XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2024

Nười dân năm eo

 


Nhìn vào bản đồ Việt Nam hình cong chữ S có một nơi eo thắt nhất đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên, là mảnh đất đầy bom đạn khói lửa của chiến tranh nên bạn bè vui gọi tôi là “dân Năm Eo vừa  nghèo vừa khó”.

“Khu V dằng dặc khúc ruột miền Trung”, với tôi là cả eo đất trải dài bên bờ biển Đông từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đến Phú Yên, Khánh Hòa... Eo đất đối mặt với biển, với bão giông, gió quật, lưng tựa  vào dãy Trường Sơn cao ngất, lởm chởm những đốt sống giăng mành, sừng sững, uy nghiêm. Eo đất miền Trung góp phần làm nên dáng vóc Việt Nam, cong cong hình dáng mẹ tuổi xế chiều, cong cong chiếc đòn gánh... gánh cả sơn hà, gánh cả hai đầu Bắc - Nam.

Cuộc sống người dân “5 eo” quanh năm đối mặt với bão lũ, thiên tai

Vâng, cái dải đất nhỏ hẹp eo thon thuộc Khu V ấy mà nhiều người vẫn gọi vui là “đất 5 eo” là nơi sinh ra tôi, nơi tôi đầy ắp kỷ niệm. “Eo” có nghĩa là eo thắt về mặt địa lý, nhưng cũng là eo thắt, ngặt nghèo của cuộc sống luôn phải đối mặt với “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu cơm”. Nơi đó có những  bãi cát mênh mông/ mẹ gánh gồng nặng nhọc/ cha gù lưng lọc cọc đẩy xe thồ/ Mùa nắng ruộng khô, khô cả ao hồ/ Dải đất nghèo con mang theo vào ký ức/ bờ vực nằm kề vách núi cheo leo/ Xóm thôn nghèo người lam lũ xác xơ/ Giấc ngủ trẻ thơ cơn gió Lào đánh thức.

Đường về miền Trung loanh quanh, khúc khuỷu, ai có biểu ai đâu mà sao nặng trĩu ân tình. Dải đất miền Trung hay dải đất quê mình ?! Dải đất miền Trung lũ chồng bão lũ/ Quạt đuổi gió lào canh giấc ngủ con thơ/ Đường về miền Trung như thực như mơ/ Nắng táp bờ vai, bụi cài mi mắt/ Se thắt lòng ai mỗi lần trở lại, thương quá là thương dải đất kiên cường. Ơi miền Trung/ Dải đất kiên gan anh hùng/  Vượt ngàn gian nan nắng mưa bão bùng/ Lòng người kiên trung quyết không đổi dời/ Ơi miền Trung/ Vượt qua bão lũ ra sức dựng xây / Người đi xa, nơi phương ấy có hay/ Dải đất này đang thay đổi ngày đêm.

Trong chiến tranh, quê tôi là một phần của Khu 5 ngày xưa, nơi mà bom đạn Mỹ đổ xuống hàng ngày hàng giờ không sao kể xiết. Chính vì vậy mà dân ta có câu “Nhất Củ Chi nhì Gò Nổi (Quảng Nam) để nói lên tội ác và sự tàn khốc của chiến tranh với giặc Mỹ.

Tôi đã trải qua những năm tháng dãi dầu trên mảnh đất khô cằn khắc nghiệt, không những bởi khí hậu thiên nhiên mà còn gánh thêm bom đạn chiến tranh để lại. Cho dù cuộc sống có những lúc thăng trầm, những mất mát, sự đau thương luôn ám ảnh cả cuộc đời tôi, mà cụ thể là mảnh đạn còn ghim trong đầu chưa lấy ra được, lại thêm những cánh tay bàn chân không có cách nào phục hồi. Tôi cũng còn may mắn hơn những đồng đội, bà con xóm giềng khi họ trở thành nạn nhân của chất độc da cam mà con cháu của họ sinh ra không lành lặn, người thì nhũn não, người thì cong vẹo chân tay hoặc không biết nói. Vì cha mẹ họ đã bị phơi nhiễm thứ chất độc quái ác của giặc Mỹ rải xuống trên mảnh đất 5 eo .

Một thời là những người chiến sĩ cách mạng, chấp nhận hy sinh, bỏ quên thân mình để giành lại từng tấc đất cho quê hương, cho Tổ quốc nhưng bản thân họ và con cháu lại gánh chịu biết bao tai ương vì bệnh tật.

Chính vì thế cần lắm những tấm lòng biết cảm thông và chia sẻ phần nào những mất mát to lớn đó, về cả tinh thần lẫn vật chất để họ có thêm điểm tựa và động lực đi hết cuộc hành trình gian nan do hậu quả chiến tranh còn để lại hôm nay. Có như thế thì chúng ta, những người đã may mắn thừa hưởng những thành quả và những vinh quang của độc lập tự do mới tìm được một góc thanh thản và ấm lòng trong tâm hồn khi nghĩ về những chiến tích xưa kia đã được đổi bằng biết bao máu và nước mắt của những thế hệ đi trước.

 Theo Cựu Chiến Binh

LÊ KHÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét