XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

MƯỜI MỘT ĐỊNH LUẬT CAY ĐẮNG RÚT RA ĐƯỢC TRONG LỊCH SỬ 5000 NĂM CAI TRỊ CỦA TRUNG QUỐC

1. Định luật đũa ngà voi (Tượng nha khoái, 象牙筷): Chỉ kẻ lên cầm quyền bắt đầu sa đọa, phung phí, trác táng… Câu chuyện kinh điển: vua Trụ tại vị không bao lâu thì lệnh cho làm cho họ đôi đũa ngà voi. Hiền thần Cơ Tử thấy thế lo lắng nói, “đũa ngà voi không thể đi cùng đồ sành sứ, phải đi cùng chén tê giác, ly bạch ngọc. Ly ngọc không thể chứa lương thực rau dại, chỉ để dùng sơn hào hải vị. Dùng sơn hào hải vị không thể mặc đồ sơ sài, ở nhà tranh, phải mặc gấm vóc, đi kiệu hoa, ở nhà lầu. Trong nước không thỏa mãn được, phải ra ngoài tìm kiếm báu vật quý hiếm. Thần lo thay cho người.”

2. Định luật thỏ chết chó hầm (thỏ tử cẩu phanh, 兔死狗烹): Sau khi tận tâm cống hiến hết sức lực cho kẻ thống trị thì bị kẻ thống trị giết bỏ. Câu chuyện kinh điển: Việt Vương Câu Tiễn vì báo thù rửa hận, nằm gai nếm mật, tinh thần thật phi thường. Nhưng phẩm cách của Việt Vương Câu Tiễn rất tệ. Trong tình hình gian khổ tột cùng đã có hai công thần giúp ông ta, nhưng sau khi thành đại nghiệp thì một người bị giết chết, một người phải tháo chạy thoát thân

3. Định luật bao vây [xu nịnh] (bao vi, ): Một người đứng đầu (vua chúa…) luôn có vài người bao vây xung quanh nịnh hót, hệ quả là làm cho người này ngày càng ngu đần, có xu thế biến thành gần như con rối. Đây là định luật bao vây, diễn ra thường xuyên trong lịch sử Trung Quốc. Câu chuyện kinh điển: Trong “Xuất sư biểu”, Gia Cát Lượng đã luận về hưng vong của thiên hạ, “thân cận bề tôi tài đức, tránh xa tiểu nhân, thời Tiên Hán hưng thịnh nhờ thế; thân tiểu nhân, xa bề tôi tài đức, thời Hậu Hán bại suy vì vậy.” Tuy gian thần và tiểu nhân bị người người khinh bỉ, nhưng chúng lại chiếm giữ vị thế quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, quyết định hưng vong của một triều đại

4. Định luật dè chừng kẻ thù (thù giới, 敌戒): Nghĩa là bản thân chỉ mạnh mẽ hơn nhờ lòng cảnh giác, tranh đấu với kẻ thù

5. Định luật bè đảng (bằng đảng, 朋党): Tình trạng kéo kết bè phái làm sụp đổ triều đại

6. Định Luật Hoàng Tôn (黄宗): Dựa vào tổng kết của nhà tư tưởng triều Thanh là Hoàng Tông Hy (黄宗羲, 1610-1695), theo đó trong lịch sử Trung Quốc, vấn đề cải cách thuế khóa diễn ra liên miên, nhưng qua mỗi lần cải cách, sau khi người nông dân được hưởng mức thuế hạ thấp một thời gian thì lại chịu một mức khác cao hơn lúc trước cải cách

7. Định luật xử trảm năm đời (五世而斩): Công danh sự nghiệp của một người có ảnh hưởng đến nhiều đời sau (7).

8. Định luật quyền lớn hiếp chủ: Lịch sử Trung Quốc hàng ngàn năm luôn có khởi đầu và kết thúc theo kiểu “quyền lớn hiếp chủ” làm suy sụp triều đại: con Sở Thành Vương (楚成王, ?-626 TCN) ép Sở Thành Vương tự sát; công tử Quang của nước Ngô phái thích khách Chuyên Chư (专诸, ? – 515 Tr.CN) hành thích Ngô vương Liêu thành công và lên ngôi vương, tức Ngô vương Hạp Lư; thời Tây Hán có Vương Mãng soán ngôi, thời Tấn có loạt bát vương, do tám vị vương họ Tư Mã thuộc hoàng tộc nhà Tây Tấn gây ra từ năm 291 tới năm 306, làm nhà Tây Tấn suy yếu và khởi nguồn của loạn Ngũ Hồ Thập lục quốc của các tộc người tại Trung Nguyên dẫn đến sụp đổ nhà Tây Tấn; thời Tam Quốc có Tào Tháo… Triều Thanh (cuối thời Phong kiến Trung Quốc), Viên Thế Khải lộng quyền, đánh dấu hồi kết của vương triều này

9. Định luật da lông (皮毛): từ sau khi Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn nho”, giới trí thức Trung Quốc biến thành “lông”, chỉ còn làm phụ họa cho người chủ/lãnh đạo (da), họ không còn tư tưởng độc lập, đánh mất chính mình;

10. Định luật Chính quyền từ báng súng: Chỉ Trung Quốc không có dân chủ, lịch sử Trung Quốc thường chỉ dựa vào đấu tranh vũ trang để giành chính quyền (10).

11. Định luật Trên dưới làm nhau cùng ngu:

Trong lịch sử, bất kể “chính sách ngu dân” hay “đối sách ngu quân” đều có được “thành công” nhất định. Loại “thành công” này quả là nỗi đau xót của nước, nỗi xót xa của dân. Lỗ Tấn tiên sinh từng nói: “Xảy ra ngu dân là hệ quả của chính sách ngu dân.” “Chính sách ngu dân” sinh ra ra hàng loạt dân ngu, họ không thể biết được sự thật, trong tình trạng thông tin không có ứng đối, ngày ngày chỉ nghe được những lời dối trá, lời nói dối lặp đi lặp lại mãi được xem thành sự thật. Sự xuất hiện của vô số dân ngu, ở mức độ nhất định giúp gia cố quyền lực của kẻ thống trị độc tài, nhưng đồng thời lại làm cho toàn xã hội bao phủ trong không khí giả dối, bạo ngược, ngu muội, bạo lực, dễ tạo thành thảm họa mang tính toàn quốc.
Cuối đời nhà Thanh, do ảnh hưởng của chính sách bài ngoại mù quáng của triều đình nhà Thanh, các dân ngu thành lập Nghĩa Hòa Đoàn, mê tín vào công phu Trung Quốc, cho là vũ khí [nước ngoài] không làm gì được, rêu rao giúp Thanh diệt ngoại bang, ngăn chặn văn minh bên ngoài. Điều này cũng tương tự cảnh người dân Iraq thề bảo vệ Saddam Hussein, quyết chiến đến cùng với quân Anh và Mỹ. Từ Hy Thái Hậu (1835 – 1908) cũng bị dân ngu lừa gạt, cứ thế tin theo, ngang tàng tuyên chiến với 11 nước mạnh nhất thế giới, mong ngóng Nghĩa Hòa Đoàn diệt ngoại bang, trừ đại nạn. Nhưng rồi chỉ cần tám nước liên kết tổ chức đội quân có 20.000 người, đổ bộ lên từ Thiên Tân, không bao lâu đã đánh đến Bắc Kinh, Từ Hy Thái Hậu và Hoàng đế Quang Tự phải tháo chạy. Đây gọi là “quốc nạn Canh Tý” nhục nhã trong lịch sử Trung Quốc.

Thực tế, ở thời hậu toàn trị, chế độ chuyên chế làm toàn xã hội cùng ngu, từ trên xuống dưới, dối trá trở thành dầu bôi trơn duy trì hoạt động của xã hội toàn trị. Kẻ thống trị độc tài xa rời dối trá thì không thể duy trì được quyền lực; quốc dân không dối trá thì khó bề tồn tại. Trên dưới cùng ngu làm xã hội Trung Quốc chìm trong bể che giấu và lừa bịp, không thể tự thoát khỏi.

Đã đăng trên Văn Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét