XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Thế đất của thành nhà Hồ

Thế đất rồng chầu rắn cuốn, nhưng đất còn non nên mới là Long xà ẩm thủy lục niên ký chủ, thành nhà Hồ chỉ tồn tại trên dưới 6 năm?
Cho xây một tòa thành vĩ đại như thành Tây Đô song ít người biết rằng, ngay từ đầu, Hồ Hán Thương, dưới góc nhìn phong thủy, đã dự đoán triều Hồ chỉ ở tòa thành này được trên dưới 6 năm.
Thế đất rồng chầu rắn cuốn
Để chọn đất đóng đô, nhà Hồ đã dựa vào thuật phong thủy để tìm long mạch rất cẩn thận. Xem khắp các vùng trong nước, Hồ Quý Ly sau cùng lựa chọn động An Tôn làm nơi xây đô thành cho triều đại của mình. Theo tính toán của Hồ Quý Ly, đất này là một vùng đất tốt có cái hình như quả ấn của trời, lại có long mạch dài hàng ngàn cây số là con sông Mã. Xung quanh lại có nhiều tiểu long chầu vào long mạch chủ.
Thực vậy, từ trên thành nhà Hồ mà ngắm nhìn phong cảnh xung quanh cũng dễ dàng nhận ra cảnh quan hùng vĩ, địa thế hiểm trở của vùng này. Bên ngoài có nhiều dãy núi vòng cung bao bọc vây kín bốn phương tám hướng. Vòng trong có sông Mã, sông Bưởi lượn tròn như những chiến hào tự nhiên vây quanh. Ở trong cùng, một khu đất nổi lên như cái ấn của trời đặt ở đó. Bên trên là vòm trời xanh được ví như chiếc lọng che cho cái ấn thật huyền ảo.
Sông Mã được xem như long mạch của thế đất này bắt nguồn từ Sơn La chảy sang nước Lào rồi về đất Việt ở Thanh Hóa. Con sông này lại có nhiều chi giang đổ vào bắt nguồn từ Trường Sơn như sông Luồng, sông Lò, sông Âm, sông Chu, sông Bưởi… Mỗi chi giang này được xem như một chi long mạch hợp vào long tổ.
Sách Thành nhà Hồ và những câu chuyện xây thành đắp lũy mô tả: Từ ngã ba Bông nối vào ngã ba Đầu là một nhánh chảy qua đền Hàn, Châu Tử xuống bến Lèn ra cửa Lạch Trường. Một nhánh qua đất Hàm Rồng rồi đổ ra cửa Hới tạo thành hình thế lưỡng long chầu nguyệt.
Hồ Quý Ly khi cho xây thành ở đất này đã rất tâm đắc, ông nói với các con mình rằng: Đất này là đất Thạch bàn long xà lục thập niên ký. Nghĩa là thế đất rồng chầu rắn cuốn vững như bàn thạch có thể trụ được 60 năm.
Tuy nhiên, con trai thứ của Hồ Quý Ly là Hồ Hán Thương lại có ý kiến khác. Người ta truyền rằng, lúc đó Hán Thương tuy còn trẻ tuổi nhưng đã khá am tường môn Phong thủy, khi xem xét kỹ thế đất chọn xây thành đã tâu với Quý Ly rằng: Con đã xem kỹ đất này, đúng là đất rồng chầu rắn cuốn nhưng đất còn non nên chỉ mới là Long xà ẩm thủy lục niên ký chủ. Nghĩa là chỉ ở được trên dưới 6 năm thôi.
Thành cao hào sâu vẫn thất bại
Thành nhà Hồ được bắt đầu xây dựng từ năm 1397 dưới triều Trần do Hồ Quý Ly chỉ đạo. Thành nằm trên địa phận các làng Tây Giai, Xuân Giai (thuộc xã Vĩnh Tiến) và Đông Môn (xã Vĩnh Long) huyện Vĩnh Lộc – Thanh Hóa ngày nay. Thành gồm có thành ngoại đắp đất trồng tre gai ở bên ngoài và thành nội xây hoàn toàn bằng đá ở bên trong.
Thành nội có chiều dài 883,5 m theo hướng Đông – Tây, chiều rộng 870,5 m theo hướng Nam – Bắc với vật liệu hoàn toàn bằng đá. Tòa thành có 4 cổng trong đó cổng chính ở phía Đông Nam có 3 vòm cuốn bằng đá. Chiều cao từ chân lên đến nóc vòm cuốn là gần 8m. Vòm cuốn chính giữa cao 5,75 m rộng 5,82 m dài 15,04 m. Hai vòm cuốn phụ ở hai bên đều cao 5,35 m rộng 5,45 m. Ba cổng còn lại cũng được xây vòm cuốn với kiểu dáng tương tự nhưng các cổng đó chỉ có 1 cửa.
Ngoài thành Tây Đô, triều Hồ cũng rất ý thức về mối nguy hiểm từ triều Minh nên tích cực xây dựng các thành lũy khác và đặt quân phòng giữ những nơi hiểm yếu. Tuy nhiên khi quân Minh đánh sang, quân nhà Hồ liên tiếp thua trận. Tháng 9/1406 quân Minh bắt đầu phát động chiến tranh xâm lược nước ta dưới chiêu bài phù Trần diệt Hồ nên thu hút được một số lực lượng trong nước chống nhà Hồ.
Chiến cuộc giữa hai bên nhanh chóng đến hồi ngã ngũ khi quân Hồ liên tiếp thua các trận lớn ở thành Đa Bang, Hàm Tử. Tháng 4/1407 quân Minh đánh vào đến Tây Đô, cha con Hồ Quý Ly chạy về cửa biển Kỳ La – Hà Tĩnh, quân Minh đuổi theo phía sau rất gấp. Đến ngày 11, 12 thì lần lượt Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt. Triều Hồ đến đây bị tiêu diệt. 
Nghĩ đến phép tính phong thủy của Hồ Hán Thương năm nào thấy thật trùng khớp. Từ năm 1400 là năm Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần, tự lập làm vua và về đóng đô ở Tây Đô cho đến tháng 4/1407 khi cha con Hồ Quý Ly phải bỏ thành Tây Đô chạy về Kỳ La, thời gian mới hơn 6 năm một chút. Khi nói với cha rằng, đất này còn non nên chỉ mới là long xà ẩm thủy lục niên ký chủ, phải chăng Hán Thương đã biết trước rằng triều Hồ nếu đóng đô trên đất Tây Đô này chỉ tồn tại được 6 năm? Hay là người đời sau đã “sáng tác” ra câu chuyện này để việc triều Hồ bị diệt vong là ý trời?
Theo kienthuc.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét