(Vanhien.vn) Nguồn gốc câu ngạn ngữ: “Quân tử 10 năm trả thù chưa muộn” bắt nguồn từ nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc thời Xuân Thu (770 Tr.cn – 475 Tr.cn) là Việt Vương Câu Tiễn
Các sự kiện trên, và nhiều sự kiện diễn ra trong lịch sử Trung Quốc, nhiều sự kiện sau đó đã trở thành những câu ngạn ngữ nổi tiếng của người Trung Quốc, trong đó có câu “Quân tử 10 năm báo thù chưa muộn” chính là câu ngạn ngữ gắn liền với nhân vật lịch sử nổi tiếng một thời, người đó chính là Việt Vương Câu Tiễn (ảnh bên trái).
Cục diện thời Xuân Thu
Năm Tân Mùi 770 Tr.cn, vua nhà Chu lúc bấy giờ là Chu Bình Vương dời đô sang Lạc Ấp, nội bộ cung đình thường xảy ra tranh chấp thế lực, nhà Chu ngày càng suy yếu. Vì vậy mà các nước chư hầu không chịu triều cống cho vua nhà Chu như thường lệ: 3 năm một lần triều cống lễ vật nhỏ, và 5 năm triều cống lễ vật lớn. Một số nước chư hầu còn cả gan lấn chiếm lãnh địa của nhà Chu. Trong hoàn cảnh bị suy yếu về chính trị và gặp khó khăn về kinh tế như trên, cho nên vua nhà Chu lúc bấy giờ trên danh nghĩa vẫn là “Thiên tử”, vẫn là vua chung của các nước chư hầu. Nhưng trên thực tế, nhà Chu không còn điều khiển được chư hầu nữa.
Trong khi đó về phần các nước chư hầu thì ra sức củng cố thế lực, tiến hành chiến tranh thôn tính lẫn nhau rất ác liệt, và trong đó có 5 nước lớn là Tề, Tấn, Tần, Tống, Sở thôn tính nhiều nước nhỏ xung quanh và trở thành những nước mạnh nhất thời bấy giờ, và sử thường gọi là thời kỳ “Ngũ bá” trong suốt cả một thời gian dài. Về sau còn thêm nước Ngô và nước Việt ở phía Nam sông Dương Tử, tuy hùng cường một thời, nhưng không văn minh như các nước trên.
Nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn ( làm vua từ năm 502 Tr.cn – 462 Tr.cn)
Cuối thời Xuân Thu, vua nước Ngô là Hạp Lư dùng một vong thần của nước Sở là Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư làm tướng quốc của nước Ngô, vì có thù riêng với vua của nước Sở đã giết cha và anh trai của mình, cho nên Ngũ Tử Tư ra sức giúp vua Ngô là Hạp Lư, đem quân đánh nước Sở, giành được đại thắng, oai danh lừng lẫy. Sau khi đánh thắng nước Sở, Hạp Lư lại tiếp tục đem quân đi đánh nước Việt của Câu Tiễn.
Câu Tiễn thân chinh đem quân ra chống đỡ, hai bên đánh nhau luôn mấy trận mà chưa phân thắng bại. Sau đó Câu Tiễn nghe theo kế của Chư Kế Dình, liền dùng tội nhân đi trước liều chết tiến đánh quân Ngô (những tội nhân đằng nào cũng bị xử tội chết, nhưng trước khi họ ra trận, họ đã được truyền dụ nếu đánh thắng giặc thì sẽ được miễn tội chết, được thưởng tiền bạc và thậm chí còn được phong chức tước. Chính vì vậy khi ra trận, họ đã chiến đấu rất dũng cảm). Trong trận chiến đấu ác liệt đó, quân Ngô thua to, vua Hạp Lư của nước Ngô còn bị tướng của Câu Tiễn là Linh Cô Phù chém đứt một ngón chân cái. Hạp Lư sức đã già yếu, lại bị mất nhiều máu, cho nên chạy được mấy dặm thì chết.
Cháu đích tôn của Hạp Lư là Phù Sai lên nối ngôi, Phù Sai luôn luôn ghi nhớ mối thù với nước Việt, nên sai Ngữ Tử Tư và Bá Hỷ ngày đêm ráo riết luyện tập quân sỹ, chờ sau 3 năm hết tang của Hạp Lư, liền đem đại binh đến đánh nước Việt. Đại binh của nước Ngô lúc đó rất mạnh, Câu Tiễn đã không nghe lời của tướng võ Phạm Lãi là cố thủ, trong khi đó quan văn là Văn Chủng thì khuyên Câu Tiễn nên xin cầu hòa. Câu Tiễn đã không nghe theo lời khuyên, quyết đem quân ra nghênh chiến.
Lúc hai bên giao chiến, quân của Câu Tiễn bị ngược gió, nên không sao chống đỡ nổi đà tiến quân như vũ bão của quân Ngô. Quân nước Việt bị thua to và chết vô số, các tướng của Câu Tiễn như Linh Cô Phù và Tư Hàn đều tử trận. Câu Tiễn đành phải chạy vào thành cố thủ, sau đó xin giảng hòa với Phù Sai của nước Ngô. Phù Sai đồng ý, nhưng bắt Câu Tiễn phải sang nước Ngô làm con tin.
Trước khi Câu Tiễn cùng vợ từ biệt quần thần nước Việt để sang làm con tin bên nước Ngô. Câu Tiễn đã khóc và nói với các quan rằng: “Tình thế buộc ta phải sang Ngô, ta đành giao nước nhà lại cho các khanh, các khanh chớ phụ lòng trông cậy của ta”. Sau đó vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi sang nước Ngô làm con tin, còn nước Ngô thì giao lại cho Văn Chủng trông coi.
Sang đến nước Ngô, yết kiến Phù Sai xong, Câu Tiễn được xây một cái nhà bằng đá ở bên cạnh mộ của Hạp Lư. Ngày ngày, Câu Tiễn phải mặc áo vải xấu và giữ việc chăn ngựa, thức ăn cũng không được đầy đủ. Mỗi khi Phù Sai đi chơi đều bắt Câu Tiễn đi chân đất dắt ngựa đi trước để bêu xấu với dân chúng nước Ngô. Mỗi lần như vậy, Câu Tiễn đều cúi gầm mặt xuống mà chịu đựng, không dám hé răng nửa lời oán than Phù Sai, để cho Phù Sai không biết được lòng mình đang suy nghĩ gì.
Câu Tiễn đã ở nước Ngô được mấy năm, quần áo không được cấp mới, nên tồi tàn hôi hám toàn là mùi phân ngựa. Ngay cả vợ của Câu Tiễn cũng lôi thôi rách rưới, suốt ngày đi kiếm củi, cắt cỏ mà không bao giờ oán hận, cho nên dần dần Phù Sai cũng không còn để ý đến vợ chồng Câu Tiễn nữa. Một lần Phù Sai bị bệnh đã hơn 3 tháng mà bệnh tình vẫn chưa khỏi, và trong một lần được vào tiếp kiến Phù Sai, biết chuyện Phù Sai bị bệnh, Câu Tiễn có nói với Phù Sai là lúc trước mình có học được một y sư ở Đông Hải cách nếm phân mà biết được bệnh tình và xin Phù Sai cho mình được nếm phân của Phù Sai để đoán bệnh tình.
Phù Sai đã bằng lòng, lúc Câu Tiễn nếm phân, mọi người đều bịt mũi và đứng xa. Câu Tiễn nếm phân xong thì lập tức lạy mừng: “Bệnh của Đại vương đến ngày Kỷ Tỵ thì thuyên giảm, sang ngày Nhân Thân thì khỏi hẳn”. Và đúng như lời Câu Tiễn, mấy ngày sau đó, Phù Sai khỏi bệnh, đã đối đãi tử tế hơn với Câu Tiễn, Câu Tiễn lấy lời trung nghĩa mà lạy tạ Phù Sai, tình ý rất quyến luyến, làm cho Phù Sai cảm động và cuối cùng Phù Sai đã cho Câu Tiễn trở về làm vua nước Việt.
Câu Tiễn về đến Tích Giang, mới thở dài trút gánh nặng nhìn non sông nước Việt mà khóc. Văn Chủng cùng với rất nhiều dân chúng và các triều thần cũng đã sẵn sang nghênh đón, ai nấy đều mừng rỡ cùng rơi nước mắt khóc. Thời gian thấm thoát, từ lúc Câu Tiễn sang nước Ngô đến lúc trở về nước Việt tròn đúng 10 năm.
Sau 10 năm “đi tù đày” ở nước Ngô, khi được trở về nước, Câu Tiễn nhớ tới trận bị thua ở Cối Kê thì rất căm giận, sai quân lính đắp thành ở đó, rồi thiên đô để ghi nhớ mãi mối thù thua trận. Sau đó, Câu Tiễn giao hết quyền hành cho Phạm Lãi và Văn Chủng, Nước Việt nhờ có Văn Chủng chỉnh đốn chính quốc, Phạm Lãi huấn luyện binh sỹ, cho nên chẳng bao lâu sau mà nước Việt cường thịnh hẳn lên, trăm họ đều ca tụng.
Nhưng kể từ khi nếm phân của Phù Sai, Câu Tiễn đã mắc bệnh hôi miệng, Phạm Lãi thường hái rau Chấp về cho Câu tiễn ăn mà trị bệnh, lại cho bá quan cùng ăn để lấn át mùi hôi. Thứ rau Chấp đó chỉ mọc ở Quy Sơn, nên về sau người nước Việt còn gọi nó với một cái tên Chấp Sơn.
Câu Tiễn tuy đã làm vua, nhưng không bao giờ nghĩ đến việc vui chơi, suốt ngày đêm lo lắng cho chính quốc, khi nào thấy buồn ngủ Câu Tiễn liền cho nội thị lấy cỏ lục đánh vào mắt mình, thấy chân lạnh thì nhúng vào nước cho lạnh thêm. Mùa hạ thì ngồi gần lửa để nung nấu lòng căm hờn của mình thêm lên.
Câu Tiễn còn treo một quả mật ở gần chỗ làm việc của mình, thỉnh thoảng lại nếm một ít để vị đắng nhắc nhở mối thù. Trong sinh hoạt thường ngày, Câu Tiễn dùng củi xếp, chứ không dùng giường chiếu, đêm nào cũng khóc mà nhớ đến hai chữ “Cối Kê”. Muốn cho dân số trong nước ngày càng tăng nhanh, Câu Tiễn đặt ra lệ thưởng cho những ai đẻ nhiều con, nếu nhiều con thì quan địa phương phải chu cấp thêm. Chính vì vậy mà chẳng bao lâu dân số nước Việt đã trở nên đông đúc.
Ngoài những việc làm trên, Câu Tiễn còn hết sức chăm lo canh tác, đến mùa làm ruộng thì chính mình đi cày cấy, lại cho vợ dệt vải làm tơ, lao khổ như người dân thường. Để cho nhân dân được yên ấm làm ăn, Câu Tiễn còn hạ lệnh miễn các thứ thuế cho nhân dân trong nước 7 năm. Trong khi đó, để che mắt Phù Sai, Câu Tiễn vẫn hằng năm mang rất nhiều lễ vật sang cống tiến cho vua Ngô là Phù Sai.
Và khi Phù Sai suốt ngày chỉ lo ăn chơi hưởng lạc xa xỉ như cho xây dựng Cô Tô Đài, Câu Tiễn đã cho tìm kiếm các loại gỗ quý từ phương Nam để dâng cho Phù Sai. Sau khi Cô Tô Đài xây dựng xong, Câu Tiễn còn tìm kiếm rất nhiều mỹ nữ đẹp ở trong nước để dâng cho Phù Sai hưởng lạc, trong số các mỹ nữ đó, có Tây Thi (người đầu tiên trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, sau Tây Thi đến Vương Chiêu Quân thời Tây Hán, tiếp đến là Điêu Thuyền thời Tam Quốc, và người cuối cùng là Dương Quý Phi thời kỳ nhà Đường. Bốn mỹ nhân trên được mệnh danh là “Tứ đại mỹ nhân” của Trung Quốc), và Trịnh Đán. Sau 3 năm huấn luyện, hai mỹ nhân đó đủ sức làm lung lay nước Ngô.
Câu Tiễn sai Phạm Lãi đưa hai người đẹp sang nước Ngô dâng cho Phù Sai, từ khi có được người đẹp Tây Thi, Phù Sai suốt ngày mê mẩn người đẹp, chìm đắm trong tửu sắc, không còn chú ý đến việc triều chính nữa. Tuy vậy, nước Ngô của Phù Sai lúc đó vẫn còn rất mạnh. Phù Sai sau khi đánh nước Tề xong, còn kéo quân lên phía Bắc đòi tranh ngôi bá chủ chư hầu với nước Tấn. Và Câu Tiễn lợi dụng lúc Phù Sai đem quân đi xa, lập tức mang quân tiến theo hai đường thủy bộ cùng đánh nước Ngô, và nhanh chóng giành thắng lợi.
Câu Tiễn cho phóng lửa đốt Cô Tô Đài, lửa cháy hơn một tháng mà chưa cháy hết, lửa cháy Cô Tô Đài (về sau này được xem là chỉ kém “Lửa thiêu cung A Phòng” khi Hạng Vũ đem quân vào Hàm Dương thiêu cung A Phòng năm 206 Tr.cn). Nhưng ngay sau đó, Phù Sai kéo quân về xin giảng hòa với Câu Tiễn, Câu Tiễn đã đồng ý và rút quân về nước Việt.
Nhưng về sau, Câu Tiễn thấy nước Ngô ngày càng lụn bại, nên quyết định mang quân sang tiêu diệt nước Ngô. Hai bên giao chiến, quân Phù Sai thua to, chạy đến Dương Sơn, Câu Tiễn cho quân vây chặt Dương Sơn. Phạm Lãi dùng tên thư bắn vào doanh trại hạch sách sáu tội của Phù Sai. Trong đó, tội thứ sáu là quên kẻ thù riêng của tiên quân, chính là tội bất hiếu không thể tha thứ được.
Đồng thời ý của Câu Tiễn là: “Ngày xưa trời cho nước Ngô lấy nước Việt, mà nước Ngô không lấy, như vậy là đã trái ý trời. Nay trời lại cho nước Việt lấy nước Ngô, thì nước Việt không thể trái ý trời được”.Phù Sai xem xong, hổ thẹn quá, lấy lụa phủ lên mặt, rồi đâm cổ tự tử, từ đó nước Ngô bị nước Việt chiếm đóng. Sự kiện trên diễn ra vào năm 475 Tr.cn (cũng trong năm này, lịch sử Trung Quốc bước vào thời kỳ Chiến Quốc, thời kỳ này kéo dài đến năm 221 Tr.cn khi Tần Thủy Hoàng đánh bại lục quốc, thống nhất Trung Quốc).
Như vậy là Câu Tiễn đã rửa được nhục 10 năm “đi tù đày” ở nước Ngô, đã hoàn thành công việc trả thù. Sau khi tiêu diệt xong nước Ngô, Câu Tiễn lại dẫn đại quân vượt qua sông Hoài, họp với các nước chư hầu ở vùng Trung Nguyên ở Từ Châu. Thiên tử nhà Chu lúc đó là Chu Nguyên Vương (nhà Chu lúc đó vẫn tồn tại trên danh nghĩa, cho đến mãi năm 256 Tr.cn, khi nhà Tần chính thức mang 9 cái đỉnh lư hương, thứ tượng trưng cho quyền lực của nhà Chu về nước Tần, thì nhà Chu đến đây coi như chính thức bị diệt vong) thấy nước Việt của Câu Tiễn hùng mạnh liền phái sứ thần mang thịt rượu đã tế đến tặng Câu Tiễn. Từ đó đến năm 462 Tr.cn, binh mã nước Việt của Câu Tiễn tung hoành khắp giải Giang – Hoài, các nước chư hầu đều thừa nhận nước Việt của Câu Tiễn là bá chủ.
Sau khi công thành doanh toại, Câu Tiễn liền cho xây Hạ Đài ở Cối Kê để rửa cái nhục khi trước.Nhưng cũng từ đó, Câu Tiễn bắt đầu kiêu ngạo, và có ý diệt trừ các công thần. Phạm Lãi là người biết nhìn xa trông rộng, biết được tâm địa hiểm độc của Câu Tiễn, vì vậy Phạm Lãi có khuyên Văn Chủng nên cùng mình bỏ nước Việt, nhưng Văn Chủng đã không nghe theo lời của Phạm Lãi. Phạm Lãi đã cáo quan và về sau đã trở thành một thương nhân nổi tiếng trong thời Chiến Quốc.
Còn về Văn Chủng, vì không nghe theo lời khuyên của Phạm Lãi, cho nên cuối cùng Văn Chủng đã được Câu Tiễn ban tạng cho thanh gươm “trúc lâu” trước kia Phù Sai đã từng ban tặng cho tướng quốc Ngũ Tử Tư tự tử vào năm 484 Tr.cn.
Hơn 10 năm sau cái chết của Ngũ Tử Tư, Văn Chủng cũng chết như thế. Từ đó trở đi rất nhiều tướng giỏi, công thần của nước Việt bị Câu Tiễn sát hại, hoặc họ tìm cách trốn đi, cho nên nước Việt ngày càng suy yếu, và Câu Tiễn cũng không còn giữ dược địa vị bá chủ chư hầu. Thực ra cách dùng người của Câu Tiễn kiểu dạng như thỏ chết thì chó săn và chim ưng cũng phải chết, và sau này nó trở thành “thuật dùng người” của các Hoàng đế Trung Hoa, mà trong đó, người tiêu biểu nhất là Hán Cao Tổ Lưu Bang (256 Tr.cn – 193 Tr.cn), hay Tống Thái Tổ Triệu Quang Dẫn (927 -976)…
Năm 462 Tr.cn, Câu Tiễn chết, và ngay sau đó nước Việt bị nước Sở tiêu diệt, và trở thành quận Giang Đông của nước Sở, và cũng từ đó cục diện “Ngũ bá” chấm dứt, và 59 năm sau, vào năm 403 Tr.cn khi nước Tấn do ba dòng họ lớn là Hàn – Triệu – Ngụy chia nước Tấn ra làm ba nước Hàn, Triệu, Ngụy. Từ đó, Trung Quốc chính thức bước vào thời kỳ “Thất hùng” nghĩa là bảy nước tranh hùng. Về sau này, nước Tần của Tần Thủy Hoàng (259 Tr.cn – 210 Tr.cn) hùng mạnh nhất, lần lượt tiêu diệt lục quốc thống nhất Trung Quốc vào năm 221 Trcn.
Các sự kiện trên, và nhiều sự kiện diễn ra trong lịch sử Trung Quốc, nhiều sự kiện sau đó đã trở thành những câu ngạn ngữ nổi tiếng của người Trung Quốc, trong đó có câu “Quân tử 10 năm báo thù chưa muộn” chính là câu ngạn ngữ gắn liền với nhân vật lịch sử nổi tiếng một thời, người đó chính là Việt Vương Câu Tiễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét