XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Lịch sử Trung Hoa-Nhà Thanh

THỐNG TRỊ MÃN CHÂU
TỔNG QUAN
Triều đại này là triều đại cuối cùng của chế độ quân chủ, của nền văn minh cổ Trung Hoa.
Người Hán lại phải chịu cái ách của Mãn Châu, lâu gấp ba cái ách của Mông Cổ thời Nguyên; nhưng lần này ách không nặng bằng lần trước (Mãn không quá nghi kị Hán, không dùng ngoại nhân để trị, cũng không quá bóc lột quá mức) mà Mãn, Hán sớm biết sống chung với nhau và rốt cuộc có lợi cho cả hai bên. Nhờ hơn một thế kỷ thịnh trị - cho tới cuối thế kỷ XVIII – đế quốc mở mang hơn các thời trước (không kể thời Nguyên), và nhờ biết trọng văn minh Trung Hoa, người Mãn đã Hoa hóa hoàn toàn, Mãn Hán chỉ là một.
Một đế quốc càng rộng thì càng bị dòm ngó nhiều mà sự bao vây lâm thế càng khó. Từ đời Hán không triều đại nào dân tộc Trung Hoa không điêu đứng về nạn bị các rợ phía Bắc và phía Tây xâm lấn. Qua Mãn Thanh, nhờ những võ công của Khanh Hi, Ung Chính, Càn Long 1 tránh được nạn đó; nhưng từ thế kỉ XIX họ lại nhục nhã bị các “rợ” phương Tây qua ức hiếp, chiểm các nguồn lợi kinh tế của họ. Rồi người Nga, người Nhật cũng vào hùa chiếm miền Bắc. Rôt cuộc họ bị bao vây bốn phía, thành một bàn thuộc địa của non chục cường quốc, có cơ nguy hơn các triều đại trước nữa. Nhưng chính vì các nạn đó, mà dân tộc Trung Hoa mới quyết tâm duy tân, Âu hóa mà lật đổ triều đại nhà Thanh, tiến theo trào lưu của Thế giới.
A. THỜI THỊNH TRỊ
1. Thống nhất – củng cố
Ông vua Thanh đầu tiên của Trung Hoa là Thuận Trị (Thế Tổ). Lúc vào Bắc Kinh ông mới bảy tuổi, mẹ ông bồng ông, đặt lên ngai vàng. Mười lăm tuổi ông có vợ, nhưng chỉ mê một quí phi, tám năm sau bà này chết, ông ưu uất, ít tháng sau chết theo. Sử gia cho rằng ông bị bịnh thần kinh suy nhược. Việc nước do môt thân vương (chú ông) làm phụ chánh quyết định hết, triều đình nhờ vậy có kỷ cương.
Việc đầu tiên nhà Thanh làm khi vào Bắc Kinh là cấm quân lính xâm nhập vào nhà dân, rồi cải tang vua Tư Tôn, ông vua đã tuẫn quốc ở núi Lôi Sơn, phát tang, hạ lệnh cho quan dân để tang ba ngày; viên Thái giám Vương Thừa Ân tuẫn nạn cũng được chôn ở bên lăng Tư Tôn. Những người tuẫn nạn khác được thờ chung trong một ngôi đền.
Biện pháp đó sáng suốt, cho người Hán thấy rằng, nhà Thanh không muốn chiếm nước của nhà Minh mà chỉ có ý dẹp bọn giặc Lý Tự Thành cứu khổ cho dân chúng. Dĩ nhiên nhiều người cho là giả dối, nhưng hành động đó có vẻ văn minh, hợp với đạo Nho. Người Mãn già tâm lý hơn người Mông.
Thanh lại trưng dụng cựu thần của Minh, dùng cả hai thứ chữ Hãn, Mãn, coi trọng văn hóa Hán, nhưng hậu duệ của nhà Minh thì họ tìm cách diệt cho hết.
Để lấy lòng dân Hán, họ tha cho một sổ tội nhân, bỏ mốt số thuế hà khắc quá, những kẻ cô quả, không có phương tiện mưu sinh, được họ giúp đỡ mà.
Hồi quân Mãn mới vào Trung Quốc, chúng chiếm đất của dân, vach khu để quản lí, triều đình ra lệnh tuyệt cấm, bắt trả lại cho dân.
Họ cũng khôn hơn Mông Cổ, lập lại ngay khoa cử để lung lạc kẻ sĩ.
Một số đỗ đạt được bổ dụng, nhưng họ thận trọng chưa tin hẳn, mới đầu chỉ cho người Hán phụ tá người Mãn thôi, mà người Mãn không cần thi cũng được làm quan.
Đó là chính sách dùng ân huệ để vỗ về; chính sách dùng uy để đàn áp cũng tàn nhẫn lắm. Cũng như người Mông, họ cấm hia dân tộc Mãn – Hán kết hôn với nhau, bắt người Hán phải dùng y phục của Mãn, phải cạo đầu, gióc bím như Mãn; thời Nguyên người Hán phải để hai cái bím thòng xuống hai bên, thời Thanh phải để một cái từ đỉnh đầu thong xuống giữa lưng; người nào không tuân lệnh thì bị chặt đầu. Người hán lấy vậy làm tủi nhục, mới đầu nổi lên phản kháng: ”Chặt đầu thì chặt đầu, để bím thì không”. Phong trào phản kháng mạnh nhất ở miền Đông Nam. Một thị trấn nọ chống cự với lính Mãn tám chục ngày. Khi chiếm được thị trấn, viên tướng Mãn cho phép quân lính tàn sát dân chúng ba ngày để làm gương cho các nơi khác: 97.000 người chết trong thị trấn, và 75.000 người ở vùng lân cận.
Ngoài ra còn lệnh cấm lập xã (đoàn thể), lập hội. Kẻ nào có giọng phản Thanh, nhất là trong sách vở thì đều bị tử hình, (coi ở sau một họa văn tự đời Càn Long, tr 190).
Trong ba bốn chục năm đầu, nhiều đại địa chủ và kẻ sĩ giữ thái độ bất hợp tác, hoặc vào rừng ở ẩn như đầu đời Nguyên; hoặc dắt díu nhau bỏ quê hương ra nước ngoài làm ăn như bọn Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch năm 1679 qua nước ta, qui phục chúa Nguyễn Phúc Tần, được chúa cho vào Đồng Nai kinh doanh và họ lập nên một nơi buôn bán thịnh vượng ở cù lao Phố (Biên Hòa); như bọn Mạc Cửu cuối thế kỉ XVII, qua lập nghiệp ở Mang Khảm (Hà Tiên) lâp tại đó một hải cảng phồn thịnh, một tiểu quốc văn hiến dưới sụ bảo hộ của chúa Nguyễn. Những nơi họ ở gọi là Minh hương (làng người Minh), ngày nay Minh hương có nghĩa rộng hơn, trỏ tất cả những người Trung Hoa qua Việt Nam lập nghiệp.
Chắc thời đó còn nhiều nhóm người Minh (đa số ở Đông Nam Trung Hoa: Phúc Kiến, Quảng Đông) di cư qua Thái Lan, Mã Lai…
Nhưng qua các đời sau, Khanh Hi, Càn Long tinh thần phản Thanh giảm đi vì thấy người Mãn coi trọng văn minh Trung Hoa, đồng hóa với người Hán, và qua thế kỉ XIX thì cơ hồ không còn sự kì thị giữa Hàn và Mãn nữa, nhiều người Hán như Tăng Quốc Phiên, Lí Hồng Chương đã giúp cho triều đình Thanh vững lại (coi ở sau).
Chú thích:
(1) Từ đời Hán các vua Trung Hoa có lệ dùng niên hiệu rồi lại dùng niên hiệu nữa). Có nhiều ông dùng cả chục niên hiệu. Qua đời Thanh, ông nào cũng chỉ dùng một niên hiệu thôi. Vì vậy các sử gia chép về vua các triều đại từ Minh trở lên đều dùng miếu hiệu, qua đời Thanh thường chỉ dùng niên hiệu như Khanh Hi, Ung Chính, Càn Long, chứ không dùng miếu hiệu: Thánh Tổ, thế Tôn, Cao Tôn. Những miếu hiệu quanh đi quẩn lại chỉ có vài chục tên, triều đại nào cũng dùng, dễ bị trùng mà lại ít ý nghĩa, không tiện bằng niên hiệu.
DẸP CÁC PHONG TRÀO PHẢN THANH
Sau khi quân Mãn Thanh chiếm được Nam Kinh, Phúc Vương tự tử, sự kháng chiến của tôn thất nhà Minh còn tiếp tục, mặc dầu yếu ớt.
Kế tiếp Phúc Vương là ba vương nữa: Lỗ Vương nổi ở Chiết Giang, Đường Vương kháng chiến ở Phúc Kiến và Quế (?) Vương ở Quảng Đông, Quảng Tây. Họ đều hùng tâm, được dân chúng ủng hộ, nhưng thực lực không có gì, nên chỉ trong mấy năm, ông thì chết vì bịnh, ông thì bị Thanh bắt; và nghĩa quân cứ phải lùi dần về phía Nam. Quế Vương chống cự lâu hơn cả, Mãn Thanh phải đem đại đội binh mã tấn công toàn diện, ông lùi về Quí Châu, rồi Vân Nam, sau cùng vô Miến Điện, Ngô Tam Quế bị Mãn Thanh mua chuộc, đem quân truy tới cùng, ép vua Miến phải nạp Quế Vương, và Tam Quế giết chết năm 1662, đầu đời Khang Hi.
Cuối cùng chỉ còn Trịnh Thành Công, một viên tướng của Đường Vương, dắt bộ hạ qua đảo Đài Loan, tiếp tục kháng chiến.
Ông ta hô hào các chí sĩ ở miền duyên hải từ Chiết Giang tới Phúc Kiến phản Thanh phục Minh. Từ 1624 nhà Minh đã cho người Hòa Lan lập ở đảo đó vài căn cứ để buôn bán, mà cũng để khống chế bọn hải tặc Nhật Bản. Trịnh Thành Công lực lượng khá lớn, đuổi người Hòa Lan đi, chiếm lấy đảo (rộng bằng một tỉnh Trung Hoa), khai thác, tính chuyện lâu dài. Chẳng may ông chết sớm, con còn nhỏ lên nối ngôi. Nhà Thanh thừa dịp đó, một mặt bắt dân ở ven biển Phúc Kiến phải dời sâu vào trong nội địa để không tiếp tế được cho họ Trịnh; mặt khác nhờ hải quân Hòa Lan giúp sức, chiếm được Đài Loan năm 1683 (đời Khanh Hi). Tới đây Mãn Thanh mới bình định xong Trung Hoa. Cứ mỗi lần một nhóm phản Thanh bi diệt thì lại có hàng trăm người tuẫn quốc. Đó là đặc điểm của một dân tộc thấm nhuần đạo Khổng. Trước sau có cả ngàn người.
TRIỆT HẠ BA PHIÊN VƯƠNG
Đầu đời Thuận Trị, nhà Thanh dùng ba tên Hán gian để dẹp loạn trong nước, phong cho chúng tước Phiên Vương. Có thế lực nhất là Ngô Tam Quế được phong làm Bình Tây vương ở miền Tứ Xuyên; còn hai tên kia được phong làm Bình Nam Vương, Tĩnh Nam Vương, có nhiệm vụ bình định miền Nam.
Ngô Tam Quế vẫn ức nhà Thanh phổng tay trên ngôi báu Trung Hoa, bất đắc dĩ phải tuân lệnh họ đi dẹp Lí Tự Thành ở Sơn Tây, rồi bình định miền Tứ Xuyên. Hắn lập được nhiều công cho Thanh (Công cuối cùng là bắt giết Quế Vương như trên đã nói), những vẫn thầm nuôi cái ý chiếm cứ một phương, thành lập một quốc gia độc lập, không chịu sự thúc phược của triều đình Thanh.
Năm 1677, hắn phất cờ khởi nghĩa ở miền động Đình Hồ dùng khẩu hiệu “Hưng Minh thảo lồ” (dẹp giặc đề phục hưng nhà Minh) nhưng tội y nhiều và nặng quá, dân chúng không ai theo, coi hắn là một tên “trành” (người bị cọp vồ thành quỉ, cọp sai về bắt đồng bào), rồi hai phiên vương lần lượt hàng Thanh hết, quay lại tấn công hắn, hắn hóa cô độc, bỏ khẩu hiệu “Phục Minh” mà xưng đế, chẳng bao lâu sau bị bệnh chết (1676). Hắn chết rồi, Khang Hi tìm cách giết luôn hai phiên vương kia.
2. Phát triển
- CHẾ ĐỘ
- CHÍNH THỂ
Cũng như nhà Nguyên, Mãn Thanh mới đầu không mong gì được người Hán ủng hộ, nên trông cậy nhiều nhất vào bộ tộc của mình và một phần vào một số bộ tộc anh em với mình như Mông Cổ, nhưng Thanh không hơn Nguyên, khéo dùng người Hán, vậy là họ dùng cả Mãn, Hán, Mông, mà có hạn định.
Các chức vụ lớn ở triều đình luôn luôn giao cho hai người: 1 Mãn, 1 Hán. Sáu bộ thì mỗi bộ đều có một thượng thư người Mãn, một thượng thư người Hán, hai thị lang người Mãn, hai thị lang người Hán.
Do đó phải dùng nhiều thông ngôn trong nội các và lục bộ. Hai ngôn ngữ Hán, Mãn đều được dùng cả, và một số người Hán thi đậu tiến sĩ được khuyến khích học thêm tiếng Mãn tại một viện Hàn Lâm. Người Mãn cũng được khuyến khích học tiếng Hán. Tới khoảng 1670, nhiều cơ quan không cần có thông ngôn nữa, và khoảng 1838 thì không còn tiến sĩ Trung Hoa nào học thêm tiếng Mãn nữa. Vua Khang Hi cho soạn bộ tự điển mang tên ông (Khang Hi Tự điển) để giúp người Mãn, nhưng khi soạn xong thì ít khi họ dùng tới.
Thanh theo Mãn áp dụng chính sách trung ương tập quyền, không đặt chức tể tướng, bao nhiều quyền đều do vua nắm hết, thành thử các đại học sĩ ở Nội Các và các đại thần ở lục bộ chỉ là những kẻ thừa hành thôi.
Mệnh lệnh của Hoàng đế gởi cho một viên quan nào thì gởi thẳng cho viên quan ấy, chứ không gởi cho bộ hoặc thượng cấp của viên quan ấy để chuyển giao; các quan thượng thư cầm đầu các bộ cũng không được trực tiếp ra mệnh lệnh cho cấp dưới; 12 thượng thư và 24 thị lang của 6 bộ đều có thể trực tiếp tâu riêng với vua, người này không biết người kia tâu gì, vậy là thượng thư hoàn toàn không có chút trách nhiệm gì cả. Thời đầu, vua Khang Hi, Ung Chính, Càn Long đều cần mẫn,mà việc nước cũng ít rắc rối, nên có thể áp dụng chính sách đó được, về sau chắc phải châm chế nhiều.
Một điểm đặc biệt là nhà Thanh không lập thái tử như các triều trước: Vua Thuận Trị là lâm thời tôn lên, chứ không định trước. Vua Khang Hi lên ngôi di chiếu; ông có 35 hoàng tử (không biết bao nhiêu công chúa) và khi ông theo lệ Trung Hoa, lập thái tử thì các hoàng tử ghen ghét, kết bè đảng khuynh loát, mưu hại, có lần một hoàng tử là Jun Jeng (Doãn Nhung?) (theo f. Backhouse và J.O.P Bland trong Les Empereures Mandchous Payot, 1964) tính giết cả vua cha, Khang hi kể tội con với các quan rồi lăn xuống đất khóc lóc (năm đó ông trị vì đã 50 năm). Thấy chế độ lập thái tử tai hại như vậy, ông hai lần lập thái tử rồi hai lần phế đi. Khi ông chết, Ung Chính được sự ủng hộ của quân đội mà lên ngôi, tức là loạn nổi lên trong anh em, họ tranh giành ngôi vua với ông, ông phải giết hết những kẻ đó; và quyết tâm bỏ lệ lập thái tử. Ông lựa chọn một người con cho sau này kế vị, viết tên, bỏ vào trong một hộp kín, cất một nơi trong cung, đến khi lâm chung, bảo các đại thần mở ra xem mà thi hành. Người kế vị ông là Càn Long. Các vua sau đều theo cách ấy, trừ vua Đồng Trị.
Cái tệ lập thái tử, chăng kể tư cách tài năng ra sao, cứ cho con lớn của dòng chính là được lên ngôi, cái tệ đó do chế độ tôn pháp từ đời Chu tới đầu đời Thanh, trên 2.500 năm, mới được một vua Mãn hủy bỏ. Cai cách đó đáng kể là một tiến bộ; đời Thanh chỉ có vài ông vua bất tài, vô hạnh, ít hơn các đời trước nhiều là nhờ vậy. Nhưng cái hạn chế độ truyền tử chứ không truyền hiền, vẫn còn nặng lắm.
Chính chế ở các địa phương (18 tỉnh) thì theo nhà Minh, không có gì thay đổi.
• Khoa Cử: cũng theo nhà Minh, dùng văn bát cổ để lựa nhân tài.
• Binh chế: Quân đội phân biệt hai hạng: kì binh và doanh binh. Kì binh (kì là cờ) mỗi đoàn có một màu cờ, dùng cả người Mãn, người Mông, người Hán, có nhiệm vụ giữu kinh sư và xuất chinh, họ được tập luyện tập kĩ hơn hết.
Doanh binh thường dùng để trấn áp nội loạn. Các viên đô thống, tướng dù kì binh hay doanh binh mới đầu đều là người Mãn, gần cuối triều đại mới dùng người Hán.
• Tư pháp:
Pháp luật đời Thanh đại để theo đời Minh. Nhưng dĩ nhiên là bất bình đẳng như nhà Nguyên. Người Mãn được nhiều đặc quyền nhất, người Hán thấp nhất.
Tôn thất và kĩ nhân (người Mãn) do nhưng cơ quan riêng xét xử và được đổi hình phạt.
• Thuế:
Cũng như đời Minh, phân biệt hai thứ: thuế điền và thuế đinh, sau đem thuế đinh san ra ruộng đất mà thu chung.
Năm 1712, Khang Hi xuống chiếu định rằng cứ lấy ngạch thuế ghi trong sổ sách năm 1711 làm tiêu chuẩn (năm đố số đinh là 24.620.000) sau dân số có tăng thì thuế vẫn như cũ. Dân số năm 1710, theo Eberhard là 116.000.000. Vậy cứ 5 người dân (kể cả nam, phụ, lão, ấu) thì có 1 đinh?
Ngoài các thứ thuế cũ: muối, đánh cá, trâu ngựa… còn đặt ra thuế “li kim” hồi giặc Thái Bình đánh vào hàng hóa chuyên chở qua các tỉnh, “thuế quan” đánh vào hàng hóa qua các cửa quan, và thuế hải quan đánh vào các hàng từ nước ngoài vào.
Nhà Thanh may mắn được ba ông vua giỏi nối tiếp nhau cầm quyền, tạo nên một thời thịnh trị dài trên 130 năm.
Khang Hi lên ngôi năm 8 tuổi, trị vì 61 năm, nhưng 13 tuổi mới thực sự cầm quyền. Ông thông minh, tài hoa, học rộng, cẩn thẩn, sống giản dị, tính tình khoan hòa, mà lại can đảm, cầm quân giỏi, sử gia Trung Hoa ví ông với Lí Thế Dân tức Đường Thái Tôn, còn các học giả phương Tây cho rằng triều đại của ông rực rỡ như triều đại Louis XIV, đồng thời với ông (1638 – 1715).
Ông rất trọng văn minh Trung Hoa, được nhiều cảm tình của sĩ phu Trung Hoa. Chính ông cũng giỏi chữ Hán. Một số triết gia Trung Hoa như Cố Viêm Vô, Hoàng Tôn Hi (coi ở sau) không chịu hợp tác với Thanh, mặc dù vậy, năm 1679 ông mở một kì thi đặc biệt để lựa người soạn bộ Minh sử, 188 người được ông mời dự và 152 người dự, ông lựa chọn 50 người mà bốn phần năm ở miền hạ lưu Dương Tử Giang, tức miền giữ được truyền thống Tống, Minh hơn cả. Như vậy đủ biết chưa đầy nửa kỉ, nhà Thanh đã lấy lòng được dân tộc Hán, công đó phần lớn là nhờ ông.
Ngoài bộ Khang Hi tự điển, ông còn thu thập, biên soạn ba chục loại sách nữa, đặc biệt là toàn bộ tác phẩm của Chu Hí mà ông rất ngưỡng mộ, và bộ “Khâm định đồ thư đại tập thành” gồm 1 vạn quyển, 100 triệu chữ, sau khi ông chết mới in xong (năm 1728), chia làm 5.000 tập (volume), đồ sộ hơn bộ Encyclopedia Britiannica ngày nay nữa. Chưa có một ông vua Hán nào làm được như vậy.
Đối với người Âu ông không có óc kì thị, trái lại là khác. Chương trên chúng ta đã biết nhà thiên văn Đức Adam Schall sửa lai lịch cho nhà Minh. Qua đời Thanh, Schall được Thuận Trị phong làm giám đốc thiên văn đài Bắc Kinh, nhưng rồi có kẻ ghen ghét, ông ta bị vu oan, buồn rầu mà chết (1666). Ít năm sau, Khang Hi mời một tu sĩ Dòng Tên (Jesuite) gốc Bỉ, Ferdinand Verbiest, tời Bắc Kinh tiếp tục công việc của Schall. Ông rất mê khoa học phương Tây, thường dắt Verbiest theo trong các cuộc thanh tra, ông tò mò muốn biết về khoa học, nhờ Verbiest giảng về môn toán học, thiên văn, họa của phương Tây. Một họa sĩ Ý Castigliond phục vụ rất lâu tại triều đình ông và chuyên vẽ chân dung cho các thân vương.
Các tu sĩ dòng tên thời đó qua Trung Hoa đề tìm hiểu Trung Hoa và truyền bá đạo Ki Tô. Họ đem khoa học để giúp đỡ triều đình, được cả lòng vua và đại thần; mà khôn kheo biết tôn trọng tục lệ Trung Hoa, Ki Tô giáo rất khắt khe, tuyệt đối cấm tín đồ thờ thần nào khác, chỉ được thờ Đức Chúa Trời thôi, các tu sĩ Dòng Tên, khoáng đạt hoặc mềm dẻo hơn, để tín đồ Trung Hoa tiếp tục thờ Khổng Tử vì họ nghĩ rằng Khổng Tử không phải là một vị thần, thờ Không Tử chỉ để tỏ lòng ngưỡng mộ một đại luân lí gia thôi. Họ cũng không cấm thờ phụng tổ tiên nữa, vì cúng vái ông bà cha mẹ đã khuất là tỏ lòng nhớ ơn các người, kính trọng các người như khi các người còn sống. Ki Tô giáo cấm sự sùng bái ngẫu tượng (idolâtrie) mà thờ Khổng Tử, và thờ tổ tiên không phải là thờ ngẫu tượng như Diêm Vương, ông Thiện, ông Ác, thần Tài…Nhưng các tu sĩ dòng Thánh Dominique và dòng thánh Fancois d’ Assise trái lại, chẳng hiểu tục lệ, truyền thông Trung Hoa, mạt sát cả thần học và lễ nghi Trung Hoa, cho là phát minh của Quỉ, phản đối kịch liệt Dòng Tên, trình lên với Giáo Hoàng, và năm 1704 Giáo Hoàng phái một nhà truyền giáo, Tournon, qua Trung Hoa bắt Dòng Tên phải tuân lệnh Giáo Hoàng, cấm tín đồ Trung Hoa thờ Khổng Tử, tổ tiên; tu sĩ Dòng Tên nào không tuân lịnh thì phải rời Trung Hoa liền.
Khang Hi rất có thiện cảm với Ki Tô giáo, giao các hoàng tử cho tu sĩ Dòng Tên dạy dỗ, có hồi ông có muốn theo Ki Tô nữa với một số điều kiện nào đó. Khi Giáo Hoàng cấm tu sĩ Dòng Tên như trên, ông rất bất bình, Giáo Hoàng là ai mà dám xen vào việc nước của ông như vậy? Ông là hoàng đế Trung Hoa, muốn cho ai vô nước mình thì người đó được ở, muốn dùng người nào giúp việc cho ông thì dùng, Giáo Hoàng sao dám trái ý ông. Và ông liền nhốt Tournon vào khám ở Macao; ít năm sau Tournon chết trong khám. Đồng thời ông ban một sắc lịch đuổi hết những tu si Ki Tô giáo nào không theo những nguyên tắc của Matteo Rici (tức của Dòng Tên).
Sau Khang Hi, các ông vua khác đều tấn công mạnh mẽ Ki Tô giáo và đầu thế kỉ chúng ta, Trung Hoa chỉ có khoảng ba triệu tín đồ (không bằng nửa phần 100 dân chúng) trong khi Phật giáo có không biết mấy trăm triệu tín đồ, Hồi giáo cũng có được 15 triệu tín đồ. Mãi đến gần đây (sau thế chiến II?) Giáo Hoàng La Mã mới cho phép tín đồ Trung Hoa thờ Khổng Tử, cùng tổ tiên nhưng trễ quá rồi (1). Nhưng giả sử có cho phep từ đời Khang Hi thì Ki Tô giáo cungc không thể phát triển mạnh như Phật giáo được, nhiều lắm cũng chỉ được khoảng năm phần trăm dân chúng thôi.
Dòng Tên đã thất bại trong việc truyền giáo ở Trung Quốc nhưng đã có công với văn hóa. Các tu sĩ dòng đó đều là những nhà bác học khoáng đạt, có tinh thần học hỏi, có óc khoa học, họ soạn sách, giới thiệu văn minh Trung Hoa với người Âu và nhờ họ mà người Âu biết một nền văn minh rực rỡ khác hẳn văn minh Ki Tô giáo. Các triết gia Pháp ở thế kỉ XVIII, đặc biệt là Voltảie, phục triết gia Trung Hoa (Khổng, Lão) minh triết không dùng tôn giáo, tời Thiên khai của Chúa Trời, chỉ nhờ một thứ luân lí cận tình hợp lí mà dạy dỗ dân thành những người tốt; do đó dân tộc Trung Hoa không có chiến tranh tôn giáo tai hại như phương Tây; xã hội rất có trật tự. Vua yêu dân, không can thiệp vào đời của dân, nhưng nếu làm bậy thì bị dân lật đổ, trong gia đình con quí trọng cha mẹ, vợ nghe chồng, đáng khen nhất là xã hội rất bình đẳng, không có giai cấp quí tộc cha truyền con nối, ai giỏi, thi đậu thì cũng có thể làm quan được, mà quan có quyền can gián vua, kiểm soát vua nữa.
Khang Hi rất quan tâm tới vấn đề trị thủy, đích thân sát đê điều và trong đời ông không bị nạn lụt nào tai hại của sông Hoàng Hà.
Ông noi gương Tần Thủy Hoàng, sáu lần tuần du miền Nam (Chiết Giang) để xem xét dân tình, bốn lần tuần du phương Bắc, ngoài biên giới.
Về võ công, ngoài việc dẹp được ba phiên vương, chiếm lại được Đài Loan như trên chúng ta đã biết, ông còn dẹp được loạn ở Trung Á, mở mang thêm bờ cõi.
Đầu đời Thanh, người Mông Cổ giúp người Mãn Châu để được chia phần, sau thấy người Mãn đã Hán hóa tời mức ngay sau đời Khang Hi mà nhiều người Mãn đã quên tiếng mẹ đẻ (các đời sau, ngay vua Thanh cũng không hiểu tiếng mẹ nữa), họ coi người Mãn cũng chỉ là người Hán, không cùng một giống với họ nữa, nên họ nổi loạn, muốn tách rời ra thành một nước độc lập, không chịu ảnh hưởng của nhà Thanh nữa. Khanh Hi trong 6 năm từ 1690 đến 1695 phải thân chinh dẹp họ.
Mười năm sau, 1715 lại có loạn ở tây Mông Cổ. Chiến tranh lan rộng tời miền Turkestan và dân tộc Thổ Nhĩ Kì với dân tộc Dzoumgare cũng bị lôi cuốn vào. Khang Hi dẹp được họ tới Tây Tạng chiếm Lhassa, đặt một vị Đạt Lai Lạt Ma khác lên ngôi và Tây Tạng thành một nước bảo hộ của Thanh.
Trong cuộc bành trướng đó, Mãn Thanh đụng đầu với Nga thời đó đương muốn tìm đường qua phương Đông để thoát ra biển. Năm 1650 Nga đã tiến tời Hắc Long Giang, lập được một đồn binh. Người Mãn từ trước vẫn làm chủ miền đó, Khang Hi tức thì đem quân phá đồn, Nga phải thương thuyết, các tu sĩ Dòng Tên làm thông dịch viên cho hai bên. Hiệp ước đó viết bằng ba ngôn ngữ: Nga; Hán; Mãn là hiệp ước đầu tiên Trung Hoa kí với một nước châu Âu. Vì nhiều chỗ khó dịch nên vài câu tối nghĩa về sự hoạch định địa giới. Cho nên năm 1727, Nga phái một sứ thần tới Bắc Kinh để xét lại. Lúc này Khang Hi đã băng, Ung Chính kế vị, đòi thương thuyết ở ngay biên giới, tức trên đất Mông Cổ. Hai bên bàn cãi nhau khá lâu, rốt cuộc bằng lòng kí một hiệp ước mới, tức là hiệp ước Kiakhta (Cáp - Khắc - Đồ).
Theo hiệp ước đó, người Nga được phép đặt một phái đoàn công sứ - lập 1 chi điểm buôn bán và một giáo đường ở Bắc Kinh. Lại hiểu nhầm nhau nữa. Người Nga – và các người phương Tây – cho như vậy là Thanh phải đầu hàng. Người Trung Hoa trái lại bảo sự cho phép đó không có nghĩa là nhượng bộ mà cũng chẳng có gì mới mẻ. Từ ngàn rưỡi năm trước, bọn “rợ” đem cống phẩm tới Bắc Kinh đều được Triều đình Trung Hoa cho họ ở tại sứ quán, trong khi đợi Hoàng đế cho phép vào bệ kiến, thường vào dịp Nguyên đán. Lại thêm, sứ đoàn được phép dắt theo một số thương nhân để bàn việc trao đổi hàng hóa. Mà Trung hoa cũng cho bọn rợ Hồi Hội (Ouigheur) dựng một thánh đường Hồi gimas của họ ở Bắc Kinh.
Chính lúc người Nga được phép đặt một phái đoàn công sứ thì triều đình Mãn Thanh cũng lập một cơ quan lo việc Hồi.
Tóm lại, người Nga cho rằng hiệp ước đã công nhận sự bình đẳng giữa hai dân tộc, mà quyền được buôn bán là một thứ đặc quyền, một cách nhượng bộ, còn người Thanh cho rằng trước sau họ vẫn đãi người Nga như đã đãi các “rợ” khác ở Trung Á, ở Đông Nam Á chẳng hạn.
Do sự hiểu lầm nhau mà qua thế kỉ XIX xảy ra nhiều xung đột chính trị. Người Âu trách người Trung Hoa là vi phạm các hiệp ước đã kí, người Trung Hoa bảo rằng mình thi hành rất đúng.
- UNG CHÍNH (Thế Tôn 1723 – 1735).
Ung Chính ngoài 40 tuổi mới chiếm ngôi, sau khi giết hại anh em, và trong 43 năm cầm quyền ông dùng chính sách Pháp gia (Hàn Phi, Lí Tư,… đời Tần) thủ đoạn rất cao, diệt hết kẻ chống đối, ức chế tôn thất, đặt ra một cơ quan mật vụ dò xét kẻ gian, giám sát quan lại, nhờ vậy ở triều không có kẻ lộng quyền, mà trong nước bọn ô lại cũng ít.
Ông đa nghi thù dai nhưng biết dùng người, biết lo cho đời sống của dân, hưng thủy lợi, giảm thuế. Dân chúng tuy chê ông là giả dối, tàn nhẫn, nhưng không oán ghét ông.
Thấy các tu sĩ Ki Tô giáo (Dòng Tên và các dòng khác) âm mưu, khuynh loát nhau, ông cầm đạo ở khắp nước, trừ Bắc Kinh. Ba trăm giáo đường bị phá.
Nhưng ông rất siêng năng, cần kiệm, và cuối đời ông quốc khố còn dư nhiều.
- CÀN LONG (Cao Tôn 1736- 1795).
Vài sử gia khen Càn Long là ông vua tài giỏi và sáng suốt nhất đời Thanh sự thực thì học thức của ông không bằng Khanh Hi, chính tích của ông cũng kém Ung Chính, nhưng ai cũng nhận rằng đời ông là thịnh nhất của nhà Thanh, được vậy là nhờ hai ông vua trước đã khai hoang, cày bừa, gieo giống, ông chỉ việc vun tưới và hái quả. Đặc biệt về phương diện tài chính, ông được hưởng di sản lớn của Khang Hi và Ung Chính vì hai ông này đều giỏi về tài chính, không phung phí.
Ông giữ ngôi rất lâu, 60 năm, gần bằng Khanh Hi (61 năm), có óc khoáng đạt, nhân từ: miền nào mất mùa thì ông giảm hoặc tha thuế, sau lấy thóc trong lẫm của triều đình để phát chẩn, vì vậy mà dân bất kì là Mãn, Hán hay Mông đều quí ông và cuối đời ông thì cả ba giống người đó đều dung hợp với nhau thành người Trung Hoa hết.
Chính ông cũng thành người Hán, nói tiếng Hán, làm văn thơ Hán như các đại thần Hán.
Ông noi gương Khang Hi, triệu tập các nhà bác học hồng nho và những ẩn sĩ ở sơn lâm, được 3.000 người trên 60 tuổi, đãi một bữa yến cho một ngàn vị già nhất.
Ông vời các học giả lại kinh đô để biên soạn những bộ sách lớn về sử học, văn học, y học, luật học như Đại Thanh hội điển, Đại Thanh luật lệ, Đại Thanh nhất thông chí, Y tôn kim giám… Vĩ đại nhất là bộ Tứ Khế toàn thư; giao cho Kỉ Quân điều khiển.
Hàng trăm học giả, văn nhân cộng tác trong mười năm thu thập hết những sách cổ, bất kì về loại gì (văn học, sử học, triết học, địa lí, âm nhạc, y học, nông nghiệp…) rồi tuyển lựa được 79.070 quyển, chép làm 7 loại: kinh, sử, tử (tác phẩm của các triết gia hạng nhì), tập (văn thơ)… mỗi loại chứa riêng trong một kho, do đó có tên là tứ khố (bốn kho).
Mỗi bản để ở một nơi: Bắc Kinh, Phụng Thiên, Hàng Châu, Dương Châu… khi liên quân Anh Pháp vào Bắc Kinh, họ chở đi một bản; vì loạn lạc; hai bản nữa bị đốt, hiện nay còn 4 bản. Nhà Thương Vụ ấn thư quán ở Thượng Hải vừa bắt đầu in bộ đó thì tiếng súng nổ ở Lư Châu Kiều, mở màn cho một chiến tranh kéo dài tới 1945 và công việc phải bỏ dở. Khắp thế giới chưa có bộ sách nào vĩ đại như vậy.
Càn Long cho soạn bộ đó tuy có công bảo tồn văn hóa Trung Hoa nhưng cũng nhằm một mục đích nữa: tiêu hủy những sách có tư tưởng dân tộc vô tình hay cố ý phản Thanh, tất cả tới 1.862 bộ, chia làm 538 loại, nhiều nhất là chính sử, dã sử đời Minh. Ông khôn hơn Tần Thủy Hoàng.
Nhưng cái họa văn tự đời Thanh còn khiếp lắm. Sử chép trường hợp 70 người soạn bộ Minh Sử, trong đó, một đoạn viết về vụ Mãn Châu chiếm Trung Hoa có giọng ai oán chứ không vui vẻ, hăng hái, tác giả lại quên kị húy khi chép tên các vua Thanh, họ đã chết rồi, bị quật mả lên mà những người lựa, duyệt lại, chép lại bộ đó cũng bị chém vì tội phản Thanh.
Ông tự hào về “thập toàn võ công” (mười võ công kết quả hoàn toàn) của ông; Khanh Hi và Ung Chính đã tích lũy được nhiều tiền, ông dùng số tiền đó để mở mang biên cương.
Dân số Trung Quốc tăng lên nhiều, đất đai khai khẩn gần hết rồi, tình thế bắt buộc phải kiếm thêm đất để di dân. Các triều đại trước đều di dân về phía nam, khi miền này không thể tiếp thu thêm được nữa, nhà Thanh mới nghĩ tới việc di dân lên miền Bắc. Miền Bắc là đất của Mãn và Mông. Đất của Mãn, người mãn không cho người Hán vô; vậy chỉ còn đất của Mông. Cuối đời Ung Chính và đầu đời Càn Long, chỉ trong mấy chục năm mà 25 triệu người Trung Hoa di cư lên phương Bắc, chiếm đất của ông, do đó xảy ra nhiều xung đột giữa Hán, Mông ở Turkestan (Tân Cương).
Càn Long đem quân lên dẹp. Hai lần thăng bộ lạc Chuẩn Cát Nhĩ, bộ lạc mạnh nhất của Mông Cổ; một lần bình định được bộ lạc Hồi ở Tây Vực. Ông gom đất của hai bộ lạc đó lại, đặt tên là Tân Cương, phái một đại thần tới thống trị (1759).
Phía Tây biên cương tỉnh Tứ Xuyên có hai bộ lạc Đại Kim Xuyên và Tiểu Kim Xuyên thường quấy rối Trung Quốc, ông hai lần xuất chinh để dẹp (1772 và 1776). Đất đó xa xôi, dân thưa, chỉ có 3 vạn hộ (khoảng 15 vạn người) mà ông phải dùng đến 8 vạn binh mới bình định được. Trong lịch sử nhân loại, chưa có cuộc viễn chinh nào tốn kém như vậy.
Đài Loan từ đời Khang Hi đã dẹp xong rồi nhưng đời Can Long vẫn còn những đám giặc cỏ, ông cũng đem quân vượt biển diệt cho hết.
Đời Ung Chính mở rộng biên giới đến Quí Châu, thế dân ở đó là người Miến được đãi như người Hán, nhưng sau vì quan lại thu thuế hà khắc, họ nổi loạn, Càn Long lại phải dùng binh dẹp.
Năm 1766, viên tổng đốc Vân Nam, đề nghị đánh Miến Điện vì họ thường quấy nhiễu biên giới, Càn Long phái hai vạn rưỡi binh xâm chiếm, vì không biết đường lối và vì không chịu được lam chướng, mấy lần hao quân tốn tướng, nhưng sau Miến cũng xin hòa, Thanh trả lại đất đã lấn, rút về. Từ đó Miến cứ 10 năm phải cống một lần.
Miến chiếm Xiêm, một người Hoa kiều là Trịnh Chiếu mộ kẻ đồng chí đuổi được quân Miến, dời đô về Băng Cốc, dựng lại nước, sai sứ sang cống Trung Quốc (1786) vua Thanh phong làm Xiêm La vương. Từ đó người Trung Hoa qua Xiêm làm ăn càng ngày càng đông, hiện nay thành chỗ phát đạt của Hoa kiều ở hại ngoại.
Càn Long cũng can thiệp vào nội bộ Việt Nam nữa. Vua Lê Chiêu Thống không ưa Tây Sơn, cho người sang cầu cứu với nhà Thanh, vua Càn Long sai Tôn Sĩ Nghị đem quân bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu, Vân Nam sang đánh Tây Sơn. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ hay tin, đem quân ra Bắc đánh đuổi quân Tàu, Tôn Sĩ Nghị vội vàng bỏ chạy, quân Tàu giày xéo nhau, tới biên giới thì cả chục vạn quân chỉ còn sống sót vài chục mạng. Vua Quang Trung chưa muốn gây hấn với Thanh vì việc nước chưa yên, nên tạm nhún nhường, xin thụ phong ( 1789).
Năm 1780 bộ lạc Khuếch Nhĩ Khách của xứ Nepal (Bắc Ấn Độ) đem binh xâm nhập Tây Tạng. Viên đại thần Thanh thống trị Tây Tang đào tẩu, Càn Long phái quân qua dẹp, viên tướng Thanh kiêu căng mà vô mưu, kết quả đại bại, tử thương vô số. Khuếch Nhĩ Khách mặc dầu thắng cũng cầu viện thống đốc Anh ở Ấn, viên tướng này chủ trương điều đình, hai bên còn đương thương lượng thì Khuếch Nhĩ Khách đã xin hòa và Thanh rút quân về.
“Thập toàn võ công” đó không có gì đáng gọi là oanh liệt nhưng kết quả là mở rộng đất đai của Trung Quốc và đế quốc Thanh như tôi đã nói lớn hơn hết thảy các thời trước (trừ thời Nguyên).
Nhưng lợi thiết thực thì chưa thấy, chỉ thấy hại lớn cho tài chính nhà Thanh. Phải đưa quân đi rất xa, từ Bắc Kinh lên phía Bắc, qua Mông Cổ, tới I Lê phải lập đồn ở đó, tiếp tế vũ khí, lương thực, cứ mỗi một “thạch” khoảng 30 kí lô, tốn 120 đồng tiền bằn bạc. Từ 1781 đến 1791, cuối đời Càn Long, trên 30.000 tấn hàng hóa chở lên miền Tân Cương đó, trung bình mỗi ngày 6 tấn, tính ra tốn biết bao nhiêu bạc. Nội việc chở lương thực cũng mất 100 triệu đồng bạc trong thời gian đó rồi. Phải kể thêm những hàng hóa khác nữa, la trong thời chiếm đóng, thời tạm thời yên ổn. Khi có chiến tranh, phí tổn nặng gấp mấy nữa. Bao nhiêu của cải hai đời Khang Hi và Ung Chính dành dụm được, đổ vào những trận ở phía Bắc, và phía Tây, Tây Nam hết. Cuối đời Càn Long quốc khố khánh kiệt.
Tai hại hơn nữa là những trận đó làm cho Trung Hoa đụng đầu với những nước Tây Phương. Họ đụng đầu với Nga ở I Lê, nga, Hoa tranh nhau miền đó trên 30 năm từ 1847 – 1881, rốt cuộc Nga làm chủ được.
Về phía Nam, Trung Hoa chạm trán với Anh ở Miến Điện, phía Tây quyền lợi của Anh, Hoa xung đột nhau ở Nepal, Tây Tạng.
Càn Long phải mở mang thêm bờ cõi như vậy có thể vì muốn cho đế quốc được yên ổn. Có thể ông còn nghĩ rằng mình không chiếm trước thì Nga, Anh sẽ chiếm. Phải thắng Mông Cổ vì Mông Cổ ở sát nách Mãn Châu; dẹp được Đông Mông Cổ rồi thì phải dẹp nốt Tây Mông Cổ (tức các rợ Kalmouk); mà muốn cho các rợ Kalmouk không quấy rối, thì phải chiếm I Lê và Turkestan, và cứ như vậy mà lan ra. Đât đai miền đó mênh mông mà không có giá trị gì về kinh tế, hầu hết là sa mạc hoặc đồng cỏ, muốn giữ được thì tốn kém quá. Chỉ có mỗi cái lợi là nó làm cái phiên giậu che cho mình (danh từ phiên thuộc có nghĩa vậy), nhưng mình có mạnh thì mới giữ được cái phần đó, khi mình yếu thì lần lượt nó sụp đổ hết, và chỉ nữa thế kỉ sau khi Càn Long chết, nghĩa là khoảng giữa thế kỉ XIX là đế quốc Thanh bắt đầu co rút lại.
Càn Long theo chính sách Ung Chính đối với người Âu, phần lớn vì thấy nhiều giáo sĩ của họ có tinh thần cố chấp, hẹp hòi, có giọng tự phụ coi rẻ người Trung Hoa, một phần nữa vì cảm thấy nữa vì cảm thấy rằng người Âu coi Trung Hoa là một thị trường mênh mông để tiêu thụ những hóa phẩm của họ chết tạo, đồng thời là một khoa tài nguyên vô tận họ có thể khai thác được.
Các vua Trung Hoa thời nào cũng tự hào rằng nước mình rộng nhất thế giới, dân tộc mình văn minh nhất thế giới; nhất là Càn Long, ông vua có “thập toàn võ công” càng tự phụ rằng đánh đâu thắng đấy, không dân tộc nào địch nổi với mình, mà khi ông tiếp sứ thần nước nào tức là ban ơn cho nước đó, chứ ông không cần kết thân với nước nào cả. Cho nên năm 1793, khi Anh Hoàng George III, phái sứ thần Mac Cartrey tới Bắc Kinh để xin phép ông mở thêm ba thương cảng mới trên bờ biển Trung Hoa và bổ nhiệm một đại diện nước Anh ở triều đình Mãn Thanh, ông từ chối một cách nhã nhặn mà vẫn có giọng khinh khỉnh, dứt khoát:
“ Nếu đúng như lời trong bức thư của Ngài, vì kính trọng Thiên triều của trẫm, nên ngài muốn được thâu thái nền văn minh Trung Quốc…thì lễ nghi, luật lệ Trung Quốc khác xa lễ nghi, luật lệ của nước Ngài quá, dù sứ thần của ngài có hiểu được ít nhiều căn bản của văn minh Trung Quốc cũng không thể đem gieo nó ở nước ngài được… Viên sứ thần của ngài tất đã nhận thấy rằng nước của trẫm không thiếu gì hết. Trẫm không biết dùng vào việc gì những sản phẩm chế tạo ở nước ngài đó. Ngài xin đặt một đại diện ở triều đình trẫm, điều đó trái với tục lệ của triều đình Thanh và chỉ có thể gây nhiều bất lợi cho Ngài thôi. Đó là ý nghĩ của trẫm”.
(Dịch theo bản dịch của Tsui Chi trong A Short History of Chinese civilisation – do nhà Payot dịch lại ra tiếng Pháp, nhan đề là Histoire de la Chine et de la civilisation chinoise).
-Backhouse và Bland trong Les Empereurs mandchaus – Payot – 1964 khen Càn Long sống đạm bạc, giản dị, nhưng theo Eberhard ông có tật xây cất nhiều cung điện lộng lẫy, vì ông muốn triều đại ông cái gì cũng lớn lao từ võ công đến công trình văn hóa: soạn sách, lập thư quán, thư khố, kiến trúc, đãi yến các bô lão.
Một nhược điểm nữa của ông là hồi 65 tuổi ông qúa tin cậy một tên vệ úy, 25 tuổi gần như vô học, chịu ảnh hưởng tai hại của hắn. Hắn tên là Hòa Thân được ông phong làm Đại Học sĩ kiêm Lại Bộ Thượng thư gần như Tể tướng (đời Thanh không dùng tể tướng, cũng chuyên chế như đời Minh). Thông minh, khôn khéo mưu mô hay điểm chỉ, hắn nắm được hết chức vụ lớn trong triều, có con gái đính hôn với một hoàng tử, nên hắn nói cái gì Càn Long cũng nghe, triều thần ai cũng sợ hắn. Bọn tay chân của hắn ở triều đình và khắp các tỉnh mua quan bán chức, cướp bóc dân chúng, đem về dâng hắn. Hắn xây cất dinh thự cao đẹp hơn cung điện của vua, chứa nhiều bảo vật hơnkho của vua nữa.
Càn Long vừa nắm xuống, chưa kịp chôn thì Gia Khánh kế vị, bắt giam hắn liền, tịch thu gia sản, xử hắn tội giảo (thắt cổ), hắn thản nhiên can đảm nhận hết tội, còn bảo sẽ được xuống hoàng tuyền thờ chủ cũ nữa. Nhưng hắn chỉ khai một phần gia sản (67 triệu lạng bạc, 27.000 lạng vàng, 456 hồng ngọc, 113 lam ngọc, 56 chuỗi ngọc trai (thực ra là 200)). Bị tra hắn mới khai chỗ chôn giấu, cuối cùng gia sản hắn là 900 triệu lạng bạc, ấy là chưa kể hằng ngàn bảo vật lặt vặt khác như chén đĩa, áo dã lông, đồ đạc…; 23 tiệm cầm đồ và 13 tiệm bán đồ cổ để các em hắn đứng tên.
Thời đó mà có được một gia sản như vậy (có người bảo vua Louis XIV cũng không bằng) thì thật là không tượng nổi.
Sự thối nát, tham nhũng của quan lại Trung Hoa đến đời Thanh đạt đến kỉ lục, nó đánh dấu sự suy sụp sắp tới của chế độ quân chủ.
Tại Sao Mãn Thanh thành công
Phải nhận rằng thực dân Mãn Châu đã thành công lớn. Trong lịch sử thế giới, không hề có một trường hợp nào như vây; một dân tộc chiếm được non sông một dân tộc khác đất rộng và dân đông ít nhất gấp 50 lần dân tộc mình, văn hóa vào bực thầy mình, làm chủ trên hai trăm rưỡi năm, giúp dân tộc đó phát triển thêm về lãnh thổ, văn hóa, thực dân tài giỏi nhất của phương Tây, dân tộc Anh, cũng không so sánh được. Bị mang cái ách đó, nhiều học giả Trung Hoa cho là nhục nhã và tìm xem nguyên nhân tại đâu.
Một số cho rằng người Mãn Châu cũng như người Mông Cổ, một số “rợ” khác ở Trung Á, Đông Á, cùng một giống người Hán, mà kém văn minh, nhưng hiếu chiến, giỏi chiến đấu, rình lúc Trung Hoa suy, chia rẽ là ồ ạt vào chiếm đất. Người Mãn có đủ dân để đóng đồn, cầm đầu các cơ quan hành chánh, nên họ giữ được địa vị chủ nhân. Nhưng cũng như bọn thực dân Âu ở thế kỉ XIX, thuộc địa của họ là một gánh nặng cho họ, rốt cuộc họ kiệt lực, mà người Hán vẫn nhoi lên được.
Một số học giả Trung Hoa khác bảo không phải vậy. Trung Hoa cả dưới đời Thanh, vẫn do người Trung Hoa cai trị tới 90%; chế độ Thanh không hoàn toàn là của Mãn, mà là một chế độ tổng hợp Mãn – Hán, và người Mãn sở dĩ nắm được quyền là vì họ Hán hóa, thành người Hán.
Hai thuyết trên đều đúng một phần mà không trái ngược nhau.
Tác giả East Asia – The Great tradition đưa thềm những lí do này nữa:
Chế độ Trung Hoa đời Thanh (nhất là đời Minh) là chế độ quân chủ chuyên chế Vua nắm hết quyền và dùng một số quan lại; dân chúng đại đa số là nông dân miễn được yên ổn làm ăn có đủ cơm ăn áo mặc, không phải è cổ ra đóng thuế tời nỗi phải bán ruộng đất, bàn vợ đợ con, là sung sướng rồi, dù người Hán, người Mông, người Mãn, ai cầm quyền cũng được. Mà triều đình cũng ít can thiệp vào đời sống của dân, miễn họ nộp đủ thuế là để yên cho họ. Trong làng không có hay có ít nhân viên của triều đình.
Như ở nước ta, con cái họ dắt lại lớp học của một ông đồ, có việc kiện cáo, họ không xin quan huyện xử - họ cho rằng thắng cũng thiệt như thua, chỉ quan là béo bở - mà dắt nhau lại nhà một vị nào có uy tín trong làng, thường cũng là một thầy đồ hay một vị khoa bảng. Vì vậy Trung Hoa đất đai mênh mông mà số quan lại ít.
Tuy nhiên triều đình cũng kiểm soát nhân dân chặt chẽ lắm, nhờ thuật của Thương Ưởng đời Chiến Quốc, Thương Ưởng bị dân ghét và chết không toàn thây, nhưng chính sách bắt một số gia đình phải kiểm soát lẫn nhau nếu có kẻ gian thì liên đới chịu tội, các đời sau đều theo cả(1) tùy thời mà sửa đi một chút. Đời Hán có Vương Mãng, đời Tống có Vương An Thạch có bảo giáp… đời Thanh như trên đã nói, có lí giáp, mà ngày nay cả Trung Cộng lẫn Việt nam đều theo, chỉ đổi tên thôi. Thương Ưởng đáng coi là chính trị gia tài giỏi nhất thế giới, ảnh hưởng của ông ta kém gì ảnh hưởng của Khổng Tử, mà công của ông ta với vua chúa Trung Hoa có thể còn lớn hơn công của vị “vạn thế sư biểu” nữa.
Mãn Thanh có lí giáp, lại có cả bảo giáp, vừa kiểm soát được nhân dân vừa đỡ phải dùng bọn lại để thu thuế. Và cũng như đời Nguyên, họ bắt nhà nào có kẻ bất hiếu, biếng nhác, ăn cắp ăn trộm, chống đối triều đình phải ghi tên vào một cái bảng treo trước cửa. Như vậy là triều đình có hằng triệu công an mật vụ mà khỏi trả lương(2). Nhưng Thanh hơn Nguyên mà giống Minh ở chỗ biết theo lời Khổng Tử; giáo dân. Khanh Hi cũng như Chu Nguyên Chương ban hành một sắc lệnh gồm 16 câu 7 chữ dạy dân phải hiếu lễ, cần kiệm, tuân lịnh triều đình, nạp thuế đúng kì… sắc lệnh đó mỗi tháng hai lần, một vị quan hoặc một kẻ sĩ trong làng phải họp nhân dân lại giảng cho họ, nhắc nhở họ. Một học giả Âu khen người Trung Hoa tổ chức xã hội giỏi hơn người La Mã. Đúng lắm. Vua Thanh ít nhất cũng khôn hơn Giao hoàng La Mã, họ không dại dột động đến đạo Khổng mà còn trọng, thực tâm trọng nó nữa. Họ được lòng dân tộc Trung Hoa, thành công hơn người Mông Cổ là phải. Chỉ trong một thế kỉ họ đã đồng hóa với người Trung Hoa, quên mất tiếng mẹ đẻ, mà chính người Trung Hoa cũng đồng hóa với họ nữa; cái đuôi sam mà hồi đầu người Trung Hoa cho là nhục nhã thì lần lần họ cho là quốc hồn quốc túy, đến nỗi, sau cách mạng Tân Hợi (1911) Thanh bị lật đổ rồi, bọn thanh niên tân tiến Trung Hoa hô hào cắt bỏ đuôi sam đi, thì dân quê nhiều người không chịu. Bản chất loài người là đất sét hết; một chính quyền đứng vững được vài trăm năm mà kiên nhẫn, cương quyết thì muốn “nặn” dân ra sao tùy ý, muốn thành loài chồn, loài cáo hay loai kiến loài ong cũng được hết. Đó là một bài học lịch sử chăng?
(1) Có lẽ chỉ trừ đời Đường
(2) Ở nước ta dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu thời trước cũng theo họ, tại một quận nọ ở Châu Đốc nhà nào có người tập kết ra Bắc năm 1954 phải treo 1 cái đèn đỏ ở trước cửa.
3. Văn hóa
TRIẾT HỌC
Một số sĩ phu cuối đời Minh phản Thanh, thất bại, không chịu hợp tác với Mãn, ở ẩn trong rừng xanh ôn lại lịch sử Trung Hoa, tìm hiểu tại sao dân tộc mỗi ngày mỗi suy, bọn hoạn quan mỗi ngày mỗi lộng quyền, bọn Nho sĩ bất lực hoặc sa đọa, tới nỗi người Hán đã phải chịu cái nhục tròng cổ vào ách của rợ Mông, rồi bây giờ lại đeo cái ách của rợ Mãn Châu.
Họ quy tội cho Tống Nho và Minh Nho chịu ảnh hưởng quá đậm của Lão, nhất là Phật, muốn tìm hiểu ý nghĩa tinh vi về đạo lí, bàn đi bàn lại hoài về thái cực, thái hư, khí, tâm dục, bỏ chủ trương thiết thực cứu quốc của Khổng Tử mà sa vào cái tệ không đàm về siêu hình, khiến dân tộc phải trầm luân. Họ phản đối lí học, tâm học, gây một sự biến chuyển lớn, hướng triết học về phần thực học, quan sát duy vật. Họ rất đông, có đặc điểm là nhà nào cũng nghiên cứu về chính trị, có tinh thần của triết gia thời Chiến Quốc, làm cho triết học đời Thanh thịnh hơn, mới mẻ hơn các triều đại trước.
Hoàng Tôn Hi.
Người đầu tiên là Hoàng Tôn Hi, cha ở trong đảng Đông Lâm, chết trong tù vì tay Ngụy Trung Hiền. Ông theo phong trào phản Thanh tới 1649 (năm đó ông 39 tuổi) rồi ở ẩn dạy học viết sách, nghiên cứu lịch sử, triết học, văn học cả toán nữa, soạn được cả trăm cuốn, nhưng vì không in được nên thất lạc nhiều.
Sở đắc của ông là phần tư tưởng chính trị. Ông thấy chế độ quân chủ từ Tần, Hán chỉ có hại cho dân. Ông vua nào cũng chỉ nghĩ tư lợi, li tán con trai con gái của thiên hạ, cướp giật sản nghiệp của thiên hạ để giữ làm của riêng rồi truyền lại cho con cháu. Lý tưởng của Khổng Tử, không đời nào theo cả.
Ông cho chánh sách nhân trị (cho rằng chỉ có người mới làm cho nước thành ra trị) sai; “tất phải có hiến pháp tốt làm cho nước được trị đã rồi sau mới có người làm cho nước được trị”. Phải bỏ những sắc lịnh độc đoán của vua chúa đi, thay bằng những luật pháp nghiêm chỉnh; lập lại chế độ tể tướng (mà Minh, Thanh đã bỏ) để bắt vua phải chia quyền cho tể tướng; phải có luật hạn chế số quí phi, cung tần của vua, số hoạn quan, nhất là phải kềm giữ bọn này. Dĩ nhiên ông cũng đòi cải cách thi cử, thuế má…nữa.
Như vậy chúng ta thấy ông đã có cái mầm tư tưởng quân chủ lập hiến rồi, đã có ý niệm rằng pháp luật phải do dân đặt ra để hạn chế quyền của vua, chứ không phải của vua đặt ra để ức hiếp dân nữa.
Vương Phu Chi
Đồng thời với ông có Vương Phu Chi, cũng phản Thanh tới năm 1650, rồi về ở ẩn bốn chục năm. Cũng nghiên cứu về sử như Hoàng, cũng cho rằng chính quyền thành lập vì dân, chứ không phải vì vua. Ông đả kích nhà cầm quyền Thanh rất hăng, nhưng đa số tác phẩm của ông 200 năm sau mới in được, ảnh hưởng lớn tới các nhà cải cách ở cuối đời Thanh: Đái Chẩn và Đàm Tự Đồng coi ông như thầy.
Ông phản đối Trình Di, Chu Hi, Vương Dương Minh bảo: “thiên lý ở trong nhân dục; không có nhân dục thì thiên lý ở đâu mà phát ra?”.
Cố Viêm Võ
Là người thoát ly hẳn với Tống Nho. Tuổi ông suýt soát với Hoàng Tôn Hi và Vương Phu Chi mà tư tưởng khác hẳn. Ông cũng phản Thanh tới khi thất bại, rồi không chịu ra làm quan nhà Thanh, đi du lãm khắp nơi ở phía Bắc và phía Tây, tìm những di tích đời xưa để khảo cứu, có tinh thần khoa học.
Có lẽ ông chịu ảnh hưởng ít nhiều của tư tưởng của Âu Tây vì cuối đời Minh đầu Thanh đã có nhiều giáo sĩ Tây như Adam Schall, Ferdinaud Verbiest, Mathieu Rici dịch sách khoa học và triết học của Âu ra chữ Hán: Nhất là Mathieu Rici đã xướng lên thuyết tìm nghĩa sách ở trong nguyên văn, và một số sĩ phu Trung Hoa đã có khuynh hướng về khảo chứng, cho đời Hán gần đời Xuân Thu, Chiến Quốc nhất mà lời chú thích của Hán Nho chắc phải đúng hơn Tống Nho.
Cố Viêm Võ là người đứng đầu trong phái Hán học (nghiên cứu Nho học theo chú thích đời Hán) đó. Ông bảo: “Sao lại phân biệt ra một cái gọi là lý học được? Kinh học tức là lý học. Từ bỏ kinh học mà nói lý học thì là thiền học”. Ông bỏ hết phần siêu hình trong lý học. Ông trọng chứng cứ, hễ đưa ra một thuyết gì là dẫn chứng đầy đủ, rành rẽ. Mà ông chỉ đưa ra những thuyết từ trước chưa ai nói tới, không muốn bắt trước người xưa. Ông dùng phương pháp khảo chứng đó để nghiên cứu ngữ âm, ngữ nguyên của những từ cổ, tìm hiểu các kinh, thư, nếu sai thì hiệu đính. Ông bỏ ra 30 năm để nghiên cứu kinh, thư, phân tích, phê bình và thấy bản mà người ta gọi là “Cổ văn” được dùng hơn ngàn năm trong các kỳ thi, thực ra là ngụy thư, như vậy là ông mở đầu cho phong trào nghiên cứu cổ văn với tinh thần khoa học. Ông đề cao thực dụng, đại ý bảo: “Khổng tử san định sáu kinh là muốn cứu vớt dân khỏi cảnh lầm than. Nói phiếm không bằng đừng nói mà làm”
Tóm lại Cố Viêm Võ là một nhà khảo cứu, một sử gia hơn là một triết gia, nhưng đã làm thủ lãnh một học phái có ảnh hưởng lớn ở đương thời.
Nhan Nguyên
Sinh sau ba nhà trên khoảng hai chục năm cũng phản đối cả lý học lẫn tâm học, trách các triết gia Tống, Minh làm mất nước, chê cả Cố Viêm Võ là chỉ lấy cái học đọc sách để giải nghĩa sách, không phải là theo cái học của Khổng Tử.
Ông tin tính người ta vốn thiện, khuyên ta đừng để cho lòng bị vật dục che lấp. Ông chú trọng nhất đến sự thực hành và làm việc. Đọc sách không phải là học, làm việc mới là học, (ông thực hành lời nói ông dạy: vừa viết sách, vừa cày ruộng). Làm việc thì không nghĩ bậy nữa, như vậy là luyện đức. Châm ngôn của ông “còn sống một ngày thì một ngày làm việc cho cuộc sống”.
Triết học của ông không có gì thâm thúy, nhưng ta phải nhận rằng trên 2.000 năm, từ thời Mặc tử, không có học giả nào trọng sự cần lao như ông, và không có học thuyết nào ích lợi thiết thực cho quốc gia bằng thuyết hành tức học của ông.
Đái Chấn
Ở giữa thế kỷ XVIII, thuộc phái khảo chứng, trọng sự quan sát, có tư tưởng duy vật, không theo Tống Nho cũng không theo Hán Nho, muốn lập một triết thuyết riêng, phản đối sự phân biệt ra lý và dục của Trình, Chu, cho rằng lý là nhân tình, lý ở nhân dục. Nó là cái tình mà không sai lầm, tình mà không quá, không bất cập thì là lý.
Lại nói: “Lý là ở trong cái dục”, “Thánh nhân trị thiên hạ, tất hiểu cái tình của dân, an lòng dục của dân mà vương đạo mới tiến được”
Tóm lại ông cũng như Nhan, trọng thực dụng, gần với chủ trương công lợi, mưu cái lợi cho xã hội. Sở dĩ vậy là do thời cuộc như trên tôi đã nói.
Tới cuối đời Thanh, dân tộc Trung Hoa gặp rất nhiều nỗi khó khăn nên học giả nào cũng chỉ lo cải tạo chế độ xã hội và chính trị để cứu nước. Họ tuy đông nhưng tư tưởng không có gì đặc biệt, hầu hết là pha Khổng học với Âu học. Xuất sắc là Khang Hữu Vi.
Khang Hữu Vi.
Ông mới đầu theo học thuyết của Lục, Vương, sau đọc nhiều sách Âu dịch ra tiếng Trung Hoa, mở trường dạy học, lập nên phong trào duy tân, việc thất bại, phải trốn qua Nhật (coi ở sau) đến khi Dân quốc thành lập mới về nước.
Tư tưởng của ông gồm mấy yếu điểm: binh đẳng, bác ái và đại đồng. Ông nghĩ rằng nhân loại sắp đến thời đại đồng rồi, và để sửa soạn cho thời đó, ông đề nghị: phá ranh giới các quốc gia, bỏ chế độ giai cấp, bỏ quan niệm về chủng tộc, không phân biệt trai gái nữa, nam nữ hoàn toàn bình đẳng: phá bỏ gia đình, bỏ tư sản, công nông thương không còn chủ và thợ nữa, trừ tiệt những cái bất bình, bất đồng, bất công, như vậy là diệt được cái khổ.
Người đương thời mỉa ông là “Khang thánh nhân”, chê ông không tưởng, không thiết thực, nhưng ai cũng trọng tư cách của ông, ông và học trò ông (Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng) là những người mở đường cho cuộc cách mạng Tân Hợi (coi ở sau).
SỬ HỌC
Đầu đời Thanh, các học giả quyến luyến văn hiến của tổ quốc nên rất chú ý đến sử học, tìm lý do suy vong để rút ra một bài học.
Nổi tiếng nhất là Hoàng Tôn Hi với hai bộ Tống, Nguyên học án và Minh Nho học án.
Sau ông có Vạn Tư Đồng, tác giả bộ Minh Sử Cảo( 500 quyển ), Quần Thư nghi biện.
Toàn Tổ Vọng viết bộ Kinh sử vấn đáp; Chương Học Thành lưu lại hai bộ: Sử tịch khảo và Văn sử thông nghĩa, đều có giá trị vì có kiến giải riêng, viết có phương pháp.
VĂN HỌC
Vân trào. Hồi Thanh sơ, nước thịnh trị, đất đai khuếch trương, viện văn học phục hưng. Các hoàng đế Khanh Hi, Càn Long tuy đàn áp những người phản đối triều đình, nhưng trọng văn hóa Trung Hoa, sai biên soạn được nhiều bộ rất lớn như Khanh Hi tự điển, Khâm định đồ thư đại tập thành, Tứ khổ toàn thư…(đã nói ở trên)
Văn học thời đó tập đại thành các thời trước, loại nào cũng phát triển và nhiều nhà có tinh thần sáng tác, nhưng chưa có khuynh hướng nào rõ rệt.
Cuối đời Thanh, sĩ phu thấy phương Tây nhờ khoa học mà hùng cường, uy hiếp Trung Quốc, lấy đó làm nhục, muốn cứu quốc, hăng hái đả đảo lối học từ chương và cổ xúy lối văn thực tiễn, tả thực.
Biển văn sau đời Đường rất suy, tới đời Thanh lại phục hưng. Nổi danh nhất là Trần Duy Tùng, Viên Mai, tuy trọng luật lệ của thể biền, nhưng nội dung không rỗng mà có tư tưởng, tình cảm.
Uông Trung dùng một lối mới nửa biền, nửa tản. Vừa đẹp đẽ du dương, vừa dễ phô diễn tư tưởng. Lương Khải Siêu cuối đời Thanh thường dùng thể đó.
Cổ văn có Chu Di Tôn chủ trương văn phải thành thật trước hết; Cố Viêm Võ trọng thực dụng, khuyên nếu văn không quan hệ với nghĩa lý hoặc việc đương thời thì đừng viết; Hoàng Tôn Hi sở trường về tự sự, ông bảo tự sự phải có phong vận, không nên khô khan, nghệ thuật tự sự cũng giống như nghệ thuật viết tiểu thuyết.
Ngụy Hi chuyên nghị luận, bút pháp mạnh mẽ.
Ta nên kể thêm Lâm Thư ở cuối đời Thanh, dùng cổ văn để dịch tiểu thuyết Âu Tây(sẽ nói thêm ở sau).
Thơ
Thơ Thanh hay hơn thở Tống và không kém thơ Đường bao nhiêu. Thi sĩ Thanh sơ tuy không dùng thể của đời trước mà không mô phỏng hẹp hòi; cá tính của mỗi nhà cùng tinh thần của thời đại đều được khắc sâu trên tác phẩm của họ.
Hai thi hào nổi danh nhất là Vương Sĩ Trinh và Viên Mai.
Vương Sĩ Trinh chủ trương thơ phải có thần vận, nghĩa là lời và điệu phải cao nhã, thanh tân. Thơ ông điêu luyện nhưng có tật dùng tiếng lạ, điển lạ.
Viên Mai chủ chương thuyết tính linh, bảo “thơ biểu hiện tính tình của mỗi người”, cứ diễn được tính tình riêng của mình là được, chẳng cần phải theo Đường hay theo Tống. Vậy ông cũng trọng sự thành thực, tự nhiên trước hết. Ngoài ra còn có Triệu Chấp Tín cho thơ hay là nhờ nhạc, và Thẫm Đức Tiềm bảo thơ quí ở tính tình, đành rồi, nhưng cũng phải theo phép tắc, không có phép tắc không phải là thơ.
Từ tới đời Thanh cũng phục hưng. Ba nhà có tên tuổi nhất là Chu Di Tôn, Trần Di và Nạp Lan Tính Đức, một thiếu niên Mãn Châu ở đời Khang Hi, tài hoa mà chết yểu, giọng tự nhiên mà bi thảm, phảng phất như giọng Lý Hậu chủ đời Nam Đường.
Tuồng
Nhưng phát đạt nhất, làm vẻ vang cho đời Thanh là tuồng và tiểu thuyết. Tuông Thanh muốn lấn tuông Minh. Tác giả rất đông, họ sáng tác rất mạnh. Năm 1781, đã có được trên 1.000 vở, một vở dài không tưởng tượng nổi, gồm 240 màn, gom thành 26 phần, và muốn diễn cho trọn thì phải mất 2 năm.
Nổi danh nhất là:
Lý Ngư mà có người ví với Molère của Pháp vì ông soạn tuồng rồi vợ bé diễn. Tuồng ông cũng có vẻ hoạt kê như hài kịch của Molière.
Nội dung rất mới mẻ, tả đồng tính ái (bạn gái mà ăn ở với nhau như vợ chồng, bạn trai với nhau cũng vậy), hoặc tả con gái ve vãn con trai, toàn là nhưng tâm lý lạ chưa văn nhân nào nghĩ tới.
Khổng Thượng Nhiệm nối tiếng về tuồng Đào hoa phiến, trong đó ông lấy Nam Kinh làm bối cảnh, dùng một dũng sĩ và một danh sĩ làm nhân vật chính để diễn tả nỗi vong quốc thê thảm ở cuối đời Minh. Vở đó không biết cho bao nhiêu người phải nhỏ lệ.
Hồng Thăng có vở Trường sinh điện diễn lại bi kịch của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi.
Tưởng Sĩ Thuyên chuyển tả những cảnh li rồi hợp, hợp rồi li của bọn tài tử giai nhân.
Tiểu Thuyết
Đời Thanh là hoàng kim thời đại của tiểu thuyết. Chỉ nội số lượng cũng đáng kính, mà có những bộ rất dài.
- Loại tiểu thuyết tình có Hồng Lâu Mộng của Tào Triêm (Tào Tuyết Cần), sinh trong một gia đình quí phái, về sau sa sút, bần hàn, tự thuật lại cuộc đời của mình giữa nhung gấm và một đám tiểu thơ lãng mạng, ăn không ngồi rồi.
Nên đọc truyện đó để biết xã hội quí phái Trung Hoa đời Thanh cũng như nên đọc Kim Bình Mai để biết sự sa đọa của giai cấp thị dân, thương nhân đời Tống. Nghệ thuật tả chân rất cao, tâm lý sâu sắc, nhưng chi tiết nhiều quá, kết cấu vụng.
Truyện đó làm cho mấy thế hệ thanh niên nam nữ khóc; người Trung Hoa thích tới nỗi nhiều văn sĩ mô phỏng.
- Tiểu thuyết xã hội có Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử, gồm nhiều truyện ngắn gom lại thánh một truyện dài, rời rạc, không có vai chủ động, nhưng nghệ thuật miêu tả cũng cao. Nhân vật toàn là hạng nho tiểu nhân làm những việc đồi bại, giộng phúng thích sắc sảo, mạt sát chế độ thi cử dùng thi phú để lựa nhân tài, và tục cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó trong hôn nhân.
Ngoài ra còn bộ
- Quan trường hiện hình ký của Lý Bảo Gia tả sự hủ lậu trong quan trường.
- Nhị thập niên mục đỏ chi quái hiện trạng của Ngô Ốc Nghiêu chép những điều quái mắt thấy tai nghe ở đương thời.
- Lão tàn du ký của Lưu Ngạc cũng ghi hiện trạng xã hội và chỉ trích giới quan lại.
Những tiểu thuyết nghĩa hiệp rất nhiều, nhưng kém xa Thủy Hử.
Tôi không thấy một tiếu thuyết nào riêng tả nỗi cực khổ của nông dân Trung Hoa, những cảnh thể thảm chết hàng triệu người sau nhữn cơn lụt, những cuộc nổi loạn hằng vạn, hàng chục vạn của họ. Đó là một điều thiếu sót.
Đoản thiên tiểu thuyết
Thịnh danh nhất là bộ Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh viết đời Khanh Hi mà mình có vài ba bản dịch. Toàn bộ gồm 431 truyện ngắn, phần nhiều là truyền thần tiên, ma quỉ, yêu hồ. Nội dung phần do truyện cũ truyền khẩu lại, một phần do tác giả tưởng tượng. Văn điêu luyện mà nội dung cũng hàm ý khuyên răn thế tục.
Dịch sách Âu
Cuối Thanh nổi lên phong trào dịch sách Âu Tây, thịnh cũng như phong trào dịch kinh Phật đời Đường. Hai dịch giả tận tụy nhất là Nghiêm Phục và Lâm Thư. Tôi sẽ trở lại vấn đề đó trong một tiết sau.
Họa
Họa sĩ đời Thanh cũng như các đời trước giỏi cả về viết chữ (thư). Họ thích vẽ sơn thủy, hoa chim. Chữ viết có Cố Viêm Võ, Phong Hữu Vi, mà người đời khen là nét bút “thiên mã hành không” (ngựa trời bay trên không).
Họa gia rất đông. Mỗi tác giả thích một số: nhà thì khen Trịnh Bản Kiều, Ngô Thạch Tiên, nhất là Thạch Đào “họa gia vĩ đại nhất đời Thanh”; nhà thì lựa Quân Cách (vẽ sơn thủy, hoa cỏ rất khéo), Mã Thị (hoa chim). Triệu Xương (đá trúc), Trần Nam Tần.
Một giáo sĩ Ý, Castiglione, vừa là họa gia, học thuật vẽ của Trung Hoa và truyền thuật vẽ của Âu vào Trung Hoa, thuật vẽ bằng sơn dầu và thuốc màu hòa với nước Aquarelle, được vài họa gia Trung Hoa dùng.
Đồ sứ Tuy có 3.000 lò dùng tới 1 triệu thợ, nhưng nghệ thuật kém vì chỉ lo thỏa mãn thị hiếu của phương Tây để bán được nhiều.
Khoa học
Cho tới thế kỷ XVI, dân tộc Trung Hoa là dân tộc tiến bộ nhất về khoa học, kỹ thuật có môn họ tiến trước Ấn Độ và phương Tây cả chục thế ký. Họ cống hiến cho nhân loại được nhiều phát minh: lụa, kim chỉ nam, thuốc súng, giấy mực, thuật in đồ sứ. Họ biết đốt than đá từ năm 122tr.T.L, biết chế tạo thủy tinh, đồng hồ, máy đo địa chấn, tìm ra môn đại số và hình học, biết dùng số âm trước hết, tính ra được số π với 6 số lẻ rất sớm, có lịch cũng rất sớm. Về y học, từ thế kỷ III, họ đã viết một cuốn về giải phẩu; họ biết coi mạch, châm cứu, chủng đậu, dùng thủy ngân điều trị bịnh giang mai… Những phát minh đó tôi đã nói ở các chương.
Theo Joseph Heedhaa, một học giả Mỹ đã thu nhập được nhiều tài liệu để soạn bộ Science and civilisation in China, gồm 7 cuốn dày, (cuốn đầu xuất bản năm 1954) thì họ nghiên cứu khá sâu về từ khí (magnétisme) và gần tìm ra được điện khí; đã tính được căn bình phương và căn lập phương (racine carée và racine cubique) trước cả Ấn Độ, đã tính được đúng nhật thực từ đời Chu đã vẽ được khá chính xác bản đồ miền Hà Nam (tỉ lệ xích là 1/100.000) từ thế kỷ thứ II trước T.L.
Có điều khó hiểu là từ thế kỷ XVII, tài phát minh của họ ngưng lại trong khi phương Tây tiến rất mau về khoa học ký thuật, lần lần vượt họ; tới đời Thanh thì hóa ra lạc hậu, phải học người Âu, nhờ mục sư Ripargin cho bản đồ toàn quốc gồm 104 tờ. Hình như họ có tài phát minh hơn là lợi dụng nhưng phát minh. Chẳng hạn thuốc súng của họ phát hiện từ trước kỷ nguyên Ki Tô mà họ chỉ dùng làm pháo thăng thiên, mãi cho tới đời Tống mới chế tạo được lựu đạn; người Ả Rập bắt trước thuật đó, truyền qua Châu Âu và qua đời Minh, người Trung Hoa phải học lại của người Bồ Đào Nha cách chế tạo súng đại bác. Có phải một là do họ ghét máy móc, cho rằng cơ giới sinh ra cơ tâm, cho nên không trọng, không khuyến khích, các nhà khoa học mà chỉ quí bọn văn nhân, thi sĩ, triết nhân? Hay là tại họ có trự giác sáng kiến, nhưng thiếu tinh thần khoa học, không có khoa học thực nghiệm, không có Bacon, Descartes? Lạ lùng thật, họ tính được căn lập phương, tính được số π mà không biết đặt ra dấu = (signe d’égalité), không biết đặt thành phương trình (équation), nên họ không có môn toán (mathématiques) như phương Tây. Hậu quả là nhờ khoa học, lối sống và xã hội phương Tây thay đổi rất mau trong khi Trung Hoa trong các thế kỷ 17, 18, 19 đứng ỳ một chỗ.
4. Kinh tế - xã hội
Cho tới cuối đời Càn Long, nhờ đất đai được mở rộng, kinh tế phát triển khá. Số ruộng cày tăng lên hoài; nhiều đồn điền được lập thêm ở miền biên cương phía Tây, phía Tây Nam, ở Tân Cương, Đài Loan, có thời cả ở Mãn Châu nữa (mặc dàu có lệnh cấm người Hán qua lập nghiệp ở đó, mà họ vãn lén lút qua được). Họ đi tưng đoàn như những dân bán du mục, qua hết miền này miền khác kiếm một nơi thưa dân mà nhiều đất hoang để định cư.
Tại những miền đã khai phá từ lâu, họ đắp đập, đào kinh như ở gần Bắc Kinh, miền hạ du Hoàng Hà và miền Giang Tô, nhờ vậy số thu hoạch tăng lên. Miền Hồ Bắc và Hồ Nam thành cái vựa lúa của Trung Quốc, và có câu tục ngữ: “khi Hồ Quảng – tức Hồ Bắc và Hồ Nam – mà lúa chín thì dân trong nước khỏi đói” Miền Tứ Xuyên và Giang Nam (An Huy và Giang Tô) cũng phong phú, có dư lúa bàn cho các miền khác. Ở Phúc Kiến, Quảng Đông, nghề trồng mía, trà, dâu nuôi tằm cũng tiến bộ. Người ta lại trồng thêm khoai lang, bắp, cà chua, thuốc lá từ ngoại quốc đem giống vào.
1. Nguyên nhân suy bại
Đời Càn Long nhà Thanh đạt tới mức cực thịnh, qua đời sau – Gia Khánh bắt đầu suy. Một số học giả đưa ra những nguyên nhân dưới đây:
- “Thập toàn võ công” của Càn Long tốn kém quá, nhất là những trận dẹp các rợ Đại Tiểu Kim Xuyên ở miền núi Tứ Xuyên – Vân Nam, trước sau mất năm năm, tốn 70 triệu lạng bạc, bằng hai năm thu nhập của triều đình Bắc Kinh, vì phải đem đại bác tới phá mấy ngàn đồn họ xây dựng trên những ngọn núi cheo leo; rồi tới trận dẹp Népal quân Thanh từ Bắc Kinh phải vượt dãy Hi Mã Lạp Sơn vào tận sào huyệt của họ.
Vì những “võ công” đó, Càn Long phải tăng thêm ngạch lính, tiền lương trả quân đội tăng theo.
Lại thêm Càn Long ham xây cất nhiều cung điện lớn lao, lộng lẫy.
Do đó mà cuối đời Càn Long, quốc khố không còn dư.
- Đời Càn Long nạn tham ô lại đã lan tràn trong nước rồi, mà tên thủ phạm Hòa Thân (coi trên). Gia Khánh lên ngôi, xử tử hắn, nhưng không dẹp hết tham nhũng, không lấy lại lòng tin của dân, mà tinh thần chiến đấu của “Kỳ binh” (quân Mãn Mông dưới các sắc cờ) cũng mất: họ chán nản vì kẻ chỉ huy họ thông đồng với tay chân của Hòa Thân, ăn chặn lương của họ, ăn cắp quân thu. Năm 1795, khi đảng Bạch Liên giáo (Đạo giáo pha Phật giáo) nổi lên ở miền Tứ Xuyên, Hà Bắc, Thiểm Tây, Kỳ binh không dẹp nổi. Lần đó là lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ, họ tỏ ra bất lực. Càn Long lúc đó đã già, nhường ngôi cho con là Gia Khánh (1796 – 1820) năm sau ông ta chết. Mãi đến năm 1902, Gia Khánh mới dẹp được, quân nhu tốn đến hai vạn vạn (200.000.000), giết hại đến 20 vạn người.
Sau loạn đó lại đến loạn Bát Quái giáo (cũng gọi là Thiên lý giáo) một chi phái của Bạch Liên giáo. Nghĩa Hòa đoàn sau này cũng ở Bát Quái giáo mà ra. Khẩu hiệu của họ là phản Thanh, tín đồ được mấy vạn, rải rác khắp các tỉnh Trực Lệ, Hà Nam, Sơn Đông. Họ giao kết với bọn nội thị, nhờ làm nội ứng, lẻn vào cung đình giết Gia Khánh, chẳng may đúng lúc Gia Khánh đi thăm lăng của cha, và bọn ám sát bị các hoàng tử và cấm quân đánh bại. Gia Khánh hay tin, vội về triều, giết đầu đảng của Bát Quái giáo và hơn một trăm nội giám.
Gia Khánh còn siêng năng lo việc nước; Đạo Quang (1821 -1 850) bất tài, bủn xẻn mà lại ưa nịnh; tệ nhất là Hàm Phong (1851 – 18 60) dâm đãng, trụy lạc. Bọn hoạn quan và ngoại thích lại hoành hành như các triều đại trước.
- Nhưng mấy nguyên nhân kể trên, theo các học giả phương Tây. (Eberhard, Reischauer và Fairbank) đều không quan trọng; chính sự tăng gia dân số lên mau quá, sản xuất không theo kịp mới làm cho nhà Thanh mỗi ngày mỗi nghèo đi, suy đi.
Theo thống kê của triều đình, dân số năm 1741 là 142 triệu, năm 1851 lên tới 432 triệu. Những con số đó không thể đúng như những thông kê ngày nay được, nhưng Eberhard cho rằng đáng tin. Con số 142 triệu năm 1741 hợp với con số nhưng năm trước; con số 432 triệu năm 1851 có vẻ cao quá, nhưng sau cuộc nổi loạn của Thái Bình thiên quốc, dân Trung Hoa chết 2-3 chục triệu (có sách nói cả trăm triệu – coi ở sau) mà các nhà thống kê hiện đại đều đồng ý chấp nhận con số 400 triệu, vậy thì con số 432 triệu năm 1851 cũng có thể chấp nhận được.
Vậy chỉ 110 năm mà dân số Trung Hoa tăng lên gấp 3, phương Tây, thế kỷ XIX, sự tăng gia dân số như vậy là thường vì kỹ nghệ, thương mại của họ rất phát đạt. Ở Trung Hoa, chỉ trông vào nghề nông, mà diên tích canh tác tuy có tăng nhưng không thể tăng lên nhiều được; còn phương pháp canh tác thì không thay đổi, có trồng thêm được khoai, bắp ở vài nơi, đào thêm được kinh, làm thêm được một mùa, cũng không thể nào đủ nuôi số nhân khẩu tăng gia đó. Dân tất phải thiếu ăn, nghèo. Dân nghèo thì thuế thu được ít, quốc gia cũng nghèo.
Một điểm đáng để ý nữa: dân tăng lên gấp đôi thôi – đừng nói gấp ba vội – số quan lại không tăng theo (Trung Hoa là nước dùng ít quan lại nhất : cuối đời Thanh, 450 triệu dân mà chỉ có 100.000 quan lại), mà triều đình càng bê bối, quan lại càng bất lực, hễ có nội loạn lại thêm ngoại nữa, nhất định triều đình phải đổ.
Tiểu công nghiệp phát triển theo: đồ tơ lụa gấm vóc ở Hàng Châu, Tô Châu, đồ vải ở Giang Tây (500 lò). Vài nơi đã có những xưởng lơn như ở Nam Ninh có 3 vạn khung cửi, ở Tô Châu có 33 xưởng in hình lên giấy, dúng 200 thợ.
Những trung tâm thương mại lớn nhất đều ở miền Nam: Nam Ninh, Hán Khẩu, Hạ Môn, Quảng Châu. Ghe thuyền chở đồ theo Vận Hà và rất nhiều kinh ở miền Bắc. Đường thủy lớn nhất là sông Dương Tử, ghe thuyền đi lại được 3.000 cây số trên sông đó, cung cấp mọi hàng hóa thực phẩm cho 100 đến 200 triệu dân ở hai bên bờ.
Một số thương gia rất giàu nhờ bán muối ở Tứ Xuyên, xuất cảng ở Quảng Châu và lập ngân hàng ở Sơn Tây.
- Trong khoảng giữa thế kỷ, từ đầu tới cuối Càn Long dân số tăng lên gấp đôi: năm 1741 là 143 triệu, năm 1791, lên tới 304 triệu.
- Sự thu nhập của triều đình tăng theo nhưng không kịp.
Năm 1685 đời Khang Hi, thu được 25 triệu bạc, 4.300.000 thạch ngũ cốc (mỗi thạch khoảng 30 ký lô).
Năm 1770 đời Càn Long thu được 29 triệu lạng bạc, 4.700.000 thach ngũ cốc.
Trong 85 năm mà chỉ tăng được vậy thôi: bạc được 4 triệu, chưa đầy 1/6, ngũ cốc được 400.000 thạch, (chưa được 1/10), vì chính sách nông nghiệp cũng như các đời trước, mà kỹ thuật canh tác không tiến bộ, trong khi dân số tăng ít nhất là gấp hai.
Do đó mà tình hình tài chánh cuối đời Khang Hi không lấy gi làm tốt đẹp, dân chúng nghèo thêm.
2. Nha phiến chiến tranh
Gia Khánh chỉ phải đối phó với phong trào phản Thanh của dân chúng thôi. Đạo Quang phải chịu thêm cái Bạch họa nữa và lịch sử Trung Hoa bắt đầu vào một giai đoạn mới, giai đoạn này chỉ kết thúc năm 1911. Trong chín chục năm (1821 – 1911), về phương diện chính trị và kinh tế, Trung Hoa chịu sự uy hiếp mỗi ngày một tăng của các cường quốc phương Tây, họ vào hùa với nhau rút rỉa, cắt xé con mồi Trung Quốc, mà lại ganh tị với nhau trong việc chia phần, biến Trung Quốc thành một bán thuộc địa: về phương diện văn hóa, thời đó là thời văn minh Âu Tây xâm nhập dưới mọi hình thức: dân tộc Hán bây giờ mới hết tự phụ rằng mình văn minh nhất, hùng cường nhất thế giới mà phải chịu nhận mình thua kém Âu Tây nhiều quá.
Về phương diện nội trị, nhà Thanh tỏ ra bất lực: có bốn cuộc nổi loạn lớn, mà một cuộc suýt làm cho nhà Thanh bị lật đổ. Miền Bắc, miền Nam, miền duyên hải và miền nội địa, mỗi miền phát triển một cách riêng, không còn sự thông nhất về tư tưởng, về lối sống nữa.
Trong số các cường quốc châu Âu, Anh phát triển nhất về kỹ nghệ hải quân, thương thuyền, lấn được Bồ Đào Nha, Hòa Lan, cả Pháp nữa. Khi đã bài xích được Pháp ở Ấn Độ, họ muốn tranh với người Bồ ở Trung Quốc. Đời Khanh Hi, công ti Đông Ấn Độ được lập một thương quán ở Quảng Châu, nhưng phải theo đàn bà…, lại bị các quan thu thuế hà nhiễu; nên đời Càn Long họ tìm cách cải thiện những quan hệ thương mãi với Trung Hoa, năm 1792, phái sứ thần Mac Cartrey đến Bắc Kinh xin được ưu đãi về thông thương, nhưng bị Càn Long từ chối năm 1816, một phái đoàn khác cũng thất bại. Họ vẫn như người Bồ, Hòa, Ả Rập… chỉ được giao thiệp với một số người Trung Hoa làm trung gian – có sách gọi bọn công hành, có sách gọi là dương hành – bọn trung gian đó đóng thuế cho triều đình, liênlạc với quan tỉnh, và chuyền hàng hóa vào nội địa, vì người ngoại quốc không được phép đi lại trong nước, cũng không được phép bán thẳng cho các nhà buôn Trung Hoa khác. Như vậy bọn công hành làm giàu rất mau, mà ngoại nhân mất một mối lợi, lại không phát triển được công việc buôn bán.
Người Âu mua của Trung Hoa nhiều nhất là trà, gấm vóc, mà bán cho Trung Hoa rất ít: vải, đồ nỉ, các đồ xa xỉ phẩm của họ, người Hán không ưa; đồng hồ máy móc càng khó bán hơn nữa, thực phẩm thì nặng, không được giá, lại khó chuyên chở, không có lợi. Chỉ có thuốc phiện là nhẹ, giá lại cao.
Tiếng Nha phiến gốc của Ả Rập, người Trung Hoa gọi nó là cù túc. Người Ả Rập đem nó về Trung Hoa từ đời Đường (thế kỷ VIII), người Bồ từ đời Minh. Mới đầu nhập cảng rất ít, người ta dùng nó làm một vị thuốc, gọi nó là “phúc thọ cao”; vỏ của nó gọi là túc xác (vỏ thẩu) dùng làm thuốc ngủ, làm dịu cơn đau… Từ thế kỷ XVI, người Trung Hoa mới dùng ống tẩu để hút, nhưng chỉ bọn nhà giàu có mới tìm cái thú đó. Qua thế kỷ XVII, công ti Đông Ấn của Anh bắt đầu sản xuất nhiều và nhập cảng ồ ạt vô Trung Hoa, từ đó, Trung Hoa nổi tiếng là nước có nhiều người nghiện nha phiến nhất thếgiới.
Năm 1830, họ có từ hai tới 10 triệu người nghiện. Năm 1838 anh chở vô 40.000 thùng nha phiến, mỗi thùng non 70 kí lô giá từ một đến hai ngàn đồng bạc Mễ Tây Cơ (Mexique)
Vua Gia Khánh và Đạo Quang nhiều lần ra lệnh cấm hút thuốc nha phiến vì nha phiến làm cho kinh tế khốn đốn (riêng Quảng Châu năm 1898 số thuốc phiện nhập cảng đã làm cho Trung Hoa thiệt mất 30 triệu lạng bạc), mà số nghiện bị nhiễm độc, hóa ra vô dụng mỗi ngày một tăng một cách đáng ngại.
3. Thái Bình Thiên Quốc
Vì dân mất lòng tin ở Thanh đình, có ác cảm với họ, khinh họ nữa, nên nhiều hội bí mật nổi lên hiệu triệu dân chúng để phản Thanh.
Đời Gia Khánh bị loạn Bạch Liên giáo, Bát quái giáo, đời Đạo Quang kế tiếp (1821 – 1850) bị loạn Thái Bình thiên quốc lớn hơn nhiều, lớn nhất từ thời Hán, suýt lật đổ được nhà Thanh. Các lần trước, phong trào lãnh tụ của phong trào là người theo đạo Ki Tô giáo, Hồng Tú Toàn, sinh năm 1812 ở Quảng Đông, nơi tiếp xúc với các nước Âu châu sớm hơn hết.
Gia đình thuộc hạng trung nông, nên ông được học. Theo Vương Nghi trong Trung Quốc cận đại sử thì bảy tuổi, Hồng đã học hết Tứ thư và Ngũ Kinh (!) mười tám tuổi đã làm thầy đồ, nhưng tời ba mươi tuổi, thi hương ở Quảng Đông 3 lần rớt cả ba, ông ta phẫn uất, phát sốt, miệng nói bậy bạ, sinh ra ảo giác, thấy mình được lên thiên đình. Thượng Đế phong vương cho. Ba bốn ngày sau nhiệt độ lui, tỉnh táo lại, tự cho mình có chân mệnh thiên tử, từ đó nuôi chí lớn cứu đời, tính tình thay đổi, nghiêm trang, hòa nhã, được người trong làng kính nể. Ăn nói hoạt bát hơn.
Ông thường tiếp xúc với một số giáo sĩ Tin Lành ở Quảng Châu, thích Cựu Ước hơn là Tân Ước, mặc dầu giữ thập giới trong Tân Ước. Ông lập ra hội “Thượng Đế giáo” độ được một ngàn tín đồ, tự xưng là cón thứ của Chú trời (Thượng Đế), em ruột của Chúa Ki Tô, lại tự xưng là hậu duệ nhà Minh. Có người chê ông là khùng khùng, vì vậy, ông đến truyền giáo ở Quảng Tây, số người theo càng ngày càng đông. Tín đồ Thượng Đế giáo đều bình đẳng, đàn ông là anh em, đàn bà là chị em, không có giai câp lớn nhỏ, sang hèn. Ông đư ra những lời răn dạy, bảo là do Thượng Đế truyền (thiên khải). Số giáo đồ lên đến mấy vạn.
Năm 1847 – 48 hai tình Quảng Đông, Quảng Tây bị nạn đói sớm, giặc nổi lên quấy phá. Hồng Tú Toàn họp một số bạn đồng học, đồng hương như Dương Tú Thanh, Tiều Triều Quí, Thạch Đạt Khai, năm 1850, thừa dịp dấy binh ở Kim Điền tỉnh Quảng Tây, dùng khẩu hiệu phản Thanh, diệt tham ô tàn bạo, khôi phục lai nhà Minh. Quân lính đều để tóc dài, tức là chống lại Mãn Thanh, nhờ vậy mà thanh thế rất thịnh.
Quân luật rất nghiêm: phải triệt để tuân lệnh đầu mục, không được xâm phạm tài sản của nhân dân, ra trận phải đồng tâm hợp lực, không được lùi mà chỉ có tiến thôi. Dùng cả phụ nữ trong quân đội, nhưng nam nữ riêng biệt.
Tướng sĩ tôn ông làm Thái Bình vương. Thăng được mấy trận, chiếm được vài chấu ở Quảng Tây, ông dựng tên nước, tên là Thái Bình Thiên quốc, lên ngôi Thiên vương, phong các tướng là Đông Vương (Dương Tú Thanh), Tây Vương, Nam Vương, Bắc Vương, Dực Vương (Thạch Đạt Khai).
Khi mới khởi binh, Hồng làm bài kịch bố cáo với thiên hạ rằng người Mãn Châu vào đoạt lãnh thổ Trung Quốc, áp chế người Hán, nên ông, dòng dõi nhà Minh, phải ra tay khôi phục đất nước. Dân chúng hương ứng rất đông, thế lực của ông ngày càng mạnh. Ông sai Thạch Đại Khai thống lĩnh quân sĩ từ Quảng Châu tiến đánh Hồ Nam, Hồ Bắc. Thạch giỏi cầm quân, tới đâu cũng được dân chúng tiếp đón, thế như chẻ tre; trong năm 1852, thắng luông mấy trận, chiếm Hồ Nam, rồi chiếm Nhạc Dương, Hán Dương, Vũ Xương, Vũ Hán, sau cùng tới Nam Kinh (1853), giết được hai vạn quân Thanh, chiếm Nam Kinh, định đô ở đó, đổi tên là Thiên kinh.
Lúc này tự xét uy thế đã vững, đất chiếm được đã nhiều, Hồng Tú Toàn mới ban chiếu, định chính sách cai trị.
[-] Về tôn giáo, đạo đức, có 10 khoản phỏng theo thập giới của đạo Ki Tô: phải thờ phụng Thượng Đế, không thờ phụng tà thần (cấm thờ Khổng, Lão, Phật…, cấm cả thờ ông bà), mỗi tuần bảy ngày, ngày nào cũng phải tán tụng ân đức của Thượng Đế, phải hiếu thuận với Cha mẹ, không giết người, không tà dâm, không trộm cướp, không nói láo…
[-] Chính sách xã hội: những người già cả, góa vợ, góa chồng, những người cô độc, hoặc trẻ em, không cày ruộng được chính phủ cấp dưỡng.
[-] Nghiêm cấm các thói xấu như thói đàn bà bó chân, thói hút thuốc phiện, uông rượu, đánh bạc, mua bán nô tì, nuôi nàng hầu.
[-] Quan chế, binh chế (lược bỏ)
[-] Điền chế: ruộng đất, vàng bạc là của chung, không ai được giữ làm của riêng; ruộng thì chính quyền phân phát cho, dân cùng nhau cày cấy, cùng ăn cùng mặc, có tiền thì cùng tiêu, người nào trữ mười lạng bạc hoặc một lạng vàng thì bị trừng phạt.
Chế độ đó là chế độ cộng sản, lần đầu tiên Hông Tú Toàn đem áp dụng ở Trung Quốc, nhưng vì năm nào cũng có chiến tranh chưa thực hành được chọn.
[-] Dùng lịch mới, gọi là Thiên lịch: mỗi năm gồm 366 ngày, chia làm 12 tháng, tháng lẻ 31 ngày, tháng chẵn 30 ngày, như vậy cứ 4 năm, dôi ra 3 ngày, thì hành 5 năm rồi mới thấy cần phải sửa lại.
[-] Chế độ thi cử: vì Thái Bình Thiên quốc đề xướng nam nữ bình đẳng, nên cho đàn bà thi như đàn ông, lập ra hai bảng cho đàn ông, một cho đàn bà. Có chủ khảo riêng cho nam thí sinh, chủ khảo riêng cho nữ thí sinh. Phía đàn bà cũng lầy một người đậu trạng nguyên, đó là một đặc sắc của Thái Binh thiên quốc.
Nhưng càng cấm thì dân chúng lại càng hút, mà bọn buôn lậu và tham quan ô lại càng làm giàu. Khi chính quyền đã thối nát thì cấm gì cũng không ai nghe, không nghe thì lại càng cấm ngặt hơn, rốt cuộc lịnh cấm không còn giá trị gì cả, trên cứ cấm dưới cứ buôn lậu, cứ hút. Tàu buôn Anh neo ở ngoài khơi, xa bờ một quãng, khỏ hải phận Trung Hoa, bọn buôn lậu chéo thuyền nhỏ ra chở vào bờ - xưa cũng như nay, khác gì đâu – và Anh, Hoa đều có lợi.
Năm 1838 vua Đạo Quang họp triều thần bàn về vụ nha phiến. Họ quyết định cho người nghiện thời hạn một năm để cai, hết thời hạn đó vẫn còn hút thì bị xử tử. Rồi vua lại ban sắc lệnh: họp mười người làm một “bảo”, phải khuyên răn nhau, nếu có một người hút thì chín người kia đều bị tội, người hút, ngưới bán đều bị xử tử; quan lại biết mà không báo thì bị cách chức. Sau cùng phái Lâm Tắc Từ - một vị quan nổi tiếng là liêm khiết – làm khâm sai đại thần, kiêm Tiết Chế Thủy Sư ở Quảng Đông để thi hành việc cấm tuyệt bán nha phiến.
Lâm tời Quảng Châu, sai tịch thu và hủy 3.500 tẩu thuốc phiện và trên 12.000 lạng thuốc phiện. Vợ con người nghiện mang ơn ông vô cùng.
Ông lại điều tra biết được bọn buôn lậu và số thuốc bọn thương nhân Anh chở tới. Ông sai xây những công trình phòng thủ bờ biển, đem nhiều quân tới đóng. Sau đó ông viết cho lãnh sự Anh một bức thư buộc nội trong ba ngày phải trình hết số nha phiến mà thương nhân Anh tích trữ; trách bọn con buôn đã lợi dụng lòng nhân từ của triều đình cho họ làm ăn dễ dàng để đầu độc người Trung Hoa. Họ không tuân. Ông đem quân tới bức, họ bất đắc dĩ phải hộp 1.300 thùng. Biết là chưa đủ số, ông bảo thương nhân các nước tạm thời dời đi chỗ khác rồi ông đoạn tuyệt lương thực, bắt giam hết các người làm công của Anh, mấy ngày sau lại đem binh vây thương quán Anh. Lãnh sự Anh đành phải khuyên các thương nhân nộp toàn bộ số thuốc phiện, hết thảy được 20 ngàn thùng, nặng tới một tấn, trị giá 5.600 vạn đồng bạc Mễ Tây Cơ.
Lâm tự xem xét, đốt hết, đổ xuống biển, rồi báo cáo cho thương nhân các nước biết nếu về sau thuyền buôn nào vào bến mà chở thuốc phiện thì hàng hóa bị sung công, người bị tội chết. Các nước đều tuân theo, trừ Anh.
Rồi một vụ xảy ra. Một chiếc tàu Anh ghé Hương Cảng bọn thủy thủ lên bờ, say rượu, gây lộn, một người Trung Hoa bị bọn chúng giết. Lâm Tắc Từ yêu cầu người Anh giao nộp hung thủ cho ông xử tử vì “Sát nhân thường mạng, Trung Hoa hay nước khác thì luật pháp cũng như nhau). Lãnh sự Anh không chịu, bảo theo luật của họ. Tội rất nặng cũng chỉ phạt 20 Anh bảng và giam cầm 6 tháng thôi. Lâm tức thì ra lệnh cấm người Trung Hoa buôn bán với Anh.
Anh phản ứng lại. Đầu mùa hè 1840, mười lăm chiến thuyền Anh chở 15.000 quân tới Áo Môn (Ma cao). Thế là chiến tranh nha phiến thứ nhất bùng nổ.
Quân Anh khai hấn, nã súng vào Quảng Châu, nhưng vì công việc phòng thủ của Lâm chu đáo, họ không đổ bộ lên được. Quân Anh rút lui, tiến lên phương Bắc, bắn phá nhiều điểm
quan trọng ở phía Nam vàm sông Dương Tử, chiếm được nhiều đảo và nhiều thị trấn một cách dễ dàng vì khí giới của Thanh đã kém xa (cung tên địch với đại bác) mà quân Thanh cũng thiếu tinh thần, sĩ quan Thanh rất tồi tệ: lính của họ là lính ma, chỉ có trên giấy tờ,
họ ghi tên đầy tớ, bà con của họ vào sổ lính để lãnh lương, bọn đó không biết bắn súng, không có kỹ thuật gì cả, cấp chỉ huy coi họ như nô lệ, mà họ lại hống hách với dân, ăn cắp, ăn cướp của dân, một số nghiện thuốc phiện (Miền Bắc không thuộc quyền của Lâm Tắc Từ, quan lại tham nhũng, sắc lệnh triều đình không được tuân, thương nhân vẫn chở lén thuốc phiện về bán).
Khi được tin quân Anh vào Chiết Giang, hãm Định Hải rồi vào hải khẩu Thiên Tân, Thanh đình hoảng hốt. Lãnh sự Anh đưa thư của thủ tướng Anh yêu cầu 6 điều khoản: bồi thường hàng hóa đã bị thiêu hủy; mở các nơi Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Định Hải, Thượng Hải làm thương phủ (bến cho các tàu buôn) bồi thường quân phí, để cho thuyền Anh chở nha phiến vào. Thanh đình cách chức Lâm Tắc Từ đề lấy lòng Anh, sai tống đốc Kì Thiện xuống thay để thương nghị với Anh. Kì Thiện nhút nhát, hủy bỏ mau các công trình phòng thủ của Lâm Tắc Từ, rồi khúm núm cầu hòa với lãnh sự Anh, hải quân đô đốc George Elliot. Ông ta vượt quyền hạn hành động như vậy tưởng sẽ gây được không khí thuận lợi cho việc triều đình, nhưng Elliot thấy ông ta khiếp nhược, càng yêu sách nhiều, và ông ta chấp nhật hết: nhượng Hương Cảng cho Anh mở Quảng Châu làm nơi buôn bán, bồi thường 62 triệu lạng bạc, về số nha phiến thiêu hủy, 6 triệu lạng nữa về quân phí.
Thanh đình không chịu nhận những điều kiện nhục nhã đó mà Anh đình cũng không bằng lòng vì không có điều khoản nào bảo đảm sự an toàn cho người Anh sau này. Thế là chiến tranh lại tái diễn khốc liệt hơn. Các công trình phòng thủ đã phá hủy rồi, người Anh đổ bộ lên, chiếm được 500 khẩu đại bác (thời đó, thiệt hại như vậy là điều không thể tưởng tượng được) rồi Quảng Châu bị chiếm.
Thừa thăng, hải quân Anh theo bờ biển ngược lên, chiếm Hạ, Môn Thượng Hải, rồi ngược dòng sông Dương Tử, nã đại bác vào Nam kinh. Thanh đình phải nuốt nhục, ký điều ước Nam Kinh (1842), điều ước đầu tiên Trung Quốc bỏ cái huy hiệu Thiên triều mà đứng vào địa vị bình đẳng ký với nước khác (các điều ước ký với Nga dưới triều Khanh Hi đều do các quan hai nước ký với nhau thôi).
Điều ước gồm 12 khoản mà những khoản trọng yếu như sau:
[1.] Cắt nhường Hương Cảng cho Anh.
[2.] Khai phóng năm hải khẩu Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh ba, Thượng Hải làm thương phụ cho người Anh buôn bán, cùng với vợ con cư trú; họ lập tại đó những lãnh sự giám đốc việc buôn bán.
[3.] Bồi thường cho Anh 21.000.000 đồng bạc Mễ Tây Cơ.
[4.] Hàng hóa nhập khẩu chịu một thứ thuế công bình do Trung Hoa công bố, khi thương nhân Trung Hoa chuyển vào nội địa, không phải chịu thêm thuế nào nữa.
[5.] Công văn hai nước trao đổi với nhau sẽ theo hình thức bình đẳng.
Người Trung Hoa thường gọi điều ước đó là Ngũ khẩu thông thương điều ước. Ảnh hưởng của nó rất tai hại cho họ:
[-] Nó là điều ước bất bình đẳng đầu tiên Trung Hoa phải ký với nước ngoài, mở đầu cho một loạt những điều ước bất bình đẳng sau này.
[-] Thấy Thanh khiếp nhược để cho Anh uy hiếp như vậy, các nước khác như Pháp, Bồ, cũng đòi được đối đãi như người Anh, buộc Trung Hoa mở các thương phụ khác cho họ, Trung Hoa phải cho và họ tự ý khuyếch trương buôn bán ở Trung Hoa, xâm lược Trung Hoa mỗi ngày một mạnh.
[-] Nha phiến càn vô nhiều, đầu độc dân Trung Hoa, số người nghiện tăng lên tới nỗi người phương Tây có cảm tưởng rằng người Trung Hoa nào cũng nghiện, dân tộc họ là một dân tộc nghiện.
[-] Hương Cảng thành một căn cứ để xâm lược Trung Hoa và Anh chiếm ưu thế nhất.
[-] Ảnh hưởng tinh thần là dân chúng mất lòng tin Thanh đình, mất long tự tin, toàn quốc từ vua tới dân đâm ra sợ sệt người da trắng mà mới nửa thế kỷ trước, thời Càn Long họ khinh là dã man.
Chiến tranh nha phiến chưa chấm dứt, đó mới chỉ là màn thứ nhất, còn màn thứ nhì nữa, sẽ xét ở sau
Khi Thái Bình thiên quốc định đô, lập triều đình, ban bố chính sách rồi, người Âu vẫn giữ chính sách trung lập, đứng ngoài ngó.
Năm 1853 – 54, chỉnh đốn xong Nam Kinh, Thái Bình tiến lên phương Bắc, chiếm Khai Phong, Thiên Tân, nhưng không đủ sức chiếm Bắc Kinh, lại quay về.
Năm 1856, nội bộ của Thái Bình lục đục, Các vương càng ngày càng kiêu nhác, Đông Vương chuyên hoạch hơn hết, bất phục tòng Hồng Tú Toàn, tự là Vạn Tuế, Hồng phải sai Bắc Vương giết. Dực vương Thạch Đạt Khai người có tài nhất trong ngũ vương, thấy vậy cùng với bộ hạ tách ra, tiến về phía Tứ Xuyên, qua những tỉnh phía Nam và Tây Nam (sau này năm 1934-35 Đảng cộng sản cũng dùng đường đó trong cuộc trường hành), tính lập ở đó một giang san riêng biệt, nhưng rồi cũng bị giết năm 1863. Từ đó các vương chỉ tranh giành quyền lợi, lấn dần chết hết. Kỷ luật không theo nữa.
Tình hình của Thanh đình rất nguy, từ năm 1857, vừa phải đối phó với Thái Bình, vừa bị cái nạn chiến tranh nha phiến thứ nhì do liên quân Anh Pháp gây ra (coi ở sau). Quân triều đình không được luyện tập, nhút nhát, chỉ ở xa bắn đại bác vào địch, chứ không dám lại gần, hễ thấy địch tiến tới là bỏ chạy. Quân số không đủ, hễ có lính chết, bị thương hay đào ngũ, tương chỉ huy không chịu thay thế, cứ tiếp tục bỏ túi số lương của họ, và còn trước cả quân lính nữa, các ông ấy bỏ chạy khi mới “thấy ngọn gió của địch thổi về phía mình”.
Thấy chiến tranh phát giữa Thanh đình và Anh Pháp, Thái Bình năm ngay cơ hội, viện cớ rằng cùng theo Ki Tô giáo như Anh, Pháp, xin họ giúp cho khí giới để diệt Mãn Thanh. Các giáo sĩ Anh, Pháp rất tán thành: khen quân Thái Bình rất tốt, qua miền nào thì giáo dân miền đó được đối đãi tử tế, Thái Bình mà làm chủ Trung Quốc thì chẳng bao lâu cả Trung Quốc sẽ theo đạo Ki Tô. Các lãnh sự, các chính khách Anh Mỹ cũng nghĩ như vậy, nhưng còn nghĩ đến lợi của quốc gia họ nữa. Họ đã ký nhiều điều ước với Thanh, Thanh mà sụp, những điều ước đó sẽ có thể bị hủy bỏ. Thanh yếu, họ dễ bức hiếp, Thái Bình mà thắng, mạnh lên, khó bức hiếp. Vả lại, họ thấy những cải cách xã hội của Thái Bình có vẻ qúa lố, dân chúng đã phàn nàn, chính nội bộ của Thái Bình cũng chia rẽ, và có mỗi Mãn Thanh sé lật được thế cờ, vì Thanh đình đã biết dùng ba người tài: một là người Mãn: Tang Cách Lâm Tấn, giỏi cầm quân, đã giữ được Bắc Kinh buộc Thái Bình phải quay trở về khi đã tiến tời Thiên Tân, và hai người Hán: Tăng Quốc Phiên và Lí Hồng Chương.
Tăng Quốc Phiên thi đậu tiến sĩ, được tuyển vào Hàn Lâm Viện, trọng lý học của Tống Nho, rất ghét chính sách tôn giáo, xã hội của Hồng Tú Toàn, sợ Hồng mà thắng thì đạo Khổng và văn hóa Trung Quốc sẽ bị tiêu diệt, cho nên tận tâm giúp Thanh và được Hàm Phong rất tin cậy giao cho việc huấn luyện quân đoàn Hồ Nam để chống với Thái Bình.
Ông luyện được 17.000 quân (cả lục lẫn thủy) rất có kỷ luật, được ngoại nhân khen là đạo quân “quốc gia” đầu tiên của Trung Hoa, vì họ “chiến đấu cho quốc gia chứ không phải cho nhà Thanh”. Dân chúng ghét Mãn Thanh, mới đầu do dự giữa Tăng và Thái Bình, nhưng lần lần ngã theo Tăng vì những lầm lẫn quá nặng của Thái Bình (cấm đạo Khổng, đạo Phật, cấm thợ phụng tổ tiên, phá hủy chùa chiền…) mà một phần cũng vì Tăng trả lương cao hơn, đều đặn hơn. Tăng giỏi chiến lược, chiến thuật thắng được vài trận, uy thế tăng lên.
Tăng đề nghị với Thanh đình trọng dụng Lý Hồng Chương, cho tuyển mộ và huấn luyện thêm một đạo quân nữa ở tình An Huy. Lý cũng thành công, và cũng đánh đâu thắng đó.
Lúc này chiến tranh nha phiến thứ nhì đã chấm dứt, Anh Pháp đã rút rỉa của Thanh nhiều quyền lợi (Điều ước Bắc Kinh – coi ở sau), lại thấy Thái Bình đã suy mà vẫn cương quyết trong việc giao thiệp với họ, có thể bất lợi cho việc làm ăn của họ, nên họ ra mặt đứng về phía Thanh đình, ủng hộ “Thừa thắng quân” (Ecer – victorieus Army), do một tên giang hồ Mỹ, Tewsend Ward thành lập (được các thương nhân Thượng Hải giúp tài chánh) để bảo vệ tài sản của Âu Mỹ, chống đối với Thái Bình thiên quốc được Thái Bình ở chung quanh Thượng Hải, sau tử trận, một viên tướng Anh, C.G Gorden lên thay, trong ba năm thắng lợi liên tiếp, lấy lại được 50 thị trấn cho Mãn Thanh.
Năm 1864, quân Tăng Quốc Phiên chiếm được Nam Kinh. Hồng Tú Toàn tự tử. Sau đó Tăng và Lý (Hồng Chương) mất hai năm mới quét hết được Thái Bình thiên quốc. Thái Bình đã tung hoành được 15 năm qua 16 tình chiếm được 600 thị trấn, rốt cuộc thất bại vì dở tổ chức, không biết cai trị, năm vững miền đã chiếm, vì nội bộ lủng củng, nhất là vì đã thất nhân tâm, muốn hủy bỏ hết truyền thông dân tộc.
  Nhưng ảnh hưởng của Thái Bình rất lớn, làm cho người Hán có tinh thần dân tộc trở lại, tin ở sức mạnh của mình. Chính cuộc chiến của Hồng Tú Toàn là bước đầu đưa tới cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) nửa thế kỷ sau, cho dân tộc Trung Hoa một ý niệm về nam nữ bình quyền, về chế độ cộng sản trước khi có cuôc cách mạng 1917 của Nga. Từ Tần Thủy Hoàng, bây giờ mới lại có cuộc cách mạng thật sự (révolution) để thay đổi hẳn một chế độ chớ không phải chỉ để thay đổi một triều đại. Vì vậy mà Tôn Văn, và cả Mao Trạch Đông đều phục Hồng Tú Toàn, chê Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương là tội nhân của dân tộc. Ngược lại cũng có người như Tưởng Giới Thạch chê Hồng là gây rối, chà đạp truyền thống, làm suy nhược nhà Thanh trong khi Thanh phải đương đầu với thực dân Tây phương, và khen Tăng, Lý là sang suốt. Vương Nghi, tác giả Trung Quốc Cận đại sử, bào còn phải nghiên cứu nhiều sử liệu lắm rồi mới có thể đưa ra một phán đoán khách quan được, hiện nay những sử liệu đó chưa gom góp được đủ.
  Có điều này đáng cho ta để ý: Trong tất cả các cuộc nổi dậy của nông dân mà thất bại chỉ Thái Bình thiên quốc được chép thành một bộ truyện chương hồi, như vậy đủ biết tình dân tộc Trung Hoa phục phong trào phản Thanh đó ra sao.
- Loạn Niệm và Hồi Giáo
 Khi Thái Bình chiếm được Nam Kinh rồi tiến lên phương Bắc thì đảng Niệm cũng nổi lên ở phía tây Vận Hà, trong khoảng từ sông Hoàng Hà tới sông Hoài, tại bốn tỉnh Giang Tây, An Huy, Hà Nam và Sơn Đông. Đảng đó là một hội kín như Bạch Liên giáo. Mấy năm đầu thập kỉ 1850, miền đó bị lụt, dân đói, thấy Thanh suy, không phục tòng triều đình nữa, liên kết với Thái Bình, cũng để tóc dài, tung hoàng một thời nhưng không chiếm được một thị trấn nào quan trọng, không lập được một chính phủ, sau bị Tăng Quốc Phiên bao vây và dẹp được năm 1868.
  Đồng thời, Thanh bị thêm nạn Hồi giáo ở Vân Nam. Từ thời nhà Nguyên, Hồi giáo đã cắm rễ khá sâu ở Tây Bắc và Tây Nam Trung Hoa. Ở Vân Nam, thiểu số Hồi giáo thường gây với thổ dân khác đạo, nhất là từ khi vùng đó khai thác các mỏ đồng, thiếc, thì mối tranh chấp càng tăng. Quan lại ở Vân Nam vừa ít vừa bất lực, không dẹp được. Thanh đình cũng phái quân tới.
  Ở Thiểm Tây và Cam Túc Hồi giáo cũng dấy lên, Thanh đình đem quân tới, năm 1873 dẹp được rồi lập thành tỉnh Tân Cương, di dân lên lập ấp, một số nhỏ là thương nhân, một số nữa là quân nhân, đa số là nông dân. Nhưng vì miền đó xa xôi, giao thông bất tiện, nên số dân tới nay vẫn còn thưa thớt.
  Sau cùng ở Quí Châu, rợ Miêu lại nổi loạn như thời Càn Long, 18 năm mới dẹp được, dẹp xong thì Quí Châu bị tàn phá, gần như không còn gì.
- Hậu quả của những cuộc nổi loạn đó là số dân giảm đi rất nhiều, vì bị giết, vì chế đói, vì lưu lạc.
Riêng loạn Thái Bình Thiên Quốc, một giáo sĩ Mỹ đoán là có 20 triệu người chết, một ngoại nhân khác đưa ra con số 50 triệu. Hạng ngoại nhân có ở các hương cảng, không biết tình hình nội địa, ước lượng quá thấp. Theo Vương Nghi (sách đã dẫn), nếu kể các loạn, Niệm, Hồi, Miêu ở Quí Châu nữa, kể cả nạn thổ phỉ cướp bóc ở khắp các tình, nạn chết đói, chết vì bịnh dịch thì Trung Hoa đã mất đi một phần ba nhân khẩu, ít nhất là 100 triệu người. Hơn nạn hồng thủy, trong lịch sử Trung Hoa,chưa đời nào như vậy.
 Điều ước Nam Kinh chằng được nước nào theo đúng cả. Dân chúng Quảng Châu uất hận, tìm mọi cách phá, bắt người Anh phải ở ngoại thành, không cho về, do đó sinh xô xát. Thương nhân anh dùng bọn buôn lậu Trung Hoa cho thuyền chúng treo cờ Anh để chở nén thuốc phiện vào bờ.
      Năm 1856 một chiếc thuyền tên là Arron treo cờ Anh đến đậu ở bến Quảng Châu. Viên thủy sư Trung Hoa nghi là gian, lên thuyền khám, thấy có hai người Anh và mười ba thủy thủ là Tàu cả, bèn hạ chiếc cờ Anh liệng xuống sàn, bắt giam mười ba người Tàu, viên công sứ Anh phản kháng với viên tuần phủ Quảng Đông là Diệp Danh Thám, bảo cử chỉ đó trái vời điều ước Nam Kinh trong đó có khoản nói rằng Anh thương đến buôn bán ở các bến đều được tự tiện, đòi trả 13 thủy thủ và phải xin lỗi.
      Diệp Danh Thám chỉ thích vẽ, đọc sách, không quan tâm tời ngoại giao, đọc công văn của Anh, chỉ mỉm cười, cho việc đó chẳng quan trọng gì cả, bằng lòng thả 13 tên thủy thủ. Nhưng viên công sứ Anh còn buộc phải nghiêm trị viên thủy sư đã hạ cờ Anh, làm mất quốc thể Anh. Diệp cho như vậy là quá lố, không thả thủy thủ nữa, không trả lời gì cả mà cũng không lo phòng bị, coi vụ đó như bỏ qua.
      Khi nghe tiếng súng nổ vang trời, có tin rằng quân Anh đổ bộ lên, ông ta ngạc nhiên, hoảng hốt. Quân Anh đốt vài công sở của Trung Hoa rồi rút lui về chiến hạm, vì chưa có lịnh của chính phủ, mà quân lại ít quá, có chiếm được cũng không giữ nổi.
      Nhân dân Quảng Châu tức giận, thấy quân Anh đi rồi, ùa ra phóng hỏa đốt hêt các cơ sở, dinh thự của người Âu, thương quán Anh, Pháp, Mĩ đều bị hủy hết. Công sứ Anh bèn gời thư về nước xin thêm binh bị để quyết chiến. Đồng thời, Pháp đương đòi bồi thường vì một giáo sĩ Pháp bị giết ở Quảng Tây, mà chưa được thỏa mãn, Vua Napoléon III thừa dịp đó để dương oai ở Đông Á, liên minh với Anh, phái binh tới Hương Cảng. Ít lâu sau, Mĩ và Nga cũng phái công sứ đến hội ở Hương Cảng, mong có dịp sẽ bắt Thanh đình phải sửa thương ước của họ.
      Cuối năm 1857, liên quân Anh Pháp đánh Quảng Châu, Diệp Danh Thám thản nhiên lạ lùng, chẳng bàn tính gì với các võ quan dưới quyền, cũng chẳng thương thuyết với Anh, cứ ngồi chờ xem ra sao. “Súng nổ như hàng ngàn tiếng sấm, nhà cửa cháy rực trời”, dân chúng chỉ chống cự được hai ngày, tời ngày thứ ba liên quân Anh Pháp chiếm được tất cả các đồn Trung Hoa.
      Diệp Danh Thám bị bắt làm tù binh. Người Anh đem một chiếc kiệu tời rước ông, đưa vào khám Hương Cảng. Ông bận phẩm phục đàng hoàng bược vào khám, không có vẻ gì buồn cho thân phận mình, cho tình cảnh quốc gia, lại tiếp tục vẽ, viết chữ - chữ ông rất đẹp – bọn Anh tranh nhau xin ông làm kỉ niệm. Nhà cầm quyền Hương Cảng thấy ông ta ngu, dại quá, không nỡ giết, mà ông chẳng có tội gì để đáng bỏ tù, sai ông qua Calcutta (Ấn Độ) với một tùy viên quân sự và ba người hầu của ông. Hai năm sau ông ta chết, người Anh đưa xác ông về Trung Hoa để được mai táng một cách trọng thể.
      Năm sau hạm đội Anh và Pháp tiến lên phương Bắc, thình lình tấn công Thiên Tân, rồi tới pháo đài Đại Cổ. Để mất Thiên Tân thì Bắc Kinh khó giữ, Thanh đình hoảng hốt, vội phái một đại thần tới Thiên Tân nghị hòa.
      Thanh ký riêng một điều ước Thiên Tân với Anh, một điều ước Thiên Tân nữa với Pháp (1858). Cả ba bên đều qui định với nhau rằng sau khi kí hạn một năm, nguyên thủ các nước phê chuẩn rồi thì sẽ trao đổi điều ước với nhau ở Bắc Kinh.
      Nhưng Thanh đình muốn hủy điều ước, sai Tăng Cách Lâm Tân - viên tướng Mãn đã có công giữ Bắc Kinh trong vụ loạn Thái Bình – lại Đại Cổ xây cất đài lũy, đắp đập chặn cửa biển, chở đại bác và đưa những kị binh thiện chiến nhất tới.
      Năm 1859, đúng hạn, công sứ Anh, Pháp đến để trao đổi điều ước, bị pháo đài bắn xuống, bốn chiếc thuyền bị đạn chìm, số người tử thương khá nhiều. Điều ước Thiên Tân chưa thi hành đã bị xé.
      Liên quân Anh Pháp lần này rút lui rồi tấn công trở lại mạnh, phá đập trên sông, đồn trên bờ(1) xông lên. Kị binh thiện chiến nhất của Thanh rán ngăn họ, nhưng bị đại bác nã vào, từng đoàn từng đoàn “đổ như những bức tường”. Viên tướng Mãn tài nhất của Mãn Thanh là Tăng Cách Lâm Tấn cũng phải đào tẩu. Mã Thanh đành phải xin hòa, nhưng không chấp nhận những điều kiện họ cho là gắt quá của Anh Pháp, tiếp tục chiến đấu. Lúc đó liên quân đã tới ngoại thành Bắc Kinh rồi. Viên tướng bảo vệ kinh đô, phi ngựa ở mặt trận bị một viên đạn vào đầu té ngựa. Hàng ngũ rối loạn. Vua Hàm Phong kinh hoảng bỏ cung điện đi ra “tuần du mùa thu” ở Nhiệt Hà (Jéhal), sự thực là chạy trốn, giao trách nhiệm thương thuyết cho Cung thân vương, và năm 1860, điều ước Bắc Kinh được ký kết.
      Điều ước này ký với Anh Pháp y hệt điều ước Thiên Tân năm trước mà chưa kịp thi hành, nghĩa là gồm những khoản chính dưới đây:
      1. Công sứ Anh, Pháp đều được tự do cư trú ở Bắc Kinh.
      2. Các giáo sĩ Anh và Pháp được tự do truyền giáo trong nội địa Trung Hoa; nhân dân Anh, Pháp có tờ hộ chiếu thì được tự do du lịch trong nội địa Trung Hoa.
      3. Mở thêm nhiều thương khố nữa: Ngưu Trang, Đăng Châu, Đài Loan, Viên Thủy, Triều Châu, Quỳnh Châu; đợi khi dẹp xong Thái Bình Thiên Quốc thì sẽ mở thêm ba nơi nữa trên bờ sông Dương Tử: Quan trọng nhất là Hán Khẩu…
      4. Người dân Anh, Pháp mà phạm tội ở trên đất Trung Hoa thì do lãnh sự của họ xử, nếu có tranh tụng giữa người Trung Hoa với người Anh, hoặc với người Pháp thì quan lại Trung Quốc cùng xử lý với lãnh sự Anh hoặc Pháp.
Quyền đó gọi là quyền lãnh sự tài phán.
      5. Sửa lại chế độ quan thuế: Quan thuế phải do chính phủ
Trung Quốc cùng bàn rồi quyết định với công sứ Anh, Pháp.
Bây giờ (điều ước Bắc Kinh) thêm những khoản này nữa:
      1. Mở thêm thương khẩu Thiên Tân.
      2. Bồi thường cho Anh và Pháp mỗi nước 8.000.000 lạng bạc (trong điều ước Thiên Tân chỉ bồi thường cho Anh 4.000.000 lạng, cho Pháp 2.000.000 lạng thôi).
      3. Cắt đất Cửu Long ở bờ đối diện với Hương Cảng, nhường cho Anh. Điều ước Bắc Kinh thật tai hại cho Trung Quốc:
       1. Điều ước tuy chỉ ký với Anh, Pháp, nhưng các nước khác cũng đòi quyền ngang với Anh, Pháp, về việc buôn bán, truyền giáo, nhất là quyền lãnh sự tài phán, quyền này làm cho Trung Hoa mất chủ quyền tư pháp.
       2. Vì được mở thêm non một chục thương khẩu nữa mà tư bản của liệt cương tự do xâm lược Trung Quốc.
       3. Giáo sĩ được tự do truyền giáo, thường dân của liệt cường có hộ chiếu được tự do du lịch trên lãnh thổ Trung Quốc, như vậy là họ tha hồ làm tình báo cho chính phủ họ.
       4. Trung Quốc mất chủ quyền về quan thuế, thì công nghiệp, thương nghiệp bị phá hoại, kinh tế suy.
       5. Một hậu quả bất ngờ nữa là số bạc của Trung Quốc chạy ra ngoại quốc nhiều quá (vì khoản bồi thường), thêm lẽ kinh tế suy sụp, mà từ triều đình đến nhân dân đều nghèo, triều đình phải lạm phát giấy bạc, rồi vay tiền của ngoại quốc để trả nợ, mà vay của họ thì phải có gì đảm bảo, thế là phải nhường họ những lợi này lợi nọ về kinh tế, cứ mỗi năm một số, riết rồi thành một thảm họa.
      Nhà nước và dân chúng nghèo thêm, nhưng trái lại một số thương gia và một số trong giới trung lưu hợp tác với ngoại nhân, làm giàu rất mau, họ học thói của người Âu, mở hội buôn, mở các xí nghiệp kinh doanh như người Âu, gởi con qua ngoại quốc học. Họ đại đa số ở miền các hải khẩu Đông Nam, từ Thượng Hải trở xuống đến Quảng Đông. Họ Âu hóa lần lần thành một giới bourgeois của Trung Quốc, cũng có tinh thần cải cách, xũng tin ở sự tiến bộ như hạng bourgeois Châu Âu sau cách mạng Pháp (1789), họ khác hẳn giai cấp sĩ, và đại điền chủ các triều trước. Họ so sánh những quan niệm của phương Tây và Trung Hoa, thấy Trung Hoa lạc hậu, và họ nẩy ra ý làm cách mạng. Đa số những nhà cách mạng Trung Hoa một thế kỷ nay đều ở miền nam (Quảng Đông, Phúc Kiến…), chính vì lẽ đó. Trái lại, từ Thượng Hải trở lên phía Bắc, dân chúng nghèo, ít học thủ cựu.
     (1). Về chi tiết các chiến tranh giữa Trung Hoa và các nước Châu Âu, Nhật,… các bộ sử chép hơi khác nhau; chăng hạn về điểm này, các bộ sử chữ Hán của tôi chép như vậy, còn Tsui Chi thì bảo chính nhà Thanh cho phá những đập đồn đá để “mời” Anh Pháp vào thương thuyết.
5. Nga nhảy vô chia phần.
Nước Nga từ đầu thế kỷ XVIII, sau khi Đại đế Pierre biến pháp, thành một cường quốc ở Bắc Âu, muốn tranh giành ảnh hưởng với các nước Tây Âu như Anh, Pháp; nhưng vì tiến sau hai nước này, mà cũng vì vị trí của non sông, không dễ gì kiếm được một lối thoát ra biển: Thoát ra Đại Tây Dương thì bị Anh chặn, thoát xuống Địa Trung Hải thì bị cả Anh lẫn Pháp chặn (eo biển Dardanclles bị họ kiểm soát), biển phía Bắc băng đóng quanh năm, chỉ còn một cách là ngoi qua phía Đông, vượt Sibérie mà ra Thái Bình Dương.
Khoảng giữa thế kỉ XVII, Nga đã tiến tới Hắc Long Giang bị Mãn Thanh chặn lại, hai bên ký với nhau điều ước Nertchinsk. Thời Đạo Quang nhân dịp Trung Hoa bị nội loạn và ngoại ưu, Nga tìm cách lấn thêm đất của Trung Hoa. Năm 1847, Nga hoàng phái Mursvier qua Đông Sibére, kinh doanh ở Viễn Đông. Mursvier lập thêm nhiều đồn doanh ở miền Hắc Long Giang, cắm cờ Nga, nhận làm thuộc địa của Nga, rồi yêu cầu Thanh đình định lại biên giới. Năm 1855, Thanh đương bối rối về loạn Thái Bình, Niệm, Hồi, vì yêu sách của Anh, nên thỏa mãn tất cả các điều ước của Nga xin, và ký với họ điều ước Ái Huy, nhường cho họ phía Bắc Hắc Long Giang, lại cho họ được quản trị chung với mình miền đông Ô Tê Lí Giang (Ussuri).
Năm 1860, Nga viện cớ đã làm trung gian giúp Thanh điều đình với Anh Pháp, xin được đền công, thêm vào điều ước Bắc Kinh 15 khoản nữa, mà những khoản chính sau đây:
    1. Miền Đông Ô Tê Lí Giang cho tới bờ biển thuộc hẳn về Nga, chứ không phải của chung Nga và Trung Hoa.
    2. Mở một nơi ở Tân Cương cho Nga lập thương điếm.
    3. Thương nhân nga được tự do ra vào Bắc Kinh.
Người Trung Hoa cho hai điều ước đó là nhục nhã nhất. Không tốn một viên đạn, không mất một tên lính mà Nga chiếm thêm được trên 2.000.000 dặm vuông, cổ kim chưa có trường hợp ngoại giao nào kỳ cục như vậy. Từ đó phía Bắc Trung Hoa bị Nga uy hiếp, sau này gây ra biết bao tai họa cho dân tộc Trung Hoa, hiện nay vẫn chưa chấm dứt.
Đó là phía Đông Bắc, phía Tây Bắc Nga cũng dùng mánh khóe mà xẻ được của Trung Hoa nhiều miền lớn.
Đầu đời Đạo Quang, ở Tân Cương, người Hồi nổi loạn, Nga nhân đó bắt Thanh phải định lại biên giới, và Thanh phải dâng họ trên 30.000 dặm vuông.
Tám chín năm sau, lại có loạn Hồi ở Thiểm Tây, Cam Túc, Nga lại buộc định lại biên giới, và mỗi lần như vậy, Nga lại xẻo được của Thanh một miếng.
Thấy dễ ăn quá, mà miếng nào cũng ngon cả, Nga lại càng thêm, năm 1871 (đời Đồng Trị), mặc dầu chẳng có loạn gì cả, Nga cũng viện cớ để dễ duy trì sự trị an ở biên cảnh, tiến quân vào I Lê (I-Li), tuyên bố “tạm chiến I Lê, đợi khi nào Thanh đình có đủ khả năng thống trị miền đó thì sẽ trả lại”. Nga tốt bụng, như vậy Thanh lấy lẽ gì mà từ chối ? Nhưng 7 năm sau 1878 – đời Quang Tự), Thanh đã bình định được Tân Cương rồi, xin Nga trả lại I Lê, Nga thản nhiên nuốt lời, bắt Thanh phải kí một điều ước gồm 18 khoản mà hai khoản chính là Thanh phải bồi thường quân phí 5.000.000 rúp (tiền Nga) cho Nga, và cắt nhường Nga miền phú nguyên duy nhất của I Lê. Từ Hi Thái Hậu lúc đó cầm quyền, không chịu, chuẩn bị chiến tranh với Nga. Lần này Anh đưng giữa điều đình (nên hiểu là ép Thanh phải nhường) và sau 6 tháng đàm phán hai bên ký điều ước I Lê ở kinh đô Nga:
    - Trung Quốc phải bồi thường 9 triệu rúp quân phí cho Nga.
    - Cắt nhường miền Tây I Lê cho Nga.
Vậy là bỗng dưng Trung Hoa mất trên 660.000 dăm vuông ở biên cương Tây Bắc, Nga trả cho Thanh một khu đất ở phía Nam, nhưng đòi thêm bốn triệu rúp. Đây cũng vừa đấy.
Lạ lùng thay lũ cháu chắt của Khang Hi, Càn Long này đã tiêu tốn bao nhiêu công của mới làm chủ được miền Tây Bắc đó, bây giờ họ nhường lại cho Nga cai trị. Y như bọn con nhà giàu tới thời suy, vung phí của cải tổ tiên cho mau hết, không hề tiếc.
6. Triều đình vãn Thanh – Từ Hi Thái Hậu.
Dẹp được Thái Bình Thiên Quốc, loạn Niệm, Hồi là công của ba danh thần Hán: Tăng Quốc Phiên, Lí Hồng Chương và Tả Tôn Đường. Chính họ đã làm cho nhà Thanh phục hưng lại, nhưng không được trọn dụng, triều đình Thanh vẫn nghi kỵ họ; họ càng thành công thì bọn quí tộc Mãn càng ghen ghét. Cho nên họ chỉ được làm những chức trưởng quan ở địa phương. Ngay như Tăng Quốc Phiên cũng phải giữ ý, không dám đưa ra một kế hoạch lớn để làm cho Thanh hùng cường lên. Đó là một nguyên nhân khiến cho Thanh không vượng lên được.
Ở triều đình họ không dám dùng người Hán có tài, mọi việc bọn vua chúa Mãn quyết định với nhau hết, mà bọn này đã “chẳng biết chút gì tình hình dân chúng”, lại ít học, ngu dốt, càng mù tịt về tình hình thế giới.
Khi liên quân Anh Pháp vào Bắc Kinh, Hàm Phong trốn ở Nhiệt Hà, giao việc nước cho một người em (Cung Thân Vương). Ông ta là ông vua trác táng nhất đời Thanh, bẩm sinh vốn bạc nhược mà ngày đêm chìm vào tửu sắc, năm sau chết ở Nhiệt Hà, mới khoảng 30 tuổi, ở ngôi được một năm.
Con ông mới 6 tuổi lên nối ngôi, niên hiệu Đồng Trị (1862 – 77) Hoàng Hậu vợ của Hàm Phong, Từ An không có con, Đồng Trị là con một cung phi. Từ Hi(1) của Hàm Phong, nhưng theo phong tục Trung Hoa, vẫn coi Từ An là mẹ lớn.
Hoàng tộc quyết định đê cho hai bà đó “thùy liêm thính chính” (rủ mành mành mà nghe việc nước), nghĩa là cùng quyết định việc nước thay vua, cùng phụ chính. Cung Thân Vương và Văn Tường đều là người tốt, giúp ý kiến hai bà thái hâu đó.
Từ An Thái Hậu ít học, đôn hậu, có phẩm cách. Từ Hi học khá hơn, đọc viết được chữ Hán (triều đình dùng toàn chữ Hán, cà ngôn ngữ Hán nữa), thông minh, lanh lợi, rất có bản lĩnh, nhưng cũng rất nhiều tật : Ham quyền như Võ Hậu đời Đường, dâm dật, xa xỉ, để đạt được mục đích thì vô sở bất vi, tính tình bất thường, lúc thì hiền, rộng lượng, lúc thì tàn nhẫn vô cùng.
Mới đầu Từ Hi chỉ là một cung tần, nhờ hát hay, khéo nịnh được Hàm Phong yêu, rồi có con, từ đó sinh ra hách dịch, độc tài, Hàm Phong biết trước rằng Từ Hi sau này sẽ là một tai họa cho nhà Thanh nên trước khi chết để di chúc lại bảo phải giết đi, nhưng viên thái giám, Lí Liên Anh, cho Từ Hi hay rồi hủy di chúc liền, từ đó thành sủng thần của Từ Hi, tham ô, làm loạn trong cung.
Mới đầu Từ An thái hậu và Từ Hi thái hậu cùng thính chính, nhưng lần lần Từ Hi lấn Từ An, quyết định mọi việc, Từ An hiền hậu, nhượng bộ nhiều lần. Năm 1872, Đồng Trị 18 tuổi, hai bà tính lập hậu (cưới vợ) cho ông rồi sẽ thôi không thính chính nữa.
Đồng Trị không ưa mẹ đẻ mà quí Từ An thái hậu, lựa người Từ An đề nghị tên là A Lỗ Đặc, gạt bỏ người Từ Hi giới thiệu. Do đó mà Từ Hi thù cả Đồng Trị lẫn Từ An.
Từ Hi cấm Đồng Trị ăn nằm với A Lỗ Đặc, người ông ta mến vì hiền đức, mà bắt phải ăn nằm với một cung phi tên là Phong, ông ta cương quyết không chịu, có lẽ do đó mà sinh ra chán nản đau khổ, thường cùng với một vài hoạn quan ban đêm trốn ra khỏ cấm thành, đi chơi phố phường, có lần về trễ, không kịp buổi triều. Hai năm sau ông chết, sử chép là do bịnh “Thiên hoa” (bệnh lên đậu), nhưng dân gian đều xưng do bệnh hoa liễu. Ông chết rồi, A Lỗ Đặc khổ sở, Từ Hi bắt bà phải tự tử để không được làm thái hậu mà “thính chính” trong đời vua sau.
Đông Trị không có con, Từ Hi lựa một đứa cháu trong hoàng tộc, mới bốn tuổi, em con chú của Đồng Trị, đưa lên ngôi để dễ thao túng.
Hồi này Thái hậu Từ An đã bị Từ Hi đầu độc chỉ vì bà bắt gặp một nhà sư trong phong ngủ của Từ Hi. Bà nổi cơn đau bụng rồi chết thình lình, năm giờ sau không một người nào hay.
Quang Tự bốn tuổi vào cung, bị Từ Hi quản thúc chặt chẽ quá, hóa ra khiếp nhược. Lương Khải Siêu trong tập “Mẫu Tuất chính biến ký” bảo không có một em bé nào như cậu. Năm tuổi lên ngôi vua, lên ngôi rồi thì không một người nào – ngay cả mẹ nữa – được phép lại gần trừ mỗi một người là Từ Hi, mà Từ Hi thì kiêu xa dâm dật, có ngó ngàng gì tới cậu đâu. Ăn cũng một mình. Món ăn la liệt trên bàn, nhưng già nửa đã thiu rồi, vì những món hôm trước ăn không hết, hôm sau dọn lại, món ăn được thì đặt xa quá với không tới, thành thử bữa ăn không no mà không dám nói với ai. Vì Từ Hi rất dữ, mỗi chút là quát tháo, đánh đập nữa, hoặc bắt quì cả mấy giờ. Bà ta “luyện vua” cho tới mức sợ bà như sợ cọp, bảo gì cũng phải nghe. Lớn lên vua Quang Tự mỗi ngày phải vỗ thỉnh an bà một lần, mà thình an thì phải quì, cho phép đưng dậy mới đứng.
Thái giám Lí Liên Anh cũng ăn hiếp Quang Tự nữa, tàn nhẫn vô cùng. Hắn là một tên kép, rất đẹp trai, hát rất hay, được Từ Hi sủng ái, tời mức hắn nói gì, bà ta cũng nghe, hắn tự phụ, tự coi là ngang với bà. Đình thần sợ hắn như sợ bà vậy. Quang Tự có một quí phi rất hiền, trung thành với ông, ông rất quí mến, Lí Liên Anh ghét nàng, xô nàng xuống giếng, một hoạn quan thủ hạ của hắn, liệng đá xuống lấp giếng, Quang Tự không dám nói gì cả.
Sau vụ Mậu Tuất chính biến (coi ở sau), Quang Tự bị giam trong một phòng bẩn thỉu, ăn không được no, mặc không đủ ấm, chịu nhục nhã tới khi chết, một phần cũng là do Lí Liên Anh, hắn rất ghét nhóm Khanh, Lương mà Quang Tự tin cậy, dùng để duy tân Trung Quốc. Cũng chính hắn khuyên Từ Hi dùng quyền phỉ để diệt người da trắng, do đó mà liên quân tám nước vào phá Bắc Kinh. Tới lúc đó thì ai cũng biết nhà Thanh sắp sụp đổ, vì hai nạn ngoại thích và hoạn quan một lúc. Uy tín Trung Quốc không còn gì cả.
Nhưng cũng có học giả Âu khen Từ Hi vào hạng nữ hoàng Catherine của Nga, có tài cai trị, biết tin dùng người Hán, chỉ phải cái tội ít học, nên lạc hậu, không tiến kịp thời đại. Lời khen đó có phần quá đáng. Bà tin bọn Tăng Quốc Phiên, Lí Hông Chương thật, nhưng chỉ cho họ nắm quân đội, tài chính và việc cai trị ở các tỉnh thôi, mà triều đình vẫn hủ bại, hậu quả là “ngoài nặng trong nhẹ”, quyền cai trị ở ngoài các tỉnh lần lần qua tay người Hán, họ mạnh lên; còn quyền thống trị của người Mãn ở trong (triều đình) nhẹ lần, khiến cho Mãn Thanh dễ bị diệt vong.
- Cuộc vận động tự cường.
Trước chiến tranh nha phiến, Mãn Thanh tự hào là Thiên triều đại quốc, coi các nước Tây phương là ngoại di, không thèm để ý tới. Sau khi liên quân Anh – Pháp tới Bắc Kinh, buộc phải ký điều ước nhục nhã với họ, Thanh mới chịu nhận rằng bọn ngoại di đó mạnh hơn mình nhiều, và muốn chống cự với họ thì phải có tàu bè như họ, súng ống như họ, quân đội phải luyện tập theolối của họ - Vài người Mãn như Cung Thân Vương, Quế Lương nghĩ tới việc tự cường bàn với Tăng Quốc Phiên, Lí Hồng Chương, Tả Tôn Đường. Họ đồng ý với nhau rằng “muốn tự cường thì việc luyện binh là quan trọng nhất, mà muốn luyện binh thì trước hết phải chế tạo vũ khí giới”. Năm 1862 họ giao cho Lí Hồng Chương thi hành.
Trong khoảng năm mươi năm sau, Lí lập Đông văn quán (tìm hiều nghiên cứu học thuật phương Tây), Quảng phương ngôn quán (dạy ngôn ngữ phương Tây). Chế pháo cục, thuyền xưởng, Thủy quân, Thuyền chánh học đường, Cơ Khí cục, xây pháo đài theo kiểu Tây phương ở Đại Cổ, khai mở, khai xưởng dệt,mở điện báo cục ở một số tỉnh…
Tăng và Lí itếp xúc với Ung Wing một sinh viên nghèo ở Ma Cao du học sinh đầu tiền ở Mỹ, do một hội truyền giáo trợ cấp, năm 1854 đậu bằng cấp Đại học Yale, Tăng phái Ung Wing qua Mĩ mua máy. Ông thuyết phục Tăng gởi 120 thanh niên đa số gốc ở Quảng Châu, qua Âu Mĩ học mười lăm năm rồi về giúp nước. Một số lớn qua Mĩ (2) ba chục người sang Anh, ba chục qua Pháp, một số nhỏ qua Đức.
Phong trào tự cường đó tiến chậm, chủ yếu là nhắm vào quốc phòng mà thôi, chưa phải là một cuộc cải cách lớn. Vạy mà bọn thủ cựu đã nổi lên phản đối, cho Lí Hồng Chương là Hán gian, theo Tay phương là làm cho Trung Quốc hóa ra di địch. Họ họp thành mộ phe không bao giờ bàn tới học thuật Tây phương, tự cho mình là thanh cao. Dân gian thì đại đa số vẫn cày cấy để kiếm cơm ăn, việc nước không hề biết tới. Chí có mỗi một người sáng suốt là Wong Tao (3) học giỏi chữ Hán, rồi ngoài hai chục tuổi, trong khoảng từ 1840 đến 1860 giúp việc cho nhà in của một hội truyền giáo anh ở Thượng Hải. Bị nghi ngờ là tiếp xúc với Thái Bình Thiên Quốc, ông ta phải trốn qua Hương Cảng, giúp James Legge dịch Tứ Thư và Ngũ Kinh rồi qua ở Scotland (Tô Cách Lan) hai năm với Legge. Khi trở về Hương Cảng ông xuât bản một nhật báo riêng, sau hợp tác với một tờ báo của người Anh ở Thượng Hải nữa (1872). Ông cảnh cáo nhà cầm quyền rằng công cuộc tự cường không có kết quả được vì chỉ trị ngọn chứ không trị gốc. Phải thay đổi cả chế độ mới được. Nhưng thời cơ đó cơ hồ không ai hiểu ông, mãi tới gần cuối thế kỷ nhóm Khang – Lương nhờ đọc nhiều sách Âu Tây dịch ra tiếng Trung Hoa mới nhận Wang có lí, còn triều đình Thanh thì vẫn ngoan cố, phải đợi đến thua Nhật năm 1894 – 95, rồi Liên quân tám nước vào đập phá cung điện ở Bắc Kinh (1901) mới miễn cưỡng nhượng bộ phe duy tân một chút.
Trong khi đó, công việc duy tân ở Nhật tiến rất mau, chỉ từ 1872 đên 1900 đã theo kịp Âu Mĩ, năm 1905 thắng được một nước bạch chủng là Nga. Sử gia Mỹ Eberhard bảo như vậy là nhờ từ mấy thế kỷ trước Nhật đã có một giai cấp tư bản bourgeois (tức thương nhân) “cộng sinh” với giai cấp chư hầu (feudataire) lớn, giai cấp trên (bourgeois) để chuyển qua chế độ tư bản, còn giai cấp sau biến thành bọn đế quốc kiểu Âu.
Có thể đó là một lý do quan trọng. Lý do chính là Minh trị Thiên Hoàng sáng suốt, nhiệt tầm vì quốc gia dân tộc, còn Từ Hi thái hậu chỉ nghĩ đến quyền lời riêng : Bà ta lấy số tiền dự tính đóng chiến hạm theo kiểu Âu để sửa sang Di Hòa viên làm nơi tĩnh dưỡng cho bà lúc về già.
Chú Thích
(1) Từ An, Từ Hi đều là tên hiệu, họ là người Mãn, tên rất khó nhớ, nên chúng tôi không dùng.
(2) Nhóm đầu tiên qua năm 1872 có vài nhà Nho theo dạy cho họ Tứ thư và Ngũ Kinh.
(3) Về Ung Wing và Wang Tao tên dùng tài liệu trong East Asia- The Modern Transformation của Đại học Harvard, các bộ sử chữ Hán của tôi có không nói tới.
Người da trắng thấy họ ra uy lần nào là thắng lợi mỹ mãn lần đó, thắng lợi một cách quá dễ dàng, nên họ càng hăng hái xâu xé anh “khổng lồ” da vàng, một thị trường lớn hơn Ấn Độ, cả về diện tích, tài nguyên và dân số. Rõ ra một cảnh thi đua. Mỗi nước nhắm trước một khu rồi cùng nhau “nhào vô”. Họ ganh nhau, coi chừng nhau, dùng cả mọi cách, tìm mọi cơ hội để bành trướng thế lực trên đất người Hán. Nhanh chân nhất vẫn là Anh và Pháp. Họ làm việc rất có kế hoạch :kiếm những miếng lớn và dễ ăn nhất cướp hốt các phiên thuộc của Trung Hoa. Chính sách phiên thuộc có từ đời Chu. Vua Chu chỉ bắt các phiên thuộc triều cống mình, nhận mình là thiên tử, thế thôi, không can thiệp vào nội chính của họ, bóc lột họ về kinh tế. Ma trong việc triều cống thì Trung Hoa thường “hậu võng bạc lai” nghĩa là không bắt phiên thuộc cống nhiều – mỗi sản phẩm một chút làm tượng trưng thôi – mà tiếp đãi họ thì hậu hĩnh, nuôi cả phái đoàn có khi cả trăm người hằng mấy tháng rồi khi họ về, lại tặng gấm vóc, vàng ngọc cho vua của họ, và cả cho họ nữa. Vì vậy trên thực tế, các phiên thuộc không lợi gì mấy cho Tàu. Cũng có thời Trung Hoa phái quan qua cai trị phiên thuộc và bọn quan đó cũng biết đục khoét, nhưng so với bọn thực dân da trắng thì còn kém xa; và nếu dân phiên thuộc cương quyết chống họ, khởi nghĩa đuổi họ về, chém giết hàng vạn quân của họ, rồi lại xin thần phục thì vua họ cũng bỏ qua.
Nhưng trong thời đại xâm lược chủ nghĩa đế quốc thì phiên thuộc rất có ích về mặt quốc phòng và kinh tế, nên nước nào cũng lo bảo vệ. Trung Quốc đã không bảo vệ được chính lãnh thổ của họ thì làm sao bảo vệ được cho phiên thuộc, và các nước này nối tiếp nhau rơi vào tay các đế quốc da trắng. Một số phiên thuộc ở Tấy Bắc đã rơi vào tay Nga rồi.
Bây giờ tới các phiên thuộc ở Nam và Tây Nam.
Trong số các nước này, Việt Nam có vị trí quan trọng nhất đối với Trung Quốc, vì đồng văn với Trung Quốc, che cửa biển phía Nam cho Trung Quốc. Cho nên khi Pháp chiếm chọn Nam Kì, Trung Kỳ, rồi chiếm luôn cả Bắc Kì, hạ thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, lần thứ nhì 1882, triều đình Huế cầu cứu với Trung Hoa thì ở Bắc Kì đã có dư đảng Thái Bình Thiên Quốc, tức bọn Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc trốn qua từ trước. Trung Hoa cũng phái thêm bốn vạn quân các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây qua giúp mình đánh Pháp. Pháp vừa chống cự ở Bắc Việt, vừa đem quân đánh Phúc Châu, Trung Hoa thiệt hại nặng, ở Bắc Việt Pháp thắng vài nơi, nhưng trong trận Lạng Sơn, quân Pháp chết khá bộn, đại bại, tình hình chưa ngã ngũ, nhưng bên Pháp vẫn cương quyết đánh mà bên Trung hoa thì còn bận về Triều Tiên, Tây Tạng, tài chánh thiếu hụt, ngại không muốn kéo dài chiến tranh nên 1885 Thanh đình ra lệnh cho Lí Hồng Chương ký hòa ước Thiên Tân với Patenôtre, công sứ Pháp ở Bắc Kinh.
Trung Hoa thừa nhận các điều ước đã ký kết giữa Việt và Pháp (nghĩa là nhân chủ quyền của Pháp tại Việt Nam) và khai thông biên cảnh Vân Nam (Mông Tự, Man Hoa) làm nơi thông thương.
Sông Hồng Hà thuộc Pháp rồi, Pháp dễ dàng xâm nhập vào miền Nam Trung Hoa. Trước đó, khi mới chiếm được Nam Kì, Cao Miên, Lào, Pháp cũng đã thám hiểm sông Cửu Long (Trung Hoa gọi là sông Mê Kông) để tìm đường xâm nhập vào Vân Nam, nhưng sông này nhiều thác lớn quá (như thác Khônẹ ở Hạ Lào) tới nay vẫn chưa dùng được.
• Miến Điện.
Miên thần thuộc Trung Quốc từ lâu, khi Anh chiếm được Ấn Độ (giữa thế kỷ XIX) rồi, thường xảy ra nhiều chuyện rắc rối giữa Anh và Miến. Năm 1882 vua Miến đãi Pháp là tối huệ quốc, cho lập ngân hàng, khai mở đặt đường sắt. Anh biết được hoảng sợ, năm 1885, nhân lúc Pháp bận chiến tranh với Trung Hoa, đem binh chiếm ngay Miến, bắt vua Miến đem giam ở Ấn Độ. Nhiều thổ ti Miến cầu cứu Trung Quốc, Thanh chỉ sai sứ sang Anh để kháng nghị. Anh chịu thay vua Miến nộp lễ cống cho Thanh, còn đất Miến thì Anh vẫn chiếm. Lạ lùng thay!
Nhưng năm sau, vì Thanh đụng đầu với Anh ở Tây Tạng, nên nhường luôn Miến cho Anh, nhận chủ quyền của Anh ở Miến.
• Xiêm
Xiêm cũng là thuộc quốc của Trung Hoa. Từ đầu Minh, các vua Xiêm đều cung thuận; nhưng từ khi có loạn Thái Bình, Xiêm không vào cống nữa.
Nhờ vị trí là trái độn giữa Anh (Miến) và Pháp (Việt Nam) mà Xiêm được độc lập. Anh cũng thèm sông Cửu Long lắm, nhưng Pháp đã chiếm Lào, Miên rồi, bảo sông đó thuộc về Việt Nam tức là thuộc về Pháp, Anh không tranh nữa. Xiêm khỏi nộp cống cho Trung Quốc và từ đó Xiêm, Hoa tuy cùng biên giới mà tuyệt nhiên không quan hệ gì với nhau.
• Tây Tạng
Làm chủ Ấn Độ rồi, Anh dòm ngó Tây Tạng, nhưng giữa Ấn và Tạng có ba nước Népal, Sikkim và Bhutan đều ở chân dãy núi Hi Mã Lạp Sơn, làm rào giậu cho Tạng.
Năm 1816, Népal bị Anh xâm lấn, Trung Quốc không cứu, nước ấy phải phụ thuộc vào Anh, nhưng vẫn 5 năm qua cống nộp một lần.
Năm 1839, anh dần dần lấn Sikkim ở sát Népal, làm đường xe lửa, Sikkim thành thuộc quốc của Anh.
Năm 1856, Bhutan bị Anh đánh thua, Bhutan phải cắt đất cầu hòa.
Năm 1901, Trung, Anh, Ấn, Tạng cùng ký một điều ước định địa giới cho nhau. Tây Tạng còn nhiều bộ lạc phụ thuộc nữa, trước sau cũng bị Anh chinh phục.
8. Trung – Nhật chiến tranh.
Theo gót bộ ba Anh, Pháp, Nga, thực dân da vàng Nhật cũng nhảy vào chia phần. Họ làm ăn thận trọng và có kế hoạch. Mới đầu để thử xem sự phản ứng của Thanh ra sao đã.
Ở Tây Nam nước Nhật có quần đảo Lưu Cầu, mà vua đã chịu Trung Quốc phong vương, rồi lại xin qui phục Nhật. Năm 1871, một nhóm người Lưu Cầu đi thuyền, gặp bão, trôi giạt đến Đài Loan, bị thổ dân Đài Loan giết. Nhật đem việc đó trách Trung Quốc. Thanh đình muốn tránh sự lôi thôi, bảo thổ dân Đài Loan không chịu sự giáo hóa của nước mình, nghĩa là mình không chịu trách nhiệm về hành động của họ, coi họ không phải là dân của mình. Nhật Bản nắm ngay cơ hộ, đem binh đến đánh thổ dân Đài Loan, buộc Trung Quốc phải bồi thường binh phí 40 vạn lạng và cấp tuất cho nạn nhân 10 vạn lạng nữa, hiệp ước ký kết rồi Nhật mới chịu rút quân. Hai năm sau, họ chiếm luôn quần đảo Lưu Cầu, đặt thành một huyện (huyện Xung Thằng, Okinawa) – Thanh phản đối, nhưng rồi cũng phải nhượng bộ.
Thấy nhà Thanh khiếp nhược, Nhật khinh thị Trung Quốc, tiến thêm bước nữa, lần này thì dòm ngó Triều Tiên mà cuối đời Minh, họ đã muốn chiếm rồi, nhà Minh mất năm năm, hao rất nhiều quân và tiền bạc mới đuổi được.
Triều Tiên là phiên thuộc cố cựu và quan trọng nhất của Trung Hoa, che đỡ cho Trung Hoa ở phía đông bắc, văn hóa cao hơn Nhật, đầu đời Thanh đã đổi quốc hiệu là Hàn. Đời Đồng Trị, Quang Tự, vua chúa Triều Tiên tri thức hẹp hòi, cố giữ chính sách bế quan tỏa cảng, cự tuyệt mọi yêu cầu thông thương của các nước Âu, Mỹ. Các nước này yêu cầu với Thanh. Thanh đình trả lời rằng không can dự vào nội chính Triều Tiên. Nhật thừa cơ hội đó, tìm cách gây hấn.
Năm 1875, Nhật mới duy tân được mấy năm mà đã dùng những chiếc tàu biển tối tân, ngược dòng sông đưa tới Hán thành, kinh đô Triều Tiên cố ý gây chuyện. Quân trong đồn Triều Tiên có súng cản, viên thuyền trưởng Nhật tức thì phản kháng kịch liệt với nhà cầm quyền Thanh. Thời đó mà Trung Hoa chưa có bộ Ngoại giao, mọi việc giao thiệp với nước ngoài đều giao cho Tông lí nha môn (nghĩa là nhà coi chung về mọi việc) mà nhân viên thường ít học.
Khi viên thuyền trưởng Nhật lại chất vấn, một nhân viên trong Nha môn đáp rằng Triều Tiên tuy là phiên thuộc của Trung Hoa thật, nhưng Trung Hoa không chịu trách nhiệm về vụ đó, vì đó là việc riêng của Triều Tiên.
Nhật dựa ngay vào lời đó để bắt Triều Tiên nhận rằng mình là một nước độc lập, và Nhật bắt Thanh đình phải chấp nhận sự độc lập của Triều Tiên. Lúc đó Tổng lí nha môn mới thấy mình hố. Vậy là Nhật đã thắng được keo đầu, nhờ quỉ quyệt, mà Thanh thì khờ khạo.
Qua ngày sau Nhật dùng chính sách “chia để trị”. Họ tìm cách chia rẽ nội bộ Triều Tiên. Triều Tiên cũng như Trung Hoa, có hai phe: Canh tân và thủ cựu. Nhật ủng hộ phe canh tân. Một tướng Nhật được Triều Tiên nhờ thành lập một đạo quân tân thức, viên tướng đó trong một vụ gây lộn bị chết. Vậy là Nhật có cớ để đem quân vô đóng ở kinh đô Triều Tiên. Năm 1884 bọn lính Nhật xúi phe canh tân nổi loạn, hoàng hậu Triều Tiên bị giết. Triều Tiên yêu cầu Trung Hoa đem quân qua dẹp loạn giùm. Quân Trung Hoa qua lập lại được trật tự.
Nhật bèn phản kháng Trung Hoa, nhắc Thanh đình rằng Triều Tiên độc lập, sao lại can thiệp vào nội bộ của họ. Nhật và Trung điều đình với nhau, cả hai đều rút quân về, hứa nếu Triều Tiên nhờ một nước nào giúp thì nước đó phải hỏi ý kiến nước kia trước đã. Vậy là Nhật thắng keo nhì: Bắt Trung Hoa phải đãi mình ngang hàng, chia quyền với mình ở Triều Tiên.
Năm 1894, đảng Đông học (theo Khổng, Lão, Phật) nổi loạn, Triều Tiên cầu cứu Trung Quốc, Thanh vội vàng đem quân qua dẹp trong khi quân Nhật chưa lên đường. Nhật nổi giận, bào Trung Quốc không giữ lời hứa. Tổng lí nha môn đáp rằng chỉ qua giúp Triều Tiên thôi chứ làm gì đâu, và sẵn sàng rút quân khỏi Triều Tiên, nếu Nhật cũng rút quân về.
Nhật đã chuẩn bị chiến tranh từ mấy năm trước rồi, bây giờ tấn công quân Trung Hoa, đuổi khỏi Triều Tiên, rồi tiến cả vào đất Trung Hoa nữa trong khi hải quân Nhật đánh tan tành hạm đội Bắc dương của Thanh ở gần Uy Hải Vệ, tung hoành ở Hoàng Hải. Các nước Âu Mĩ ngạc nhiên, sao mà bọn “lùn” dễ mau cường thịnh như vậy được. Rồi Nhật chiếm luôn Lữ Thuận (quân cảng vào hạng nhất của Trung Hoa) bán đảo Liêu Đông, đưa hạm đội xuống Nam chiếm đảo Bành Hồ, tức Đài Loan.
Thanh đình hoảng hốt, xin điều đình. Tháng 3 năm 1899 điều ước Mã Quan (Shimoneseki) được ký kết giữa Lí Hồng Chương và Y Đằng Bắc Văn (Nhật) Trung Hoa phải thừa nhận:
1. Thừa nhận Hàn Quốc (Triều Tiên) độc lập, thoát khỏi Trung Quốc.
2. Cắt nhượng cho Nhật nam bộ Phụng Thiên (từ cửa sông Áp Lục đến cửa sông Liêu), và bán đảo Liêu Đông, nhượng thêm Nhật đảo Đài Loan, đảo Bành Hổ ờ phía Tây Đài Loan, và các đảo phụ thuộc.
3. Bồi thường 200.000.000 lạng quân phí cho Nhật, tam thời Nhật chiếm Uy Hải Vệ, đợi Trung Hoa trả đủ khoản rồi sẽ triệt thoái.
4. Bỏ hết các điều ước bất bình đẳng từ trước giữa Trung Hoa và Nhật.
5. Người Nhật được lập công xưởng ở các thương khẩu, các hóa vật Nhật chế tạo được hưởng điều kiện tối huệ quốc về thuế khóa.
Khoản 1 tước mất phiên thuộc cuối cùng còn lại của Trung Quốc. Khoản 2 đau xót nhất, như cắt mất khuỷu tay (Liêu Đông) của họ. Khoản 5 rất tai hại cho kinh tế Trung Hoa; Nhật rồi các nước khác nữa cũng sẽ đòi được như Nhật, mà hóa phẩm Trung Quốc tạo ra không sao cạnh tranh được với hóa phẩm của họ, dan chúng mất một nguồn lợi lớn hơn nguồn lợi về quan thuế nữa.
Nhân dân Đài Loan muốn tự chủ, không chịu phụ thuộc về Nhật, lập Đài Loan dân chủ, cử một viên tuần phủ làm tổng thống, quân Nhật đến đánh, Tổng binh là Lưu Vĩnh Phúc (Cờ đen) giữ miền Nam được ít tháng rồi toàn đảo bị Nhật chiếm.
Ba nước can thiệp vào Liêu Đông.
Với đủ lông đủ cánh mà Nhật hăng quá, nên các cường quốc Âu đâm ngại. Lí Hồng Chương khôn khéo, một mặt cùng với Nhật đàm phán, một mặt thông cáo 5 khoản trên cho các công sứ Âu ở Bắc Kinh biết, mong rằng họ sẽ can thiệp để ngăn Nhật khuếch trương thế lực, nếu không sẽ bất lợi cho họ.
Nước hăng hái can thiệp nhất là Nga, Nga đương muốn tìm một lối thông qua Thái Binh Dương. Họ đã chiếm được cảng Hải Sâm Uy (Vlodivostok) rồi, nhưng cảng đó gần như suốt năm đóng băng, rất bất tiện, lại dễ bị quân Nhật uy hiếp, nên họ tiến xuống phía Nam, có ý dòm ngó Đông Tam Tỉnh, tức ba tỉnh ờ phía Đông Bắc Trung Quốc: Tỉnh Phụng Thiên (bán đảo Liêu Đông), tỉnh Cát Lâm và tỉnh Hắc Long Giang. Nay Nhật phỗng tay trên một phần bán đảo Liêu Đông, làm hỏng kế hoạch của Nga, nên Nga quyết tâm can thiệp. Lúc đó Nga và Pháp đồng sinh với nhau, nên Pháp ủng hộ Nga. Đức, kỹ nghệ phát triển mạnh, cũng đương tìm thị trường hoặc một đất thực dân, nên sẵn sàng đứng về phía Nga, Pháp đã gây thế lực, giúp họ phen này, sau họ sẽ giúp lại. Chỉ có Anh là không ưa Nga, có lẽ mong cho Nhật chiếm Liêu Đông để cản trở Nga, nên đứng ngoài.
Rốt cuộc ba nước Nga, Pháp, Đức cùng đưa ra kháng nghị. Riêng Nga tích cực chuẩn bị chiến tranh với Nhật. Nhật tuy thắng nhưng cũng đã hao tốn nhiều, tự xét không sao chống cự nổi ba nước lớn đó, nên đành nhượng bộ: Trả lại Liêu Đông cho Trung Hoa và Trung Hoa phải bồi thường cho Nhật 30 triệu lạng.
Thanh đình và dân Trung Quốc mừng rơn, còn Nhật thì căm Nga, âm thầm tìm cơ hội trả thù, gây ra nhiều chuyện rắc rối sau này.
Tóm lại, tới đây bao nhiêu phiên thuộc của Trung Hoa bị các cường quốc chiếm hết. Trung Hoa bị vậy khắp bốn mặt: Phía Bắc là Nga, phía Tây và Nam là Anh, Pháp, phía Đông, dọc bờ biển từ Nam tới Bắc là Anh, Pháp và Nhật (coi bản đồ tr.253 bis) trong tiết sau, chúng ta sẽ thấy liệt cường bè nhau “qua phân” Trung Quốc ra sao.
9. Liệt cường qua phân Trung Quốc.
Sau vụ Nga can thiệp vào bán đảo Liêu Đông, Thanh đình cảm kích Nga vô cùng, quên hết vụ bị Nga ức hiếp ở Hắc Long Giang và I Lê trước kia, mà coi Nga là bạn than. Vì tài chánh vô cùng quẫn bách Thanh hỏi vay tiền của nước ngoài, không nước nào chịu. Nga lại ban ơn cho lần nữa, đứng ra bảo đảm cho nhà Thanh vay được 40.000.000 quan Pháp của Pháp Nga ngân hang. Nga khuyên Trung Quốc kết đồng minh với mình, như vậy mới chống lại Nhật, vì thế nào Nhật cũng trở lại uy hiếp một lần nữa. Năm 1896, nhân có lễ gia miện (đăng quang) của Nga hoàng Nicolas II, công sứ Nga thuyết phục Thanh phái Lí Hồng Chương qua mừng, nhân tiện hai nước k‎ mật ước với nhau:
    - Nếu Nhật xâm chiếm Nga, Trung Quốc, Triều Tiên thì Nga, Trung Quốc đem thủy lục quân giúp đỡ nhau, trong lúc chiến tranh, khi khẩn yếu, Trung Quốc cho binh thuyền Nga vào đậu ở các cửa biển của mình.
    - Cho Nga làm con đường xe lửa ở Sibérie, đi ngang qua Hắc Long Giang, Cát Lâm đến Hải Sâm Uy, và dùng đường ấy chở binh lương, khí giới.
Sau 1897 lại k‎ thêm hiệp định nữa cho Nga:
    - Đóng quân theo đường xe lửa đó.
    - Khai thác các mỏ ở núi Trương Bạch tại Hắc Long Giang và Cát Lâm.
    - Để sĩ quan Nga luyện binh ở Đông Tam Tỉnh cho.
    - Trung Hoa có muốn làm đường xe lửa ở Đông Tam Tỉnh thì theo cách thức của Nga.
Như vậy là cả miền Đông Bắc Trung Hoa bị Nga khống chế. Nga thật thâm hiểm mà Thanh thật khờ khạo.
Tuy là mật ước không tuyên bố mà liệt cường đều biết hết. Tức thì họ nhao nhao lên bắt Thanh phải cho họ thuê đất.
    - Nhân có hai giáo sĩ Đức bị loạn dân giết ở Sơn Đông, Đức đem binh thuyền chiếm cứ Giao Châu Loan (1897); kết quả Thanh phải cho Đức thuê Giao Châu Loan trong 99 năm, cho Đức được quyền làm đường xe lửa từ giao Châu Loan tới Tố Nam (Thủ phủ của tỉnh Sơn Đông) và được khai thác các mỏ ở trong 30 dặm hai bên đường. Thế là tỉnh Sơn Đông thuộc phạm vi thế lực của Đức.
    - Năm sau 1898, Anh cũng được Thanh cho thuê hải cảng Uy Hải Vệ trong 25 năm, rồi đất Cửu Long ở sau Hương Cảng trong 99 năm.
    - Pháp đâu chịu lép, năm 1899, nhân có võ quan và giáo sĩ Pháp bị giết ở một huyện thuộc Quảng Đông, Pháp đem binh thuyền vào Quảng Châu Loan, và Thanh phải cho họ thuê cũng 99 năm. Đã được làm đường xe lửa Lào Cai – Vân Nam rồi, Pháp lại xin làm đường xe lửa Quảng Tây – Trùng Khánh nữa.
    - Nhật đã chiếm Đài Loan rồi, tự cho rằng tỉnh Phúc thuộc phạm vi thế lực của mình, yêu cầu Thanh đình không được cho nước nào thuê đất ở đó.
    - Ý chậm chân nhất, năm 1898 cũng đem hạm đội tới yêu cầu thuê ba hải khẩu ở tỉnh Triết Giang, Thanh cự tuyệt. Ý gởi tối hậu thơ, Thanh càng phẫn uất, quyết chiến. Anh cho Ý hay không nên dùng võ lực. Ý phải nghe lời, bẽn lẽn rút hạm đội về.
Tóm lại, Trung Quốc không khác một miếng thịt trên thớt, mạnh ai nấy cắt xẻo; hoạc nói như chính người Trung Hoa, như “ một trái dưa, mạnh ai nấy xẻo” (qua phân).
Họ thuê đất mà còn bắt chủ đất k‎ giao kèo không cho nước khac thuê những miếng bên cạnh. Chẳng hạn, khi thuê Quảng châu Loan, Pháp yêu cầuThanh không được đem đảo Hải Nam và các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tâ, Vân Nam nhường nước nào khác. Anh cũng xin không được nhường các tỉnh hai bờ song Dương Tử cho ai. Vậy là họ cắt xẻ Trung Hoa thành nhiều phạm vi thế lực (coi những mũi tên trên bản đồ - Liệt cường xâu xé Trung Hoa) mà chính Trung Hoa gần như chẳng giữ được chủ quyền ở khu nào cả, ngoài những miền núi rừng xa xôi ở Tây và Tây Bắc. Trong lịch sử, chưa từng thấy vụ nào mà các nước đồng lõa với nhau để hút máu, rút xương nước khác một cách trâng tráo và có tổ chức như vậy. Bấy giờ Thanh đình mới thấy cái hại k‎ mật ước với Nga ra sao. Trung Quốc thành một bán thuộc địa, tệ hơn nữa, như Tô Văn nói, thành nô lệ của liệt cường, chúng bắt sao phải làm vậy. (1)
    - Mĩ (thời đó đã chiếm được Phi Luật Tân), ở Trung Hoa chỉ có ảnh hưởng về tài chánh, không có phạm vi thế lực, không có binh bị, thấy các nước kia hăng quá, sợ sẽ sinh ra xung đột, nên gởi thong điệp cho Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Ý đề nghị:
    - Các nước đã được phạm vi lợi ích, tô tá địa hoặc quyền lợi gì khác thì phần ai nấy giữ, không được can thiệp đến nhau.
    - Trong thương cảng thuộc phạm vi các nước, hang hóa nước khác đem vào phải tuân theo ngạch quan thuế hiện hành của Trung Quốc, và do Trung Quốc trưng thu.
    - Trong thương cảng thuộc phạm vi các nước, đối với thuyền tàu nước khác vào, không được đánh thuế nhập khẩu cao hơn thuế suất đánh vào thuyền tàu nước mình; vận khí bằng xe lửa cũng vậy.
Chính sách đó người Hoa gọi là: khai phóng môn hộ (2) (mở các nơi cho các nước được chở hang hóa vào bán) cơ hội đẳng quân (trừ quyền lợi các nước đã có rồi, sau có quyền lợi gì khác thì các nước được hưởng ngang nhau); bảo toàn lãnh thổ (giữ cho lãnh thổ được toàn vẹn).
Anh Chấp thuận trước tiên rồi tới các nước khác chỉ trừ Nga là trả lời một cách mập mờ, lừng khừng. Trung Hoa mừng nhất.
(1) Cuối Thanh, sinh viên thường hát một bài mà câu cuối như sau:
“Chúng – Thanh đình – đòi làm chủ chúng ta mà chính chúng làm nô lệ cho ngoại nhân:
(2) Tiếng Anh là The open door policy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét