XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Bài văn sách xuất chúng đưa Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyê

Bài văn sách đó đã đưa Lương Thế Vinh đạt điểm cao nhất, giành ngôi Trạng nguyên. Vậy bài văn sách đó viết gì mà được Vua và các quan chấm bài đánh giá cao vậy? Giá trị lịch sử và thời sự của nó ra sao? Hãy đọc lại để cùng ngẫm.

Khoa thi Đình năm Quý Mùi (1463), đích thân Vua Lê Thánh Tông ra đề và chấm bài. Bài của Lương Thế Vinh được Vua phê "Quyển này tường tận, minh bạch, không hổ danh là một bài đối sách. Ðọc văn đó mà lòng bứt rứt không yên". Các quan độc quyển: Nguyễn Như Ðổ, Nguyễn Phục, Ðào Tuấn, Nguyễn Vĩnh Tích, Nguyễn Bá Ký, Trạc (không rõ họ) thì phụng phê "Quyển này có học thức, khá trúng với sách vấn của Hoàng thượng".

I. ĐỀ BÀI

NGUYÊN VĂN CHẾ SÁCH LÊ THÁNH TÔNG ĐƯA RA:

"Các bậc đế vương thánh thần thời thượng cổ, nối trời trị đời, dạo đó rất là thuần phác. Cho đến đời sau mới có thuyết Phật, Lão dấy lên mới bắt đầu có chuyện bàn về tam giáo (Nho, Phật, Lão) mà lòng người với trị đạo thật không còn như xưa. Giáo lý đạo Phật, đạo Lão hết thẩy đều mê đời, lừa dân, che lấp nhân nghĩa, cái hại của nó không thể kể xiết mà lòng người rất ham, rất tin.

Ðạo của Thánh nhân (Nho) lớn thì tam cương (1), ngũ thường (2), nhỏ thì tiết văn độ số (3) đều thiết dụng trong cuộc sống thường ngày mà lòng ham thích của người ta lại chẳng bằng đạo Phật, đạo Lão, sao lại như thế?

Nhà nước ta thiết lập quan, phân chia chức, lớn nhỏ cùng mối, trong ngoài nối nhau. Giữ việc cơ mật có Nội Mật Viện; trấn giữ các miền có Ngũ Ðạo Quan; xử kiện tụng có Ngũ Hình Viện; lo giám sát có Ngự Sử Ðài; nắm lễ nhạc có Lễ Nghi Viện; giáo dưỡng nhân tài có trường Quốc học, Lộ học; quản lý kho tàng và xây dựng có Nội Thị Sảnh; thi hành giáo hóa ở các nơi xa có các quan phủ, lộ, trấn, huyện; giữ gìn phép tắc, coi sóc việc quân có quân quan các vệ. Tất cả những việc ấy dặt ra thẩy đều vì dân cả. Thế mà mọi việc chưa được sáng tỏ, hình ngục còn lạm, kỷ cương chưa giữ gìn, lễ nhạc chưa hưng thịnh, nhân tài chưa phát triển, của cải chưa phong phú, hàng hóa chưa lưu thông, đức trạch chưa nhuần thấm, quân dân còn oán thán, tệ xấu chưa trừ, việc tốt chưa thấy là cớ tại sao?

Ðiều cốt yếu để làm nên thịnh trị không ngoài ở chỗ làm sáng tỏ đạo Thánh, chính đáng nhân tâm, trừ dị đoan, bỏ tệ xấu, làm việc tốt. Làm được những điều ấy tất có thuật của nó.

Sĩ đại phu bác cổ thông kim hãy đem những hiểu biết viết ra rõ ràng, Trẫm sẽ đích thân xem xét".

Đề như vậy, theo như kiểu đánh giá hiện nay thì là đề khép, vì hầu như đã ấn định quan điểm lựa chọn rõ ràng, chỉ là hỏi về biện pháp cụ thể để thực hiện.

II. BÀI ĐỐI (TRẢ LỜI) CỦA LƯƠNG THẾ VINH

THEO KHUÔN MẪU, NHƯNG KHAI THÁC, ĐƯA CHỦ ĐỀ TRỞ THÀNH ĐỀ MỞ, LƯƠNG THẾ VINH ĐÃ KHÔNG SÁO RỖNG NHƯ CÁC CÁC THÍ SINH KHÁC MÀ ĐI VÀO THỰC TẾ, PHÂN TÍCH, DẪN CHỨNG SẮC BÉN:

"Thần xin đối. Thần nghe :"Tà thuyết làm hại Chính đạo là có nguyên do, thịnh trị có thể đạt đến là có nguồn gốc". Nguyên do nào? Ðó là tại học tập bất minh. Nguồn gốc nào? Chính là ở chỗ vua tôi trọn đạo. Nắm rõ điều này tất cái hại của tà thuyết, phương sách chính trị có thể được phân biệt rõ ràng.

Thần kính nghĩ Hoàng thượng Bệ hạ tiến bọn thần vào chốn điện đình, thân ban sách vấn, lấy việc Chính đạo, dị đoan để hỏi, lại lấy việc đời nay chưa trị làm lo, ý mong tìm phương thịnh trị. Xét thần ngu thiển, sao đủ để biết, nhưng người xưa có nói :"Phải hỏi han đến cả người cắt cỏ, kẻ kiếm củi" (4) huống hồ thần lạm dự hàng khoa mục tới đây, sao dám im lặng không dâng một lời nào? Thần kính cẩn chắp tay cúi đầu xin đối.

THẦN CÚI ĐỌC SÁCH VẤN CỦA THÁNH THƯỢNG HỎI:

"Các bậc đế vương thánh thần thời thượng cổ, nối trời trị đời, đạo đó rất là thuần phác. Cho đến đời sau thuyết Phật, Lão dấy lên mới bắt đầu có chuyện bàn về tam giáo mà lòng người với trị đạo thật không còn như xưa. Giáo lý đạo Phật, đạo Lão, hết thẩy đều mê đời, lừa dân, che lấp nhân nghĩa, cái hại của nó không thể kể xiết mà lòng người rất ham, rất tin.

Ðạo của Thánh nhân lớn thì tam cương, ngũ thường, nhỏ thì tiết văn độ số đều thiết dụng trong cuộc sống hàng ngày mà lòng ham thích của người ta lại chẳng bằng đạo Phật, đạo Lão, sao lại như thế?"

Qua lời sách hỏi, thần đã thấy Bệ hạ thực biết đạo Thánh có thể thi hành mà dị đoan là sai trái. Thần xin được diễn giải thêm. Thần nghe :"Nhất âm nhất dương" (5) là đạo tồn tại trong trời đất, "Nối đạo là thiện, thành đạo là tính" (6) là đạo đã hòa vào người vào vật. Duy có bậc Thánh nhân có thể làm được đến cùng điều đó, vậy có thể quy cả vào Thánh nhân được hay sao? Bởi vì (Ðạo) nguồn gốc ở Trời mà trọn vẹn cuối cùng ở Thánh nhân cho nên mới gọi là "nối Trời". Ðạo thể của Thánh nhân tất phải thực thi ở "dụng" (7) cho nên mới gọi là "xuất trị". Phục Hy vẽ Bát quái để thông tỏ thần minh, Thần Nông (9) làm ra cầy bừa để làm giầu dân sinh, đều là sự phát triển của đạo ấy cả. (Vua phê :"Khá đạt ý"). Ðến đời Hoàng Ðế, Nghiêu, Thuấn (10) thần đạo đã biến hóa, cùng dân thích nghi, có cái gì không phải là thực sự "nối Trời xuất trị"? Do đó đạo truyền đến đời Hạ Vũ (11) thì có luận thuyết "tinh nhất chấp trung" (12) đạo truyền đến đời Thang, Vũ (13) thì có cái ý "kiến trung lập cực" (14). Chính cái thuần khiết của đạo đã có từ lâu lắm vậy. Kinh Dịch nói :"Họ Phục Hy mất thì họ Thần Nông nổi lên, họ Thần Nông mất thì họ Hoàng Ðế nổi lên, họ Hoàng Ðế mất thì Ðế Nghiêu, Ðế Thuấn nổi lên". Hàn Tử (15) nói :"Nghiêu lấy đạo ấy truyền cho Thuấn, Thuấn lấy đạo ấy truyền cho Vũ, Thang, Văn, Võ" chính là nói về điều ấy. Ở vào thời đó, trên thì chính trị hưng thịnh, dưới thì phong tục thuần mỹ, Chính đạo thi hành ở đời như mặt trời mặt trăng trên trời, như vậy thì dị đoan ở đâu mà có?

Cho đến đời đức Khổng Tử đạo Thánh không thực hành được mới bắt đầu có cái lo "chuyên chủ vào dị đoan". Ðến thời Mạnh Tử (16), cách thời các thánh xa nên mới có những lời chống lại Dương Chu (17), Mặc Ðịch (18). Từ đời Hán về sau, đạo Thánh ngày một suy yếu mà thuyết Phật, Lão lại mạnh lên. Nhà Phật lấy sự tịch diệt làm cao, mở đầu từ Hán Minh Ðế (19) đã vào Trung quốc. Ðạo Lão coi trọng hư vô thì khởi đầu từ đời Hán mà thịnh lên từ đời Ðường, đời Tống. Từ đó, đời sau mới có thuyết tam giáo. Nhưng mà đạo Thánh là chính, Phật, Lão là tà, sao có thể đường hoàng cùng nhau thành ba đạo được? Những người đời sau không xét được chỗ đó mà còn ngờ vực, do đó người đối với trị đạo không được như xưa. Giáo lý đạo Lão gần như có lý mà lại rối loạn, như thế thì nó mê đời lừa dân, che lấp nhân nghĩa, quả là có vậy. Ðạo Thánh nhân có một vật ắt có một lý, tam cương, ngũ thường, tiết văn độ số, không gì không đầy đủ. Cái hại của Phật, Lão như thế đáng lẽ dân phải không tin mà ngược lại, lại cứ tin. Ðạo Thánh nhân như thế đáng lẽ dân phải chuộng mà lại ít chuộng. Sở dĩ như thế không có gì khác, chính là do đời suy đạo yếu mà ra cả. (Vua phê là đúng). Cho nên Chu Công (20) chết đi thì trăm đời sau không có người giỏi trị dân, Mạnh Tử mất đi thì ngàn năm sau không có bậc chân Nho. Vả lại đến đời Hán, Ðường tuy chuộng Nho nhưng chưa có khả năng làm sáng được đạo (Nho). Tống Nho tuy làm sáng đạo nhưng lại không vận hành được đạo, như vậy lòng dân sao lại không bị hãm vào đạo Phật, đạo Lão được?

Huống hồ thuyết lý nhà Phật, cái ý "kiến tính thành Phật" (21) của họ đã đủ làm mê lầm người có học thức; cái luận "thiện ác quả báo" của họ cũng đã đủ gây sợ hãi cho dân thường. Do đó lòng người dễ bị mê hoặc. Còn cái thuyết lý đạo Lão, cái nghĩa "huyền chi hựu huyền" (22) đủ để làm chuyện luận bàn, thuyết "thần tiên bất tử" lại đủ để dụ dỗ phàm nhân, do vậy lòng dân dễ bị hãm vào vòng đó. Bậc hùng tài như Hán Vũ Ðế (23) còn thích đạo sĩ, cầu thần tiên, bậc chuộng Nho thuật như Hán Minh Ðế còn sai sứ đi Tây Vực, như thế thì sao dân không ham mê Phật, Lão được? (Quan Ðộc quyển phụng phê là :"Nghị luận sắc bén"). Bài biểu can ngăn việc đón hài cốt Phật vừa dâng lên đã làm cho Ðường Hiến Tông cả giận, lấy ý "Trời có nói gì" can gián mà Tống Chân Tông không nghe. Như vậy thì sao dân lại không hâm mộ Phật, Lão? Còn đạo Thánh nhân như Trời, không biết nó thì không thể ham nó được, không ham nó thì không vui với nó được. Vì thế mà dân ít người có thể theo được đạo. Như thế không có gì khác, chính là đạo Thánh cùng với dị đoan tương phản nhau như âm với dương, như ngày với đêm, cái này thịnh thì cái kia suy, cái kia thịnh thì cái này suy, đó là cái lý tất nhiên! (Vua phê là đúng). Hàn Tử nói :"Không dừng thì không đi, không tắc thì không chẩy" chính là nói điều ấy.

THẦN CÚI ĐỌC SÁCH CỦA THÁNH THƯỢNG HỎI:

"Nhà nước ta thiết lập quan, phân chia chức, lớn nhỏ cùng mối, trong ngoài nối nhau. Giữ việc cơ mật có Nội Mật Việ ; trấn giữ các miền có Ngũ Ðạo Quan; xử kiện tụng có Ngũ Hình Viện; lo giám sát có Ngự Sử Ðài; nắm lễ nhạc có Lễ Nghi Viện; giáo dưỡng nhân tài có trường Quốc học, Lộ học; quản lý kho tàng và xây dựng có Nội Thị Sảnh; thi hành giáo hóa các nơi xa có các quan phủ, lộ, trấn, huyện; giữ gìn phép tắc coi sóc việc quân có quân quan các vệ. Phàm những chức việc đặt ra này đều là vì dân cả. Thế mà mọi công việc chưa sáng tỏ, hình ngục còn lạm, kỷ cương chưa gìn giữ, lễ nhạc chưa hưng thịnh, nhân tài chưa phát triển, của cải chưa phong phú, hàng hóa chưa lưu thông, đức trạch chưa nhuần thấm, quân dân còn oán thán, tệ xấu chưa trừ, việc tốt chưa thấy là cớ tại sao?"

Thần kính nghĩ :"Trời dựng Hoàng gia tìm người có đức. Ðức Thái Tổ Cao Hoàng Ðế ta (24) với thiên tư trí dũng Trời ban ở vào buổi khó khăn rối loạn, cứu muôn dân trong cảnh lầm than, dẹp chiến tranh khắp miền đất nước. Vào buổi đầu dựng nước, thiết lập quan chức, định rõ chế độ, lớn nhỏ nối nhau, trong ngoài một mối, tất cả là vì dân dựng nên. Nói rằng "việc xếp đặt quan lại cũng đều là vì dân mà làm" chính ở chỗ đó. Kế đó đức Thái Tông Văn Hoàng Ðế nối ngôi thì quan chế lại càng hoàn bị. Kinh Thi nói "Không thiếu không quên, đều làm như sách cũ". Kinh Dịch nói: "Bậc đại nhân kế sáng chiếu tỏa bốn phương" là nói về điều đó.

Nay Bệ hạ nối nghiệp tiền thánh, vận mở trung hưng, thường răn quần thần làm hết chức trách, thường muốn dùng người phải lấy công tâm, vỗ về rộng lớn để thành phong tục, làm sáng tỏ công lao chính là ở thời nay. Thế mà Bệ hạ còn lấy việc chưa thịnh trị làm lo, có thể thấy tấm lòng muốn thịnh trị và sự canh cánh cầu thịnh trị của Bệ hạ vậy. Tấm lòng Bệ hạ như vậy khiến thần tuy bất tài sao dám có sự dấu che?

Thần kính xét Kinh Thư nói: "Việc trị loạn tại các quan". Từ đó mà xem thì quan chức có được tu chỉnh hay không chẳng phải là rất quan hệ đến trị đạo hay sao? Thần trộm nghĩ thời nay, nếu cho rằng trăm quan đều không làm hết chức trách là không thể được. Vì sao lại nói như thế? Như Nội Mật Viện nắm các việc cơ mật, Bệ hạ đã giao cho Tể thần trông coi, lại chọn thêm văn thần để giữ việc, cố nhiên các vị này không có gì không làm nhưng trong số đó quả là không có sai sót hay sao?

Lại như Ngũ Ðạo Quan coi giữ các miền trong nước, Bệ hạ đã giao cho những người biết rõ đạo trị để giải quyết, lại chọn những người liêm khiết tài năng đễ giữ việc, những chức này cố nhiên đã chọn được người nhưng trong số đó quả hết thẩy đều là người tài giỏi chăng? Do đó cho nên các công việc chưa hoàn toàn sáng tỏ.

Ðến như việc hình luật, "hình" tức là "thành", và một khi đã "thành" thì không thể biến đổi. Như thế thì trọng trách của hình quan thế nào cũng có thể biết được. Nay những người giữ việc ngũ hình (25) cố nhiên đã có người tài nhưng đã quả là ai cũng giỏi như các ông Thích Chi, Ðịnh Quốc đời trước chưa? Trên núi có mãnh thú thì không ai còn dám hái rau, triều đình có quan lại chính trực tất gian tà không thể nổi lên, như thế thì trọng trách của các gián quan thế nào cũng có thể biết được. Nay những người làm việc ở Ðài Hiến cũng có những người cương trực hiền tài nhưng đã quả là ai cũng tài giỏi như các bậc hiền Trương Cương, Phạm Bàng đời trước chưa? Như thế thì việc kỷ cương chưa được thi hành cũng không dám bảo đảm là không có.

Phàm việc yên triều đình, trị muôn dân không gì trước hơn lễ, thay đổi phong tục không gì trước hơn nhạc. Việc nắm giữ lễ nhạc của bản triều thẩy quy tụ về Lễ Nghi Viện. Lễ nhạc dùng ở triều đình đã rất tốt đẹp nhưng đáng tiếc là vẫn chưa thấu xuống tận dân quê. Việc giáo hóa thi hành thì phong tục tốt đẹp, đạo Thầy được đề cao tất người thiện mới nhiều, như thế thì giáo chức có quan hệ với trị đạo rất to lớn. Trách nhiệm giáo dục nhân tài của bản triều là ở các trường Quốc học, lộ học. Việc dậy văn nghệ đã có phép tắc nhưng cái đáng lo là chưa dậy cho thấu đáo về đức hạnh mà thôi.

Còn như của cải chưa phong phú là do chính sách tốt chưa làm trọn vẹn, hàng hóa chưa lưu thông chính bới cấm lệnh chưa được triệt để thi hành, há chỉ là trách nhiệm của riêng Nội Thị Sảnh hay sao?

Thần nghe các bậc tiên nho nói rằng :"Các quan thú lệnh (quan địa phương) chính là người thầy, là vị tướng soái của dân để vâng mệnh giáo hóa các nơi". Các quan thú lệnh có tài đức hay không rất quan hệ đến sự sướng khổ của dân, do đó dùng người làm thú lệnh không thể không chọn người tài giỏi. Thần trộm thấy thời nay các quan ở phủ, lộ, trấn, huyện, người làm hết chức trách thì ít, kẻ làm không hết chức trách thì nhiều, cho việc giáo hóa là thế nào? Nói những điều nói chỉ là những việc ngọn như xử kiện, thúc thuế. Cho việc di dân là thế nào? Làm những việc làm chỉ trong chuyện sổ sách, hội họp? Con hiếu cháu hiền, nghĩa phu, tiết phụ là những người đáng được triều đình khen ngợi mà các quan đề bạt kể được mấy người? Góa vợ góa chồng, không con không cha là những người không thể tự sinh tồn, triều đình rất là thương xót mà các quan tâu lên chẳng được là bao! Những người nắm giữ việc này chưa mấy ai làm tròn trách nhiệm.

Thần lại nghe Kinh Dịch nói: "Quẻ sư, chính đáng, bậc lão thành thì tốt", lại nói: "Người cầm đầu ra quân tất phải nắm được quy luật cuộc chiến", cho nên không thể không chọn người tài giỏi. Thần lại nghe: "Lúc này những người nắm quyền binh, xứng đáng với chức vụ thì ít, không xứng đáng với chức vụ thì nhiều". Tiếng là võ quan mà thông thạo vũ lược được mấy người? Chức là cầm quân mà am hiểu tình quân được là bao? Vơ vét là việc triều đình nghiêm cấm mà vẫn lấy lạm của quân như thế; vỗ về thương xót lê dân là bản ý của triều đình mà vẫn coi thường cấm lệnh, hoành hành bạo ngược như thế, do đó mà chức trách kẻ cầm quân vẫn chưa làm trọn. Như vậy thì đức hạnh của Bề trên vẫn chưa thấm nhuần xuống dưới, quân tình cón oán thán, há có thể không có chuyện đó hay sao? Do vậy mà tệ xấu chưa được trừ mà hiệu quả tốt vẫn chưa thấy được.

THẦN CÚI ĐỌC SÁCH CHẾ CỦA THÁNH THƯỢNG HỎI:

"Ðiều trọng yếu để thịnh trị không ngoài sự làm sáng đạo Thánh, chính nhân tâm, trừ dị đoan, bỏ tệ xấu, làm việc tốt. Có hiệu quả như thế tất phải có chước thuật của nó.

Sĩ đại phu bác cổ thông kim, hãy viết rõ ra, Trẫm sẽ đích thân xem xét".

Ôi, lời Bệ hạ như thế không chỉ là điều may mắn cho Chính đạo mà cũng là điều may mắn lớn cho thiên hạ. Ðạo Thánh không thể không sáng tỏ nhân tâm, không thể không chính đáng, mà tà thuyết ắt phải tẩy trừ, đó là điều trọng yếu của thịnh trị. Như vậy sự sáng tỏ đạo Thánh là gốc của sự chính đáng nhân tâm, trừ bỏ tà thuyết. Nếu như có thể "xem xét ở nhân văn để giáo hóa tác thành cho thiên hạ" thì cái sáng của đạo Thánh chính ở chỗ đó. Ðạo Thánh đã sáng tỏ thì cái lý đương nhiên người ta sẽ biết rõ. Nhân tâm đã chính đáng thì sự sai trái như thế người ta ắt phân biệt được, còn lo gì đạo Phật, đạo Lão làm hại? Hàn Tử nói: "Phải bắt người của chúng (Phật, Lão) hoàn tục, đốt sách của chúng đi, biến chùa quán của chúng thành nhà ở, làm sáng tỏ đạo Tiên vương để dẫn dắt chúng". Mạnh Tử nói: "Người quân tử phải trở lại đường chính, đường chính đã sùng tất dân sẽ hưng thịnh, dân đã hưng thịnh thì không có gian tà" chính là nói về điều ấy. Ðến ngay các quan cai trị không thể không thâu tóm, các tệ xấu không thể không sửa đổi, việc tốt phải làm, đều là những phương sách trị nước vậy. Mà việc thâu tóm các quan lại chính là cái gốc để đổi cải tệ xấu, làm điều tốt. Nếu như có thể khảo xét thành tích để thăng chức cho người tài giỏi, giáng chức kẻ tối tăm thì việc thâu tóm các quan chính là như vậy. Ðể nắm chắc các quan tất chính sự không sai lầm mà tệ xấu không gì không được sửa đổi. Tệ xấu sửa đổi tất dân được hưởng phúc trạch mà điều tốt không gì không được làm. Kinh Thư có nói: "Kính cẩn chức quan của ngươi, sắp đặt chính sự của ngươi, muôn đời tốt đẹp cho dân, muôn nơi không khổ cực" quả nói về điều ấy chăng? Phương sách trị nước vốn là như thế nhưng tìm cái gốc của việc ấy chính là ở chỗ Bệ hạ cùng triều thần phải "đồng tâm nhất thể" để đạt được như vậy ? (Vua phê: "Việc trị thiên hạ không vượt ra câu này"). Kinh Dịch nói: "Trời đất hòa hợp thì vạn vật hanh thông, trên dưới hòa hợp thì chí của họ đồng" đó là nói về "đồng tâm". Kinh Thư nói: "Ðầu óc sáng suốt, chân tay nhanh nhẹn, mọi việc tốt đẹp" đó là nói về "nhất thể". Thần mong rằng trên thì Bệ hạ, dưới thì triều thần, trên dưới hòa hợp tất cũng một lòng như Kinh Dịch nói, đầu óc chân tay tất cùng một thể như Kinh Thư nói. Vua biết rõ chức trách làm vua thì khó, bề tôi biết rõ trách nhiệm làm bề tôi là khó thì chính sự sẽ được sửa sang, muôn dân đều thấm nhuần đạo đức. Ðược như thế thì làm gì phải lo việc chính đáng nhân tâm, sáng tỏ đạo Thánh, trừ bỏ dị đoan không có cách, làm gì phải lo việc nắm các quan cai trị, sửa đổi tệ xấu, làm việc tốt không có đường?

Kiến giải của thần như thế, thần không biết viển vông trong lời ấy, cũng không biết ngông cuồng trong lời ấy. Nhưng lời của kẻ ngông cuồng cũng có khi Thánh nhân chọn lựa. Thần cúi mong Bệ Hạ điều nào có thể chọn được mà chọn thì kẻ hạ thần vô cùng may mắn.

Thần kính cẩn dâng lời đối sách".

III. TÍNH THỜI SỰ TRONG BÀI VĂN SÁCH CỦA LƯƠNG THẾ VINH

Có thể có người đọc qua, nhận xét rằng Lương Thế Vinh "vùi dập" đạo Phật, đạo Lão, gọi đó là "tà đạo, dị đoan, gây rối loạn xã hội, mê hoặc lòng người"... chỉ để đề cao Nho giáo. Nhưng phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể thì mới hiểu chính xác được, hơn nữa đề ra đã chỉ định rõ, không thể làm ngược lại được.

Tựu chung lại, nói nôm na theo cách hiểu hiện nay, nội dung đề và bài đối nói 2 vấn đề chính: Tìm nguyên nhân nền tảng tư tưởng của chế độ (mà Triều đình cho là tốt nhất), nhưng lại không được dân chúng "chuộng"; Bộ máy chính quyền được sắp đặt quy củ, đầy đủ, tại sao hoạt động chưa hiệu quả?

Về nền tảng tư tưởng, bất cứ một chính quyền nào cũng phải có một nền móng tư tưởng xuyên suốt, vừa bảo đảm sự chính danh của mình, từ đó mới mạnh được, vừa là định hướng để xây dựng, ban bố, thi hành các chính sách đúng hướng. Nhưng thực tế, không có hệ tư tưởng nào dung hòa được toàn bộ xã hội vì mâu thuẫn xã hội luôn song hành với tồn tại xã hội, bắt buộc phải có sự cai trị "cưỡng chế" với bộ phận nào đó. Khi mới lập quốc, để cố kết lòng dân, Nhà Lý, sau đó là Nhà Trần, tuy học theo mô hình chính quyền của Trung Hoa, nhưng lại hướng nhiều đến "đức trị", phải dựa nhiều vào hệ tư tưởng của Phật giáo. Khi xã hội phát triển, nhu cầu tất yếu để xây dựng chính quyền mạnh là nền "pháp trị". Để có được điều này, mô hình lúc đó của Nhà Lê chỉ có thể là dựa trên nền tảng lý luận của Nho Giáo. Căn bệnh của bất cứ thể chế theo hệ tư tưởng nào cũng đều là sự suy thoái về tư tưởng, suy thoái càng nặng tức đi càng sai định hướng thì bộ máy hoạt động càng kém hiệu quả.

Lương Thế Vinh đã giải quyết rốt ráo, xác đáng những nội dung trên, lồng vào đó cả những ý phản biện khéo léo, nhẹ nhàng với chính một số khẳng định trong đề đưa ra. Tác động của bài văn sách là rõ ràng, khiến Vua đọc xong "lòng bứt rứt không yên". Phân tích dài, và có thể còn làm sai ý tiền nhân do không đủ hiểu hết, nhưng cá nhân tôi cảm nhận có những ý có tính thời sự đúng với hiện tình đất nước nay:

- Lý thuyết dù tốt đẹp đến đâu, nhưng người thực hiện không nghiêm, nhất là người đứng đầu không tin theo thì không thể bắt quần chúng tin theo được. Người ta sẽ tự đi tìm một tư tưởng khác cho riêng mình khi mất lòng tin vào chính thống.

- Không thể áp đặt tư tưởng cho người khác khi không tích cực giáo dục họ, giáo dục là giáo hóa, để cho mọi người hiểu đúng, tự giác tin theo, vì "không biết nó thì không thể ham nó được, không ham nó thì không vui với nó được".

- Chính quyền phải là chính quyền do dân và vì dân, không phải là chính quyền do chính quyền và vì chính quyền.

- Chính quyền đông không phải là chính quyền mạnh. Chính quyền mạnh là chính quyền có các quan chức tận tâm với công việc. Việc bổ dụng, giám sát thực hiện (công tác cán bộ) vô cùng quan trọng. Đất nước yếu là do việc tuyển chọn, giáo dục, xử lý quan chức sai phạm làm chưa tốt "loạn hay không loạn là do các quan mà ra".

- Duy trì kỷ cương (xây dựng và thực thi pháp luật) phải thật nghiêm, song song với đó là phải coi trọng giáo dục và văn hóa, giáo dục phải trọng giáo dục về đức hạnh.

- Kinh tế muốn phát triển thì hàng hóa phải lưu thông, chính sách phải công bằng và thông thoáng (giá như chính quyền ta coi nội dung này là bài học từ sớm!).

- Sức mạnh của đất nước nằm ở sự đoàn kết. Muốn đoàn kết thì từ Vua đến Quan đều phải nêu gương, có tinh thần trách nhiệm cao với vị trí của mình, không vụ lợi cá nhân, luôn quan tâm đến những vấn đề nhỏ nhất của nhân dân.

......

Phải nói đọc bài văn sách, thấy Lương Thế Vinh là người thẳng thắn và rất dũng cảm, có lẽ trong lịch sử Khoa cử, chỉ có ông mới là thí sinh dám nhận xét về cách cai trị của Vua đương nhiệm, không chỉ ca tụng như những Nho sinh khác mà đã chỉ ra những điểm yếu, thiếu sót và khuyên "Vua cũng phải sửa mình". Cũng rất ngạc nhiên từ thời ấy, Lương Thế Vinh đã có tư tưởng về một nhà nước do dân, vì dân (quan điểm "dân vi quý" là của Nho giáo, đề cũng đã nói đến "vì dân", nhưng "do dân" mới thấy từ Lương Thế Vinh), cũng như về việc xây dựng nền pháp trị, xã hội công bằng, vấn đề lưu thông hàng hóa ... Nhớ rằng, thời gian trị vì của Lê Thánh Tông (1460 - 1497) là một giai đoạn cực ký cường thịnh của Đại Việt cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục đến quân sự ... mà đối chiếu thì thấy có nhiều chính sách được đưa ra thi hành hệt như trong bài văn sách của Lương Thế Vinh.

(Nguồn đề và bài đối: Văn sách thi đình Thăng Long – Hà Nội - Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh - NXB Hà Nội)

_________

1- Tam cương : đạo vua tôi, cha con, vợ chồng.

2- Ngũ thường : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

3- Tiết văn độ số (chú giải của GS Nguyễn Khuê): Có thể hiểu hai cách : 1) Chia các hiện tượng trên trời ra từng phần mà tính số độ; 2) Tiết giảm văn vẻ bề ngoài để giữ đúng tước vị của mình.

4- "Hỏi người hái rau, kiếm củi": Kinh Thi, "Ðại Nhã".

5- Nhất âm nhất dương là đạo tồn tại trong trời đất: Khởi điểm của tạo hóa là do âm dương tương đối mà đạo Trời cũng khởi đầu bởi sự biến hóa của hai cái tương đối ấy: Âm thịnh thì dương suy, âm suy thì dương thịnh, theo liền nhau, tương đối, tương điều hòa với nhau để biến hóa mà sinh ra trời đất, vạn vật.

6- "Nối đạo là thiện, thành đạo là tính" là đạo hòa vào người vào vật: Quan niệm của Nho giáo: Ðạo là theo thiên lý, thiên lý với bản tính con người vốn là một. Ðạo cốt để sửa cái tính của người cho hợp với thiên lý. Ðạo của Khổng Tử lấy hai chữ chí thiện làm cực điểm của đạo nhất thể, chí thiện là nhân, chủ lấy thiên lý làm gốc, dùng hiếu đễ, lễ, nhạc khiến người ta tiến lên bậc nhân.

Ở đời ai cũng như ai, cũng có cái tính do Trời phú cho (cái sáng để hiểu biết) rồi vì tập quán mỗi người một khác trừ những bậc thượng trí đã hoàn toàn không phải thay đổi, hay kẻ hạ ngu dẫu dậy thế nào cũng không trở nên hay được. Bậc trung nhân thì tùy cái giáo dục, tập quán mà thành hay hay dở. Tập từ lúc nhỏ, quen đi, thành cũng như thiên tính tự nhiên bẩm thụ của Trời đất. Cho nên trong đạo Nho, giáo hóa rất quan trọng.

7- Ðạo phải thực thi ở dụng: nghe được điều thiện thì phải đem ra thi hành, nuôi cái đức của mình mới là thành thực, chỉ nghe rồi lập lại ở cửa miệng, không thực thi thì học cũng như không.

8- Phục Hy (4486-4365) : Thời Phục Hy có con long mã từ sông Hoàng hà nổi lên, lưng có những hàng chấm như bức hình. Vua cho là điềm lành, phỏng theo chép thành Hà Ðồ, vạch ra Bát quái (8 quẻ) tượng trưng cho thiên hạ thái bình.

9- Thần Nông (trước Nghiêu, Thuấn) hiệu Viêm đế, dậy dân cầy ruộng, chợ búa, lại nếm cỏ làm thuốc.

10- Hoàng Ðế : tên Hiên Viên, là vua đầu tiên ở Trung quốc, giết xong Xuy Vưu bạo ngược, được các thủ lĩnh tôn làm Cộng chủ, gọi là Hoàng Ðế. Vua đặt ra y phục, cung thất, xe thuyền, phân biệt trên dưới. Bắt đầu chế độ phong kiến, tam cương.

11- Ðại Vũ - Hạ Vũ : Vũ là con Cổn, có công trừ nạn hồng thủy, được vua Thuấn nhường ngôi, lập ra nhà Hạ, đặt ra Hồng Phạm Cửu Trù tức 9 loại khuôn phép (hồng phạm = khuôn phép)

12- Tinh nhất chấp trun : Kinh Thư, thiên "Ðại vũ mô" nói "duy tinh duy nhất doãn chấp quyết trung" nghĩa là "Xét cho tinh, giữ một mực, tin giữ đạo Trung dung, không thái quá, không bất cập" (GS Nguyễn Khuê).

13- Thang, Vũ : Thành Thang phế vua Kiệt nhà Hạ, lập ra nhà Thương ; Vũ Vương diệt vua Trụ nhà Thương, lập ra nhà Chu.

14- Kiến trung lập cực : đứng ở mức trung dung (không thái quá, không bất cập) mà đặt ra các chuẩn mực (GS Nguyễn Khuê).

15- Hàn Tử : có lẽ là Hàn Dũ người đất Xương-lê, đỗ Tiến sĩ, hết sức chống dị đoan, can ngăn Ðường Hiến Tông đón xương Phật, vì cương trực nên bị biếm chức nhiều lần.

16- Mạnh Tử tên Kha, học trò Tử Tư (tức Khổng Cấp, cháu nội Khổng Tử), được tôn làm Á Thánh của đạo Nho.

17- Dương Chu tức Dương Tử, đề cao thuyết cá nhân vị kỷ, bác thuyết nhân nghĩa của đạo Nho, cho là nhân nghĩa chưa chắc lợi cho ai mà hại cho đời sống riêng mình, hi sinh là nguồn gốc của rối loạn, bỏ nhân nghĩa đi thì thiên hạ sẽ bình trị.

18- Mặc Ðịch cũng gọi là Mặc Tử. Mặc học có hai điểm chính là "Kiêm ái" (yêu mọi người) và "Thượng đồng" (người trên cho là phải thì người dưới cũng nhận là phải).

19- Hán Minh Ðế nằm mê thấy kim nhân, tỉnh dậy bảo quần thần đoán mộng. Bác Nghị đoán là Phật, vua bèn sai Thái Âm, Cảnh Hiến đi Tây vực cầu đạo. Thái Âm đem về hai vị Sa môn, 42 chương kinh do ngựa trắng chở về.

20- Chu Công Ðán, con Văn Vương, em Vũ Vương, có công sửa sang chính sự nhà Chu.

21- Kiến tính thành Phật : Theo Ðạt Ma Ngộ Tính Luận :"Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật" và Huyết mạch luận: "Nhược dục kiến Phật, tu thị kiến tính, tính tức thị Phật": nếu muốn thấy Phật tất phải thấy rõ tâm tính mình. Tính tức là Phật.

22- Huyền chi hựu huyền: Lão Tử, Ðạo Ðức Kinh, "Ðồng vị chi huyền, huyền chi hựu huyền": không thể phân biệt được giữa cái "Vô" và cái "Hữu" vì nó đã "đồng với nhau" về phẩm cũng như về sự hiện hữu. Cái "huyền" rồi lại "huyền hơn nữa" đó là chỗ vào ra, biến hóa của vạn vật trong vũ trụ.

23- Hán Vũ Ðế ngưỡng mộ đạo Phật, xây nhiều chùa tháp, sau bị cận thần Hầu Cảnh làm loạn, vây cung cấm khiến chết đói ở Ðài-thành.

24- Tức Lê Lợi.

25- Ngũ hình = 5 hình phạt là kinh (trổ chữ lên mặt), tỵ (cắt mũi), phỉ (chặt chân), cung (thiến), đại tích (chém đầu).

Nguồn : Lương Đức Minh Đăng - HỌ LƯƠNG VIỆT NAM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét