XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

Quân Minh chuẩn bị xâm lăng Đại Việt 1406: Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ- Bài 55

Quân Minh chuẩn bị xâm lăng: Kế hoạch tổng quát.

Hồ Bạch Thảo

Minh Thái Tông xua quân xâm lăng, với dã tâm vĩnh viễn đặt nước ta dưới ách cai trị; nên cử rất nhiều quan lại, như bọn Tham chính Vương Bình đi kèm với đoàn quân Chu Năng; liệu tính chiếm cứ được chỗ nào thì sẵn sàng cai trị chỗ đó:

“Ngày 18 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [1/8/1406]. Sai bọn Tham chính Phúc Kiến Vương Bình theo Thành quốc công Chu Năng đến An Nam làm việc. Từ nay, phàm những nhân tài có thể đảm nhiệm được chức vụ được lần lượt sai đi.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 230 ) 

Với nhu cầu đòi hỏi nhiều nhân lực, nhà Vua ra lệnh các quan văn võ có tội, cho phép đi theo đoàn viễn chinh để lập công chuộc tội:

“Ngày 12 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [29/5/1406]. Ðô chỉ huy Từ Chính Hà Nam có tội, bị biếm trích tòng chinh An Nam để lập công chuộc tội.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 221)

“Ngày 13 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [ 30/5/ 1406 ]. Phục chức Tả Tham chính Trử Ngẩu, Tả Tham chính Tô Cung thuộc ty Bố chánh Giao Chỉ.Trước đây hai người phạm tội; Ngẩu bị giáng xuống Tả Tham nghị, Cung giáng làm Viên Ngoại lang bộ Hộ. Nay dùng binh tại An Nam, cần cung cấp nhiều quân nhu, Quảng Tây tâu rằng bọn Ngẩu lo việc này, nên cho trở lại chức cũ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 221)

Kẻ đào thoát nhà Hồ, như Bùi Bá Kỳ, được ban áo mũ, theo đại quân trở về nước:

“Ngày 18 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [4/6/1406]. Ban cho Bùi Bá Kỳ người An Nam mũ và dây đai. Mệnh theo đại quân Nam chinh.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 222)

Nhắm mua chuộc người nước ta trong bước đầu cai trị, Minh Thái Tông ra lệnh không giết những người ra hàng, và tha những tù nhân bị nhà Hồ bắt:

“Ngày 25 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [8/8/1406]. Sắc dụ quan Tổng binh chinh phạt An Nam Thành quốc công Chu Năng 

 ‘ Sau khi quân khắc phục An Nam, phàm những người trong nước trước đó bị giặc họ Lê bắt đều được thả cho về.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 230)

“Ngày 16 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [27/10/1406]. Sắc dụ bọn Chinh thảo An Nam quan Tổng binh Thành quốc công Chu Năng rằng việc trong quân đã có sắc dụ dự liệu đầy đủ, các ngươi nên cân nhắc kỹ mà thi hành. Khi lâm địch, nếu bọn chúng cầm quân chống cự thì giết không tha; nếu đầu hàng, xin qui phục cùng trốn tránh thì đừng giết, thể theo lòng thương người của ta.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 235)

Ngày 2 tháng 7 nhuần năm Vĩnh Lạc thứ 4 [15/8/1406] Minh Thái Tông ban sắc dụ cho Thành quốc công Chu Năng, về cách xử trí đối với thư tịch, bản đồ tịch thu tại An Nam, như sau:

“Sắc dụ chinh thảo An Nam quan Tổng binh Thành quốc công Chu Năng:

‘Quân vào An Nam đánh chiếm các quận ấp, phàm tịch thu được thư tịch, bản đồ, đều không được hủy.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 231)

Về việc tịch thu sách, một số nhà nghiên cứu trong nước, dùng sử liệu từ sách Việt Kiệu Thư [越峤书] của Lý Văn Phượng thời Gia Tĩnh triều Minh, trưng một sắc dụ khác cho là của Minh Thành Tổ [tức Minh Thái Tông được suy tôn là Thành Tổ thời Gia Tĩnh] đề ngày 8 tháng 7 nhuần năm Vĩnh Lạc thứ 4 [21/8/1406], nguyên văn như sau:

。除 。外 。如 。片 。其 .

(Khi quân vào, trừ các kinh sách Thích, Đạo thì không hủy; ngoài ra mọi thư tịch văn tự cho đến những câu nhà quê, sách dạy trẻ, như loại văn “Thượng đại nhân, Khâu ất dĩ” (1); thì một tờ giấy, một chữ đều hủy. Trong nước có bia do Trung Quốc lập thì lưu giữ, nhưng do An Nam lập thì hủy hoại, một chữ cũng không giữ.).

Hai sử liệu nêu trên, nội dung tương phản với nhau, bởi vậy nhà nghiên cứu cần dùng phương pháp khoa học để chứng minh sử liệu nào đáng tin cậy hơn. Phương pháp chúng tôi sử dụng, trước tiên đánh giá nguồn sử liệu, theo mẫu tự A,B,C,D; kế đến cân nhắc giá trị của sử liệu theo số thứ tự 1,2,3,4.

Về đánh giá nguồn sử liệu; hãy xét đến sử liệu thứ nhất, xuất xứ từ Minh Thực Lục, sách này được biên soạn bởi những nguồn tài liệu sau đây : 

Khởi Cư Chú ( ) tức nhật ký ghi lại việc làm cùng lúc nghỉ ngơi của nhà vua. Truyền thống này bắt nguồn từ thời nhà Chu [-1100-221], do quan Tả sử chép lời, Hữu sử chép việc; nhiệm vụ ghi lại lời nói và việc làm của nhà vua trong triều.

Nhật lịch ( ) ghi chép sự việc hàng ngày theo trình tự thời gian.

Các văn kiện chính thức được thu thập từ chiếu dụ của Vua; cùng tấu, biểu của các quan và các nước chư hầu.

Sau khi vị Vua đương nhiệm mất, Sử quan có nhiệm vụ tổng hợp tài liệu để hoàn thành Thực Lục cho đời Vua này; việc làm được giám sát bởi quan Trung Thư tỉnh và Ngự sử. Bộ sử lúc làm xong chỉ chép thành hai bản; một bản dành cho Vua, để trong nội cung ; bản thứ hai dành cho các quan Đại thần cất tại nội các, dùng để tham khảo. Qua những điều đã trình bày, khẳng định Minh Thực Lục là chánh sử, độ tin cậy cao, đáng xếp vào loại A.

Nguồn cung cấp cho sử liệu thứ hai là Việt Kiệu Thư; trang mạng Bách Khoa của Trung Quốc [baike.com] giới thiệu sách này và thân thế tác giả Lý Văn Phượng như sau:

《越峤书》明李文凤撰。文凤字廷仪,宜山人。嘉靖壬辰进士,官至云南按察司佥事。是书皆记安南事迹,朱彝尊《曝书亭集》有《越峤书跋》,称为有伦有要,於彼国山川、郡邑、风俗、制度、物产,以及书诏、制敕、移文、表奏之属,无不备载。而建置兴废之故,亦皆编次详明。然大致以黎崱《安南志略》为蓝本,益以洪武至嘉靖事耳。

(Sách Việt Kiệu Thư do Lý Văn Phượng đời Minh soạn. Văn Phượng tự là Đình Nghi, người đất Nghi Sơn, đậu Tiến sĩ năm Nhâm Thìn đời Gia Tĩnh [1532], làm quan đến chức Án sát ty thiêm sự tỉnh Vân Nam. Sách này đều chép sự tích về An Nam. Chu Di Tôn trong sách Bao Thư Đình Tập có ghi lời bạt sách Việt Kiệu Thư;cho rằng sách có trình tự, chép điều quan yếu về sông núi, quận ấp, phong tục, chế độ, sản vật; cùng chiếu thư, chế sắc, di văn, biểu tấu các loại đều ghi đầy đủ; còn nguyên nhân kiến trí hưng phê cũng biên rành rẽ. Tuy nhiên phần lớn sách dùng An Nam Chí Lược của Lê Trắc làm lam bản [bản gốc làm căn cứ]; cộng thêm sự việc từ thời Hồng Vũ [Minh Thái Tổ] đến thời Gia Tĩnh [Minh Thế Tổ].)

Qua những lời giới thiệu sách, thấy rằng Việt Kiệu Thư là dã sử do tư nhân làm ra, tư liệu thu thập từ dân chúng, chứ không phải từ Khởi Cư Chú, Nhật Lịch, là nguồn phát xuất ra sắc dụ; tác giả sống cách xa lúc xãy ra sự việc, đến khoảng 130 năm. Với những yếu tố này, đáng đánh giá nguồn sử liệu của tư liệu trong sách Việt Kiệu Thư vào loại B.

Công việc thứ hai là tìm hiểu giá trị của sử liệu. Sắc dụ trong Minh Thực Lục  ra lệnh “tịch thu được thư tịch, bản đồ, đều không được hủy”; xin nêu lên một vài bằng cứ chứng minh một số tư liệu xưa, chưa hủy:

– Trong sắc dụ thành lập các phủ, huyện vào ngày 1 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [5/7/1407], nhà Minh đã dựa vào địa lý chí An Nam thời Trần Hồ, đổi 38 địa danh hàm ý độc lập tự chủ, như phủ Long Hưng đổi thành Trấn Man; ngoài ra vẫn giữ nguyên tên 15 phủ và hàng trăm huỷện. Làm được việc này, họ phài có tư liệu về địa lý chí thời Trần Hồ trong tay; đó là bằng cứ thư tịch không hủy. Chính Học giả Đào Duy Anh đã tham khảo tư liệu này để soạn địa lý chí thời Trần Hồ trong sách Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời.

-Lại cần phải nói thêm, bộ Việt Sử Lược [越史略] hoàn thành tại nước ta vào cuối đời Trần vẫn được Tứ Khố Toàn Thư Trung Quốc lưu giữ. Thực tế tại trong nước, các bia đá thời Lý, Trần còn lưu lại không ít. 

Những bằng chứng đã trình bày, có thể xếp giá trị sử liệu về ” thư tịch, bản đồ, đều không được hủy” vào loại 1.

Với những bằng chứng nêu trên, đương nhiên phủ nhận sứ liệu “mọi thư tịch văn tự cho đến những câu nhà quê, sách dạy trẻ, như loại văn “Thượng đại nhân, Khâu ất dĩ”; thì một tờ giấy, một chữ đều hủy.” ghi trong Việt Kiệu Thư là không có cơ sở. 

Đáng buồn cho Lý Văn Phượng, một khoa bảng triều Minh, nhưng không hiểu rõ lịch sử về triều đại này. Về mặt tàn ác, Minh Thái Tông vượt cả Tần Thủy Hoàng; về việc giết người, nhà Tần chỉ mới tru di đến 7 họ; riêng Minh Thái Tông chiếm kỷ lục tru di đến 10 họ; trang mạng wikipedia.org/wiki/族誅 chép như sau:

史上唯一一次诛十族的记载发生于中国明朝。明成祖朱棣誅方孝孺十族事件:燕王朱棣發動靖難之變,奪其侄子明惠帝的天子寶座,入主金陵。朱棣登基,命忠於皇室的方孝孺起草即位詔書。方孝孺不但寧死不從,更予以辱罵,於詔書上寫上「燕賊篡位」四字。朱棣怒以誅九族威嚇之。方孝孺卻訕笑似地說:「便十族奈我何!」朱棣便把其門生朋友歸入第十族,連同原來九族一併誅殺。最終共誅殺八百七十三人,

(Lịch sử Trung Quốc chỉ ghi 1 lần tru di thập tộc [giết 10 họ]; sự việc xãy ra dưới triều Minh; đó là sự kiện Minh Thành Tổ Chu Lệ tru di 10 họ Phương Hiếu Nhụ. Bấy giờ Yên vương Chu Lệ phát động binh biến đoạt ngôi Vua của cháu là Huệ Đế, vào làm chủ Kim Lăng. Khi Chu Lệ giữ ngai vàng, bèn sai trung thần Phương Hiếu Nhụ soạn chiếu thư lên ngôi. Phương Hiếu Nhụ không những chịu chết không tuân, lại còn nhục mạ bằng cách viết lên chiếu thư 4 chữ “Giặc Yên soán ngôi”. Chu Lệ giận, doạ tru di 9 họ; Phương Hiếu Nhụ bèn cười ngạo rằng:

‘Giết 10 họ cũng chẳng ăn nhằm gì!’

Chu Lệ bèn nghĩ ra cách, lấy bạn bè cuả học trò làm họ thứ 10; cộng thêm nguyên lai 9 họ; đều đem ra giết. Tổng kết tru giết 873 người.) 

Một ông Vua hiếu sát như vậy, một khi ra lệnh, trên dưới đều phải răm rắp tuân theo. Ngay cả Tổng binh Trương Phụ, người chiếm công đầu trong chiến tranh An Nam; nhận lệnh Thái Tông, 4 lần lặn lội từ hai nước Hoa, Việt; đi về đường xa xôi vạn dặm, mà không dám có một lời than thở. Thế mà trong Việt Kiệu Thư sắc chỉ đề ngày 10 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 5 (15 – 6 – 1407), lại có hiện tượng “Nay nghe trong quân tìm được văn tự, mà không ra lệnh quân lính đốt hủy” ( ). Rồi nhà Vua lại ôn tồn bảo phải hủy đi “Các ngươi ngày nay nên làm như sắc dụ trước; lệnh trong quân tại xứ đó nếu bắt gặp thư tịch văn tự thì lập tức hủy, không được lưu giữ ” ( 。號 便 ).

Thử hỏi Minh Thái Tông nỗi tiếng độc tài, có lẽ nào năm Vĩnh Lạc thứ 4 [1406] ra lệnh hủy sách,mà đến năm thứ 5 [1407] kẻ dưới quyền vẫn chưa chịu hủy? Sau khi biết không chịu hủy, lại để yên, không trừng phạt tru di 10 họ như đã làm, thì lại càng lạ hơn!

Qua phân tích, thấy được giá trị sử liệu về việc đốt sách ghi trong Việt Kiệu Thư chỉ nên xếp vào loại 3 thôi. Tổng kết nguồn tư liệu trong Minh Thực Lục được đánh giá A1, tư liệu trong Việt Kiệu Thư chỉ đánh giá B3; nhà nghiên cứu chỉ biết dựa vào khoa học mà chọn lựa!

Cũng cần nói thêm, việc tịch thu, giữ kín thư tịch văn hóa nước ta, là điều thâm hiểm muôn đời. Đòi hỏi các nhà nghiên cứu yêu nước, cần rà soát các thư viện, viện bảo tàng khắp thế giới, lần lượt tìm tòi cho ra; vì không chỉ thư tịch dấu tại Trung Quốc, trong thời Bát quốc liên quân vào chiếm Bắc Kinh, cũng đã mang một số lượng không nhỏ ra nước ngoài. 

Trở lại vấn đề, cuộc hành quân xâm lăng An Nam, Minh Thái Tông đã hoạch định sẵn nhật kỳ; thượng tuần tháng 10 vào biên giới, thượng tuần tháng 11 tổng tấn công phía bắc sông Hồng. Nhắm hoàn thành kế hoạch, Thái Tông ân cần dặn dò Tây bình hầu Mộc Thạnh luôn luôn giữ hòa khí với chủ tướng, báo cáo rõ ràng để tránh hiểu lầm:

“Ngày 6 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 4[20/7/1406]. Sắc dụ Phó Tướng quân chinh thảo An Nam Tây Bình hầu Mộc Thạnh:

‘Cổ nhân dạy rằng quân thắng nhờ nội bộ hòa, bởi vậy quân môn được gọi là hòa môn. Ngươi giữ chức Phó Tổng Chỉ huy, tùy cơ nghi, xét tình thế, không trở ngại thì có quyền điều động. Nếu quan Tổng binh mưu tính từ xa, vô tình gây trở ngại cho cánh quân của ngươi, hoặc giả bọn ngươi đang giao tranh với giặc, hay đường sá tắc nghẽn thế không đến được, thì phải báo cáo rõ ràng, không được cố tình vi phạm để đến nỗi tổn thương hòa khí. Tướng soái bất hòa là con đường dẫn đến thất bại, ngươi nên cẩn thận!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 227)

Về phía chủ tướng Thành quốc công Chu Năng, Thái Tông dặn phải hết sức cẩn thận, lúc chưa phối hợp được với đạo quân Vân Nam: chớ mắc mưu, thọc sâu nguy hiểm; hoặc nghe lời dụ dỗ nạp cống, rồi lơ là bị địch đánh úp:

“ Ngày 10 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [24/7/1406].Dụ  bọn chinh thảo An Nam  quan Tổng binh bọn Thành quốc công Chu Năng rằng:

‘ Nay quân của ngươi từ Quảng Tây, cùng với quân của Tả Tướng quân Mộc Thạnh từ Vân Nam vào đánh, hai quân cần phải hợp lực để bình định cho xong. Nếu giặc thừa lúc hai đạo quân chưa gộp lại được, tìm cách ngăn trở bằng cách dùng lợi nhỏ để dụ, quân ta tự thị dõng mạnh lại tham, để quân đơn độc thọc sâu, đó là con đường nguy hiểm! Hoặc bọn giặc làm bộ qui phục xin nạp khoản (2) để làm giải đãi lòng quân; nhưng bí mật đặt mưu riêng như đánh úp, cậy hiểm đặt quân mai phục; nhắm vào chổ ta không liệu tính được; hoặc bỏ thuốc độc vào thực phẩm nước uống đợi lúc quân ta đói khát. Mưu giặc quỉ quyệt ngàn phương vạn lối, không thể không cẩn thận. Tuy nói rằng quân Vương giả điếu dân phạt tội hành động chính đáng; nhưng đừng như Tống Tương công [đời Đông Chu] tự cho mình là nhân nghĩa, nước khác không thể dùng chước lạ mà đánh được, rốt cuộc bị bại vong. Bọn các ngươi hãy thận trọng, tùy cơ ứng biến, chọn điều lợi mà làm, ta không xen vào để ngăn cản. Sắc cho Tả Tướng quân Tây bình hầu Mộc Thạnh cùng biết.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 227)

Thái Tông lại căn dặn Tây bình hầu Mộc Thạnh tìm cách liên lạc với đạo quân Quảng Tây, để tiến cùng nhịp độ; lúc chưa phối hợp được với lực lượng bạn, quân cô cần tránh giao tranh:            

“Ngày 16 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [30/7/1406]

Sắc dụ chinh thảo An Nam Tả Phó Tướng quân Tây bình hầu Mộc Thạnh rằng:

‘Ngày hôm nay đạo quân của Tổng binh Thành quốc công Chu Năng đã khởi hành; định vào thượng tuần tháng mười từ Bằng Tường (3) Quảng Tây tiến quân vào ải Pha Lủy (4) , Kê Lăng; thượng tuần tháng 11 vượt sông Phú Lương [Hồng Hà]. Xem bản đồ tình hình giặc, quân ngươi gần với Tây Đô (5) của giặc hơn, sợ thừa cơ thuận tiện chúng đánh quân ngươi trước, nên phải liệu khi quân của Thành quốc công gần, mới tiến theo nhịp độ nhanh chậm, yểm trợ lẫn nhau, hoặc do đường khác đến ngay phía bắc sông Phú Lương, rồi hai quân gộp lại cũng là một cách; nhưng phải tiên liệu hành trình, ước tính kỳ hẹn rồi báo trước cho Thành quốc công hay. Nếu gặp chổ hiểm yếu, giặc dùng khinh binh khiêu chiến, thì cứ án binh bất động; trường hợp quân ta bất đắc dĩ phải đối địch với binh lực lớn của giặc, thì phải cảnh giác cẩn thận, nhắm bảo toàn lực lượng.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 229)

Trái với các cuộc chiến tranh xâm lược từ thời Minh trở về trước, quân Trung Quốc có khuynh hướng dồn nỗ lực tại Bắc Ninh, vượt sông, đánh kinh thành Thăng Long. Lần này Minh Thái Tông chủ trương đem quân nhỏ đánh nhử tại Gia Lâm, dùng nỗ lực chính tập trung 2 đạo quân Quảng Tây, Vân Nam đánh dứt điểm thành Đa Bang tại tỉnh Sơn Tây:

“Ngày 1 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [12/9/1406]. Sắc dụ chinh thảo An Nam  bọn quan Tổng Binh Thành quốc công Chu Năng:

“An Nam là chốn cùng tịch nơi góc biển, xưa là quận huyện của Trung Quốc; từ đời Ngũ Quí trở về sau Trung Quốc lắm việc nên không chế ngự được. Đến đời Tống, Nguyên, chúng thường bội nghịch; đã dùng binh thôn tính, nhưng không thành công. Nay giặc họ Lê nghịch mệnh; Trẫm ra lệnh các ngươi mang binh thảo phạt, hãy định ngày thành công. Sở dĩ Tống, Nguyên trước kia vô công vì tướng kiêu, lính lười, tham của, hiếu sắc; các ngươi phải lấy đó làm răn.

Sông Phú Lương [Hồng Hà] gần thành Đông Đô của giặc, chúng ắt phải cố thủ; quân ta vào sâu lòng địch khó có thể dùng lối đánh dằng dai; nếu đến Gia Lâm (6) muốn vượt sông cần có đủ thuyền bè, lại phải giao tranh suốt ngày không khỏi mệt quân lính. Chi bằng lúc đại binh chưa tới, cho kỵ binh du kích đột kích Gia Lâm, đối ngạn với giặc; bắt đầu có thể dùng khoảng 100 tên, trong ngày tăng lên đến hàng ngàn, đêm đốt lửa bắn pháo chế ngự và lừa giặc. Còn đại quân hướng về thượng lưu sông Phú Lương, chọn nơi nước cạn cùng với quân Tây bình hầu Mộc Thạnh họp lại cùng vượt sông, nhắm yếu tố bất ngờ nên dễ thành công. Ý Trẫm như vậy, nhưng từ xa xôi khó tính toán chính xác; các ngươi cần tự mình lập mưu, vì từ xưa đến nay kẻ dùng binh giỏi, đều nhân nhược điểm của địch mà chế thắng.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 232)

Sử Việt Nam, Toàn Thư chép vào tháng 6 năm Khải Đại thứ 4 [16/6-14/7/1406], nhà Hồ ra lệnh cho dân tại phía bắc sông Hồng, thực hiện vườn không nhà trống, chuẩn bị di cư sang phía nam sông, khi quân Minh đến:

“Khi quân Minh mới vào cõi, ra lệnh cho nhân dân đều phá bỏ hết lúa má; các xứ Lạng Châu, Vũ Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm, Tam Đái, đều nghiêm chỉnh làm vườn không nhà trống. Quân Minh rút đi, nhân dân lại phục nghiệp như cũ” Toàn Thư, Chính biên, quyển 8.

Kế đó vào tháng sau, Vua nhà Hồ ra lệnh đóng cọc gỗ phòng thủ tại phía nam sông Hồng và vùng Lạng Sơn đến hạ lưu sông Thương:

“Mùa thu, tháng 7 [15/7-13/8/1406], Hán Thương ra lệnh cho các lộ đóng cọc gỗ ở bờ phía nam sông Cái, từ thành Đa Bang đến Lỗ Giang và từ Lạng Châu đến Trú Giang (7) để làm kế phòng thủ. Hán Thương hạ lệnh cho dân Tam Đái và Bắc Giang tích trữ lương thực, vượt sông sang làm nhà cửa ở chỗ đất hoang, chuẩn bị di cư đến đó.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 8.

Chú thích:

1. Theo trang mạng Bách Khoa [baike.com] giải thích Thượng đại nhân, Khâu Ất Dĩ ghi trong bộ bài giải trí, có các quân, mỗi quân có hình vẽ, biểu tượng như sau: “上大人,丘乙己,化三千,七十贤,八九子,佳作美,尔小生,可知礼” (Thượng đại nhân, Khâu Ất Dĩ, hoá tam thiên, thất thập hiền, bát cửu tử, giai tác mỹ, nhĩ tiểu sinh, khả tri lễ).

2. Trò chơi này ý chỉ: Khổng Tử thưa cha Thượng đại nhân, con là Khâu Ất Dĩ, dạy được 3000 học trò, trong đó có 72 người hiền, có 8, 9 trẻ (chỉ thập triết) , đều là tốt; các ngươi trẻ nhỏ, có thể biết lễ nghĩa.

Nạp khoản: nước nhỏ nạp cống cho nước lớn để xin qui phục gọi là nạp khoản.

3. Bằng Tường: nay thuộc huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, gần sát ải Nam Quan.

4. Pha Lủy: tức ải Nam Quan.

5. Tây Đô: tại Thanh Hóa.

6. Gia Lâm: Thời Trần Hồ, Gia Lâm là một huyện thuộc lộ Bắc Giang, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.

7. Trú Giang: Toàn Thư chú thích rằng có lẽ thuộc hạ lưu sông Thương.


NGUỒN BÀI ĐĂNG

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét