XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Sử ký Bạch Mai phố

Bài viết Kimle.   

Phố Bạch Mai ngày nay (ảnh internet).

Phố Bạch Mai, tên cũ là làng Hồng Mai, đến đời Tự Đức (1847- 1883) vì phạm húy nên mới đổi thành làng Bạch Mai .

Phố Bạch Mai từ Ngã Tư Trung Hiền ngược lên đến Ô Cầu Dền. Phố này nhiều ngõ nhất trong các con phố của Hà Nội (25 ngõ) với bề dày lịch sử về tín ngưỡng, tôn giáo. Chùa chiền và đình miếu ở đây phong phú nhất vùng Kẻ Mơ .

Năm 1929, chính quyền bảo hộ xây dựng đường tàu điện từ ga bờ Hồ xuống tận chợ Mơ. Từ Ô Cầu Dền trở xuống là ngoại thành, vì vậy đường tàu đi nổi như đường tàu hỏa, có rải đá, nằm bên dãy số nhà chẵn phố Bạch Mai. Về sau mới chuyển ra giữa đường và đánh chìm xuống. Đường tàu điện đến Mơ là kịch đường tàu.

Trước thời kỳ cải tạo công thương nghiệp, chắc các cụ trên dưới 70 ở vùng Kẻ Mơ đều biết, ở ngã tư Mơ có nhà tư sản Vĩnh Hưng Long chuyên sản xuất bánh mứt kẹo. Ông Vĩnh Hưng Long người cao gầy, trắng trẻo, dáng thư sinh. Ngược lại,bà vợ béo lùn nhưng phúc hậu . Cửa hàng mặt tiền rộng , đèn sáng trưng. Lùi vào bên trong là khung cửa to hình bán nguyệt, hai bên là hai con công đắp nổi bằng sứ Giang Tây, xòe đuôi ôm vòng lên khung cửa, Đuôi công được gắn đèn nhấp nháy xanh đỏ tím vàng đẹp tuyệt. Nhất là đêm trung thu, lũ trẻ con cứ gọi là há hốc mồm để xem hai con công nhấp nháy, xong dí mũi vào tủ kính xem những bánh nướng, bánh dẻo, những chiếc bánh nướng to hình cá chép, hình con cua mà thèm rỏ dãi.

Xuống cách mấy nhà, là nhà sản xuất hương (nhang cúng), có ông Kim mù nhưng đàn ca sáo nhị thật giỏi. Tôi đã từng đứng xem như bị thôi miên khi ông búng ghi ta bản "Phiên chợ Ba Tư". Những giai điệu mô tả đàn lạc đà lắc lư đi trên sa mạc, những thanh âm đến mê hoặc của anh bán rắn. Tài năng của ông không kém gì nghệ sĩ ghi ta Văn Vượng. Ông Trời thật công bằng, không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả.

Vào đầu thập niên 60, tại dãy nhà bên dãy lẻ ở Ngã Tư Mơ có xảy ra một vụ thất tình đến lạ. Đám cưới của anh X diễn ra suôn sẻ, nhưng đến khi đưa dâu về nhà trai ( bằng xe Hải Âu), lúc chú rể dìu cô dâu đứng lên để chuẩn bị xuống thì có một phát súng nổ (dự đoán từ căn nhà gác đối diện bắn sang, bằng súng hơi). May là không ai bị sao, chỉ bị vỡ cửa kính xe ô tô. Cô dâu chú rể và mọi người hốt hoảng, chú rể vội diù cô dâu vào trong nhà. Mọi người xôn xao bàn tán, có thể do một anh chàng nào đấy, trước là người yêu của cô dâu nhưng không thành, bị thất tình nên sinh ra làm càn.

Năm 1967, hồi đó tôi đang học trên Bưởi. Sáng nào cũng phải dậy từ 5h sáng đón chuyến tàu điện đầu tiên. Trong lúc chờ tàu đến, tôi tranh thủ vào ăn sáng ở cửa hàng Mậu dịch ăn uống Chợ Mơ. Có mỗi một món duy nhất là "Mỳ không người lái". 1 hào rưỡi/ bát, làm 2 bát 3 hào. Xếp hàng mua vé, xong xếp hàng lấy mỳ, quơ vội đôi đũa ướt rượt trong chiếc rổ sòng bên cạnh, ra bàn ngồi, cho thật nhiều tương ớt, đánh một loáng 2 bát mỳ ngon ơ.

Có hôm đang ăn dở thì tàu chuẩn bị chạy, thế là trợn trạo lùa vội cho xong để ra cho kịp tàu. Có hôm không kịp, vừa ra thì tàu chạy, thế là vắt chân lên cổ đuổi theo, khi lên được tàu thì thở hồng hộc, ôm bụng vì đau xóc.

Thằng bạn cùng phố học Mỹ Thuật, nó có trò làm giả vé mỳ nước bằng dấu củ khoai, mực đỏ, đóng vào miếng bìa nhỏ hình vuông. Cứ ăn ở cửa hàng Mơ dăm buổi, nó lại chuyển vùng lên Nguyễn Công Trứ dăm buổi, xong lại lên Hàng Bài dăm buổi (mỗi cửa hàng một con dấu khác nhau). Nếu không, ăn một nơi nhiều quá, sẽ bị lộ. Khổ thế ! Cái khó ló cái khôn vặt.

Tiếp theo là ngõ Lò Lợn, sát Chợ Mơ (nay là ngõ 459 Bạch Mai). Trước đây có lò mổ lợn ăn thông sang cả ngõ sau Chợ Mơ Hưng Ký, năm 1942 thì lò mổ bị dẹp. Năm 1978 tôi đã mua nhà trong ngõ Lò Lợn, về sau xem thày nói nhà có cốt nên phải bán đi.

Phía trong Chợ Mơ sát với ngõ Lò Lợn là cửa hàng mua bán đồ cũ (dân thường gọi là "cửa hàng phế phẩm"). Ở đây mua và bán thượng vàng hạ cám những đồ đã qua xử dụng. Từ giường tủ bàn ghế, ấm chén, lư hương cây nến, cho đến quần áo giày dép mũ mão vv....

Tôi xin phép được mở ngoặc một tý (Nhà có cụ ông vừa qua đời, quần áo giày dép vẫn còn tốt nhưng con cháu không đứa nào dùng, đem cho ai bây giờ ? Tốt nhất là mang đến cửa hàng mua bán đồ cũ Chợ Mơ nhờ họ thanh lý hộ). Thời buổi bao cấp, người dân một năm vẻn vẹn có 4m vải. Ông khách thấy bộ quần áo ka ki Mỹ tuy hơi sờn gấu một tý nhưng giá rẻ thì tặc lưỡi liền, cũ người nhưng mới ta, vẫn còn diện chán.

Ngõ Lò Lợn nhìn đối diện sang là ngõ Giếng Mứt. Theo các cụ kể lại: Sở dĩ có tên Giếng Mứt là vì ngõ có cái giếng to, nước ngọt mát như pha đường. Trong ngõ có ngôi chùa cũng đặt tên rất ngọt là Chùa Mứt, năm 1891 thì chùa được dời lên 207 phố Bạch Mai với tên chữ Hán là Chùa Mai Hương. Hiện còn lại ngôi chùa nhỏ mang tên Ngọc Tỉnh xây năm 1953- 1954.

Từ ngõ Giếng Mứt nhìn chéo sang là rạp chiếu bóng Bạch Mai. Chủ rạp là người Hoa, sau nhượng lại cho chủ khác là người Ấn Độ. Hồi đó, tụi trẻ con khi nhìn thấy ông chủ rạp người Ấn, chúng túm vạt áo của mình giả làm cái tai lợn vẫy vẫy, ông Ấn Độ lừ mắt, xì xồ xua đuổi tụi trẻ, vô phúc cho đứa nào bị ông bắt được, cứ gọi là bị véo tai đến đỏ ửng.

Sau cải tạo công thương nghiệp, tư nhân bị giải thể, thành lập "Công Ty chiếu bóng HN". Tụi trẻ thời ấy có cái thú hay sưu tầm programme (tờ rơi quảng cáo phim ) để chơi. Phim Việt Nam thời đó chưa ...kịp sản xuất. Chỉ có những phim của Trung Quốc: Thượng Cam Lĩnh. Lương Sơn Bá- Trúc Anh Đài. Phim Liêm Xô có: Bài ca người lính, Đàn sếu bay qua, ÔTenLô.

Tôi có ông bạn vong niên, thời ấy làm chân "chạy phim" cho rạp Bạch Mai. (Vì phim bộ thời ấy hiếm, nên các rạp chiếu lệch giờ để luân chuyển phim cho nhau). Rạp Bạch Mai "bắt tay" với rạp Mê Linh ở Lò Đúc và rạp Dân Chủ ở Khâm Thiên, hình thành thế tam giác cuốn chiếu. Khi rạp Mê Linh chiếu xong 2 cuốn đầu, ông bạn tôi tức khắc mang luôn 2 cuốn đó về rạp Bạch Mai. Khi rạp Bạch Mai chiếu xong 2 cuốn đó, ông rạp Dân Chủ vội vã gò lưng đạp xe mang 2 cuốn đó về ngay. Cứ thế xoay vần cho đến hết phim. Có buổi, ông bạn tôi kể, xe ông về đến Trại Găng thì bị nổ lốp, thế là đành hộc tốc dắt xe chạy trối chết thế mà vẫn bị chậm 15 phút, khán giả la oai oái . (khi một rạp bị chậm thì rạp tiếp theo cũng bị khán giả la oai oái, khổ thế !).

Đi tiếp là ngõ Mai Hương (bây giờ là Hồng Mai). Vào bên trong là bệnh viện tâm thần Mai Hương. Xế bệnh viện tâm thần nhìn sang là hàng thịt chó của ông Thủy "rỗ". Chiều chiều, mùi chả nướng ngào ngạt thơm lừng bay sang "tra tấn" cái dạ dày của những ông "nhìn ai cũng cười toe toét". Bảo người nhà chạy ra mua, đến lạ , khi chén xong món "vitamin gâu gâu" các ông không cười toe toét nữa mà chuyển sang khóc tu tu vì "thương con vàng quá". Chỉ béo cái ông Thủy "rỗ " !

Vào sâu trong ngõ Mai Hương, rẽ phải khoảng 50m, bên trái là chùa Quỳnh Lôi. Chùa được xây dựng từ đời Trần, có lịch sử gần một ngàn năm. Chùa có tên chữ là Long Khánh Tự, có kiến trúc đặc trưng Việt Nam mà người Pháp xưa đã làm bưu ảnh để giới thiệu với thế giới. Các đời Chúa Trịnh đã trùng tu chùa vào năm 1607.

Đình làng Quỳnh Lôi có tên chữ là Đình Văn Hưng , thờ Công bộ Hữu thị Lang Ngô Sách Tuân (đời vua Lê Hy Tông -1676, hiện còn cả văn bia). Ông đã có công phát triển và gây dựng trại Quỳnh Lôi vào cuối thế kỷ XVII. (rất đáng tiếc ngôi đình to đẹp nay không còn, khu vực đình hiện nay được dùng làm trụ sở của dân phòng phường). Dân làng Quỳnh xưa chủ yếu trồng rau và trồng hoa phục vụ dân nội thành, một số buôn bán ở Chợ Mơ và các chợ trong vùng.

Ngõ Mai Hương nhìn chếch sang là cơ sở đúc chảo gang của người Hoa (nay là xí nghiệp Điện Thông). Những chiếc chảo gang to đường kính gần sải tay để chồng chất ra đến tận ngoài cổng, chờ xe tải vận chuyển đi bán cho đại lý các Tỉnh.

Đi ngược lên, bên trái là Trường Đông Dương Học Xá (nay là trường Đại Học Bách Khoa). Hoàng Thân Xu Pha Na Phu Ma của Vương Quốc Lào cũng từng học ở đây . Trường được các kiến trúc sư người pháp thiết kế theo truyền thống Á Đông. Được khởi công xây dựng vào năm 1941. Các dãy nhà được thiết kế mái cong đầu đao, hình triện và rồng phượng cách điệu .

Nghe nói, hôm khánh thành trường, Toàn Quyền Jean Decoux đang đọc "đít cua" thì có một cơn gió giật khiến cột cờ bị gãy. Dân tình xôn xao cho đấy là điềm gở. Quả nhiên , tháng 3 năm 1945 Nhật hất cẳng Pháp.

Đối diện Đông Dương Học Xá là rạp tuồng Lạc Thanh Đài (chủ rạp là người Hoa). Đây là rạp hát nhỏ 2 tầng, chứa ngót trăm người. Chủ yếu diễn các vở có điển tích Tàu. Tôi thường nghe các bà chị kể lại, hồi bé, tôi được các chị cho đi xem tuồng ở đây, khi có ông tướng mặt mũi vẽ vằn vện xuất hiện, tôi sợ quá khóc thét đòi về.

Ngược lên là khu Trại Găng (Sở dĩ có tên Trại Găng vì nơi đây trồng nhiều găng làm hàng rào vì cây găng có nhiều gai, dễ trồng, không cần phải chăm sóc và có tác dụng làm thuốc). Xưa nơi đây, lùi vào bên trong là khu nhà xăm (nhà thổ) .

Nhà văn Tô Hoài đã viết trong hồi ký, ông và Nam Cao đi thăm Đồ Phồn ở dưới Quỳnh Lôi, rượu chè say sưa, khi ra về thì trời đã khuya. Hai ông ngật ngưỡng trên đường Bạch Mai. Thời đó giới nghiêm, từ 23 giờ cấm đi lại, Police bắt gặp thì a lê về bóp, sáng hôm sau nộp phạt mới được thả. Hai ông bàn nhau rẽ vào khu nhà xăm ở Trại Găng tá túc qua đêm còn hơn là ngồi bóp .

Khi gõ cửa một nhà xăm, Tú bà đon đả ra đón và xếp hai ông hai buồng. Hai ông xua tay, chỉ xin một buồng ngủ trọ qua đêm. Tú bà ngạc nhiên xong hiểu ra, gật gù phán: Ngủ trọ và ngủ có đào phục vụ, bằng tiền nhau. Nam Cao bấm Tô Hoài đi ra, nhìn thấy Police đang lượn ngoài đường. Hai ông sấp ngửa quay trở lại nhà xăm .....

Từ Trại Găng đi lên nhìn sang bên trái là Ngõ Đình Đại. Bên trong là ngôi đình cổ thờ Thành Hoàng là Cao Sơn Đại Vương, nhà ngang thờ Mẫu Liễu Hạnh. Đình Đại được xây dựng cách nay đã lâu và được trùng tu vào đời Minh Mạng (1840).

Thời xưa, cứ cuối buổi chiều là cửa ô Cầu Dền đóng kín lại, không ai được đi qua, chỉ trừ những người cầm hỏa bài "khẩn cấp". Tất cả những kẻ chậm chân đều phải nghỉ lại ở Đình Đại, đợi đến sáng hôm sau khi cửa ô mở mới được vào thành. Buổi tối ở trong Đình hàng quán bài bạc sầm uất. Các ông lái buôn hay cai thầu nào có máu " om chát" thì rủ nhau xuống ngõ Vạn Thái hát ả đào. Còn những ông khác muốn giải đen thì kéo nhau vào nhà xăm ở Trại Găng. Chậm chân như thế lại hóa hay.

Một di tích lịch sử ở phố Bạch Mai là ngôi nhà số 152, nơi ở của cụ Nguyễn Phong Sắc, xứ ủy viên của Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1931 bị Pháp bắt, Cụ quyết không khai. Thực dân Pháp đã đến 152 Bạch Mai bắt vợ cụ để gây sức ép, nhưng không kết quả. Cụ bị tử hình vào tháng 5 năm 1931, khi ấy cụ mới 29 tuổi.

Trên ngõ Đình Đại khoảng 100 m là ngõ Chùa Liên. Vào sâu trong ngõ là ngôi chùa bề thế có tên Liên Phái. Chùa được xây dựng vào năm Bảo Thái thứ 7, thời Trịnh Lập (1726), lúc đầu có tên là Liên Hoa rồi Liên Tông. Năm 1840 đổi tên là Liên Phái vì phạm húy vua Thiệu Trị.

Đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội về việc xem trùng tang và cho bùa trùng tang. Người Hà Nội hay về đây để xem người thân mất có trùng tang hay không và xin ngày giờ liệm, ngày giờ hạ huyệt.

Tôi nghe các cụ Tiên chỉ làng Bạch Mai kể lại: Đằng sau chùa Liên Phái có ngôi mộ của cô Ba Tý Hàng Bạc. Cô Ba Tý là me Tây, cặp kẻ với nhiều quan chức người Pháp nên rất giàu có. Cô thường đi xe tay gọng vàng. Cô Ba Tý có căn đồng bóng. Từ Bắc vào Trung không đền to, phủ lớn nào là cô không đến hành hương.

Ngôi nhà 2 tầng của cô ở phố Hàng Bạc lập đền thờ phủ Mẫu nguy nga lộng lẫy như động Tiên. Cô có sở thích sưu tầm đồ cổ, ngoài những cổ vật vô giá như: Đỉnh chạm tam khí, bầu rượu chạm bạc, sập gụ chạm trổ 100 con phượng, đôi ngà voi của Vua Hàm Nghi. Còn có cả những dị vật như: Gà ba chân, rùa hai đầu, sóc bay, ỉ bạc má, phượng hoàng đất. Người giúp việc của cô là vợ chồng anh lùn, cao nhỉnh hơn chiếc cán ô một tý .

Thứ bảy và Chủ Nhật hàng tuần, cô Ba Tý mở cửa cho dân chúng vào xem tự do.

Hậu vận của cô Ba Tý cực xấu. Cô đã bị giăng bẫy, bị mắc lừa mất hết gia sản.

Thật đúng là "Tiền phú, hậu bần". Các cụ đã dạy: Không ai nắm tay được từ tối đến sáng !

Thật chí lý !

                                         ***********

1 nhận xét:

  1. Cám ơn tác giả , bài viết thật thú vị cho tôi thấy từng ngõ ngách và hình ảnh xưa của Bạch Mai

    Trả lờiXóa