XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

Thắng cảnh, di tích và địa danh liên quan đến triều Hồ ở xã Vĩnh Yên Huyện Vĩnh Lộc Tỉnh Thanh Hoá.

1. Về thắng cảnh.

Dòng sông Mã uốn khúc chảy qua đất Vĩnh Yên. là điểm đầu tiên sông Mã tiếp giáp với miền đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa. Phù sa sông Mã bồi đắp cho Vĩnh Yên những cánh bãi rộng lớn, bốn mùa xanh tốt bởi những cây hoa màu như: ngô, đậu, lạc, vừng, rau cải, bí đỏ, cây dâu nuôi tằm, v.v… Hai dãy núi An Tôn được Lưu Công Đạo người châu Hoan (Nghệ An) giữ chức Huyện Doãn (Tri huyện) huyện Vĩnh Lộc biên soạn năm Gia Long thứ 15 (1816) miêu tả như sau: “Núi ở địa phận xã An Tôn xưa gọi là động An Tôn núi từ Mang Trình kéo xuống, men theo Cẩm Hoàng, trải đất Cẩm Nhất vượt theo sông nước Quảng Bình đến Quan Hoàng, Eo Lê, men theo sông mà đổ về. Nham thạch nổi lên thưa thớt, trong núi có động, thạch nhú nhỏ giọt, nước liên tục nhỏ giọt bốn mùa không thôi. Lại thấy hai ngọn đột nhiên hiện lên thế thật độc lập giống như hai con voi đang uống nước sông. Đứng từ xa nhìn về hình sắc như vẽ, thiên nhiên thật đáng yêu;

2. Những dấu tích địa danh hiện còn lại trên đất Vĩnh Yên liên quan tới Hồ Quý Ly và triều Hồ

          Ở xã Vĩnh Yên hiện nay còn những địa danh liên quan tới Hồ Quý Ly và Triều Hồ (từ khi hồ cái ly cho xây Thành An tôn năm 1397 đến khi nhà Hồ mất năm 1407). Dấu tích công trường khai thác đã xây dựng thành hồ trên mảnh đất Vĩnh Yên trước kia thuộc động An tôn hiện còn 2 dãy núi đá chiếm diện tích 43.93 ha có độ cao trung bình 120m đến 130m, 1 dãy nằm trên làng Yên Tôn Thượng và 1 dãy nằm trên đất làng Phù Lưu. Trước kia dòng sông Mã chảy sát vào chân phía Tây Nam hai dãy núi đá này.

        Tháng 7 năm 2011 Trung tâm bảo tồn di sản Thành Hồ đã phát hiện được công trường khai thác đá cổ ở chân dãy núi đá làng Phù Lưu. Căn cứ vào các dấu vết bóc tách và chế tác thủ công hiện còn rất rõ trên các mặt của phiến đá, đồng thời qua việc phân tích, đối sánh với các phiến đá tại tường thành Nhà Hồ đã khẳng định các phiến đá được phát hiện tại đây tại dãy núi đá Phù Lưu chính là các phiến đá được Hồ Quy Ly cho khai thác với mục đích xây dựng kinh đô.

          Dãy núi đá Phù Lưu có 4 ngọn cao nhất dân làng gọi tên riêng mỗi ngọn là 1 núi, đó là núi Gắm, núi Chùa, núi Vực, núi Lũng. 21 phiến đá cổ được phát hiện vào tháng 7 năm 2011 hiện nằm dưới chân núi Gắm. núi Chùa, núi Vực. Trong đó có phiến đá được đánh số 09 TNH nằm dưới chân núi Chùa có kích thước lớn nhất 1,98m x 2,22 m, phiến đá nhỏ nhất đánh số 17 TNH cũng nằm ở chân núi Chùa có kích thước 0.84 x 0.8m.

         Dãy núi Yên Tôn Thượng gi là núi Độn (114m) có Ngọc Thanh động (hay còn gọi là hang Nàng). Theo sử sách chép lại vào cuối thế kỷ thứ 14 đất nước ở trong tình trạng rối ren; Triều Trần đã trở nên rỗng nát, lung lay tận gốc, nhân hoàn cảnh đó hồ Quy Ly một quý tộc vây cánh và thanh thế trong triều đã lấn át quyền lực nhà Trần. Ngày 28 tháng 2 năm canh thìn (1400) Hồ Quý Ly ép vua Trần Thiếu Đế nhường ngôi. Dân gian truyền lại rằng khi Hồ Quý Ly tiếm quyền xong. Quý Ly đã bắt Trần Thiếu Đế lúc đó Thiếu Đế năm tuổi đem nhốt vào động Ngọc Thanh thuộc dãy núi An Tôn (Núi Làng Thượng). Hồ Quý Ly đã cho hai người con gái gọi là nàng hầu cùng ở trong hang để chăm sóc Trần Thiếu Đế và hai nàng hầu đã chết trong hang này. Sau khi chết xác hai người con gái không được chôn cất mối đã đùn lắp thành hai nấm mồ. Cái chết của hai người con gái (2 nàng hầu) đã được trời phù hộ nên rất thiêng. Nhiều người đã tới nơi đó hương khói để tỏ lòng tiếc thương và cầu mong điều lành.

        Còn về Trần Thiếu Đế cũng đã chết trong động này, sau khi Thiếu Đế chết Hồ Quý Ly cho lập đền thờ ngay tại đó. Đền được đặt trên sườn núi bằng phẳng có đường lên xuống dễ dàng. Đây là ngôi đền rất nhỏ, lòng Đền được cuốn vòm chỉ đặt được bát hương và khay đồ lễ. Do việc khai thác đá bừa bãi hiện nay Đền không còn.

          Làng Thọ Đồn xưa có tên là Thọ Sơn Trang hay Trang Thọ Sơn (trang, ấp là những đơn vị hành chính cơ sở). Thọ Sơn nằm trên một quả đồi, lại sát với dòng sông Mã (bên tả ngạn) cách Thành An Tôn (thành Hồ chỉ 1 km.

Thời Nhả Hồ Thọ Đồn là nơi tập luyện của binh lính, phía đông làng Thọ Đồn vẫn còn 1 dãy thành đất khá cao và dài, dân địa phương gọi là “gò súng bắn”. Trong làng có cống đá là nơi Hồ Quý Ly cho xây cống trên đường vận chuyển đá từ sông Mã vào để xây thành, dưới mặt đường còn nền đá và 2 bên đường còn bỏ lại nhiều tảng đá to và những viên bi đá có kích thước khác nhau. Có bãi lò rèn là khu vực trước kia có nhiều lò rèn đúc vũ khí, đinh đóng thuyền…dưới triều Hồ.

3. Về các Di Tích được xếp hạng

         Nhìn chung các làng trên đất Vĩnh Yên thuộc làng cổ nên có nhiều đền, nghè thờ các thần linh. Sau này sang Triều Nguyễn (1802 – 1945) các làng đều xây đình làng. Đình làng là một trong những quy định để nhà nước lúc bấy giờ công nhận tụ điểm dân cư đó là một đơn vị hành chính làng, như đã nói ở phần văn hóa truyền thống. Đình làng là nơi làm việc của hội đồng Hương Lý, là nơi hội họp toàn dân và địa điểm tổ chức hội làng hàng năm, nơi thờ Thành Hoàng làng (thờ trong hậu cung). Với vị trí, chức năng của Đình làng rất quan trọng, nên trước hết điểm làm Đình là phải ở chỗ trung tâm và phải là địa điểm đẹp nhất của làng. Đình làng được làm theo kiểu nhà truyền thống của nhân dân, nhưng phải là cột to, gỗ tốt.

          Các ngôi Đình của Vĩnh Yên đều là đình to, 2 vì đốc và các vì kèo, kẻ bẩy đều được chạm trổ tinh vi, với hình mặt hổ phù, rồi những Long, Ly, Quy, Phượng và Tùng, Cúc, Trúc, Mai. các con vật, hoa lá…

         Các hiện vật, các đồ tế khí ở đình, nghè như long, ngai, bài vị, kiệu Long Đình, kiệu bát cống, được chạm trổ tinh xảo và sơn son thiếp vàng. Đặc biệt trong các Nghè, Đình ở Vĩnh Yên còn giữ được một số sắc phong của các triều đại phong kiến.

           Xã Vĩnh Yên còn có những di tích được xếp hạng như sau.

3.1- Nghè Đồn.

         Nghe đồn là Nghè của làng Thọ Đồn. Nghè tọa lạc trên đỉnh núi Ngưu Ngoạ, cảnh trí nơi đây thật hữu tình, có núi, có sông, có đồng lúa, có đồng màu quanh năm xanh tốt. Theo truyền lại buổi đầu Nghè được làm bằng tranh, tre, nứa, lá để thờ Long Vương Tôn Thần vào cuối thế kỷ thứ XV dân làng mới xây dựng ba gian nhà ngói thay nhà tranh. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, sửa chữa hiện nay Nghè có năm gian, chiều dài 13,6mét, chiều rộng 8mét, tổng diện tích là 108.8 m2. Cửa bức bàn. Cột nhà bằng gỗ, riêng dãy cột ngoài hiên bằng đá được đục đẽo vuông vức. Xà nhà và kẻ bẩy được chạm trổ tinh xảo. Hậu cung hai gian với diện tích 30,6 m2.

         Hiện trên thượng lương nghè ghi dòng chữ hán như sau: “Hoàng Triều Bảo Đại thập bát liên tuế thứ Quý mùi tứ nguyệt sơ nhất nhật Nhâm Tuất ngọ thời hoàng tu chuẩn trụ thượng lương đại cát” dịch nghĩa: “Vào triều vua Bảo Đại năm thứ 18 tức năm Quý Mùi (1943) sau khi tu sửa các cổ cột gỗ xong ngày mùng 1 tháng 4 giờ tốt bỏ thượng lương”. Như vậy Nghè được sửa chữa lần gần đây nhất là vào nam Quý Mùi 1943. Đặc biệt Nghè Đồn còn lưu giữ được một nguyên bản sắc phong do nhà vua ban phong tặng cho thần Long Vương vào năm 1740 (tức là vào năm Cảnh Hưng thứ nhất) và một cuốn sách Hán nôm cổ có 22 trang được làm bằng giấy gió, chữ viết bằng mực tầu chân vương, cuốn sách chép lại nội dung của mười một sắc phong. Cách chép của sách như sau: Chép theo hàng dọc từ trên xuống dưới, lần lượt từ trái sang phải, trang đầu chép về nội dung (chính văn) của đạo sắc phong, trang tiếp theo chép niên đại của từng sắc phong.

          Ở làng Thọ Đồn trước đây còn có hai ngôi nghè nữa, một nghè ở cuối làng thờ thành hoàng bản thổ gọi là thánh nhì, một nghè ở cạnh nhà cả hiện nay thờ Sơn thần Long Hổ thượng tướng quân tôn thần (gọi là Thánh Tam). Nay 2 Nghè trên đã mất, dân làng Thọ Đồn tôn lập bài vị 2 vị thần trên cùng phối thờ trong nghè Đồn; Nghè Đồn được Sở Văn Hóa Thông Tin tỉnh Thanh Hóa ra quyết định số 233/VHQĐ, ngày 20 tháng 9 năm 1993 công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa.

3.2. Đình Phù Lưu

          Theo dòng chữ viết trên thượng lương đình làng Phù Lưu được xây vào niên hiệu Tự Đức tứ niên (tức Tự Đức năm thứ 4 (1851). Thành hoàng làng là Cao Sơn tôn thần. Đình gồm 5 gian 2 dẫy, 4 mái cong đầu đao. Chiều ngang của đình 20.5 m chiều rộng 9.65 m. Đình có diện tích gần 200 m2 đây là Đình thuộc loại lớn ở huyện Vĩnh Lộc. Đình có hậu cung với diện tích 24 m2. 2 nhà giải vũ, chiều dài mỗi nhà là 4.4 m, chiều rộng 1.5 m. Sân đình rộng mỗi bề 24 m.

          Ngày 12 tháng 1 năm 2001 đình làng Phù Lưu được Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa ra quyết định công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật;

3.3. Đình làng Yên Tôn Thượng

          Đình làng Yên Tôn Thượng là ngôi đình cổ được xây dựng từ lâu. đến năm Thành Thái thứ 11(1899) được sửa lại. Thượng Lương có đề “Hoàng Triều Thành Thái, thập thất niên tuế thứ Kỷ Hợi trọng đông thập nhất nguyệt, nhị thập ngũ nhật kiến trụ thượng lương đại cát giữa đông (ngày 22 tháng 11 năm Kỷ Hợi)”;

         Đình gồm 3 gian 2 dãy chiều ngang (chiều dài) 20 m, chiều rộng 10.6 m với tổng diện tích 212 m2.

         Đình có hậu cung chiều dài 4 m, chiều rộng 3.5 m với diện tích là 14 m2.

         Đình làng Yên Tôn Thượng thờ thành hoàng là Đô Bác Trịnh Phủ Quân tôn thần. Trước đây làm có ngôi nghè thờ Cao Sơn tôn thần (gọi là nghè Thượng) từ khi Nghè Thượng mất làng đưa Long Ngai, bài vị Cao Sơn tôn thần thờ ở Đình làng. Một số hiện vật quý còn lại trong đình đó là: Long ngai, bài vị, kiệu long đình và kiệu bát cống, rùa đá với kích thước chiều dài là 1.75m, chiều ngang thân rùa 1,1m. Đặc biệt đình còn lưu giữ được bốn đạo sắc phong của thần Cao Sơn được phong vào các năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), Minh Mệnh thứ 5 (1824),  Thiệu Trị thứ 4 (1844), Tự Đức thứ 5 (1852);

Năm 2001 Đình làng Yên Tôn Thượng được Sở Văn hóa - Thông tin cấp quyết định công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật.

3.4. Đình Yên Tôn Hạ

          Theo các cụ cao tuổi trong làng truyền lại đình làng Yên Tôn Hạ được xây dựng vào đầu thế kỷ 20; Đình nằm trong diện tích đất đai được khoanh vùng bảo vệ là 614 m2, nhưng gồm có 5 gian 2 dãy với chiều dài (chiều ngang) là 18.7 m, chiều rộng 7.7 m, tổng diện tích là 143.99 m2. Đình có hậu cung nhưng đã hạ giải, cấp đất cho bố con nhà ông Diểu làng Phù Lưu trong những năm 70 thế kỷ trước). Đình làng Yên Tôn Hạ cũng như nhiều đình làng khác là nơi làm việc của chức sắc trong làng, nơi tế lễ hội làng hằng năm. Xưa kia làng Yên Tôn Hạ có 3 ngôi Nghè: Đó là Nghè Giếng thờ Cao Sơn tôn thần, nghè thứ 2 là nghè Đồng (ở ngoài đồng) thờ Quản Gia đô Bác Trịnh Phủ thuần quân, Nghè thứ 3 gọi là Nghè dưới (ở phía dưới bến) thờ Ngọc Nữ tôn thần.

          Hàng năm lễ Kỳ Phúc mùng 3 tháng 3 âm lịch là ngày lễ to nhất của làng. Ngày lễ kỳ phúc dân làm tổ chức rước kiệu, rước long ngai, bài vị của thần ở các nghè về đình tế lễ.

         Từ khi các ngôi nghè trong làng mất (do thời gian nắng mưa tác động hoặc bị hạ giải) làng lập bài vị, bát hương tại đình để thờ. Năm 2009 đình làng Yên Tôn Hạ được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định Công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

3.5. Đình làng Mỹ Xuyên

          Theo báo cáo lý lịch về đình Mỹ Xuyên của Ban Văn Hóa làng Mỹ Xuyên thì Đình làng được xây dựng vào Triều Nguyễn (nhưng không nhớ rõ năm nào và đời vua nào).

          Đình được cấu tạo (xây dựng) 5 gian 2 dãy, chiều dài (chiều ngang) nền đình là 17.6 m, chiều rộng 8.55 m, với diện tích 150.48 m2  Nghệ thuật chạm trổ được tập trung vào 6 vì kèo, xà lòng, xà nách, kẻ bẩy, kể hiên. Hậu cung của đình gồm 1 gian làm bằng gỗ với diện tích 21.8 m2 nhưng đã hạ giải.

          Năm 210 ông Vũ Mai Hồ một người con quê hương Mỹ Xuyên đã xuất tiền xây dựng hậu cung đình làng. Hậu cung được xây bán kiên cố, 4 mái, mái lợp ngói mũi;

         Sân đình chiều dài 20 m, rộng 11.7 m,  với diện tích là 219.3 m2;

         Đình Mỹ Xuyên thở Thành Hoàng làng là thần Vũ Minh - thần là người lập ra trang Mỹ điềm tức là làng Mỹ Xuyên ngày nay

         Trước kia làng Mỹ Xuyên có Đền Tây thờ Hoàng Nghi Tôn thần, Đền Đông thờ Minh Linh đôn thần, hiện tại các đền thờ thần trong làng không còn, làng lập bài vị các thần rước về Đình phối thờ cùng với Thành Hoàng làng;

         Năm 2010 Đình Mỹ Xuyên được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật./.

Nguồn lịch sử xã Vĩnh Yên năm 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét