XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Lịch sử Vịnh Xuân quyền

Lịch sử ra đời và phát triển
Là một trong số ba bốn trăm môn phái võ lớn nhỏ xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc, Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền chiếm một vị trí đặc biệt trong làng võ truyền thống Trung Hoa, chẳng những vì vẻ đẹp và tính hiệu quả, hợp lý trong mọi chiêu thức, mà còn vì lịch sử hào hùng và cũng không kém phần lãng mạn của nó. Đặc biệt, Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền còn được biết đến trên toàn thế giới từ thập niên 70 của thế kỷ trước, thông qua Lý Tiểu Long, một truyền nhân của môn phái, được biết đến với những bộ phim võ thuật như "Đường Sơn đại huynh", "Tinh võ môn", "Mãnh long quá giang", "Long tranh hổ đấu"... Cho đến nay, Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc, Hồng Công, đến với nhiều nước trên thế giới (trong đó có Hungary), đáp ứng sự say mê, mến mộ của mọi người. (International Wing Tsun Martial-Art Association, do đại võ sư Lương Tán đứng đầu, hiện đang là liên đoàn võ thuật lớn nhất trên thế giới với 62 nước thành viên).
1. Bối cảnh:
Khoảng năm 1720, người Mãn Châu xâm lược Trung Quốc, lật đổ nhà Minh lập nên nhà Thanh. Chùa Thiếu Lâm ở tỉnh Hà Nam và Phúc Kiến trở thành trọng điểm của phong trào "phản Thanh, phục Minh" và các môn võ của họ - được xem như ngôi sao Bắc Đẩu của võ lâm Trung Hoa - bắt đầu được khuếch trương để dùng trong các cuộc nổi dậy. Vì mục đích trao đổi cũng như mục đích chung này, hai đại môn phái Võ Đang và Nga My được sát nhập. Một số khẩu hiệu cách mạng xuất hiện trong thời kỳ này, như "Vịnh viễn chi nhất" (luôn luôn nói với một lòng quyết tâm, nhất quán); "Bất vong Hán Tộc" (không được quên dân tộc Hán); "Dai Day Wu Chun" (mùa xuân sẽ trở lại)... Những khẩu hiệu này cuối cùng được cô đọng lại thành một từ đơn giản là "Vĩnh Xuân" (mãi mãi mùa xuân, mùa xuân vĩnh cửu). Vì bản chất quảng đại của các trường phái Thiếu Lâm truyền thống hoặc có lẽ một số kẻ phản bội đã dạy môn võ này cho người Mãn Châu, Thiếu Lâm cần có những kỹ thuật mới với những phương pháp hiệu quả hơn, tốt hơn cho ứng dụng và truyền thụ lại cho mọi người để đánh đổ nhà Thanh. Môn võ Thiếu Lâm cải tổ, hay còn gọi là Thiếu Lâm cách mạng, đã được hình thành như vậy.
Triều đình Mãn Thanh, đứng đầu là hoàng đế Càn Long, với hệ thống quân đội hùng mạnh do những tên phản đồ, phản quốc của Thất đại môn phái Trung Hoa nắm giữ, đã mở nhiều chiến dịch tấn công tiêu diệt phong trào yêu nước; lần lượt, nhiều phong trào tan vỡ. Một số ít phải bôn ba hải ngoại, chờ ngày phục quốc. Chùa Thiếu Lâm Hà Nam cũng là một mục tiêu mà nhà Mãn Thanh nhằm tới. Đại quân triều đình - dưới sự chỉ huy của chủ tướng Trần Văn Hoa đã tấn công chùa Thiếu Lâm - cùng sự trợ lực của một số tên phản đồ. Các nhà sư - những bậc võ nghệ siêu quần của Thiếu Lâm - đã chiến đấu vô cùng quyết liệt và tiêu diệt được nhiều kẻ địch. Tuy nhiên, với kế hỏa công và lực lượng quá đông đảo, quân đội Mãn Thanh đã giành thắng lợi sau nhiều giờ chiến đấu vất vả. Nhiều môn đồ của Thiếu Lâm đã hy sinh, một số khác bị quân lính Mãn Thanh bắt được trong khi đang thương tích trầm trọng. Tuy nhiên, trong số các đại cao thủ Thiếu Lâm, đã có 5 nhà sư trốn thoát: Ngũ Mai, Bạch Mi, Phùng Đạo Đức, Miên Hiển và Chí Thiện. Những người chạy thoát này đã bôn tẩu khắp nơi để lánh nạn.
2. Ngụ Mai lão ni và Chí Thiện thiền sư
Ngụ Mai lão ni đã chọn chùa Bạch Hạc trên núi Đại Lương - một ngọn núi nằm giữa ranh giới hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam - làm nơi ẩn náu. Tương truyền, Lão Ni sư trong một đêm thanh vắng giữa rừng khuya, đã chứng kiến cuộc ác đấu sống còn giữa một con hạc và một con rắn. Từ đó nung nấu và hình thành một môn công phu mới, thường được gọi là Bạch Hạc Quyền, có một tính cách khác hẳn với bao công phu trước đó. Đó là sự gọn gàng, uyển chuyển, linh hoạt và tìm ra con đường ngắn nhất trong phép công và thủ.
Cùng thời gian này, Chí Thiện thiền sư bỏ trốn tới Thiếu Lâm Phúc Kiến (Thiếu Lâm Nam phái) và tiếp tục sự nghiệp phát triển các dòng võ cách tân. Cuối thế kỷ XVIII, Chí Thiện nhận một số đệ tử, trong đó có Hung Hay Gung (người sau này sáng lập Hồng Gia Quyền) và Nghiêm Nhị tại võ đường Vịnh Xuân (được đặt tên theo theo khẩu hiệu Vịnh Xuân). Sau này, Nghiêm Nhị trở thành đại đệ tử của Thiếu Lâm Phúc Kiến, đã học được những môn võ công cách tân và các kỹ thuật cũng được sáng tạo ở đây. Nghiêm Nhị lấy một người vợ địa phương và sau đó sinh một cô con gái đặt tên là Nghiêm Vịnh Xuân. Cái tên Nghiêm Vịnh Xuân có thể là ảnh hưởng từ võ đường Vĩnh Xuân, có điều chữ Vĩnh được thay bằng chữ Vịnh cho phù hợp với tên của nữ giới.
Vào năm 1810, một đại đệ tử Thiếu Lâm cũ của Thiếu Lâm Phúc Kiến tên là Lương Bác Trù tới Quảng Tây, làm nghề buôn muối. Ông đã gặp và yêu Nghiêm Vịnh Xuân ở đây. Lương Bác Trù là một đại đệ tử Thiếu Lâm nên Nghiêm Nhị đã đồng ý và thu xếp cho hai người cưới nhau. Tuy nhiên, Do bị những tay quyền chức ở Quảng Đông mưu hại, Nghiêm Nhị đã phải cùng Vịnh Xuân bỏ trốn tới Tứ Xuyên, mở quán đậu phụ dưới chân núi Đại Lương. Nghiêm Nhị góa vợ, sống với cô con gái và đã sớm gây được cảm tình với dân chúng quanh vùng, trong đó có Ngũ Mai lão ni.
3. Nghiêm Vịnh Xuân và Lương Bác Trù:
Chuyện chẳng may, nhan sắc của Vịnh Xuân bị lọt vào mắt một tên vô lại, có quyền thế lớn ở vùng Đại Lương và đồng thời cũng là một cao thủ Thiếu Lâm. Tên này xin ngỏ ý cưới Xuân làm vợ, Nghiêm Nhị từ chối ngay bởi đã hứa gả Xuân cho Lương Bác Trù. Tuy nhiên, tên vô lại này vẫn một mực khăng khăng đòi cưới cho được Vịnh Xuân. Hắn đã cho Nghiêm Nhị biết ngày mà hắn cho là "ngày lành tháng tốt" để đến rước Xuân về làm vợ. Cha con họ Nghiêm vô cùng lo lắng vì võ công của Vịnh Xuân, tuy đã khá cao siêu, nhưng chưa thể địch nổi với tên vô lại kể trên và đồng bọn.
Ngũ Mai lão ni vẫn thường lui tới mua đậu phụ ở cửa hàng của Nghiêm Nhị. Biết được chuyện bất bình, bà quyết định đưa Vịnh Xuân lên chùa Bạch Hạc trên núi Đại Lương để truyền thụ võ học, hầu đối phó với bọn vô lại. Tương truyền rằng vì thời gian học võ của Vịnh Xuân quá ngắn, và ngày "cưới" đã gần kề, Ngũ Mai lão ni đã truyền dạy cho Nghiêm Vịnh Xuân một giáo trình võ học đặc biệt, rút tỉa từ kinh nghiệm nhiều năm giang hồ của bà, cũng như dựa vào thể trạng của người phụ nữ. Một bên là sự tận tình chỉ dạy của một bậc cao thủ võ lâm, một bên là sự quyết tâm luyện tập của một người bị cường quyền ức hiếp cho nên chẳng bao lâu, sự thành công đến với Vịnh Xuân khá nhanh chóng, đến mức chính Ngũ Mai lão ni cũng không ngờ. Trong lễ đưa dâu, cùng với sự tham dự của Ngũ Mai lão ni, khi kiệu cưới về đến nhà tên vô lại, một trận kịch chiến đã xảy ra giữa "cô dâu" Vịnh Xuân cùng toàn thể nhóm đưa dâu, với tên vô lại và bọn gia nô của hắn. Kết quả, Vịnh Xuân đã đại thắng với những chiêu thức ngắn gọn, không rườm rà, cực kỳ nhanh và hiệu quả, khiến tên vô lại và bè lũ, cũng là những cao thủ Thiếu Lâm, phải chịu thương vong nằm la liệt, một số khác tháo chạy.
Gia đình đoàn tụ, mọi người đều vui mừng nhưng tức tốc thu gom đồ đạc, của cải dọn đi nơi khác, vì sợ bị báo thù. Riêng Vịnh Xuân quỳ lạy cha, xin được theo Ngũ Mai lão ni vừa trả ân nghĩa của bà đã tận tâm giúp đỡ cô, vừa để xin tiếp tục học tập võ nghệ hầu đạt mức thành đạt cao hơn. Ngũ Mai lão ni hết lời từ chối, vì sợ Vịnh Xuân không quen nếp sống tu hành khổ hạnh. Nhưng Vịnh Xuân vẫn một mực xin theo. Cuối cùng, với sự nhất trí của Nghiêm Nhị và quyết tâm của Vịnh Xuân, Ngũ Mai lão ni đã chấp nhận nàng làm môn đồ của mình. Khi Ngũ Mai lão ni qua đời, nhiều môn đồ võ phái Thiếu Lâm Bạch Hạc đề nghị Nghiêm Vịnh Xuân nối tiếp ngôi vị chưởng môn nhưng Vịnh Xuân đã từ chối, xin nhường ngôi vị xứng đáng đó lại cho các bậc tỷ huynh của mình trong môn phái.
Sau đó, Vịnh Xuân cùng cha về Quảng Đông, và thành hôn với Lương Bác Trù. Nàng đem hết sở học của mình về võ thuật truyền lại cho chồng. Lương Bác Trù vốn là cao đồ Thiếu Lâm nhưng khi đến với hệ thống võ thuật mới lạ do vợ truyền lại, ông đã tỏ ra say mê vô cùng bởi tính linh diệu độc đáo của nó. Sau khi vợ qua đời, Bác Trù quyết định lấy tên vợ đặt cho hệ thống võ học mới được truyền thụ từ giáo trình đặc biệt của Ngũ Mai lão ni. Từ đó môn phái Thiếu Lâm Vịnh Xuân ra đời, tạo thêm sự phong phú cho làng võ lâm Trung Quốc. Và, những truyền nhân đầu tiên của môn phái Thiếu Lâm Vịnh Xuân, chính là Nghiêm Vịnh Xuân và Lương Bác Trù.
Đầu thế kỷ XVIII, một vị cao tăng rời chùa Thiếu Lâm Hà Nam và chu du tới núi Hồng ở tỉnh Hồ Nam. Tại đây, ông thành lập một tu viện và bắt đầu dạy môn Thiếu Lâm cách mạng, môn võ "cải cách", được gạn lọc từ những tinh túy của La Hán Quyền, Đường Lang Quyền, Ưng Trảo Quyền và một số dòng võ khác. Một trong những đệ tử của ông tên là Chương Ngũ, một diễn viên tuồng Hồ Nam. Chương Ngũ cũng rất nhiệt tình tham gia cách mạng. Ông được mọi người gọi là "Ngũ Tán Thủ" bởi kỹ năng tán thủ tuyệt đỉnh. Trong những năm 30 của thế kỷ XVIII, Chương Ngũ buộc phải chạy trốn đến phía Nam vì hoạt động cách mạng của mình. Cuối cùng, ông dừng chân tại Phổ Sơn (Quảng Đông). Nơi đây, ông tập hợp các hội viên của đoàn tuồng Hồng Chỉ (Chỉ Đỏ) thành lập hội Hồng Hoa Vũ và dạy họ kiến thức tuồng cũng như môn Thiếu Lâm cách tân.
Đầu thế kỷ XIX, nhà Thanh tàn phá chùa Thiếu Lâm Phúc Kiến và một lần nữa, những người sống sót lại phải chạy trốn. Chí Thiện thiền sư, một trong 5 vị cao tăng đã thoát khỏi chùa Thiếu Lâm Hà Nam khi ngôi chùa này bị triều đình nhà Thanh đốt cháy cuối thế kỷ XVIII, đã chu du thiên hạ dạy võ cho những đệ tử với hi vọng các môn sinh của ông sẽ tiếp tục đào tạo những người khác để quảng đại các dòng võ cách mạng với mục đích lật đổ nhà Thanh vào một ngày nào đó. Nghe danh đoàn tuồng Hồng Chỉ cùng tên tuổi của Chương Ngũ, Chí Thiện thiền sư đã tìm đến họ.
Những đoàn tuồng Hồng Chỉ lúc đó trở thành cái nôi của phong trào cách mạng. Họ có thể đi lại và hóa trang khéo léo nên dễ trá hình; có thể nói những đoàn tuồng này chính là chỗ ẩn náu lý tưởng có những ai bị triều đình nhà Thanh lùng bắt. Chí Thiện thiền sư đã sống một thời gian với đoàn tuồng Hồng Chỉ: thoạt đầu, ông còn đóng giả vai đầu bếp, nhưng cuối cùng mọi người cũng nhận ra ông là một vị cao đồ trong võ học và xin ông dạy những bí kiếp của Thiếu Lâm Quyền để họ sử dụng trong cuộc kháng chiến "phản Thanh, phục Minh". Chí Thiện thiền sư đã dạy môn võ "cải tổ" của Thiếu Lâm cho các thành viên đoàn tuồng Hồng Chỉ; những kỹ thuật "nới lỏng" của thiền sư đã được thiết kế để có thể vượt qua những gì mà người Mãn Châu học được từ môn phái Thiếu Lâm "chính thống". Nhiều hình mẫu căn bản và các khái niệm mới được sáng tạo để đem lại cho môn võ cách tân này lợi thế cả về lý thuyết lẫn kỹ thuật thực hành.
* Lương Lan Quế, Hoàng Hoa Bảo và Lương Nhị Tỳ
Lương Bác Trù và Nghiêm Vịnh Xuân, hai chưởng môn nhân đầu tiên của Vịnh Xuân Quyền, đã có một thời gian đi chu du đây đó và cuối cùng họ dừng chân tại Quảng Châu, Quảng Đông. Tại đây, họ đã gặp đoàn tuồng Hồng Chỉ đang đi lưu diễn trên sông nước Trung Hoa (có giả thiết cho rằng vợ chồng họ nghe đồn Chí Thiện thiền sư đang ẩn náu ở đoàn tuồng này nên tới đó để tìm ông). Một số thủy thủ và diễn viên trên con thuyền Hồng Chỉ đã được Lương Bác Trù chỉ bảo về võ học. Sau một thời gian chắt lọc những động tác căn bản của môn võ và nối ráp lại với nhau, Vịnh Xuân Quyền dần dần được định hình với các bài quyền như Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều, Tiêu Chỉ, còn các hình thức khác thì giống như Bạch Hạc và Hồng Gia Quyền bởi vì chúng có cùng nguồn gốc là Thiếu Lâm Quyền.
Thời gian sau, Lương Bác Trù truyền toàn bộ kiến thức võ học của mình cho một lương y tên là Lương Lan Quế. Theo truyền thống thời ấy, Lương Lan Quế hầu như không bao giờ sử dụng những ngón quyền cước Vịnh Xuân Quyền và ông cũng không dạy công khai cho bất cứ ai: trong đời, họ Lương chỉ có một môn sinh duy nhất là Hoàng Hoa Bảo, một thành viên đoàn tuồng Hồng Chỉ, nổi tiếng vì tính tình cương trực và thẳng thắn. Cuối cùng, họ Hoàng được coi là chưởng môn nhân đời thứ ba của Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền.
Trong đoàn tuồng, Hoàng Hoa Bảo có một người bạn thân tên là Lương Nhị Tỳ, người đã được đại sư Chí Thiện truyền cho các tuyệt chiêu của Lục Điểm Bán Côn (loại côn dài của Thiếu Lâm). Họ Lương là một thủy thủ, ông thường xuyên sử dụng gậy chèo thuyền và như thế, Lục Điểm Bán Côn, trong tay ông, đã được phát triển thành một môn côn quyền tuyệt hảo.
Về sau, Hoàng Hoa Bảo đã trao đổi các chiêu thức với Lương Nhị Tỳ và như thế, họ Lương nhận được các bí quyết về Niêm thủ của Vịnh Xuân Quyền, còn kỹ thuật Lục Điểm Bán Côn được đưa vào môn phái Vịnh Xuân, như một dạng đặc biệt của kỹ thuật trường côn Thiếu Lâm. Lương Nhị Tỳ cũng nhận ra rằng áp dụng nguyên tắc Niêm thủ khi đánh gậy, các thế côn của ông trở nên nhanh hơn và hiệu quả hơn; rốt cục, ông đã thiết lập kỹ thuật Niêm côn lừng danh và bổ sung nó vào Lục Điểm Bán Côn. Sau Hoàng Hoa Bảo, họ Lương trở thành chưởng môn đời thứ 4 của Vịnh Xuân Quyền.
Để tóm tắt, có thể nói rằng những nền móng đầu tiên của Vịnh Xuân Quyền đã được khởi thảo từ cuối thế kỷ XVII, khi người Thanh thống trị Trung Quốc và tại chùa Thiếu Lâm (Hà Nam), nhiều thanh niên Hán yêu nước đã được rèn luyện võ nghệ để tham gia phong trào cách mạng với mục đích "phục quốc". Ngay từ khi đó, các cao đồ của Thiếu Lâm đã nhận thấy hệ thống võ nghệ truyền thống của Thiếu Lâm quá phức tạp, rườm rà và lại không thật hiệu quả trong giao đấu thực tế. Vì thế, 5 vị cao tăng (Ngụ Mai, Bạch Mi, Phùng Đạo Đức, Miên Hiển và Chí Thiện) đã quyết định khởi thảo môn "Thiếu Lâm cách mạng", thực chất là một môn võ cải cách, để các môn đồ có thể học hỏi một cách nhanh chóng và sử dụng hiệu quả các chiêu thức trong chiến đấu. Môn võ "cách mạng" ấy được hình thành và luyện tập trong một căn phòng lớn của chùa Thiếu Lâm, có tên gọi là Vĩnh Xuân (Mùa xuân vĩnh cửu). Tuy nhiên, giữa chừng, vào ngày 13-8-1723, với sự đưa đường một tên phản đồ, triều đình nhà Thanh đã dùng đại quân tấn công và đốt phá Thiếu Lâm Tự: trong cuộc đấu này, các nhà sư Thiếu Lâm, dù võ nghệ cao cường và chiến đấu rất dũng cảm, nhưng họ đã không thể cự lại được với một đạo quân chính quy đông hơn họ gấp nhiều lần.
Đa số các môn đồ Thiếu Lâm qua đời trong cuộc đấu không cân sức, chỉ một vài vị cao tăng - trong số đó có 5 nhà sư đang tâm huyết với môn võ cải cách - là trốn được và họ thường lánh nạn xuống miền Nam. Trong số đó, Ngụ Mai lão ni lánh nạn tại một vùng núi phía Nam Trung Quốc; tại đây, bà tiếp tục đơn giản hóa "Thiếu Lâm cách mạng" và biến nó thành một môn võ cận chiến, phù hợp với những người có thể trạng trung bình, đặc biệt là phụ nữ. Cụ thể, gần 40 bài quyền của Thiếu Lâm Quyền đã được rút xuống còn 3 bài (Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều và Tiêu Chỉ), các chiêu thức mô phỏng động vật (Ngũ Hình Quyền) được bỏ đi, các động tác ngoạn mục, nhưng nhiều khi không hiệu quả và tốn sức được giản lược, các thế tấn thấp, rườm rà và những cú đá cao cũng được thay bằng tấn cao và đá thấp. Do được chuyển thành một môn cận chiến nên môn võ mới của Ngụ Mai lão ni (sau được các đệ tử của bà đặt tên là Vịnh Xuân Quyền) chủ yếu sử dụng đòn tay, rất kín, nhanh và hiệu quả: các thế quyền cước được khai triển theo đường thẳng, nhằm đến đích nhanh nhất. Đặc biệt, các đòn tấn công và phòng ngự chỉ dừng lại ở mức cần thiết, nhằm đỡ tốn sức ở mức tối đa: trong trường hợp có thể, đòn phản công được tung ra ngay lập tức, đồng thời với thế phòng ngự. Để đạt được khả năng này, Ngụ Mai lão ni - và sau này, Nghiêm Vịnh Xuân, nữ truyền nhân của bà, người được coi là chưởng môn đời thứ nhất của Vịnh Xuân Quyền - đã "chế" ra một phương phức tập luyện có một không hai, rất đặc trưng cho môn phái: Niêm Thủ và Niêm Cước (hai môn sinh luyện với nhau, "cảm nhận" được đòn thế và ý định của nhau qua sự tiếp xúc thường xuyên và liên tục giữa tay và chân họ, chứ không dùng mắt - thông thường, các cao đồ Vịnh Xuân Quyền hay bịt mắt khi luyện).
* Lương Tán (1826-1901):
Phần trước của loạt bài viết về Vịnh Xuân Quyền dừng lại ở chỗ môn võ này được truyền từ bà Nghiêm Vịnh Xuân qua người chồng bà, Lương Bác Trù, rồi qua các thế hệ chưởng môn sau đó như Lương Lan Quế, Hoàng Hoa Bảo và Lương Nhị Tỳ.
Như chúng ta đã biết, Hoàng Hoa Bảo và Lương Nhị Tỳ đều là thành viên của đoàn tuồng Hồng Chỉ (Chỉ Đỏ), dọc ngang sông nước Trung Quốc trên những con thuyền dễ làm nơi ẩn náu cho những người hoạt động cách mạng "phản Thanh phục Minh". Giữa thế kỷ XVIII, trong một lần "lưu diễn", đoàn Hồng Chỉ dừng chân ở thị trấn Phổ Sơn; khi đó, họ Lương đột ngột ngã bệnh (có sách cho rằng Lương Nhị Tỳ bị chứng hen suyễn kinh niên). Ông đã tìm đến một lang y tên là Lương Tán; khi tiếp xúc, Lương Tán đã kinh ngạc trước trình độ võ thuật ở mực thượng thừa của người bệnh nhân, và đã bái phục xin được làm đệ tử. Sau một thời gian luyện tập chuyên cần, Lương Tán đã không phụ lòng sư phụ: ông đã chiến thắng trong vô số những cuộc thách đấu mà thường thường, chỉ người thắng cuộc mới thoát khỏi cái chết. Với thời gian, Lương Tán được coi là chưởng môn thứ sáu của Vịnh Xuân Quyền và giới quyền cước đương thời đã tôn ông là "Đệ nhất võ thuật" (hay Vịnh Xuân Vương, nghĩa là "ông vua Vịnh Xuân").
Trước trình độ võ thuật cao siêu của Lương Tán, người đời sau cho rằng ông không những được học hỏi từ Lương Nhị Tỳ, mà Hoàng Hoa Bảo cũng truyền thụ kiến thức cho vị lương y. (Bộ phim võ thuật "Đường quyền Vịnh Xuân" của Hồng Công đã "tiểu thuyết hóa" mối quan hệ giữa Lương Tán và hai vị chưởng môn họ Lương & họ Hoàng rất thành công). Thậm chí, người ta còn đồn rằng Lương Tán còn học được một số bài quyền từ chính chưởng môn đời thứ hai của Vịnh Xuân Quyền, là ông Lương Bác Trù. Một điều chắc chắn, nếu Ngụ Mai lão ni là người khởi thảo ra Vịnh Xuân, Nghiêm Vịnh Xuân là người tập hợp các chiêu thức Vịnh Xuân thành hệ thống thì chính Lương Tán là người đưa Vịnh Xuân lên hàng những môn võ khiến giới võ lâm kính nể.
Là một lương y lừng danh ở vùng Phổ Sơn, Lương Tán đã cố gắng để tìm một môn võ phù hợp với sức khỏe và thể trạng của ông; những môn võ Bắc phái với các thế tấn thấp, các đòn đánh tốn sức và những chiêu thức nhiều khi ít hiệu quả không thích hợp với ông. Sau nhiều năm dài tìm kiếm, cuối cùng, vận may đã đến với Lương Tán: ông có dịp gặp gỡ (và chữa chạy cho) Lương Nhị Tỳ, khi đó đã đứng tuổi. Bậc cao thủ Vịnh Xuân này đã nhận người lương y làm đệ tử và truyền thụ hết cho Lương Tán những gì mình biết. Về sau, Lương Tán nổi tiếng trong giới võ lâm đến mức các danh gia võ nghệ đương thời đã đặt mục tiêu thắng được ông như một vinh quang tuyệt đỉnh, nhưng chưa bao giờ họ Lương thất bại. Cùng các bậc tôn sư võ thuật như Hoàng Phi Hùng (Thiếu Lâm Hồng Gia Quyền), Trần Hùng Sinh (người sáng lập Thái Lý Phật), Lương Tán thuộc hàng cao thủ bậc nhất trong hệ Nam Quyền ở Phổ Sơn và danh hiệu "Vịnh Xuân Vương" được đặt cho ông, là rất xứng đáng!
5. Trần Hoa Thuận
Dù nổi tiếng như vậy, nhưng Lương Tán vẫn hành nghề y và không bao giờ có ý mở lò võ. Tuy nhiên, ông cũng có vài đệ tử, trong số đó dĩ nhiên có hai con trai ông - Lương Xuân và Lương Bích -, cũng như một môn sinh kỳ quặc, được người đương thời gọi là Hoa "Mộc Thủ". Họ Ngô đặc biệt có hai cánh tay cực khỏe, thường làm gãy tay những mộc nhân khi tập luyện và đó là lý do của cái tên Hoa "Mộc Thủ".
Cạnh hiệu thuốc của ông lang Lương Tán, có một quầy đổi tiền mà chủ nhân của nó tên là Trần Hoa Thuận. Họ Trần đã muốn học hỏi môn võ Vịnh Xuân từ lâu, nhưng vì biết Lương Tán có rất ít môn sinh nên ông không dám ngỏ lời với vị đại võ sư.
Tuy nhiên, cứ tối đến, Trần Hoa Thuận lại hé cửa để xem trộm các buổi tập và hi vọng rằng có thể học lỏm những đòn quyền cước của môn võ này. Sau một thời gian dài tự tập, và thỉnh thoảng có cùng luyện với Hoa "Mộc Thủ", Trần Hoa Thuận cảm thấy đã đến lúc có thể diện kiến sư phụ Lương Tán. Tuy nhiên, vào ngày hôm đó, Lương Tán có việc đi vắng và chỉ có con trai thứ của ông, Lương Xuân, ở tại hiệu thuốc. Lương Xuân nhận lời thách đấu vì muốn thử xem trình độ của mình đến đâu. Dù học võ lâu ngày nhưng Lương Xuân không bao giờ khổ luyện như Trần Hoa Thuận: được ít hiệp, Trần Hoa Thuận đánh bại Lương Xuân, khiến họ Lương ngã vật ra chiếc ghế bành của thân phụ và làm gãy chân ghế. Hoảng sợ, hai người tìm cách lắp lại chân ghế và "thủ tiêu" mọi tang tích, nhưng khi Lương Tán trở về và ngôi lên ghế, lập tức chiếc ghế lại gãy. Tất nhiên, vị đại võ sư "điều tra" được ngay là điều gì đã xảy ra: sau đó, ông cho gọi Trần Hoa Thuận và nhận làm đệ tử.
Nhanh chóng, Trần Hoa Thuận trở thành một đại đệ tử của sư phụ Lương Tán. Tuy nhiên, nhận thấy họ Trần có thể lực tuyệt vời và lo rằng người môn sinh này có thể chiến thắng cả hai con trai mình, Lương Tán không truyền lại những chiêu thức "cao cấp" nhất cho Trần Hoa Thuận. Năm 73 tuổi, Lương Tán nghỉ việc và rời Phổ Sơn về làng cũ nơi chôn rau cắt rốn. Tại đây, ông vẫn tiếp tục dạy dỗ một vài môn sinh cho đến khi qua đời vào năm 76 tuổi (năm 1901).
Ở lại Phổ Sơn, Trần Hoa Thuận được coi là người kế nghiệp Lương Tán và trở thành chưởng môn đời thứ bảy của môn phái Vịnh Xuân Quyền. Cũng như sư phụ, trong đời, Trần Hoa Thuận đã chiến thắng trong vô số các trận thách đấu và tiếp tục làm rạng danh môn Vịnh Xuân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ông là chưởng môn duy nhất của Vịnh Xuân Quyền đã không được hỏi hỏi toàn bộ các chiêu thức của môn phái.
Cả đời, trong vòng 36 năm nghiệp võ, Trần Hoa Thuận chỉ dạy 16 môn sinh (kể cả con trai ông), trong đó, người trẻ nhất chính là đại võ sư Diệp Vấn, chưởng môn của tất cả các nhánh Vịnh Xuân Hồng Công, sư phụ của Lý Tiểu Long, người đầu tiên đã phá bỏ một "taboo" trong lịch sử môn phái Vịnh Xuân: trong những thập niên ở Hồng Công, ông đã công khai truyền thụ Vịnh Xuân cho rất nhiều đệ tử, trong số đó, có cả những đệ tử gốc ngoại quốc.
Cần lưu ý rằng họ Trần là chưởng môn duy nhất của Vịnh Xuân Quyền đã không được học hỏi toàn bộ các chiêu thức của môn phái, vì sư phụ ông, "Vịnh Xuân Vương" Lương Tán, đã không truyền thụ những món đòn "cao cấp" nhất của môn phái, vì lo rằng Trần Hoa Thuận có thể chiến thắng các con trai mình, tức các võ sư Lương Xuân và Lương Bích. Tuy nhiên, nhờ có thể lực tuyệt vời, trong đời, Trần Hoa Thuận đã chiến thắng trong vô số các trận thách đấu và tiếp tục làm rạng danh môn Vịnh Xuân. Và có lẽ, điều quan trọng nhất là trong số 16 môn sinh mà họ Trần dạy trong suốt đời mình, có một đệ tử trẻ tuổi nhất đã đưa Vịnh Xuân lên hàng những môn võ được thế giới biết đến: đó là đại võ sư Diệp Vấn, chưởng môn của tất cả các nhánh Vịnh Xuân Hồng Công.
* Diệp Vấn:
Đại võ sư Diệp Vấn, học trò cuối cùng của chưởng môn Trần Hoa Thuận, sinh ngày 14-10-1893 tại Phổ Sơn trong một gia đình khá giả: cha mẹ ông có một điền trang lớn và một căn nhà dài bằng một dãy phố ngay ở trung tâm thành phố. Rất được chiều chuộng và hầu như không phải đụng tay vào bất cứ việc gì, nhưng Diệp Vấn đã khiến mọi người ngạc nhiên khi ông tỏ ý muốn theo học võ thuật. Năm 13 tuổi, họ Diệp bắt đầu theo học Vịnh Xuân Quyền dưới sự hướng dẫn của đại sư phụ họ Trần. Trần Hoa Thuận và gia đình họ Diệp có một mối giao tình bền chặt vì vị đại võ sư, do không có lò võ riêng, đã mướn nhà thờ tổ của họ Diệp để làm nơi tập.
Tuy nhiên, Trần Hoa Thuận có khá ít môn sinh, một phần vì học phí rất đắt (thường là ba đĩnh bạc một tháng). Là con trai của "ông chủ", chẳng mấy chốc, Diệp Vấn đã có mối quan hệ rất thân tình với vị võ sư họ Trần và vào một ngày nọ, Trần Hoa Thuận thật ngạc nhiên khi thấy "cậu chủ" mang ba đĩnh bạc đến xin nhận ông làm sư phụ. Họ Trần muốn kiểm tra xem Diệp Vấn lấy đâu ra khoản tiền không nhỏ đó và ông đã đến hỏi thân phụ Diệp Vấn; hóa ra đó là số tiền tiết kiệm mà Diệp Vấn đã cất trong một chú lợn đất, và cậu bé đã không tiếc rẻ đập vỡ con lợn để có tiền đi học võ. Cảm kích trước sự kiên quyết và lòng nhiệt thành của cậu bé nhỏ tuổi, Trần Hoa Thuận, dù tuổi đã cao, vẫn nhận Diệp Vấn làm đồ đệ và đó là người môn sinh cuối cùng, đồng thời cũng trẻ nhất, của vị chưởng môn thứ bảy của Vịnh Xuân Quyền. Tuy vậy, thoạt đầu, võ sư Trần cũng không thật để tâm đến việc dạy dỗ cậu bé Diệp Vấn vì ông cho rằng "cậu ấm" Diệp vốn quen được chiều chuộng và quá mảnh khảnh, yếu ớt để học võ. Để "giải tỏa" suy nghĩ đó, Diệp Vấn đã cố gắng hết mình: với trí thông minh và lòng cần cù, cậu bé kiên trì học hỏi từ các sư huynh và cuối cùng, đã chiếm được thiện cảm của sư phụ Trần Hoa Thuận.
Đại võ sư Trần Hoa Thuận qua đời sau 3 năm dạy dỗ Diệp Vấn. Trước khi mất, ông ủy thác chàng thiếu niên Diệp Vấn cho Ngô Trọng Tố, môn sinh "cao cấp" nhất của ông, người đã từng giúp đỡ Diệp Vấn trong những năm trước đó. Một thời gian ngắn sau, Diệp Vấn rời Phổ Sơn và chuyển đến Hương Cảng để theo học ở trường St. Stephen''s College.
Trong những năm theo học Trung học, Diệp Vấn là một cậu bé tinh nghịch, hiếu động và hay cùng bạn bè gây gổ với các bạn người Âu. Dù nhỏ con, nhưng nhờ giỏi võ nên Diệp Vấn thường chiến thắng trong những cuộc đọ sức đó. Về sau, hồi tưởng lại thời thiếu niên, Diệp Vấn thừa nhận rằng thời kỳ đó, nhiều khi ông đã tỏ ra rất tự phụ về trình độ võ thuật của mình. Tuy nhiên, có một trận thua nhớ đời, khiến Diệp Vấn tỉnh ngộ và đã mang lại cho ông bất ngờ lớn nhất trong sự nghiệp võ thuật.
Một ngày nọ, Lai, một người bạn cùng lớp bảo Diệp Vấn: "Tại hãng buôn lụa, cha tớ có một ông bạn chừng 50 tuổi, giỏi võ. Cậu có dám thử sức với ông ấy không?" Là một chàng trai chưa biết đến mùi thất bại và không biết sợ ai, Diệp Vấn hứa sẽ đến gặp người đàn ông trung niên đó. Đến ngày hẹn, người bạn cùng lớp dẫn Diệp Vấn đến hãng buôn lụa ở phố Jervois (Hương Cảng) và sau khi chào hỏi người đàn ông nọ, Diệp Vấn nêu ý định của mình. Người đàn ông trung niên - được giới thiệu là "ông Lương" - mỉm cười đáp: "à, ra thế, cậu là môn sinh của võ sư Trần Hoa Thuận đáng kính à? Còn trẻ thế này, cậu đã học được gi từ sư phụ rồi? Cậu học bài quyền Tầm Kiều [bài thứ hai trong hệ thống các bài quyền Vịnh Xuân] chưa?" Diệp Vấn muốn thử sức đến nỗi anh không buồn để ý đến những câu hỏi đó: chỉ trả lời nhát gừng vài câu không ăn nhập gì, cậu đã cởi áo khoác để chuẩn bị "vào trận".
Khi ấy, "ông Lương" mỉm cười bảo Diệp Vấn muốn tấn công vào đâu cũng được, ông chỉ tự vệ, không phản công và sẽ không gây thương tích cho chàng trai. Câu nói này càng khiến Diệp Vấn càng nổi cáu, tuy nhiên, anh cố trấn tĩnh, ra đòn rất kín và cẩn trọng. Họ Diệp tung ra những đòn ác liệt, nhưng "ông Lương" tránh được một cách dễ dàng và điềm tĩnh, rồi nhiều lần đẩy Diệp vấn ngã dúi dụi xuống sàn. Cứ mỗi lần ngã, Diệp Vấn lại cố đứng dậy và tấn công tiếp, nhưng cuối cùng anh đành cúi đầu nhận thua cuộc. Về sau, Diệp Vấn mới biết rằng "ông Lương" chẳng phải ai khác, ngoài võ sư Lương Bích, con trai cả của đại võ sư Lương Tán, chưởng môn đời thứ sáu của môn Vịnh Xuân Quyền, sư phụ của Trần Hoa Thuận. Chàng trai Diệp Vấn đã xin được làm đệ tử của Lương Bích và trong bốn năm, Lương Bích đã truyền lại cho họ Diệp tất cả những chiêu thức mà Trần Hoa Thuận không được học từ Lương Tán.
Năm 24 tuổi, sau khi đã khổ luyện thành công mọi "bí kíp" của môn phái Vịnh Xuân Quyền, Diệp Vấn trở về Phổ Sơn, thành phố quê hương, và trong vòng 20 năm, ông đã khiến giới võ lâm miền Nam Trung Hoa phải suy tôn là bậc thầy vì trình độ Vịnh Xuân siêu đẳng. Tuy nhiên, theo truyền thống của môn phái, Diệp Vấn không hề nghĩ đến chuyện "truyền nghề" cho bất cứ ai, kể cả các con trai, mà chỉ trao đổi võ thuật với các võ sư lừng danh thuộc các môn phái khác. Khi ấy, chưa ai biết rằng vào những thập niên sau, Diệp Vấn sẽ trở thành một người thầy vĩ đại trong lịch sử môn phái...
Trong vòng hơn 20 năm từ 1914 đến 1937, Diệp Vấn chủ yếu làm việc trong quân ngũ và cơ quan cảnh sát, và không ít lần, nhờ trình độ võ thuật siêu đẳng, ông đã khiến các địch thủ phải nể vì. Những khi rỗi rãi, ông thường giao du và trao đổi với các võ sư khác để luyện tập và nâng cao trình độ. Tuy nhiên, ông không hề có ý truyền nghề cho ai, kể cả 2 con trai (về sau, 2 người con này đều trở thành những đại võ sư của môn phái, nhưng họ vẫn tiếc rẻ là đã không được cha dạy dỗ cho từ nhỏ).
Năm 1937, phát-xít Nhật chiếm đóng miền Nam Trung Quốc. Khi đó, Diệp Vấn vẫn ở Phổ Sơn và chẳng mấy chốc, ông đã phải sống nhục nhã dưới ách thống trị ngoại bang. Một chính quyền bù nhìn được lập ra tại quê hương Diệp Vấn và người võ sư - ngoài đời là một cảnh sát - đã thề không bao giờ chịu khuất phục. Trong vòng hơn 8 năm (1937-1945), Diệp Vấn đã gia nhập những nhóm du kích chống Nhật và do đó, gia đình ông cũng bị liên lụy: ông khuynh gia bại sản, nhiều lúc bị đói khát. May là họ Diệp có một người bạn tên là Chow Cheng Chung hay giúp ông chút đồ ăn thức uống và để trả ơn, Diệp Vấn đã dạy Vịnh Xuân cho con trai ông ta (Chow Kwang Yiu). Ngoài ra, chừng một chục người nữa cũng được thụ giáo vị đại võ sư và đây là thế hệ môn sinh đầu tiên của ông (đa số đến nay đã qua đời).
Năm 1945, phát-xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Khi đó, Diệp Vấn đã 52 tuổi. Trong vòng 3 năm, ông phải bỏ nghề võ để làm việc kiếm sống. Tuy nhiên, đến năm 1949, khi Dảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền ở Đại Lục, Diệp Vấn bị trưng thu toàn bộ gia sản và phải chạy sang Hồng Công. Ở đây, thoạt đầu, chưa ai biết ông già 55 tuổi, dáng người gày gò và trầm tĩnh, nhưng tốt bụng ấy, lại là chưởng môn của một môn phái lừng danh.
Sang Hồng Công được mấy tháng, để kiếm sống, Diệp Vấn phải làm việc trong một quán ăn và ở đó, ông làm quen với một thanh niên 29 tuổi tên là Leung Sheung. Leung Sheung học võ từ năm 14 tuổi, ông ta có thân hình to lớn và thể lực tuyệt vời, sau 15 năm khổ luyện võ thuật, họ Leung đã trở thành bậc thày của nhiều môn như Thái Lý Phật, Bạch Mi... Năm 1949, khi Diệp Vấn sang đến Hồng Công thì Leung Sheung đang là chủ tịch Hiệp hội những nhân viên tiệm ăn (Restaurant Workers Association), đồng thời là võ sư trong lò võ của Hiệp hội. Thư ký của Hiệp hội, Lee Man, một người bạn cũ của Diệp Vấn, có kể cho Leung Sheung biết rằng ông có một người quen vốn là đại võ sư Vịnh Xuân mới từ Đại Lục sang; Lee Man đang tìm người "bảo lãnh" cho Diệp Vấn và ông nghĩ rằng với uy tín của mình, Leung Sheung có thể giữ vai trò đó.
Đã từ lâu, Leung Sheung để tâm đến môn võ Vịnh Xuân, nhưng thời đó ở Hồng Công không ai dạy môn võ này nên ông rất háo hức và chờ đợi cuộc gặp mặt với Diệp Vấn. Tuy nhiên, từ cái nhìn đầu tiên, họ Leung đã cảm thấy thất vọng: ông già Diệp Vấn người mảnh dẻ, gày guộc, không có vẻ gì là giỏi võ. Rốt cục, sau một hồi trò chuyện, Diệp Vấn cũng đồng ý "đọ tay" với Leung Sheung.
Cuộc đấu diễn ra trong một phòng của Hiệp hội những nhân viên tiệm ăn. Nó chỉ kéo dài trong chớp mát, nhưng đã để lại ấn tượng suốt đời trong tâm trí người võ sĩ lực lưỡng Leung Sheung. Theo hồi tưởng của họ Leung, cho dù ông đã giở mọi chiêu quyền cước để tấn công Diệp Vấn, nhưng vị sư phụ có tuổi này vẫn bình thản tiến lên từng bước và dồn ông ta vào góc tường. Rồi, cuối cùng, Leung Sheung chỉ thấy Diệp Vấn nâng tay lên và ông ta bị bắn ra xa, nằm chỏng gọng dưới sàn đất. Lập tức, Leung Sheung cúi đầu bái họ Diệp làm sư phụ và vào tháng Giêng 1950, ông đã trở thành học trò đầu tiên ở Hồng Công của đại võ sư Diệp Vấn (trong khóa học đầu gồm 8 môn sinh đó, còn có những nhân viên khác trong ngành như Lok Yiu, Tsui Sheung Tin, Lo Man Kam..., về sau đều trở thành những hảo thủ lừng danh của môn phái Vịnh Xuân).
Cần nói thêm vài lời về người môn sinh đầu tiên tại Hương Cảng của Diệp Vấn: Leung Sheung là người đầu tiên, vào năm 1957, đã mở lò võ riêng. Năm 1968, ông được bầu là chủ tịch Hiệp hội Vịnh Xuân Hồng Công (Hong Kong Ving Tsun Athletic Association) khi Hội này được thành lập, và giữ cương vị đó đến khi mất vào năm 1978. Nhiều người coi Leung Sheung là học trò xuất sắc nhất của Diệp Vấn; cho đến nay, các nhà "Vịnh Xuân học" vẫn cho rằng hiếm ai giỏi Tiêu Chỉ (bài quyền cao cấp nhất của Vịnh Xuân) như Leung Sheng.
        Theo www.hn-ams.org


2 nhận xét: