XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

KHIÊU VŨ QUỐC TẾ

 Trong quá khứ, đã đôi lần tôi muốn viết đôi giòng về Khiêu Vũ Quốc Tế (KVQT) nhưng rồi lại chần chừ vì nghĩ rằng bài viết sẽ không được đón nhận bởi người đọc khi tự nó mang tính kỹ thuật khô khan. Đúng, viết về KVQT mà không đề cập đến phần kỹ thuật thì chắc chắn bài viết không chuyển tải một giá trị nào. Thế nhưng một khi nguyên tắc, kỹ thuật được đề cao bài viết chắc chắn sẽ trở thành khô khan cho những người chưa có ý niệm về 

khieuvumôn nghệ thuật. Đây là điều làm tôi chần chừ. Hôm nay tôi viết, nhưng viết ở sự dung hòa giửa hai trạng huống vừa nêu được phần kỹ thuật một cách khái quát cho những người muốn tìm hiểu nhưng không đi sâu vào chi tiết, cơ bãn làm bài viết khô khan cho độc giả phần đông. Với lại, đây là môn nghệ thuật lớn dựa trên kỹ thuật, đòi hỏi nhiều kỹ năng, hình thành qua thời gian thành không thể trình bày hết mọi khía cạnh về kỹ thuật trong bài viết ngắn. Vậy Khiêu Vũ Quốc Tế (International Ballroom) là gì, cái từ ngữ không mấy xa lạ khi càng lúc càng nhiều người ưa thích tìm hiểu?

KVQT xuất phát từ Anh quốc, được dùng trên quốc tế về tranh giải và hiện đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên khắp các đại lục, chia làm hai nhóm: Standard và Latin. Nhóm Standard (tạm dịch Cổ điển Tây Phương) bao gồm năm  vũ điệu: Waltz, Tango, Slow Foxtrot, Viennese Waltz và Quick Step. Nhóm Châu Mỹ Latin bao gồm các vũ điệu: Chachacha, Samba, Rumba, Pasodoble và Jive. Các vũ điệu Standard mang tính lịch lãm, sang trọng, quý phái Tây Phương trong lúc nhóm Latin bao gồm những thể điệu khiêu vũ có tính lãng mạn, tình tứ đi đôi với đam mê gợi cảm, phản ảnh nghệ thuật sinh động của người Châu Mỹ Latin. Mỗi nhóm có động tác đặc thù và kỹ thuật riêng do vậy giày và trang phục cũng khác nhau đễ xứng hợp với động thái của hai lối nhảy. Sau đây là phần kỹ thuật của hai nhóm tôi xin trình bày một cách tổng thể:

Kỹ thuật Standard: Khiêu vũ Standard đòi hỏi những kỹ thuật sau: sự Nối kết (Connection), Thăng bằng (Balance), Động tác bàn chân (Footwork), Dẫn và Theo (Lead and Follow) và kỹ thuật Quay Phần Thân (CBM-Contra Body Movement) mà sẽ được dẩn giải một cách khái quát ở phần dưới.

Kỹ thuật Latin: Trong năm vũ điệu trừ điệu Pasodoble và Jive động thái chuyển hông (hip movement, rotation) là một trong những kỹ thuật chính của khiêu vũ Latin bởi khiêu vũ Latin mà không xử dụng kỹ thuật chuyển hông là điều hoàn toàn thiếu sót. Là kỹ thuật, cơ bãn cử động hông phải đi theo quy luật chứ không lắc lư một cách tùy tiện, sai nguyên tắc. Cũng trong khiêu vũ Latin đặc biệt ba thể điệu Chachacha, Rumba và Samba kỹ thuật đòi hỏi phải bước bằng mủi chân, giử chân và đầu gối thật thẵng. Với đôi chân bước thẳng tính từ mủi chân người khiêu vũ sẽ có những bước đi đẹp và gợi cảm, qua đó động tác chuyển hông cũng sẽ dễ dàng. Chỉ trừ điệu Samba là thể điệu nhún nhảy (bouncing) nên đầu gối được phép cong (bent) lúc hạ thân người. Xa hơn, khiêu vũ Latin đòi hỏi người luyện tập phải tạo dáng điệu (posture): thẵng người, thân hình được nâng cao, khi di chuyển thân người được di chuyển trước và ở mọi thời điểm trọng tâm của người khiêu vũ nằm trên lườn bàn chân phía trước; chưa kễ, đôi vai phải ở trong tư thế thoải mái và tương đối ít chuyển động. Còn nữa, những động thái như thăng bằng, nối kết, kỹ thuật bàn chân và sự chuyển động không ngừng của cơ thể (continuous body movement) là những kỹ năng phải được phát triển trong khiêu vũ Latin.

Chưa hết, với cả hai thể loại Standard và Latin, nhịp điệu (timing), sự diển đạt (interpretation), diển cảm (expression), sự nổi bật giửa hai động thái (contrast), cảm thụ âm nhạc (musicality), bài bãn (choreography, routine) cũng là những động thái, kỹ năng cần thiết đối với người học khiêu vũ đễ có bước nhảy đẹp. Còn nữa, sáng tạo (creativity) cũng là một điểm son nhưng chỉ dành cho những người ở trình độ cao khi đã nắm vững kỹ thuật. Biết kết hợp đầy đủ những kỹ thuật và động thái trên người khiêu vũ xem ra đã đi khá xa trên lãnh vực nghệ thuật.

Sau đây tôi xin trình bày một cách khái quát về kỹ thuật đễ người đọc có một cái nhìn tổng thể về KVQT.

Sự nối kết (Connection) –  Connection rất quan trọng trong khiêu vũ, nhờ có connection đôi khiêu vũ hiểu được ý định, động tác của nhau hài hòa trong tiết điệu mà không cần qua đàm thoại. Trong khiêu vũ Standard sự nối kết được thể hiện khi đôi khiêu vũ giử được khung sườn và mọi điểm tiếp giáp trên cơ thể qua đó người dẫn chuyển động thái qua người theo đễ cả hai hài hòa nên một trong bước nhảy. Thiếu connection, khung sườn sẽ vở ra, bước nhảy sẽ chao đảo, ý niệm dẫn và theo sẽ mất đi. Trong khiêu vũ Latin, sự nối kết được thể hiện qua cánh tay của nam và nử và qua sự chuyển động của toàn thân đễ thông tri cho nhau, thống nhất qua động thái. Nhờ có connection cả hai giử được dáng điệu (posture) hiểu được động tác của nhau, tạo nên sự hài hòa trong bước nhảy.

Thăng bằng (Balance) – Là kỹ thuật đòi hỏi phải có trong khiêu vũ cũng như trong mọi môn vũ nghệ thuật nói chung. Đây là kỹ thuật được nhìn từ nhiều góc cạnh nhưng tính giới hạn của bài viết không cho phép đi sâu vào chi tiết. Nói một cách ngắn gọn thăng bằng giúp cơ thể giử được trọng tâm. Thiếu kỹ năng nầy cơ thể sẽ lung lay, bước nhảy sẽ mất thăng bằng. Trong cả hai thể loại Standard và Latin, đễ giử được thăng bằng các động thái sau phải được thể hiện: trọng tâm, thế đứng, khoảng cách cần thiết giửa nam và nữ, khuôn mặt và hướng nhìn, đối cân bằng, thân hình được nâng cao, kỹ thuật nâng hạ bàn chân. Bạn có biết không chỉ một trong hai của đôi khiêu vũ hạ đặt bàn chân sai kỹ thuật, không đúng timing khung sườn sẽ lung lay, bước nhảy sẽ chao đão.

Động tác chân (Footwork)– Footwork là một trong những kỹ thuật quan trọng của khiêu vũ cần có trong cả hai thể loại đễ tạo được sự cân bằng. Trong những buổi học tập và thực hành ở những năm đầu vũ sư cứ mãi nhắc đi nhắc lại bốn chữ, “heel, flat, ball, toe” (gót, bằng, lườn bàn chân, ngón chân) cho đến một lúc người học khiêu vũ thuần thục với bước nhảy, không còn phải nghĩ ngợi lúc nâng hạ bàn chân. Nắm được kỹ năng nầy người khiêu vũ sẽ nhảy được những bước lên xuống (rise and fall) tuyệt đẹp trong thể loại Standard, giử được bước chân thật thẵng và gợi cảm trong những thể điệu Latin.

Kỹ thuật quay phần thân (CBM- Contra Body Movement) – Đây là kỹ thuật khó và rất quan trọng đòi hỏi phải cósoncam trong lúc nhảy Standard đễ giúp đôi khiêu vũ giử được khung sườn. Kỹ thuật nầy đòi hỏi sự mềm dẽo của phần thân khi bước chân trẹo với thân người. Tôi không muốn và không thể đi sâu vào chi tiết bởi đây là kỹ thuật khó đễ được diển tả qua ngòi bút mà phải bằng hình tượng của đôi học viên trên sàn tập luyện. Một điều chắc chắn khiêu vũ Standard mà không nắm được kỹ thuật CBM kể như con đường tiến đi vào ngỏ cụt.

Dẫn và Theo (Lead and Follow) – Trong khiêu vũ, ở cả hai thể loại Standard và Latin, vai trò dẫn (leading) của người nam rất quan trọng. Nhân sự nắm vai trò chủ động, hiểu rõ kỹ thuật, chịu trách nhiệm về nhịp điệu, động tác vũ hình, phương hướng trên sàn nhảy và biết đưa cả hai ra khỏi đám đông, chướng ngại. Ngoài ra nhân sự còn phải hiểu thế đứng (dance position), bước nhảy và sự thăng bằng của người nữ đễ giử mọi động tác hài hòa cho cả hai. Vai trò của người nữ thường chỉ biết theo. Tuy vậy, theo tôi, người nữ phải là một người theo năng động (active follower), nắm vững kỹ thuật, hiểu rõ động tác, theo đúng nhịp điệu, giử vững khung sườn, giử posture thật đẹp đễ hài hòa bước nhảy ở bất cứ thời điểm nào và điều tối kỵ là không được diển vai trò hướng dẫn bởi đó là công việc của người nam. Có điều, trong khiêu vũ Latin người nam dẫu nắm vai trò chủ động nhưng lại phải diển vai vế khiêm nhường, chịu lu mờ đễ hình ảnh của người nữ được nổi bật. Họ được ví như cái giá treo tranh, treo lên bức tranh tuyệt mỹ. Nắm được như thế, cả hai sẽ hài hòa trong bước nhảy, hòa quyện trong nhạc khúc, tạo được nét đáng yêu trong khiêu vũ. Tôi còn nhớ vị thầy của tôi một lần đã nói, “người nam cần mười năm đễ trở thành người dẫn giỏi trong khi nữ cần ba năm là theo giỏi rồi.” Chính vậy, qua mọi giờ học người nam được hoặc bị chiếu cố nhiều hơn và điều nầy không lạ khi chúng ta thấy phần đông vũ sư đều là nam giới.

Nhịp điệu –  Nhịp điệu rất quan trọng trong khiêu vũ, vì vậy, ban giám khảo thường đặt nhịp điệu hàng đầu khi chấm điểm. Bước nhảy có đẹp, có ấn tượng đi mấy nhưng nhảy không đúng nhịp sẽ bị loại từ đầu. Dĩ nhiên người học khiêu vũ không bị đòi hỏi phải có trình độ cao về nhạc lý như kỹ thuật xướng âm, hòa âm hoặc phối khí; tuy thế, cũng phải có trình độ tối thiểu về âm nhạc, biết cấu trúc của khung nhạc, biết phách, nhịp và ở trình độ cao hơn phải biết thể hiện tính cảm âm, hồn nhạc qua đó động thái và bước nhảy sắc nét hơn, gợi cảm hơn, hài hòa với thể nhạc tạo đam mê, thích thú. Theo tôi, một người nhảy đúng thời điểm (timing)  chưa hẵn là đạt được trình độ nếu chưa nhảy đúng tiết điệu (rhythm) và cao hơn chưa thể hiện được tính cảm âm, hồn nhạc (musicality) của điệu vũ. Tôi dẫn dụ, cùng một bước nhảy, người ở trình độ sơ cấp hoặc trung cấp thể hiện khác với một người ở trình độ cao cấp dẫu rằng cả hai cùng nhảy đúng “timing”. Sự khác biệt giửa hai trình độ là sự nhẹ nhàng, thuần thục, tự tin và điêu luyện mà đôi khiêu vũ gặt hái qua thời gian luyện tập. Đơn giản, khi nói đến nhịp điệu người học khiêu vũ phải hiểu được thế nào là phách và nhịp (beat and rhythm). Phách được hiểu là những khoãng thời gian bằng nhau, mạnh nhẹ khác nhau, phách mạnh đầu khung nhạc và phách nhẹ kế tiếp, được lập lại một cách điều đặn, tuần hoàn trong lúc nhịp được gọi là tiết tấu bao gồm các phách trong khung nhạc. Chính vì tiết tấu mà âm nhạc tạo ra các thể điệu khác nhau: Tango, Foxtrot, Samba, Chachacha, Rumba…….. Điều thú vị là bước nhảy lệch phách (syncopation) được dùng nhiều trong khiêu vũ, bước nhảy khác với sự di dịch bình thường mà mục đích đễ tạo những bước nhảy sinh động, cũng là bước nhảy giúp người khiêu vũ thu lấy khoãng cách hoặc giúp người khiêu vũ trở lại với động thái di dịch bình thường. Hiểu được, người khiêu vũ sẽ thấy bước nhảy syncopation linh động chưa nói là cần thiết trong khiêu vũ nhưng đây cũng là bước nhảy thử thách. Điều thú vị nữa là kỹ thuật delay beat (làm chậm, trì hoãn phách) cũng là kỹ thuật cao trong khiêu vũ, đặc biệt là khiêu vũ Latin đễ tạo động thái sắc bén, bước nhảy linh hoạt. Có điều người khiêu vũ phải thận trọng khi xử dụng kỹ thuật nầy bởi đây là bước nhảy đầy thử thách “trì hoãn không có nghĩa là trể nhịp”. Nói một cách chính xác khiêu vũ mà không có khái niệm về âm nhạc sẽ thua thiệt thật nhiều trong tiến trình học hỏi bởi đây là môn nghệ thuật dựa trên âm nhạc qua đó sự chuyển động cơ thể hài hòa với nhịp phách.

Bên cạnh các kỹ thuật cơ bãn vừa mô tả ở trên các điểm đặc trưng sau đây cũng cần thiết đối với người học khiêu vũ:

Năng khiếu – Người có năng khiếu, có tư chất bẩm sinh sẽ thu nhập nhanh hơn trong tiến trình học khiêu vũ. Môn nghệ thuật nào cũng vậy người có năng khiếu sẽ là người trổi vượt.

Có partner cùng sở thích – Học khiêu vũ quốc tế là cả một tiến trình dài lâu, đòi hỏi phải có thời gian và tập luyện. Chính vì vậy vai trò của một đối tác (partner) rất cần thiết. Thường thì trên sàn nhảy quốc tế người ta chỉ thấy những cặp vợ chồng hoặc bồ bịch có cùng sở thích mới theo đuổi được thời gian lâu dài. Ngoài vợ chồng thật khó vì mổi nhân sự cho dẫu cùng sở thích nhưng lại có đời sống riêng, giờ giấc riêng thành khó có chung thời gian tập luyện. Chưa kễ, sự kết nối trong khiêu vũ Standard đòi hỏi hai thân thể dính chặt vào nhau, hài hòa nên một đễ giử vững khung sườn. Còn nữa, cữ chỉ gợi cảm, quyến rũ tình tứ, diển đạt đam mê giửa đôi khiêu vũ trong thể điệu Latin xem ra thật khó cho những đôi khiêu vũ không phải vợ chồng hoặc tình nhân. Chính vậy trên sàn nhảy International những đôi nhảy đẹp thường là những cặp vợ chồng hoặc tình nhân gắn bó, có thời gian bên nhau, không tỵ hiềm đụng chạm. Những người nhảy giao lưu (social dancers) tôi không đề cập bởi họ chỉ là thành phần bước vào sân chơi không trang bị cho mình kỹ thuật đòi hỏi.

Khả năng tài chánh – Khả năng tài chành cũng là vấn đề bởi đây là môn chơi nghệ thuật đòi hỏi tốn kém khi phải trả học phí, chưa kễ áo quần, trang phục.

Đừng đễ căng thẳng chen vào – Thường thì quá trình học tập gian nan, đôi lúc mất cả hứng thú vì đụng phải kỹ thuật khô khan lại trước mắt con đường nghệ thuật còn dài dễ sinh ra căng thẳng. Chưa kễ, những lúc bước nhảy chưa đạt, kỹ thuật chưa chuẩn dễ sinh ra cáu cọ rồi cải cọ giửa đôi học viên dẫu cả hai đều ý thức rằng khiêu vũ là môn nghệ thuật mang đến sự hài hòa, hứng thú giửa đôi bạn nhảy. Vậy thì không nên đễ căng thẳng xen vào trong lúc tập luyện chuyện làm cản trở bước tiến của người học khiêu vũ.

Phải dành thời giờ tập luyện – Là môn nghệ thuật thể hình, khiêu vũ đòi hỏi phải có thời giờ tập luyện đễ tiến bộ. Càng tập luyện bước nhảy càng thuần thục, điêu luyện. Có điều tập luyện sai kỹ thuật cũng là điều tối kỵ trong khiêu vũ bởi tạo thói quen khó sửa sau nầy.

Học khiêu vũ thường có hai cách: học nhóm (group) và học tư (private). Học nhóm lệ phí rẽ hơn nhưng người học khiêu vũ không được hướng dẫn và sửa bảo cặn kẽ bởi trong lớp không riêng mình mà còn nhiều học viên khác nữa. Điều chung chung là phần đông những người học nhóm thường muốn học nhanh, học vũ hình (figures) mà ít chú trọng về chi tiết, kỹ thuật dẫu ý thức rằng bước nhảy tự nó không giúp học viên trở thành người khiêu vũ đẹp. Học private tốn kém hơn nhưng người học khiêu vũ được dẫn giải chi tiết, đi sâu vào kỹ thuật, nắm vững cơ bãn từ đó bước nhảy mới đẹp được. Bạn nên biết rằng cùng một bước nhảy nhưng cách học hỏi và diển đạt của hai nhóm hoàn toàn khác nhau. Tôi dẫn dụ bước “Natural Turn” căn bãn trong vũ điệu Waltz, người khiêu vũ giao lưu chỉ cần bỏ ra mươi, lăm phút đồng hồ đễ học trong khi người tranh giải bỏ ra bao nhiêu thời gian và còn thực tập dài lâu đễ bước nhảy thuần thục, điêu luyện trong đó các kỹ năng được nắm vững: nhịp điệu, lực đẩy, đối thăng bằng, trọng lực cơ thể, kỹ thuật nâng hạ bàn chân, vị trí, khung sườn và các điểm tiếp cận, phương hướng, khuôn mặt…. Do đó người tranh giải phải là những người theo học private bởi họ được tiếp cận kỹ thuật, đào sâu cơ bãn và chuyên chú tập luyện cho tiến trình đi lên.

Vậy thì bạn chọn nhóm nào cho thích hợp với mình? Câu trả lời tùy thuộc vào bạn khi    các điểm sau phải được cân nhắc: mức độ nhận thức về khiêu vũ, thời giờ và khả năng tài chánh. Có người chỉ thích học đũ đễ nhảy giao lưu trong những đám tiệc. Có người kẹt giờ giấc, làm đổi giờ, có con dại không theo đuổi được môn học lâu dài và quan trọng nhất là khả năng tài chánh bởi như tôi nói môn chơi tốn kém thật nhiều. Nếu bạn là người rơi vào tình huống ở trên tôi khuyên bạn ghi tên học nhóm cũng đũ rồi.

Khác biệt giửa Khiêu vũ Quốc tế và Khiêu vũ Bắc Mỹ: Nói đến khiêu vũ Quốc Tế cũng nên nói sơ qua về khiêu vũ Bắc Mỹ. Ở Hoa Kỳ hoặc Canada, ngoài môn khiêu vũ Giao lưu (Social Dances) có hai trường phái chính về khiêu vũ: International và American. Tôi  xin trình bày một vài nét tổng thể giửa hai trường phái đễ bạn thấy được sự khác biệt giúp bạn khỏi phải ngỡ ngàng cũng như nhầm lẫn khi chọn cho mình một lối đi. Như trên đã nói, KVQT xuất phát từ Anh quốc, một cách chính xác hơn từ ISTD (Imperial Society of Teachers of Dancing) và IDTA (International Dance Teachers’s Association) được dùng trong quốc tế về tranh giải và hiện đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới trong lúc American Ballroom xuất phát từ Hoa Kỳ, hình thành qua các hệ thống vũ đường Athur Murray, Fred Astaire và các vũ đường độc lập ở Hoa Kỳ, sinh hoạt trên địa bàn Bắc Mỹ. So với thể điệu Quốc tế, thể điệu Bắc Mỹ mang tính giao lưu, giản đơn qua hình thái và lối ứng dụng kỹ thuật không quá khắt khe như trường phái Quốc tế dẫu rằng cả hai đòi hỏi sân nhảy lớn rộng. Tuy nhiên, trong một chiều kích nào đó, nhiều bước nhảy thu gọn trong trường phái Bắc Mỹ cho phép đôi khiêu vũ được nhảy trên sàn nhỏ hơn. Riêng về kỹ thuật hai trường phái có sự khác biệt về cơ bãn mà tôi xin được diển tả như sau. Trong khiêu vũ Cổ điển Tây Phương (International Standard) đôi khiêu vũ nhảy trong thế đóng (closed position) trong khi trường phái Bắc Mỹ (American Smooth) cho phép đôi khiêu vũ được bung ra trong nhiều bước nhảy, được rời tay nhau, cho phép quay đào và còn có những bước nhảy độc lập, động thái mà mà ở khiêu vũ Cổ Điển Tây Phương hoàn toàn không cho phép. Riêng về khiêu vũ Latin động thái hông được thể hiện khi bước trên chân duỗi thẵng trong trường phái Quốc Tế trong khi hip action được thực hiện trên chân với đầu gối lỏng trong trường phái Bắc Mỹ (American Rhythm). Đi vào sân chơi, người khiêu vũ sẽ nhận ra sự khác biệt giửa hai trường phái và càng nhận ra

KVQT càng lúc càng phát triển mạnh khắp các đại lục với những chương trình thi tranh mang tính kỹ thuật và nghệ thuật cao được tổ chức bởi các Câu lạc bộ thế giới: WDC (World Dance Council), WDSF (World Dancesport Federation), IDO (International Dance Organization)…..…. với những giải Europe, North America, Blackpool Dance Festival, Asia, Russia, UK….. Trái lại American Ballroom đến mãi bây giờ vẫn quanh quẩn trên địa bàn Bắc Mỹ và ngày góp mặt với 5 châu xem như còn xa vời vợi. Những chương trình hiện đang được trình chiếu trên truyền hình “Dancing With The Stars” và “So You Think You Can Dance” dùng thể loại American, mang tính giao lưu, nhẹ về kỹ thuật. So với đôi mắt bình thường của một người chưa từng học KVQT thì những bước nhảy đó là những bước nhảy đầy ấn tượng. Nhưng đối với những người đã từng được đào tạo một cách nghiêm túc trong  hệ thống KVQT thì những bước nhảy đó không mang tính biểu tượng cao, chỉ nhất thời tạo được những nét hoành tráng đầy màu sắc bên ngoài.

Khiêu Vũ Thể Thao (Dancesport) – Viết về KVQT mà không đề cập đến môn Khiêu Vũ Thể Thao (Dancesport) cũng là một thiếu sót. Dancesport được xem là môn thể thao nghệ thuật chú trọng về thi đấu (dance competitions) ra đời đã gần ba thập niên, xuất thân và hình thành từ KVQT với mục đích tham gia vào tranh đua ở Thế Vận Hội Olympic mà luật lệ và thể thức có tiêu chuẩn thống nhất trên địa bàn quốc tế. Được biết sau quá trình vận động vào ngày 5 tháng 9, 1997, WDSF (World Dancesport Federation) đã được Thế Vận Hội Quốc Tế công nhận là bộ phận đại diện cho Dancesport đem vận hội mới cho những người yêu thích khiêu vũ. Từ đó nhiều Câu lạc bộ Khiêu vũ đổi tên thành khiêu vũ thể thao cho hợp với trào lưu. Được biết, Dancesport không chỉ là bộ môn nghệ thuật  mà còn là môn luyện thể chất mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và vẻ đẹp cơ thể. Chính vì vậy người khiêu vũ được mang một tên gọi rất ư thể thao “vận động viên khiêu vũ”. Khi nhảy cũng như khi tập luyện vận động viên đòi hỏi phải dùng thể lực, xử dụng cả thân lẫn tâm đễ đạt tiêu chuẩn. Có điều, dẫu rằng đã được Ủy ban Olympic công nhận là môn thể thao chính thống nhưng đến thời điểm nầy Dancesport vẫn chưa chính thức thi đấu tại Olympic và càng lúc càng lắm người hoài nghi Dancesport trong tương lai sẽ có mặt bên cạnh các bộ môn của giải thể thao quốc tế.

Học khiêu vũ đễ có bước nhảy đẹp và điêu luyện xem ra thật gian nan, đòi hỏi phải có thời gian lâu dài học hỏi và tập luyện. Khác với lối học từ chương, học sinh chỉ cần ngồi một chổ cắn bút rung đùi năm qua tháng hết sẽ nhận lấy mảnh bằng tốt nghiệp. Khiêu vũ lại khác đòi hỏi nhiều thời gian và ngày tốt nghiệp xem như lơ lững ở chân trời bởi điểm dừng nghệ thuật không bao giờ có. Cũng khác với lối học từ chương, người khiêu vũ phải xử dụng vừa não bộ vừa toàn thân mà lắm lúc thân thể không chịu nghe theo não bộ bao giờ. Theo cảm nhận của tôi trong tiến trình học khiêu vũ mỗi một vũ sinh có hai bộ nhớ: bộ nhớ não bộ (mind memory) và bộ nhớ cơ thể (body memory). Bộ nhớ não bộ giúp người học khiêu vũ ghi nhận kỹ thuật, học tên bước nhảy, nhớ vững nguyên tắc, tính toán động tác. Một lúc bước nhảy đã thuần thục động thái được chuyển về bộ nhớ cơ thể, tàng trử ở đó, nằm sâu trong cơ bắp đễ rồi phát huy theo phản xạ, linh hoạt theo vô thức luồn lách vào hồn nhạc, tạo thành những bước nhảy hòa quyện giửa hai người.

Toronto hiện là thành phố địa bàn hoạt động của môn KVQT và ở một tầm mức cao hơn là thành phố đăng cai nhiều giải khiêu vũ địa phương cũng như quốc tế. Ở đây mười năm trở lại nhiều câu lạc bộ khiêu vũ được mở ra, phát triển nhanh theo trào lưu mà thành phần vũ sư uyên bác phần đông đến từ nước Nga nhận ra thành phố có nhiều cơ hội. Cá nhân tôi là một trong những người tiên phong trong cộng đồng đi vào môn KVQT, có cơ hội học hỏi về cơ bãn, kỹ thuật nên có dịp đến nhiều sàn nhảy, giao lưu có, biểu diển có gặp gở nhiều cộng đồng, sắc tộc, từ đó có cơ hội mục kích, học hỏi. Chung chung dân tình họ lịch lãm, có trình độ và ý thức cao về môn nghệ thuật khiêu vũ điều dễ tạo thiện cảm và nễ phục đối với khách tham dự không cùng sắc tộc. Họ tôn trọng đám đông, không lớn tiếng, ồn ào và điều mà tôi thích nhất là họ tôn trọng sàn nhảy một cách đặc biệt, không băng qua lại một cách tự tiện đặc biệt trong lúc biểu diển. Ban tổ chức của họ có trình độ cao về nghệ thuật, am hiểu tempo về nhạc khiêu vũ quốc tế, xử dụng âm thanh ánh sáng hài hòa phù hợp với tiêu chuẩn của một sàn nhảy Ballroom. Nói chung cách tổ chức của họ thật đáng khâm phục từ nhiều góc cạnh cần cho tôi và bạn học hỏi. Riêng về khiêu vũ phần đông họ cũng nhảy ở trình độ giao lưu tuy vậy ở giửa đám đông lúc nào cũng có những bông hoa tuyệt đẹp. Hôm nay nhìn lại, sau bao nhiêu năm học hỏi tôi đã đi qua một đoạn đường khá dài, thế nhưng, nhìn về phía trước chân trời nghệ thuật vẫn còn thật xa. Điều mà tôi nhận ra và thường hay chia sẽ với những người gần gủi là ngày đầu tập tễnh bước lên sàn khiêu vũ tôi thấy mọi người đều nhảy đẹp chỉ trừ tôi ra. Sau bao nhiêu năm học hỏi tôi nhận ra chẵng còn một ai nhảy đẹp nữa, trong đó có cả chính tôi. Xem như vậy thì môn chơi bít lối ra rồi!

Tôi viết bài nầy không ngoài mục đích đem đến bạn, người muốn biết về KVQT một khái niệm về môn nghệ thuật và xin chia sẽ với bạn một vài cảm nghĩ. Bài viết không có tính cách quảng cáo cho một trường học, một trường phái lại cũng không vì mục đích đề cao cá nhân; bởi lẽ, tôi và bạn, cả hai đang đứng thật xa từ đích điểm nghệ thuật và điều mà tôi xác tín là chẵng ai đến được đích điểm nghệ thuật bao giờ. Bài viết cũng không nhằm mục đích đào sâu về kỹ thuật của từng điệu nhảy thuộc trường phái KVQT bởi môn học xem ra rộng lớn không thể đóng khung trong vài trang giấy ngắn, với lại, sự hiểu biết của con người trong nghệ thuật còn lắm giới hạn. Đễ kết luận, tôi muốn chia sẽ với bạn: nghệ thuật ở lãnh vực nào cũng đẹp, cũng đáng yêu, đòi hỏi phải vươn lên. Điều mà tôi yêu thích là được nhìn những đôi nhảy với những bước nhảy bình dị, không đắn đo kỹ thuật, không nề hà nguyên tắc, nhưng bước theo tiếng nhạc với khuôn mặt đáng yêu và biết chia sẽ nổi hứng thú cho người bạn của mình. Bởi vậy, không cần biết bạn đang khiêu vũ với trường phái nào, sàn nhảy nào, chỉ cần bạn vui, yêu đời bên partner dễ thương của bạn và tôn trọng những người chung quanh là bạn đang sống với nghệ thuật và như tôi nói đã là nghệ thuật thì lúc nào cũng đẹp, cũng đáng yêu.

Toronto, March 20th , 2016

Bài từ Nguyễn Hùng Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét