận đường 9-Nam Lào. Sau chiến thắng, ông lại được Quân ủy Trung ương điều sang giúp Mặt trận Pa thét Lào chiến đấu lấy lại Cánh đồng Chum.

Đến cuối tháng 6/1972, Ông chỉ huy sư đoàn 308 chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị.

* Năm 1975, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An là Tư lệnh quân đoàn 2, lần lượt giải phóng tỉnh Quảng Trị, thành phố Huế; và cùng với các lực lượng vũ trang quân khu 5, trong 3 ngày đêm đã đánh bại gần 10 vạn lính chủ lực cơ động của QLVNCH tại căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng.

** Cuộc hành quân thần tốc:

Tháng 4/1975, Tướng An đề xuất xin cho quân đoàn 2 tiếp tục tham gia tác chiến hướng duyên hải, dọc theo Quốc lộ 1. Với khoảng cách từ Đà Nẵng vào tới Sài Gòn khoảng 1000km, để kịp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng An xin phép Bộ tư lệnh tác chiến sử dụng xe cơ giới của QLVNCH và thay thế một số pháo 122mm, D74 do Liên Xô Sản Xuất bằng pháo 105, 155mm Hoa Kỳ thu được từ tay QLVNCH vì với các lý do:

- Thứ nhất: Một bộ phận Pháo binh QGP chưa kịp chuyển từ Thượng Đức ra quốc lộ 1;

- Thứ 2: pháo Mỹ bắn bền, ổn định và hiệu quả hoả lực cũng cao;

- Thứ 3: không phải lo chở theo dự phòng cơ số lớn, vì “đi đâu cũng có đạn Mỹ!" và việc kéo pháo bằng xe bánh hơi, tốc độ hành quân cao hơn xe bánh xích chậm chạp.

+ Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự lái xe và điều khiển Pháo, tướng An đã vận động hàng binh tham gia bằng chính sách đãi ngộ đặc biệt (Sau này cho thấy chủ trương này là rất đúng, lái xe hàng binh rất tận tụy, tích cực.)

+) Ngày 14 và 15/4/1975, Quân đoàn 2 do tướng An chỉ huy bắt đầu tấn công tuyến phòng thủ Phan Rang, phá vỡ phòng tuyến Du Long - Ba Tháp. Sáng 16/4, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 lệnh cho Tiểu đoàn 4 xe tăng (lữ đoàn 203) kết hợp với F325 và F3 đột phá theo quốc lộ 1, thọc thẳng vào Thị xã Phan Rang, mặc dù gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của phía QLVNCH do tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Văn Sang chỉ huy trấn giữ, tiểu đoàn 4 xe tăng bị tổn thất nặng, nhưng trước tốc độ tấn công như vũ bão, lần lượt các chốt chặn bên phía VNCH bị vỡ vụn. Chỉ trong vòng 24 giờ chiến đấu "lá chắn thép Phan Rang" bị sụp đổ, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi - Tư lệnh, và Chuẩn tướng Phạm Văn Sang tư lệnh phó tiền phương QLVNCH bị bắt sống.

+ Sáng 22/4/1975, Ông nhận nhiệm vụ tổ chức binh đoàn Hương Giang thọc sâu theo hướng đông tiến đánh vào nội đô Sài Gòn. Ngay sau khi nhận mệnh lệnh tướng An lập tức tổ chức binh đoàn bắt tay vào chuẩn bị. Tới ngày 24/4/1975, Toàn bộ binh đoàn đã có mặt tại điểm tập kết Long Khánh theo đúng quy định, sẵn sàng bước vào chiến dịch cuối cùng.

Nhận thấy nhiệm vụ được giao trên hướng tấn công chính có địa bàn rất rộng (khoảng 86km) và lực lượng phòng ngự phía VNCH ở đây còn rất mạnh nên tướng An chủ động đề nghị với Bộ Tư lệnh chiến dịch cho phép nổ súng trước 1 ngày và được chấp thuận.

Đúng 17h, ngày 26/4/1975, xe pháo, bộ binh của Quân đoàn 2 từ các rừng cao su ào ào nổ súng xông ra đường số 1. Tuy nhiên đến tối ngày 29/4/1975, khi các hướng khác đã áp sát nội đô Sài Gòn thì Quân đoàn 2 vẫn bị cầm chân tại cầu Sông Buông cách Sài Gòn hơn 40 km. Vậy nên để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 vạch ra kế hoạch gồm ba hướng tấn công chính:

- Hướng thứ nhất đột kích vào căn cứ Nước Trong, Long Bình và chi khu Long Thành do sư đoàn 304 và 325 đảm nhiệm chính.

- Hướng thứ 2 đột phá vào chi khu Đức Thanh, thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu do sư đoàn 3 Sao Vàng đảm nhiệm.

- Hướng thứ 3 sử dụng lực lượng xung kích mũi nhọn Lữ đoàn tăng 203 và Trung đoàn 66 bộ binh thọc sâu vào nội đô Sài Gòn tiến tới Dinh Độc Lập.

9h30 sáng 30/4/1975, mũi tấn công của Lữ đoàn tăng 203 vượt qua cầu Rạch Chiếc. 10h45, xe tăng mang biển hiệu 390 thuộc Lữ đoàn 203 húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập, 11h30' lá cờ QGP của Binh đoàn Hương Giang bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập, chấm dứt hơn 20 năm chiến tranh ở Việt Nam.

+) Qua đây ta có thể thấy được cuộc hành quân thần tốc của Binh đoàn Hương Giang tiến vào Sài Gòn cũng chẳng hề kém cạnh gì so với "bước chân Tây Sơn" của Hoàng đế Quang Trung năm xưa. Mặc dù phải hành quân gần 1000km, ở hướng xa nhất, chính diện tiến công rộng nhất, chiều sâu đột phá lớn nhất... nhưng Quân đoàn 2 lại là đơn vị đến đích sớm nhất.

* Từ 1977 - 1981, Ông chỉ huy quân đoàn 2 tham gia chiến dịch phản công biên giới Tây - Nam Việt Nam chống quân Khmer Đỏ Pol Pot.

* Ông mất ngày 9/04/1995 tại Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình ở tuổi 70. Năm 2015 ông được Nhà nước CHXHCN Việt Nam truy phong danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng với Thiếu tướng Hoàng Đan - Chuyên gia phòng ngự, và cũng là bạn chiến đấu thân thiết của ông.

----------------------------------------------------------------------------

Tướng Hoàng Đan cùng với tướng Hữu An, Nguyễn Chơn, hợp thành bộ ba Sư trưởng đánh trận giỏi nhất trong QĐNDVN.

Tướng Hoàng Đan tham gia những trận phòng ngự nổi tiếng nhất trong thời chiến như: Thành cổ Quảng Trị 1972, Trận "thư hùng" Thượng Đức 1974, Bình độ 400 và Vị Xuyên - Hà Giang (1984 - 1984). Nghệ thuật tác chiến phòng ngự của ông xứng đáng được đưa vào giảng dạy trong học thuyết quân sự, lưu danh sử sách.

Theo tôi QĐNDVN rất may mắn khi có được trong tay cả những chuyên gia tấn công như Nguyễn Hữu An và chuyên gia phòng ngự như Hoàng Đan. Thật sự thì không thể tưởng nổi nếu hai ông ở hai bờ chiến tuyến sẽ ra sao? Liệu có như Lượng và Ý thời Tam Quốc ??!

Nguồn sưu tầm từ fb: Trần Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét