XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

SẦM SƠN XƯA VÀ NAY

Từ một cồn cát bỏng

                   
Từ đền Độc Cước nhìn xuống bãi tắm của Sầm Sơn thời Pháp

Ảnh: Từ liệu St
    HOÀNG TUẤN PHỔ
    Kết quả nghiên cứu địa chất học và địa lý học cho thấy cách nay ba bốn ngàn năm, Sầm Sơn còn là một vịnh nông. Núi Trường Lệ như đảo nhỏ Trường Sơn, sóng biển từng lớp từng lớp vỗ ào ào vào tận thôn Bình Hòa, xã Quảng Châu. Truyền thuyết vua An Dương vương bị quân Thục đánh đuổi chạy đến đây bị tắc lối nghẽn đường buộc phải dừng ngựa khấn thần Kim Quy giúp đỡ... có cơ sở thực tế về địa lý lịch sử.
          Khoảng cách giữa Bình Hòa và Sầm Sơn là đồng Sông mênh mông bể sở, bốn mùa sóng vỗ ì oạp. Đồng này xưa nối liền với sông Mã, nước sâu tới rốn, chỉ cấy được lơ thơ mấy đám lúa thông, lúa cờn, chúng cố ngoi ngóp vươn lên chống chọi lại sóng gió để trổ bông cho người giống gạo quí. Nhân dân vùng này than thở:
Bao giờ đền Thượng hết hương
Đồng Sông hết nước, dân thường mới no!
          Đất Sầm Sơn hình thành không phải do chế độ gió đưa cát tới như ý kiến nhà địa lý lịch sử Charles Roberquain, mà nguyên nhân chủ yếu là những dòng hải lưu kiên trì không mệt mỏi đem phù sa và bùn đất từ những cửa sông phía Bắc,: Sông Mã, Lạch Trường... rồi được con đê thiên tạo vĩ đại Trường Lệ làm bức tường thành chắn giữ lại. Biển khơi chịu thua, mỗi ngày càng lùi xa, bỏ lại một vụng hồ thành đồng Sông. Khi Sầm Sơn hình thành một cồn cát kéo dài từ chân núi Trường Lệ đến Lạch Trào cửa Hới (sông Mã) sự sống nhanh chóng xuất hiện, đầu tiên là cỏ bụi, cây lùm rồi rất lâu mới thấy con người, những cư dân thất cơ lỡ vận lang thang dọc bờ biển đi tìm đất sống. Bà con Bình Hòa và nhiều người khác phía Tây núi Trường là nông dân sống chết với đồng ruộng, đất cồn bái mênh mông còn bỏ hoang, để ý gì đến bãi cát mới nổi nênh trước đầu sóng ngọn gió.
Kéo rùng ở Sầm Sơn
Ảnh tư liệu ST

          Những người đầu tiên đến cồn cát đi lút bàn chân nóng bỏng trưa hè phải nương tựa vào một góc chân núi Trường Lệ để chống lại sóng biển, gió cát, bão tố. Đó là những hạt nhân đầu tiên của Sầm Sơn, chụm lại thành xóm Núi. Trước năm 1945, Sầm Sơn thành lập nhiều thôn, xã, tính từ cửa Hới, cửa sông Mã vào:
          1- Hải Thôn, tên nôm làng Hới.
          2- Xã Triều - Thanh Lộc có 3 thôn: Triều Dương, tên nôm làng Trào. Thôn này ở mép sông Mã tức Lạch Trào. Thanh Khê, tên nôm làng Vạn, vốn trước là một vạn chài (xóm chuyên nghề chài lưới). Lộc Trung, tên nôm làng Giữa, chỉ có một thôn Bình Tân, tên nôm làng Bến, thuộc loại “nhất xã nhất thôn”.
          3- Xã Lương Niệm là xã lớn nhất. Sau năm 1945, căn cứ số dân, địa thế phải chia làm 4 xã: xã Quảng Sơn chỉ có một thôn, tên xưa: Sầm Thôn. Xã Quảng Tường gồm Lương Hải Thôn, Triều Dương. Xã Quảng Tiến có các thôn Cá Lập, Hải Thôn, Bình Tân tức Hải Lộc. Xã Quảng Cư trước là hai làng Thanh Khê, Lộc Trung. Xã này ở cửa Hới, địa dư nhô ra đến hơn 10 m. Đây là hiện tượng tự nhiên theo quy luật “đất tiến biển lùi” do các dòng hải lưu vẫn tiếp tục hoạt động từ thiên vạn cổ.
Bãi tắm xưa ở Sầm Sơn
Ảnh tư liệu ST

          Địa danh Sầm Sơn trước năm 1945 không phải là tên chung bao gồm các làng xã nói trên, thời phong kiến thuộc tổng Cung thượng, huyện Quảng Xương. Tên Sầm Sơn mới xuất hiện từ sau khi thực dân Pháp xâm lược và cai trị Việt Nam, phát hiện ra một nơi nghỉ mát thú vị, ưa thích đặc biệt ở Thanh Hóa. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải nghĩa: “Tên một trái núi ở Thanh Hóa. Tên cũ cửa biển ở gần núi Sầm Sơn, khí hậu rất tốt, người Tây lấy để làm nơi nghỉ mát”. Điều này không thật chính xác: Sầm Sơn là tên gọi do người Pháp về một hòn núi của dãy núi Trường Lệ, thực danh núi Trường Sơn, tên nôm núi Kẻ Trường. Bởi làng Cổ Trường Lệ áp sát mỏm phía Tây Trường Sơn nên được xem là núi Trường Lệ. Cửa biển gần núi nhất là Lệ Hải, tức Lệ Hải Bà vương, một tước phong của Bà Triệu có đền thờ trên núi Trường Lệ, từ lâu đã mất. Cửa Lệ Hải, Pháp hàn đá xây cống thành tên cống sông Đơ, làm nơi trú ngụ cho thuyền bè khi bão tố. Một bài ca vè thời ấy ca ngợi:
Sầm Sơn phong cảnh hữu tình
Hòn Hèo cao nhất, hòn Gành thứ hai,
Thứ ba ngọn núi Phù Thai
Thứ tư Cổ Giải nằm ngoài Đầu Voi...
          Hòn núi gần làng Trường Lệ, tên chữ Tượng Đầu Sơn phong cảnh rất đẹp, xưa thờ thần Độc Cước, nay đổi đền Cô Tiên, hướng nhìn xuống hòn câu bé nhỏ, theo truyền thuyết đêm đêm các nàng tiên trên trời xuống tắm, có chàng trai ngư dân ngồi câu cá chờ đợi được nhìn ngắm dáng hình tiên nữ sau khi cởi bỏ hết xiêm y.
          Núi Trường Lệ - Trường Sơn nhô ra biển phía đông, nằm ngoài nhất là hòn Cổ Giải thuộc sơn phận làng Núi, còn gọi là Mũi Gầm hay đỉnh Sầm. Bài “Mục lục” xưa của làng Lương Trung (làng Giữa) mô tả địa thế đẹp của làng mình có câu: “Đỉnh Sầm trước án, cao phong nhiệm mầu”. Theo địa lý phong thủy, đỉnh Sầm làm tiền án cho làng Lương Trung (xã Quảng Tường) trù phú.
Nhà nghỉ mát trên núi Trưởng Lệ thời Pháp
Ảnh tư liệu ST

          Người Pháp xây dựng trên núi Trường Lệ chỗ hòn Cổ Giải một khu dành riêng cho họ nhiều lâu đài, biệt thự mang tên “Sầm Sơn Haut” dịch Sầm Sơn Thượng, dưới chân đỉnh Sầm, bãi biển Sầm Sơn là khu vực bãi tắm, sở cẩm, nhà gian, bang tá và khu phố nhỏ gồm cửa hàng, chợ búa để phục vụ người Pháp là chính. Ngoài ra còn nhà thờ Thiên Chúa và địa phận Sầm Sơn chỉ đến đây, gọi là “Sầm Sơn Bas” dịch Sầm Sơn Hạ. Du khách đến đây người Việt thường chỉ có giới quan lại, người giàu có, quyền thế.... Và ngoại kiều được quan Bang tá cho phép. Đây là một thế giới thần tiên đối lập với cõi trần gian, bắt đầu từ khu vực nhà thờ, từ làng Lương Trung ra tận làng Hới cửa sông Mã. Người ở đây là “cư dân cát” ăn trên cát, nằm trên cát, vui buồn với cát, chết đi lại vùi sâu dưới cát, lấy cát làm... quan tài!
          Năm 1885 đánh chiếm Thanh Hóa, thực dân Pháp xây pháo đài Sầm Sơn để càn quét làng xóm đôi bờ sông Mã và năm 1886 dập tắt ngọn lửa Cần Vương, bắt đầu để ý Sầm Sơn một vùng biển giàu đẹp. Để xây dựng khu nghỉ mát Sầm Sơn, năm 1906, chính quyền cai trị bắt dân chúng đầu đội đất, vai vác đá đắp con đường số 8 từ thị xã Thanh Hóa xuống tận bãi biển để xe cộ gần xa đi lại được thuận tiện. Con đường chỉ dài 16km nhưng nỗi vất vả, cực nhọc của phu đài kéo dài đến vô tận! Kỹ sư Pháp thiết kế, công nhân từ Pháp sang thi công, những tòa lâu đài kiểu Âu Châu mọc lên dành cho công sứ, toàn quyền “ba tòa quan lớn tỉnh (Tổng đốc, Bố chính, Án Sát)... sau thêm biệt thự vua Bảo Đại (kiến trúc ở đây gọi là Sầm Sơn Hô - Sầm Sơn Thượng).
        Trước khi kết luận Sầm Sơn là bãi tắm, nơi nghỉ mát tốt nhất Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) người Pháp khảo sát rất kỹ: Chế độ gió mùa, nhiệt độ trong nước biển trung bình 210-250, lượng muối thấp, vì trong một chiều dài ba bốn chục km, có tới 5 con sông đem nước ngọt từ thượng nguồn về, nước độ mặn càng thấp, lượng oxy hòa tan càng cao. Bãi cát thì rộng dài, dốc thoai thoải, nền cát dẽ, sóng biển đổ vào nhè nhẹ, nhịp nhàng như hơi thở của bà mẹ biển cả hiền lành tốt bụng...
             Một tác giả người Pháp tả cảnh Sầm Sơn: “Bãi biển Sầm Sơn cách thị xã (Thanh Hóa) 16km có đường rất đẹp, đi ô tô độ nửa giờ, là bãi biển đông người tới nghỉ mát nhất trên bờ biển Đông Dương. Các biệt thự, khách sạn mọc trên mỏm núi đá hoa cương, hay dưới bãi cát giữa các rặng phi lao chỉ cách mép biển vài ba mét. Các viên chức, quan chức người Pháp trong tỉnh và cả ở Bắc kỳ nữa, hằng năm đến đây tắm biển và hưởng gió biển để tránh nóng nực mùa hè”. Cũng cần nói thêm ở khu Sầm Sơn Bas (Sầm Sơn Hạ) ngày càng nhiều nhà cửa, hàng hiệu được xây dựng, nhanh chóng trở thành phố thị sầm uất để phục vụ ăn chơi của giới giàu có như tiệm thuốc phiện, xóm lầu xanh, hiệu cầm đồ, nhà xóc đĩa, hàng ăn uống... Khách làng chơi hạng kiết xác cũng đến đây để biến thành kẻ hạ lưu sẵn sàng bán hết ruộng nương nhà cửa, bán cả vợ đợ cả con, rơi xuống tầng đáy xã hội: cấp bậc lưu manh!     
           Các làng mạc từ Lương Trung vào đến cửa sông Mã, nói chung đều nghèo khổ, đói rách, lam lũ và nạn cường hào áp chế, quan chức bóc lột. Dân cư đa số làm nghề đánh cá, chồng ra khơi, vợ chợ búa, ruộng nương quá ít, mươi mẫu lúa, dăm sào khoai. “Lấy chồng kẻ bể chớ nể nồi khoai”. Giá khoai rẻ hơn giá gạo. Nhưng có khoai để ăn, để sống, kể đã sung sướng lắm đối với dân kẻ bể.
Hòn Trống Mái
Ảnh tư liệu ST
          Có một làng ven sông Mã, sống bằng nghề dệt - làng Triều Dương. Mặt hàng lưới súc đánh moi của họ độc đáo nhất miền Bắc. Họ còn dệt lụa, lĩnh, lương và lụa - lĩnh - lương Triều là thương hiệu cũng được nhiều người ưa chuộng. Làng Triều bị hai kẻ thù thường xuyên đe dọa: Đất bờ sông bị lở và bọn cướp đi thuyền tới đốt nhà cướp của. Làng Triều phải xin chuyển vào sâu bên trong được làng Giữa (Lương Trung) giúp cho 13 mẫu 5 sào trên Mả Bạc (Cồn Bợm Mả Bạc) đất cằn cỗi nhiều trộm cắp. Đền thờ Bà Triều tổ sư nghề dệt cũng phải di dời, trong kháng chiến chống Pháp -  Mỹ lại bị tàn phá, chỉ còn sót lại hai con hổ vẫn trợn mắt nhe nanh ngồi canh trước cổng.
Chợ ở Sầm Sơn thời Pháp
Ảnh tư liệu ST

          Số dân làng xã từ làng giữa đến làng Hới phát triển nhanh, no đẻ đã đành nhiều, đói đẻ cũng lắm! Đất đai chật hẹp, họ phải tràn ra phía bãi biển, che những túp lều lá, cột bằng cây phi lao dưới bóng rừng phi lao thưa thớt dần, ngày đêm vẫn yêu đời cất tiếng hát vi vu hợp thành bản nhạc “Sóng-gió-cát” bao la bất tận...
 

Những làng quê biển

          
“Sào non không cắm bến lầy”. Những người xứ lạ đầu tiên đến hạ trại cắm lều trên cồn cát nóng bỏng, bãi cát lầy lội, ngày nay nổi danh Sầm Sơn này, phải có cánh tay lực sĩ chèo thuyền buồm trái gió, sự gan dạ của anh hùng trận mạc một đi không trở lại. Họ ăn sóng ở gió để xây dựng Sầm Sơn thành trung tâm đánh cá biển trù phú xứ Thanh. Đàn ông cởi trần dáng khum khum mảng luồng từ nửa đêm gà gáy đã khiêng thuyền vào lộng ra khơi. Đàn bà yếm váy nâu bạc phếch đeo dây buộc tím đội đất lấp ao đầm để cải tạo thành ruộng cấy lúa trồng khoai. Giống khoai Quảng Tiến rất ngon “con ăn một mẹ ăn hai”. Bánh tráng Sầm Sơn bằng gạo lúa thông lúa cờn ăn kẹp với cá nục nướng hương thơm, vị ngon nhớ đời.

Làng Lương Trung (làng Giữa) nghề cá phát triển bậc nhất. “Thu ra chà vào”. Vụ xuân - hè được mùa cá chà. Trưa, chiều thuyền lái dã khơi cặp bến, cá chà đầy đen ắp khoang. Cá chà là cá chim, “chim, thu nụ, đé”, ngon đệ nhất “tứ trụ” biển khơi theo cách sắp xếp thứ bậc của làng Việt. Cá chim mang tên cá chà vì đánh lưới vào mùa chà rạo. Trời tiết nắng nực, ngư dân dựng cây chà rạo (bằng cây tre và lá kè) ngoài biển để hấp dẫn loài cá chim đen đến trú mát. Chung quanh cây chà quây lưới mở rộng cửa. Nếu cá không vào, người phải nhảy xuống biển bơi vào giả làm con cá lớn để dẫn dụ đàn cá chim vào theo.

Nghề cá biển cực kỳ vất vả và nguy hiểm. Đi không lại về không:

... Cũng vì xấu nước xấu nôi
Đánh chả được mồi ta nghĩ làm sao?
Đâm neo kéo mãi mũi vào
Đánh xuống tám sải, tồng vào tận te
Nước mặt chảy ra vè vè
Đánh xuống chín sải tận te là rồi!
(Vè Lái khơi)

Bão tố lật thuyền chết người là chuyện thường. Cha chết con đi thay, anh chết đến lượt em. Những gia đình cha con, anh, em chết chung một chuyến đi biển, không hiếm. Cho nên, gia đình nào cũng cầu mong đẻ thật nhiều con trai, cháu trai, mặc dù càng đông miệng ăn, đời sống càng bấp bênh, càng bập bềnh như con thuyền cưỡi sóng đè gió, dẫu không bị chết đói cũng đói đến chết! Nhưng người ở đây gan góc, bất khuất, truyền thống đấu tranh, tinh thần thượng võ được hun đúc từ nghìn xưa. Đời Lê, tướng Lê Quang Lộc gốc quê Vĩnh Lộc, cầm quân dưới cờ thái úy Trịnh Khả, tham gia dẹp giặc Chiêm quấy phá biên thùy. Thắng giặc, ông được triều đình sai về trấn thủ mặt Đông Thanh Hóa, đóng quân trên cồn cát biển, đời sau thành làng Lương Trung. Ông mở lò vật để luyện võ và lò võ Lương Trung nổi tiếng ra tận đất Bắc. Tướng Quang Lộc mất, triều đình truy tặng tước Đường Công, được nhân dân lập đền thờ, đời sau gọi là nghè Đề Lĩnh, quan chức của ông lúc sinh thời.

Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Lương Trung mở hội vui xuân, vui nhất hội vật thu hút nhiều tay vật lão luyện các nơi tới tham dự cuộc thi tài đấu sức. Hội mở ngay trước nghè Đề Lĩnh để ngài Đường Công chứng giám. Theo lệ thường ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch làng Lương Trung tế thần cầu ngư, mở hội vật. Hội mở từ 3 đến 5 ngày trên sân nghè. Trước cửa nghè treo từng chuỗi, từng xâu tiền thưởng trên một cái giá gỗ. Có 3 giải chính:

Giải nhất: 12 quan tiền đồng hoặc 6 quan tiền đồng, tùy theo khả năng kinh tế của làng dồi dào hoặc thiếu kém do nghề cá trong năm dân làng thu hoạch cao, thấp. Người chiếm giải này phải vật ngã 5 đô vật.

Giải nhì: 8 quan tiền đồng hoặc 4 quan tiền đồng, phải vật ngã 3 người.

Giải ba: 4 quan tiền đồng hoặc 2 quan tiền đồng, phải vật ngã 2 người
.
Trước khi vào vật, đô vật phải mặc quần áo dài tới trước hương án, lễ thần bốn bái, sau đó cởi quần áo, đóng khố điều vào vật. Người nào giật giải lại mặc quần áo dài vào lễ tạ thần rồi mới lĩnh giải. (Làng chuẩn bị sẵn mấy bộ quần áo dài để cho đô vật mượn. Xong hội vật, ông thủ từ đem quần áo dài giặt, phơi khô, bỏ vào rương hòm đậy kín, cất vào nghè chờ hội vật năm sau).

Các cụ phụ lão trong làng cách đây ba, bốn chục năm còn kể: Hội vật Lương Trung năm nào cũng thu hút người bốn phương về dự, có mặt cả những đô vật của những lò vật nổi tiếng, như lò Mai Động (Hà Nội), Đồng Tâm (Nam Hà), Gia Lương (Hà Bắc)... nhưng chưa bao giờ trai Lương Trung chịu nhường giải nhất cho thiên hạ. Có một trường hợp duy nhất là ông Mạch ở thôn Cá Lập (phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn) vào được giải nhì, nhưng năm ấy không có giải nhất. Thông thường lò vật nào cũng có một vài miếng sở trường. Ví dụ: Nếu như lò Yên Sở có miếng “sườn” miếng “móc”, lò Đồng Tâm có miếng “móc cháo”, “dật bốc”, “lò Gia Lương có miếng “bốc một”, “bốc đôi”, ở một số lò  có miếng “lò đĩa”... thì ở Lương Trung (Sầm Sơn) rất giỏi miếng “gồng”. “Gồng” là miếng vật đặc biệt, độc đáo đòi hỏi đô vật phải có sức khỏe và sức mạnh toàn thân, nhất là đôi vai và hai cánh tay. Người dùng miếng “gồng”, một tay nắm chặt tay đối thủ, tay kia ôm lấy đùi đối thủ kéo mạnh về phía mình, rồi rất nhanh và bất ngờ đưa vai ra hất vào người đối thủ làm cho ngã uỵch xuống đất tất phải “lấm lưng trắng bụng”. Trai Lương Trung vì chuyên nghề chài lưới nên đôi tay rắn chắc như thép do thường xuyên kéo lưới, kéo rùng, chèo thuyền, đôi vai to nở lại khum khum tựa mảng luồng bởi hàng ngày khiêng thuyền, vác mảng ra biển vào bãi “gồng” có kiểu “gồng đứng, gồng ngồi, gồng quì, các  đô vật Lương Trung đều phải luyện tập trở nên thành thạo. Nhờ giỏi miếng gồng, đô vật Lương Trung thường đánh ngã địch thủ ngay từ keo đầu.

Một lần đô vật Mạch Cá Lập thắng đô vật Lương Trung vì ông cũng là dân chài lưới, từng đi đấu ở nhiều nơi, học được miếng “bò đĩa” ngoài Bắc. Ông giả vờ trượt chân ngã nhử đối phương xông vào ôm đè lên người mình, rồi bất ngờ vòng tay vít chặt cổ đối thủ, cùng lúc đó dùng hai chân quặp ngang sườn anh ta và lấy hết sức mạnh hất ngửa làm cho kẻ địch phải phơi bụng.

Tinh thần thượng võ của Lương Trung nói riêng, Sầm Sơn sau này nói chung góp phần đáng kể tạo nên truyền thống chiến đấu gan góc anh hùng trong sự nghiệp giữ gìn đất nước, bảo vệ quê hương. Đầu năm 1885 giặc Pháp âm mưu xâm lược Thanh Hóa tiến vào bằng đường thủy qua cửa Hới, bị nhân dân Sầm Sơn chống trả quyết liệt. Năm 1946, đô vật Nguyễn Viết Quốc người Lương Trung là đô vật vô địch khu IV trong một hội vật toàn khu. Cuối năm 1952 một tàu chiến Pháp chở 212 sĩ quan Pháp bị nổ tung ở biển Sầm Sơn, có công đóng góp tích cực của người Sầm Sơn. 

Chuyện Kho vàng Sầm Sơn trong tin đồn và tiểu thuyết là có thực. Một ngày tháng 8 năm 1934 cách bờ biển khoảng 150m, một ngư dân ông Đường Phèn người thôn Phú Xá đang đánh cá, thấy lưới bị mắc, lặn xuống để gỡ, bất ngờ đụng phải một kho vàng bạc, châu báu, và những của quý khác. Ông mới mò được một số thoi vàng nặng 10 lạng ta, những thoi bạc dài 12cm, một khẩu súng đồng nạm vàng niên hiệu chữ Hán, Vĩnh Thịnh bát niên (năm 1712)... Tin tức đến tai chính quyền Pháp, lập tức mở cuộc tra xét, tịch thu hết số của cải tìm được trong nhà ông Đường Phèn và thuê người lặn xuống biển tiếp tục mò tìm. Theo tài liệu công bố trên báo chí, không rõ chính quyền Pháp tìm thấy chính xác bao nhiêu, chỉ biết nhà nước thu lại được 99 thoi vàng, hơn 100 nén bạc, trị giá sang bạc Đông Dương bấy giờ khoảng 80.000 đồng. Những tiền đồng và của quí khác không thể tính đếm hết. Đặc biệt ông Đường Phèn còn mò được một chiếc ngai vàng. Ông bị Pháp bắt bỏ tù vì dám ngồi lên ngai vàng của vua, mặc dù chỉ mới ghé đít thử chơi!

Kết cục kho vàng Sầm Sơn bị thực dân Pháp chiếm sạch. Nhưng Sầm Sơn còn lại một kho vàng quý hơn, là con người anh dũng kiên cường, bất khuất và một biển cả vô giá.

Một tác giả người Pháp viết: “Đây là một bãi tắm tốt nhất để hồi phục sức khỏe... không thuộc loại thông thường như Đồ Sơn... và hấp dẫn nhất đối với người tắm biển là núi. Đi theo con đường hẻm đến biệt thự Núi Đá rồi trèo lên đỉnh, chúng ta rẽ tay phải sẽ được thấy những cái kỳ lạ về địa chất, đá chồng, đá hình răng cọp nổi lên như một cái đài kỷ niệm mang nhiều hình dạng kỳ lạ...”.

Bài thơ của ông Nghè Khuyến (Người Nghĩa Trang - Hoằng Hóa) đã vịnh cảnh Sầm Sơn:

Khà khà! Khéo đúc cảnh thiên nhiên
Thú vị Sầm Sơn tựa chốn tiên!
Sóng vỗ phấp phô phun bọt nước
Đá chồng khấp khểnh tựa tòa sen
Sớm ra, kẻ dạo lao xao chợ
Chiều lại người đưa thấp thoáng thuyền
Cuộc rượu Sầm Sơn vui vẻ quá
Khà khà! Khéo đúc cảnh thiên nhiên.
 

PHONG CẢNH HỮU TÌNH

Đường từ đền Độc Cước lên Hòn Trống Mái
(ảnh A. Didier chụp từ hơn 100 năm trước).

Đứng ở ngã Ba Môi (Quảng Tâm) nhìn về phía mặt trời mọc, núi Trường Lệ mang hình tượng người phụ nữ nằm dài làm con đê chắn sóng gió biển từ khơi xa đổ về để giữ cho TX Sầm Sơn được bình yên với phong cảnh hữu tình mà ta đã biết qua vần thơ ca ngợi: “Sầm Sơn phong cảnh hữu tình". Sử sách xưa nhất chép:

“Núi Trường Lệ ở địa phận ba xã Trường Lệ, Du Vịnh và Lương Niệm thuộc huyện Quảng Xương (Quảng Vinh) 11 ngọn nổi vọt lên chỗ đất bằng, trên núi có đền thờ thần Độc Cước Sơn Tiêu, đằng trước đền có vết chân người to lớn, cầu đảo nắng mưa thường được linh ứng. Dưới chân núi có đàn Kỳ Phong”. (Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức).

Tổng đốc Vương Duy Trinh triều Nguyễn, rất quan tâm phong tục và thích thú danh lam thắng cảnh xứ Thanh. Trong sách “Thanh Hóa kỷ thắng”, ông viết: “Núi Sầm Sơn tại xã Lương Niệm, huyện Quảng Xương, là một dải núi đất lẫn đá; Đông - Bắc là biển nước, Tây - Nam là đồng cát. Nơi ấy khởi lên 16 ngọn núi, cao nhất 100 thước, trên dưới một vòng, dài đến bảy, tám ngàn thước. Đông - Nam có ngọn núi gọi là Đầu Voi thuộc xã Trường Lệ; Đông-Bắc có ngọn nữa gọi Giải Miết thuộc Sơn Thôn (tức làng Núi - ND) có Độc Cước Sơn Tiêu linh từ. Nơi này núi non kỳ tú, cây cối tốt tươi như rừng. Lên cao nhìn ngắm thấy quần đảo xa gần, khí biển phong nhiên, gió mát đong đầy tay áo, sớm chiều thuyền đánh cá ẩn hiện trong khói sóng. Quả là một thắng cảnh giữa biển trời”.

Tương truyền ở xã Trường Lệ, tháng giêng ngày mùng bảy, ban đêm trời làm mưa to gió lớn, cây dưới chân núi bật gốc, nước biển dâng tràn, nhân dân rất kinh hoàng. Lên đỉnh núi thấy có một dấu chân in hằn trên đá, dài hơn 1 thước, cho đó là chuyện dị thường của thần linh. Đến tháng 3 ngày 17 bỗng nhiên có một rừng gỗ lim tới hàng trăm cây từ biển trôi vào. Ở đó bấy giờ có Linh lộc tiên đào (?) lập ở nơi có vết tích dấu chân, gọi là đền Thượng, giữa ngọn núi gọi là đền Trung, dưới ngọn núi gọi là đền Hạ, đều gọi là Độc Cước Sơn Tiêu tối linh từ. Sách Báo cực truyện chép: Thần thường đứng một chân bèn gọi là Độc Cước diễn giáo thông kinh...” (“Thanh Hoá kỉ thắng”-Mật Đa tự tàng bản - Hoàng Tuấn Công dịch, chưa xuất bản).

Thần điện đạo Đông, tức đạo Nội tôn thờ thần Độc Cước là Độc Cước chân nhân. Tượng thần trông dữ tướng, một tay cầm cái búa đồng, một chân đứng trên mỏm núi đá. Đền Thượng thờ thần Độc Cước đầu tiên ở nước ta, dựng trên ngọn núi mang nhiều tên Cổ Giải, Miết Cảnh, Cổ Giải, Sầm Sơn, Mũi Gầm, đỉnh Sầm... tạo nên vẻ đẹp kỳ thú cho một danh sơn thắng địa non nước thần tiên. Có thể nói núi Trường Lệ - Sầm Sơn như một Bồng Lai, một thế giới Đào Nguyên. Trải dài suốt dãy núi xưa kia biết bao đền đài, miếu mạo giữa cảnh nước non tiên. Đã có tới bốn, năm đền thờ Độc Cước chân nhân từ một thần núi tu hành thành bậc lão tiên thần thông biến hóa. Hầu hết đã hóa thân thành đất đá. Gần đây mới khôi phục được một số ngôi đền tiêu biểu như: Bà Triệu, Tô Hiến Thành, Mẫu Liễu Hạnh... Tô Hiến Thành viên đại quan nổi tiếng, vua Lý sai đi kinh lý miền biển xứ Thanh có công phủ dụ dân tình, dựng lại vùng đất Sầm Sơn, khắc phục nạn cướp biển, nạn lụt nước mặn từ biển Đông kéo vào tàn phá, như những loài quỷ đỏ (Xích quỷ) trong huyền thoại dân gian sự tích thần Độc Cước tự xẻ đôi mình để trấn ngự trong đất liền và đánh dẹp ngoài khơi xa. Theo Thanh Hóa tỉnh chí của Nhữ Bá Sĩ, cửa sông Đơ vốn là cửa biển Lệ Hải. Lệ Hải là danh hiệu Lệ Hải Bà vương do nhà Ngô Trung Quốc phong cho Bà Triệu sau khi người nữ anh hùng hy sinh trên đỉnh Tùng Sơn vẫn còn làm cho chúng thất điên bát đảo.

Đền Cô Tiên thờ Mẫu Thượng Thiên ngự trên đỉnh ngọn Đầu Voi (Tượng Đầu Sơn) trông ra trời biển mênh mang khói sương mù mịt, vài ba chiếc thuyền câu dập dờn trên sóng nước khác nào ngư phủ lạc Đào Nguyên. Dưới chân núi, chùa chiền khói hương trầm bao phủ thôn trang, tiếng chuông bình yên sớm chiều ngân nga tận dòng sông Mã, gợi nhớ bao người có công mở đất mở nước, những Đường Công, Quang Lộc, Kim Cương tướng quân, Bà Chúa Dệt Triều Dương, những anh hùng liệt sĩ rạng rỡ chiến công vệ quốc: Nguyễn Hùng Lễ, Nguyết Viết Quốc, Vũ Hồng Út...

Không phải người Pháp có công khám phá Sầm Sơn mà trước họ, sử sách nước ta đã nhắc tới, từ đời Trần khi vua Trần dẹp giặc phương Nam qua Sầm Sơn bị sóng gió dữ dội thuyền không đi được phải khấn thần Độc Cước và được thần phù hộ. Khi vua Trần trở về sai tu bổ đền thờ uy nghi tráng lệ để tạ ơn...

Trước năm 1945, nhiều thơ văn viết về Sầm Sơn, ca ngợi Sầm Sơn. Không ít cuốn tiểu thuyết lấy Sầm Sơn làm bối cảnh, con người Sầm Sơn làm chất liệu. Kho vàng Sầm Sơn của Tchya, Trống Mái của Khái Hưng, Dứt tình của Vũ Trọng Phụng, Ngậm miệng của Nguyễn Bích...Có những điển hình văn học như nhân vật anh Vọi, một ngư dân đánh cá Sầm Sơn, là vẻ đẹp hình thể tiêu biểu của thanh niên Sầm Sơn vốn những đường nét cường tráng đã lọt vào “mắt xanh” của một cô gái đẹp Hà Thành về nghỉ mát, tắm biển, du ngoạn núi non Sầm Sơn.

Đã nói Sầm  Sơn đẹp, Sầm Sơn giàu, cũng có thể nói Sầm Sơn thơ. Ai đã đến Sầm Sơn chắc đều dạt dào nguồn cảm hứng, hồn thơ muốn nảy đôi vần. Từ núi Trường Lệ ra đến Lạch Hới có khoảng 50 đền, chùa, nghè, miếu. Sầm Sơn rất huyền thoại cũng rất hiện thực. Chùa, đền, nghè nào chẳng có câu đối, cứ trung bình dăm ba đôi nhân lên đã thấy hàng trăm. Rồi thơ khắc vào bia đá của ông giải nguyên nọ, thơ viết lên tường của ông Khoa bảng kia, thơ trong những cuộc rượu ngâm vịnh ngâm nga, thơ mượn lời tiên thánh tuyên truyền ái quốc...Sôi nổi nhất những cuộc thơ xướng họa, đề tài chung quanh non nước biển trời Sầm Sơn.

Có lẽ đáng chú ý nhất là cuộc thơ xướng họa lấy đề tài “Non nước Sầm Sơn”. Bài xướng của một tác giả vô danh:

Có lạ gì đâu nước với non/ Lạ vì có cảnh, có người còn.../ Bể trông ra thế chừng bao lượng/ Non được như đây kể mấy hòn?/ Trời đất mở mang ba mặt rộng/ Gió trăng chờ đợi mấy thu tròn?/ Nước non nay thấy trong cao mãi/ Đằm thắm cùng nhau giữ tấc son.

Bài thơ nói cảnh nhưng không chỉ nhằm tả cảnh, đúng hơn, tả cảnh để tả người, tả lòng. Lòng đây là lòng tác giả, cũng là lòng dân, những tấm lòng yêu nước, yêu dân, dù nắng mưa, bão tố vẫn vững bền như núi như non trước cảnh nước mất nhà tan. Dĩ nhiên thời đó, ngòi bút tác giả không thể không kín đáo, khi giãi bầu tâm sự.

Một bài thơ họa đáng chú ý là của một vị đại quan triều đình Huế: Phạm Liệu: Từ thuở non trên, bể dưới non/ Còn người, còn bể, núi non còn/ Mênh mông bể rộng đo gì thước/ Rải rác non xa biết mấy hòn/ Gió quét hơi nồng lòng đó mát/ Trăng lên chiếu sáng dạ đáy tròn/ Non xanh nước biếc người trong sạch/ Thu xếp đem về một nét son.

Bài họa của Vương Tứ Đại, ngoài những ý tưởng chung những hình ảnh đẹp:

Bể rộng ai đào để đắp non/ Vết chân Độc Cước tới nay còn/ Lô nhô sườn núi nhà thưa mái/ Khấp khểnh chân mây đá mấy hòn/ Mặt bể trong veo dòng nước biếc/ Đầu thềm vằng vặc bóng trăng tròn.

Thì câu kết:

Lân la trong cõi non cùng nước/ Mà tấm lòng riêng vẫn sắt son. Cho ta thấy một bầu tâm sự riêng trong cảnh núi sông chung vẫn trong sáng như dòng nước, vầng trăng.

Cần nói rõ hơn: Phạm Liệu làm Thượng Thư Bộ Binh, Vương Tứ Đại là thượng thư Bộ Công, trong 5 ông đứng đầu triều đình Huế dưới thời vua Khải Định rồi Bảo Đại.

Vua Bảo Đại đã có biệt thự ở Đà Lạt, còn xây lầu ở Sầm Sơn để hưởng thụ cảnh thần tiên có một không hai. Lần ấy vua đưa gia đình về thăm viếng đất Tổ Gia Miêu (Hà Trung) thắp hương lăng miếu Triệu Tường, có bà Tiên Cung (bà nội), Thánh cung (mẹ) nhưng không có Hoàng hậu (vợ) vì bà Nam Phương theo đạo Thiên chúa, không thờ cúng tổ tiên, cha mẹ. Bà Tiên Cung nghe nói phong cảnh Sầm Sơn thú vị hơn cả sông Hương, núi Ngự, mới bảo Hoàng Thượng đưa đi chơi phong cảnh Sầm Sơn. Bà thấy đây quả là chốn thần tiên, truyền cho vua xây thêm gác Nghinh phong sau đền Độc Cước để hóng mát. Gác này trong kháng chiến chống Pháp bị xuống cấp, sau 1970 đã được xây lại. Ngồi ở đây có thể nhìn ra tận cửa Hới, cũng là một cảnh đẹp của Sầm Sơn.

Trong Hòa Bình, Sầm Sơn được kiến thiết và phát triển toàn diện: Kinh tế, văn hóa, xã hội... với tốc độ nhanh chóng.

Trước nay, dù nhìn Sầm Sơn trên quan điểm nào, từ phương diện nào, người ta cũng dành cho nó những dòng tình cảm tốt đẹp, tuy chưa được đầy đủ, và ít nhiều chưa thấy hết tiềm năng phong phú mà thiên nhiên đã ưu đãi mảnh đất này. Bằng cái nhìn khái quát, sách "Đất nước ta" (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1963) nhóm tác giả viết về cảnh tượng du lịch Sầm Sơn sau 9 năm kháng chiến chống đế quốc Pháp xâm lược: “Sáng chiều bãi biển tấp nập, người vẫy vùng đùa rỡn trên sóng nước, kẻ dạo chơi thơ thẩn trên bãi cát phẳng mịn, trẻ con rình bắt những chú dã tràng hoặc thích thú “nặn” cát vào lòng bàn tay cho chảy xuống những hình thù kỳ quái”.

Và “những đêm giữa tháng, chúng ta có thể dạo chơi dưới ánh trăng vằng vặc chiếu qua những tầng lá phi lao lấp loáng ngắm mặt biển sóng vàng từng đợt nhấp nhô. Đôi khi có những buổi hòa nhạc tưng bừng ngay trên bãi biển mặc cho gió thổi sóng gầm...”.

Tại trung tâm TX Sầm Sơn, từ giữa thế kỷ trước, đường đi lối lại phong quang. Hai bên đường những rặng nhãn xòe tán che mát khách bộ hành giữa trưa hè nắng gắt, rủ bóng ấp ủ những mái tóc xanh chụm đầu tình tự trong đêm trăng quá sáng. Ngay từ cửa ngõ vào khu trung tâm “khách sạn Sầm Sơn” trong dáng tươi đẹp niềm nở đón chào du khách. Tiếp theo nhà nghỉ Công đoàn Thanh Hóa, Tổng Công đoàn Việt Nam, Thư viện, Hiệu sách, Cửa hàng Nhiếp ảnh... Tất cả đều đầy đủ tiện nghi, người phục vụ chí tình...

Theo đà phát triển của kinh tế, tốc độ xây dựng của làng xã Sầm Sơn được đẩy mạnh làm bộ mặt nông thôn hoàn toàn đổi mới. Nhiều điểm dân cư mái ngói đỏ tươi, không còn cảnh mái che phi lao trên nền cát bỏng. Các nghề đánh cá tàu, dệt thảm xuất khẩu, nuôi rau câu, cá nước lợ... đem về no ấm, giàu có cho cả xã hội...

Kho vàng Sầm Sơn dưới đáy biển đã bị lũ “cướp ngày” cướp sạch, nhưng Sầm Sơn vẫn là kho vàng vô tận. Đó là gió mát, nắng lành, nước trong, chứa nhiều oxy... là những vị thuốc bổ vô giá. Cá biển nhiều và ngon. Tình người đằm thắm, lòng mến khách chan hòa, cảnh đẹp khác nào bồng lai giữa trần thế... cũng là kho báu vô tận.
 (còn tiếp)
                                                       Hoàng Tuấn Phổ/2017
NGUỒN BÀI ĐĂNG BÀI ĐĂNG HOÀNG TUẤN PHỐ -TUẤN CÔNG THƯ PHÒNGl


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét