XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI VỢ KHÓC THƯƠNG CHỒNG Ở THÀNH NHÀ HỒ

Tảng đá được cho rằng có vết tích của đầu và hai bàn tay ở thành nhà Hồ - Ảnh sưu tầm

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 16, mặt khắc 45 ghi chép về câu chuyện người vợ khóc thương chồng rồi quyên sinh tại thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ còn gọi là thành Tây Đô, ở địa phận động An Tôn, phủ Thanh Hóa. Thành do Hồ Quý Ly cho xây đắp vào năm Đinh Sửu (1397). Thành được đắp rất nhanh, trong thời gian 3 tháng là hoàn thành. Bên cạnh những ghi chép về quy mô và quá trình xây dựng, Mộc bản triều Nguyễn còn lưu lại câu chuyện cảm động về người vợ khóc thương chồng rồi quyên sinh ở thành Tây Đô này.
Mùa xuân, tháng giêng năm Đinh Sửu, Hồ Quý Ly sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập miếu xã, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, đến tháng 3 thì công việc hoàn tất.
Triều thần nhiều lần can ngăn vì cho rằng An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Khu mật chủ sự thị sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can: Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có núi Tản Viên, có sông Lô Nhị, núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa, các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất làm nơi sâu gốc bền rễ. Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nước nhà. Nhưng Quý Ly không nghe.
Thành nhà Hồ được đắp với mỗi mặt dài 120 trượng, cao 1 trượng 2 thước. Thành vuông mà rộng hơn 200 mẫu. Cửa Nam của thành xây bằng đá ba tầng, như cửa Chu Tước ở thành Thăng Long. Ba cửa Đông, Tây, Bắc xây bằng đá, nền đều đắp bằng đá xanh. Các đường thông với thành đều lát đá hoa văn nên gọi là Hoa Nhai (đường hoa). Ngoài thành có hào, tả hữu có đá núi, phía trước là sông Mã, sông Bảo. Bao quanh thành lại đắp đất làm la thành. Phía tả từ tổng Cổ Biện qua các xã Bỉnh Bút và Cổ Điệp theo sông Bảo chạy về phía Nam đến Đốn Sơn (núi Đốn). Phía hữu từ tổng Quan Hoàng huyện Cẩm Thủy men theo sông Mã chạy về Đông thẳng đến núi An Tôn mấy vạn trượng.
Sau này, thành còn được củng cố thêm cho vững chắc, tạo thành hệ thống phòng thủ kiên cố. Năm Kỷ Mão (1399), Hồ Quý Ly sai Trần Ninh đốc suất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở phía Tây thành, phía Nam từ Đốn Sơn, phía Bắc từ An Tôn đến tận cửa Bào Đàm, phía Tây từ chợ Khả Lãng ở Vực Sơn đến Lỗi Giang, vây quanh làm tòa thành lớn bọc phía ngoài. Dân chúng ai lấy trộm măng thì bị xử tử. Hồ Quý Ly còn sai bắc cầu cống, đặt hàng quán, đào khe cừ để tiện đi lại. Thân thành đều xây bằng đá, sau lại bị đổ. Đến năm Tân Tỵ (1401), Hồ Hán Thương hạ lệnh cho các lộ nung gạch để sửa đắp lại thành.
Khi nhắc đến thành Tây Đô, người đương thời không thể quên câu chuyện người vợ khóc thương chồng bị chôn vùi khi đắp thành. Câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng được ghi chép ở phần cổ tích của tỉnh Thanh Hóa, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 16, mặt khắc 45: Vào năm Quang Thái thứ 10 (1397), tháng giêng, Quý Ly chấn hưng đại sự. Khi ấy có một người là Cống sinh được giao đốc trách công việc. Vì ông nhiều lần bàn tính nên Quý Ly rất giận, lệnh đem Cống sinh đó vào thành, nơi nào khuyết thì áp người vào xây đắp lên. Vợ của Cống sinh đau xót, ngày ngày đến đó đầu đập vào đá, hai tay cũng vỗ vào đá, khóc lóc thảm thiết rồi quyên sinh. Chỗ lõm của tảng đá vẫn còn vết tích của đầu và hai tay. Về sau, mọi người xa gần biết được, không ai là không cảm mến mà tìm đến viếng thăm rất đông.
Vào thời vua Tự Đức, Đốc học Mỹ Hóa là Nhữ Bá Sĩ có thơ rằng:
慷 慨 捐 軀 觸 石 岡
從 夫 誓 指 頓 山 陽
死 而 未 死 心 堅 石
生 不 虛 生 節 傲 霜
Phiên âm:
Khảng khái quyên khu xúc thạch cương
Tòng phu thệ chỉ Đốn Sơn dương
Tử nhi vị tử, tâm kiên thạch
Sinh bất hư sinh, tiết ngạo sương
(Tạm dịch: Khảng khái quyên mình vùi vào gò đá
Theo chồng thề tựa cõi Đốn Sơn
Chết mà chưa chết, tâm bền chặt đá
Sống thật sự sống, tiết khí ngạo nghễ với sương).
Ngày nay, ở làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn ngôi đền thờ người vợ quyên sinh và tảng đá có vết lõm được cho rằng đó là vết tích của đầu và hai tay vỗ vào.
Năm 2011, thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Mặc dù đã hơn 600 năm tồn tại nhưng một số đoạn của thành vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Thành nhà Hồ và huyền tích về tình nghĩa của người vợ đối với chồng vẫn sẽ được lưu truyền mãi cho hậu thế./.
Tài liệu tham khảo:
1. H20/18, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. H140/1, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội (1998);
4. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, Nxb Khoa học Xã hội (2004).
5. Sách Đại Nam nhất thống chí, Quốc Sử quán triều Nguyễn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa (2006).
Nhật Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét