XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

NẰM GAI NẾM MẬT


CHUYỆN CHỮ NGHĨA: NẰM GAI NẾM MẬT

“Đau lòng nhức óc, chốc đã mười mấy năm trời;
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối”
(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)

“Nằm gai nếm mật chung nỗi ân ưu;
Mở suối bắc cầu riêng phần lao khổ"
(Văn tế trận vong tướng sĩ – Tiền quân Nguyễn Văn Thành)

“Nằm gai nếm mật” là dịch từ thành ngữ “ngọa tân thường đảm” 臥薪嘗膽. Nhắc tới thành ngữ này, các từ điển đều cho đó là điển tích Việt vương Câu Tiễn sau khi thoát về nước Việt đã bỏ nệm êm để nằm cỏ gai, lại treo túi mật đầu giường đặng nếm, tự nhắc mình những đau khổ tủi nhục khi phải làm con tin của Ngô.

Sự tích xảy ra vào thời Xuân Thu, nhưng kinh sách thời đó lại không thấy đả động đến tích này. Cụ thể, trong “Quốc ngữ”, bộ sử tối cổ của Trung Hoa chép sử các nước thời Xuân Thu, ở cả hai phần “”Việt ngữ” và “Ngô ngữ”, cũng như sách “Tả truyện” với hai thiên “Định công” và “Ai công” đều có tường thuật chi tiết về cuộc đời Câu Tiễn, nhưng không nhắc gì đến vụ nằm gai nếm mật.

Sau này, có Tư Mã Thiên đời Hán (trong “Việt sử Câu Tiễn thế gia” – Sử ký)[1], và Triệu Diệp đời Đông Hán (trong “Ngô Việt Xuân Thu”) là hai nhà đầu tiên đưa tích Câu Tiễn “nếm mật” vào, nhưng cũng không thấy đề cập việc “nằm gai”.

Mãi đến thời Đường, người ta mới thấy Đỗ Phủ có câu thơ: “Chẩm qua ức Câu Tiễn” 枕戈憶勾踐 (gối đầu lên cái mác nhớ đến Câu Tiễn). Qua Bắc Tống, mới thêm học giả Lý Cương nhắc chuyện Câu Tiễn treo túi mật lên để nếm và dùng lưỡi mác để gối đầu. Có thể khẳng định rằng: từ Xuân Thu kéo dài cho đến đời Lưỡng Hán, đều không thấy xuất hiện câu “nằm gai nếm mật”.

Người sáng tạo ra thành ngữ nếm mật nằm gai “ngọa tân thường đảm” chính là Tô Thức đời Bắc Tống, văn gia này cực kỳ hâm mộ Tôn Quyền thời Tam quốc, nên đã thác lời Tôn Quyền để viết bức thư gửi Tào Tháo (“Nghĩ Tôn Quyền đáp Tào Tháo thư”), và nhân vật nằm gai nếm mật ở đây là Tôn Quyền, chứ không dính dáng gì đến Câu Tiễn.

Thế rồi, qua đến đời Nam Tống, bọn quan lại học giả như Tăng Khai, Chân Đức Tú, Hoàng Chấn, vì mối nhục mất nửa giang san vào tay quân Kim, nên thường mượn hình ảnh Câu Tiễn để kích động Tống Cao tông và quần thần khôi phục quốc thổ, và đồng thời họ cũng mượn luôn chữ dùng của Tô Đông Pha, “nếm mật nằm gai”, để gán ghép vào sự tích Câu Tiễn.

Đến đời Thanh, niên hiệu Càn Long, học giả Thái Nguyên khi phụng chỉ hiệu đính bộ “Đông Chu liệt quốc chí” đã chính thức gán tích nằm gai nếm mật cho Câu Tiễn, vậy là định hình cho một điển tích hư cấu.

Kể chơi cho vui, chứ không chỉ người Việt, mà chính dân Tàu hiện nay cũng đều tin thành ngữ nằm gai nếm mật là gắn với Việt vương Câu Tiễn; nhưng chắc chẳng ai tin chuyện đó có thật. Thiết nghĩ, Câu Tiễn nếu thực tâm muốn rửa mối tư thù kiêm quốc hận thì phải lo tẩm bổ mình vàng, ăn đúng bữa ngủ đẫy giấc, thì mới có được sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ đảng giao, hầu cống hiến nhân dân, phục vụ tổ quốc. Có đâu cái thứ tự hành hạ đày ải mình cả từng miếng ăn giấc ngủ, lãnh tụ mà để sức khỏe hao mòn thì thiệt là đại tội với dân với nước lắm thay. Vinh thân phì gia mới là tôn chỉ nên theo, chứ còn nếm mật nằm gai thì thiệt là phản động xuẩn ngốc quá đi mà!
_______


[1] Nguyên văn: 越王勾踐返國,乃苦身焦思,置膽於坐,坐臥即仰膽,飲食亦嘗膽也。(Việt vương Câu Tiễn về nước, bèn đày thân khổ ải, treo túi mật chỗ nằm, mỗi khi ăn uống lại nếm túi mật).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét