Bà Thế bên cạnh bức chân dung chưa hoàn thành của người anh Nhất Linh (do Nguyễn Gia Trí vẽ).
(theo Saigonweekly)
Ba anh
tôi tên đã được đặt từ trước là Thụy, Cẩm, Tam, anh Tư tôi (Hoàng Đạo) đáng lẽ
là Tứ nhưng có người bạn của thầy tôi là Tứ nên mới đặt là Tư và tôi là Năm.
Rồi tới em Sáu (Thạch Lam) và em út là Bẩy. Sau này vì anh tư tôi không đủ tuổi
đi thi anh mới đổi là Long. Còn tên tôi, em Sáu và em Bẩy là do anh TAM đổi
nhân dịp em Sáu cũng vì lý do đổi tuổi để đi thi. Như vậy tuổi khai sinh của
anh em nhà tôi không hoàn toàn đúng với tuổi thật. Năm đó tôi nhớ anh Tam đã
viết “NHO PHONG” và tôi khoảng 14, 15 tuổi, bấy giờ anh Tam mới nghĩ tới việc
đặt tên anh em chúng tôi theo bộ chữ trên. Tôi là con gái nên lấy chữ cuối. Thứ
tự gia đình tôi theo đúng tuổi là anh Cả NGUYỄN TƯỜNG THỤY sau này làm Tổng
giám đốc bưu điện sinh năm Quý Mão (1903), anh Hai NGUYỄN TƯỜNG CẨM, kỹ sư canh
nông, Giám đốc báo NGÀY NAY sinh năm Giáp Thìn (1904), anh Tam NGUYỄN TƯỜNG
TAM, Nhất Linh, Nhị Linh chủ trương TỰ LỰC VĂN ĐOÀN sinh năm Bính Ngọ (1905),
anh Tư NGUYỄN TƯỜNG LONG, Tứ Ly, Hoàng Đạo trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn sinh năm
Đinh Mùi (1907), tôi NGUYỄN THỊ THẾ sinh năm Kỷ Dậu (1909), em Sáu NGUYỄN TƯỜNG
VINH (LÂN), Thạch Lam trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn sinh năm Canh Tuất (1910), em
Bẩy NGUYỄN TƯỜNG BÁCH, Bác Sĩ, sinh năm Bính Thìn (1916).
Riêng em
Sáu tôi đổi tên tới hai lần. Lần thứ nhất đổi là Vinh, cũng vì lý do để đủ tuổi
đi thi bằng thành chung. Tôi còn nhớ khi em Sáu thi đậu, Tú mỡ Hồ Trọng Hiếu có
mừng em bài thơ tôi chỉ còn thuộc có 6 câu:
Gửi lời
mừng bác NGUYỄN TƯỜNG VINH
Đáng bậc
thần đồng bọn học sinh
Năm
trước vừa ăn kỳ tốt nghiệp
Năm sau
liền đỗ bậc chung thành
Văn hay
phúc ấm nhờ tiên tổ
Cũng bởi
công phu gắng học hành
Lần đổi
tên thứ hai là Lân. Tên này em tôi giữ cho tới khi chết. Sự đổi tên của anh em
tôi là do ý kiến của anh Tam vì khi đổi tên tôi và các em Sáu, em Bảy thầy tôi
mất đã lâu.
…
Tôi
không ngờ em Sáu có trí nhớ dai thế, như truyện em tôi tả hai chị em thức đợi
chuyến tầu đêm qua rồi mới đi ngủ. Năm đó tôi mới có chín tuổi, em tôi lên tám
mà mẹ tôi đã giao cho hai chị em tôi coi hàng. Cửa hàng chỉ bán có rượu, ít
bánh khảo, thuốc lào, cốt để đưa khách quen vào trong nhà bà ngoại. Tối đến hai
chị em phải ngủ lại để trông hàng. Hai chị em vì ở nhà quê đã lâu nên bạo dạn.
Chủ nhà là hai bà cụ đã già tóc bạc phơ hình như hai người là bạn với nhau, đều
không có con, tôi cũng không rõ là ở đâu tới. Một bà trẻ, khỏe mạnh hơn dọn
hàng cơm cho khách ăn, thỉnh thoảng cũng có người lỡ tầu ngủ trọ lại. Hàng bà
cụ rất sạch sẽ, món ăn cũng ngon. Những con cá chép rán vàng, rồi canh cá nấu
măng chua, mấy cái chân giò luộc, trông thật thèm.
Khách
hàng là mấy ông lý ông chánh ở các làng xa xôi lên huyện có việc. Đông nhất là
những ngày vào vụ thuế. Hồi đó thuế người thuế ruộng phải đem lên nộp cho quan,
quan đem xuống tỉnh nộp cho công sứ. Hàng mẹ tôi dọn được ít lâu khách đã quen
vào nhà trong rồi nên khỏi bán hàng ở ngoài nữa (xem truyện “Hai chị em” Thạch
Lam đã viết lại đúng như sự thực).
…
CÁI CHẾT CỦA THẠCH LAM
Chú Sáu
trông nom nhà báo được ít lâu bị yếu phổi phải nằm nhà dưỡng bệnh. Biết tính
chú ưa tĩnh nên dù ở gần tôi cũng ít sang thăm.
Một tết
Trung Thu, chú mời tất cả các bạn thân đến ăn bánh thưởng trăng Tây Hồ. Anh em
ai tới phải mang theo bánh, các bà không được tham dự. Thím Sáu và chị Song Kim
vợ Thế Lữ rút vào nhà trong pha trà, cà phê. Tôi vì có cháu bé nên không sang
được, Trung thu năm đó lại mưa bão không có trăng, các ông ngồi chật cả ba gian
nhà. Sợ chủ nhân buồn, ông thì hát chèo cổ, ông thì hát trống quân, người thì
ngâm thơ, kể cũng vui, không có cảnh trăng trong gió mát thì cảnh mưa bão hồ
Tây cũng đẹp.
Tết năm
đó tôi cùng chú về quê ăn Tết. Hai mươi tháng chạp tôi thu xếp việc nhà cho các
cháu về trước. Chú Sáu ba mươi Tết mới về, nhà ở giữa cánh đồng, tuy có lũy tre
bao bọc nhưng vẫn lạnh thấu xương. Chú về tới nhà là phải quạt một hỏa lò than
hồng để sưởi, trên chăn dưới nệm vậy mà chú vẫn kêu lạnh. Mẹ tôi kêu con trai
gì mà yếu thế, chú nói tại mẹ khỏe nên không thấy lạnh, giá mẹ xây một cái lò
sưởi có phải ấm nhà và vui vẻ bao nhiêu không.
Sau mẹ
tôi phải cho đốt một đống củi lớn ở giữa nhà, trải ổ rơm xung quanh ngồi đánh
bất đợi giao thừa. Tôi phụ với mẹ tôi bầy cỗ cúng bàn thờ và cúng trời đất.
Đúng mười hai giờ người nhà lên đánh trống lễ, đỉnh trầm khói hương nghi ngút,
không khí đầy diễm ảo.
Làm lễ
xong cả nhà ngồi vào bàn để uống rượu mừng năm mới. Ai nấy im lặng, chú Sáu có
vẻ buồn, lặng lẽ nhìn khói trầm, không ai nói câu nào như sợ tan vỡ một cái gì.
Người nào cũng tưởng nhớ đến người ở xa vì Tết năm đó anh Tư còn bị giam ở Vụ
Bản, anh Tam ở bên Tầu. Tết buồn, vắng, và cũng là cái Tết sau cùng của em Sáu
tôi.
Tết ra,
em đau yếu luôn, vẫn về ở bên căn nhà bên hồ Tây. Mẹ tôi phải dời trại Cẩm
Giàng đem theo một anh người nhà nữa để trông nom vì thím Sáu lúc đó đang có
mang đứa con thứ ba. Mẹ tôi xem số tử vi cho chú ấy, nếu thím sanh con trai thì
khó qua khỏi được. Vì vậy hôm báo tin sanh con trai, chú thở dài nói con trai
mà làm gì. Đứa bé ra đời được ba ngày chú trở bệnh nặng. Mẹ tôi biết khó sống
được nên lén lên nhà bảo sanh đón hai mẹ con về. Tôi bế thằng bé ra cho chú coi
mặt. Chú liếc nhìn và khen trông nó khỏe đấy. Nó sau này là cháu Nguyễn Tường
Giang.
Sáng hôm
sau sang thăm, thấy hai mắt chú sáng trong. Tôi ngồi xuống cái ghế cạnh giường,
nắm tay chú, bàn tay ấm và mềm. Chú bảo chị đẩy em lên cao một tí để em nhìn
thấy cây liễu, chú phàn nàn anh người nhà đem chặt đi mất một cành liễu rủ
xuống làm mất đẹp. Tôi biết chú vốn quý cây liễu ấy lắm, nhưng không ngờ lúc
đau ốm gần kề với cái chết mà vẫn còn để ý đến vẻ đẹp thiên nhiên, như vậy chú
còn ham sống yêu đời lắm. Năm đó chú mới ba mươi ba tuổi. Có một hôm chú bảo
tôi hôm nào em khỏi chị cho em ăn một bữa cơm nguội với dưa chua và cá kho, sao
mà ngon thế. Chị có nhớ hôm đi chơi khuya về chị lấy cho em ăn đó. Em vẫn ao
ước hôm nào khỏi lại được ăn như thế. Tôi cười bảo bây giờ chú ăn chưa chắc đã
thấy ngon. Ăn ngon phải đúng lúc mình thật đói và trong người khỏe mạnh mới
ngon được.
Từ hôm
bệnh trở nặng, chú Bách (tên chú Bẩy) thường ở luôn bên cạnh anh. Chú Sáu đang
nằm tự nhiên bảo đỡ ngồi dậy. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Thím Sáu ở trong
buồng chạy ra ngồi đỡ một bên. Mẹ tôi ngồi một bên. Thấy thím khóc, chú bảo tôi
đã chết đâu mà khóc. Hai anh em nói tiếng Pháp với nhau, tôi thấy chú Bách bỏ
ra cửa, chú Sáu gọi “Bách, Bách”, chú Bách chỉ quay đầu lại thôi chứ không trở
lại, tôi chực gọi thì thấy hai hàng nước mắt chú tuôn rơi, lúc đó tôi mới hiểu.
Nhìn lại thấy chú Sáu duỗi hai chân thẳng ra. Thế là đi luôn.
Tiếng
khóc của mẹ tôi, của thím Sáu cùng nổi lên một lượt, riêng tôi vẫn còn hoang
mang, không thể ngờ chú còn tỉnh táo như vậy mà cái chết đã đến quá mau chóng.
Người khóc nhiều nhất là chú Bách, từ nhỏ tới giờ không bao giờ thấy chú khóc
nhiều như vậy. Có lẽ vì đã học năm thứ năm trường thuốc nên biết lúc đó là lúc
anh mình phải chết mà mình bất lực không làm gì được.
…
Tết năm
đó (1942) chỉ còn có hai anh em về ăn Tết. Chú cũng đã yếu rồi nên thím Sáu đã
phải đốt một lò than hồng để đón chú, mà chú cũng còn kêu: “Rét quá, giá mẹ xây
lò sưởi có phải ấm không”. Đêm giao thừa phải đốt một đống củi ở buồng hai gian
nhà ngang vải chung quanh trại ổ rơm mà chú vẫn kêu lạnh. Tất cả ngồi quây quần
đánh bất để đợi Giao Thừa, năm đó tiết trời cũng giá buốt nên thay vì cúng và
ăn ngoài sân, cả gia đình đều vào phòng khách. Đúng Giao Thừa, chú bảo đốt trầm
lên và đem rượu ra uống mừng Xuân. Rượu rót ra rồi ai nấy đều thấy chú ngồi im
lặng lẽ, khói trầm mờ ảo, tất cả tự nhiên đều im lặng, mỗi người hoài niệm một
nỗi niềm riêng tư. Vắng mấy anh như là vắng tất cả. Xuân này mỗi anh mỗi
phương, người góc bể, kẻ chốn rừng sâu, chắc giờ này cũng đương hướng cả tâm
hồn về với nhau. Anh em sum họp đã bao cái Tết vui vẻ, nay như chim lìa đàn,
con bay về phương Bắc, con về phương Nam, cách biệt từ nay mấy dặm ngàn.
Sau cái
Tết đó là chú Sáu bắt đầu yếu. Hôm chú sang chơi nhà anh Thế Lữ rồi qua tới
thấy tôi đốt lò sưởi, chú thích quá. Chú nói bên hồ năm nay lạnh quá, chú chịu
không nổi. Tôi mời chú qua đây ở, tôi sẽ nhường chú căn phòng khách có lò sưởi
cho ấm chứ nhà tôi có tiếp khách nào đâu. Nói rồi, tôi thấy nét mặt chú buồn
buồn. Lúc tiễn chú ra cổng, thấy thân hình chú mặc cái áo cẳng dài, người mảnh
và cao, chân bước đi như gió thoảng trên mặt đê, lòng tôi tự nhiên thấy buồn
nhưng cũng không rõ vì sao. Không thấy chú sang, có lẽ chú sợ phiền vì đã hai
lần chị đã nhường cho nhà rồi, vả lại đời sống chú cũng khó khăn, sang đây sợ
thiếu phương tiện.
Chú đã
yếu nhiều nên tính nết cũng khó khăn, thích yên tĩnh nên tôi có sang thăm chú
phải bảo mấy cháu chơi ở ngoài hoặc ra cây đa, hoặc sang sân đình vì chú không
ưa trẻ con. Tôi còn nhớ lần đó sang chơi, thấy chú đương ăn cơm, chú mời tôi ăn
với chú một thể nhưng tôi đã ăn rồi, chú mới hỏi mấy cháu có qua với tôi không.
Tôi bảo: “Chúng nó sợ chú nên ở chơi ngoài sân đình rồi”. Chú bèn nói gọi hết
mấy cháu vào đây. Tôi và thím Sáu đều nhìn nhau lấy làm lạ vì đã có lần chú cấm
tôi có sang thì để lũ trẻ con ở lại nhà. Thế mà hôm nay chú lại vui vẻ gọi các
cháu vào, nào là bắt ăn rồi lại mở tủ sách của chú mà xưa nay các cháu thích
lắm nhưng chẳng bao giờ dám mó vào, bây giờ muốn đọc thì tha hồ đọc. Lúc về chú
lại cho mượn đem về, hẹn phải giữ cẩn thận rồi đem qua chú đổi cho quyển khác.
Tôi thấy
chú cười nói tôi cũng mừng, hay là chú đã hết bệnh rồi nên chú thay đổi tính
nết. Ai ngờ là gở chết, vì theo như các cụ nói thì người đương dễ tính sẽ đổi
ra khó, còn người đương khó tính sẽ đổi ra dễ, đó là điềm gở. Được vài tháng
sau là chú đau liệt giường luôn, không tới tòa báo được nữa. Chú Bách cũng hằng
ngày xuống chích thuốc cho chú, nhưng cũng vô hiệu và chú đã lao phổi nặng rồi.
Mẹ tôi cũng từ dưới trại lên để trông nom chú và người bếp già vì thím ấy đã
gần ngày sanh. Chú gầy quá lại kêu đau mình, nên mẹ tôi cho mang cả giường lò
xo lên cho chú nằm cho êm. Thuốc men ăn uống cũng chả thấy đỡ, bệnh chú càng
ngày càng nặng, chú Bách chích đủ các loại thuốc tốt nhưng cũng đành bó tay
thôi.
Mẹ tôi
đi coi số cho chú ấy nói nếu có hai con trai thì là tận số. Hôm thím ấy sanh,
nói con trai, chú chỉ thở dài nói lại con trai. Mẹ tôi thấy chú phù hai chân
biết là khó qua khỏi, nên thím ấy sanh mới được có ba ngày là cho đón về lúc
buổi sáng mười giờ. Bế thằng bé con ra cho chú coi mặt, chú bảo trông nó khỏe
mạnh đấy. Tôi bắc ghế ngồi bên chú, chú bảo chị cho cái gối cao lên để em ngắm
liễu, hôm nọ nó chặt mất cành thấp rũ xuống, em tiếc quá. Xong chú nói em nhớ
bữa cơm nguội mà hôm em đi chơi về, chị cho em ăn với cá kho và dưa chua, sao
mà ngon thế, hôm nào em khỏi chị lại cho em ăn như thế. Tôi cười nói đúng đó
chú ạ, mình chỉ ăn ngon vào đúng lúc mình đói thì bữa cơm đó không có gì ăn
cũng ngon, chú nhỉ. Chú lại hỏi sắp đến mùa na chưa, em thèm ăn na quá. Tôi bảo
tháng sáu hoặc tháng bảy chú ạ. Chú chỉ ao ước một bộ đồ lụa mỏng vải cúc áo
dài lụa thì Mẹ tôi đã may cho chú để mặc cho mát và nhẹ. Còn các thứ trái cây
thì chú thích nhất là na, xoài, dưa tây ướp đá.
Có lần
chú Bách đưa cho tôi mấy miếng dưa tây hoặc mấy miếng xoài, thế là quý chị lắm
đó. Hai chị em cứ nói chuyện vẩn vơ như vậy, đâu có ngờ đến 12 giờ tôi về bên
nhà ăn cơm, vừa ăn xong thì hai vợ chồng tôi sang cùng đứng cả bên giường. Chú
bảo đỡ chú ngồi lên, anh người nhà một bên, mẹ tôi một bên, sau là thím Sáu.
Thấy chú nói tiếng Pháp với chú Bách, thím Sáu khóc thì chú bảo tôi không chết
đâu mà khóc. Chú Bách bỏ bước ra cửa, chú ấy gọi Bách, Bách rất rõ mà chú ấy
không quay lại. Tôi và mẹ tôi đều kêu chú Bách, anh gọi này. Chú không quay vào
chỉ ngoảnh mặt lại thôi, tôi thấy chú khóc. Tôi chưa từng thấy chú khóc bao
giờ. Tôi thấy chú Sáu duỗi hai chân ra, thế là đi luôn, anh người nhà vội đặt
chú nằm xuống.
Tôi sửng
sốt không ngờ, chỉ có chú Bách và Mẹ tôi là biết rõ thôi. Chú đã học thuốc và
đã từng chứng kiến nhiều nên chú không dám quay lại khi thấy mình bó tay không
sao ngăn được thần chết. Chú lại là người khóc nhiều hơn ai hết, tôi còn phải
đi lo báo cho mọi người biết. Mẹ tôi đứng lên lo hết ma chay cho chú xong, mẹ
tôi lại trở về trại Cẩm Giàng. Còn nhà báo thì ai trông nom sau khi chú Sáu
mất, tôi cũng chả rõ. Gần một năm sau thì anh Long và ông Khái Hưng về trông
nom tờ báo. Năm đó cũng là năm Nhật hay sang bỏ bom, mọi người sợ hãi hay chạy
về nhà quê và nhà nào cũng đào hầm để trú ẩn. Bên mấy mẹ con thím Sáu thì mẹ
tôi đón về trại ở rồi, chứ ở trên này thì lấy gì sống.
(Văn hóa
Ngày Nay tái bản 1996)
p.s: Căn
nhà của Thạch Lam khi xưa nằm ngay cạnh đình làng Yên Phụ và nhìn ra hồ Tây đầy
sương khói. Ban đầu đâg là nhà của bà Thế, sau nhượng lại cho em trai là Thạch
Lam.
Nếu đọc
Đốt Lò Hương Cũ của Đinh Hùng, bạn sẽ có dịp tưởng tượng lại khung cảnh khi xưa
tại đây.
Nguyễn Thị Thế là mẹ của nhà văn Thế Uyên và
Duy Lam, bà mất năm 1996 tại Virginia, HK.
Thạch Lam (kính đen) và Hoàng Đạo
cùng 3 con của Nhất Linh ở Trại
Cẩm
Giàng. Nơi đây bây giờ là miếng
đất
um tùm cây cối gần ga xe lửa Cẩm
Giàng. Di tích xưa đã không còn mà chỉ còn một
căn
nhà gạch
được
xây thời bao cấp, lấy
làm nhà lưu niệm TLVĐ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét