XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

18 ban võ khí sao khi thờ chỉ có 8 ban

     Nay: 18 ban vũ khí là: đao, thương, kiếm, kích, phủ, việt, câu, soa, tiên, giản, chùy, đáng, côn, sóc, bổng, quải, lưu tinh (chùy), trảo (móc câu).
    Xưa: thập bát ban võ nghệ chỉ: đao, thương, kiếm, kích, côn, soa, bừa, tiên (roi), giản, chùy, phủ, câu, liềm, trảo, hoàn (vòng), quải, đáng, cung tên (cung thỉ).
Đồ thờ thì lại rất khác chì có tám ban:
Đó gọi là đồ Chấp Kích, hay còn gọi là Lỗ Bộ, là những đồ binh khí dùng để rước hoặc cắm vào giá để trần, đặt ở cung vua, phủ quan hay các đền, đình, miếu. Gồm những vũ khí: mác, đao, kích, thương, phủ việt (búa), cờ tiết mao và bảng có chữ “Tĩnh Túc” và “Hồi Tị”. Tuỳ từng địa phương và từng thời kì mà có thể thay đổi các đồ vật cần thiết trên. Từ thời Lê đã lập “Lỗ Bộ Ti” để cung cấp Lỗ Bộ. Người ta cũng có thể dùng Bát Bảo hay Bát Bửu thay cho Lỗ Bộ.
Bát Bảo là đồ trang trí nơi thờ cúng, gồm 8 vật quý. Những vật này thường tượng trưng cho sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có, tuổi trẻ, sự tốt lành về tình cảm, hạnh phúc, sự may mắn, sự chiến thắng, sự lựa chọn. Tám vật này, được chọn tuỳ theo tín ngưỡng, tập tục, hoặc ý riêng của người sáng tác nên thường không có ý kiến thống nhất. Có thể gồm quạt, thanh gươm, bầu rượu, giỏ hoa, cái sáo, lọng, ống bút, cuốn thư; hoặc là cành trúc, đàn tì bà, hoa sen… có khi là đàn sáo, lẵng hoa, thư kiếm, bầu rượu, túi thơ, thư bút, khánh, quạt.
Có thể nói Bát Bảo được hiện diện trong đồ thờ truyền thống Việt là 8 đồ vật thường dùng của các bậc tao nhân mặc khách hay các vị tiên, như: pho sách (tượng trưng kiến thức), cuốn thư (tượng trưng thú tao nhã), bầu rượu (tượng trưng sự phong lưu), cái quạt (tượng trưng thần tiên, thoát tục), lẵng hoa (tượng trưng sự phong lưu), đàn tì bà (tượng trưng thú tao nhã), cây phất trần (vật của người đạo đức), gậy như ý (tượng trưng quyền phép). Trong khi Lỗ Bộ là 18 thứ vũ khí, gồm có: chùy, quả đấm, búa, kích, kiếm, song kiếm, trường thương, đại đao, đoản đao, siêu, roi, xà mâu, mác, khiên, giáo, cung tên, rìu, côn. Các vũ khí được cắm trong giá gỗ để làm đồ trang trí, và để tỏ ra uy quyền. Thực ra ít khi người ta trưng đầy đủ 18 món vũ khí trên mà thường chỉ phô ra 6 hoặc 8, nhiều lắm là 14 món mà thôi.
Có nhiều thuyết khác nhau nói về Lỗ Bộ nhưng có thể nói tóm lại là những nghi trượng khi vua trẩy như áo giáp và lá chắn để quân lính dùng đi dàn trước mặt mà hộ vệ, hay là nước muối dùng rảy đường cho khỏi bụi. Những thứ này đều được ghi chép vào sổ, nên gọi lỗ bộ (bạ). Ở Việt Nam, những đồ như dùi đồng, phủ việt và bát bửu đều gọi là lỗ bộ.
Tuỳ theo từng làng mà bộ binh khí này được đúc bằng đồng (miếu Quan Tử), hoặc bằng gỗ (đền Hai Bà Trưng làng Hạ Lôi, đền Đuông, đình làng Bích Đại…)
Ngày nay nhiều ngôi đền, đình mới được tái tạo, hoặc tôn tạo, Lỗ Bộ thay thế cho vị trí Bát Bảo và đi trước kiệu thần trong các kỳ lễ rước và bên có hai chữ “Tĩnh Túc” và “Hồi Tị”


Binh Khí Võ Cổ Truyền Gồm 18 môn tương ứng với 18 món binh khí: côn, kiếm, đao, thương, giáo, kích, xà mâu, đinh ba, bồ cào, thiết bản, song tô, song xỉ, song câu, bút, phủ (búa), chuỳ, cung tên, lăn khiên.




1- Côn (roi)

Làm bằng gỗ, tre, mây, cũng có khi làm bằng kim loại, chia làm trường côn và đoản côn. Trường côn là roi dài gồm hai thứ là roi đấu (trường tiên) dài khoảng 3m và roi chiến (trung bình tiên) dài khoảng 1,5m. Roi đấu dùng để đánh trên ngựa. Roi chiến dùng để đánh dưới đất. Đoản côn là roi ngắn.
Ngoài ra, còn có một loại côn nữa là côn nhị khúc hay còn gọi là côn hai khúc hay lưỡng tiết côn, song tiết côn là một dạng đoản côn có hai khúc được nối với nhau bởi một đoạn dây mềm. Sử dụng thịnh hành trong võ phái Karatedo Nhật Bản và hiện nay, do tính chất tiện lợi của nó, côn nhị khúc đã được nhiều môn sinh của các võ phái khác nhau ưa chuộng trong luyện tập và tự vệ….
2- Kiếm:

Gồm chuôi kiếm, lưỡi kiếm và bao kiếm. Phần lưỡi dài, phiến dẹt, bề rộng chừng 3 – 4cm, cạnh mảnh và cực bén, rèn bằng kim loại tốt như sắt, thép, hợp kim. Phần cán (chuôi) bằng gỗ, có khi cán cũng được đúc bằng kim loại hoặc mạ vàng, chạm trỗ rất đẹp. Vỏ kiếm được chế tạo cũng bằng kim loại mỏng và cứng, dùng để bao ngoài lưỡi kiếm, một đầu kín một đầu hở khi gài vào ăn khớp với cổ chuôi kiếm.
Kiếm thuộc hàng vũ khí thanh nhã, sang trọng, được rèn theo yêu cầu của người sử dụng. Thường phải đảm bảo ba yếu tố: sắc bén, đẹp, có độ nặng, độ dài phù hợp với sức vóc người cầm. Kiếm lệnh là kiếm chỉ huy, lược trận, phân biệt với kiếm trận ở chỗ kiếm lệnh lưỡi cong, còn kiếm trận lưỡi thẳng. Lại tùy theo độ dài ngắn mà phân thành trường kiếm và đoản kiếm. Trường kiếm độ dài xê dịch trong khoảng 1,2m đến 1,5m, có thể giao tranh trên mặt đất hoặc trên ngựa đều tiện lợi. Đoản kiếm là kiếm ngắn, từ chuôi đến ngọn dài chừng năm, bảy tấc, thích hợp với lối đánh cận chiến, giáp chiến. Thường con nhà võ chỉ tuốt kiếm khỏi bao khi giao đấu. Trong giao đấu, vỏ kiếm cũng là một vũ khí để đánh, đỡ, gạt, hất rất lợi hại. Tuy vậy, cũng có không ít những thanh kiếm để trần.
Thời chống Pháp trở về trước, kiếm là môn binh khí rất phổ biến trong võ thuật Bình Định. Nữ tướng Bùi Thị Xuân chuyên đánh song kiếm. Ở Bảo tàng Quang Trung hiện còn lưu bức tranh Bà cưỡi voi trận, tay cầm song kiếm, uy phong lẫm liệt.

3- Đao:

dao

Có cán bằng gỗ cứng, lưỡi đao càng về phía trước càng to bản, được vát hơi cong dần về phía mũi. Về chủng loại có đơn đao, song đao, đại đao, phác đao. Đại đao là vũ khí nặng, cán dài.Người sử dụng đại đao phải có sức vóc hơn người. Triều Tây Sơn có bốn người nổi tiếng về đại đao là Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và Đặng Văn Long. Đặc biệt là Võ Văn Dũng, tài sử đao của ông được Nguyễn Nhạc khen ngợi: “Phá sơn trung tặc dị, thắng Văn Dũng đao nan” nghĩa là Phá giặc trong núi dễ, thắng ngọn đao Văn Dũng mới khó.

4- Thương:

Là vũ khí dài, cán làm bằng gỗ cứng, ở đầu có mũi hình thoi nhọn ở đầu đúc bằng sắt. Cách dùng côn và thương về căn bản giống nhau, nhưng côn thiên về đả, tức đánh xuống, còn thương thiên về đâm.

5- Giáo:

Là loại vũ khí dài khoảng 2 – 2,5m bằng một loại tre đực đặc ruột có đầu vót nhọn bịt kim loại, dùng trong trận mạc. Cách đánh như côn, nhưng lợi thế hơn ở chỗ có mũi nhọn để đâm. Tương truyền đây là vũ khí đắc dụng của nghĩa binh Mai Xuân Thưởng, vì vùng nông thôn Bình Định rất sẵn tre.
6- Kích:

Là vũ khí dài, cán bằng gỗ cứng hoặc đúc bằng kim loại nặng. Phương thiên hoạ kích có một mũi nhọn ở giữa giống ngọn giáo, hai bên là hai vành đao lưỡi liềm day lưng vào nhau. Bán thiên kích thì chỉ có mũi nhọn với một vành đao lưỡi liềm. Kích nặng ở đầu nên sử dụng không được linh động như thương.
7- Xà mâu:

Là loại vũ khí dài, nhọn, phần trên cùng đúc kim loại uốn khúc như hình rắn.
8- Đinh ba:

Là loại vũ khí cán dài, một đầu tra lưỡi sắt có ba răng nhọn xỉa thẳng về trước. Đinh ba vận dụng các chiêu thức của côn, thiên về phóng, đâm, xóc.
 
9- Bồ cào:
Cũng là vũ khí cán dài, một đầu tra lưỡi sắt hình răng lược, giống như cái cào cỏ ở nông thôn Bình Định. Bồ cào cũng vận dụng chiêu thức của côn nhưng lại thiên về đập, giật. 

10- Thiết bản:
Là một thanh kim loại vuông cạnh, dài chừng 1m, tiện dụng ở chỗ gọn gàng, con nhà võ có thể giắt bên hông hoặc sau lưng khi di chuyển.
11- Song tô:

Là hai lưỡi dao thép to bản, ở cán cầm có phần bảo vệ tay. Thích hợp đánh cận chiến.
12- Song xỉ:

Song xỉ là vũ khí dùng cho hai tay, gồm hai thanh sắt dài, hai đầu nhọn như lưỡi dao găm, phần thân bo theo cánh tay từ chỏ ra bàn tay, phía chỏ có dây da quấn vào bắp tay, phía trước có đai sắt để luồn bàn tay vào cầm cho chắc. Đặc điểm riêng của song xỉ là gọn, sắc, mạnh, thích hợp lối đánh gần, đòi hỏi người sử dụng phải tinh mắt, giỏi quyền cước, di chuyển mau lẹ.
 
13- Song câu:
Là vũ khí đôi gồm các phần câu, phần hộ thủ, phần lưỡi được đúc liền nhau. Phần câu cong như rựa quéo, để móc, hãm vũ khí hoặc một số vùng trên cơ thể địch thủ như cổ, vai, cổ tay, cổ chân, bắp đùi, hông… Phần thân giống như lưỡi kiếm. Chuôi cầm được bọc vải, da hoặc gỗ, có một lưỡi liềm để bảo vệ tay, gọi là phần hộ thủ. Song câu được sử dụng biến ảo linh hoạt, thích hợp lối đánh vừa công vừa thủ.

14- Bút:
Đúc bằng kim loại nặng, dài khoảng 5-7 tấc, phần cán tròn, đặc ruột, phần ngọn hình búp sen, cuối cán có sợi dây để buộc vào cổ tay người sử dụng, sau khi phóng ra có thể thu về. Dùng đôi gọi là song bút, dùng đơn gọi là độc bút.
15- Búa (phủ):

Búa là loại vũ khí gần giống với rìu chặt cây của tiều phu. Cán búa làm bằng gỗ cứng dài chừng một cánh tay. Lưỡi búa đúc hoặc rèn bằng sắt, thép tốt, rất nặng. Búa đơn gọi là độc phủ, búa đôi gọi là song phủ. Những chiếc búa đặc biệt trên sống còn được chạm đầu hổ hay đầu rồng rất tinh vi, gọi là hổ đầu phủ hoặc long đầu phủ. Chiêu thức của búa gồm các đòn ngắn, mạnh, trực diện, khả năng sát thương kẻ địch rất lớn, thích hợp với lối đánh thấp, cận chiến, trên bộ. Người sử dụng búa phải có sức lực hơn người, thân pháp cực kỳ mau lẹ.
16- Chuỳ:

Là loại vũ khí có tay cầm ở giữa là một thanh gỗ cứng hoặc kim loại, hai đầu là hai khối kim loại (sắt, thép, đồng) đặc ruột hình thuẫn hoặc hình tròn, ngoài mặt đúc nổi gai lục giác hoặc xẻ cạnh khế. Bề ngang có đường kính chừng 10 – 15cm. Chuỳ cũng có chùy đơn và chuỳ đôi.
17- Cung tên:

Cung đầu tiên là công cụ săn bắn, sau mới thành vũ khí chiến đấu. Thân cung và hai cánh cung làm bằng gỗ cứng, có khi là gốc tre lâu năm. Giữa thân cung có rãnh lắp tên. Đầu hai cánh cung được khoét lỗ tròn hoặc đính khuy sắt để căng dây cung. Dây cung thường làm bằng gân trâu hoặc một loại sợi đặc biệt dẻo và cứng, có tính đàn hồi cao, khi kéo mạnh sẽ làm cánh cung cong lại, tạo sức bật đẩy mũi tên bay xa. Tên làm bằng gỗ cứng hoặc tre già, mũi vót nhọn. Về sau, người ta bịt kim loại ở đầu mũi tên hoặc đúc tên sắt, tên đồng để tăng hiệu lực, xuyên thủng được vật cứng.
Môn bắn cung phải qua nhiều giai đoạn tập luyện: giương cung, nhắm đích, quỳ bắn, đứng bắn, dưới đất, trên ngựa. Mục tiêu bắn cũng đa dạng: từ gần tới xa, từ diện đến điểm, từ cố định đến di động. Lại được dạy các mánh khóe đánh lừa kẻ địch như giương đông kích tây, giương nam kích bắc v.v. Người bắn cung giỏi có thể bắn chim đang bay, hoặc còn nói trước được mình sẽ bắn rơi con thứ mấy trong đàn. Nổi danh về bắn cung ở Tây Sơn xưa từng có La Xuân Kiều, Đặng Xuân Phong, Lý Văn Bưu.
18- Lăn khiên:

Khiên là một tấm chắn bằng gỗ hoặc đan bằng cật tre, mây, dùng để đỡ gạt trong khi giao chiến, nhất là trong đánh trận, công thành. Nghĩa quân Tây Sơn rất thành thạo môn lăn khiên – một tay cầm khiên để hứng tên bắn từ xa hoặc đỡ gươm giáo khi đánh xáp lá cà, trong khi tay kia sử dụng một vũ khí khác để tấn công kẻ địch.

Theo BaoBinhDinh.com.vn
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét