XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

SỰ DỊCH CHUYỂN VÀ BIẾN ĐỔI PHỐ NGHỀ HÀ NỘI

 (Phiên bản có bổ sung từ lời bình cuốn phim tài liệu khoa giáo: Phố nghề Hà Nội trong dòng chảy thời gian- Đài PT- TH Hà Nội. Bài có tính chuyên khảo, khá là dài.)

ẢNH HƯỞNG TỪ SỰ DỊCH CHUYỂN VỀ ĐÔNG CỦA DÒNG CHẢY SÔNG HỒNG

         Sự chuyển dịch dòng chảy dần sang hướng Đông của dòng sông Hồng trong hàng chục thế kỷ, đó  là một trong những yếu tố tự nhiên góp phần làm chuyển dịch những phố nghề, phố hàng của đất kinh kỳ, kẻ chợ Thăng Long Hà Nội trong nhiều thế kỷ.

         Đơn cử như phố Hàng Chĩnh xưa nằm sát bên bờ sông Hồng. Hằng ngày, chum chĩnh, be vại, ang nồi, siêu ấm đất nung từ các làng nghề Hương Canh, Thổ Hà, Phù Lãng xuôi về tấp vào bốc hàng lên đó rất thuận tiện. Nhưng khi dòng chảy sông Hồng dần sang hướng Đông, thì việc bốc dỡ vận chuyện các hàng dễ vỡ ấy lên phố Hàng Chĩnh không còn thuận tiện như trước. Các thuyền gốm sành lại phải ghé vào đoạn phố Hàng Mắm phía dưới, cách phố Hàng Chĩnh độ dăm bẩy trăm thước đường để tập kết hàng. Thế là ngoài việc phố Hàng Mắm xưa có rất nhiều cửa hàng buôn bán đủ các loại mắm từ các thuyền buôn xứ Thanh Nghệ miền Trung đem ra, lại có thêm các cửa hàng bán đồ gốm đất nung thay thế dần cho các cửa hàng trên phố Hàng Chĩnh. Bên cạnh bán chum chĩnh, người phố Hàng Mắm còn bán thêm các loại tiểu sành. Vì thế phố Hàng Mắm có thêm nghề làm bia đá, ảnh khắc đá phục vụ các gia đình lo việc tang lễ

          Nhưng hồn cốt của phố Hàng Mắm vẫn là các cửa hàng bán mắm.Chủ yếu là mắm tôm, mắm cá. Đó là nguồn chất đạm chủ yếu trong các bữa ăn của người Việt truyền thống. Những năm thuộc thập niên 60 của thế kỷ trước, khi tôi còn thơ bé, từ nhà ở đầu phố Nguyễn Hữu Huân (tức phố Bắc Ninh rồi phố Phan Thanh Giản cũ) đi học tại trường Nguyễn Huệ trên phố Hàng Tre, khi đi qua phố Hàng Mắm, vẫn phải chạy thực nhanh vì một đoạn phố vẫn sặc mùi mắm. Rất sợ.  Sau mới hết dần các hàng bán buôn mắm từ khi nào chả rõ.

         Tôi còn giữ tấm băng ghi hình tư liệu về một bà nữ y tá tham gia đội quân Quyết tử Hà Nội thời 60 ngày đêm Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Đó là bà Nguyễn Thị Hạnh. Bà chính là con gái một gia đình cự phú chuyên buôn bán mắm lâu đời nhà ở số 6 phố Hàng Mắm. Sau này bà lấy chồng rồi sinh sống ở ngôi nhà cổ 53 phố Hàng Bạc ngày xưa cũng đã được sinh ra trong một ngôi nhà thuộc phố Hàng Cót, cái thời mà phố vẫn còn đôi ba hàng buôn bán cót. Họ thường trải những tấm cót đan từ nứa tước dài rộng khắp trên hè phố. Bây giờ nhiều bạn trẻ nghe nói đến “cót”, còn chả hiểu “ cót” là gì nữa. Xin thưa, đó là những tấm phên lớn đan từ nứa chẻ. Chúng rất dài rộng. Người nhà nông mỗi mùa gặp thường mua cót về quây thành những chiếc thùng lớn cao ngang đầu người để đựng thóc sau khi gặt đập phơi khô. Cót thường được dùng làm phên che, hay trần nhà cho những ngôi nhà tạm của người nghèo. Sau này, cót thường được dùng lót dưới các tấm bê tông đổ trần trong các ngôi nhà kiên cố. Đôi khi nhà xây lâu ngày, một đôi tấm vữa trần rụng xuống, người ta nhìn lên vẫn thấy các vết hằn chéo qua chéo lại in trên cốt bê tông,  là dâu vết của những tấm cót lót trần cũ.Phố Hàng Muối kế bên thì chả còn hàng muối nào đã lâu, như từng nghe chuyện bà ngoại tôi kể thời trước. Phố Hàng Muối san sát các vựa muối. Muối chất cao quá đầu người. Trời nồm đi dưới lòng phố cứ gọi là nhớp nháp kinh hoàng. Và phố Hàng Tre khi ấy cũng chả thấy còn hàng bán tre nào nữa. Khi xưa thì trên phố toàn những là tre, nứa, bương, vầu ngổn ngang  từ các vùng rừng núi chuyển về cho dân Kẻ Chợ xây nhà, dựng cửa. Phố Hà Nội ngày xưa đa phần là nhà tre lá, gỗ lạt. Người ta còn dùng tre nứa đan bồ, đan cót trên các phố Hàng Bồ, Hàng Cót. khi xưa. Nhà sử học Lê Văn Lan; (Van Lan Le)

https://www.facebook.com/vanlan.le.397?

         Hay như khi xưa phố Hàng Bè chính là nằm bên bờ sông Hồng, tầu thuyền, bè mảng tấp nập suốt đêm ngày. Sau dòng chảy sông Hồng dịch xa, Phố Hàng Bè dần thành bờ bãi, tàu thuyền, bè mảng không còn chỗ ghé lại , một đoạn phố Hàng Bè lại trở thành phố Hàng Cau khô là nơi tập kết buôn bán  cau khô. Sau này, theo thời gian, việc buôn bán cau mai một, do phong tục ăn trầu ở Hà Nội và các vùng ven không còn thịnh hành như trước. Ngày xưa, nhà văn Nhất Linh thuộc Tự Lực Văn Đoàn cũng sinh sống tại một ngôi nhà trên phố Hàng Bè. Bà vợ nhà văn có một cửa hàng buôn bán cau khô rất lớn. Sau năm 1954, gia đình nhà văn chuyển vào Sài Gòn sinh sống và bà vợ nhà văn vẫn giữ nghề buôn bán cau khô tại một cửa hiệu bên cạnh chợ An Đông cho đến tận sau ngày thống nhất đất nước năm 1975.

          Việc lấp hồ Hàng Đào cũng đã làm hình thành mấy dẫy phố mới nay gọi là Đinh Liệt, Gia Ngư.

          Đặc biệt phố Cầu Gỗ được gọi theo tên cây Cầu Gỗ nối 2 hồ Hoàn Kiếm và hồ Hàng Đào

PHỐ NGHỀ HÀ NỘI DỊCH CHUYỂN TRONG THỜI PHONG KIẾN

         Ca dao cổ  có bài:

Rủ nhau chơi khắp Long thành

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay

Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy

Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn

Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than

Hàng muối, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng

Hàng Chĩnh, Hàng Nón, Cầu Đông

Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè

Hàng Thùng, Hàng Bút, Hàng Tre

Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà

Quanh đi tới phố Hàng Da

Trải xem đường phố thật là vui thay

         Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, xã hội của Việt Nam thì những phố phường Hà Nội cổ là một thể cộng đồng phức  hợp cả về mặt chính trị tức là mặt tổ chức hành chính, về mặt kinh tế, tức là các hoạt động nghề nghiệp, sản xuất, buôn bán và về mặt văn hoá, nếp sống sinh hoạt ứng xử của cư dân. Đặc trưng lớn nhất của phố cổ Hà Nội chính là những phố nghề.

          Khái niệm về phường được coi là xuất hiện trong lịch sử Việt Nam, ước đoán là vào thời Bắc thuộc. Vào năm 1223, vua Trần đã theo lệ trước, chia Thăng Long ra làm 61 phường, vào thời Lê, kinh thành đã định hình 36 phường. Mỗi phường chia làm hai bên tả, hữu, dọc theo một trục đường chính. Vì thế, có vị khách phương Tây thời ấy làm 72 phường. Trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi thường nhắc đến tính chuyên nghề của các phường này. Ông viết: “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm võng, gấm trìu và dù lọng. Phường Hàng Đào nhuộm điều, phường Tả Nhất làm quạt, phường Đường Nhân bán áo diệp y ”…

          Sự xuất hiện và định hình các phường phố chuyên nghề của kinh đô Thăng Long đã diễn ra dần dần theo thời gian, phụ thuộc vào yêu cầu phát triển của đời sống, sản xuất, giao lưu, buôn bán và các sinh hoạt văn hoá, tinh thần còn mang đậm chất làng quê Việt Nam.

          Ở kinh thành, tầng lớp vua chúa, quan lại và học trò, kẻ sĩ chiếm số lượng không lớn, còn lại  đa số  nhân dân thuộc tầng lớp nông, công, thương. Trong đó, bộ phận thợ thủ công, thương nhân chính là yếu tố chủ thể của cả đô thị Thăng Long, Hà Nội.

         Bắt đầu từ đời Lý, sang đời Trần, đến đời Lê rồi sang đến thế kỷ 17-18, vào đời Nguyễn thế kỷ 19, làn sóng di cư của các hiệp hội thủ công từ các làng nghề chuyên nghiệp thuộc các vùng lân cận về hành nghề tại Kẻ chợ đã ngày một tăng cao. Một học giả phương Tây tên là Đăm-pi-ơ khi đến Kẻ Chợ vào năm 1886 đã viết: “Chúng ta có thể gặp ở đây người thuộc rất nhiều nghề, tỷ như thợ đóng móng ngựa, thợ sơn, người đổi bạc thợ làm giấy, thợ tráng men, thợ đúc chuông và  những dạng thợ thủ công khác.

        Nguồn gốc của những người thợ này một phần là dân bản xứ lâu đời của một số làng chuyên ven đô và phần lớn là từ các làng quê chuyên nghệ, nằm trong vùng đồng bằng trung du bắc bộ, bên cạnh các triền sông: sông Hồng, sông Đáy, sông Thái Bình sông Cầu, rất thuận lợi cho việc giao thông luân chuyển.

          Phương thức di cư hành nghề phổ biền là sau khi người làng học được kỹ thuật chuyên môn do vị tổ nghề trong làng để lại, đến những dịp thuận tiện, họ hoặc là được vua chúa vời lên phục vụ cho nhu cầu của hoàng cung. Hoặc là theo nhau kéo lên kinh đô mở cửa hàng, cửa hiệu. Trước là bán buôn các mặt hàng truyền thống đem từ quê hương lên. Sau dần, họ vừa buôn bán vừa tổ chức sản xuất tại chỗ cho thuận tiện. Từ đó hình thành các phường phố chuyên nghề.

           như nghề đúc đồng ở Ngũ Xá và buôn bán hàng đồng ở phố Hàng Đồng dọc và ngang, là do người  dân ở 5 làng nghề đúc đồng lâu đời của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tụ hội về. Trong đó, nổi tiếng là dân các làng Hè (Đông Mai), Bưởi (Đại Bái), Nôm (Đề Cầu). Làng Rồng, làng Dí Thượng, làng Dí Hạ (Nguyệt Đức)  có nguồn gốc ở xứ Kinh Bắc và Sơn Nam. Nhà ngoại tôi vốn gốc gác xa xưa ở làng nghề đúc đồng Dí Thượng, Nguyệt Đức, Thuận Thành, Bắc Ninh. Từ đầu thế kỷ 20, họ tộc định cư hẳn trên bán đảo Ngũ Xã bằng chính nghề đúc đồng rồi buôn bán đồ đồng. Sau ông bà ngoại tôi chuyển về cư ngụ tại phố Hàng Đồng và mở thêm cả gian hàng đồ đồng trên chợ Đồng Xuân nữa.  Sau này, chính quyền mới cấm hành nghề sản xuất, buôn bán đồ đồng, mới đành thôi. Cậu mợ và các em tôi còn ở nhà 38 phố Hàng Đồng cho mãi tới sau khi mợ tôi khuất núi vào những năm đầu thế kỷ 21 mới chuyển đi;

          Ca dao cổ còn miêu tả phố Hàng Đồng xưa như sau:

Khoan khoan chân trở gót hài

Qua Hàng Thuốc Bắc sang chơi Hàng Đồng

Biết bao của báu lạ lùng

Kìa đồ bát bảo, lại lồng ấp hương

(Ảnh ST trong bài:1- Phố Hàng Đồng cổ- 2 Phố Hàng Đồng cũ 3- Phố Hàng Đồng hiện tại)

          Dân làng Quất Động và các làng xung quanh thuộc huyện Thường Tín- Hà Tây đem nghề thêu ra sinh sống ở kinh thành, lập nên phố Hàng Trống và các phố lân cận bên bờ hồ Gươm.

         Không những đem theo nghề nghiệp cổ truyền, họ còn đem theo luôn những tập quán sinh hoạt văn hoá tinh thần của quê hương ra kinh thành. Đơn cử như  tục thờ vọng tổ nghề hay thành hoàng làng ở quê ngay tại kinh thành. Dân thợ thêu Quất Động lập đền thờ ông tổ Lê  Công Hành tại ngõ Yên Thái, gọi  là “Tú đình thị”- đình thợ thêu. Dân nghề tiện Nhị Khê hành nghề ở phố Tố Tịch và  lập đền thờ tổ nghề ở phố hàng Hành. Dân làng Châu Khê đúc bạc lập đền thờ Kim Ngân ở phố Hàng Bạc, dân làng Chắm đóng giầy lập đền thờ tổ nghề ở ngõ  Hài Tượng, Dân Ngũ Xã lập đền thờ tổ nghề đúc đồng ở bên hồ Trúc Bạch …

         Mối quan hệ của dân cư trong mỗi phường phố cổ của Hà Nội khá chặt chẽ. Trong đó có cả mối quan hệ huyết tộc, đồng hương, đồng nghiệp, chủ thợ, bạn hàng. Sau khi lên kinh thành làm ăn phát đạt, họ thường gửi tiền của về tậu vườn, tậu ruộng ở bản quán, đợi khi về giá sẽ về quê hưởng thú điền viên, nhường cửa hiệu nhà xưởng trên phố cho các lớp con cháu hậu sinh. Và cái vòng luân chuyển cứ thế tiếp diễn cho đến tận những năm cuối thế kỷ 20. Sang đến thế kỷ 21 thì vẫn còn rơi rớt lại một đôi nhà.

         Vào thời hậu Lê, một học giả phương Tây là Baron khi nghiên cứu về Bắc kỳ cũng nhấn mạnh đến tính chất chuyên nghề của các phường thủ công buôn bán và sự liên hệ của nó với các làng quê gốc. Ông viết: “Tất cả các vật phẩm khác nhau bán trong thành phố này được dành riêng cho từng phường, mới thi lại phụ thuộc vào hai hay nhiều làng. Và dân chúng làng xã này được đặc quyền mở các cửa hiệu ở đó.”

         Đến cuối thế Kỷ 19, một phóng viên phương Tây đã miêu tả diện mạo của phố phường Hà Nội như sau: “Mỗi căn nhà là một cửa hiệu. Những gian bày hàng đưa chiều sâu của cửa hiệu xuống tận lề đường. Mỗi loại hàng hoá đều có phố riêng. ở phố Bát Sứ, tất cả đều đỏ. Rồi đến Hàng Đồng lấp lánh ánh kim vàng chói. Phố Hàng Thêu, phố Hàng Tranh. Tiếp theo là phố Hàng Trống, màu sắc tươi vui, sặc sỡ.

Hà Nội 36 phố phường

Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh

Từ ngày ta phải lòng mình

Bác mẹ đi rình đã mấy mươi phen

         Trong những phố buôn bán thủ công đó, chen chúc những cửa hiệu theo kiểu nhà ở cửa hàng. Ngoài ra phải kể đến các cửa hàng, cửa hiệu của người hoa, người ấn, người Pháp, người Bồ Đào Nha ngày càng mọc nhiều hơn trong  khu phố cổ và phố cũ Hà Nội

         Phố chợ- chợ phố- đó là một đặc điểm quan trọng của phố phường Hà Nội xưa. Bởi thế, từ đời Lê, Kẻ Chợ đã trở thành một tên gọi quen thuộc trong dân gian khi nói tới kinh đô nước Việt. Ca dao Hà Nội thời Nguyễn có những câu:

Đua chen trong chốn thị trường

Hiệu buôn chủ khách, cửa hàng người Nam

Bầy ra đủ các thứ hàng

Hàng Tây, hàng Nhật, lại hàng Trung Hoa

PHỐ NGHỀ HÀ NỘI CHUYỂN DỊCH TRONG THẾ KỶ 19 VÀ  20

          Nhà Nguyễn hình thành đã đặt kinh đô tại Huế và chuyển đất kinh kỳ Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Việc xây dựng lại  Thành cổ Hà Nội với quy mô nhỏ hơn Hoàng thành Thăng Long thời nhà Lê đã làm dư ra nhiều khoảng đất trống rộng lớn ở phía Đông, phía Nam và phía Tây. Ở phía Đông, khu vực phố Cửa Đông, Đường Thành và Phùng Hưng hiện thời  và các phố lân cận được gọi là đất Tân Khai . Và rất nhanh chóng, việc buôn bán, hành nghề thủ công  trong khu phố cổ, khu các phố Hàng,  đã lan tỏa nhanh chóng sang khu đất Tân khai này, hình thành nên các phố Hàng Gà, Hàng Cót, Lò Rèn, Hàng Vải, Hàng Mã. Đoạn cuối phố Hàng Mã khi xưa gọi là phố Hàng Đồng dọc, vì dân phố Hàng Đồng dọc mở rộng kinh doanh đồ đồng sang phố Bát Sứ, thì sau đó chính quyền mới đã cắt một đoạn phố Bát Sứ thành phố Hàng Đồng ngang, là phố hiện tại . Rồi ghép phố Hàng Đồng dọc vào cùng phố Hàng Mã để thuận tiện việc quản lý. Cũng lạ là sau đó, người buôn bán hàng đồng ở phố Hàng Đồng cũ( bị ghép đổi vào phố Hàng Mã) cũng lại phiêu bạt đi đâu hết, hay di chuyển sang phố Hàng Đồng hiện tại cũng nên;

          Người Pháp khi quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị Hà Nội đã thực hiện một cuộc cải biến khá lớn. Tuy nhiên hầu như khu phố cổ vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Nhưng việc lấp một đoạn lớn dòng sông Tô Lịch từ khu vực cửa sông , đoạn phố chợ Gạo, chạy qua các phố Hàng Cá, Hàng Rươi, sang Hàng Lược, và đoạn hào thành cũ Hà Nội phía Bắc (nay là phố Phan Đình Phùng) đã là một sự chấn động lớn. Trước đó, do có dòng Tô Lịch nối từ sông Hồng vào, khu vực phố Hàng Cá, Hàng Rươi chính là một ngôi chợ buôn bán  thủy sản vô cùng sầm uất của dân Kẻ Chợ. Và xung quanh đó là các phố nghề, phố Hàng chuyên dụng: Hàng Đường, Hàng Đồng, Thuốc Bắc, Hàng Cân…

         Như vậy, chợ hoa Cống Chéo, Hàng Lược chỉ hình thành sau khi hoàn thiện việc lấp sông Tô Lịch. Trước đây chợ hoa cổ của Hà Nội nằm ở khu vực Yên Quang, Yên Phụ , là cửa ngõ của các làng hoa cổ Hà Nội ven hồ Tây. Ca dao cổ có câu:

Phiên rằm chợ chính Yên Quang

Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua

          Mãi đến tận những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, làn sóng di cư của các thôn quê ra Hà Nội Vẫn còn tiếp diễn. Song cho đến lúc này, đất cát trong các thành phố nội thị đã quá chật hẹp, dân làm nghề không có điều kiện tụ hội một chỗ mà hành nghề như cha ông nên phải phân tán ra nhiều địa điểm khác. Trường hợp  thợ rèn làng Canh Hoè Thị là một ví dụ- Ngoài địa điểm định cư ban đầu ở phố Lò Rèn, nơi còn lưu đền thờ tổ nghề, nơi còn lưu đền thờ tổ nghề, họ đã tản ra sinh sống, hành nghề ở Sinh Từ ( Nguyễn Khuyến) và một số cửa ô khác như Kim Mã, Cầu Dền, với các cửa hàng đồ sắt vẫn còn tồn tại, phát triển cho tới giờ đây. Dao kéo Sinh Tài một thời nổi tiếng nay vẫn còn cửa hàng nơi đầu phố Nguyễn Khuyến. Dân nghề sắt các phố kể trên là đồng hương, họ hàng với nhau khá là đông;

          Song cũng cho tới giờ đây, do sự biến động của thời cuộc cũng như biến động khác trong đời sống hàng ngày, phố phường Hà Nội cũng đã có nhiều thay đổi. Một số tên phường phố xưa đã không còn, bây giờ,  thế hệ trẻ Hà Nội không hề biết đền các phố như Hàng Lọng, Hàng Trứng, Hàng Đũa, Hàng Đàn, Hàng Thịt, Hàng Cau, Hàng Chè …. như khi xưa chúng ta đã  một thời tồn tại. Hoặc không thể hiểu tại sao, các phố Hàng Tre, Hàng Mắm, Hàng Bài, Hàng Quạt, Hàng Kèn, Hàng Vải, Hàng Gà không không còn bày bán những mặt hàng như là tên của phố.

          Phố hàng Dầu trở thành phố bán giầy dép, phố Thợ Nhuộm trở thành phố bán quần áo…Trên bán đảo Ngũ Xã cũng không còn bất cứ một lò đúc đồng nào . Tất cả đều đã dịch chuyển sang các vùng ngoại ô để tránh làm ô nhiễm môi trường dân cư nội thị. Lớp trẻ trên phố theo các nghề làm ăn khác cũng nhiều. Phát đạt nhất là nghề bán hàng ăn uống. Lý do cũng bởi vì làng Ngũ Xã xưa khá giả, cỗ bàn nổi tiếng đặc sắc. Con cháu các gia đình kế thừa truyền thống mà làm kế sinh nhai trong thời buổi mới;

          Đương nhiên, không phải vì vậy mà các phường nghề cổ truyền ở Hà Nội đã mất hết. Chỉ có một số nghề mà sản phẩm của nó không còn thích hợp với nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân đô thị mới không còn tồn tại nữa. Ví như phố Hàng Lọng, phố Hàng Nón, phố Hàng Hài…Một số nghề khác thì chỉ chuyển dịch về mặt địa lý theo những yêu cầu của cuộc sống cư dân và những điều kiện kinh tế xã hội mới. Phố Hàng Dầu khi xưa bán các loại dầu ăn, dầu đốt, nay lại chuyển sang bán giày dép, thay cho vai trò của phố Hàng Giầy rồi phố Hàng Điếu một thời. Giờ thì trên phố Hàng Điếu chả còn bán điếu cày điếu bát hút thuốc của các cụ xưa. Sau một thời bán giày dép, phố Hàng Điếu lại trở thành phố bán các loại quà đặc sản của Hà Nội như chè mứt, bánh kẹo… Mà nổi tiếng nhất là nhà Ninh Hương ở số nhà 22 trên phố.

          Đoạn phố cuối phố Hàng Vải khi xưa gọi là phố Hàng Cuốc, vì xưa chỗ ấy toàn bán cán cuốc và lưỡi cuốc sau hợp nhất thành phố Hàng Vải và nay có thể gọi là phố Hàng Tre chăng? Vì từ cán cuốc tre nay phát triển thêm các đồ tre như cần câu, thang tre… Nói  thế là nói cho vui đấy thôi. Thời gian sao có thể đổi ngược.

          Còn cả phố Hàng Vải ngày xưa còn bao hàm cả phố Hàng Vải trắng (vải mộc), phố Hàng Vải thâm (tức vải đen) và phố Hàng Mụn (tức là vải vụn, dùng làm mụn vá quần áo). Nay lớp trẻ làm sao biết đến quần áo vá, thậm chí vá chằng vá đụp của người nghèo xưa kia;

          Một đoạn phố Lò Rèn khi xưa gọi là phố Hàng Bừa, vì là chỗ bán lưỡi bừa và bừa đất. Lứa trẻ Hà Nội giờ đây nhiều người chả biết cái bừa là cái gì nữa cùng nên. Bừa là dụng cụ để làm tơi đất sau khi người nông dân cày ruộng thành những luống đất to. Và cả cày và bừa đều do trâu bò kéo và người nông dân  điều khiển lưỡi cày, lưỡi bừa theo sau con trâu con bò.

          Trong thời kỳ hiện tại, Hà Nội đã xuất hiện thêm nhiều phố nghề mới hầu  đáp ứng nhu cầu phát triển của cư dân Hà Nội. Phố hàng may mặc Khâm Thiên, phố vật liệu xây dựng Cát Linh, phố đồ gỗ Đê La Thành, Phố ăn uống Tống Duy Tân, Cấm Chỉ, phố đồ chơi Lương Văn Can. Ngay như phố Lương Văn Can trước khi chuyển thành phố đồ chơi, đã được gọi là phố áo dài với hàng chục cửa hiệu áo dài được mở bởi đa phần là  người làng nghề áo dài Trạch Xá, Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Tây cũ. Sau do nghề may đo áo dài không phất bằng nghề buôn bán đồ chơi, nên nhiều cửa hàng lại chuyển đổi dần  … Chắc rồi sự dịch chuyển, biến đổi và phát triển của các phố nghề Hà Nội vẫn đang còn diễn tiến không ngừng theo thời gian và xu thế tiêu dùng của xã hội.

          Tuy nhiên, thật may mắn cho Hà Nội là cho đến ngày hôm nay vẫn còn lại một số phố phường với các nghề cổ truyền mang dấu ấn đặc trưng theo tên gọi cũ. Đó là Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Lò Rèn, Hàng Mã, Hàng Mành, Hàng Chiếu, Hàng Đường, cho dù là chính những đường phố cổ hiếm hoi này cũng phải trải qua bao nhiêu biến đổi thăng trầm.

          Trong tương lai, thành phố Hà Nội sẽ còn mở rộng, phát triển và chắc chắn vẫn còn nhiều biến đổi. Song, vẫn luôn ước sao chúng ta sẽ vẫn còn lưu giữ được những gian  bảo tàng phố cổ phường xưa vô cùng quý giá cho hậu thế mai sau.

          Ghi chú: Trong bài có sử dụng tư liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Hà Nội: Nguyễn Văn Uẩn, Nguyễn Vinh Phúc, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Thừa Hỷ, Lê Văn Lan... Tuy nhiên bài viết  vẫn chưa thể chuyên sâu. Rất xin được lượng thứ và bổ cứu;

     Mới

                              Cũ
Cổ

Ảnh minh họa lấy trên mạng. Phố Hàng Đồng qua 3 giai đoạn: Cổ- Cũ và Mới

 Vũ Thị Tuyết Nhung 0913219447

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét