XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2023

HỌ MẠC HÀ TIÊN: THAM VỌNG THÂU TÓM TOÀN BỘ VỊNH XIÊM LA

Họ Mạc Hà Tiên từ lúc thành lập và suy tàn chỉ ngót một thế kỷ, trải qua hai đời Tổng binh là Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ, nhưng đã xây dựng được một thành trấn rất hùng mạnh đương thời, phía tây áp chế cả Chân Lạp và Xiêm La. Nếu như những ý định của họ Mạc hoàn thành, biết đâu cương thổ Việt Nam đã vươn đến tận Băng Cốc cũng không chừng.
Nguồn gốc họ Mạc Hà Tiên
Thế kỉ 17, sau khi nhập quan, nhà Thanh tăng cường đàn áp người Hán và các phong trào phản Thanh phục Minh. Thần tử cũ nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cử đi khai khẩn đất Đồng Nai, Mỹ Tho. Còn Mạc Cửu thì đáp thuyền vào Mường Khảm, Chân Lạp, tiến hành xây dựng thế lực riêng.
Bôn ba thuở đầu
Với chủ trương để cho dân khai hoang tự do, không thu tô thuế, chỉ đứng ra tổ chức mua sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Mạc Cửu đã quy tụ dân cư đến Mường Khảm ngày càng đông. Ghe thuyền tứ xứ, kể cả nước ngoài đến mua bán tấp nập.
Nhưng sự thịnh vượng nhanh chóng đã khiến cho đất này gặp tai họa. Trong khoảng năm 1687 – 1688, quân Xiêm vào cướp phá Mường Khảm, bắt Mạc Cửu đưa về Xiêm ở Vạn Tuế Sơn. Sau đó, ông trốn về Lũng Kỳ (Lũng Cả), tiếp tục quy tụ dân xiêu tán, nhưng do địa thế chật hẹp, khoảng năm 1700, ông trở về Phương Thành (Hà Tiên).
Quy phục chúa Nguyễn, lập trấn Hà Tiên
Hai lần tay không gầy dựng cơ đồ, Mạc Cửu nhận thấy muốn tồn tại phải nương nhờ vào một thế lực đủ mạnh. Sau khi cân nhắc, năm 1708, Mạc Cửu cùng thuộc hạ là Lý Xá, Trương Cầu đem lễ vật đến xin thần phục chúa Nguyễn.
Chúa Nguyễn Phúc Chu chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Mạc Cửu tiến hành xây dựng dinh ngũ và đóng binh tại Phương Thành (Hà Tiên), chiêu tập dân cư đến khai hoang, lập ấp.
Tham vọng thâu tóm vịnh Xiêm La của Mạc Thiên Tứ
Đến thời con ông, Mạc Thiên Tứ đã tiếp tục công nghiệp mở mang lãnh thổ, để quyền lực Hà Tiên bao trùm khắp vùng Thủy Chân Lạp.
Năm 1756, quốc vương Chân Lạp là Nặc Nguyên uy hiếp người Côn Man (người Chiêm Thành di cư sang Chân Lạp), nhưng bị tướng Nguyễn Cư Trinh đánh bại, phải chạy sang Hà Tiên nương nhờ họ Mạc.
Mạc Thiên Tứ dâng thư lên chúa Nguyễn, nói Nặc Nguyên có ý muốn dâng đất Tầm Bôn, Lôi Lạp để chuộc tội. Chúa Nguyễn đồng ý và cho người hộ tống Nặc Nguyên về nước.
Năm 1757, Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận làm giám quốc, từ lâu có ý muốn làm vua Chân Lạp, liền dâng hai xứ Preah Trapeang và Basac (tức vùng Trà Vinh, Ba Thắc). Sau đó, Nặc Nhuận bị con rể giết chết cướp ngôi. Con trai là Nặc Tôn chạy sang cầu cứu Hà Tiên.
Mạc Thiên Tứ đứng ra sắp xếp, xin chúa Nguyễn cho Nặc Tôn làm vua Chân Lạp. Chúa Nguyễn thuận và sai Mạc Thiên Tứ cùng tướng sĩ năm dinh hộ tống đưa Nặc Tôn về nước. Để tạ ơn, Nặc Tôn dâng Tầm Phong Long (vùng đất giữa Sông Tiền và Sông Hậu) cho chúa Nguyễn.
Riêng họ Mạc, Nặc Tôn dâng năm phủ Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Linh Quỳnh để đền ơn giúp đỡ. Mạc Thiên Tứ đem hết đất ấy dâng cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cho sát nhập vào Hà Tiên trấn, giao cho họ Mạc cai quản. Mạc Thiên Tứ lại lập thêm hai đạo: xứ Rạch Giá là Kiên Giang đạo, xứ Cà Mau là Long Xuyên đạo, đặt quan cai trị, chiêu lập dân ấp.
Như vậy, toàn bộ Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện tại, kéo dài đến 2 tỉnh Takéo và Kampot thuộc Campuchia ngày nay, đều nằm dưới quyền quản lý của Đàng Trong.
Năm 1767, quân Miến Điện tiến chiếm Xiêm La bắt được vua Xiêm là Phong vương (Ekkathat) và con là Chiêu Đốc, thiêu hủy thành Ayutthaya, nhưng sau đó phải rút về vì Miến Điện bị Trung Quốc tấn công.
Hai người con của Phong vương là Chiêu Xỉ Khang chạy thoát sang Chân Lạp và Chiêu Thúy sang Hà Tiên lánh nạn. Sau đó, Trình Quốc Anh (vốn là người Hoa gốc Triều Châu khởi binh chống lại quân Miến rồi tự xưng vương năm 1768.
Trình Quốc Anh (Taksin) tổ chức lại lực lượng, chiêu mộ rất nhiều hải tặc gốc Hoa đang hoạt động trong Vịnh Thái Lan để tăng cường lực lượng. Trình Quốc Anh muốn triệt hạ uy lực của gia đình Mạc Thiên Tứ tại Hà Tiên vì đó là một đe dọa và là địch thủ lợi hại cho uy quyền của ông.
Năm 1769, quân Khmer dưới sự chỉ đạo của một cướp biển người Triều Châu tên Trần Liên đổ bộ lên cướp phá Hòn Đất, rồi kết hợp với hai gia nhân của Mạc Thiên Tứ (Mạc Sung và Mạc Khoán), tiến đánh Hà Tiên.
Hai gia nhân làm phản và một số lớn cướp biển Khmer bị Thiên Tứ giết chết, Trần Liên thoát được chạy sang Xiêm La tị nạn. Lợi dụng cơ hội này Mạc Thiên Tứ chuẩn bị đưa hoàng tử Chiêu Thúy về Xiêm La đoạt lại ngôi báu. Ông cho luyện tập binh mã rồi mang quân ra chiếm lại Hòn Đất (1770) và chuẩn bị tiến công Xiêm La.
Tham vọng dở dang của Mạc Thiên Tứ
Giữa năm 1771, nhận thấy những đám cướp biển không đánh lại Mạc Thiên Tứ, Trình Quốc Anh dùng Trần Liêm làm hướng đạo, đích thân chỉ huy đạo quân 20.000 người tiến chiếm Hà Tiên.
Trình Quốc Anh đánh bại Mạc Thiên Tứ, cho thiêu rụi thành phố, chiếm tất cả các đảo lớn nhỏ quanh Hà Tiên, mang về rất nhiều vàng bạc. Con cháu, hầu thiếp và người con gái út của Mạc Thiên Tứ bị Trình Quốc Anh bắt sống đem về Bangkok. Mạc Thiên Tứ cùng các con trai phải rút về Rạch Giá, cho người về Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn.
Như vậy, kế hoạch phát triển quyền lực sang đất Xiêm của Mạc Thiên Tứ xem như phá sản. Sang năm 1772, chúa Nguyễn đem quân giải vây cho Hà Tiên, tuy đất đai thu về toàn vẹn, nhưng binh lực của Hà Tiên đã bị hủy hoại nghiêm trọng.
Cùng lúc này, Tây Sơn khởi nghĩa ở Quy Nhơn, nhanh chóng khuếch trương thế lực. 5 năm sau, chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn bắt giết, triều đình chúa Nguyễn tan tác khắp nơi. Không hẹn mà gặp, họ Nguyễn và họ Mạc cùng lâm vào cơn nguy khốn. Thiết nghĩ, nếu kế hoạch Tây tiến của họ Mạc thành công, biết đâu cương thổ Việt Nam ta đã sang đến Băng Cốc cũng không chừng!
Thành Châu (Sưu Tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét