Cầu Kiệu. Không ảnh 1955. Photo by Raymond Cauchetier.
Rời cầu Kiệu đi về Saigon sẻ qua một cái chợ, ngày xưa gọi là chợ
Xã Tài, chợ bắt đầu là một nhóm bạn hàng ngồi tụ tập lộ thiên và có tên là Chợ
Mới. Vì thế Cầu Kiệu thời ấy có tên là cầu Chợ Mới. Sau có ông Lê Tự Tài, xã
trưởng Phú Nhuận, quyên góp tiền của bà con bán hàng, để mua vật liệu xây dựng,
nhà lồng chợ bằng tre, lá. Mấy năm sau, mới thay bằng cột gỗ, lợp ngói, và được
người dân gọi là Chợ Xã Tài. Đầu thế kỷ 20, người ta cho xây mặt tiền chợ nhà
lồng và đắp lên đó mấy chữ nổi: “Marché de Xa Tai”. Nhưng tồn tại chẳng bao
lâu, thì được thay bằng chữ “Marché de Phu Nhuan”, tức Chợ Phú Nhuận hiện nay.
Đây là một trong các ngôi chợ lâu đời nhất ở Sài Gòn. Xã Phú nhuận thời ấy là
một xã lớn có đền 72 ngôi đền chùa (Trương Vĩnh Ký trong Saigon et ses
environs), nhưng đa số không còn tồn tại đến ngày nay.
Cách cầu Kiệu không xa, có lăng Đô-đốc Võ Di Nguy, lăng Ông Trương
Tấn Bửu, một danh tướng thời Gia Long Minh Mạng, một thời là Tổng Trấn Gia Định
Thành.
Saigon 1971-72. Photo by Terry Nelson. Có lẽ là đường Chi Lăng, nay là Phan Đăng Lưu.
Đây là
các em Oanh vũ của Gia đình Phật Tử. Ngã ba Võ Tánh-Trương Tấn Bửu.
Danh từ
‘Oanh vũ’ là tên của một loài chim được lấy ra từ trong những câu chuyện đạo và
chuyện tiền thân của Đức Phật như “Lòng Hiếu Chim Oanh Vũ”, “Lòng Nhân Từ của
Chim Oanh Vũ”…
Ngành
Oanh Vũ bao gồm các em ở độ tuổi từ 7 tới 12 tuổi. Trong Gia đình Phật Tử được
chia theo các Bậc học: Mở Mắt, Cánh Mềm, Chân Cứng và Tung Bay. Còn 1 Bậc khác
nữa đó là Bậc Sơ Sanh.
Ngành
Oanh Vũ là nền tảng quan trọng của một Đơn Vị Gia đình Phật Tử, bởi vì một em
Oanh Vũ ngoan sẽ trở thành một em Thiếu Nam, Thiếu Nữ tốt.
Hai rạp cinéma Văn Cầm: VĂN CẦM Phú Nhuận và VĂN CẦM Chợ Quán.
Hình trái: Văn Cầm - đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận.
Hình phải: Văn Cầm - đường Trần Hưng Đạo, gần ngã tư Trần Hưng
Đạo–Nguyễn Biểu, sau 1965 là đại lý nhập cảng xe gắn máy Honda đầu tiên của
Việt Nam. Rạp Lux xây năm 1973-1974, ở số 647 Trấn Hưng Đạo, phía trái của Rạp
Văn Cầm khoảng 5-6 căn.
NHỮNG GHI CHÚ THÚ VỊ VỀ PHÚ NHUẬN.
Do có viết vài bài mang cảm xúc cá nhân về Phú Nhuận, thỉnh thoảng
tôi được hỏi thêm về vùng đất này. Để chia sẻ tốt nhất có thể, xin đưa một bài
trích từ cuốn sách nghiên cứu “300 năm Phú Nhuận” xuất bản năm 1988 tức 31 năm
trước (*). Do chọn lọc theo góc nhìn riêng, tài liệu này không đầy đủ những
điều cần biết về Phú Nhuận. Xin chia sẻ cho những ai quan tâm đến vùng đất này.
NHỮNG GHI CHÚ THÚ VỊ VỀ PHÚ NHUẬN
Tên Phú Nhuận được cho là có từ câu : “Phú nhuận ốc, Đức nhuận
thân” (tạm hiểu là : giàu có làm đẹp con người, đức độ làm đẹp bản thân) trích
trong sách Đại Học của Trung Hoa cổ.
Phú Nhuận đông dân lên từ khoảng 1850, do người đàng ngoài vào Nam
lập nghiệp. Trong số đó có ông Lê Tự Tài từ miền Bắc vào và huy động bà con
khẩn hoang lập ấp vùng cầu Kiệu. Đó là lý do chợ Phú Nhuận ngày nay từng có tên
là chợ Xã Tài (ông Lê Tự Tài là xã trưởng khi Phú Nhuận được đặt thành xã).
Khu vực quanh cầu Kiệu là tụ điểm dân cư đầu tiên của Phú Nhuận rồi
mới lan dần ra do dân từ lục tỉnh lên và người Hoa đến khai khẩn, làm rẫy trồng
hoa màu, thuốc lá.
Cuối thế kỷ 19, khu sân Gôn ở phường 9 ngày nay là nơi trồng thử
nghiệm 10 ngàn cây cao su và đây là vườn cao su đầu tiên trồng thí nghiệm quy
mô lớn nhất Đông Dương.
Ngày xưa người dân gọi đường Phan Đăng Lưu ngày nay là đường Hàng
Sao vì ở ven đường có những cây sao cao vút.
Cư dân Phú Nhuận được sách xưa của Pháp đề cao là có tài làm nghề
thủ công như thêu, đan, cẩn, thợ bạc, chạm, nhuộm, đóng giày… Giới nhà thầu xây
cất của cả thành phố thường đến Phú Nhuận tuyển thợ giỏi nghề thợ mộc, thợ sơn,
hồ, gò, đúc, rèn…
Đến 1930, Phú Nhuận còn hoang vắng như miền quê, có cò trắng bay
trên cánh đồng, có ao vũng để câu cá. Phú Nhuận nổi tiếng về cá lia thia (Chắc
tại vậy mà ông cùi ở hồ Biểu Chánh phất lên nghề bán cá đá!). Đến khi sân bay
Tân Sơn Nhứt được xây, Phú Nhuận đã thành vùng ngoại ô quan trọng và càng đông
dân hơn.
Tại góc đường Hoàng Văn Thụ - Trần Huy Liệu (xưa là Võ Tánh -
Trương Tấn Bửu) khoảng năm 1929-1933 là sân banh. Lúc đó phong trào đá banh rất
sôi nổi nên sân dần nâng cấp được chọn làm nơi thi đấu giữa các đội hạng nhứt
của Sài Gòn - Gia Định.
Đường Cô Giang ngày nay, xưa gọi là hẻm Đội Có. Thời Pháp thuộc,
phía người Hoa có ông Hui Bon Hoa (Chú Hỏa) có nhiều nhà đất thì phía người
Việt có ông Đội Có làm chủ nhiều nhà đất ở Phú Nhuận. Ông đi lính Pháp, lên
chức Đội. Khi chợ Phú Nhuận phát triển, đất hai bên đường từ cầu Kiệu đến ngã
tư Phú Nhuận còn nhiều nơi bỏ trống, sình lầy, ông mua với giá rẻ, cất nhiều
dãy phố, làm giàu vì là phố thương mại. Phía trong hẻm gần chợ, ông mua nhiều
miếng lớn, trong hẻm mang tên ông sau này. Ông còn mở dịch vụ xe khách với hãng
“Bửu Hiệp” chạy tuyến Sài Gòn - Đà Lạt. Sau ông kinh doanh rạp hát, một rạp ở
đầu cầu Kiệu bên Tân Định và rạp Văn Cầm ở Phú Nhuận. Ông có lấy một người dì
của nghệ sĩ Kim Cương làm vợ.
Phú Nhuận là nơi duy nhất ở miền Nam có thú tiêu khiển “cô đầu” du
nhập từ miền Bắc từ năm 1934, tập trung ở ngã ba Lò Đúc (nay là Phan Đình Phùng
– Nguyễn Trọng Tuyển tức Võ Di Nguy – Nguyễn Minh Chiếu trước 1975). Ngôi nhà
tổ chức hát đầu tiên được gọi là “Nhà Bà Cụ”, không rõ cụ là ai. Khách đến chơi
nghe hát cho vui rồi đi tìm “lạc thú” khác. Giá thời ấy khá cao, mỗi suất một
phòng nghe đàn hát tốn 5 đến 10 đồng. Nhiều trọc phú phía Sài Gòn thuê đứt ba
bốn phòng chiêu đãi thân hữu, bày rượu thịt ê hề, say sưa ồn ào.
Về các lăng miếu, ngoài lăng Trương Tấn Bửu ở đường Nguyễn Thị
Huỳnh (Tự Đức cũ), có lăng Võ Tánh xưa nằm trong Tổng Tham mưu nên người dân
không thể viếng, nay nằm trong quân khu 7, gần đài nước. Lăng thủy sư đô đốc Võ
Di Nguy thời Nguyễn Ánh trên đường Phan Đình Phùng ngày nay.
Chùa Từ Vân ngày nay trên đường Phan Xích Long xưa gọi là chùa Bà
Đầm có nguyên do: một công chức Pháp tên Barbanson lấy vợ Việt lai Hoa tên là
Lý Thị Ly. Bà này sùng đạo Phật, bỏ tiền ra xây chùa. Bà là vợ ông Tây nên chùa
bà xây gọi là Chùa Bà Đầm. Tư liệu không cho biết tên chính thức thời đó là gì.
Bà mất năm 1942.
Nhà văn Sơn Nam nhận xét về người Phú Nhuận xưa: “Ở Phú Nhuận, rõ
là nét tươi sáng của người Việt yêu đời sang trọng mà không xa hoa. Vui tươi
hiếu khách mà không ồn ào. Nhạy bén trước thời cuộc, gắn với với lao động, dồi
dào lòng yêu nước”.
CẦU VÀ ĐƯỜNG Ở PHÚ NHUẬN: (theo Khánh Giang):
Đầu thập niên 1920, những con đường ở Phú Nhuận được phân cấp từ
Hương lộ đến đường Liên tỉnh. Thí dụ như đường Trần Kế Xương bây giờ là Hương
lộ 22. Đoạn Phan Đình Phùng – Nguyễn Kiệm là Tỉnh lộ số 1 phụ. Đoạn Phan Đăng
Lưu – Hoàng Văn Thụ là Tỉnh lộ số 1 kép... Cho đến thập niên 1940, ngoài các
con đường có tên Pháp và một ít tên Việt, các con đường nhỏ vẫn còn mang tên số
như:
Đường Nguyễn Kiệm là đường 17.
Đường Thích Quảng Đức là đường 19.
Đường Nguyễn Văn Đậu là đường 20.
Tuy vậy, người dân Phú Nhuận thích gọi theo tên đường theo cách
thực tiễn tùy theo quang cảnh, nghề cư dân, chùa chiền...
Cầu Công Lý hồi xưa là cầu Mac Mahon lúc đầu xây sườn bằng sắt rất
hẹp, lót ván nhỏ chỉ vừa một chiếc xe hơi nhỏ. Bên này cầu phía Phú Nhuận là
con đường đá xanh, đất đỏ... chỉ đi vài bước là tới ruộng. Từ nội thành Sài gòn
ra sân bay Tân Sơn Nhứt không đi qua cầu này được mà phải vòng qua cầu Kiệu hay
cầu Bông, đi theo đường Hoàng Văn Thụ (Võ Tánh cũ) ra sân bay. Thập niên 1940,
ven đường có nhũng biệt thư xây cất cầu kỳ theo lối Pháp, vài nhà có mái nhọn
độc đáo kiểu ở xứ lạnh. Lúc đó đã có cư xá Đỗ Hữu Vị (thuộc phường 12, không rõ
bây giờ là ở đâu). Cầu Mac Mahon lúc này đã có xi măng tráng nhựa, hai bên có
lối hẹp dành cho người đi bộ. Cuối thập niên 1950 được đúc, nới rộng ra, phóng
dài, hai bên có lối dành cho xe máy. Ven đường, ngoài các biệt thự là các dãy
phố nhà mái thấp chen giữa các rẫy rau, tưới bằng nước giếng “cần vọt”. Phía
bên cuối đường có nghĩa địa nhỏ khoảng chục ngôi mộ.
Đường Phan Đình Phùng: xưa là Tỉnh lộ số 1 phụ (cuối thế kỷ 19) -
Paul Blanchy nối dài (1902) - Louis Berland (thập niên 1930) - Võ Di Nguy
(1954-1985). Từ 1935-1936 trên đoạn Hai Bà Trưng chạy ngang cầu Kiệu đến ngã tư
Phú Nhuận có đường xe điện, dừng ở chợ Tân Định và chợ Xã Tài (chợ Phú Nhuận)
và chỉ hai năm thì ngưng. Cầu Kiệu lúc đầu tên là cầu Chợ Mới, dựng bằng cây
vắp và ván trai. Đầu thế kỷ 20 mới làm sườn sắt, Pháp đặt tên là cầu Paul
Blanchy nhưng vì khó gọi nên dân vẫn gọi là cầu Kiệu. Tài liệu có nhắc đến chùa
Quan Thánh thờ Quan Công ở phường 17 của người Triều Châu nằm trên đường này.
Họ là nhóm người Tiều trồng cải, kiệu dọc theo hai bên cầu nên người dân mới
gọi là cầu Xóm Kiệu rồi dần thành cầu Kiệu. Sau nhóm người này dời về miệt Bình
Thới nên giao việc quản lý chùa cho Hội Phú Hữu, nên gọi là đền Phú Hữu. Sau
thành garage xe hơi (Phải chăng đây là “đình ông Cọp” giờ là Nhà sách FAHASA Phú
Nhuận?)
Đường Nguyễn Kiệm: xưa là đường đất đỏ, đủ cho hai xe thổ mộ tránh
nhau. Ven đường có trồng tre, chuối, rải rác vài căn nhà không ra cái xóm. Từ
ngã tư Phú Nhuận đi lên Gò Vấp đi ngang xóm Vườn Mít, trồng mít ăn trái và lấy
hột xay làm bột. Vườn Mít chỉ phỏng đoán nằm ở phường 9,3 và 5, đã mất dấu vết.
Giữa thập niên 1940 quanh chợ Nguyễn Đình Chiểu bây giờ là vườn hoa hồng. Nhị
tỳ Nước Hẹ nằm cạnh cổng xe lửa số 10, đây là một trong những nhị tỳ (nghĩa
trang) xưa nhất Phú Nhuận từ cuối thế kỷ 19, nay không còn.
Đường Hòang Văn Thụ: Có công binh xưởng I-wai của Nhật, nay là Nhà
thiếu nhi Phú Nhuận (trước năm 1961 gia đình tôi ở trong cái xóm I-wai gần đó,
có nhiều cây cối um tùm).
Đường Nguyễn Văn TrỗI: Trước năm 1932, đường này còn nhỏ bé, nhà cửa
thưa thớt với rẫy trồng rau cải. Nhờ có sân bay mà đường nâng cấp lên, lần hồi
thành sang trọng. Giới tư sản lớn ở Sài Gòn có nhà, tiệm buôn ở trung tâm thành
phố đến chiều tối mới về biệt thự ở Phú Nhuận để tĩnh dưỡng hoặc cuối tuần để
ăn uống với bạn bè. Phía sau các biệt thự là bãi đất trống. Từ cầu Công Lý đi
thẳng đến công viên Chiến Thắng, giáp đường Hoàng Văn Thụ là “mũi tàu” (có cây
xăng), khoảng thập niên 1940 có một cây xoài cổ thụ hai gốc nên gọi là cây xoài
đôi. Dọc đường có: Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính là trường duy nhất của
thành phố được viện trợ của ngân hàng Hồi giáo Thế giới giúp xây dựng năm 1983
(sau, nếu nhớ không lầm là mở rộng hơn bằng cách nhập thêm Nhà hát Phú Nhuận kế
bên. Nhà hát này trước 1975 là bãi đất trống huấn luyện quân khuyển). Ủy ban
nhân dân quận Phú Nhuận xưa là trụ sở Đảng Hắc Long của Nhật từ 1941-1945.
Thánh đường Hồi giáo bên kia đường do giáo cả Mơ-Li xây năm 1969. Nhà văn hóa
Phú Nhuận hiện giờ trước kia là câu lạc bộ báo chí của Mỹ. Xóm Mô phía phường 8
có nhiều mô đất và hầm của Nhật đào từ 1941-1945 để tránh bom quân đồng minh.
Đầu đường Nguyễn Văn Trỗi ở công viên Chiến Thắng bây giờ, xưa là xóm Sỏi Cơm
(đất phủ một lớp sạn nhỏ) là xóm nghèo dân phần lớn làm trong sân bay Tân Sơn
Nhứt. Xóm năm giữa một đồng cỏ rộng, nay là sân banh quân khu 7.
Đường Huỳnh Văn Bánh: từng có tên là đường Chùa Phật (vì có chùa cổ
Phú Long Tự), rồi đường Chùa Ông (vì có chùa Quan Thánh đế thờ Quan Công), rồi
đường Lò Rèn vì tập trung nhiều lò rèn móng ngựa. Đó là các tên không chính
thức. Năm 1954 là đường Nguyễn Hùynh Đức, đổi thành tên Huỳnh Văn Bánh từ 1985.
Thập niên 1940 là đường mòn hẹp, gồ ghề, nhà vắng, dắt xe đạp đi cũng khó. Đầu
thập niên 1950 đường đắp đất, đôn cao, xe ngựa xe bò ọc ạch đi qua. Ven đường,
trước chùa Cây Sai (chùa Phú Thạnh bây giờ) là nghĩa địa không người trông coi,
cỏ dại lấp mồ mả, dân chúng đem rác đến đổ. Sau mới tráng nhựa từng đoạn, nhà
phố phát triển mạnh từ 1965. Cư xá Kiến Thiết ở phường 14 xây năm 1960 trên đất
ruộng gồm hai khu: Ngói Trắng trên đường Huỳnh Văn Bánh và Ngói Đỏ trên đường
Đặng Văn Ngữ, xây sau nên khang trang hơn.
Đường Trần Huy Liệu: từng là đường Capitaine Faucon (thập niên
1940), Trương Tấn Bửu (1954) rồi Trần Huy Liệu (1985). Nhà thờ Phú Nhuận góc
đường Hoàng Văn Thụ - Trần Huy Liệu do vị linh mục tên Đại xây 1942, là nhà thờ
đầu tiên của giáo xứ Phú Nhuận, còn gọi là “nhà thờ Nam” để phân biệt với các
“Nhà thờ Bắc” của người di cư sau 1954.
Đường Lê Văn Sĩ: xưa là Eryaud des Vergnes (thập niên 1940), Trương
Minh Ký (1945) Nguyễn Văn Trỗi (1975) rồi Lê Văn Sĩ (từ 1985). Đi ngang xóm
Vườn Xoài (phường 13) có từ thế kỷ 19, có vườn xoài rộng lớn ăn ra tới Lăng Cha
Cả. Khu này người Pháp lập nhà nghỉ mát, cấm người Việt léo hánh đến. Sau năm
1954 là nơi quy tụ của giáo dân xứ Bùi Phát. Vườn Xoài chỉ còn dấu tích tên
gọi, nhà thờ Vườn Xoài. Còn nhà thờ Đa Minh, tức nhà thờ Ba Chuông thì năm 1954
là kho xăng dầu của quân đội Anh – Ấn và bị Việt Minh đốt cháy.
Đường Cô Giang: hẻm Đội Có (như đã đề cập phía trên). Trên đường có
mộ Võ Di Nguy xây đầu thế kỷ 19 bề thế và hoa mỹ. Trên đường có Giếng Nước đất
Phán Hùng (phường 2) cạnh nghĩa địa Hai Ngàn (đã giải toả), thời sau 1945 là
nơi xử tử lính thực dân Pháp bằng cách quăng xuống giếng. Có cầu Cụt, một cây
cầu ngắn nên khu đó gọi là xóm Cầu Cụt. Có xóm Bắc của người miền Bắc vào giữa
thập niên 1940 và năm 1954, phần đông theo đạo Phật, dựng đền chùa theo kiểu
Bắc như chùa Hải Đức (1947), đền Hùng Vương (1961)...
Đường Nguyễn Đình Chiểu: lúc đầu là hẻm Lê Văn Bền (1940-1950),
Nguyễn Đình Chiểu (từ 1975). Chợ nhỏ Nguyễn Đình Chiểu sau này bắt đầu nhóm khi
chợ Phú Nhuận bị đốt ngày Nam bộ kháng chiến. Lúc đầu là chợ chồm hổm, sau dời
vào trong hẻm với hai dãy phố.
Đường Trần Hữu Trang: là đường Thiệu Trị (1954) rồi Trần Hữu Trang
(từ 1985). Chợ Mới ở đây xây 1984 trên nền cũ nghĩa địa Phong thần (có hầm
Phong thần bằng đá chứa hài cốt).
Đường Đoàn Thị Điểm: từng gọi là hẻm Chu Mạnh Trinh (từ giữa thập
niên 1950, do có trường tư thục Chu Mạnh Trinh). Cuối đường là khuôn viên dinh
tỉnh trưởng Tân Bình, có bãi cỏ rộng. Sau là bệnh viện tư của bác sĩ Hồ Văn
Nhựt. Chủ đất là ông Cafford, có cửa hàng bán súng săn ở Sài Gòn nên tòa nhà
này gọi là “nhà lầu Cafford”, sau bán đất lại cho Địa ốc Ngân hàng (Crédit
Foncier) gọi là “đất nhà băng”. Toà nhà bị đốt năm 1945.
Đường Trần Kế Xương: từng là Hương lộ 22 (1930-1940), Trần Kế Xương
(từ 1954, đúng ra là Trần Tế Xương - nhà thơ).
Đường Phan Tây Hồ: từ 1945-1946 đường này được gọi là “đường Âm
phủ” vì vẻ u ám, hoang vắng, là nơi Việt Minh xử tử lính Tây. Phía nam là xóm
Mả Đen với một nhóm mộ cổ còn lại từ 1863, bằng ô dước ngã màu đen, tương
truyền chôn người Khơ-me đã từng định cư ở đây từ thế kỷ 18.
Đường Hải Nam: có tên từ năm 1954, do có một nhóm người Hoa gốc Hải
Nam sinh sống lâu đời ở Phú Nhuận có khu nghĩa địa nằm cạnh đường này (nay đã
giải tỏa).
Phạm Công Luận (lược trích)
(*): Trần Bạch Đằng chủ biên. Tham gia có Nguyễn Đình Đầu, Sơn Nam,
Khánh Giang, Đỗ Chí Long.do bộ phận nghiên cứu sưu tầm lịch sử quận Phú nhuận
xuất bản 1988.
--Phạm Công Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét