XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá xưa và nay


1/ Địa hình xã Vĩnh Yên

          Vĩnh Yên là một xã đồng bằng, có đồng ruộng và đồng bãi rộng lớn, nhưng xã lại có cả núi đất và núi đá vôi. Núi đất gồm có núi voi (Thổ tượng) và núi Thọ Đồn (Ngưu Ngoạ), trong đó núi Voi Vĩnh Yên quản lý một phần, phần còn lại thuộc quản lý của xã Vĩnh Long và xã Vĩnh Quang. Núi đá vôi có 2 dãy, một dãy thuộc làng Yên Tôn Thượng (có hang Nàng nay gọi là hang Rơi nơi Hồ quý Ly giam vua Thiếu đế nhà Trần khi xưa), một dãy thuộc làng Phù Lưu (nơi khai thác đá xây thành Nhà Hồ); Theo sách Thanh Hoá tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo viết năm Bính Tý niên hiệu Gia Long 15 (1816) phần núi sông có ghi về núi An Tôn như sau: “Núi ở địa phận xã An Tôn xưa gọi là động An Tôn, Núi từ Mang Trình kéo xuống liền men theo Cẩm Hoàng, trải đến Cẩm Nhất, làm vượt theo sông nước Quảng Bình đến Quan Hoàng, Eo Lê men theo sông mà đổ về, nham thạch nổi lên thưa thớt, trong núi có động, thạch nhũ nhỏ giọt, nước liên tục nhỏ bốn mùa không thôi. Lại thấy hai ngọn đột nhiên hiện lên, thế thật độc lập, giống như hai con voi đang xuống sông uống nước. Đứng từ xa mà nhìn về, hình sắc như vẽ, thiên nhiên thật đáng yêu. Mé bên trái núi thời nhuận Hồ gọi là thành Tây Đô”;

Ngoài ra ở Vĩnh Yên còn có nhiều mau (hồ) khoảng 36ha là dấu tích còn lại của việc Hồ Quý Ly đào sông từ thành đá Nhà Hồ qua làng Tây Giai (Vĩnh Tiến) Mỹ Xuyên, Yên Tôn Hạ (Vĩnh Yên), Quan Hoàng (Vĩnh Quang (ngày nay), đi theo hướng Tây Bắc ra sông Mã (chỉ còn cách 300m nữa là thông với sông Mã)

Ngoài làng Mỹ Xuyên ở giữa cánh đồng bên cạnh hệ thống sông đào (nay thành hệ thống hồ), các làng khác Thọ Đồn, Yên (An) Tôn Thượng, Phù Lưu, Yên (An) Tôn Hạ đều dựa lưng vào các gò đất cao thuộc dãy núi đất và đá của Động An Tôn quay mặt ra sông Mã;

2/ Quá Trình hình thành Làng, Xã:

          Mảnh đất Vĩnh Yên ngày nay luôn luôn thuộc về huyện Vĩnh Lộc; Bởi vậy chúng ta hãy nhìn về quá trình hình thành và tên gọi của huyện Vĩnh Lộc qua các thời kỳ như sau:

Thời thuộc Hán từ 111 TCN đế năm 210 SCN là miền đất thuộc Dư Phát. Sau đó nhập huyện Dư Phát vào huyện Tư Phố cho nên đất Vĩnh Lộc có lúc thuộc Tư Phố;

Thời Tam quốc Lưỡng Tấn – Nam Bắc triều từ năm 210 – 581 thuộc huyện Kiến Sơ, sau đổi Kiến Sơ thành huyện Sùng Bình; Thời Tống – Đường (581 – 907) là miền đất thuộc huyện Nhật Nam (Cùng với Thạch Thành – Hà Trung);

Thời Đinh – Lê – Lý (970 – 1255) như thời Đường;

Thời Trần Hồ (1255 – 1407) thành huyện riêng có tên là huyện Vĩnh Ninh, thuộc trấn Thanh Đô;

Thời Lê Sơ vẫn gọi là huyện Vĩnh Ninh, Thời Lê Trung hưng (1583 – 1788) đổi là huyện Vĩnh Phúc và huyện Vĩnh Phúc lệ thuộc vào phủ Thiệu Thiên.

Thời Tây Sơn 1788 – 1802 đổi là huyện Vĩnh Lộc và tên Vĩnh Lộc bắt đầu có từ đây;

Thời Gia Long huyện Vĩnh Lộc lệ vào phủ Thiệu Hoá;

Minh Mệnh thứ 16 (1835) Nhà Nguyễn lấy 4 huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Quảng Địa (Quảng địa sau nhập vào Thạch Thành) lập ra phủ Quảng Hoá;

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 huyện vẫn giữ tên là huyện Vĩnh Lộc; Tháng 9 năm 1977 nhập hai huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành lấy tên là huyện Vĩnh Thạch; Tháng 9 năm 1982 tách hai huyện như trước và lấy lại tên cũ là Vĩnh Lộc;

Dưới triều Nguyễn 1802 – 1945 dưới huyện có Tổng, dưới Tổng có Xã, Thôn, Trang; Đầu thế kỷ XIX Vĩnh Lộc có 7 Tổng với 64 xã, thôn, trang (Lúc này Vĩnh Lộc còn một số xã, thôn, trang chưa nhập về huyện Hà Trung). Bảy Tổng đó là Tổng Biện Thượng. Tổng Hoàng Xá, Tổng Ngọ Xá, Tổng Nam Cai, Tổng Cao Mật, Tổng Sóc Sơn, Tổng Bình Bút; Các làng của xã Vĩnh Yên ngày nay nằm trong Tổng Cao Mật; Tổng Cao Mật có 13 xã, thôn gồm xã Cao Mật, xã Tây Nhai, Xã An Tôn Hạ, xã An Tôn Thượng, xã Phương Nhai, thôn Thổ Sơn thuộc xã Thổ sơn, Thôn Thọ Đồn, xã Hà Lương, xã Phú Sơn, xã Mỹ Tuyền, xã Phụng Công, xã Nhân Lộ;

Đến Đời Đồng Khánh (1886 – 1888) huyện Vĩnh Lộc vẫn có 7 Tổng là Thanh Xá, Ngọ Xá, Biện Thượng, Sóc Sơn, Nam Cai, Cao Mật, Bình Bút; Tổng Cao Mật gồm 13 xã thôn là: xã Cao Mật, xã Hà Lương, xã Nhân Lộ, xã Phụng Công, xã An Tôn Thượng, xã An Tôn Hạ, xã Mỹ Xuyên (xã Mỹ Tuyền đổi là Mỹ Xuyên) xã Phú Sơn, xã Phương Nhai, xã Xuân Nhai, xã Tây Nhai, thôn Thọ Đồn, Thôn Thổ Sơn;

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, vào cuối năm 1945 chính quyền cách mạng đã quyết định bỏ đơn vị hành chính Tổng lập đơn vị hành chính Xã với các tên mới, các làng xã thuộc Tổng Cao Mật cũ được lập thành 4 xã:

- Xã Đại Đồng gồm các làng Cao Mật, Hà lương, Nhân Lộ, Phụng Công và làng Ấp.

- Xã Lưu Phương gồm các làng Xuân Giai, Phương Giai, Thổ Phụ và thêm làng Đông Môn của Tổng Bình Bút;

- Xã Tiến Mỹ gồm các làng Tây Giai, Phú Lĩnh Thọ Đồn, Mỹ Xuyên

- Xã An Hoà gồm các làng An Tôn Thượng, An Tôn Hạ và Phù Lưu (Yên Tôn Thay cho An tôn từ đây vì nghĩa của chữ Nho là như nhau); Làng Phù Lưu trước cách mạng tháng 8 năm 1945 thuộc quản lý của làng (xã) An Tôn Thượng nay được tách thành một làng riêng (còn có tên gọi khác là Don Giữa hoặc làng Trầu)

Cuối năm 1946 thực hiện chủ trương của tỉnh, chính quyền huyện Vĩnh Lộc sáp nhập 3 xã Lưu Phương, Tiến Mỹ và An Hoà làm thành một xã lấy tên là Vĩnh Tiến; Tháng 7 năm 1953 trước yêu cầu của kháng chiến chống Pháp chính quyền cấp trên tách xã Vĩnh Tiến thành 2 xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Yên, riêng làng Đông Môn chuyển sang xã Vĩnh Long;

Như vậy xã Vĩnh Yên được thành lập từ giữa năm 1953 Gồm các làng Thọ Đồn, Yên Tôn Thượng, Yên Tôn Hạ, Phù Lưu, Mỹ Xuyên, xã lúc này có 2.175 khẩu; Năm 1968 HTX Yên Tôn Hạ và HTX Phù Lưu hợp nhất thành HTX Phú Yên; Năm 1994 đổi thành thôn Phú Yên mãi đến năm 2008 hai làng mới tách thành 2 làng riêng biệt và Làng Yên Tôn Hạ và Làng Phù Lưu; Tháng 6 năm 1994 xã có thêm làng mới là lãng Mỹ Sơn (lập làng mới do di dân các làng ra núi Voi (Thổ sơn);

3/Nguồn gốc xa xưa

          Vĩnh Yên có Kẻ Don là một làng cổ cách nay khoảng 2.000 năm, Kẻ Don gồm các làng Yên Tôn Thượng, Phù Lưu và Yên Tôn Hạ hiện nay. Đất Kẻ Don rộng và dài nên người ta phân ra (tự phát) gồm Don Thượng là làng Yên Tôn Thượng, Don Hạ là làng Yên Tôn Hạ, Don Giữa hay Don Trung là làng Phù Lưu; Sau này Kẻ Don còn gọi là Sách An Tôn,…rồi Động An Tôn (sách, động là đơn vị cấp cơ sở như làng, xã, thôn); Động An Tôn đã được ghi vào sử sách quốc gia, được Hồ Qúy Ly cho xây dựng thành đá tại Động An Tôn. Và ngôi thành này cũng được mang tên là thành An Tôn từ năm 1400 – 1407, thành An Tôn là kinh đô của nhà Hồ nên thành cũng được gọi là thành Nhà Hồ; Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: “Đinh sửu năm thứ 10 (1397) (Minh Hồng Vũ thứ 30) Mùa xuân tháng giêng sai thượng thư Lại Bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem xét, đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đắp thành, đào hào, lập nhà Miếu nền Xã, mở đường phố có ý muốn dời kinh đô đến đấy, 3 tháng làm xong”

          Thành nhà Hồ hiện nay nằm trên đất của làng Xuân Giai, Tây Giai (xã Vĩnh Tiến) làng Đông Môn, làng Cẩm Bào (xã Vĩnh Long) như vậy ta biết đất của Động An Tôn khi đó rất rộng. Tuy nhiên lớp cư dân cách đây 2.000 năm sống ở Kẻ Don tan hợp ra sao, đi đâu, về đâu hoặc vẫn ở lại thuộc dòng họ nào không thấy tài liệu, sử sách nào ghi lại. Trong quá trình diễn biến của lịch sử những biến động của thiên nhiên như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, thú dữ, chiến tranh, giặc dã và cả sự áp bức của các thế lực phong kiến…đã làm cho nhiều làng xóm bị tiêu diệt và phân tán, những biến động này ở Vĩnh Yên được truyền lại: “Xưa kia ở Vĩnh Yên có một làng tên gọi là Thắng Hào, làng nằm ở khu vực giữa hai dãy núi đá hiện nay, bấy giờ làng có khoảng vài chục nóc nhà. Khi Hồ Qúy Ly cho xây dựng thành An Tôn và chuyển kinh đô về đây làng chỉ cách thành An Tôn khoảng 1 cây số; Bấy giờ Nhà Hồ nuôi rất nhiều Voi để vận chuyển vật liệu, hàng hóa và sử dụng vào việc quân sự; Đàn voi của Nhà Hò hay đến phá chuối, mía và hoa màu của làng Thắng Hào, dân làng Thắng Hào uất ức quá đã đánh chết 1 con voi của Nhà Hồ (có người kể con voi bị đánh què). Hồ Qúy Ly tức giận đã ra lệnh cho quân lính đến đốt phá, tiêu diệt làng Thắng Hào; Dân làng Thắng Hào một số bị giết một số phiêu bạt khắp nơi và làng Thắng Hào bị xóa tên từ đó”

          Dấu tích còn lại có cánh đồng Thắng Hào nay thuộc làng Yên Tôn Thượng, cánh bãi Thắng Hào nay thuộc về làng Phù Lưu

         Hiện nay Vĩnh Yên có 6 làng Thọ đồn, Yên Tôn Thượng, Phù Lưu, Yên Tôn Hạ, Mỹ Xuyên và Mỹ Sơn (núi đất Thổ Tượng còn gọi là núi Voi)

Các làng thuộc xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá

1 - Làng Yên Tôn Thượng

         Yên Tôn Thượng xưa thuộc đất Kẻ Don là một làng Việt cổ xuất hiện từ Thời Hùng Vương, cách ngày nay trên dưới 2000 năm; Kẻ Don thuộc đất ba làng hiện nay là Yên Tôn Thượng, Phù Lưu và Yên Tôn Hạ nên dân trong vùng quen gọi là Ba Don (Don Thượng, Don Giữa và Don Hạ); Từ Kẻ Don có từ thế kỷ thứ IX, thế kỷ X có tên là Sách An Tôn, thế kỷ XIV có tên là Động An Tôn (Sách, Động) là tên đơn vị hành chính cấp cơ sở; Từ đầu thế kỷ XIX được thành lập làng, xã riêng được gọi là xã An Tôn Thượng; Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập và đổi tên làng An Tôn Thượng Thành làng Yên Tôn Thượng (Yên và An theo tiếng tàu là như nhau); Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 An Tôn Thượng là một xã gồm 2 thôn (An Tôn Thượng và Phù Lưu); Trong dân truyền lại câu: “An Tôn Thượng nhất xã, nhị thôn” nghĩa là một xã có hai thôn;

         An Tôn thượng ngày xưa nằm trong động An Tôn; Động là đơn vị hành chính cấp cơ sở thuộc miền núi, nên mảnh đất An Tôn Thượng có núi An Tôn và và có những rừng cây rậm rạp, lại có sông Mã chảy qua sát vào núi đá, phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ. Rừng ở đây tốt tươi và rậm rạp, núi có nhiều hang động. Trước đây nơi này có nhiều loài động vật như Hổ, báo, hươu, nai, khỉ, …sinh sống trong các hang động và trong các rừng cây;

        Qua nghiên cứu chúng ta khẳng định Yên Tôn Thượng là một làng Việt cổ, những lớp cư dân xuất hiện đầu tiên ở nơi đây hiện không còn truyền đến ngày nay; Họ đã đi đâu, về đâu hoặc bị tiêu diệt hiện nay chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép lại;

          Hiện nay làng Yên Tôn Thượng có 11 dòng họ đang sinh sống, đó là các dòng họ: Nguyễn, Trịnh, Phạm, Vũ, Ngô, Trần, Lê, Trương, Hà, Đỗ, Lâm. Trong đó họ Trịnh có tới 7 dòng, Họ Nguyễn 5 dòng, Họ Phạm 3 dòng, Họ Lê 2 dòng,…các dòng họ hầu hết không còn gia phả, một số dòng họ mới ghi chép lại những năm gần đây, do đó việc tìm hiểu các đời trước của các dòng họ đều gặp khó khăn.

       Vào năm 1970 cụ Nguyễn Đình Hiên nguyên là thường vụ huyện uỷ Vĩnh Lộc, trưởng Ban tuyên huấn huyện uỷ Vĩnh Lộc, khi viết lại gia phả họ Nguyễn của Cụ đã ghi khái quát sự hình thành làng Yên Tôn Thượng như sau: “Theo truyền miệng của những người cao tuổi trong làng, Ấp An Tôn có lúc gọi là Sách An Tôn (Sách cũng là đơn vị hành chính cấp cơ sở) đã xuất hiện trên mảnh đất này từ thờ Tiền Lê (980 – 1005). Buổi đầu đến lập Ấp có 5 gia đình thuộc 5 dòng Họ khác nhau ở tứ phương lưu lạc đến khai phá đất đai và định cư sinh sống vào cuối thế kỷ IX sau công nguyên”.

        - Họ Nguyễn Đình do ông Nguyễn Cao Cường làm trưởng tộc, là một dòng họ đông nhất làng, hiện có 4 chi và trong đó có 130 hộ ở tại làng. Cách đây gần 200 năm dòng họ này đã có người đến Nông Cống, Thanh Hoá, có người vào Làng Còng Vĩnh Hưng sinh cơ lập nghiệp để phát triển thành chi, phái của dòng họ Nguyễn Đình ở nơi đó; Hàng năm chi, phái ở Làng Còng vẫn về làng Yên Tôn Thượng để làm giỗ Tổ;

        - Họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Lưu làm trưởng Tộc hiện có 2 chi với 35 hộ;

        - Họ Phạm do ông Phạm Đồng làm trưởng tộc hiện cũng có 2 chi với 35 hộ đang sinh sống tại làng;

        - Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Chức làm trưởng tộc có 2 chi với 70 hộ;

        - Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Khơi thay trưởng tộc hiện có 4 chi, tổng có 60 hộ và có 113 đinh;

        Những năm về sau nhất là vào cuối thế kỷ thứ XVIII có thêm nhiều hộ đến đất An Tôn Thượng lập nghiệp, Gồm Họ Nguyễn do ông Nguyễn Hoè làm trưởng tộc hiện có 20 hộ; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Thành làm trưởng tộc, hiện có 28 hộ; Họ Phạm do ông Phạm Văn Tiểu làm trưởng tộc hiện có 4 chi, 80 hộ; Họ Phạm do ông Phạm Đình Thảo làm trưởng tộc có 50 hộ, Họ Phạm do ông Phạm Xuân Bích làm trưởng Tộc, hiện có 2 chi với 30 hộ, Họ Trịnh do ông Trịnh Xuân Chức làm trưởng tộc hiện có 2 chi với 30 hộ; Ngoài ra còn có họ Trịnh do ông Trịnh Lượng làm trưởng tộc, Họ Trịnh do ông Trịnh Khanh làm trưởng tộc, hiện nay mỗi họ có khoảng từ 3 đến 15 hộ; Họ Vũ do ông Vũ Thoán làm trưởng tộc, hiện có 36 hộ; Họ Lê do ông Lê Văn Lòng làm trưởng tộc, hiện có 20 hộ; Họ Lê do ông Lê Văn Ngọc làm trưởng tộc hiện có 15 hộ; Họ Ngô do ông Ngô Văn Chuyên làm trưởng tộc hiện có 20 hộ; Rồi các họ Trần do ông Trần Đình Xuất làm trưởng tộc, Họ Lâm do ông Lâm Văn Hồng làm trưởng tộc; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Thống làm trưởng tộc đều mới đến làng gần đây mỗi họ chỉ có 1 hộ;

          Nhìn chung các dòng họ đến sinh cơ lập nghiệp trên đất làng Yên Tôn Thượng đầu phát triển tốt, có những dòng họ đông đúc phát triển ra thành nhiều chi, phái như họ Nguyễn Đình; Nhưng cũng có dòng họ sinh cơ, lập nghiệp ở đây đã lâu đời nhưng số hộ, số đinh hiện tại có ở làng rất ít; Vì có nhiều người thoát ly quê hương đi nơi khác sinh sống đem cả vợ con và gia đình đi theo, đặc biệt sau 30.4.1975 có rất nhiều người rời bỏ quê vào miền Nam làm ăn sinh sống và định cư luôn nơi miền đât mới.

          Dân cư làng Yên Tôn Thượng sống chủ yếu bằng nghề Nông; Cây tròng chính là lúa, ngô, đậu, lạc, vừng, bông; Chăn nuôi bò, lợn, dê, gà,….Ngoài ra còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, một số ít người làm nghề khai thác đá….

         Làng Yên Tôn Thượng xưa kia có nghè Thượng làm trên núi có ba gian và 1 gian hậu cung, Nghè Thượng bị sập do đá đổ đè vào năm 1948, Nghè thứ 2 là Nghè Lũng có ba gian, Nghè bị hư hỏng trong những năm kháng chiến chống Pháp; Năm 2007 dân làng xây dựng lại nghè Lũng với ba gian tiền đường, dài 9m rộng 3m; Gian hậu cung 2,5m x 3m; Đình làng Yên Tôn Thượng cũng gọi là Nghè gồm gian tiền đường và hậu cung; Đình được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 11 (1899) hiện đang còn và được làng sử dựng và bảo quản bình thường; Hiện tại làn Yên Tôn Thượng có tổng diện tích đất tự nhiên là 161,79ha trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 123,57ha, đất ở 16,37ha, núi đá 18,64ha, còn lại là đất khác; Dân số hiện tại là 1.700 người với 410 hộ; Phía Bắc giáp làng Mỹ Xuyên, Phía Nam giáp làng Thọ Đồn, Phía Đông giáp làng Tây Giai, Phía Tây giáp sông Mã bên kia sông là huyện Yên Định;

2 - Làng Phù Lưu


Gian tiền tế đình Phù Lưu

          Làng Phù Lưu xưa kia thuộc đất của Yên Tôn Thượng, đất của làn Yên Tôn Thượng giáp với làng Yên Tôn Hạ ngày nay; Để giữ đất một số hộ của làng Yên Tôn Thượng chuyển lên ở đất làng Phù Lưu ngày nay; Dần dần các hộ Yên Tôn Thượng (bấy giờ là An Tôn) và các nơi khác đến sinh cơ, lập nghiệp, lập nên xóm rồi nên thôn Phù Lưu; Thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) đơn vị hành chính cơ sở lúc đó gọi là thôn, có lúc gọi là làng, có lúc gọi là xã; Vì sự ràng buộc về nhiều mặt nên thôn Phù Lưu chưa bao giờ tách khỏi làng (xã) An Tôn Thượng; Bởi vậy trong nhân dân có câu (An Tôn Thượng nhất xã, nhị thôn) nghĩa là một xã An Tôn Thượng có hai thôn An Tôn Thượng và Phù Lưu; Theo các cụ cao niên trong làng hiện nay cho biết An Tôn Thượng và Phù Lưu lúc nào cũng một Lý trưởng, một đồng triện (con dấu bằng đồng); Làng Phù Lưu có thời kỳ có người trong làng được bầu làm lý trưởng; Nếu Làng Phù lưu có người làm lý trưởng thì phó lý phải là người làng An Tôn Thương hoặc ngược lại;

         Đất làng Phù lưu là đất phù sa sông Mã bồi đắp rất màu mỡ và cao ráo, thoát nước tốt thích hợp với trồng cây trầu không; Theo chữ nho thì Phù chỉ một loại câu thân thảo, Phù Lưu (Thực) là cây trầu không;

        Sau tháng 8 năm 1945 thực hiện chủ trương của cấp trên, chính quyền cách mạng huyện Vĩnh Lộc đã tiến hành xoá bỏ đơn vị hành chính cấp Tổng thành lập cấp xã với những tên mới. Cơ bản Tổng Cao mật được lập ra 4 xã trong đó có xã An Hoà, Xã An Hoà gồm 3 làng Yên Tôn Thượng, Phù Lưu và Yên Tôn Hạ; Làng Phù Lưu lúc này chính thức là một làng riêng thuộc xã An Hoà; Từ đó về sau những lần sáp nhập rồi lại tách làng Phù Lưu vẫn là một làng riêng biệt; Đầu năm 1968 hai HTX Nông nghiệp làng Yên Tôn Hạ và Làng Phù Lưu hợp nhất thành 1 HTX lấy tên là HTX Phú Yên; Thời bấy giờ HTX có vị trí rất quan trọng, Ban chủ nhiệm HTX ngoài nhiệm vụ chăm lo quản lý, phát triển sản xuất nông nghiệp còn kiêm luôn nhiệm vụ hành chính, thôn (làng); Ở các làng không có trưởng làng (thôn), không gọi đơn vị hành chính là làng hay thôn mà gọi theo tên HTX, thậm chí còn gọi theo đội sản xuất như đội 1, đội 2, đội 3,…Phú Yên, xã Vĩnh Yên, Huyện Vĩnh Lộc,…Vì vậy trong một thời gian dài từ 1968 cho đến 2008 tên làng Yên Tôn Hạ và Làng Phù Lưu không có trên trên giấy tờ hành chính của xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc; Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Thanh Hoá về tổ chức Thôn, (Làng), bản, tháng 3 năm 2008 Phú Yên được tách thành hai làng và các làng lấy lại tên cũ  Yên Tôn Hạ và Phù Lưu;

         Căn cứ vào lịch sử hình thành làng Yên Tôn Thượng thì đất làng Phù Lưu cũng là đất của làng Việt cổ; Nhưng qua biến động của thời gian những người Việt cổ trên đất này không truyền lại cho bất kỳ dòng họ nào đang sinh sống hiện nay; Hiện chỉ biết các cư dân sinh sống ở làng Phù lưu lâu nhất là khoảng 400 năm.

         Làng Phù Lưu hiện có 11 dòng họ đang sinh sống, gồm: Trịnh, Nguyễn, Vũ, Thiều, Bùi, Phạm, Dương, Ngô, Trần, Trương, Lê; Trong đó họ Trịnh có tới 8 dòng, Họ Nguyễn 6 dòng, họ Phạm 2 dòng,…Họ Trịnh có 8 dòng nhưng chỉ có vài dòng Trịnh đến đất này từ lâu đời, hiện số hộ, số đinh trong dòng họ đông, đó là dòng họ Trịnh do ông Trịnh Xuân Uy làm trưởng tộc, cụ tổ dòng họ đến đất này từ đầu thế kỷ thứ XVII truyền đến nay đã được 15 đời, khoảng gần 400 năm, hiện họ Trịnh này có tới 6 chi với tổng số trên 100 hộ đang sinh sống ở làng; Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Lô làm trưởng tộc truyền lại từ làng Biện Thượng xưa nay là xã Vĩnh Hùng Huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá; Họ này từ Biện Thượng lên An Tôn từ thời Nguyễn Huệ ra Bắc Phù Lê – Diệt Trịnh (1786) đến nay đã được 225 năm, hiện dòng họ (gốc Chúa Trịnh) này có 28 hộ; Họ Trịnh do ông Trịnh Hùng Thanh làm trưởng tộc thờ cụ tổ là Trịnh Phúc Minh truyền lại đến nay được 7 đời như vậy cụ tổ đến đây mới được 175 năm; Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Trung làm trưởng tộc không rõ từ đâu đến và đến vào thời kỳ nào hiện nay dòng này có 24 hộ đang sinh sống ở làng; Còn lại các dòng họ Trịnh như: Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Hiếu làm trưởng tộc, Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Chếnh làm trưởng tộc, Họ trịnh do ông Trịnh Văn Viên làm trưởng tộc, Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Đắc làm trưởng tộc, Họ Trịnh do ông Trịnh Toàn làm trưởng tộc đến đất Phù Lưu từ đầu và giữa thế kỷ thứ XIX;

        Về Họ Vũ ở làng Phù Lưu có họ Vũ do ông Vũ Văn Hồng làm trưởng tộc, đến đây từ lâu đời, số đinh đông; Còn Họ Vũ do ông Vũ Văn Dởn làm trưởng tộc có một hộ từ Thái Bình vào mới trên 30 năm nay; Họ Vũ do ông Vũ Văn Hồng làm trưởng tộc gốc từ ngoài Bắc (Nam Định) có cụ tổ là Vũ Duy Xưởng (có người dịch là Vũ Duy Thưởng), có tài võ nghệ được nhà vua phong là cử nhân võ. Cụ Tổ Họ Vũ đến đất Phù Lưu sinh cơ lập nghiệp năm 1760 (đời vua Lê Hiến Tông), Hiện nay Họ Vũ này có 3 chi với tổng số hộ là 44 đang sinh sống tại làng. Trong họ còn giữ được một số sắc phong của nhà vua ban cho ông Vũ Duy Xưởng vì đã có nhiều công lao trong phò vua giúp nước;

        Họ Nguyễn có 6 dòng, trong đó có chi họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Xuyên làm trưởng tộc đã ở lâu đời trên đất làng Phù Lưu; Còn lại có dòng họ khác đó là dòng của ông Nguyễn Văn Thanh đến đây cũng chỉ mới khoảng 100 năm, hiện có 3 hộ; Các dòng nguyễn do ông Nguyễn Văn Châu làm trưởng tộc, dòng họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Mạc làm trưởng tộc, dòng Nguyễn do ông Nguyễn Văn Vê làm trưởng tộc, dòng Nguyễn do ông Nghuyễn Văn Hanh làm trưởng tộc….đều mới đến và chỉ có 1 hộ. Riêng họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Xuyên làm trưởng tộc hiện có 17 hộ gia phả bị thất lạc, không được truyền lại nên con cháu không biết được nguồn gốc từ đâu và đến làng Phù Lưu từ năm nào, hiện nay chỉ biết đã ở đất này được 5 đời. Tiếp đến là họ Bùi do ông Bùi Văn Càng làm trưởng tộc cũng không rõ xuất xứ và thời gian đến làng Phù Lưu lập nghiệp, hiện họ Bùi có 15 hộ đang sinh sống tại làng; Họ Trần do ông Trần Văn Luận làm trưởng tộc từ Hà Trung chuyển đến làng cách đây 100 năm, hiện có 4 hộ đang sinh sống ở làng; Các dòng họ khác như Họ Thiều do ông Thiều quang Hòng làm trưởng tộc, họ Phạm các dòng do ông Phạm Văn Lưu, Phạm Văn Diệp làm trưởng tộc, Họ Dương do ông Dương Văn Tình làm trưởng tộc, Họ Trương của ông Trương Văn Nội, họ Lê của ông Lê Văn Lấn, Họ Phạm của ông Phạm văn Lít,….mỗi dòng chỉ có từ 1 đến 3 hộ;

Dân làng Phù Lưu lấy Nông nghiệp làm nghề chính, cây trồng đầu tiên là cây lúa nước, cây lúa lốc (lúa gieo trên đất bãi phù sa), rồi cây ngô, đậu, vừng, khoai lang, lạc; Cây công nghiệp có cây Bông, cây Dâu và nghề chăn tằm ươm tơ, dệt lụa; Về chăn nuôi dân làng nuôi những con gia súc như Trâu, Bò, Gà, Lợn, dê,…gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng

        Làng có đình, nghè, chùa, đền, Đình 5 gian, Nghè 3 gian 2 dãy có hậu cung, có nghinh môn ở khu vực bản thổ (ở ngoài bãi sông phù sa giáp làng); Đền ba gian ở phía đông làng, gọi là Đền Bà; Chùa 3 gian và hậu cung…những chùa Nghè, đền này đã mất từ lâu, hiện còn lại ngôi đình đã được làng trùng tư vào năm 2019;


Đình làng Phù Lưu mới Trùng tru lại năm 2019

        Tổng diện tích đất của làng Phù Lưu hiện nay là 126,69ha trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 84,48ha, đất ở 13.03ha, núi đá 25,29ha còn lại là đất khác; Phía Tây Bắc giáp làng Yên Tôn Hạ, Phía Đông giáp làng Yên Tôn Thượng, phía Bắc giáp xã Vĩnh Quang, phía Nam giáp Sông Mã, bên kia sông là đất huyện Yên Định; Làng Phù Lưu hiện có 299 hộ với 1.200 khẩu;

3 - Làng Yên Tôn Hạ

          Xưa kia đất làng Yên Tôn Hạ thuộc đất kẻ Don; Kẻ Don lúc bấy giờ bao gồm các làng Yên Tôn Thượng, Yên Tôn Hạ và Phù Lưu ngày nay; Từ tên cổ chung là Kẻ Don về sau phát triển thành cụm dân cư rồi phát triển thành làng riêng có tên là Don Hạ, Làng Don Hạ, Làng An Tôn Hạ rồi Yên Tôn Hạ; Từ 1968 đến 2008 hai làng Yên Tôn Hạ và Phù Lưu sáp nhập thành lập HTX Phú Yên; Từ 2008 đến nay HTX Phú Yên giải thể Chính quyền các cấp cho lấy lại tên làng như cũ là Yên Tôn Hạ và Phù Lưu; Làng Yên Tôn Hạ cũng như làng Yên Tôn Thượng đều thuộc đất Kẻ Don của người Việt cổ từng sinh sống từ thời Hùng Vương nhưng người Việt cổ không truyền lại tên, họ trên mảnh đất này hiện nay; Đời sống của cư dân Việt cổ thời bấy giờ gặp muôn vàn khó khăn từ chỗ ở cho đến cái ăn, cái mặc, thú dữ, dịch bệnh, chiến tranh, áp bức bóc lột làm cho nhiều xóm làng phiêu bạt, mất tích. Những người cao tuổi trong làng truyền khẩu lại ở Vĩnh Yên xưa ngoài làng Thắng Hào nằm giữa hai khe núi đá bị Nhà Hồ tiêu diệt ở phía trên Trạm Bơm Yên Tôn ngày nay xưa còn có một làng gọ là làng Hạ Vàng, nhưng làng này cũng bị phiêu tán từ lâu, hiện còn lại dấu tích có cánh đồng Hạ Vàng, cánh đồng chùa (cũ) nơi có chùa của làng Hạ Vàng bị mất;

        Theo truyền lại và theo gia phả các dòng họ trong làng Yên Tôn Hạ thì làng Yên Tôn Hạ được biết đến từ đầu thế kỷ XV; Cụ thể dòng Họ Nguyễn Do ông Nguyễn Đắc Trợ làm trưởng tộc có cụ tổ tên là Nguyễn Phúc Nhân, quê ở huyện Giao Thuỷ tỉnh Nam Định, trước có đi lính cho Hồ Quý Ly, đóng ở thành An Tôn; Sau khi triều Hồ sụp đổ vào năm 1407, ông tổ dòng họ Nguyễn này đã đến đất Yên Tôn Hạ ngày nay định cư, lập Ấp làm ăn sinh sống; Sau đó một số dòng họ khác ở các nơi (họ đến trước, họ đến sau) cùng sinh cơ lập nghiệp và định cư ở đất Yên Tôn Hạ….Tuy nhiên trải qua năm tháng biến động của lịch sử, việc lập ấp, dựng làng của làng Yên Tôn Hạ xưa thật gian nan, vất vả…có thời kỳ hàng trăm năm xóm làng phát tán…Mãi đến đầu Triều Nguyễn (đầu thế kỷ thứ XIX) làng Yên Tôn Hạ mới được hình thành lại, lúc này gọi là An Tôn Hạ.

        Theo địa lý hiện nay làng An Tôn Hạ nằm ở phía trên làng An Tôn Thượng, có thuyết nói rằng khi lập làng An Tôn Hạ thì làng An Tôn Thượng đã có trước, do vậy làng lập sau phải là An Tôn Hạ, Thượng - Hạ ở đây là anh trên em dưới. Cũng có thuyết nói sở dĩ có tên làng An Tôn Hạ là vì đất là đất An Tôn còn người là người của làng Hạ Vàng chuyển xuống nên đặt là làng An Tôn Hạ;

        Vào cuối đời vua Tự Đức (1848 – 1883) không nhớ rõ năm nào, lúc bấy giờ làng An Tôn Hạ có khoảng 100 đinh, vì mùa màng thất bát, dân không có cái ăn, sưu thuế không đóng được, dân phát tán đi khắp nơi kiếm ăn; Thời bấy giờ có ông Cao Ngọc Lễ người ở Biện Thượng (nay là làng Bồng Thượng xã Vĩnh Hùng) là tri huyện Cẩm Thuỷ, lỵ sở Cẩm Thuỷ khi đó đóng ở Quan Phát, Tổng Quang Hoàng (Quan Phát nay thuộc xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thuỷ). Ông Cao Ngọc Lễ đã có việc làm nhân đức đối với làng An Tôn Hạ, đó là việc ông đã bỏ tiền của cá nhân ông nộp thuế cho làng và kêu gọi dân làng từ mọi miền quay về làng làm ăn sinh sống; Ông còn mua dây khoai lang cho làng trồng để cứu đói, trước hết là ăn lá sau rồi đến ăn củ; Được Ông Cao Ngọc Lễ cưu mang làng An Tôn Hạ được tồn tại, dân làng đã có nhiều việc làm kính trọng đối với ông Cao Ngọc Lễ như khi làm đình làng đã mời ông lên bỏ cây gỗ thượng lương; Từ đó làng Yên Tôn Hạ phát triển ngày càng đông đúc; Ngoài trồng lúa trồng Ngô ở đây còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, quay tơ, dệt lụa…Làng lại ở bên sông Mã thật hữu tình nên các chàng trai Yên Tôn Hạ đã thổ lộ mang tính khuyên bảo với bạn gái bằng những câu: (Phần ông Cao Ngọc Lễ có nhiều thông tin nói về ông nên thông tin này chưa được kiểm chứng)

Trong sử liệu quốc gia thì lại ghi: Cao Ngọc Lễ 高玉礼 (?-?) hiệu 憔子 là quan nhà Nguyễn và là cộng sự của thực dân Pháp trong lịch sử Việt Nam. Ông là người xã Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ông vừa là cháu gọi Tống Duy Tân bằng cậu, vừa là học trò của vị tiến sĩ này. Trước đây, khi vua Hàm Nghi chạy ra Cam Lộ (Quảng Trị) ban bố dụ Cần Vương ngày 13 tháng 7 năm 1885, như bao sĩ phu khác, Cao Ngọc Lễ liền ứng nghĩa. Nhưng sau đó, ông trở về làm việc cho triều đình thân Pháp, được bổ làm tri huyện rồi thăng lên chức án sát tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều người cho rằng chính Cao Ngọc Lễ vì hám lợi đã làm chỉ điểm cho quân Pháp bắt được Tống Duy Tân, khi vị lãnh tụ này ẩn náu tại hang Niên Kỷ (nay thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá) năm 1892. Chính vì vậy, ông đã bị người đời hài tội bằng hai câu thơ: “Vô địa khả mai Cao Ngọc Lễ, Hữu tiền nan thục Tống Duy Tân” (Không có đất chôn Cao Ngọc Lễ, Có tiền không chuộc được Tống Duy Tân). Câu đối này do Nguyễn Hàng Chi, một chí sĩ trong phong trào Duy Tân, quê làng Ba Xã, huyện Can lộc, Hà tĩnh làm ra. Trong phong trào chống thuế, Nguyễn Hàng Chi đứng lên hô hào lãnh đạo bà con ở Hà Tĩnh. Bị bắt và kết án, người làm án lại là Cao Ngọc Lễ, lúc này là án sát. Nguyễn Hàng Chi đã dõng dạc đọc câu đối này ngay giữa phiên tòa;

Theo một vài sử liệu thì khi làm quan tại Hà Tĩnh, Cao Ngọc Lễ còn “tự tay vu hãm chí sĩ Ngô Đức Kế”. Cao Ngọc Lễ có để lại bút tích ở động Cửa Hà, xã Cẩm Sơn (nay là thị trấn huyện miền núi Cẩm Thuỷ) tỉnh Thanh Hoá.

Theo suy nghĩ của tôi:

        [Cao Ngọc Lễ không làm tri huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá mà làm ở Hà Tĩnh cho nên tích Cao Ngọc Lễ cứu đói và nộp thuế thay cho Làng Yên Tôn Hạ trong thời khốn khó và được dân Làng Yên Tôn Hạ mời bỏ cây Thượng lương cho Đình làng (ghi trong lịch sử xã Vĩnh Yên là không có cơ sở)]...ban biên soạn lịch sử cần Kiểm chứng lại thông tin này

“Đừng đi đường ấy mà xa

Có về Don Hạ với ta thì về

Don Hạ có sập nằm kề

Có sông tắm mát lại kề gò dâu

Cùng về Don Hạ với nhau

Vui nghề canh cửi, hái dâu chăn tằm”


Đình Yên Tôn Hạ ngày nay đã được Trùng tu nhưng hậu cung xưa đã mất

        Hiện nay làng Yên Tôn Hạ có 9 dòng họ, bao gồm: Trịnh, Nguyễn, Lưu, Phùng, Đinh, Mai, Trần, Ngô, Lê. Trong đó họ Nguyễn có tới 5 dòng, họ Trịnh 4 dòng, Họ Lê 2 dòng; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Đắc Trợ làm trưởng tộc gốc từ Nam định đến đây sinh cơ lập nghiệp đã gần 600 năm truyền tổng cộng đã 38 đời, dòng họ có 6 chi với gần 100 hộ đang sinh sống ở làng; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Kim Huynh làm trưởng tộc không rõ từ đâu đến dòng họ này ở đây đã được 15 đời (gần 400 năm), hiện chỉ có 7 hộ; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Hồng làm trưởng tộc hiện nay có 15 hộ; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Khắc Nghê làm trưởng tộc từ làng Thọ Vực (nay thộc xã Vĩnh Ninh – huyện Vĩnh Lộc) đến đất Yên Tôn Hạ định cư đã được gần 200 năm, hiện có 3 chi với 18 hộ; Họ Trịnh do ông Trịnh Ngọc Ấn làm trưởng tộc có cụ tổ là Trịnh Đình Thuật không rõ từ đâu đến nhưng đã đến đây khoảng năm 1635, hiện dòng họ có tới 7 chi nhưng chỉ có 57 hộ với 130 đinh đang sinh sống sống ở làng; Họ Trịnh do ông Trịnh Gia Đạo làm trưởng tộc được truyền lại từ thời chúa Trịnh Tráng (1623 – 1655) có một người Họ Trịnh Từ Biện Thượng nay thuộc Vĩnh Hùng – Vĩnh Lộc lên vùng Bá Thước ngày nay sinh cơ lập nghiệp; Một trăm năm sau vào khoảng năm 1760, một người của dòng họ Trịnh từ Biện Thượng lên Bá thước tên tự là Khắc Thiện đã từ Bá Thước về làng Yên Tôn Hạ lập nên họ Trịnh do ông Trịnh Gia Đạo làm trưởng tộc, truyền đến ngày nay được 10 đời và hiện có gần 20 hộ đang sinh sống ở làng; Ngoài 2 dòng họ Trịnh trên ở Yên Tôn Hạ còn có 2 dòng họ Trịnh khác mới đến gần đây đó là dòng họ do ông Trịnh Thanh Bình làm trưởng tộc, hiện chỉ có 2 hộ, Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Tia làm trưởng tộc hiện chỉ có 1 hộ; Họ Lưu do ông Lưu Văn Kiên làm trưởng tộc, gốc từ làng Đan Nê (Yên Thọ - Yên Định – Thanh Hoá) đến Yên Tôn Hạ cho đến nay đã được 9 đời (có gia phả, sơ đồ phả hệ) cách ngày nay khoảng 250 năm hiện có 18 hộ với 40 đinh đang sinh sống ở làng; Họ Trần do ông Trần Phi Thiềng làm trưởng tộc, gốc từ xã Hoằng Yến huyện Hoằng Hoá ngày nay; Vào năm 1939 cả 3 anh em ruột Trần Văn Kinh, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Quý đã đến đất Yên Tôn Hạ sinh cơ lập nghiệp, hiện tại họ Trần này ở làng có 6 hộ; Họ Ngô do ông Ngô Văn Tôn làm trưởng tộc không rõ từ đâu đến đây đã được 6 đời, được 150 năm có 6 hộ đang sinh sống tại làng; Họ Ngô do ông Ngô Văn Hoá làm trưởng tộc truyền lại từ Ninh Bình vào ở làng Cao Mật (nay là xã Vĩnh Thành) năm 1936 ông Nguyễn Văn Tài từ Cao Mật đưa vợ con lên đất Yên Tôn Hạ mở quán bán hàng và làm ăn sinh sống đến nay đã phát triển thành 7 hộ; Họ Lê do ông Lê Văn Thắng làm trưởng tộc, cụ tổ đến đây đã được 5 đời, trên 100 năm hiện dòng họ này đã phân làm hai chi nhưng cả 2 chi này cũng chỉ có 12 hộ; Họ Lê do ông Lê Như Khuê làm trưởng tộc cũng đã đến đây được 5 đời hiện nay trong dòng họ có 6 hộ; Ngoài ra còn có họ Đỗ nhà Ông Láng không biết đến làng từ năm nào và hiện có bao nhiêu đinh;

        Làng Yên Tôn Hạ xưa nay sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng trọt, làng có Đình, Nghè, Chùa, Văn chỉ, Võ chỉ. Trong làng lập ra Phe Đông, Phe Tây; Ở làng Yên Tôn Hạ xưa kia có tới 3 Nghè, 1 là Nghè Giếng (còn gọi là Đình Giếng) gồm nhà 3 gian 2 dẫy, Nghè thứ 2 là Nghè ngoài đồng là một Nghè to gồm 5 gian và Hậu cung, Nghè thứ 3 là Nghè dưới bến (bãi sông Mã gần làng) cũng gồm 5 gian và hậu cung, có chùa 5 gian và hậu cung; Tất cả Chùa, Nghè đều không còn cái nào hiện chỉ còn lại đình làng 5 gian 2 dẫy, cột lim và cột đá, bị mất hậu cung xây dựng từ đầu thế kỷ XX;

        Tổng diện tích đất tự nhiên của làng Yên Tôn Hạ là 113,62ha, trong đó đất nông nghiệp là 87,84ha, đất ở 12,75ha, đất ao hồ là 11ha còn lại là đất khác; Phía Bắc làng giáp xã Vĩnh Quang, Phía Tây và Nam giáp sông Mã, bên kia sông là quý Lộc thuộc huyện Yên Định, Phía Đông giáp Làng Phù Lưu;

       Hiện nay làng Yên Tôn Hạ có 325 hộ với 1.200 nhân khẩu;

4 - Làng Thọ Đồn

         Làng Thọ Đồn nằm trên dãy núi Ngưu Ngoạ, núi thấp; Đất của làng Thọ Đồn xưa là đất của Thổ sơn trang tức là đất của làng Thổ Phụ xã Vĩnh Tiến ngày nay. Vào thế kỷ XII ở khu vực làng Thổ Phụ bây giờ đã có dòng Họ Bùi đến khai phá lập nghiệp, sau đó các dòng họ khác như họ Phạm, Họ Dương, Họ Lê…ở các nơi khác đến sinh sống và lập nên làng xóm; Đến cuối triều Hồ khu vực núi Ngưu Ngoạ đã có một vài ba hộ của dòng họ Bùi, họ Lưu, họ Nguyễn đến khai phá đất đai và sinh sống;

          Đất Thổ sơn trang lúc bấy giờ không chỉ đến làng Thọ Đồn mà còn cả làng Cẩm Bào ngày nay; Bấy giờ ở Thổ Sơn Trang có ông Phạm Đốc sinh năm 1513 (đời vua Lê Tương Dực); Phạm Đốc mặt vuông chữ điền, lông mày nét mác, tướng mạo oai phong, đi đứng nhanh nhẹn, được cha trực tiếp dạy bảo Văn bài và Võ nghệ; Bấy giờ triều đình nhà Lê rối loạn, các vua Lê liên tiếp thay nhau và sống sa đoạ cực độ. Trong khi đó nhà Mạc tìm mọi cách chiếm ngôi nhà Lê; Phạm Đốc không có chí lập công danh chỉ lấy việc đọc sách và săn bắn làm vui;

        Năm 1533 một cựu thần nhà Lê tên là Nguyễn Kim đã đứng lên phù Lê diệt Mạc. Thái sư Hưng Quốc Công Nguyễn Kim sai người tìm được Lê Duy Ninh là con của vua Lê Chiêu Tông, cháu nhiều đời của Lê Thánh Tông, đón sang Ai Lao (Lào) tôn lập; Ở làng Biện Thượng (nay là là Bồng Thượng xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) có ông Trịnh Kiểm là người dũng lược đã theo Nguyễn Kim phò Lê diệt Mạc; Đến năm 1538 nghe tướng Nguyễn Kim phò vua Lê Trang Tông (tức Lê Duy Ninh) chống lại nhà Mạc, Phạm Đốc mới đi theo Trịnh Kiểm và được nhà vua và Trịnh Kiểm trọng dụng; Ông Phạm Đốc là người có nhiều công lao và được phong nhiều ruộng đất, trong đó có ruộng đất của làng Thọ Đồn ngày nay.

        Trung tuần tháng 5 năm Mậu Ngọ Ông Phạm đốc bị cảm mạo, thuốc thang chạy chữa không có hiệu nghiệm, ngày mùng 4 tháng 8 ông mất, năm ấy ông mới 46 tuổi (tính cả tuổi mụ) thi hài ông được đưa về làng Thổ Sơn (Thổ Phụ) chôn cất; Ông Phạm Đốc sinh được 3 người con trai trên đất Thổ sơn (Thổ Phụ) vào cuối thế kỷ thứ XVI người con trai cả là Phạm Đức Thắng – Tên Bộ là Phạm đức Kỳ vẫn ở tại Thổ Sơn trang (Thổ Phụ); Người con thứ 2 là Phạm Đức Thuần – tên bộ là Phạm Đức Nho lên Thọ Sơn Trang (Thọ Đồn); Người con thứ 3 là Phạm Quý Thư – tên bộ là Phạm Quý Tâm lên Bắc thượng Trang (Cẩm Bào).

       Sau khi ông Phạm Đức Thuần (Phạm Đức Nho) lên đất Thọ Sơn Trang, nhiều dòng họ các nơi cũng lần lượt đến khu vực Thọ Sơn Trang sinh cơ lập nghiệp; Đến đầu thế kỷ thứ XVII Thọ Sơn Trang đã hình thành thôn và đổi tên thành thôn Thọ Đồn; Mặc dù đã thành làng (thôn) nhưng Thọ Đồn vẫn trực thuộc vào làng Thổ Sơn (Thổ Phụ); Căn cứ vào các sắc phong thời Minh Mệnh năm thứ 5 (1824), sắc phong thời Thiệu Trị năm thưa 4 (1844), Sắc phong thời Tự Đức năm thứ 8 (1855) cho Long vương tôn thần ở Nghè Đồn đều ghi “Chuẩn cho thôn Thọ Đồn, xã Thổ Sơn, huyện Vĩnh Lộc phụng thờ như cũ”. Đến đời Đồng Khánh (1886 – 1888) mới ghi thôn Thọ Đồn, Thôn Thổ Sơn riêng; Hiện nay làng Thọ Đồn có các dòng họ: Phạm, Nguyễn, Trịnh, Bùi, Lưu, Lê, Đỗ, Nghiêm, Đoàn….Trong đó họ Phạm có 4 dòng, họ Nguyễn, Họ Trịnh 2 dòng.

      Họ Phạm Đức là dòng dõi Thái Uý Tĩnh Quốc Công Phạm Đốc hiện ông Phạm Văn Lộc làm trưởng Tộc; Họ có cụ tổ tên huý là Phạm Đức Thuần đến đất Thọ Đồn vào cuối thế kỷ thứ XVI, họ truyền lại đến nay được 17 đời; Hiện dòng họ nay có 3 chi với tổng số có 75 hộ đang sinh sống trong làng; Họ Phạm Huy do ông Phạm Huy Mày làm trưởng tộc, thờ cụ tổ Phạm Quý Công, tự Phúc Sự đến đất Thọ Đồn vào khoàng thời gian từ năm 1680 – 1685, theo gia phả cụ tổ truyền đến nay được 13 đời, hiện dòng họ có 3 chi với 28 hộ; Ngoài ra ở làng Thọ Đồn còn có họ Phạm, ông phạm văn Thấu gốc từ Bồng Trung (Vĩnh Tân –Vĩnh Lộc) lê ở đất Thọ Đồn được 3 đời, hiện có 1 hộ duy nhất; Họ Phạm do ông Phạm Văn Thẩm làm trưởng tộc, rồi họ Phạm do ông Phạm Văn Bầm làm trưởng tộc mỗi dòng họ này cũng chỉ có từ 1 đến 2 hộ; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Oánh làm trưởng tộc, gia phả gốc bị mất, theo truyền lại họ Nguyễn này hiện đã có 16 đời ở đất Thọ Đồn, tức cụ tổ đến đây từ đầu Thế kỷ thứ XVII, cách ngày nay khoảng 400 năm; Hiện dòng Nguyễn này có 3 chi vói 90 đinh; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Trà làm trưởng tộc, gốc là họ Mai ở Nga Sơn, xin nhập vào họ Nguyễn đến đất Thọ Đồn đến nay được 120 năm, hiện trong thôn có 10 hộ đang sinh sống; Ở làng Thọ Đồn có 2 dòng họ Lưu, một họ Lưu được coi là đến đất Thọ Đồn từ rất sớm cùng với họ Nguyễn, họ Phan Huy nhưng đã thất truyền. Dòng họ Lưu do ông Lưu Văn Thành gốc từ làng Thiện La (Hậu Lộc) đến Thọ Đồn năm 1860 đời Tự Đức (1848 – 1883) hiện có 3 hộ; Họ Bùi do ông Bùi Đình Thuần làm trưởng tộc đến đất Thọ Đồn vào khoảng năm 1785, truyền lại đến nay được 8 đời hiện có gần 50 hộ với 67 đinh; Họ Đoàn do ông Đoàn Văn Dương làm trưởng tộc từ Hà Trung đến Thọ Đồn được 5 đời cách ngày nay khoản 125 năm, hiện có 15 hộ. Họ Nghiêm do ông Nghiêm Văn Thiết làm trưởng tộc không rõ từ đâu đến, cụ tổ là con trai của một ông thầy đồ, đến 1835 đến lấy vợ ở làng Thọ Đồn truyền đến nay được 7 đời, nhưng chỉ có 4 hộ; Họ Trịnh do ông Trịnh Kim Thành làm trưởng tộc, gốc Ninh Bình Ông Thành thuộc diện thương bệnh binh chống Pháp, năm 1954 nhân dân Thọ Đồn đón về làng chăm sóc và lấy vợ ở đây, hiện có 5 hộ; Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Thao làm trưởng tộc, từ Giang Đông Vĩnh Hoà đến Thọ đồn đến nay được 100 năm, hiện có 4 hộ; Họ Đỗ do ông Đõ Khắc Chiến làm trưởng tộc, từ Nam Định đưa vợ con vào Thọ Đồn cư ngụ đến nay được gần 100 năm;

        Người dân làng Thọ Đồn từ xưa đến nay sống bằng nghề nông, cây trồng chính là lúa, khoai, đậu, vừng sau này có thêm cây bông, cây lạc; Có nghề trồng dâu nuôi tằm, một số gia đình dệt tơ, dệt sồi; Chăn nuôi những con vật chính là bò, lợn, gà, ngan,….Làng Thọ Đồn nằm trên dãy núi nên việc đi lại trước đây không mấy thuận lợi, nay đã được bê tông hoá đường làng đi lại thuận lợi hơn không còn đi theo bậc lên xuống từng bậc như xưa;

        Làng Thọ Đồn có Chùa, Nghè xuôi, Nghè ngược, có đình nhưng hiện nay chỉ còn Nghè Ngược (bây giờ gọi là Nghè Đồn); Đình làng được sửa chữa lại thành nhà gác chếnh; Tổng diện tích tự nhiên của làng Thọ Đồn năm 2010 là 95,52ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 74,54ha, đất thổ cư 14,56ha, còn lại là đất khác

       Địa giới hành chính phái đông giáp làng Tây Giai (Xã Vĩnh Tiến), phía Nam giáp làng Phú Lĩnh (Vĩnh Tiến), phía Tay giáp sông Mã, bên kia sông là huyện Yên Định, phía Bắc giáp làng Yên Tôn Thượng; Dân số hiện nay có 291 hộ, 1.123 nhân khẩu;

5 - Làng Mỹ Xuyên

        Theo truyền lại trong nhân dân và theo quyển gia phả của dòng họ Vũ Mai, làng Mỹ Xuyên quyển thứ nhất do ông Vũ Mai Cấn họ Vũ Mai ở làng Mỹ Xuyên dịch từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ năm 1983, quyển thứ 2 do ông Vũ Hồng Phi trong ban dịch thuật Hán – Nôm Thanh Hoá dịch năm 1999 cho biết sự hình thành làng Mỹ Xuyên Ngày nay như sau:

       Đất làng Mỹ Xuyên xưa kia nằm trong đất Quan Hoàng thuộc huyện Cẩm Thuỷ, bỏ hoang rậm rạp chưa có người ở. Vào thời nhà Trần khi Trần Minh Tông làm vua (1314 – 1329) không rõ cụ thể năm nào có một người tù trưởng có uy tín một vùng họ Vũ Tên Minh cùng với vợ là Lê Thị Ngọc đến lập trại tại khu vực Mã Mốc, Sách Quan Hoàng – tức làn Mỹ Xuyên ngày nay; Hiện làng Mỹ Xuyên thờ Vũ Công tức Vũ Minh làm thành hoàng làng;

        Tiếp theo cũng trong thời Trần từ Trần Hiến Tông đến Trần Thiếu đế, thời gian từ 1329 – 1400 không ghi rõ năm nào có hai anh em ruột người em huý là Ngự tên chữ là Phúc Độ, người anh tê chữ là Ngộ Thiện vốn là người ở Châu Trang xã Thạch Nội, huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia Thanh Hoá) đến xứ Mã Mốc (còn gọi là Mã Cũ) thuộc Quan Hoàng Sách sinh cơ, lập nghiệp;

Từ đó cư dân các nơi đến sinh cơ lập nghiệp ở khu vực Mã Mốc ngày càng đông, trở thành Trang Mỹ Đàm (tục gọi là làng Đàm); Đến đời ông Phúc Khang thuộc đời thứ 4 của dòng họ Vũ Mai đã có công cùng dân làng đòi được Trang Mỹ Đàm tách khỏi sự quản lý của Sách Quan Hoàng; Mỹ Đàm trở thành làng riêng từ đó; Đến đầu thế kỷ thứ XIX, Mỹ Đàm đổi thành Mỹ Truyền, Đời vua Đồng Khánh (1886 – 1888) đổi thành Mỹ Xuyên;

      Mỹ Xuyên xưa kia thời nhà Hậu Lê cũng là đất phân phong của Thiếu uý Trung Quốc Công Vũ Uy, Vũ Uy là người làng Cao Mật (nay là làng thuộc xã Vĩnh Thành), mùa đông năm 1416 ông là người có mặt trong Hội Thề Lũng Nhai cùng Lê Lợi tiến hành khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1428 cuộc kháng chiến chống giặc Minh toàn thắng. Bình định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, bình công xét thưởng cho những người có công từ Lũng Nhai; Mặc dù Vũ Uy đã mất từ 1424 nhưng Vũ Uy vẫn được xếp vào hàng công thần Lũng Nhai được vua phong tặng Tuy Tiết Hầu và được táng tại Lam Sơn. Đến năm Hồng Đức thứ 5 (1464) đời vua Lê Thánh Tông đã ban sắc phong tặng từ Tuy Tiết Hầu lên Tuy Quận Công, con cháu Vũ Uy được ban điền ở nhiều nơi, lập trang trại khai khẩn cày cấy để làm thế nghiệp điền (thành ruộng đất riêng của con cháu sau này) trong đó ở Vĩnh Lộc có Trang Mỹ Điềm (Mỹ Xuyên), trang Đông Môn….Như vậy dòng họ Vũ ở Mỹ xuyên hiện nay có liên quan đến dòng dõi Vũ Uy (Trong hội Thề Lũng Nhai Thời Lê Lợi Vĩnh Lộc có 2 người khai quốc công thần đó là Trịnh Khả Vĩnh Hoà và Vũ Uy vĩnh Thành).

        Hiện nay làng Mỹ Xuyên có 11 dòng họ đang sinh sống, gồm các họ: Vũ, Phạm, Trần, Đoàn, Dương, Hoàng Lê, Nguyễn, Lương, Lưu, Trịnh; Trong đó họ Vũ có tới 6 dòng, Họ Vũ Mai do ông Vũ Mai Vĩnh làm trưởng tộc quê ở Ngọc Sơn -Tĩnh Gia là dòng họ đến Mỹ Xuyên sớm nhất, hiện có 4 chi với 179 hộ; Theo tộc phả họ Vũ Mai chép “Họ Vũ ta xưa vốn là Họ Mai gốc là người ở Chân Trang, xã Thạch Nội, Huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá; Tiên tổ Mai Công huý là Ngự, tên chữ là Phúc Độ cùng anh Mai Công tên chữ là Ngộ Thiện; Thời Trần 2 anh em đã đến xã Quan Hoàng vì thấy sông núi nơi này tươi đẹp, hai anh em quyết định ở lại đất này để sinh cơ, lập nghiệp, trải qua nhiều đời con cháu ngày càng đông; Bốn đời truyền đến Mai Công tên chữ Pháp Khang mới đổi sang họ Vũ, ghi là Vũ Mai”;

Họ Vũ Đình do ông Vũ Đình Dương làm trưởng tộc quê từ xứ Dành Dành, Bò Cóc (tỉnh Nghệ An) đến đất Mỹ Xuyên năm 1665, hiện ở làng chỉ có 7 hộ; Riêng họ Vũ Bá có tới 4 dòng, Họ Vũ Bá do ông Vũ Bá Căn làm trưởng Tộc từ ngoài Bắc vào đất Mỹ Xuyên năm 1660, hiện ở làng có 5 hộ; Họ Vũ Bá do ông Vũ Bá Tấn làm trưởng tộc không rõ từ đâu đến đã có 12 đời được khoảng gần 300 năm, hiện dòng họ này có 15 hộ đang sinh sống tại làng; Họ Vũ Bá do ông Vũ Bá Đăng làm trưởng tộc và Vũ Bá do ông Vũ Bá Huây làm trưởng tộc đều đến đất Mỹ Xuyên được khoảng 150 năm, hiện mỗi dòng họ có khoảng từ 12 – 15 hộ; Họ Phạm do ông Phạm Văn Khoa thay trưởng tộc, gốc từ Tam đồng (nay là xã Định Tiến huyện Yên Định) đến làng Mỹ Xuyên cách đây 275 năm, hiện có 39 hộ, ngoài ra ở làng Mỹ Xuyên còn có một dòng họ Phạm nhưng chỉ mới đến Mỹ Xuyên được 3 đời; Họ Trần có 2 dòng, dòng họ Trần do ông Trần Đình Lãng làm trưởng tộc và dòng họ Trần do ông Trần văn Mão làm trưởng tộc cũng đến làng Mỹ Xuyên từ giữa thế kỷ XIX; Hiện nay dòng họ Trần Đình Lãng có 8 hộ, dòng họ Trần Văn Mão có 2 hộ; Họ Đoàn có 2 dòng, dòng họ Đoàn do ông Đoàn Văn Tùng làm trưởng tộc từ ngoài Bắc vào Mỹ Xuyên đến nay được 8 đời, hiện có 7 hộ; Họ Đoàn do ông Đoàn Văn Luỹ làm trưởng tộc không biết từ đâu đến đến nay đã truyền được 6 đời, hiện có 2 hộ; Họ Dương cũng có 2 dòng, dòng họ Dương do ông Dương Văn Biền làm trưởng tộc gốc từ Hà Tây về Mỹ Xuyên được 7 đời, khoảng 170 năm, hiện có 5 hộ; Họ Dương do ông Dương Văn Minh làm trưởng tộc từ Thọ Xuân đến Mỹ Xuyên được 3 đời, hiện chỉ có 1 hộ; Một số dòng họ khác như Họ Hoàng, họ Lê, họ Nguyễn, họ Lương, họ Lưu, họ Trịnh là những dòng họ mới đến đất Mỹ Xuyên được từ 1 đến 2 đời, mỗi dòng họ này chỉ có từ 1 hộ đến 7 hộ;

       Làng Mỹ Xuyên xưa có đình, có nghè trên, nghè dưới thờ Thành Hoàng Làng và các thần, có chùa thờ phật có văn chỉ thờ đức Khổng Tử; Hiện Nghè trên, Nghè dưới đã hạ giải từ lâu;

       Nhân dân Mỹ xuyên sống bằng nghề nông, sản xuất độc canh cây lúa, tuy nhiên trên các cánh đồng cao nhân dân trồng thêm các loại cây màu như đậu, lạc, vừng, khoai lang, lạc,…..chăn nuôi: Trâu, bò, lợn, gà, ngan, ngỗng, vịt…

        Đất làng Mỹ Xuyên trước kia nhiều và rộng lớn, từ 1960 có phòng trào hợp tác hoá, và cả sau này vào năm 1976 thực hiện chủ trương của Đảng và chính quyền địa phương làng Mỹ Xuyên đã nhượng 66,45ha đất canh tác cho các làng, xã lân cận;

       Hiện nay làng Mỹ Xuyên có đất tự nhiên là 65,46ha, đất nông nghiệp là 45ha, đất ao hồ là 13,04ha, đất ở là 7,42ha. Mỹ Xuyên nằm ở phía Tây Bắc thành nhà Hồ, cách thành nhà Hồ 1,3km; Phía Bắc giáp xã Vĩnh Quang, phía Nam giáp xã Vĩnh Tiến, phía Đông giáp xã Vĩnh Long, làng Mỹ Sơn (Vĩnh Yên), phía Tây giáp xã Vĩnh Quang và làng Yen Tôn Thượng (Vĩnh Yên) hiện nay trong làng có 162 hộ với 607 nhân khẩu;

6 - Làng Mỹ Sơn

          Làng Mỹ Sơn có nguồn gốc từ làng Mỹ Xuyên. Do đất ở trong làng Mỹ Xuyên chật hẹp, trong khi đó dân số trong trong làng ngày càng tăng, nhu cầu đất ở cho các gia đình có nhu cầu tách hộ đòi hỏi cấp thiết; Xã Vĩnh Yên có thuận lợi là có một phần diện tích của núi Voi (núi đất), cách làng Mỹ Xuyên chưa đến 1km; Được sự giúp đỡ về các mặt của Tỉnh, huyện, xã và của cá nhân dân làng Mỹ Xuyên, Năm 1978 làng Mỹ Xuyên ban đầu có 3 hộ là bà Vũ Thị Tàu, Hộ Ông Vũ Mai Quớn và hộ ông Đoàn Ngọc Phùng cả ba hộ có 14 khẩu vào định cư ở vùng núi Voi; Sau đó năm 1994 một số hộ thuộc dòng họ Vũ Mai, Vũ Bá, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Đoàn, họ Dương đã di cư vào núi Voi; Tháng 6 năm 1994 khu dân cư ở núi Voi được chính quyền tỉnh công nhận là một làng (thôn) riêng trực thuộc xã Vĩnh Yên mang tên là làng Mỹ Sơn (Mỹ Sơn có ý nghĩa là gốc làng Mỹ Xuyên ra định cư ở núi voi – Sơn là núi) khi thành lập có 100 hộ và 200 khẩu, ông Phạm Văn Cừu làm trưởng Thôn (làng) đầu tiên;

       Làng Mỹ Xuyên khi mới thành lập các hộ nằm ở dưới chân núi Voi theo thế bậc thanh hai cấp, từ đầu làng đến cuối làng dài 1.400m chiều rộng bình quân 120m, nhưng Mỹ Xuyên hiện nay đã có một số hộ làm nhà trên đất ruộng quay mặt hướng vào núi và nhà ở ven quốc lộ 217;

        Hiện nay làng Mỹ Sơn có các dòng họ Vũ Mai, Vũ Bá, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Trần, họ Đoàn, họ Lê, trong đó họ Lê mỗi họ chỉ có 1 hộ vì mới từ làng Mỹ Xuyên di cư vào đây;

        Làng có diên tích tự nhiên 70,90ha, trong đó đát sản xuất là 37,90ha, đất ở là 10,52ha, đất núi 22ha, còn lại là đất khác; Phía Bắc giáp làng Quan Nhân xã Vĩnh Quang, Phía Nam giáp làng Mỹ Xuyên, Phía đông giáp làng Thành Phong – xã Vĩnh Long, Tây giáp làng Eo Lê – xã Vĩnh Quang; Làng Mỹ Sơn có 156 hộ với 595 khẩu;

TỔ CHỨC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH DƯỚI TRIỀU NGUYỄN TỪ 1830 -1832 ĐẾN 1945

Tổ chức quản lý trong làng có hai tổ chức

Tổ chức thứ nhất là Hội đồng Kỳ mục: Gồm các quan viên về hưu, cựu Lý trưởng, phó lý, người nhiều tuổi có uy tín, có trách nhiệm cùng với tiên thử chí bàn định công việc làng, trước khi giao cho hội đồng Lý dịch;

Tổ chức thứ hai là Hội đồng Ngũ vị Hương (Hội đồng Lý dịch)

Bộ phận Lý dịch (Từ Lý đến Dịch) này gồm:

1 – Lý Trưởng đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý mọi việc trong làng, thu tiền sưu, thuế, giải quyết các công việc tranh chấp, giữ đồng triện (đồng triện của Lý trưởng hình chữ nhật); Làng lớn có thêm Phó Lý giúp việc Lý trưởng;

2 – Hượng Bạ người giữ sổ sách, giá thú sinh tử, trích lục đất đai (Hương bạ cũng có con dấu hình bầu dục)

3 – Hương Mục: Giữ công việc công công trông coi các đường trong làng, kể cả đê điều (nếu có) mỗi khi ở huyện điều người đi làm đường xá hương mục phải lo điều này;

4 – Hương Bản: Giữ công quỹ của làng trong đó có việc thu chi các khoản (hương bản cũng có con dấu để đóng vào giấy tờ thu chi)

5 – Hương Kiểm: Coi việc tuần phòng trong làng, ngoài đồng điền và miếu mạo

6 – Hương Dịch: Coi công việc sản xuất, chăn nuôi, sổ sách hương ẩm và báo cáo các công việc trong làng

Về sau này còn có chức Hương Nông coi việc khuyến nông, mương máng, tưới tiêu trên đồng ruộng; Chức Đoàn xã là người chỉ huy Đoàn viên theo hệ thống Tổng đoàn;

Nhìn chung Hội đồng Chức dịch có nhiệm vụ thu thuế má, đốc thúc phu phen, canh phòng, tuần tra bảo vệ trị an xóm làng, tổ chức tế lễ, đình đám, mở Hội hàng năm;

Dưới chế độ phong kiến trong làn còn có phe giáp, đây là tổ chức phi hành chính; Nghĩa vụ đóng góp trong phe giápraats nặng nề, nhất là đóng góp cho các làng trên tế lễ; Ngoài Phe giáp trong làng còn có tổ chức hội làng văn, hội làng võ, làng nhiêu,…Tổ chức làng văn là những người có tính hạnh thuần cẩn và biết chữ;

Từ cách mạng tháng tám năm 1945 trở về trước tụ điểm dân cư nào muốn được nhà nước công nhận là đơn vị hành chính (tưc là thành một làng riêng) phải có đủ những quy định đó là:

-         Có sổ địa bạ

-         Có sổ hương ẩm

-         Có bản hương ước

-         Có đình làng

-         Có Nghè (đền) thờ Thành hoàng

-         Có Hội đồng Kỳ mục (Hội đồng bô lão)

-         Có Hội đồng Ngũ vị Hương (Hội đồng Lý dịch)

-         Có đồng triện (con dấu bằng đồng)

“Hương ước của các làng xã người Việt để lại là nguồn tư liệu gốc rất quý giá đẻ qua đó tìm hiểu xã hội Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử, nhất là ở nông thôn trong quá khứ cũng như hiện tại, là vốn trí thức dân gian về quản lý cộng đồng, về sử dụng và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên của cha ông để lại mà ngày nay nhiều điều chúng ta cần học hỏi, kế thừa; Là di sản văn hoá mà trong đó chứa đựng các giá trị nhân văn, giá trị văn hoá, nghệ thuật…Việc học tập, kế thừa hương ước cổ truyền xưa để xây dựng quy ước nông thôn mới hiện nay đã và đang là phong trào quần chúng ở các địa phương, được Đảng, nhà nước ủng hộ và chỉ đạo thực hiện”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét