XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

HÀ NỘI PHỐ - THƠ PHAN VŨ

 

Hà Nội - phố

Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Phan Vũ

Gửi những người Hà Nội đi xa

 

1. Em ơi! Hà Nội - phố!

Ta còn em mùi hoàng lan.

Ta còn em mùi hoa sữa.

Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?

Cọt kẹt bước chân quen.

Thang gác thời gian

Mòn thân gỗ.

Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...

 

Ta còn em chấm lửa

Điếu thuốc cuối cùng,

Xập xoè.

Kỷ niệm...

Một con đường

Một ngôi nhà

Khuôn mặt ai

Dừng trong khung cửa...

Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ

Không tên người,

Không tên phố.

Người gửi không tên.

Ta còn em chút vang động lặng im,

Âm âm tiếng gọi

Trong lòng phố...

 

2. Em ơi! Hà Nội - phố

Ta còn em một gốc cây,

Một cột đèn.

Ai đó chờ ai?

Tóc cắt ngang

Xoã xoã bờ vai,

 

Khung trời gió.

Con đường như bỏ ngỏ...

 

Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ

Thoáng qua...

Khuôn mặt chưa quen.

Bỗng xôn xao nỗi khổ.

Mỗi góc phố một trang tình sử

 

3. Em ơi! Hà Nội - phố!

Ta còn em rì rào hạt nhỏ,

Cơn mưa chợt đến trong chùm lá

Vòm trên cao chuông hồi đổ,

Nhà thờ Cửa Bắc,

Tan chiều lễ

Kinh cầu còn mãi ngân nga...

 

Ta còn em đôi mắt buồn

Dõi cánh chim xa.

Trên hè phố

Gã Trương Chi ôm ghi ta.

Ngước lên cửa sổ,

Có một ngày...

Trống không ô cửa.

Tiếng hát Trương Chi.

Ngợi số nhà...

 

Ta con em chuyến tàu khuya

Về muộn

Vào ga...

 

4. Em ơi! Hà Nội - phố

Ta còn em quả bóng lăn,

Một mình,

Trên sân cỏ.

 

Cơn mưa đầy

Những hố sâu trước cửa,

Chiếc thuyền giấy lang thang

Không bến đỗ

Thằng bé qua tuổi thơ vội vã,

Chợt ngẩn ngơ

Với bóng nước lung linh!

Bầu trời.

Khoảng lạ!

 

Ta còn em cánh cửa sắt

Lâu ngày không mở.

Nhà ai?

Qua đó, nao nao nhớ tuổi học trò...

 

Dàn thiên lý đã chết khô!

Năm xưa,

Những chùm hoa,

Thơm hò hẹn.

Cuộc tình đầu ngọt lịm.

Nụ hôn còn xanh mãi trên môi...

 

5. Em ơi! Hà Nội - phố

Ta còn em chuỗi cười vừa dứt

Chút nắng vàng le lói vườn hoang,

Vàng ngọn cỏ.

Cô gái khẽ buông rèm cửa,

Anh chàng lệch mũ đi qua,

Lời tỏ tình đêm qua dang dở...

 

Ta còn em ngày vui cũ,

Tàn theo mùa hạ.

Tiếng ghi ta bập bùng tự sự,

Đêm kinh kỳ thủa ấy xanh lơ...

 

6. Ta còn em tiếng tích tắc

Chiếc đồng hồ quả lắc già nua

Đếm thời gian theo nhịp đong đưa,

Những tiếng quen

Ngán ngẩm,

Mệt nhoài...

 

Căn phòng trống bỗng mênh mang bóng lẻ.

Nửa đêm đành mở cửa ra đi,

Những bước liêu xiêu,

Miền u tịch dọc dài,

Hàng soan nghiêng,

Lá đổ.

Tiếng mõ từ ngôi chùa,

Ẩn trong tận cùng hẻm phố...

 

Ta còn em ánh đèn mờ đầu ngõ

Sáng màu hoa đỏ

Bên gốc gạo

Lao xao cười nói, mời chào,

Xe cộ nổi còi hối hả...

 

Buổi chợ chiều trên phố vừa tan

Chợ đêm giữa kinh đô họp muộn...

Những kẻ nghèo khuya thức,

Đợi tinh mơ lại mở chợ ngày.

 

7. Em ơi! Hà Nội - phố...

Ta còn em vầng trăng nửa,

Người phu xe đợi khách bến đầu ô.

Tiếng rao đêm lạc giọng

Ơ hờ...

Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ

Lão Mozart hàng xóm

Bảy nốt cù cưa.

Từng đêm quên giấc ngủ...

 

Ta còn em tiếng dương cầm.

Trong khung nhà đổ

Lả tả trên thềm

Beethoven và sonate Ánh trăng.

Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ...

 

Cô gái áo đỏ venise

Xa Hà Nội,

Vẽ clavecin

Tập đàn

Trên phản gỗ...

 

Ta còn em những tràng pháo tay vang dậy.

Đêm lộng lẫy!

Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,

Nước mắt lã chã trên áo đỏ.

 

Rồi một ngày tả tơi,

Loạn gió.

Vườn Ngọc Hà

Mùa hoa cánh rã,

Đường Quán Thánh.

Bản giao hưởng Lặng câm

Trong một ngôi nhà...

 

Ta còn em một đam mê.

Một vật vã,

Một dang dở,

Một trống không,

Một kiếp người,

Những phìm đàn long...

 

8. Em ơi! Hà Nội - phố

Ta còn em khuya phố mênh mông.

Vùng sáng nhỏ.

Bà quán ê a chuyện nàng Kiều.

Rượu làng Vân lung linh men ngot.

Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa...

 

Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ.

Cơn say quá dài thành một cơn mê...

 

9. Em ơi! Hà Nội - phố

Ta còn em tiếng hàng ngày.

Reo vang đường phố.

Lanh canh! Lanh canh!

Tia hồ quang chớp xanh.

Toa xe điện lên đèn.

Người soát vé áo bành tô sờn rách...

 

Lanh canh! Lanh canh!

- Ai xuống Bờ Hồ!

Ai đi Mơ! Ai lên Bưởi!

 

Lanh canh! Lanh canh!

Một đời cơ nhỡ.

Trăm ngày ngược xuôi

Đầm đìa nước mắt.

Aó vã mồ hôi.

Bơ gạo mớ rau...

Mẹ về buổi chợ

Lanh canh! Lanh canh!

Lá bánh, củ khoai.

Đàn con trên bến đợi.

Cuối ngày...

 

10. Em ơi! Hà Nội - phố!

Ta còn em ráng đỏ chiều hôm.

Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.

Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá

Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa....

 

Ta còn em Cổ Ngư, tên thật cũ,

Nắng chiều phai

Là đà, cành phượng vĩ,

Bông hoa muộn in hình ngọn lửa...

 

Chiếc lá rụng.

Khởi đầu ngọn gió.

Lao xao sóng biếc Tây Hồ.

Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?

Những bước chân tìm nhau

Vội vội.

Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...

 

11. Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm

Thoáng mùi sen nở muộn.

Nhớ Nhật Tân.

Mùa hoa năm ấy.

Cánh đào phai...

 

Người dẫu ra đi vạn dặm dài.

Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ...

 

12. Em ơi! Hà Nội - phố...

Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh

Sũng ướt bậc thềm.

Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.

Cô gái băng qua đường bỗng hồng đôi má.

Một chút xanh hơn

Trời Hà Nội.

Hôm qua...

 

Ta còn em cô hàng hoa

Gánh mùa thu qua cổng chợ.

Những chùm hoa tím

Ngát

Mùa thu...

 

13. Em ơi! Hà Nội - phố...

Ta còn em con đê lộng gió.

Dòng sông chảy mang hình phố.

Cô gái dựa lưng bên gốc me già.

 

Ngọn đèn đường lặng thinh

Soi bờ đá...

 

Ta còn em mùa nước đổ

Sông Hồng mất tăm bãi Giữa,

Bè xuôi, không ghé bến

Con tàu nhổ neo về biển.

Hồi còi vọng

Như một tiếng than dài

- “Mùa này trăng vỡ trên sông”

 

Ta còn em hàng cây khô,

Buồn như dãy phố.

Người bỏ xứ

Quay nhìn lần cuối.

Hạt sương tan,

Nhoè nhoè đuôi mắt.

 

“Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thực!”...

Lữ khách khẽ ngâm câu Tống biệt

Đành đoạn một lần dứt áo xanh...

 

14. Em ơi! Hà Nội - phố...

Ta còn em một Hàng Đào.

Không bán đào.

Một Hàng Bạc.

Không còn thợ bạc.

Đường Trường Thi

Không chõng, không lều.

Không ông Nghè bái tổ vinh qui...

 

Ngày đi,

Một nỗi mang tên nhớ.

Ngày về phố cũ bỗng quên tên.

Quên bậc đá,

Quên mái hiên.

Quên cây táo trồng ngay trước cửa.

Thưở ấu thơ thoả thích leo trèo...

 

Ngày về,

Ra rả tiếng ve,

Võng trưa hè kẽo kẹt,

- “À ơi! tùng tùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền

Nước mắt như mưa...”

Bài tập đọc

Quốc văn giáo khoa thư

Bà ru cháu ngủ...

Người về sững sờ bên cánh cửa,

Tiếng ru hời!

Gọi lại mảnh đời quên...

 

15. RIÊNG VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

 

Sân ga Hàng Cỏ.

Tuổi mười tám trong hàng quân,

Năm khởi chiến.

Thề ra đi

Không trở về khi giặc chưa yên!

Cô gái Hà Nội trong đám đông đưa tiễn

Gửi chàng trai một bó hoa,

Và một nụ hôn.

 

Đoàn tàu chở đoàn quân về phía Nam

Vào trận đánh

Chở theo dãy phố,

Chở những con đường,

Chở nguyên Hà Nội nhớ,

Những bó hoa và cả vết môi hôn...

 

Khi khai trận

Anh lính trẻ bỗng bàng hoàng,

Thật bất ngờ khi súng nổ.

Và bỡ ngỡ,

Như đầu đời vừa nhận nụ hôn...

 

16. Em ơi! Hà Nội - phố.

Ta còn em chiếc xe hoa

Qua hàng liễu rủ

Cánh tay trần trên gác cao

Mở cửa.

Mùa xuân trong khung

Đường phố dài

Chi chít chồi sinh

Màu ước vọng in hình xanh nõn lá

Giò phong lan.

Điệp vàng rực rỡ.

Những gót son dập dìu đại lộ

Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?

 

Ta còn em tiếng trống tan trường.

Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ

Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ.

Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa.

Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.

Bậc thềm nào in dấu hài hoa?

 

17. Em ơi! Hà Nội - phố

Ta còn em đường lượn mái cong

Ngôi chùa cổ.

Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.

Ai còn ngồi bên gốc đại già?

Chợt quên vườn hồng đã ra hoa.

Chợt quên bên đường ai đứng đợi...

Cuộc đời có lẽ nào.

Là một thoáng bâng quơ!

 

Ta còn em một cuộc tình

Như một bài thơ.

Mỗi nỗi đau gặm mòn thêm phận số.

Nhật ký sang trang ghi thêm nỗi nhớ...

 

18. Em ơi! Hà Nội - phố

Ta còn em lô xô màu ngói cũ.

Hiu quạnh

Một ngôi nhà

Oa oa tiếng khóc.

Ngày con ra đời.

Cơn bão rớt bẻ gãy cành đa.

Con vừa lớn...

Chinh chiến gần kề trước cửa.

 

Ta còn em con đường đá

Lát bao niên kỷ?

Cây si kia trồng tự năm nào?

 

Ngày đi,

Qua đò Dâu

Nhìn về bến vắng,

Ruột đau,

Xót mẹ còng lưng gánh buổi chiều!

 

19. Em ơi! Hà Nội – phố

Ta còn em đống kim ngân

Đổ đầy Hàng Mã

Lâu đài, dinh thự

Ngựa, xe, võng, lọng

Gấm, vóc, lụa, là.

Những hình nhân hầu gái

Đẹp như hoa.

 

Ta còn em đống than tro.

Một ngày gió nổi,

Mớ giấy tiền,

Phù du của nả.

Hai cõi âm dương,

Mịt mù bụi phố!

 

20. RIÊNG VỀ MỘT THÁNG CHẠP

Tháng Chạp!

Những tàng cây óng ả sợi tơ hồng.

Tháp chạp thủ thỉ lời hò hẹn.

- “Qua đợt gió cuối mùa...

Ngày mai ta đến với mùa xuân”

Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa.

Đã có tên trong vòng hoa tưởng niệm...

 

Một tháng Chạp trắng khăn sô,

Khói hương dài theo phố.

Một tháng Chạp

Thâu đêm.

Mẹ

Thức.

Hoá vàng...

 

Tháng Chạp con đường ngẩn ngơ,

Dãy phố thành toạ dộ.

Khu trắng không người ở,

Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa,

Lời thề của người bỏ phố:

Còn một đống gạch, còn trở về nhà cũ!

Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ

thí thân cho mất cho còn!

 

Một tháng chạp,

Trên nóc cao, còi hụ,

Cái chết đến tự phương nào?

Cách thủ đô bao nhiêu cây số?

Giọng Hà Nội thật ngọt ngào,

Cô gái loan truyền tin bão lửa:

“Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào...”

 

Một tháng Chạp,

Cây bàng mồ côi mùa đông,

Nóc phố mồ côi, mùa đông,

Mảnh trăng mồ côi, mùa đông.

 

Thang Chạp năm ấy in hình bao mộ phố!

 

21. Em ơi! Hà Nội - phố...

Ta còn em mảnh đại bác

Ghim trên thành cổ

Một thịnh, một suy.

Thời thế.

Lẽ hưng vong.

Người qua đó hững hờ bài học sử...

 

Ta còn em dãy bia đá.

Danh hình hội tụ

Rêu phong gìn giữ nét tài hoa...

 

Ly rượu đầy xin rót cúng cha.

Nghìn lạy cúi đầu thương đất Tổ.

Bến nước nào đã neo thuyền ngự

Đám mây nào in bóng rồng bay?...

 

Ta còn em những giấc mơ lộng lẫy xiêm y.

Nhã nhạc nhịp nhàng,

Vóc dáng cung phi.

Những hào kiệt, những anh hùng,

Vương triều nào cũng có,

Và kẻ cuồng si gọi tên thi sĩ!

Thắp nén hương nhớ người tri kỷ...

 

22. Em ơi! Hà Nội - phố!

Ta còn em năm cửa ô.

Năm cửa gió

Cơn bão những mùa nào qua đó?

Ba mươi sáu phố

Bao nhiêu mảnh vỡ?

 

Ta còn em một màu xanh thời gian.

Màu xám hư vô.

Chợt nhoè.

Chợt hiện.

Chợt lung linh ngọn nến.

Chợt mong manh,

 

Một dáng, một hình.

Nhợt nhạt vàng son.

Đậm đầy cay đắng.

 

Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố,

Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường,

Một mình giữa bóng chiều sa,

Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha...

 

Bầu trời này như của riêng ta!

Nỗi buồn vô cớ luôn rất lạ...

 

23. Em ơi! Hà Nội - phố!

Ta còn em cánh nhạn chao nghiêng,

Chiều cuối.

Những giọt sương nhoà bóng điện,

Mặt nước Hồ Gươm bỗng nhiên trở lạnh,

Thap Rùa ngả bóng,

Lung linh...

Người ra đi mang theo buốt giá,

Áo choàng không ấm thân gầy

Cầm bằng theo cánh chim bay...

 

Người đi tìm khoảng cách để quên,

Nào biết phương xa,

Mài mòn đôi mắt nhớ?

 

24. Em ơi! Hà Nội - phố

Ta còn em mùi hoàng lan.

Ta còn em mùi hoa sữa,

Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya.

Cọt kẹt bước chân quen,

Thang gác thời gian

Mòn thân gỗ,

 

Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...!

 

Hà Nội, tháng Chạp 1972

 

Bài thơ này được sáng tác từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài không được in trong bất kỳ tập thơ nào. Mặc dù vậy, bài thơ được biết đến nhiều qua ca khúc Em ơi, Hà Nội phố do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, và lên sóng phát thanh vào năm 1987 qua giọng ca Lệ Thu. Do không được in trong các tuyển tập nên bài thơ có nhiều dị bản được lưu truyền. Năm 2008, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Phan Vũ - thơ (NXB Văn học). Bản chép ở đây đã được tác giả xác nhận là bản sửa đổi cuối cùng.

 

Đôi lời về bài thơ “Hà Nội - Phố”

 

1. Bài thơ của Phan Vũ viết vào tháng Chạp năm 1972, khi cuộc chiến tranh Mỹ-Việt đang trong giai đoạn cuối, khi sự khốc liệt và chịu đựng trên khắp xứ sở như đã đến mức tột cùng. Huỷ diệt có thể dẫn đến sớm kết thúc cuộc chiến. Bài học về hai thành phố Nhật bản vẫn còn. Có lẽ trong quyết định rải thảm Hà Nội bằng pháo đài bay B52 có mối liên hệ này.

Hà Nội - thành phố nhỏ, nghèo, lặng lẽ, ít màu sắc rực rỡ. Cái sắc màu chính khi đó là màu xanh xám. Màu xanh của rêu tường, màu xanh của áo phòng không.

Viết gửi những người đi xa khi thành phố quê hương đang bị tàn phá khốc liệt, bài thơ của Phan Vũ không có tiếng bom rơi, không có nhà đổ, không có người chết. Chỉ có lời bình thản của những ngày bình an. Giữa sự sống và cái chết, bình thản là một chọn lựa.

 

2. Tuy phân ra nhiều chương, nhưng bài thơ như không có sự khác biệt giữa các chương. Tất cả là cảm xúc của tác giả về phố và người Hà Nội. Ba chữ “Ta còn em” được lặp nhiều lần, mở đầu cho nhiều khổ thơ. Đại từ “em” phải chăng có thể hiểu là phố Hà Nội, là người con gái nào đó ẩn hiện suốt bài thơ? Tác giả, người ở lại trong thành phố bom rơi, như đã hoá thân. Ta còn em... vì không muốn mất và không mất.

Bài thơ nhiều hình ảnh, từng chữ, từng câu được chắt lọc kỹ lưỡng. Nhưng có lẽ điều làm bài thơ thật hay là những câu chữ chắt lọc rất đẹp ấy được viết thật giản dị. Giản dị như nói, như những lời người thân nhắn gửi. Và vì thế mà gửi gắm được tới người đọc, tới người đi xa.

 

3. Thơ có nhạc và nhạc có thơ. Hay vì bản nhạc đã thấm vào lòng mà đọc bài thơ luôn thấy ngân nga tiếng hát. Hay vì bài thơ ngọt ngào mà khi đọc lòng thường cất tiếng hát theo.

 

4. Hà Nội - phố có nhiều câu chữ, nhiều hình ảnh “đắt”, gợi cảm xúc, gợi nhớ về những gì thật riêng của thành phố, những gì thật riêng của mỗi người. Đó là những lời tần ngần về “ngôi sao lẻ”, “chiếc lá lạc”, “mối tình hờ”, “giàn thiên lý chết khô”, “giọt sương nhoà nhoà bóng điện”, tóc “xoã xoã bờ vai”...

Một chút nao nao, một chút bâng khuâng, một chút lung linh.

Về những căn nhà cũ của ba mươi sáu phố phường. Ở Hà Nội, chỉ những nhà đã xây cất từ thời Pháp mới có thang gác bằng gỗ, cũ lắm rồi

 

Thang gác cọt kẹt thời gian

Thân gỗ...

Về Hồ Tây mênh mông mà đứng đâu cũng thấy chiều tan trên mặt nước

Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ.

Những bước chân tìm nhau

Rất vội

Về những mái chùa xưa xiêu xiêu cùng năm tháng

Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương

Ai đó ngồi bên gốc đại

Về tiếng chuông chiều nhà thờ quen thuộc

Chiều tan lễ,

Chuông nguyện còn mãi ngân nga...

Về một cuộc sống còn nhiều vất vả, một thuở xa xưa đã hào hoa

Toa xe điện cuối ngày,

Áo bành tô cũ nát

Lanh canh! lanh canh!

Về say đắm quên cả đất trời

Người nghệ sĩ lang thang hè phố

Bơ vơ

Không nhớ nổi con đường.

Ngay trước cổng nhà mẹ cha

Và khắc khoải của sự sáng tạo vốn không có bến bờ

Những câu thơ, những bức tranh

Đời đời

Lỡ dở...

 

5. Bài thơ thấp thoáng nét kiêu sa của người con gái

Rì rào cơn lốc nhỏ

Gót chân ai qua mùa lá đổ?

để rồi mọi gã trai Hà Nội si tình

Lặng lẽ theo em về phố...

Nhưng nhiều hơn vẫn là những con người của cuộc sống hàng ngày bình dị, là “bà quán” “mê câu chuyện nàng Kiều”, là “cô nàng” mắt “lúng liếng, đong đưa”, là “những chàng trai say suốt mùa”...

 

6. Hà Nội - phố có nhiều câu thơ lạ và đẹp. Lạ nhưng không cố tình làm lạ, và vì thế mà đẹp hơn.

Khuôn mặt chưa quen

Bỗng xôn xao nỗi khổ!

Người ta thường chỉ nói “xôn xao nỗi nhớ”. Nhưng nhớ đã thành khổ là nhớ lắm. Thấy khổ vì người lạ thì chắc đã thầm mong nhiều. Khổ nhưng mong nên mới xôn xao.

Ta còn em tiếng trống tan trường

Áo thanh thiên điệp màu liễu rủ.

Đôi guốc cao mài mòn đại lộ

Guốc gỗ mài mòn được đại lộ bao giờ? Thuở ấy con gái Hà Nội hay đi guốc. Đôi guốc được tác giả hai lần nói đến trong bài thơ

Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá

Bỏ quên guốc bên ghế đá thì phải say sưa lắm, cũng say như “áo qua cầu gió bay”.

Ta còn em cô hàng hoa

Gánh mùa thu

Qua cổng chợ

Hà Nội có nhiều làng trồng hoa, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá, Ngọc Hà... những làng quanh Hồ Tây. Đàn bà, con gái nhà trồng hoa cũng thường là người gánh hoa vào phố bán. Gánh hàng hoa Hà Nội đã đi vào văn học mấy chục năm trước. Gánh gồng là việc nặng, nào có thơ gì. Nhưng “gánh mùa thu” vào phố thì thật là đẹp, thật trân trọng và biết ơn.

Thơ ca hay nói đến Hà Nội với hoa lan, hoa sữa. Cây bàng lại thường đem cho tôi thật nhiều nỗi nhớ về tuổi thơ ở Hà Nội. Lũ trẻ con chúng tôi thường đi chọc hay ném những quả bàng chín vàng ăn ngọt lừ. Rồi hột bàng phơi khô đập lấy nhân ăn béo ngậy. Cây lá xứ mình xanh quanh năm, ít cây như cây bàng lá chuyển màu từ xanh sang đỏ, rồi rụng rồi chỉ còn những cành trơ trụi khẳng khiu run run trong gió bấc (mà tác giả bài hát Hà Nội - phố đã gọi là “cây bàng mồ côi mùa đông”).

Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên

Nhuộm đỏ

Đấy là khi mùa đông đến. Rồi mùa Đông đi qua mùa Xuân tới, khi trời Hà Nội hơi mưa phùn, hơi se se lạnh, cây cối trổ lộc, sẽ thật ấm lòng nhìn thấy cành cành xanh nõn lá non

Chi chít chồi sinh

Màu ước vọng in hình

Và mùa xuân bỗng xôn xao khi qua đường chợt thoáng thấy tay trần con gái trong cửa sổ

Ta còn em cánh tay trần

Mở cửa

Mùa xuân trong khung

 

7. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”...

Tháng chạp năm 1972, sau hai năm đầu đại học ngành toán tôi đã trong quân đội và xa Hà Nội. Đêm đêm trong căn hầm bên bờ Thạch Hãn chúng tôi quây quanh chiếc đài bán dẫn nhỏ ngóng chờ giọng nói thân quen, “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Biết Hà Nội bị B52 đe doạ. Rồi những ngày bỗng không bắt được tín hiệu gì, mở máy chỉ thấy u u. Nhìn về trời đêm phương Bắc xa xăm mà lòng thắt lại...

Hà Nội bé nhỏ đã qua gần một thế kỷ của những xung đột và chinh chiến, của những tàn phá và xây dựng, của những điều làm Hà Nội “đẹp và chưa đẹp”. Trong những ngày khốc liệt ấy, cái “ta còn” trong bài thơ của Phan Vũ là tình yêu bình dị của cuộc sống Hà Nội. Mãi mãi vẫn còn!

 

Hà Nội - phố, Em ơi!

Tháng 12, 1996

Tùng Nguyên

Lộ tòng kim dạ bạch,

Nguyệt thị cố hương minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét