XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

BÀI TỪ “LÂM GIANG TIÊN” CỦA DƯƠNG THẬN


“CỔN CỔN TRƯỜNG GIANG ĐÔNG THỆ THỦY”
“Cuồn cuộn về Đông sông chảy mãi” là câu mở đầu một trường bi hoan thành bại tang thương của bộ “Tam quốc diễn nghĩa”. Đây là lời bài từ theo điệu “Lâm giang tiên” của Dương Thận đời Minh. Người ta thường cho rằng nhờ được Mao Tôn Cương đặt làm mở đầu cho “Tam quốc diễn nghĩa” mà bài từ này trở nên nổi tiếng; phần tôi, thỉnh thoảng lôi ra ngâm nga, lại thấy chính nhờ bài từ mà giá trị tư tưởng của “Tam quốc diễn nghĩa” mới được tăng thêm bội phần.


TAM QUỐC CHÍ DIỄN NGHĨA
“Tam quốc chí diễn nghĩa” là công trình văn học do La Quán Trung “tập đại thành” từ những giai thoại trong dân gian để soạn nên. Thời xưa, ở Trung Hoa có hẳn một nghề kể chuyện. Những nghệ nhân này hành nghề nơi trà đình tửu điếm. Các gánh hát cũng hay mời những người kể chuyện này để lấp thời gian giữa các màn. Người kể chuyện nào có vốn liếng còn dựng luôn rạp riêng để tự bán vé.
Cuộc tao loạn Tam quốc là giai đoạn bi thương nhất của Trung Hoa thời cổ đại. Chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn lãnh chúa khiến đất nước tan hoang, nhiều thành trì bị công phá, thậm chí có những thôn trấn bị xóa sổ hoàn toàn. Các công trình khảo cứu cho thấy những tai ương kinh hoàng do loạn Tam quốc gây ra: Dân Từ Châu vì kháng lệnh trưng binh của Tào Tháo mà bị giết hơn 10 vạn nam nữ, không tha cả gà chó, xóa sổ 5 huyện thành, xác người khiến Tứ Thủy nghẹn dòng không chảy nổi; đất Quan Trung 10 vạn hộ dân bị Lý Thôi xua quân đánh cướp một trận tan hoang, hai năm sau vẫn chưa thể khôi phục; Ích Châu, Kinh Châu, Dương Châu bị Lưu Biểu, Tôn Sách càn quét mà dân số thưa hẳn. Người người ra trận nên đồng ruộng không ai cày cấy, nạn đói hoành hành. Kèm theo đó là dịch bệnh, người chết nhiều quá, người sống chôn không xuể, chỉ vùi lấp qua loa khiến ôn dịch nở rộ, nhiều làng mạc bị chết sạch. Theo thống kê thời Đông Hán, vào năm Vĩnh Thọ thứ 3 (157), cả nước có 56.476.856 nhân khẩu; đến khi Tây Tấn nhất thống giang sơn (280), thống kê chỉ còn 16.163.863 người, không bằng 1/3 so với trước kia!
Cuộc chiến kinh hồn đó đã lưu dấu hằn sâu trong dân gian, tạo nên nhiều giai thoại truyền đến ngàn sau. Các nghệ nhân diễn nghĩa, bằng nghệ thuật kể chuyện lên bổng xuống trầm theo nhịp đàn sáo đã lưu giữ và phổ biến những giai thoại ấy. Giai thoại Tam quốc cũng đi vào văn học và sân khấu, từ thời Tống Nguyên đã xuất hiện nhiều vở diễn “Lữ Bố hý Điêu Thuyền”, “Đào viên kết nghĩa”, “Tam cố thảo lư”… Mỗi nhà một vẻ, tùy thị hiếu, tình cảm, tập tục mỗi nơi mỗi thời mà câu chuyện được thêm bớt cho sống động mặn mòi. La Quán Trung (1280-1360) đã dựa theo bộ sử “Tam quốc chí” của Trần Thọ để xâu chuỗi, liên kết các chuyện kể và tuồng tích đó lại, soạn nên bộ “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa”; có thể nói “Tam quốc diễn nghĩa” là công trình sáng tác tập thể của hàng trăm người, và phải trải ngàn năm mới thành.
Bộ “Tam quốc diễn nghĩa” ra đời khoảng 1436-1456, được nhiều nhà phê bình. Trong số đó đáng chú ý có bản của Lý Trác Ngô đời Minh, và của Lý Lạp Ông đời Thanh, nhưng tác phẩm vẫn còn nhiều lộn xộn và thiếu mạch lạc, nhất quán. Bản “Tam quốc diễn nghĩa” được xem là hoàn chỉnh, giá trị nhất, là bản do Mao Tôn Cương phê bình, nhuận sắc vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Cương đã có công sắp xếp lại bố cục, chỉnh lý văn chương. Và Mao Tôn Cương đã chọn bài từ của danh gia Dương Thận đời Minh để mở màn cho bộ “Tam quốc diễn nghĩa” do mình san định[1].
BÀI TỪ “LÂM GIANG TIÊN” CỦA DƯƠNG THẬN
“Từ” là thể loại thi ca hình thành vào thời Sơ Đường, thịnh hành vào thời Tống. “Từ” có số chữ không bắt buộc. Tuy cũng phối hợp chặt chẽ với âm nhạc nhưng “từ” khác “nhạc phủ” ở chỗ cách luật nghiêm nhặt hơn. Có gần 900 từ điệu để diễn tả các tình tự khác nhau của nội tâm.
Dương Thận (1488-1559), là bậc danh gia, đứng đầu “Tam đại tài tử” đời Minh[2]. Thông minh từ nhỏ. 11 tuổi biết làm thơ. 12 tuổi viết “Cổ chiến trường văn”, “Quá Tần luận” khiến ai đọc đến cũng phải kinh ngạc. Sau, ông lên kinh lại làm chùm thơ “Hoàng diệp”, nổi tiếng khắp kinh thành. 23 tuổi (1511) đỗ trạng nguyên, được phong Hàn lâm viện Tu soạn. Tính tình cương trực khẳng khái, Thận nhiều lần lên tiếng can gián nhà vua. Năm 1524, ông đắc tội với Minh Thế tôn, bị phát phối sung quân Vân Nam. Ông sống luôn ở đấy 30 năm cho đến khi mất. Tác phẩm Dương Thận để lại khoảng 2.300 bài thơ và từ, nội dung phần lớn là nỗi nhớ về đất Thục.
Bài từ theo điệu “Lâm giang tiên” của ông vốn trong tập từ vịnh sử “Nhập nhất sử đàn từ”, ở chương 3 “Thuyết Tần Hán”. Trên đường sung quân, khi được giải tới Hồ Bắc, Giang Lăng (còn gọi Kinh Châu). Tình cờ gặp hai kẻ ngư dân và tiều phu nướng cá uống rượu bên sông, cười nói chuyện thế gian, Thận cảm khái viết luôn bài từ này trong lúc vẫn mang gông xích trên người.

“臨江仙”楊慎 LÂM GIANG TIÊN – DƯƠNG THẬN
滾滾長江東逝水,Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
浪花淘盡英雄。Lãng hoa đào tận anh hùng.
是非成敗轉頭空。Thị phi thành bại chuyển đầu không.
青山依舊在,Thanh sơn y cựu tại,
幾度夕陽紅。Kỷ độ tịch dương hồng.
白髮漁樵江渚上,Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
慣看秋月春風。Quán khan thu nguyệt xuân phong.
一壺濁酒喜相逢。Nhất hồ trọc tửu hỷ tương phùng.
古今多少事,Cổ kim đa thiểu sự,
都付笑談中。Đô phó tiếu đàm trung.

Bản dịch của Phan Kế Bính:
Trường giang cuồn cuộn chảy về đông,
Sóng vùi dập hết anh hùng.
Được, thua, phải, trái thoắt thành không.
Non xanh nguyên vẹn cũ,
Mấy độ bóng tà hồng?
Bạn đầu bạc ngư tiều trên bãi,
Đã quen nhìn thu nguyệt xuân phong.
Một bầu rượu vui vẻ tương phùng.
Xưa nay bao nhiêu việc,
Phó mặc nói cười suông.

Bài từ này mượn cơn hưng phế của các triều đại lịch sử để cảm khái những thăng trầm trong kiếp nhân sinh, ý tứ đã hàm súc u uẩn mà lồng lộng sảng khoái, vừa cao ngạo lại thâm trầm.
Toàn bài có giọng khẳng khái bi tráng riêng, ý vị lan xa như sóng Trường Giang vạn dặm khôn cùng, khiến người đọc không khỏi bồi hồi dấy lên đủ thứ cảm xúc vui buồn xen kẽ.
Lạ lắm, lần nào đọc bài này tôi cũng nghe ấm nóng trên mi mắt, rớm lệ vì cái mong manh của kiếp người, nhưng lòng lại thanh thản trong niềm vui đạm bạc, như chiếc thuyền con sau gió dập sóng dồi bỗng tìm được bến bãi bình yên neo đậu xả hơi. Vững hồn trong bến lặng, đưa mắt ra ngó cuồn cuộn đổi thay vô tình của lịch sử cũng như bao ba đào mỏi mê của mình trước đó, lòng thấy vui vui, khó nén nổi nụ cười hú vía.
Giữa bức tranh vân cẩu của cuộc tang thương, nổi bật lên hình ảnh mái đầu bạc phơ của đôi bạn ngư tiều nhàn nhã khề khà chuyện gió mát trăng trong, bãi lặng bình yên thành chốn tạm dừng chân lấy sức để rồi sau đó lại lê tiếp kiếp người lủi thủi giữa trần ai. Một bầu rượu đục mà thanh thản trong veo ý vị. Thế sự vô thường, ngàn năm công nghiệp đáng mẹ chi đâu mà phải bận lòng, hãy cứ thả hồn phiêu linh trên bọt sóng mà cười mơn bọt rượu. Ái chà chà, mệnh quan đại thần hay điêu dân tiểu tử thì bất quá cũng chỉ một chớp mắt thôi, ăn thua chỗ mình có chịu chơi tới bến hay không vậy mà. Nhìn đi, Sông Cái gầm gào muôn ngàn bọt sóng cuống cuồng, bao nhiêu nhân vật anh hùng rốt lại cũng đua nhau tan biến mất tiêu vậy đó chứ đâu!
Nhưng nếu chỉ đơn thuần một tư tưởng bi quan yếm thế thì bài từ này đã không sống nổi với thời gian. Hãy nghe kìa, giữa cô đơn lạc lõng trong biến thiên của lịch sử “Được, thua, phải, trái thoắt thành không” lại bật lên câu hỏi: “Mấy độ bóng tà hồng?” Trong nguội lạnh tưởng tàn tro vẫn bùng lên ngọn lửa; nghỉ ngơi lại sức rồi tiếp tục giong buồm ra đón sóng thôi, thử coi sóng cả ngoài kia có dìm nổi mặt trời lên. “Non xanh nguyên vẹn cũ” là cái “tĩnh” bất biến vĩnh hằng, “Mấy độ bóng tà hồng” lại là cái “động” để hòa theo nhịp điệu bi hoan của vô thường. Đã đành “Xưa nay bao nhiêu việc”, đủ thứ được thua phải trái chẳng tài nào đoán liệu được, thì thây kệ đừng làm mọi sự thêm phức tạp, hãy nhẹ nhàng “Phó mặc nói cười suông” mà đón nhận vậy.
Bài dịch của Phan Kế Bính tuy theo sát và giữ được cái hồn của Dương Thận nhất, nhưng phải đọc trên nguyên tác mới thưởng thức hết cái thần của bài từ. Lịch sử là tấm gương để ta soi rọi mình, nhưng nếu chưa trải đủ những thăng trầm tan hợp trong đời, thậm chí còn phải chịu cay đắng bầm dập tàn nhẫn thì tấm gương kia chẳng giúp ta được mấy. Dương Thận đã nếm đủ vinh quang của danh vọng cũng như đau đớn của phận đi đày, nên ông nhìn suốt nhân sinh, viết nên một bài từ tung tăng thế sự, khiến người đọc đến lại dâng lên trùng trùng cảm giác vui buồn lẫn lộn.
[1] Ở nước ta, bản dịch Việt ngữ “Tam quốc diễn nghĩa” chuẩn mực của Phan Kế Bính là theo bản của Mao Tôn Cương này.
[2] Giải Tấn, Dương Thận và Từ Vị được tôn xưng là “Tam đại tài tử” đời Minh.
Sưu tầm từ ANH HÙNG TAM QUỐC Facebook

1 nhận xét:

  1. Nhất Lữ, nhị Triệu, tam Điển Vi, tứ Quan, ngũ Mã, lục Trương Phi, thất Hoàng, bát Hứa, cửu Khương Duy"

    Trả lờiXóa