Giáo sư Lê Quang Sách
(Cao Đài giáo Hải ngoại, 2007)
CHƯƠNG I: Ý NGHĨA của HAI CHỮ CAO ĐÀI
Giống với hầu hết mọi từ ngữ, hai chữ Cao Đài vừa tượng trưng cho một thực tại vừa bao hàm khái niệm. Tuy thế, hơn hẳn các từ ngữ khác, hai tiếng Cao Đài chứa đựng một nội dung thiêng liêng vì đó là danh xưng của một tôn giáo hiện có hơn bốn triệu tín đồ trên địa cầu và hàng ngàn thánh thất, tịnh thất ở trong nước Việt Nam cùng trên khắp thế giới tại những đô thị lớn có người Việt hải ngoại cư ngụ. Giáo thuyết của tôn giáo này được trình bày giản dị mà sáng sủa trong các văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ, Anh ngữ, Đức ngữ, v.v.
Vậy Cao Đài là gì? Cao là ở trên cao, cũng có nghĩa là tài giỏi. Đài là cái đài, cái tháp.
Trước tiên, Cao Đài có nghĩa là một cái đài cao đặt ở cõi thiêng liêng, nơi Đấng Thượng đế Chí tôn ngự mỗi khi Ngài chủ trì Đại hội Thiên cung.
Thứ đến, Cao Đài mang ý nghĩa tối thượng, trọng đại hơn mọi sự vì đó là danh xưng của chính Ngọc hoàng Thượng đế, Đấng Chí tôn. Ngài là Thầy, là Đấng Tạo hóa cõi vũ trụ, trong đó chúng ta cùng với muôn loài muôn vật đang sống. Ngài là Đấng Tạo dựng các vị giáo chủ, cũng là vị hiền phụ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật khắp Càn khôn Vũ trụ.
Sau cùng, Cao Đài còn là tên gọi được Đấng Chí tôn đặt cho một tôn giáo do chính Ngài đích thân thành lập và trực tiếp ban thánh ý mọi mặt, đó là: Cao Đài Đại đạo Tam kỳ Phổ độ.
CHƯƠNG II: LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI
Lịch sử
xuất hiện của đạo Cao Đài gắn liền với tên tuổi của Đức Ngô Văn Chiêu, người về
sau được cung kính gọi là Ngài Ngô Minh Chiêu (1878-1932).
Ngài có
xuất xứ từ một dòng dõi quan lại ở Huế, đến đời thân phụ là ông Ngô Văn Xuân
thì đã suy nên chuyển tới cư ngụ tại khu Hòa Hưng (Sài Gòn), sau đó ông kết hôn
với bà Lâm Thị Quý, còn có tên gọi là Lâm Thị Tiền; Đức Ngô Văn Chiêu là con
trai duy nhất của ông bà. Ngài ra đời trong quãng thời gian song thân chạy loạn
lên tạm cư ở Bình Tây, Chợ Lớn. Học xong trường Chasseloup Laubat, Ngài vào làm
công chức tại Dinh Thượng thư Nam Kỳ [tức Nha Giám đốc Nội vụ (Direction de
L’Intérieur) thời Pháp thuộc; nay là tòa nhà trụ sở Sở Thông tin-Truyền thống
và Sở Công Thương, địa chỉ số 59-61 Lý Tự Trọng, quận Nhất, TP HCM, ngay góc
đường Đồng Khởi]. Trong thời gian làm việc, Ngài nổi tiếng là người cực kỳ liêm
khiết; tính nết trầm tĩnh thanh cao khác hẳn những kẻ mê danh tham lợi, vì vậy
Ngài rất được người đời mến phục.
Vào thập
niên 1910, trong thời gian Đức Ngô Văn Chiêu chuyển về làm việc tại Tòa Hành
chánh tỉnh Tân An, ở đó chớm nở phong trào cầu cơ thỉnh Tiên. Sốt sắng hưởng
ứng phong trào đó, Ngài thường chung tay với các thân hữu, cùng nhau xây đàn
cầu cơ để cầu xin các bài thuốc chữa bệnh. Năm 1920, trong một lần cầu cơ, Ngài
được một vị Tiên Ông nhập cơ, tự xưng là Tiên Ông.
Tới
tháng 10 năm 1920, sau tám tháng làm việc tại nhiệm sở mới là Tòa Hành chánh
tỉnh Hà Tiên, Ngài Ngô Văn Chiêu thuyên chuyển ra đảo Phú Quốc làm quận trưởng
suốt bốn năm liền. Trong thời gian này, Ngài thường lên núi Đơn Dương cầu cơ
thỉnh Tiên. Có một vị Tiên Ông giáng cơ yêu cầu Ngài rằng nếu chịu ăn chay, bắt
đầu và liên tục suốt mười ngày, rồi tiếp đó, trường trai suốt ba năm, thì vị ấy
sẽ thu nhận Ngài làm đệ tử.
Theo lời
kể lại trong cuốn Lược Sử Đạo Cao Đài của Hội thánh Truyền giáo Cao Đài in năm
1956 tại Đà Nẵng thì:
“Ngài
[Đức Ngô Minh Chiêu] bắt đầu trường trai học đạo kể từ ngày 8.2.1921 và Ngài
được Tiên Ông chỉ giáo về tâm pháp bí truyền và dạy lo tu luyện để chờ tới ngày
khai đạo.
“Trong
thời gian tu luyện Ngài đã chứng ngộ được nhiều điều huyền diệu thiêng liêng kỳ
lạ. Một chiều nọ, trong khi đang đi dọc theo ven biển trong trầm tư mặc tưởng,
Ngài bỗng thấy xuất hiện ở chốn xa xa cảnh giới bồng lai rất thanh tịnh trang
nghiêm và đẹp đẽ.
“Cũng
trong năm 1921 (Canh Thân) ấy, một hôm, trong khi Ngài đang ngồi trầm tư mặc
niệm tại nhà mình, bỗng nhiên có một ‘Con Mắt’ sáng ngời muôn vạn ánh hào quang
từ xa hiện đến chói lọi trước mắt Ngài, mỗi lúc một gần, rồi dần dần biến mất.
“Sau đó
trong một đàn cơ dạy đạo, Tiên Ông ấy mới xưng rõ ràng danh hiệu của mình là
Ngọc hoàng Thượng đế, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ tát Ma-ha-tát giáng trần
chuyển khai Đại đạo kỳ ba [Tam kỳ] và dạy Ngài vẽ một Thánh Nhãn [còn gọi là
Thiên Nhãn] y như Ngài đã được thấy, để thờ làm biểu hiệu của nền Tân Chánh
giáo.
“Thế là
Đức Ngô Minh Chiêu đã trở nên vị môn đồ đầu tiên của Đức Thượng Đế; Ngài thụ
lãnh sứ mạng gieo truyền nền đạo mới tại thế gian.
“Ngày
30.7.1924, Ngài thuyên chuyển về làm việc tại Sài Gòn. Cuối năm 1925 (Ất Sửu)
Ngài gia tâm gieo truyền mối đạo mới; trước hết Ngài phổ độ các ông Vương Quan
Kỳ, Nguyễn Văn Hoài, Võ Văn Sang, Đoàn Văn Bản và nhiều vị khác nữa nhập đạo.
“Từ đây
trên đường tu tiến do Thiêng liêng dạy bảo, Đức Ngô Minh Chiêu đã được ấn chứng
rất nhiều về tâm pháp bí truyền Đại Đạo; Ngài đã xuất thần hóa độ những bậc đại
căn và nhập cơ dạy đạo nhiều nơi trong một lúc.”
oOo
Khoảng thời gian đó phong trào xây
đàn cầu cơ cũng nở rộ khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Có một nhóm người
khác, do sự thúc đẩy của Đấng Thiêng liêng, thường tụ họp nhau xây bàn thỉnh
các hương linh để được có thêm nhiều hiểu biết về thế giới vô hình. Nhóm này
gồm bốn vị công chức làm việc tại Sài Gòn, trong đó có Ngài Phạm Công Tắc; các
Ngài thường xây bàn tại nhà của Ngài Cao Hoài Sang ở phố Hàng Dừa, gần chợ Thái
Bình, và được nhiều Đấng vô hình giáng bàn để tạo đức tin. Sau đó, có một Đấng
vô hình tá danh là A Ă Â giáng bàn, yêu cầu các Ngài gọi là Thầy, và Đấng ấy
thu nhận bốn Ngài làm đồ đệ. Tới đêm lễ Giáng sinh (Nô-en) năm 1925, Đấng A Ă Â
xưng rõ danh hiệu là:
“NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI giáo đạo Nam Phương.”
và có
dạy rằng:
“Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân thiêng
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn bền.
“Đêm nay
phải vui mừng, vì là ngày Ta giáng trần dạy đạo bên Thái Tây, Ta rất vui lòng
đặng thấy chư đệ tử kính mến Ta như vậy. Nơi nầy sẽ đầy ơn Ta, Ta sẽ làm cho
thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.”
Tới ngày 18 tháng Giêng năm 1926, Đức
Chí tôn dạy Ngài Cao Quỳnh Cư và Ngài Phạm Công Tắc đem Ngọc cơ tới nhà Ngài Cựu Hội đồng Thượng
nghị viện Đông Dương Lê Văn Trung để đích thân Thầy độ Ngài Trung. Sau đêm ấy,
nhóm phò cơ này có được bảy vị. Đó là các Ngài Cao Hoài Sang; Ngài Phạm Công
Tắc; Ngài Cao Quỳnh Cư; Ngài Lê Văn Trung; Ngài Nguyễn Trung Hậu; và Ngài
Trương Hữu Đức.
Lúc đó, nhóm này hoàn toàn chưa biết
tới nhóm của Ngài Ngô Văn Chiêu, vì vậy họ chưa từng liên lạc hay tiếp xúc với
Ngài Chiêu.
oOo
Ngang đây, tưởng cũng nên dừng lại một
chút để nói tới tiền bối Lê Văn Trung, người sẽ là Quyền Giáo tông tại thế của
Đạo Cao Đài suốt một quảng thời gian bốn năm sau ngày khai đạo.
Ra đời ở
Chợ Lớn năm 1876, Ngài Lê Văn Trung là con của một quả phụ từ năm mới 30 tuổi
mà đã giữ tiết trọn đời thờ chồng. Ngài có dung mạo đẹp đẽ, vóc người cân đối,
tính tình hòa nhã mà cương quyết. Ngài ăn ở rất có hiếu với mẹ hiền, cư xử tốt
đẹp với bà con anh em, và đặc biệt, rất quí chuộng Nho học.
Năm
1894, sau khi tốt nghiệp trường Chasseloup Laubat, Ngài vào làm Thư ký tại Dinh
Thống đốc Nam kỳ. Tới năm 1906, Ngài từ chức để ra ứng cử vào Hội đồng Quản hạt
Nam kỳ. Ngài được dân chúng bầu làm đại diện cho các tỉnh Sài Gòn, Gia Định,
Chợ Lớn, Gò Công và Tây Ninh suốt hai khóa liên tiếp kéo dài tám năm.
Trong
địa vị đại diện dân cử, Ngài Lê Văn Trung là người cương trực, dám đấu tranh
nghị trường với người Pháp tới độ tự ý từ chức, rồi sau được dân chúng bầu lại.
Ngài bênh vực quyền lợi của dân chúng, làm nhiều công tác văn hóa xã hội, trong
đó đặc biệt có việc khởi xướng, cổ vũ và quyên góp tiền bạc xây dựng trường Nữ
Trung học đầu tiên của Sài Gòn, về sau đổi tên là trường Gia Long, hiện nay là
trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tọa lạc tại số 275 đường Điện Biên Phủ, Quân
3, TP HCM.
Ngài Lê
Văn Trung được chính phủ Pháp tặng Bảo quốc Huân chương Đệ Ngũ đẳng. Tới năm
1914, Pháp cử Ngài lên làm Nghị viên Hội đồng Soái phủ Đông Dương, thường được
gọi là Hội đồng Thượng nghị viện Đông Dương.
Từ năm 1920, việc kinh doanh của Ngài
Lê Văn Trung lâm hoàn cảnh khó khan, thua thiệt, rồi hoàn toàn bế tắc. Vào thời
điểm giao tiếp với nhóm Ngài Phạm Công Tắc, mà như đã nói, trước đó hai bên
chưa hề quen nhau, Ngài Lê Văn Trung đang sống trong tình cảnh phiền muộn chán
nản, đâm ra hút thuốc phiện. Rồi cả hai con mắt của Ngài bị suy yếu, chỉ thấy
lờ mờ; sau khi được Đức Chí tôn độ, Ngài bắt đầu ăn chay, bỏ hút thuốc phiện và
dần dần, đôi mắt được phục hồi, thị lực sáng trở lại.
oOo
Tới ngày 22 tháng Giêng năm 1926, Đức
Chí tôn dạy quí Ngài trong nhóm Ngài Cao Quỳnh Cư phải đến hội họp chung với
nhóm Ngài Ngô Văn Chiêu để lo việc khai mở đạo. Đức Chí tôn còn dạy thêm rằng
mọi việc đều phải khởi xuất từ Ngài Ngô Văn Chiêu, vì Ngài ấy là Anh Cả. Lần
đó, cả hai nhóm tập trung được 12 vị.
Tại đàn
cơ nơi nhà Ngài Lê Văn Trung, đúng vào giờ Tý ngày mùng 1 tháng Giêng năm Bính
Dần (theo dương lịch là 13.2.1926), Đức Chí tôn ban lời Thánh giáo đầu tiên cho
Ngài Ngô Văn Chiêu, căn dặn rằng (1) phải giữ lời hứa truyền Đạo cứu độ chúng
sinh; (2) làm chủ giềng mối Đạo; và (3) dìu dắt các môn đệ. Ngọc hoàng Thượng
đế còn truyền cho những vị khác phải hiệp nhau truyền đạo để cứu độ người đời,
và chuẩn bị cho thời điểm khai đạo. Đêm Mùng Một ấy trở thành là ngày Khai cơ
Phổ độ của Cao Đài Giáo.
Tới đêm
mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng Giêng năm Bính Dần, Lễ Vía Đức Chí tôn được tổ
chức tại nhà của Ngài Vương Quan Kỳ. Trước sự hiện diện đầy đủ của các môn đệ,
Đức Chí tôn giáng cơ dạy Đạo và ban cho một bài thơ bốn câu trong đó bao gồm
đầy đủ tên của cả 12 vị. Theo Thánh ngôn Hợp tuyển, trang 19, bài thơ đó như
sau:
Câu 1:
Chiêu Kỳ Trung độ dẫn Hoài sanh,
Câu 2:
Bản đạo khai Sang Quí Giảng thành.
Câu 3:
Hậu Ðức Tắc Cư Thiên Ðịa cảnh,
Câu 4:
Huờn Minh Mân đáo thủ đài danh.
(Mười
hai chữ in hoa lớn trong ba câu trên là tên của mười hai
người
môn đệ trước hết của Ðức Ngọc hoàng Thượng đế.
Còn ba
chữ in hoa nghiêng nhỏ trong câu chót là tên của ba đồng tử hầu đàn).
(Tên đầy đủ của các vị theo thứ tự trong bài thơ này là:
1/ Ngô
Văn Chiêu (1878-1932);
2/ Vương
Quan Kỳ (1880 – 1940 );
3/ Lê
Văn Trung (1876-1934);
4/
Nguyễn Văn Hoài (?-?);
5/ Đoàn
Văn Bản ((1876-1941);
6/ Cao
Hoài Sang (1900-1971),
7/ Lý
Trọng Quí (?-?);
8/ Lê
Văn Giảng (1876-1941),
9/
Nguyễn Trung Hậu (1892-1961);
10/
Trương Hữu Đức (1890-1976)
11/ Phạm
Công Tắc (1980-1959);
12/ Cao
Quỳnh Cư (1887- 1929).
Từ hôm đó, nhờ sự hoạt động nhiệt
thành của quí Ngài môn đồ đầu tiên, Đạo càng ngày càng bành trướng. Rồi lần
lượt các Ngài Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951); Ngài Lê Bá Trang (1879-1936); Ngài
Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950), v.v. được phổ độ, phân công nhau đi truyền đạo ở
các tỉnh và thành lập những cơ sở đầu tiên cho một công cuộc phổ độ rộng lớn.
Số tín đồ theo Đạo càng ngày càng đông, thành lập nhiều thánh thất rải rác khắp
nhiều tỉnh.
Đến ngày 12 tháng 3 năm Bính Dần
(theo dương lịch là 23.4.1926) Đức Chí tôn ân ban cho Ngài Lê Văn Trung là
Thượng Đầu sư, Thánh danh Thượng Trung Nhật.
Tới ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (tức 29.9.1926),
vâng thánh ý của Đức Chí tôn, Ngài Lê Văn Trung hiệp cùng quí vị chức sắc Thiên
phong cùng chư Đạo hữu gồm 28 vị cầm quyền Đạo và 247 đạo hữu, thảo TỜ KHAI ĐẠO
dâng lên Đức Chí tôn xem xét trước, rồi để gởi cho chính phủ Pháp.
Ngày mùng Một tháng 8 năm Bính Dần
(nhằm 7.10.1926), Ngài Lê Văn Trung đích thân mang Tờ Khai đạo đến gởi cho
Thống đốc Nam kỳ Le Fol, và được ông ấy vui vẻ chấp nhận. Trên thực tế, Tờ Khai
Đạo không phải là tờ đơn xin phép thành lập mà là một bản tuyên bố chính thức
thông báo việc thành lập Đạo Cao Đài. Thống đốc Nam kỳ lúc ấy khôn khéo tiếp
nhận văn kiện đó nhưng không bao giờ ký giấy phép cho Đạo Cao Đài hoạt động
cũng như không hề cam kết công nhận chính thức đạo Cao Đài.
Rồi Ngày Trọng đại đã tới. Hôm ấy là
ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (tức 19.11.1926) nhằm ngày Hạ nguyên, Ngài Lê
Văn Trung hiệp với Ngài Phạm Công Tắc cùng quí vị chức sắc Thiên phong của Đạo,
vâng lệnh Đức Chí tôn mượn chùa Thiền Lâm ở Gò Kén Tây Ninh làm thánh thất tạm
để tổ chức Đại lễ Khai đạo Cao Đài. Tham dự buổi lễ trọng thể ấy có đầy đủ sự
hiện diện của quan chức các cấp chính quyền Pháp thời đó và đại diện các tôn
giáo khác.
Tới đầu năm Đinh Mão (1927), Ngài Ngô
Văn Chiêu, môn đồ đầu tiên của Đức Chí tôn và từng là Đức Giáo tông dự bị, nói
cho mọi người biết rằng Ngài đã làm xong nhiệm vụ trong Cơ Phổ độ. Từ nay, Ngài
sẽ đảm trách một sứ mạng quan trọng khác, đó là lập Cơ Tuyển mộ Chiếu Minh Tam
thanh Vô vi, gọi tắt là Chiếu Minh Vô vi. Ngài đổi chữ lót trong tên của mình
thành chữ Minh; từ đây gọi Ngài là Đức Ngô Minh Chiêu, chuyên lo tu đan, tịnh
luyện. Cùng theo phái Vô vi của Ngài Chiêu, có ba Ngài Võ Văn Sang, Nguyễn Văn
Hoài và Lý Trọng Quí; nhưng về phương diện tín ngưỡng, Ngài Chiêu vẫn tôn thờ
Đức Ngọc hoàng Thượng đế.
Sau sự kiện vừa kể, Đức Chí tôn phải
chuyển pháp, giao chức Giáo tông qua cho Đức Lý Thái Bạch Nhất trấn Oai nghiêm
kiêm nhiệm. Trong Đạo Nghị định thứ nhì ngày 3 tháng 10 năm Canh Ngọ (1930),
Đức Lý Giáo tông ban cho Đầu sư Thượng Trung Nhựt (Ngài Lê Văn Trung) cầm Quyền
Giáo tông tại thế để điều hành cơ Đạo hữu hình, còn nhiệm vụ Giáo tông vô vi
vẫn do Đức Lý Giáo tông nắm giữ. Kể từ đó. đạo Cao Đài chỉ có một Giáo tông vô
vi là Đức Lý Thái Bạch, và tại thế thì có Quyền Giáo tông.
Tới năm 1931, khởi công xây dựng Tòa thánh
Tây Ninh tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây
Ninh khoảng năm cây số, về hướng Đông Nam. Nguyên Thiền Lâm tự ở Gò Kén Tây
Ninh là nơi đặt thánh thất tạm, bị Hòa thượng trú trì là sư Giác Hải (Như
Nhãn/1864-1938) đòi lại vì đang lúc dao động đức tin và chịu áp lực của người
Pháp.
Việc xây dựng Tòa thánh Tây Ninh kéo
dài ngày vì đó là một công trình độc đáo, nguy nga và kỳ diệu, tổng hợp kiến
trúc của các tôn giáo lớn trên thế giới. Theo tài liệu để lại thì mô hình và đồ
hình bên trong cũng như bên ngoài các cơ sở của Tòa thánh được mô phỏng (thiết
kế) theo cõi thiên đình và được lấy kiểu mẫu qua đàn cơ. Việc xây cất bị gián
đoạn trong thời Thế chiến Hai (1939-1945); mãi tới 18 năm sau, vào Giêng năm Ất
Mùi (1955), mới hoàn thành và làm Đại lễ Khánh thành.
CHƯƠNG III: GIÁO THUYẾT CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Cao Đài
Đại đạo khẳng định rằng đạo Cao Đài là do chính Đức Thượng đế, Đấng Chí tôn,
đích thân sáng lập và làm giáo chủ. Giáo lý vi diệu của đạo Cao Đài là do chính
Đức Thượng đế trực tiếp truyền dạy qua sự thường xuyên tiếp xúc bằng đàn cơ
giữa Ngài và quí vị chức sắc thượng phẩm trong Đạo.
Đại là vĩ đại, lớn rộng; Đạo là con
đường. Cao Đài Đại đạo là con đường tốt đẹp và rộng rãi, dẫn dắt con người học
hỏi, lập công quả và tu tập, nhằm mục đích đi thẳng tới chân lý – một chân lý
hằng hữu và bất biến – đó là Thượng đế. Bằng quá trình tu luyện theo đạo Cao
Đài, tín đồ tuần tự đạt tới năm nấc thang tiến hóa, qua các phẩm vị Thần,
Thánh, Tiên, Phật, để cuối cùng, đạt đến sự hiệp nhất vào Đấng Cao Đài, tức là
Ngọc hoàng Thượng Đế, Đấng Chí tôn.
Phổ nghĩa là phổ quát, rộng lớn, phô
bày ra cho hết thảy mọi người ở khắp mọi nơi. Độ nghĩa là cứu độ, cứu giúp. Do
đó, Cao Đài Đại Đạo muốn phổ độ chúng sinh thì phải mở ra mối Đạo lớn cho người
đời tu hành.
Cao Đài Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ có
nghĩa là cứu độ, cứu giúp chúng sinh trong thời kỳ hiện nay, tức là thời kỳ
cuối trong ba nguyên (còn phát âm là ngươn) của loài người.
Theo
quyển Pháp Chánh Truyền, ba nguyên (nguơn) đó là:
Thượng
nguyên hay là Nguyên Thượng đức, cũng là Nguyên Tạo hóa. Trong nguyên này, Đấng
Chí tôn gầy dựng Càn k
hôn Vũ
trụ. Thời thái cổ, loài người tính tình hồn nhiên, mộc mạc lương thiện, sống
theo đạo trời mà hòa hợp thân thiết yêu thương nhau. Con người hấp thụ khí
thiên nhiên nên tâm hồn thanh thoát, thể xác an nhàn, vui say mùi đạo, tiếp
nhân xử thế cực kỳ đạo đức.
Trung
nguyên hay là Nguyên Thượng lực, cũng là Nguyên Tranh đấu. Trong nguyên này
loài người thâm nhiễm nhiều thói hư tật xấu, lòng người bất nhất, nên càng ngày
càng xa khuất điểm thiên lương, sống bức hiếp lẫn nhau, sinh ra chiến tranh,
chèn ép và bóc lột nhau. Người đời không còn kể gì tới tình đồng loại đồng
chủng đồng bào mà chỉ một lòng một dạ trông cậy vào sức lực để tranh đấu với
nhau.
Hạ
nguyên hay Đời Mạt kiếp, là Nguyên Điêu tàn, cũng là Nguyên Tái tạo. Trong
nguyên này, cuộc đấu tranh giữa người đời chuyển qua mãnh liệt, tàn khốc, hiểm
độc phi thường. Càng tranh đấu càng tiến hóa, càng ác liệt, đưa tới điêu tàn
hủy diệt. Nhưng đặc biệt là hễ loạn thì phải tới trị, vong thì tất phải hưng,
nên nguyên tiêu diệt này tất nhiên sẽ chuyển thành nguyên bảo tồn; lúc ấy đạo
đức được phục hưng, để sắp sửa tái tạo trở lại như thời thái cổ. Vậy loài người
sắp bước qua đệ tam kỳ này là thời kỳ qui nhất thống, đại luân hồi của Trời
Đất. Ngày nay loài người đã trải qua đúng con số do Đấng Tạo hóa đã định là
mười hai vạn chín ngàn sáu trăm năm (129,600 năm), nên đã tới thời kỳ tạo thiên
lập địa một lần nữa.
Đối
chiếu với tam nguyên kể trên, kể từ khi có loài người đến nay, Đấng Thượng đế
đã mở ra ba thời kỳ phổ độ chúng sinh:
Nhất kỳ Phổ độ: vào thời thái cổ của
loài người, các tôn giáo như Đạo Phật với Đức Nhiên Đăng Cổ Phật; Đạo Tiên với
Đức Thái Thượng Đạo tổ; Đạo Bà-La-Môn; Đạo Do Thái với Mô-se; Đạo Nho với Phục
Hy, v.v. Phổ độ Nhất kỳ này do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật chủ trì Liên Trì Hội.
Nhị Kỳ
Phổ độ: vào thời thượng cổ của loài người, có các tôn giáo như Phật Giáo với
Đức Phật Thích Ca; Lão Giáo với Đức Lão Tử; Nho Giáo với Đức Khổng Tử; Thiên
Chúa Giáo với Đức Giê-su Kitô, v.v. Phổ độ Nhị kỳ này do Đức Phật Thích Ca Mâu
Ni chủ trì Linh Sơn Hội.
Tam kỳ
Phổ độ: vào thời kỳ hiện nay có Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ, một tôn giáo đặc biệt vì
lần này do Đấng Thượng đế đích thân khai đạo, làm giáo chủ và trực tiếp dạy bảo
để cứu vớt hết thảy loài người trên trái đất này trước khi xảy ra cuộc Tận thế
chuyển lập đời Thánh đức. Phổ độ Tam kỳ này do Đức Phật Di Lạc Vương chủ trì
Long Hoa Hội.
Như thế
Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ tuy xuất hiện khởi đầu tại Việt Nam nhưng không là một
tôn giáo có tính cách bản địa và bị giới hạn trong biên giới của một nước, vì
Đạo này nhằm phổ độ hết thảy chúng sinh và sẽ phổ biến rộng rãi ra khắp vũ trụ,
nơi loài người chúng ta đang sống.
CÁC PHƯƠNG DIỆN GIÁO LÝ
Với sự
chỉ dạy trực tiếp của Đấng Chí tôn, đạo Cao Đài đặt căn bản giáo lý của tôn
giáo mình trên nguồn cội của giáo lý và triết lý của các tôn giáo lớn là Nho,
Phật và Lão, gọi là Tam giáo Đồng nguyên (ba tôn giáo có chung một gốc), để đưa
năm nhánh trở lại làm một, gọi là Ngũ chi Phục nhất. Ngũ Chi này gồm : Nhân đạo
(Khổng Giáo); Thần đạo (Khương Thái Công, thờ phụng chư thần); Thánh đạo (Thiên
Chúa giáo); Tiên đạo (Lão giáo); và Phật đạo (Phật giáo).
Giáo lý
đạo Cao Đài được Đức Thượng đế Chí tôn trực tiếp giảng dạy bằng đàn cơ nên bao
gồm và đầy đủ mọi phương diện của một nền Đại Đạo chân chính như:
Thể pháp
và Bí pháp, tức là Đại Đạo công truyền và Đại Đạo tâm truyền;
Nhân đạo
và Thiên đạo, Luật Tiến hóa;
Phụng sự
Nhân sinh;
Đại Ân
xá Đệ tam kỳ;
Tam giáo
Qui nguyên, Ngũ chi Phục nhất, Nho tông chuyển thể, v.v.;
Vũ trụ
quan và Nhân sinh quan.
Hết thảy
các phương diện ấy kết thành một bộ giáo lý có tính vi diệu và khoa học; nó đòi
hỏi người trình bày và người học hỏi đều phải có nhiều cơ duyên, công phu và
đều phải có thời gian nghiên cứu, thôi chiêm nghiệm và trình giải. Ở đây, chúng
tôi chỉ dám đường đột trình bày đôi nét giản dị về vũ trụ quan và nhân sinh
quan của đạo Cao Đài.
III. VŨ TRỤ QUAN
Những
trình bày sơ lược dưới đây chỉ giới hạn vào một vũ trụ thôi, đó là nơi chúng ta
đang sống, vì bên ngoài vũ trụ này còn có rất nhiều vũ trụ khác nữa, đang biến
chuyển không ngừng trong không gian bao la, mênh mông vô cùng vô tận.
Vũ trụ
hiện hữu của chúng ta có sinh có tử rồi tái sinh trở lại. Vũ trụ có khởi đầu và
mức khởi đầu đó chính là Đức Ngọc hoàng Thượng đế, tức là Thái cực. Khí Hư vô
sinh ra Ngọc hoàng Thượng đế và chính Đấng Ngọc hoàng Thượng đế ấy tạo hóa ra
Càn khôn Vũ trụ cùng vạn vật hiện hữu. Trong không gian bao la, mênh mông vô
cùng vô tận đó, có nhiều vũ trụ được hình thành; vũ trụ của Ngọc hoàng Thượng
đế chỉ là một phần tử, và nó cũng đang trên đường tiến hóa mãi cho đến vô tận
vô biên.
Vũ trụ
này có hai phần: 1. Phần Vô hình không trông thấy được nhưng nó điều khiển toàn
bộ phần Hữu hình trông thấy được; 2. Phần Hữu hình gồm 3.000 thế giới, 72 quả
địa cầu mà quả địa cầu chúng ta đang sống là địa cầu số 68.
Phần Vô
hình gồm 36 tầng trời, 4 bộ châu lớn ở không-không trên thượng tầng không khí.
Trong tầng trời Hư vô thiên, có Ngọc Hư cung, là nơi họp triều đình của Đức Chí
tôn để điều hành hết thảy sinh hoạt của Càn khôn Vũ trụ. Quí vị Thần Thánh Tiên
Phật họp Đại hội tại Ngọc Hư cung để lập Thiên điều cai quản Càn khôn Vũ trụ.
NHÂN SINH QUAN
Con
người sống trong Vũ trụ ấy là một tiểu Thượng đế, được Đức Ngọc hoàng Thượng đế
cho xuống trần để nương theo xác phàm mà học hỏi cho tiến hóa.
Đạo Cao
Đài công nhận rằng thủy tổ loài người là các Hóa nhân do loài vượn cao cấp
(vượn-người) tiến hóa mà thành, rồi dần dần sinh nở phát triển ra đông đúc. Sau
đó, Thượng đế mới cho một số Nguyên nhân đầu thai xuống trần qua ngả các nữ Hóa
nhân sinh ra, nhằm mục đích khai hóa các Hóa nhân, để chăm lo học hỏi và tiến
hóa.
Con
người sống dưới trần gian có ba thể: 1) Thể xác (hữu hình); 2) Linh hồn (vô
hình); và 3) Chơn thần (bán hữu hình) làm trung gian cho Thể xác và Linh hồn.
Con
người sống trên cõi thiêng liêng (vô hình) thì chỉ có hai thể: 1) Linh hồn; và
2) Chân (chơn) thần (xác thân thiêng liêng).
Khi
chết, Thể xác con người hư nát, trở về với đất, còn Linh hồn và Chân thần thì
sẽ bay lên cõi thiêng liêng, ở đó, trình diện với hai Đấng Phụ Mẫu là Đức Chí
tôn và Phật Mẫu. Căn cứ vào phúc đức và tội tình đã gây ra nơi cõi thế, Linh
hồn và Chân thần sẽ được Đức Chí tôn xét khen thưởng hay bắt đi đầu thai kiếp
khác để trở lại trần gian sống mà trả dần nghiệp quả.
Chừng
nào Linh hồn và Chân thần thực hiện được những việc hoàn toàn tốt đẹp (viên
mãn) nơi cõi trần, xứng đáng là một tiểu Thượng đế thì khi trở về cõi Thiêng
liêng, Đức Chí tôn sẽ khen thưởng xứng đáng và được hội hiệp cùng Đức Chí tôn.
Như thế,
con người có một đời sống kéo dài tới vô tận : a) sống đời sống trên cõi thiêng
liêng kia để an hưởng và suy nghiệm; và b) sống đời sống dưới cõi trần này để
học hỏi, lập công quả, tu luyện để được tiến hóa một cách nhanh chóng.
CON ĐƯỜNG HỌC HỎI VÀ TU TẬP
Con
người sống trong thời kỳ Hạ nguyên này cần khẩn trương tu tập hơn bao giờ hết
để chuẩn bị cho công cuộc tái tạo tức là trở lại thời kỳ Thượng nguyên Thánh
đức thái cổ. Tu có nghĩa là sửa chữa bản thân cho đúng với giềng mối đạo. Muốn
và để biết đường tu thì phải học hỏi cho am hiểu. Muốn sự am hiểu ấy lắng sâu,
áp dụng cho bản thân thì phải tự luyện tập khắp mọi nơi và suốt mọi lúc.
Như đã
trình bày ở trên, về phương diện giáo lý, đạo Cao Đài là một tổng hợp đặt căn
bản trên “Tam giáo Đồng nguyên, Ngũ chi Phục nhất”, đặc biệt phối hợp với Thánh
giáo bao gồm những thông điệp được linh truyền trực tiếp qua cơ bút, phần lớn
là những bài văn thơ (lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, song thất
lục bát, v.v.) bao hàm ý nghĩa sâu xa và vi diệu.
Về mặt
thực hành, đạo Cao Đài rút tĩa ít hoặc nhiều trong số những qui định tu tập,
tiếp nhân xử thế của Phật giáo (như Giới luật Ăn chay, Ngũ giới cấm, Thiền
định); của Lão giáo (như luyện Tam bảo: Tinh, Khí, Thần); của Nho Giáo (như Tam
cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức); của Thiên Chúa giáo (như tôn thờ Thượng
đế, phẩm trật chức sắc và hệ thống tổ chức giáo hội các cấp.)
Để làm
cho phù hợp với mọi trình độ dân trí và mức độ tin tưởng, giáo lý của đạo Cao
Đài tổng kết những chánh niệm của các tôn giáo, làm thành Năm nguyên tắc chung
(theo nhận xét của học giả Toan Ánh (1916-2009) trong cuốn Tín ngưỡng Việt Nam,
quyển Thượng):
Về luân
lý: Mọi người phải giữ đúng bổn phận đối với bản thân, với gia đình, với xã hội
như một hình thức nới rộng của gia đình, và sau cùng, đối với toàn thể loài
người như một đại gia đình của con người.
Về triết
lý: Con người nên từ bỏ danh vọng, tiền tài và không nên sống xa hoa. Tóm lại,
con người nên tự mình vượt thoát khỏi những ham muốn vật chất để tìm kiếm sự
thanh thản tâm hồn và thanh khiết linh hồn.
Về thờ
phụng: Cn người phải tôn thờ Đức Ngọc hoàng Thượng đế, Đấng Chí tôn, người cha
hiền của tất cả, đồng thời phải thờ kính Thần, Thánh, Tiên, Phật vì chư vị ấy
họp thành một hệ thống thiêng liêng mầu nhiệm. Con người có thể thờ cúng tổ
tiên, nhưng không được cúng mặn và không được dùng vàng mã.
Về tâm
linh: Đạo Cao Đài xác nhận sự tin tưởng vào tính cách tồn tại vĩnh viễn của
linh hồn con người. Linh hồn ấy có thể biến chuyển và chịu sự luân hồi tùy vào
nghiệp quả các hành động của mình lúc sinh thời, cho tới khi toàn hảo và nhập
làm một vào Đấng Chí tôn.
Về thông
linh: Con người phải tu tập, đạt tới sự tịnh tâm để khám phá chân lý, làm sáng
tỏ và củng cố Chân thần cùng thông linh với nguyên khí của vũ trụ, cũng là của
Đức Ngọc hoàng Thượng đế.
ĂN CHAY
Đạo Cao
Đài đòi buộc tín đồ phải ăn chay. Tín đồ ăn chay được chia làm hai hạng : 1) Hạ
thừa; và 2) Thượng thừa.
Hạng Hạ
thừa gồm tín đồ mới nhập môn. Sáu tháng đầu ăn chay mỗi tháng sáu ngày; kể từ
tháng thứ bảy trở đi, ăn chay mỗi tháng mười ngày.
Hạng
Thượng thừa thì ăn chay suốt (thường trực), gọi là trường trai.
VII. GIỮ NGŨ GIỚI
Việc ăn
chay và giữ giới giúp cho người tín đồ (1) thanh lọc bản thể, tinh khiết tinh
thần, luyện tập Bi Trí Dũng, để góp phần tránh quả báo luân hồi; và (2) đặc
biệt, kiềm chế Thất tình (bảy tình cảm: mừng; giận; thương; ghét; buồn; vui; và
muốn) và Lục dục (sáu ham muốn: nhìn thấy sắc đẹp; nghe âm thanh êm tai; ngữi
mùi thơm dễ chị; món ăn ngon miệng; xác thân sung sướng; và ý nghĩ được thỏa
mãn).
Người ăn
chay, nhất là ăn chay trường, thì tương đối có thể dễ dàng giữ Ngũ giới vì:
Ăn chay
thì tránh được sát sinh trong sự ăn uống. Đã không nỡ giết hại sinh vật để ăn
thì cũng không nỡ giết sinh linh cho thỏa ý thích của mình. (Giới thứ nhất: Bất
sát sinh);
Hễ không
ăn thịt thì cũng dễ cử rượu, vì rượu thịt lúc nào cũng đi đôi với nhau như bóng
với hình. (Giới thứ hai: Bất tửu nhục);
Không ăn
thịt và uống rượu thì lòng dục lắng xuống, nên không nghĩ tới việc tà dâm, phá
hoại nền nếp gia đình của người khác. (Giới thứ ba: Bất tà dâm);
Nhờ ăn
chay mà lòng tham lam vật chất ít có cơ hội nảy nở. Đã tu thì dễ diệt được lòng
tham muốn của cải tiền tài vì khi chết, linh hồn không thể mang theo của cải
vật chất mà chỉ có thể đem theo công đức mình đã làm và tội lỗi mình đã phạm.
Do đó, việc trộm cướp hay gian lận tài vật ít khi xảy ra. (Giới thứ tư: Bất du
đạo);
Nhờ ăn
chay mà tâm hồn dễ trở nên thanh cao, tránh được việc nói dối lường gạt người,
gây đau khổ cho người mà đem lợi lộc về cho mình. (Giới thứ năm : Bất vọng
ngữ).
VIII. GIỮ ĐẠO LÝ LUÂN THƯỜNG
Người
tín đồ đạo Cao Đài còn phải gìn giữ và vun đắp các giá trị rút tỉa từ Nho giáo.
Đó là:
Tam
cương: Ba giềng mối Vua tôi, Cha con và Vợ chồng;
Ngũ
thường: Năm tính hằng có là Nhân (Nhơn), Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Tam
tòng: Dành cho phụ nữ gồm 1) lúc còn ở nhà thì vâng lời cha mẹ; 2) lấy chồng
thì phải thuận thảo với chồng; và 3) chẳng may chồng qua đời sớm thì phải hết
lòng chăm sóc dạy dỗ con cái.
Tứ đức:
Bốn đức hạnh của phụ nữ, gồm 1) công; 2) dung; 3) ngôn; và 4) hạnh.
GIỮ TỨ ĐẠI ĐIỀU QUI
Gồm Bốn
điều luật lớn, đòi buộc người tín đồ phải tuân theo trong cuộc sống hằng ngày.
Phải
tuân lời theo dạy của đấng bậc bề trên. Không hổ thẹn khi nghe lời góp ý, sửa
sai của kẻ thứ bậc thấp hơn mình. Dùng lễ nghĩa sống hòa mình, hòa thuận với
mọi người. Nều mình lỡ có lầm lỗi thì phải ăn năn và chịu thiệt thòi.
Chớ khoe
tài, đừng cao ngạo, phải quên mình để giúp cho việc của người khác được có kết
quả. Giúp người khác tu tập, sống đúng với Đạo, đừng bao giờ nhớ tới cừu hận
riêng của mình; chớ trù ếm, vùi lấp người hiền đức, có năng lực.
Bạc tiền
xuất nhập rõ ràng, chính xác; đừng vay mượn rồi không chịu trả. Đừng bao giờ
xem thường hoặc khinh dễ người trên lẫn kẻ dưới; nếu mình là người trên thì
phải giữ lễ trong khi dạy kẻ dưới. Nếu mình là kẻ dưới thì phải khiêm tốn và
cung kính khi can gián người trên.
Đối xử
với ai thì dù trước mặt hay sau lưng họ, lúc nào cũng phải có thái độ trước sau
như một, đừng có trước thì kính trọng, sau thì khinh khi người ta.
Tóm lại,
trong việc cư xử với người và đời đều phải lấy lòng khiêm nhượng và cung kính
làm đầu. Tinh thần của lễ là kính. Nếu đã kính người thì luôn luôn hết lòng
kính và tin, dù có mặt người đó hay không cũng vậy. Đừng thấy giàu sang mà quí
trọng, chẳng nên thấy nghèo khó mà khinh thường. Nên dùng lời nói nhỏ nhẹ mà
khuyên bạn hữu làm điều thiện. Phải hết lòng tôn trọng và tuân giữ phép nước và
luật đạo. Đó là phương pháp tự mình tu sửa bản thân và lập công đức vậy.
LUYỆN TAM BỬU, THIỀN ĐỊNH, v.v.
Đậy là
phương pháp luyện Tinh, Khí, Thần và Tọa thiền cùng nhiều Bí pháp khác dành cho
hạng Thượng thừa.
Luyện
Tam Bảo (Bửu) tức là luyện Tam hoa tụ đỉnh. Tam hoa, cũng gọi là Tam Bảo, gồm
(1) Tinh; (2) Khí; và (3) Thần, ba cái tốt đẹp của con người. Tinh là chất tinh
túy của xác thân; Khí là khí chất bổ dưỡng theo máu, luân lưu nuôi dưỡng cơ
thể; Thần là trí não, sự sáng suốt hiểu biết.
Tam hoa
tụ đỉnh là luyện cho Tinh Khí Thần hiệp nhất, tụ lại nơi đỉnh đầu, gọi là Nê
Hoàn cung. Muốn được như vậy, hành giả trước hết phải bảo Tinh, dưỡng Khí, tồn
Thần; kế đó, phải luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hiệp Thần, luyện Thần hoàn
(hườn) Hư. Tới khi Tam Bảo hiệp nhất nơi Nê Hoàn cung, thì mới tạo được Chân
(chơn) thần huyền diệu, xuất nhập thể xác qua cửa Nê Hoàn cung mà vân du giao
tiếp với quí vị ở cõi thiêng liêng.
Thiền
định, còn gọi là Thuyền định, nghĩa là đặt mình trong trạng thái tĩnh lặng, để
được giải thoát hoàn toàn và giác ngộ viên mãn.
Hành giả
(người theo thiền định) khi sinh hoạt bất cứ việc gì thì cũng giữ cho con tâm
của mình chú ý, hồn nhiên và an tịnh. Nếu Tọa thiền thì ngồi theo tư thế kiết
già – còn gọi là tư thế hoa sen – thở bụng, rất sâu rất nhẹ và đều, tay giữ
Thiền ấn, và giữ cho lòng được trống không – tâm vô niệm – đó cũng là chánh
niệm. Đức Đông Phương Lão tổ giáng cơ định nghĩa rằng:”Vô niệm là gì? Vô niệm
đây là không niệm những gì ưu tư phiền não, buồn giận ghét ưa theo cơ quan ngũ
tặc, mà phải bế lại thâu (thu) vào bên trong, độc hành chánh niệm… Chánh niệm
là gì? Cái vô niệm chẳng phải là không cho chánh niệm, mà là không cho tà niệm…
Chỗ gọi là tà niệm là dục niệm. Cho nên vô niệm là tâm không nhiễm trước, không
tà không dục”.
CHƯƠNG IV: NGHI LỄ VÀ THỜ PHỤNG
So với
các tôn giáo khác, nghi lễ và cách thức thờ phụng của đạo Cao Đài thuộc loại
giản dị nhất, tuy thế, vẫn đạt tới mức thành tâm và trang trọng nhất. Tín đồ
chỉ cần hằng ngày cầu nguyện ở trong riêng của mình nhà mình (tư gia) hay ở
thánh thất của cộng đoàn.
Theo
nguyên tắc, tín đồ không được xây bàn, cầu cơ và cầu đồng, để tránh sự lợi dụng
thần quyền của những kẻ dựa vào cơ bút, đồng bóng. Không có phép xưng tội như
bên Thiên Chúa giáo. Số lượng chức sắc chỉ vừa đủ để giảng đạo, để khuyên nhủ
tín đồ sống đúng với luật Đạo được qui định cụ thể trong giáo lý.
Hình ảnh
thờ phụng tượng trưng cho Ngọc hoàng Thượng đế Đấng Chí tôn là Thiên Nhãn.
Tại
thánh thất, việc thiết lập bàn thờ thì tùy vào khung cảnh của thánh thất và của
chi phái mình, nhưng trên cao, ở nơi trang trọng nhất, vẫn phải là hình Thiên
Nhãn.
Tại tư
gia, bàn thờ cũng bày biện tùy theo chi phái và hoàn cảnh gia đình. Nhưng phải
có đủ các khí cụ thờ phụng để khi hành lễ thì thắp nến, thắp hương, và trang
trọng hơn thì đốt trầm.
Hằng
ngày, tín đồ đạo Cao Đài hành lễ bốn lần, gọi là cúng tứ thời, vào : 1/ giờ Tí
– 24 giờ nửa đêm; 2/ giờ Mẹo (6 giờ sáng); 3/ giờ Ngọ (12 giờ trưa); và 4/ giờ
Dậu (6 giờ chiều). Việc hành lễ hằng ngày cũng là phương pháp hàm dưỡng tâm
tính cho bản thân mình và toàn cả gia đình. Thân nhân của tín hữu Cao Đài còn
tụ họp để kinh nguyện trong các dịp thờ phụng tổ tiên, lễ lạc của gia đình và
giỗ húy nhật.
Mỗi
tháng hai ngày. (1) Ngày Mùng một đầu tháng (sóc) và (2) ngày Rằm trăng tròn
(vọng), các tín hữu phải tề tựu tới thánh thất để làm lễ, dưới sự chủ lễ của
một chức sắc. Ngoài ra còn có những ngày đại lễ, cũng như những dịp hôn phối,
lễ nhập đạo của dâu rễ hoặc con cái.
Lễ vật
dâng cúng trong những buổi hành lễ rất đơn sơ, chủ yếu là hoa, rượu và trà,
tượng trưng cho Tinh, Khí và Thần. Sáng sớm và buổi chiều cúng dâng nước trà,
trưa và đêm thì dâng rượu lễ chưng cất bằng trái nho. Những ngày sóc và vọng
hay đại lễ, kỵ giỗ, thì có thêm phần cúng lễ bằng hoa quả.
Trong
lúc thờ phụng các tín hữu đọc kinh hoặc hát thánh ca theo trong sách đã soạn sẵn
cho từng dịp lễ. Về nhạc lễ, các thể điệu được dùng trong đạo Cao Đài phần
nhiều rất giống bài bản thường dùng trong lễ nhạc dân gian miền nam Việt Nam
với bát âm và các nhạc cụ dân tộc như trống, chiêng, mõ, đàn, kèn, tiêu,
thiều,v.v.
CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
Một cách
tổng quát, đạo Cao Đài được tổ chức rất chặt chẽ với những sinh hoạt và quản lý
rất có tính nội bộ – có phần giống với hệ thống tổ chức và phẩm trật tăng lữ
của giáo hội Công giáo La Mã – với một Tòa thánh ở trung ương và ba ngành giống
như tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp), cùng các cơ sở tôn
giáo hàng dọc (hạ tầng cơ sở) ở cấp tỉnh, thành phố, thị trấn, làng xã, tương
ứng với các cấp chính quyền trong một nước; từ trên xuống dưới, nếu đầy đủ thì
có năm cấp. Ở hạ tầng cơ sở thì có Tỉnh đạo (hoặc Châu đạo), xuống tới Họ đạo
(ở quận hoặc xã tùy vào số lượng phát triển tín đồ) Cao Đài, có các chức việc
gọi là Ban Trị sự; còn việc tế tự tại thánh thất của Họ đạo (cũng có khi gọi
theo lối dân giã là “chùa”) thì thường là một vị Lễ sinh cử xướng, do từ bên
trên phong và cử xuống.
Đạo Cao
Đài có các tu viện, được gọi là tịnh thất, dành cho những tín đồ muốn đến ở nội
trú mà thường trực tu luyện ngày đêm.
Ngoài
tầng lớp tín đồ, đạo Cao Đài có giới tăng lữ – không phân biệt nam nữ – bao gồm
những vị Thiên phong từ phẩm trật Giáo hữu (để dễ hiểu, có thể so sánh với chức
thánh Linh mục, Mục sư của Thiên Chúa giáo hay Tì kheo của Phật giáo) trở lên;
cũng có chi phái gồm cả chức Lễ sinh vào giới tăng lữ.
Sách
Lược sử Đạo Cao Đài của Hội thánh Truyền giáo Cao Đài có mô tả một cách chi
tiết hệ thống tổ chức của Giáo hội, các cơ quan dành cho tăng lữ và dành cho
quần chúng tín đồ với những danh xưng, chức năng và thẩm quyền tương ứng như
dưới đây.
Để giáo
hóa nhân sinh và quảng bá. rao truyền chân đạo, đạo Cao Đài thể theo ba yếu tố
cấu tạo càn khôn sự vật là Lý, Khí, Hình hay Tinh, Khí, Thần, mà tổ chức Giáo
Hội gồm có ba đài:
–
Bát quái đài;
–
Cửu trùng đài;
–
Hiệp thiên đài.
Bát quái
đài (Octogonal Divine Palace), hay là Vô vi đài, tượng trưng cho hồn của Đạo.
Bát quái đài do Đức Thượng đế Chí tôn thống ngự, chưởng quản toàn thể Phật,
Thánh, Tiên, Thần và nắm quyền siêu rỗi toàn linh.
Cửu
trùng đài (Palace of Nine Degrees of the Episcopal Hierachy), hay Hữu hình đài,
tượng trưng cho xác của Đạo, hồn phải dựa vào xác để vận dụng cơ năng sinh hoạt
hầu được tiến hóa. Bát quái đài cũng vậy, cần có Cửu trùng đài để làm cơ sở
giáo hóa phổ độ chúng sinh. Cửu trùng đài có công năng mở đường giải thoát cho
nhân sinh để thành Tiên tác Phật. Cửu trùng đài do Giáo tông (Pope) chưởng
quản, tùng quyền điều độ lập pháp của Bát quái đài. Dưới Giáo tông có các cấp
như:
3
vị Chưởng pháp (Legis-Cardinal; Censor Cardinal)
3
vị Đầu sư (Cardinal)
36 vị Phối sư (Archbishop)
72
vị Giáo sư (Bishop)
3.000 Giáo hữu (Priest)
Lễ sinh
(không giới hạn số lượ‹ng) (Student-Priest)
Chức
việc (Chánh, Phó Trị sự và Thông sự)
Nhân
sinh tín đồ.
Từ Giáo
tông đến tín đồ gồm có chín phẩm, gọi chung là Hội thánh Cửu trùng Đài. Chức
sắc Cửu trùng đài gồm: — Ba chức Thiên phong là 1/ Lễ sinh [để dễ hiểu, cương
vị như chức Phó tế của Thiên Chúa giáo); 2/ Giáo hữu (cương vị như chức Linh
mục, Mục sư, Tì kheo]; và 3/ Giáo sư (cương vị như chức Giám Mục của TCG]. — Ba
chức Đại Thiên phong là 1/ Phối sư [cương vị như chức Tổng Giám mục của TCG);
2/ Đầu sư (cương vị như chức Hồng y của TCG]; và 3/ Giáo tông ‘tại thế’ (cương
vị như chức Giáo Hoàng của TCG).
Chức sắc
Đại Thiên phong hành sự tại Tòa thánh Trung ương.
Các chức
sắc Thiên phong đi hành đạo khắp nơi, hoặc giữ các cơ quan hành sự trong Đạo.
Chức sắc
Cửu trùng đài có 3 phái: 1) Thái; 2) Thượng; và 3) Ngọc. Cả ba được phân công
phụ trách các cơ quan của Hội thánh để nâng đỡ tín đồ về các phương diện: a)
nhân đức; b) nhân sinh; và c) nhân trí. Ba chữ Thái (Phật giáo), Ngọc (Khổng
giáo), Thượng (Lão giáo) đứng trước tên thế gian của một tín đồ cộng với chữ
Thanh làm thành thánh danh (tên thánh) của đạo hữu; cho thấy tôn giáo gốc của
người đó trước ngày gia nhập đạo Cao Đài. Thí dụ Thái Hữu Thanh, Ngọc Quân
Thanh, Thượng Huệ Thanh.
Hiệp
thiên đài (Palace of Meeting Between God and Mankind; Temple of the Divine
Alliance) là cơ quan bán hữu hình, làm trung gian giữa Bát quái đài và Cửu
trùng đài, làm môi giới giữa vô vi và hữu hình. Hiệp thiên đài là nơi Giáo tông
đến thông công cùng Đức Thượng đế và Chư Phật, Thánh, Tiên để điều độ đúng
đường cơ phổ độ và siêu rỗi toàn linh.
Bát quái
đài ban pháp lập đạo. Cửu trùng đài cầm pháp hành đạo. Hiệp thiên đài bảo pháp
hộ đạo và cũng là cơ quan chuyên trách việc đàn cơ hiệp với Đấng Chí tôn trong
tinh thần ‘Thiên Nhân hiệp nhất’.
Hiệp
thiên đài đặt dưới quyền chưởng quản của Đức Hộ pháp (The Maintainer of the
rules and laws; The Chief of Temple of Divine Alliance).
Dưới Đức
Hộ pháp có 2 vị Thượng phẩm (Chief of the Sacerdotal Body) và Thượng sinh
(Chief of All the Lessen Order of the Religion) cùng 12 Thời quân (Cardinal),
phân ra ba chi 1) Thế (Life); 2) Pháp (Laws); và 3) Đạo (Religion).
Ngoài
ra, trong hoạt động của Đạo, các quyết định hệ trọng đều do các hội cộng đồng
quyết nghị, theo thứ tự từ dưới lên trên.
Hội Nhân
sinh (The Popular Council) : gồm từ hàng Lễ sinh xuống đến tín đồ nam nữ.
Hội
thánh (Sacerdotal Council, Assembly of Saints) : gồm từ Giáo hữu đến Phối sư
Thượng
hội (The Superior Council) : gồm các chức sắc từ Chánh Phối sư trở lên.
Đại hội
Vạn linh (The General Assembly of All the Souls) : gồm chung các Hội Nhân sinh,
Hội thánh và Thượng hội, tức là toàn thể Giáo hội quyết định và cầu Đức Chí tôn
phê chuẩn, theo lẽ Nhân ý hiệp cùng Thiên ý, tức là ‘Thiên Nhân hiệp nhất’. Vậy
nên đạo Cao Đài không có tính cách thần quyền tuyệt đối.
Về giới
luật tu hành, toàn thể giáo đồ đạo Cao Đài được chia thành bốn hạng:
Chức sắc
Cửu trùng đài từ Lễ sinh trở lên, tất cả phải phế đời [bỏ việc đời qua một bên]
hành đạo, trường trai thủ giới.
Chức sắc
Hiệp thiên đài phải trường trai tuyệt dục giữ thân tâm thanh tịnh để chấp cơ
tiếp xúc Thiêng liêng giáo hóa nhân sinh.
Tín đồ
nam nữ giữ ngũ giới cấm, tứ đại điều qui, thiết Thiên bàn thờ tại nhà, lễ bái
mỗi ngày bốn buổi (Tý, Ngọ, Mẹo [Mão], Dậu).
Hạng tối
thượng nhất thừa không phân biệt chức sắc hay giáo đồ, hành đạo lâu năm, công
viên quả mãn, ly gia cắt ái, được vào tịnh thất (hay thánh tịnh) tu luyện theo
Thiên Đạo để siêu phàm nhập Thánh.
Như
những gì được trình bày ở trên, đạo Cao Đài được tổ chức có qui củ, theo một
qui mô chặt chẽ, rộng lớn, để có đủ khả năng và công dụng truyền bá chân (chơn)
đạo khắp hoàn vũ (địa cầu).
CHƯƠNG V: THỜI KỲ MỞ MANG VÀ PHÂN CHIA CHI
PHÁI
Theo
cuốn Lược Sử Đạo Cao Đài đã dẫn thì
“Đạo
càng ngày càng bành trướng, nhơn sinh tín ngưỡng càng thêm đông, thì sự mở rộng
pháp môn để thêm nhiều phương tiện độ dẫn nhơn sinh tùy theo căn cơ trình độ
mỗi người là việc tất nhiên. Do đó, đạo phân chia ra nhiều chi phái, mỗi chi
phái tích cực hoạt động theo đường lối mình và đã đem mối đạo truyền rộng khắp
các nơi.
“Sau khi
đạo đã công khai tổ chức xong, Đức Ngô Minh Chiêu nhường cơ Phổ độ cho Ngài Đầu
sư Thượng Trung Nhựt [Lê Văn Trung] để trở về Cần Thơ chuyên lo việc tịnh
luyện, truyền dạy khoa nội giáo bí truyền, để đạt cơ siêu phàm nhập Thánh. Về
sau Ngài qui liễu, môn đệ của Ngài lập thành phái đạo Chiếu Minh.”
Sự phân
chia ngày càng nhiều, chính có phụ có. Để giúp tín đồ Cao Đài hiểu biết nhau
hơn, chúng tôi có thể tạm thời liệt kê như sau :
Chiếu
Minh: cũng gọi là Chiếu Minh Tam Thanh, do tiền bối Ngô Minh Chiêu thành lập,
sau khi Ngài tách rời khỏi cơ Phổ độ về ở Cần Thơ ngày 24.04.1926. Về sau gọi
là Chiếu Minh Vô vi vì chủ trương tu đơn (đan) và phân thành Chiếu Minh Long
Châu, Cao Đài Thượng đế Hội giáo hay là Chiếu Minh đàn. (Việc trần thiết Thiên
bàn của phái Chiếu Minh khác với bên Phổ độ; trên thờ Thiên Nhãn, dưới có tam
bửu nhang đèn, thêm hình ngài Ngô). Về sau, phái Chiếu Minh cũng chia thành
nhiều chi như: Khăn Trắng, Khăn Đen, Long Châu.
Minh
Chơn Lý (1931-1935): đặt tại Cầu Vỹ (Định Tường) do tiền bối Nguyễn Văn Ca
(Ngài Thái Ca Thanh) thành lập. Phái này hoạt động với sự cộng tác của phái Cầu
Kho của tiền bối Trần Đạo Quang gồm quí vị chức sắc và đạo hữu hai miền Tiền
Giang, Trung Giang và Hậu Giang như quí vị Lê Kim Tỵ, Nguyễn Văn Tòng, Nguyễn
Văn Thiệu, v…v..
Phái
Minh Chơn Lý theo đuổi ba mục đích : 1) chấn chỉnh nền đạo; 2) lo phổ độ người
vào cửa đạo; và 3) ra kinh sách khuyến thiện như kinh Tu chơn thiệp quyết;
Chánh giáo thánh truyền; Chánh tà yếu lý; Giác mê khải ngộ. Các bài kinh nhật
tụng bằng chữ quốc ngữ như Kinh xưng tụng Thầy, Mẹ, Tam giáo.
Phái này
ban đầu hoạt động rất qui mô, nhưng về sau thu hẹp dần nên sự phát triển rất
hạn chế.
Tiên
Thiên: do Ngài Giáo hữu Thượng Chính Thanh thành lập năm 1931, trụ sở trung
ương tại Sóc Sải (Bến Tre). Trước ngày khai đạo, tiền bối đã theo học Đạo tại
Toà thánh Tây Ninh. Sau tiền bối lập đồng tử riêng để cầu cơ nên rời khỏi Thánh
địa Tây Ninh. Tiền bối về quê nhà làng Phước Mỹ Tây, quận Cái Bè (Định Tường)
lập ra phái Tiên Thiên. Tiền bối hành đạo theo lối riêng của mình.
Vào
khoảng hai năm 1932 và 1933 có một số chức sắc Minh Chơn Lý [chân lý] thích
nghe thiên cơ nên gia nhập vào phái Tiên Thiên như quí vị Lê Kim Tỵ, Nguyễn Văn
Tòng, v…v. Phái này lập Thất thập nhị tịnh và ấn tống nhiều kinh sách như Tiếng
trống giác mê; Minh giáo thánh truyền; Thi văn diệu lý; Ngọc minh kinh; Diệu
minh kinh; Bát bộ chơn kinh; Thánh đức chơn kinh, v.v..
Cơ bút
phái Tiên Thiên phong cho tiền bối Thượng Chính Thanh làm Ngọc Chưởng pháp và
chỉ định Vĩnh Nguyên Tự làm hội quán Hiệp thiên đài dưới quyền chưởng quản của
tiền bối Ngọc Lịch Nguyệt (1890-1947).
Phái
Tiên Thiên có một sắc thái riêng biệt, hoạt động rất rộng do nhiều chức sắc tài
ba lỗi lạc, nên đã tạo tác được gần đủ 72 thánh tịnh, và sau cùng là xây dựng
được một cơ sở có tầm mức quan trọng, lãnh sứ mạng đem Đạo về miền Trung thành
công. Phái này chỉ phục sức toàn màu trắng.
4. Minh
Chơn Đạo hay Cộng đồng Hội giáo: Đặt tại Giồng Bướm, quận Phước Long (Bạc
Liêu), tên gọi là Toà thánh Ngọc Minh hay là Toà thánh Hậu Giang. Phái này do
ba vị Đại Thiên phong của phái Minh Chơn Lý chủ trì là chư vị tiền bối Trần Đạo
Quang, Cao Triều Phát, Nguyễn Văn Thiệu. Tiền bối Phát thụ phong Thái Chưởng
Pháp. Sau Toà thánh Tây Ninh, phái Minh Chơn Lý, Ban Chỉnh Đạo, phái Tiên
Thiên, phái Minh Chơn Đạo có một số thánh thất và nhiều đạo hữu rải rác khắp
các tỉnh miền Hậu Giang. Phái này hành y theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền, lo
việc phổ độ nhân sinh. Nhưng về sau, chuyển hướng, thờ Trái tim và Thập ngũ
linh đăng.
Ban
Chỉnh Đạo: Được thành lập vào năm Giáp Tuất (1934) do Ngài Đầu sư Ngọc Tương
Thanh (Nguyễn Ngọc Tương), trụ sở trung ương tại Bến Tre. Ngài Đầu sư Ngọc
Tương Thanh là vị Giáo phẩm đã rời Tòa thánh Tây Ninh sau cùng, khi sự hàn gắn
nội bộ bị rạn nứt, không thể cứu vãn được nữa. Ngài về An Hội thuộc Châu Thành
tỉnh Bến Tre, cùng với hai vị tiền bối Thiên phong là Lê Bá Trang và Nguyễn Văn
Lai, lập ra Ban Chỉnh Đạo với tâm nguyện là lấy hậu thuẫn nhân sinh để chính
đốn lại công việc của nền Đạo, nhưng ngược lại, lại đưa tới việc trở thành một
Hội thánh biệt lập. Về sau gọi là Hội thánh Bến Tre mà tiền bối Nguyễn Ngọc
Tương là Giáo tông. Tiền bối Lê Bá Trang được thăng lên chức Chưởng pháp.
Sau Toà
thánh Tây Ninh, phái Bến Tre có tới mấy trăm thánh thất cùng mấy trăm ngàn tín
hữu. Phái này hành đạo theo Tân Luật, Pháp Chánh Truyền và Thánh ngôn Hợp tuyển
như buổi ban sơ. Tiền bối Tương nhập tịnh năm 1942 và qui vị năm 1951.
Bạch Y
Liên đoàn: Do Ngài Đầu sư Ngọc Tài Thanh (Nguyễn Bửu Tài) thành lập năm Bính Tý
(1936), trụ sở tại Rạch Giá.
Cầu Kho
: thành lập năm 1930. Ban đầu chỉ có tên là tiểu Thánh thất Cầu Kho (Sài Gòn).
Nơi đây từng là nơi sinh hoạt sớm nhất của các vị chức sắc tiền bối khi còn là
nhà tư của cụ Đốc học Đoàn Văn Bản ở miệt Cầu Kho. Thánh thất này có chủ trương
trung lập, dung hòa mọi chi phái, nhưng sau khi các phái đã thành hình và có sự
hoạt động riêng rồi thì nơi đây lại cũng mặc nhiên trở thành một phái.
Thánh
thất Cầu Kho nay đổi tên là Nam Thành Thánh thất, ở đường Nguyễn Cư Trinh, Sài
Gòn. Đây là trung tâm tu học, thuyết pháp ra sách, báo chí, phổ độ nhân sinh.
Lãnh đạo
phái này có quí vị tiền bối Đoàn Văn Bản, Vương Quan Kỳ, Võ Văn Tường, Trần
Quang Minh, Huỳnh Trung Tuất, Nguyễn Phát Trước (tự Tư Mắc). Về sau thêm quí vị
tiền bối Lương Văn Bồi, Phan Trường Mạnh, Trần Văn Quế, Nguyễn Văn Phùng….
Một số
quí vị Thời quân Hiệp thiên đài ở Toà thánh Tây Ninh cũng từng đến đây hội đàm
Đạo sự như quí tiền bối Nguyễn Bảo Pháp, Lê Bảo Thế, v.v.
Tây
Ninh: Tòa thánh Tây Ninh chính là Tổ đình Trung ương của Đạo Cao Đài, không
mang sắc thái của một phái. Nhưng vì đang lúc trong cơ phát triển, nội bộ Tòa
thánh đã có sự bất đồng về chủ trương; về sau càng ngày càng rạn nứt nghiêm
trọng. Cuối cùng các vị Đại Thiên phong chức sắc cao cấp lần lựợt ra đi để
thành lập phái riêng hầu mong chấn chỉnh lại Tòa thánh, nhưng rồi rốt cuộc Tòa
thánh cũng mặc nhiên thành một phái.
Hội
thánh Truyền giáo Cao Đài: Được chính thức thành lập vào ngày 01.02 Bính Thân
(1956), là hậu thân của Quyền Hội thánh Trung kỳ vốn được thành lập vào ngày
15.07 Kỷ Mão (1939). Đây là một giáo sở tiêu biểu cho sự phát triển rầm rộ
không ngừng của nền Đại Đạo, đã do hầu hết các chi phái đạo ở miền Nam chung
tay góp sức làm nên. Do đó, Hội thánh Truyền giáo Cao Đài tự thân không phải là
một chi phái đối diện với các chi phái miền Nam, mà trái lại, Hội thánh Truyền
giáo Cao Đài là hiện thân sự hòa hiệp của mọi chi phái Đạo, đúng như bản chất
cố hữu mà Thánh giáo đã minh họa là “chung sức rán vun nền đạo đức”.
Sau đó,
cơ Đạo miền Trung đã lần lượt hình thành qua các giai đoạn thời gian dưới sự
hướng dẫn của Đấng Thiêng liêng, và nơi đây có một phương châm sinh hoạt thuần
nhất, đó là giữ vai trò trung lập ”Không chi phái, không địa phương, chỉ một
lòng phụng sự Đạo Trời”. Tuy nhiên, với phương châm ấy rồi cũng có một sắc thái
đặc biệt của nó, cho nên cuối cùng Hội thánh Truyền giáo Cao Đài tại Đà Nẵng
cũng đứng riêng thành một phái để chờ ngày hội hiệp với toàn thể. Hội thánh
Truyền giáo Cao Đài đã trải qua ba giai đoạn phát triển để có được sự hiện hiện
như ngày nay, đều đã được điều độ trên cơ sở Pháp Chánh truyền, Tân Luật và
Thánh ngôn Hợp tuyển.
Thông
Thiên Đài: do quí vị tiền bối Nguyễn Văn Nhã (bác sĩ), Lê Quang Hộ (đốc phủ) và
Quách Văn Nghĩa (Đại điền chủ) lập nên. Ngoài ba vị ấy, còn có chín vị khác như
tiền bối Huê Chương (tiền bối Thân), Nguyên Ngọc (tiền bối Đức), Cẩm Đình,
Quảng Vân ..v…v.
Phái
Thông Thiên Đài có liên lạc với Tòa thánh Tây Ninh nhưng không chịu qui về Toà
thánh. Thánh thất phái này đặt tại Đông Sơn, tổng Hoà Đồng thượng (tỉnh Gò
Công).
Liên Hoà
Tông Phái: hay Liên Hoà Tổng hội đặt tại Thánh thất Cầu Kho (Sài Gòn) do tiền
bối Nguyễn Phan Long và tiền bối Trần Văn Quế lập nên năm 1935. Vì nhận thấy sự
chia rẻ chi phái làm tổn thương quá nhiều uy tín của nền Đạo nên phái này lập
ra để liên hoà.
Trung
Hoà Học Phái: hay Nữ Trung hoà (Trong sách Histoire et Philosophie du Caodaisme
của Gabriel Gobron ghi lầm là hai phái) do quí tiền bối Phan Trường Manh,
Trương Kế An tổ chức có tính cách thanh niên. Chú trọng vào sự học tập, hành
đạo hơn là một chi phái có nhiệm vụ hành chính và phổ độ. Tiền bối An thụ phong
Bảo Y Quân (1972)
Trung
Hoà Học Phái đặt tại Thánh thất Minh Đức (Kiên Giang) do bà Nữ Đầu Sư Ngọc
Nhiên Hương Chưởng quản. Hiện nay đặt tại Sài Gòn.
Tây Tông
Vô Cực: do tiền bối Nguyễn Bửu Tài lập nên, trụ sở đặt tại thánh tịnh Tây tông
Vô Cực cung ở làng Chẹt Sây (Kiến Hoà).
Phái này
cũng như phái Tiên Thiên gồm các bậc chân tu, trường trai, tuyệt dục, ly gia
cắt ái, chuyên luyện kim đan theo lối cổ. Sở dĩ gọi là Tây Tông nhằm đối lại
với phái Đông Tông của tiền bối Ngô Minh Chiêu từ Phú Quốc dời về Sài Gòn (phía
đông Nam phần).
Tuyệt
Cốc: do hai tiền bối Nhuận và Ruộng (Nguyễn Ngọc Điền) trước làm công quả tại
Toà thánh Tây Ninh, sau đó tách riêng với một số người xuống tóc, mặc áo dài
tuyệt cốc (không ăn ngũ cốc) rồi cùng nhau vào đại điện của Đền (Tòa) thánh
(Tây Ninh) lên ngồi trên bảy cái ngai trước Bát quái đài (gồm 1 ngai Giáo tông,
3 ngai Chưởng pháp và 3 ngai Đầu sư) (theo Hoài Nhân, Bốn mươi năm lịch sử đạo
Cao Đài [1926-2966] Biên Hoà 1966). Chi phái này chưa có chức sắc, thánh thất,
hành đạo và truyền đạo.
oOo
Thực tế, ngày nay con số thánh thất tự
trị lập nên rất nhiều; lắm nơi lớn mạnh, trong khi 14 chi phái vừa kể thì có
một số hầu như chẳng còn dấu vết gì. Ngoài 14 phái trên, còn có các phái đáng
kể thểm là :
Bạch Y
Chơn Lý: Do quí vị tiền bối Nguyễn Văn Tòng, Tô Bửu Tài lập thành thánh thất
tại Mông Thọ (Kiên Giang) gọi là Hội thánh Bạch Y chuyên lo phổ độ chúng sinh,
củng cố nội bộ theo Tân luật, Pháp Chánh truyền, nhưng chỉ vận toàn đồ trắng.
Tam Kỳ
Nguyên Bản: được thành lập bởi Ngũ vị Thiên sư của phái Minh Chơn Lý tách ra
làm thành một nhóm gồm quí vị tiền bối Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Văn Phấn và
nhiều vị nữa. Phái này đã đi đến chỗ siêu hình siêu tướng về cách thờ phụng,
trên Thiên bàn không có hình tượng dấu hiệu gì cả. Thánh thất đặt tại Tiên An
với lối kiến trúc đặc biệt, số lượng tín đồ ít.
Toà
Thánh Nhị Giang: đặt tại Châu Đốc (An Giang). Toà Thánh này thi hành theo Tân
Luật và Pháp Chánh truyền, và cũng có Hội thánh lưỡng đài.
Toà
Thánh Tiền Giang: đặt tại thánh tịnh Minh Kiến Đài thuộc làng Hạnh Thông Tây,
quận Gò Vấp (Gia Định).
CHƯƠNG VI: VIỆC HIỆP NHẤT CÁC CHI PHÁI
Vào
khoảng các năm 1945-1946 quí vị tiền bối Nguyễn Hữu Đắc, Lê Kim Tỵ thành lập cơ
quan Cao Đài Hiệp nhất để qui hiệp các chi phái. Về sau, Cựu Quốc trưởng Phan
Khắc Sửu (1893-1979) thành lập Cao Đài Thống nhất cũng để qui tụ các chi phái,
nhưng việc vẫn không thành.
Vào 15
tháng 6 năm Giáp Thìn (1964) một cuộc đại hội của Đại diện Hội Thánh các chi
phái đạo Cao Đài tại Tam giáo điện Minh Tân (Sài Gòn) gồm có Đại diện của bảy
Hội Thánh và Đại diện của chín tổ chức (cơ quan) Đạo, mục đích là tìm phương
pháp qui hiệp thống nhất các chi phái Cao Đài về Toà thánh Tây Ninh. Đại hội
giao cho tiền bối Phan Khắc Sửu chủ toạ phiên họp.
Đại hội
quyết định thành lập ban vận động lấy hiệu là Tổng hợp Chi phái Cao Đài, tạm
thời uỷ quyền cho tiền bối Trần Văn Quế (1902-1980) phụ trách việc tiếp xúc với
các Hội thánh.
Đại hội
Tổng hợp Chi phái Cao Đài họp ngày 16 tháng 7 năm Giáp Thìn (tức 23.8.1964) tại
thánh thất Nam Thành gồm có bảy đại diện các Hội thánh. Sau khi bàn thảo, thành
lập Ban Chấp hành Lâm thời với danh hiệu
Ban Vận động Tổng hợp Chi phái Cao Đài. Vị Tổng Thư ký là tiền bối Trần
Văn Quế (Tiền bối Trần Văn Quế thụ phẩm Giáo sư tại Toà thánh vào năm 1948 và
có chân trong Khảo Cứu vụ, đại diện Hội thánh Truyền giáo). Những chức vụ khác
chia cho các chi phái sau đây: Hội thánh Nhị Giang, Toà thánh Tây Ninh, Bạch Y
Liên đoàn, Cộng đồng Hội giáo, v.v. Về sau tiền bối Trần Văn Quế có hướng dẫn
phái đoàn về Toà thánh Tây Ninh để thống nhất nhưng bất thành, vì còn có một số
ý kiến chưa tương hợp.
oOo
Như thế, tuy phân thành nhiều chi
phái nhưng nói chung, việc tổ chức, thờ phụng và kinh sách vẫn tương đối không
khác nhau nhiều. Cơ bản, các chi phái đều tôn trọng Thánh ngôn Hợp tuyển, Tân
Luật và Pháp Chánh truyền.
Tác giả
Huệ Minh đã trình bày thực trạng ấy với lòng thiết tha, cảm khái và những cái
nhìn lạc quan như sau, trong bài “ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ: SÁNG KHAI – HÌNH THÀNH
– PHÁT TRIỂN”, đăng ở báo Sống Đạo số 6, Xuân Quí Mùi 2003, tr. 60-61, như sau:
“Sự hình
thành chi phái quá sức trầm trọng như kể trên, nhất định trong chúng ta không
ai mong muốn cả. Tuy nhiên nếu tĩnh tâm mà phán xét thì trong sự phân chi phái
ấy đã có một tác dụng lớn lao mà kết quả là cơ phát triển nền Đạo rất khả quan.
Tác dụng này chỉ được phát sinh trong một thời gian tương đối ngắn, nhưng thành
quả thì rất to lớn ngoạn mục. Thành quả này đối với con người, dù cá nhân ấy có
tài trí đến bao nhiêu cũng khó đạt được.
“Ngoài
ra, phái chi trong đạo Cao Đài tuy đã phơi bày một sự thực không kém phần chua
chát, một tình huống quyết liệt đau buồn, thế mà trong đó hầu hết mọi người tín
hữu Cao Đài của mọi chi phái tuyệt đối không có ý tỵ hiềm nhau, không có đối
nghịch, hoặc hơn thế nữa, họ còn quí mến nhau và tỏ ra vui mừng vồn vã khi có
dịp hội diện nhau.
“Một đặc
điểm cao quí nhất trong các chi phái Cao Đài là vẫn thờ một Thầy là Thượng đế
Chí tôn, vẫn thờ một Thánh tượng Thiên Nhãn, vẫn tụng một bài Chí tôn Bữu cáo
như nhau và luôn luôn cầu nguyện cho nhau đến ngày triệt tiêu hết mọi hàng rào
chi phái, thậm chí những hàng Chức sắc, Chức việc và Đạo tâm nam nữ đã tự ý tạo
điều kiện cho nhau để được sinh hoạt chung dưới các hội trường thánh thất của
nhau trong tinh thần cảm thông sâu sắc.
“Những
sự thật đó khiến cho mọi người chúng ta tưởng chừng như đạo Cao Đài chưa bao
giờ phân chia chi phái. Có lẽ hiện tượng đó là chân thật tự đáy lòng mọi người,
nó là những ước mơ có thể trở thành thực sự trong một tương lai gần đây. Đó là
niềm tin chính đáng mặc dù không kêu gọi thống nhất, nhưng vẫn có cơ sở đúng
đắn, cho nên Đức Chí tôn dạy rằng:
“Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
“Tóm
lại, cơ phát triển của đạo Cao Đài đương diễn tiến không ngừng bằng nhiều cách,
bằng nhiều yếu tố, nhiều nhịp độ khác nhau mà chúng ta với một khả năng hữu hạn
của con người không thể nào nhìn thấy được, đó là điều hiển nhiên rất mầu
nhiệm.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét