XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

CHÂN DUNG "KẺ XÂM LƯỢC"




(Copy 03/08/2017anle20)
                                                                 Tướng MacArthur.
                                                                  Bùi Đức Thịnh 

MacArthur đến Nhật vơi đôi bàn tay đẫm máu người Nhật. Khi MacArthur rời Nhật về Mỹ, từ nơi dinh phủ ông ở đến Sân bay Atsugi có hàng triệu người Nhật đứng hai bên đường đưa tiễn. Đoàn xe hộ tống đi qua những hàng nước mắt cùng tiếng hô vang dậy của người dân Nhật: Đại nguyên soái! MacArthur được người Nhật vinh danh là 1 trong 12 danh nhân nước Nhật mọi thời đại.
Bị đánh bom nguyên tử, vì sao người Nhật lại cúi đầu kính trọng tướng Mỹ?
Năm 1942 tướng MacArthur dẫn đại quân tấn công Nhật Bản, từ Melbourne đánh thẳng đến Tokyo, hai tay nhuộm máu người Nhật Bản. Vì thế người Nhật hận ông thấu xương.
Chiều ngày 30/8/1945, tướng quân MacArthur ra khỏi máy bay và đặt chân lên đất Nhật, cho dù ông không mặc quân phục và không mang theo vũ khí gì, cũng không có người tổ chức duyệt binh, nhưng thời khắc đó với 70 triệu người Nhật Bản là thời khắc kinh hoàng mà họ không thể quên, trong tâm trí mọi người chỉ còn nghĩ được hai chữ “mất nước”.
Nhưng tướng MacArthur mang quân đến hòa bình, chính nghĩa, khoan dung và dân chủ.
Nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh rơi vào suy sụp, đến bữa trưa của Nghị viên Quốc hội cũng phải ăn cơm trộn khoai lang, cái đói bao phủ khắp nơi. Lúc này tướng MacArthur gây áp lực khiến chính phủ Mỹ phải hỗ trợ Nhật Bản, thế là 3,5 triệu tấn lương thực và 2 tỷ Mỹ kim tức tốc được gửi đến Nhật. Ông không chỉ giữ lại chính quyền Nhật Bản mà còn đặc xá cho Thiên hoàng, thậm chí còn quan tâm đến số phận của từng người lính bình thường của Nhật Bản, giúp họ tìm con đường sống.
Theo sau ông, 400 nghìn lính Mỹ đã dùng thiện ý và tinh thần hy sinh để chinh phục người Nhật Bản. Khi đó các con hẻm trong thành phố của Nhật rất chật hẹp, một người Nhật bình thường và một người lính Mỹ to lớn nếu gặp nhau cũng khó để đi qua, vì thế thường thì người lính Mỹ sẽ nép vào một bên cho người Nhật đi trước. Người Nhật không thể không băn khoăn tự hỏi, nếu mình là kẻ chiến thắng thì có làm được như thế không?
Sau khi tướng MacArthur đến Nhật Bản, ông lập tức ra lệnh thả tội phạm chính trị, trong đó có rất nhiều Đảng viên Cộng sản, bị chính phủ Nhật bắt giam trong thời gian dài.
Ngày 25/8/1945, quân chiếm đóng của Mỹ cho phép phụ nữ Nhật thiết lập tổ chức của mình; tháng 9 cho công bố Dự luật về vai trò trong bầu cử của phụ nữ Nhật Bản; đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, phụ nữ được quyền bầu cử và ứng cử.
Lúc này tại Tokyo có cô kỹ nữ được chọn làm Nghị viên thành phố, nhiều thị dân cảm thấy khó chấp nhận. Nhưng tướng MacArthur nói, mọi người chọn cô ấy để cô ấy phục vụ mọi người, đừng vì cô ấy là kỹ nữ mà kỳ thị bỏ qua. Khi đó mọi người chợt hiểu người được chọn trong bầu cử dân chủ phải là người thay mặt để vì mình làm việc, thế là sau khi hiểu ý nghĩa vấn đề họ đã quyết định chọn bầu cô kỹ nữ kia. Kết quả sau khi trở thành Nghị viên, cô đã không phụ lòng mọi người, làm được rất nhiều việc có ý nghĩa.
Vào ngày 11/10/1945, tướng MacArthur tuyên bố bỏ lệnh cấm báo chí, Nhật Bản được tự do thông tin và tự do ngôn luận.
Ngày 22/12/1945, ban hành “Luật Công hội”, giai cấp công nhân thực sự có tổ chức của mình. Ngày 1/9/1947, ban hành “Luật lao động”, quy định tiêu chuẩn tiền lương thấp nhất và thời gian làm việc nhiều nhất.
Ngày 3/2/1946, tướng MacArthur chỉ thị cho Tổng bộ Liên minh khởi thảo Hiến pháp Nhật Bản. Chính phủ Mỹ truyền đạt nguyên tắc chế định Hiến pháp cho tướng MacArthur là: Chính phủ Nhật Bản phải do toàn thể cử tri trao quyền và phải chịu trách nhiệm trước toàn thể cử tri. Ngày 3/5, quân liên minh giao ra Bản dự thảo Hiến pháp. Ngày 7/10, Quốc hội Nhật Bản thông qua Hiến pháp. Ngày 3/11, Thiên hoàng cho ban hành Tân Hiến pháp.
Đây là Hiến pháp do kẻ chiếm lĩnh chiếu theo giá trị quan phương Tây áp đặt cho kẻ bị chiếm lĩnh, nhưng lại là bản Hiến pháp đem lại phúc lợi cho nhân dân quốc gia bị chiếm lĩnh. Bản Hiến pháp nhấn mạnh quyền lợi công dân cơ bản của người Nhật Bản, xem những quyền lợi này là “quyền lợi trời cho mà không ai có quyền tước đoạt”. Những quyền này bao gồm: quyền bầu cử, lập hội và tự do xuất bản; không có sự tham gia của luật sư thì không được định tội; bảo đảm quyền cư trú an toàn cho dân, cấm kiểm tra và tước đoạt vô cớ.
Ngày 21/10/1946, Quốc hội đã thông qua “Luật Cải cách ruộng đất”. Chính phủ Nhật Bản mua lại đất đai dư thừa của giới địa chủ, sau đó bán đất lại cho nông dân không có ruộng. Với những nông dân không có tiền mua đất, chính phủ cho vay thế chấp. Tất cả diễn ra không đổ một giọt máu, một mạng người, những người nông dân ai nấy đều có được một phần đất cho mình.
Ngày 31/3/1947, ban hành “Luật Giáo dục”. Theo đó mục tiêu hàng đầu của giáo dục là “tôn trọng sự tôn nghiêm của cá nhân, bồi dưỡng cho mọi người có lòng nhiệt huyết vì chân lý và hòa bình”. Trường học của Nhật Bản không còn nằm trong kiểm soát của chính phủ mà là do Ủy ban Giáo dục do dân chúng bầu ra quản lý. Việc chọn lựa nhà giáo, sách học và bố trí chương trình hoàn toàn do người dân tự chủ quyết định.
Năm 1952, quân chiếm đóng Mỹ trả chính quyền về cho chính phủ Nhật Bản. Sau 7 năm chiếm đóng, người Mỹ cải cách triệt để con đường phát triển của Nhật Bản, chủ quyền quốc gia từ trong tay kẻ chuyên chế trao lại cho người dân Nhật Bản, những tiền đề tiến bộ đầu tiên này giúp người Nhật bước vào con đường thênh thang.
Hơn 10 năm sau, Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, quốc gia phồn vinh, nhân dân giàu có, xã hội ổn định. Có thể nói thêm một câu, quân chiếm đóng của Mỹ không chi một đồng tiền thuế nào của người dân Nhật Bản, chi phí của họ là lấy từ tiền thuế của người Mỹ.
Trong thời gian chiếm đóng Nhật Bản, rất nhiều người Nhật đã viết thư gửi cho tướng MacArthur yêu cầu biếu tặng đất đai của họ. Nhiều phụ nữ can đảm viết thư đề nghị được hiến thân cho tướng MacArthur, nhiều người còn viết “xin hãy cho tôi được sinh con cho ngài.”
Sáng ngày 16/4/1951, Tổng thống Harry Truman phế bỏ chức Tư lệnh quân chiếm đóng và buộc tướng MacArthur phải về nước, sự kiện này chỉ thông báo cho một số quan chức cấp cao người Nhật biết. Nhưng khi ông ngồi lên ô tô thì mới phát hiện, từ nơi dinh phủ ông ở đến Sân bay Atsugi có hàng triệu người Nhật Bản đứng hai bên đường đưa tiễn. Đoàn xe hộ tống đi qua những hàng nước mắt cùng tiếng hô vang dậy của người dân Nhật Bản: Đại nguyên soái!
Người dân Tokyo đứng chật kín hai bên đường, ai nấy rơi nước mắt, họ như hoàn toàn quên chuyện tướng MacArthur là kẻ chiếm đóng đã đánh bại quân đội quốc gia mình. Thiên hoàng đích thân đến sứ quán đưa tiễn MacArthur, tướng MacArthur cũng xúc động rơi nước mắt, nắm chặt hai tay của Thiên hoàng Hirohito.
Khi đưa tiễn, Thủ tướng Yoshida của Nhật nói: “Tướng quân MacArthur đã cứu chúng tôi ra khỏi nỗi sợ hãi, lo lắng và hỗn loạn của thất bại để đưa chúng tôi vào con đường mới do ông xây dựng, chính Ngài đã gieo trồng hạt giống dân chủ trên đất nước chúng tôi để chúng tôi bước trên con đường hòa bình, tình cảm ly biệt mà nhân dân chúng tôi dành cho Ngài không lời nào có thể diễn tả được.”
Uy lực quả bom nguyên tử của Mỹ tàn phá thành phố và nền kinh tế của Nhật Bản, nhưng về phương diện tinh thần, nước Mỹ đã hoàn toàn chinh phục được người Nhật Bản.

Nhớ chuyện xưa cách năm Mỹ trả chính quyền về cho Nhật Bản đúng 100 năm


Năm 1853, ở Nhật Bản thời Mạc Phủ, 4 tàu chiến Mỹ của Đô đốc Perry lù lù tiến vào cửa biển Uraga mà không hề báo trước. Họ bắn một loạt đại bác lên trời thị uy, rồi đòi gặp chính quyền. Yêu sách của họ là Nhật Bản phải mở cảng biển cho tàu Mỹ đến giao thương.

Trong lịch sử Nhật Bản, sự kiện này là điểm khởi đầu của công cuộc duy tân tự cường theo chủ trương "thoát Á", "Tây học" để hiện đại hoá nước Nhật.

4 chiếc tàu chiến Mỹ và loạt đại bác của chúng đã làm cho người Nhật bừng tỉnh, ngỡ ngàng trước mức độ phát triển của phương Tây và sự lạc hậu, hèn kém của nước Nhật sau 250 năm bài ngoại, gần như chỉ giao thương với người Trung Quốc. Sự ngỡ ngàng của người Nhật trước những thành tựu phát triển của Mỹ và châu Âu còn kéo dài hàng chục năm sau sự kiện đó.

Năm 25 tuổi, ở cảng Yakohama, nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi lúc bấy giờ nhìn thấy những con tàu biển của Tây đồ sộ, chạy bằng máy hơi nước. Ông ngợp. Tiếp xúc với Tây, Fukuzawa thất vọng, vì: "Họ không hiểu. Nghe họ nói, tôi cũng không hiểu. Nhìn vào hàng chữ trên các bảng quảng cáo, các tờ cáo thị, tôi không đọc được".

Không chịu được, người Nhật quyết Tây học. Trong cuốn sách "Nhật Bản duy tân 30 năm" xuất bản năm 1936 tại Sài Gòn, cụ Đào Trinh Nhất mô tả cuộc duy tân của người Nhật: "Từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, nào là chính trị, giáo dục, nào là văn hoá, võ bị, nào là công thương, lý tài [ngân hàng], nào là cơ khí, nghệ thuật, cho đến những chuyện y phục tầm thường, tập quán lặt vặt, chẳng sót một vấn đề nào hay phương diện nào mà không hoá xưa theo nay, đổi cũ ra mới".

Người Nhật duy tân theo Tây mà rầm rộ cứ như đi trẩy hội, quyết xoá bỏ những thói hư tật xấu, văn hoá hủ bại có nguồn gốc nghìn năm mà không thèm tiếc nuối. Chỉ với 30 năm duy tân thời Minh Trị, Nhật Bản trở thành cường quốc, đuổi kịp, thậm chí còn vượt nhiều nước châu Âu và Mỹ trên một số lĩnh vực công nghiệp.

Rồi cụ Đào Trinh Nhất than: "Người [Việt] mình học theo đạo Nho chữ Hán, chỉ trừ ra đọc âm là khác một chút thôi, còn thì bao nhiêu chế độ văn vật của Tàu bày đặt thế nào, mình đều rước lấy và phỏng theo giống y như thế ấy. Từ áo mão phép tắc chốn triều đình, lễ nghĩa luật lệ giữa dân gian, cho đến mọi việc từ chương, khoa cử, tang lễ, phẩm hàm... nhất thiết chuyện gì mình cũng in khuôn, ráp kiểu của Tàu, không sai một mảy. Trải mấy ngàn năm, hễ Tàu vẽ vời thay đổi cái gì, ta đều bắt chước đúng y cái đó, làm như theo đuôi dính gót người Tàu, không khác gì hình với bóng. Khổ nhất là cúi đầu nhắm mắt mà bắt chước cả cái học vấn luân lý của bọn Tống Nho và rước lấy cái độc hại mê mộng khoa cử, khiến cho dân khí hèn yếu, quốc vận suy vi, rồi thì thầy sao trò vậy, dính chùm với nhau một lũ hư hèn chìm đắm như ngày nay. Cao Ly [Triều Tiên] cũng thế, vì họ cũng bắt chước Tàu một cách "chụp hình" như ta". Cụ Đào kêu trời với các thói phong thuỷ, vàng mã, bói toán, cúng sao và các kiểu mê tín dị đoan của người Tàu du nhập vào Việt Nam, mà người Nhật quyết không theo.

Sự phát triển vượt trội của châu Âu và Mỹ là ở các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, thể hiện qua phát minh, sáng chế, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và chế biến. "Tây học" của Nhật Bản thành công rực rỡ ở tất cả những lĩnh vực này.

Việt Nam cũng từng có nhiều cơ hội "Tây học" với người Pháp, người Mỹ, người Nga, nhưng không thu được nhiều kết quả. Đến hiện nay, tất cả những lĩnh vực vừa kể của Việt Nam đều rất yếu, chủ yếu mới ở trình độ lắp ráp, vận hành, sửa chữa máy móc của thiên hạ, chưa phát minh, chế tạo được mặt hàng công nghiệp gì đáng kể, trong khi Nhật Bản đã làm chủ công nghệ vũ khí, máy bay, tàu biển, máy móc công nghiệp và giao thông từ đầu thế kỷ 20, chỉ sau có mấy chục năm Tây học. Việt Nam chưa từng có cuộc duy tân Tây học nào đáng kể và cho đến tận bây giờ, xét trên nhiều phương diện, nước ta giống Tàu nhiều hơn là giống Tây, nhất là về văn hoá, hủ tục. Mà có giống Tàu thì theo tôi cũng chỉ giống được Tàu xưa, không giống được Trung Quốc với nền khoa học và sản xuất công nghiệp phát triển thời nay. Bởi vì sau khi Nhật Bản, Hàn Quốc Tây học thành công, chính Trung Quốc cũng đã Tây học mạnh mẽ và gặt được nhiều thành tựu. Người ta chú trọng nghệ tinh, thực nghiệp, còn Việt Nam thì vẫn nặng nề tư tưởng học để làm quan, "mê mộng khoa cử độc hại".
Thực sự, để phát triển mạnh, Việt Nam rất cần một sự bừng tỉnh, cần một phong trào Tây học giống cuộc duy tân 150 năm trước đây của Nhật Bản. Theo tôi, có thể bắt đầu từ việc quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc ở mọi cấp học từ phổ thông đến đại học, bởi tiếng Anh mà kém thì khó lòng "Tây học" cho tốt được.
Bạn có thể xem bài viết gốc tại: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/neu-khong-bung-tinh-3369665.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét