Sau khoảng bảy phút bắn cạn hết băng đạn của những khẩu AK, quân Trung Quốc vẫn không đẩy lùi được vòng tròn bất tử mà hàng chục người lính Việt Nam cận kề bên nhau kết thành để bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Không dừng lại cuộc tàn sát, toán lính Trung Quốc rút hẳn lên tàu chiến. Rồi nhiều loạt đạn 12,7 mm xả thẳng vào các chiến sĩ Việt Nam còn chới với giữa bãi đá.
Đứng trước làn mưa đạn của Trung Quốc, những chiến sĩ Việt Nam không được trang bị súng chỉ còn cách chống trả bằng những gì có trong tay. Họ quơ loạn xạ xà beng, cuốc xẻng, nhảy khỏi bãi đá, núp dưới nước để tránh hàng loạt đại liên chết người quất ngang dọc. Phía Trung Quốc vẫn tiếp tục nã đạn, những người lính công binh không có kinh nghiệm tác chiến, phải lặn xuống nấp dưới bãi Gạc Ma để tránh đạn.
“Hàng loạt đạn quân địch bắn ra, mắt tôi bắt đầu thấy bỏng rát. Tôi ngã ngửa người ra và lặn xuống nước. Khi Trung Quốc xả súng như vậy thì tôi trông thấy rất nhiều lính công binh bất lực vì họ chỉ có cuốc xẻng, xà beng trong tay. Đánh giáp lá cà còn được nhưng khi chúng rút ra xa và tiến lên tàu rất nhanh rồi bắn xuống thì chúng tôi không làm được gì cả. Lúc đó ai may mắn thì sống sót, không thì hy sinh”, Trung sĩ Lê Hữu Thảo kể lại tình huống nguy cấp.
Quân Trung Quốc tiếp tục cho nổ hàng loạt đạn đại liên chát chúa, dồn dập vào những binh sĩ Việt Nam đang ẩn nấp. Hạ sĩ Ngô Văn Luận lúc này lặn sâu xuống biển, rồi lượn qua lượn lại để tránh làn đạn của đối phương. Anh kể: “Tôi cứ lội qua lội lại xung quanh lá cờ, khi ngóc đầu lên thấy đạn vẫn bắn như mưa như gió, mù mịt về phía những đồng đội mình. Lúc đó rất hoảng, cứ phải lặn sâu xuống. Được một lúc hết hơi thì trồi lên, khi đó chúng chưa bắn tàu nên tôi định bơi về phía tàu HQ-604 của mình. Nhưng tôi ngóc đầu lên lần nữa thì thấy tàu nó chĩa pháo sang bắn tàu mình.”
Hạ sĩ Trần Đức Thanh, quê ở Quảng Bình, cũng thuộc đơn vị công binh thoát chết nhờ lặn xuống dưới nước, mô tả cuộc nổ súng khi ấy vô cùng kinh hoàng. Đạn không khác gì mưa xối xả cà sát da thịt người, dí đuổi tới tận cùng, không chừa đường sống. Cuộc xả súng thứ hai diễn ra khoảng bảy, tám phút được miêu tả dài như một thế kỷ:
“Khi tôi lặn xuống vẫn nghe tiếng súng. Những loạt đạn của Trung Quốc bắn vào chỗ chúng tôi bay như mưa, mù mịt. Những làn đạn ngang dọc giống như một trận mưa ồ ạt, không ngớt. Lúc tôi trồi lên được thì thấy quân Trung Quốc nã pháo lớn 12 ly 7, có uy lực cực lớn về phía tàu HQ-604 và các đồng chí trên tàu.”
Khoảng 7 giờ 15 phút sáng, tàu Trung Quốc bắt đầu bắn hàng loạt đạn 100 mm về phía tàu HQ-604. Tiếng pháo nổ rầm trời, tàu vận tải Việt Nam bị bao trùm giữa một quầng lửa. Nước bắn tung tóe, trên đỉnh tàu ngọn tháp đứt làm ba, văng khỏi boong tàu và bay lên không trung. Tàu lúc này nghiêng hẳn về phía mạn trái và chìm rất nhanh. Đồ đạc trên tàu văng ra, lềnh bềnh trên mặt nước. Những chiến sĩ có mặt trên tàu lúc đó không ai nghĩ rằng quân Trung Quốc có thể điên cuồng, tàn bạo đến thế. Trong khi mọi người từ chỉ huy cao nhất Trung tá Trần Đức Thông đến chiến sỹ công binh vẫn đang dõi mắt về đồng đội trên bãi đá Gạc Ma thì đạn pháo quân Trung Quốc đã phạt ngang ca bin và xé toạc con tàu. Vỏ thép con tàu HQ - 604 còn không chịu nổi sức công phá của đạn pháo 100mm được bắn ra từ tàu Trung Quốc, thì những chiến sỹ có mặt trên tàu hoặc chết bởi làn đạn địch, hoặc chìm theo tàu không thoát kịp ra ngoài. Rất ít người sống sót.
Về phía Thuyền trưởng - Đại úy Vũ Phi Trừ, ngay khi thấy tình hình trên bãi Gạc Ma nguy cấp, vừa động viên tư tưởng cán bộ chiến sỹ trên tàu, ông đã ra lệnh cho tàu lao về phía Trung Quốc vì trên tàu có súng AK, B40, B41. Những loại súng này tầm bắn quá ngắn nên phải áp sát mới phát huy được công lực. Nhưng chưa kịp tới gần thì tàu HQ-604 đã hứng chịu hỏa lực mạnh hơn nhiều lần từ tàu chiến Trung Quốc. HQ-604 bị thủng nhiều chỗ và chìm dần.
Hạ sĩ Phạm Văn Trường, quê Hà Tĩnh, thuộc đơn vị hải đồ lúc này đang trên tàu. Chưa kịp kìm nén giận dữ khi thấy phía Trung Quốc bắn xả súng 12,7 mm về phía những đồng đội mình trên bãi đá, anh chợt thấy con tàu bị chấn động bởi hàng loạt đạn pháo từ tàu đối phương. Hạ sĩ Trường vội nhảy khỏi tàu, trước lúc đó còn trông thấy Hạ sĩ Nguyễn Thanh Hải, quê Hà Tĩnh, bắn hai quả B40 về phía tàu Trung Quốc để chống trả. Nhưng vì tầm lực hạn chế, quả đầu không tới nơi và rơi xuống biển. Quả thứ hai đang chuẩn bị khai hỏa thì Hạ sĩ Nguyễn Thanh Hải trúng đạn hy sinh tại chỗ. “Tôi trông thấy tàu chúng bắn dồn dập, mảnh đạn cắt bằng đài chỉ huy của mình thành ba khúc. Cột cẩu hàng của mình cũng đổ thành ba khúc”, Hạ sĩ Phạm Văn Trường chứng kiến trước lúc nhảy khỏi tàu.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đo đạc trở về tàu, đang đứng trên mũi tàu nhai miếng lương khô lót dạ Hạ sỹ Trương Văn Hiền thuộc đơn vị hải đồ chứng kiến toàn bộ diễn biến cuộc chiến giữ cờ của đồng chí, đồng đội. Khi phía Trung Quốc chĩa nòng pháo bắn vào tàu HQ-604 nơi anh đang đứng, thấy nóng rát toàn thân, một ý nghĩ chợt đến trong đầu Trương Minh Hiền “đời mình đến đây là hết”. Lúc đó anh đã bị trúng đạn vào ngực và bên sườn phải. Tay trái lúc này cũng bị gãy do va chạm mạnh. Máu chảy ướt hết áo. Hiền chỉ còn biết ôm lấy thùng dầu gần đó và phó mặc cho số phận, chìm theo con tàu.
Về phần mình, sau khi hét lên thông báo cho mọi người trên tàu biết dây cáp vận chuyển bị đứt, Hạ sĩ Lê Văn Đông chạy trên tàu thì nghe tiếng súng nổ chói tai. Không kịp suy nghĩ, Đông vội nhảy xuống hầm hàng. Lúc này, dưới hầm hàng nhiều chiến sĩ bị thương, có người đã hy sinh nằm đè lên nhau, máu chảy đầm đìa. Đông bị bắn vào người, không rõ chỗ nào chỉ thấy máu ướt toàn thân nên anh nấp người vào trong góc. Con tàu sụt dần xuống biển, nhưng vì bị kẹt lại nên Đông không thể nhảy khỏi tàu và nằm lại trong hầm hàng khoảnh khắc tàu HQ-604 chìm hẳn.
Thời điểm đó trong ca bin tàu có nhiều chiến sĩ đang làm nhiệm vụ chưa kịp phân tán thì đã hứng chịu mấy loạt đạn pháo từ tàu Trung Quốc nên hầu hết đều bị trọng thương. Trung sĩ Nguyễn Văn Thống, thuộc Trung đoàn công binh 83, đang ở trên boong tàu, khi nghe đạn nổ mù trời thì nhảy vào ca bin. Trong ca bin một cảnh tượng kinh hoàng, anh thấy xác nhiều đồng đội đã hy sinh, người cụt tay, người cụt chân, máu chảy lênh láng. Bản thân Thống cũng trúng đạn và đổ gục ngay tại cửa ca bin. Thống biết tàu lúc đó sắp chìm nhưng tình thế không thể nào nhấc nổi người để bơi thoát ra khỏi tàu. Anh cũng như những chiến sĩ khác phó mặc cho nước biển nhấn chìm.
Trướckhi tàu HQ-604 bị đạn pháo giặc bắn, đang làm nhiệm vụ ở dưới móc cẩu hàng, chiến sĩ Phạm Văn Nhân, thuộc Trung đoàn công binh 83, thấy nhiều xuồng của Trung Quốc áp quanh. Bất chợt, Nhân nghe tiếng AK nổ trên bãi đá và rồi quay nhìn lại thấy hai tàu Trung Quốc bắt đầu bắn pháo về tàu HQ-604: “Hàng loạt đạn nhắm bắn vào xuồng tôi chiu chíu, tôi nhìn thấy vết đạn găm vào thân xuồng. Đạn pháo lúc đấy của địch nã vào ca bin của tàu, khiến đồ đạc, sắt thép rơi loảng xoảng.”
Trận nã pháo ấy kéo dài trong vòng 15 phút và hàng chục chiến sĩ đã dừng lại cuộc đời nơi biển thẳm. Lấy hết dũng cảm có được trong người, khi thấy đạn pháo ngớt, Hạ sĩ Phạm Văn Nhân liều mình nhảy lên tàu. Khung cảnh trên tàu thêm một lần nữa ập vào mắt Nhân: “Xác của các đồng đội tôi nằm la liệt, những người lính bị thương thì người bê bết máu.”
Hạ sĩ Phạm Văn Nhân tiếp tục nhảy vào khu hầm chứa hàng hóa của tàu để xem còn đồng đội nào sống sót. Lúc này, sau khi trúng phải đạn pháo của giặc, tàu dần dần nghiêng hẳn rồi chìm xuống biển rất nhanh. Nước ào ạt chảy vào hầm chứa hàng dồn ép Nhân vào góc: “Lúc ấy, tôi nghĩ, thôi thế là chết rồi, vì mình đang bị nhốt chặt dưới nước trong một hầm kín. Nhưng tôi bỗng trở nên bình tĩnh. Địa điểm lúc tôi bị kẹt nằm cách mặt nước biển khoảng 30 mét. Tính toán rất nhanh, tôi lặn xuống dưới để tìm cách thoát ra ngoài. Tôi cố gắng ép người, nhịn thở. Rất may, sau lúc đầu mất phương hướng, tôi đã tìm được lối để nổi lên mặt nước.”
Trước đó, Hạ sỹ Lê Minh Thoa, thuộc Lữ đoàn 125 vận tải chuyển hàng, chở hàng vũ khí ra đảo, đang thực hiện nhiệm vụ phụ trách máy tàu thì nghe tiếng báo động của đồng đội trên tàu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh cho Hạ sĩ Lê Minh Thoa xuống phía máy. Lúc này, chỉ có xuồng máy có trang bị đại liên cùng ba lính Trung Quốc chĩa súng lên tàu còn trên bãi cạn, trên tàu vẫn chưa có tiếng nổ súng. Tuy nhiên, vừa đặt chân xuống khoang máy thì Thoa nghe tiếng AK bắn trên bãi đá, Thoa vội nhảy xuống thật nhanh để chuẩn bị máy, chờ lệnh của thuyền trưởng. Nhưng xuống được khoang máy, chưa kịp điều khiển thì phía trên ca bin, đạn đại liên của Trung Quốc đã bắn phá đùng đùng. Tiếp đến là phần máy và máy tàu nơi Hạ sĩ Lê Minh Thoa đứng chốt bốc cháy. Nước biển cùng lúc tuôn xối xả vào máy tàu, Thoa bị bỏng nặng và mắt cá chân bị thương: “Tôi và nhiều đồng đội ở đó cố gắng dập lửa nhưng không kịp, trúng xăng nên máy tàu cháy phừng lên. Sau tôi chìm theo tàu.”
Tận mắt trông thấy máu của đồng đội đỏ thắm loang khắp boong, từng người ngã la liệt, Hạ sĩ Dương Văn Dũng cố ghìm đau đớn, né những làn đạn như mưa đá mà phía binh sĩ Trung Quốc đang tiếp tục bắn tới. Và dường như linh hồn đồng đội đã che chở hay chính đạn đã tránh khỏi thân thể Dũng, anh không bị thương nên cứ thế lao người vào buồng lái. Lúc này, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bị đạn bắn trúng, máu trào ra đẫm cả vạt áo. Trong cơn hoảng loạn, Hạ sĩ Dương Văn Dũng vội xé toạc mảnh áo lót trên người mình băng cho thuyền trưởng nhưng Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ xua tay: “ mau chạy lên boong, nhảy ra biển vì tàu sắp chìm”. Dũng chưa kịp chạy thì nước biển đã ngập kín con tàu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ vẫn ôm chặt bánh lái, nằm lại với biển. Hạ sĩ Dương Văn Dũng bất tỉnh và chìm theo tàu HQ-604. Anh hồi tỉnh khi mặt biển đã loang loáng nắng cũng là lúc ca nô của quân Trung Quốc áp sát dí sung vào đầu.
Những chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên con tàu HQ-604 sáng hôm ấy, mỗi người một số phận khi hứng chịu những loạt đạn pháo của quân Trung Quốc. Hầu hết là bị thương hoặc thân thể bị đạn xé và cùng chìm với con tàu. Thời gian từ lúc giằng co trên bãi đá cho tới lúc quân đội Trung Quốc nổ súng tàn sát tất cả những chiến sĩ hợp thành vòng tròn bảo vệ cờ và bắn chìm tàu chỉ xảy ra trong vòng 25 phút.
Thời điểm khi phần đông các chiến sỹ đang chống cự với quân lính Trung Quốc để bảo vệ lá cờ chủ quyền, Thượng úy Nguyễn Văn Chương vẫn chỉ huy một tổ 8 chiến sỹ khẩn trương bốc xếp và vận chuyển vật liệu, cấu kiện vào bãi đá Gạc Ma. Sau khi hoàn thành vận chuyển chuyến hàng thứ hai đang quay trở lại tàu thì bỗng nghe súng nổ, và tiếp đó là tiếng súng AK đồng loạt ổ inh tai. Quay lại nhìn về đồng đội đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng đang bị vùi trong làn nước bị xới tung mù mịt vì đạn giặc. Còn cách tàu HQ-604 mấy chục mét, Thượng úy Nguyễn Văn Chương hối thúc anh em khẩn trương trở về tàu để tiếp nhận mệnh lệnh chỉ huy, nhưng vừa đẩy xuồng lên chưa đầy chục mét thì tàu Trung Quốc đã bắn hàng loạt đạn pháo vào tàu HQ-604. Nhìn thấy cột ăngten, cần cẩu và ca bin tàu lần lượt bị pháo giặc chặt đứt, bắn tung tóe mà lòng đau quặn thắt, vì trên tàu các đồng chí chỉ huy và biết bao đồng chí đồng đội đang lo công tác xếp dỡ hàng hóa. Con tàu HQ-604 đang dần chìm xuống nước và mờ nhòe trong dòng nước mắt uất nghẹn của Thượng úy Nguyễn Văn Chương.
Sau khi tàu chìm, quân đội Trung Quốc còn vãi đạn xuống mặt biển mới rút đi. Những người lính Việt Nam cầm cự dưới nước biển lúc này trồi lên. Cảnh tượng đập vào mắt cay xè nước biển hôm đó là chiếc tàu HQ-604 đã chìm khuất trong mặt biên sôi sục, chỉ còn những vụn vỡ nổi trôi. Thượng úy Nguyễn Văn Chương lúc bấy giờ cùng với mấy chiến sỹ còn sống sót và chiếc xuồng nhôm bị đạn khoan thủng quay trở lại bãi đá Gạc Ma. Sau giây phút bàng hoàng, anh dần lấy lại bình tĩnh để xem xét tình hình và đưa ra quyết định vì bây giờ chỉ còn anh là người chỉ huy duy nhất còn lại. Bám trụ lại đảo ư? Câu hỏi chợt đến trong đầu Thượng úy Nguyễn Văn Chương, nhưng điều này hoàn toàn không thể vì chỉ còn mấy chiến sỹ đã kiệt sức không vũ khí, không lương thực, không nơi trú chân khi thủy triều lên. Anh quyết định cùng anh em tìm kiếm và cấp cứu các chiến sỹ bị thương. Nhìn thấy lá cờ ướt sũng và thấm máu nằm trên mỏm đá san hô, Thượng úy Nguyễn Văn Chương chỉ đạo Hạ sỹ Nguyễn Văn Lục dựng lại ngọn cờ trước khi tìm được đồng đội và rời đảo. Tuy nhiên, loay hoay mãi Lục không thể nào dựng được vì cán cờ còn lại quá ngắn và không có dụng cụ để tạo lỗ cắm, trong khi thủy triều mỗi lúc một lên cao. Hạ sỹ Nguyễn Văn Lục đành thất vọng buông lá cờ dập dềnh cùng những vệt máu loang trên mặt biển. Thấy thủy triều lên nhanh, Thượng úy Nguyễn Văn Chương chỉ đạo mấy chiến sỹ xé chiếc áo bịt kín lỗ đạn trên xuồng, tát kiệt nước, lót thêm mấy miếng ván trôi nổi và khẩn trương tìm kiếm đồng đội.
Trung sĩ Lê Hữu Thảo sau khi ngoi đầu lên từ hõm đá san hô, thấy mình không bị thương tích, liền cởi áo để bơi về phía những đồng đội còn sống thì nghe tiếng gọi khe khẽ: “Cứu tôi với, Cứu tôi với!”. Đó là Trung úy Hoàng Bùi Hải. Lúc này Hải bị thương nặng, phần lưng và hông trái bị cháy sạm, rỉ máu, mắt nhắm nghiền, toàn thân nằm nhoài trên đống phao. Thấy vậy, Thảo dìu phao của Hải vào bãi cạn, nơi có chiếc xuồng nhôm tụ khoảng bảy người lính đang bám trụ. Cũng nhờ chiếc xuồng bị thủng còn sót lại này mà những người lính trải qua cơn mưa lửa đạn của binh lính Trung Quốc có hy vọng được tiếp tục sống và trở về.
Một lúc sau, những chiến sĩ quần áo tả tơi, đã tìm được thi thể Thiếu úy Trần Văn Phương, cạnh đó là khẩu AK và Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh mình đầm đìa máu. Tiếp tục đẩy xuồng đi tìm kiếm, cả đoàn lại vớt được Hạ sĩ Nguyễn Văn Tứ trong tình trạng bị thương nặng và mất rất nhiều máu. Trời vẫn nắng gắt, nước biển vẫn chát mặn và tanh mùi máu, các chiến sĩ tiếp tục tản ra tìm kiếm, cứu vớt những đồng đội còn sống.
Vừa bơi ra ngoài để tìm những đồng đội trên tàu có cơ may sống sót, Trung sĩ Lê Hữu Thảo thấy một người ngồi trên thùng nghiệp vụ, mắt bị thương. Anh liền với người bơi theo. Khi anh còn cách người đồng đội ấy một khoảng xa thì tàu Trung Quốc lại tiến tới, kèm theo tiếng súng AK bắn loạn xạ, tung tóe mặt nước trước mặt. Quá đuối sức, Trung sỹ Lê Hữu Thảo bơi ngược trở lại vào bãi cạn. Lúc này thủy triều đã lên cao, không ai còn sức lực để bơi đi tìm nữa. Mùi máu của những xác người đã chết loang ra mặt biển, mỗi lúc càng dậy hơi tanh, lũ cá mập bắt đầu tiến vào quẫy nước tung tóe.
Công việc tìm kiếm dần trở nên khó khăn, sau đó một đồng đội được tìm thấy, anh tự bơi vào bờ. Đó là chiến sĩ thuộc đơn vị hải đồ Phạm Văn Trường. Nghỉ ngơi một lúc, cả đoàn thay phiên nhau chăm sóc những người bị thương và khiêng lên xuồng để chuẩn bị bơi về phía tàu HQ-505 đã gác đầu lên bãi đá Cô Lin. Lúc này, quân Trung Quốc đã rút hết lên tàu, chỉ còn đúng năm lính tay cầm AK đứng cách các chiến sĩ Việt Nam chừng 100 mét nhưng không nổ súng. Khoảng đến 10 giờ 30 phút, chiếc xuồng máy được thả vào chở năm lính Trung Quốc cuối cùng trên bãi cạn rời đi.
Tới khoảng 12 giờ 30, có hai chiếc máy bay rất cao, hy vọng lóe lên trong đầu những người sống sót sau trận thảm sát. Tuy nhiên, chiếc máy bay xa dần rồi thành một chấm nhỏ phía xa in trên nền trời. Đến giờ phút ấy vẫn không có ai cứu họ. Vẫn chênh vênh, lênh đênh nửa người trên biển, các chiến sĩ Việt Nam xé áo để bịt những chỗ thủng trên chiếc xuồng nhôm và bơi đi. Ba thương binh gồm Hạ sĩ Nguyễn Văn Tứ, Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh và Trung úy Hoàng Bùi Hải cùng thi thể thiếu úy Phương được cho nằm trên xuồng. Lúc này, vết thương trên người Tứ chảy rất nhiều máu, anh kêu lên đau đớn. Còn Lanh và Hải chỉ rên khe khẽ, mắt nhắm nghiền, người bất động. Mọi người sốt ruột, liền nhanh chóng tiến về phía tàu để chữa trị vết thương cho đồng đội mình.
Với tinh thần phải cứu được những đồng đội đang bị thương chưa biết sống chết, một số chiến sĩ dù đã rệu rã với cuộc chiến không cân sức trước đó vẫn ráng bám vào hai bên xuồng, vừa bơi vừa đẩy để xuồng trôi đi. Cứ như thế, họ lênh đênh trên biển khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ thì phát hiện phía sau có thêm một đồng đội là Hạ sỹ Nguyễn Ngọc Hưng, quê Hải Phòng, là thợ máy. Vậy là cả xuồng chuyển hướng, xa dần tàu HQ-505 để quay lại cứu Hưng. Vừa lúc chiếc xuồng rách nát chuyển hướng, tàu HQ-505 phát hiện ra đồng đội của mình và hạ xuống máy xuống cứu. Khi lên được chiếc xuồng nhôm bị thủng, Hạ sĩ Nguyễn Ngọc Hưng kể lúc tàu chìm hẳn rồi thì anh thoát được ra ngoài. Chắc do dáng người nhỏ nên anh lọt qua lỗ pháo mà Trung Quốc bắn phá và trồi lên mặt nước. Sau khi cứu được Hưng, Thượng úy Nguyễn Văn Chương cho xuồng hướng về phía tàu HQ-505 lúc này đã trở thành một pháo đài sừng sững sau khi thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu lao thẳng lên bãi Cô Lin. Tới khoảng 17 giờ, cả nhóm người nhấp nhô trên biển được kéo lên "pháo đài HQ-505".
Khi cập mạn tàu 505, chỉ có những chiến sĩ khỏe mạnh lên tàu, còn những thương binh và thi thể Thiếu úy Trần Văn Phương vẫn nằm dưới xuồng. Tàu HQ-505 vẫn còn nóng do Trung Quốc nã pháo nhưng mọi người tất tả chạy đi tìm đồ ăn, sữa để bón cho những thương binh dưới xuồng. Những người lính mình đầy thương tích, áo quần rách nhàu bón từng muỗng sữa pha loãng cho đồng đội bị thương.
Đến khoảng 21 giờ, tàu HQ-961 mang cờ Chữ thập đỏ cập mạn tàu HQ-505, chuyến đầu tiên chở các thương binh và một số chiến sỹ hy sinh vào đảo Sinh Tồn, vì nơi đây có đội ngũ y tá, y sĩ để tiến hành cứu chữa. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau đó, toàn bộ những người lính sống sót được chở về đảo Sinh Tồn. Khoảnh khắc đặt chân lên đảo, mọi người vỡ òa xúc động. Những người lính trên đảo Sinh Tồn ôm chầm lấy đồng đội may mắn còn lại mà xin lỗi, mà thổn thức. Họ khóc, vì bất lực, vì thương những con người sống sót, vì đau cho những người đã đồng chí đã nằm lại giữa biển cả. Khoảnh khắc thấy tàu Trung Quốc nã pháo xối xả về phía tàu HQ-604, những người lính trên đảo Sinh Tồn sôi sục lòng căm hờn, đau đớn và đã sẵn sàng hạ nòng 4 khấu 76,2 mm và ngắm thẳng con tàu mang số hiệu Trung Quốc. Nhưng khi xin lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Vùng nổ súng thì Bộ chỉ huy không phê chuẩn. Vì khoảng cách từ đảo Sinh Tồn tới bãi đá Gạc Ma độ 12 hải lý, nhưng tầm bắn hiệu quả của khẩu 76,2 mm chỉ trong vòng 6 hải lý. Đảo Sinh Tồn nổ súng bắn tàu Trung Quốc sẽ là thời cơ thuận lợi để đối phương tạo cớ lấn sâu và san bằng đảo, trong khi lực lượng tiếp ứng chưa thể đến kịp. Nếu điều đó xảy ra, sẽ có nguy cơ mất luôn đảo Sinh Tồn vào tay Trung Quốc nên mọi người kìm nén hận thù, bất lực và đau đớn nhìn đồng đội hy sinh và con tàu chìm dần trong làn đạn pháo.
Bữa cơm các chiến sĩ trên đảo chuẩn bị cho những người còn sống trở về, mọi người ăn mà ứa nước mắt, chẳng ai dám nhận mình là may sau cuộc tàn sát đã cướp đi gần hết sinh mạng của các đồng đội. Những người chỉ một đêm trước đó còn nằm cạnh nhau, cùng câu cá và kể về dự tính tương lai.
Sóng biển vẫn cứ vỗ, trăng vẫn cứ sáng, cá vẫn quẫy đạp như đêm đầu họ đến vùng biển Trường Sa. Sau bữa cơm, quân số được chia về các trung đội và họ thay nhau canh thi thể Thiếu úy Trần Văn Phương. Lúc này, Trung sĩ Lê Hữu Thảo mới giở chiếu ra xem kỹ làn đạn bắn thủng người đồng đội mình: một viên xuyên qua bụng, một phát bên phía thái dương, xuyên sang trái hoặc ngược lại. Chỉ mới đêm hôm trước người động đội của anh còn canh cột cờ giữ gìn chủ quyền biển đảo, đêm hôm sau anh đã phải canh thi thể người đồng đội gầy gò, từng khoe mới cưới vợ với gương mặt tươi rói, hạnh phúc. Mọi việc diễn ra quá nhanh và chẳng một ai bắt kịp để trăng trối lại với nhau điều gì. Đêm đó tại đảo Sinh Tồn, Hạ sĩ Nguyễn Văn Tứ cũng trút hơi thở cuối cùng do mất quá nhiều máu.
Sáng hôm sau, các chiến sỹ làm lễ an táng cho hai đồng đội Trần Văn Phương và Nguyễn Văn Tứ. Những người lính biển da sạm đen, cháy nắng, gầy gò, áo quần tơi tả. Nước biển ăn mòn tất cả đồ đạc, cả trung đội chỉ còn một, hai đôi dép đứt thay nhau để rửa chân. Trên đảo cũng nghèo, tìm mãi mới đủ trang phục chỉnh tề cho tất cả mặc mà đưa tiễn anh em về nơi an nghỉ cuối cùng. Họ chôn Thiếu úy Trần Văn Phương và Hạ sỹ Nguyễn Văn Tứ dưới góc sân tiểu đoàn. Hai ngôi mộ mọc lên giữa đảo, nước mắt nóng hổi lăn thành vệt dài trên má những người còn sống.
Những người còn sống lại tiếp tục làm sứ mệnh thiêng liêng là giữ chủ quyền trên đảo. Cho dù cuộc đời lính đảo và lính thủy cực khổ, trên tàu chỉ được một ca nước ngọt để đánh răng rửa mặt. Cả tuần mới tắm một lần và cũng chỉ được tiêu chuẩn mỗi người vài ba lít nước. Ăn uống đơn giản, chủ yếu là bắp cải khô đóng giói nilon, ngâm nước rồi xào không với chút thịt nên đây là bữa ăn chỉn chu nhất họ từng có.
Đến ngày thứ ba, Thượng úy Nguyễn Văn Chương theo tàu của Hội Chữ Thập đỏ trở lại bãi Gạc Ma để tiếp cận tàu HQ-604 đã chìm, hy vọng tìm được đồng đội còn sống hoặc vớt thi thể những người đã hy sinh. Tuy nhiên, khi tiếp cận tàu, gần tới được nơi tàu bị chìm thì Trung Quốc đem tàu chiến đuổi theo. Dù tàu Việt Nam treo cờ Hội Chữ thập đỏ nhưng binh sĩ Trung Quốc vẫn chĩa nòng pháo đe dọa: “Chúng tôi đã mang cờ Chữ Thập đỏ, lại không có vũ khí vì chỉ mong vớt được thi thể của đồng đội ở tàu HQ-604 nhưng khi thợ lặn xuống thì vẫn bị tàu chiến Trung Quốc tới uy hiếp.”
Không tiếp cận được, Thượng úy Nguyễn Văn Chương buồn bã quay về đảo Sinh Tồn, nhưng lòng dạ cứ mãi day dứt về thi thể những đồng đội nằm ngoài biển cả. Vì trước lúc rời khỏi tàu, Thượng úy Chương có nghe tiếng một đồng đội gọi với: “Cứu em với anh Chương ơi”. Ông quay sang hỏi Hạ sĩ Nguyễn Văn Lục: “Đứa nào gọi đấy Lục?” thì cả hai chẳng thấy ai, giọng nói trong lúc sinh tử của người đồng đội chưa kịp rõ mặt đó ám ảnh ông, mỗi lần nhớ lại đều trào nước mắt.
Mấy ngày sau, máy bay Việt Nam tới đảo Sinh Tồn, thả hàng viện trợ được gói trong bao tải xuống. Chủ yếu là vật dụng tư trang như áo quần, kem đánh răng, bàn chải cho những người lính sử dụng tạm thời. Trong những ngày anh em ở trên đảo, tàu thuyền Trung Quốc liên tục chạy ngang, tiến sát trong phạm vi rất gần, chĩa súng khiêu khích nhưng không khai hỏa.
Khoảng 10 ngày sau đó, chiếc tàu vận tải của Lữ đoàn 125 mang cờ Chữ Thập đỏ ra đảo cấp nước và chở những con người sống sót trở về. Trên đường về lại Cam Ranh, tàu Việt Nam vẫn bị tàu chiến Trung Quốc bám đuổi theo đe dọa. Khi phát hiện chỉ là tàu vận tải, không có vũ khí, họ mới ngưng quấy rối.
Sáng 25 tháng 3 năm 1988, con tàu chở tất cả những người lính sống sót trong sứ mệnh CQ-88 cập cảng Cam Ranh. Ra đón họ là Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương, Bộ Chỉ huy Vùng 4 Hải quân, cán bộ và chiến sĩ Lữ đoàn 146, Trung đoàn công binh 83 và các đoàn thể cùng phóng viên báo chí.
Tại cầu cảng, buổi lễ mặc niệm những chiến sĩ trong nhiệm vụ giữ chủ quyền Gạc Ma đã hy sinh diễn ra bình dị. Đô đốc Giáp Văn Cương đọc bài tưởng niệm. Nước mắt của những người may mắn trở về lại rơi, trong cái ôm, cái siết tay mạnh mẽ chào đón tại quê hương.
Bên cạnh những người hy sinh và những người đã trở về, còn chín chiến sĩ thoát ra được khi tàu HQ-604 chìm nhưng phải đối mặt với một cuộc chiến khác – cuộc chiến cân não với Trung Quốc vì mỗi giây phút họ ngoi lên mặt nước, làn đạn bắn tỉa sượt vào da thịt và cố bám vào những vật dụng nổi trôi cho đến khi bị quân Trung Quốc dùng móc câu kéo lên tàu. Họ bị bắt, bị bỏ đói suốt nhiều ngày khiến vết thương trương lên và bốc mùi. Sau đó, lại tiếp tục bị mổ sống, bị tra hỏi và suốt hơn ba năm sống cực hình trong nhà tù của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét