XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Thủy lợi Việt Nam, thành tựu và những thách thức trong phát triển

Trong những thập kỷ qua đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đã đầu tư xây dựng được hệ thống công trình thuỷ lợi đồ sộ: 1967 hồ chứa, 10.000 trạm bơm, 8.000 km đê sông đê biển phục vụ phát triển các ngành kinh tế, phát triển nông nghiệp, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, đào tạo gần trăm nghìn cán bộ làm công tác thuỷ lợi từ Trung ương đến địa phương ...  
THUỶ LỢI  VIỆT NAM, THÀNH TỰU
VÀ NHỮNG
THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN
GS. TS. Đào Xuân Học 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT

Trong những thập kỷ qua đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đã đầu tư xây dựng được hệ thống công trình thuỷ lợi đồ sộ: 1967 hồ chứa, 10.000 trạm bơm, 8.000 km đê sông đê biển phục vụ phát triển các ngành kinh tế, phát triển nông nghiệp, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, đào tạo gần trăm nghìn cán bộ làm công tác thuỷ lợi từ Trung ương đến địa phương ... do vậy góp phần quan trọng đưa Việt nam từ chỗ thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Bộ mặt nông thôn mới không ngừng đổi thay, an ninh lương thực, an toàn trước thiên tai, ổn định xã hội, sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường được cải thiện. Tuy nhiên, do tốc độ nhanh của quá  trình đô thị hoá và công nghiệp hoá đã khiến cho nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi không đáp ứng kịp kể cả về quy mô lẫn sự lạc hậu của nó. Trước một thách thức mới của nhân loại là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong 5 nước được đánh giá là ảnh hưởng nặng nề nhất, đòi hỏi cái nhìn toàn diện, một giải pháp tổng thể kể cả trước mắt và lâu dài. Báo cáo đề cập đến hiện trạng hệ thống công trình thuỷ lợi, những thách thức và đề xuất các giải pháp phát triển thuỷ lợi Việt Nam trong điều kiện mới.
I. Hiện trạng phát triển thuỷ lợi ở Việt Nam
1. Hiện trạng đầu tư xây dựng thuỷ lợi
Đã xây dựng 75 hệ thống thủy lợi lớn, 1967 hồ chứa dung tích trên 0.2 triệu m3, hơn 5.000 cống tưới, tiêu lớn, trên 10.000 trạm bơm lớn và vừa có tổng công suất bơm 24,8x106m3/h, hàng vạn công trình thủy lợi vừa và nhỏ.
Đã xây dựng 5.700 km đê sông, 3.000 km đê biển, 23.000 km bờ bao và hàng ngàn cống dưới đê, hàng trăm km kè và nhiều hồ chứa lớn tham gia chống lũ cho hạ du, các hồ chưa lớn thuộc hệ thống sông Hồng có khả năng cắt lũ 7 tỷ m3, nâng mức chống lũ cho hệ thống đê với con lũ 500 năm xuất hiện một lần. Tổng năng lực của các hệ thống đã bảo đảm tưới trực tiếp 3,45 triệu ha, tạo nguồn cho 1,13 triệu ha, tiêu 1,4 triệu ha, ngăn mặn 0,87 triệu ha và cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha; cấp và tạo nguồn cấp nước 5-6 tỷ m3/năm cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, dịch vụ...; Cấp nước sinh hoạt nông thôn đạt 70-75% tổng số dân.
2. Hiệu quả đầu tư phát triển thủy lợi
a. Tạo điều kiện quan trọng cho phát triển nhanh và ổn định diện tích canh tác, năng suất, sản lượng lúa để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Các công trình thủy lợi đã góp phần, cải tạo đất chua, phèn, mặn, cải tạo môi trường nước như vùng Bắc Nam Hà, Nam Yên Dũng; vùng Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười...
Phát triển thuỷ lợi đã tạo điều kiện hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi như lúa, ngô ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, cao su và cà phê ở miền Đông nam Bộ, Tây Nguyên, chè ở Trung du và miền núi Bắc Bộ...
Nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững tại những vùng có hệ thống thủy lợi bảo đảm nguồn cấp và thoát nước (nước ngọt, mặn) chủ động.
b. Phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai (lũ lụt, úng, hạn, sạt lở ...), bảo vệ tính mạng, sản xuất, cơ sở hạ tầng, hạn chế dịch bệnh:
Hệ thống đê biển ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể ngăn mặn và triều tần suất 10% gặp bão cấp 9. Hệ thống đê Trung Bộ, bờ bao đồng bằng Sông Cửu Long chống được lũ sớm và lũ tiểu mãn để bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu và Đông Xuân.
Các công trình hồ chứa lớn và vừa ở thượng du đã từng bước đảm bảo chống lũ cho công trình và tham gia cắt lũ cho hạ du.
Các công trình chống lũ ở ĐBSH vẫn được duy tu, củng cố.
c. Hàng năm các công trình thuỷ lợi bảo đảm cấp 5-6 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế khác:
Cấp nước sinh hoạt cho đồng bằng, trung du miền núi. Đến nay khoảng 70-75% số dân nông thôn đã được cấp nước hợp vệ sinh với mức cấp 60 l/ngày đêm.
Cấp nước cho các khu công nghiệp, các làng nghề, bến cảng.
Các hồ thuỷ lợi đã trở thành các điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như: Đại Lải, Đồng Mô - Ngải Sơn, hồ Xuân Hương, Dầu Tiếng...
d. Góp phần lớn vào xây dựng nông thôn mới: thủy lợi là biện pháp hết sức hiệu quả đảm bảo an toàn lương thực tại chỗ, ổn định xã hội, xoá đói giảm nghèo nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới.
e. Góp phần phát triển nguồn điện: hàng loạt công trình thuỷ điện vừa và nhỏ do ngành Thuỷ lợi đầu tư xây dựng. Sơ đồ khai thác thuỷ năng trên các sông do ngành Thuỷ lợi đề xuất trong quy hoạch đóng vai trò quan trọng để ngành Điện triển khai chuẩn bị đầu tư, xây dựng nhanh và hiệu quả hơn.
f. Góp phần cải tạo môi trường: các công trình thủy lợi đã góp phần làm tăng độ ẩm, điều hòa dòng chảy, cải tạo đất chua, phèn, mặn, cải tạo môi trường nước, phòng chống cháy rừng.
g. Công trình thuỷ lợi kết hợp giao thông, quốc phòng, chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; nhiều trạm bơm phục vụ nông nghiệp góp phần đảm bảo tiêu thoát nước cho các đô thị và khu công nghiệp lớn.
3. Những tồn tại chính
a. Thuỷ lợi chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của các đô thị lớn:
5 tỉnh, thành phố lớn đang bị ngập lụt nặng do ngập triều (TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau, Hải Phòng và Vĩnh Long). Thành phố Huế và các đô thị khu vực Trung Bộ, ngập úng do lũ. Thành phố Hà Nội và các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng ngập úng nặng do mưa.
b. Các công trình phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, mặc dù cũng đã đầu tư xây dựng nhiều hồ chứa thượng nguồn kết hợp hệ thống đê dưới hạ du nhưng hiện nay hệ thống đê biển, đê sông và các cống dưới đê vẫn còn nhiều bất cập, phần lớn đê chưa đủ mặt cắt thiết kế, chỉ chống lũ đầu vụ và cuối vụ, chính vụ (miền Trung), các cống dưới đê hư hỏng và hoành triệt nhiều.
Hiện tượng bồi lấp, xói lở các cửa sông miền Trung còn diễn ra nhiều và chưa được khắc phục được.
c. Nước thải không được xử lý hoặc xử lý không triệt để đổ vào kênh gây ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy lợi: Bắc Đuống, Sông Nhuệ...
d. Quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá nuôi trồng thủy sản làm thay đổi diện tích và cơ cấu sự dụng đất tạo ra những yêu cầu mới đối với công tác thuỷ lợi. Nhu cầu cấp nước sinh hoạt ở nông thôn, thành thị, nhu cầu tiêu thoát tại nhiều khu vực tăng lên nhanh chóng.
e. Mâu thuẫn quyền lợi, thiếu sự phối kết hợp giữa các ngành, địa phương nên công trình chưa phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu. Nhiều công trình hồ chứa lớn trên dòng chính có hiệu quả cao về chống lũ, phát điện, cấp nước đã được nghiên cứu, đề xuất trong các quy hoạch thủy lợi nhưng sau này do yêu cầu cấp bách về năng lượng nên nhiệm vụ của công trình tập trung chủ yếu vào phát điện mà bỏ qua dung tích phòng lũ cho hạ du (chi phí đầu tư xây dựng công trình, giải phóng mặt bằng, tái định cư ... rất lớn).
f. Một số hệ thống thuỷ lợi có hiệu quả thấp do vốn đầu tư hạn chế nên xây dựng thiếu hoàn chỉnh, đồng bộ. Nhiều công trình chưa được tu bổ, sửa chữa kịp thời nên bị xuống cấp, thiếu an toàn.
g. Việc thực thi Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Luật Đê điều và Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão còn xem nhẹ.
h. Tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi chưa tương xứng với cơ sở hạ tầng hiện có, nhất là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
i. Nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ, phân bố không hợp lý, thiếu hụt nghiêm trọng kỹ sư thủy lợi ở địa phương, vùng sâu, vùng xa. Theo số liệu điều tra mẫu trên phạm vi 5 tỉnh thành toàn quốc:
- Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tập trung trên 70% lực lượng lao động thuỷ lợi được đào tạo, trong khi đó ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Tây nguyên và duyên hải miền Trung chiếm tỷ lệ rất nhỏ (nhất là ở các huyện và xã), có huyện không có kỹ sư thuỷ lợi phụ trách công tác thuỷ lợi.
- Theo số liệu thống kê, trình độ kỹ sư thuỷ lợi/1 vạn dân ở Hà Nội là 1,64, thành phố Hồ Chí Minh 0,89, Hà Giang 0,56, Quảng Bình 0,09 và Đăk Lăk là 0,21.
II. Biến đổi khí hậu và thách thức đối với ngành thuỷ lợi
1. Biến đổi khí hậu
Trong 10 năm qua, các yếu tố khí hậu Việt Nam có nhiều biến đổi: Số trận bão hàng năm vào ven biển nước ta tăng 0,4 trận.
Theo kịch bản của Bộ Tài Nguyên và Môi trường: Đến năm 2010 nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 2,3oC (so với trung bình thời kỳ 1980-1999). Tính chung cho cả nước, lượng mưa năm tăng khoảng 5% (so với thời kỳ 1980-1999).
2. Nguồn nước
Theo đánh giá của ADB, đến năm 2070, dòng chảy vào tháng cao điểm của sông Mekong dự báo tăng 41% ở đầu nguồn và 19% ở vùng đồng bằng. Còn vào các tháng mùa khô, dòng chảy giảm khoảng 24% ở thượng nguồn và 29% ở vùng Đồng Bằng. Dòng chảy mùa kiệt ở lưu vực sông Hồng giảm 19%; mực nước lũ có thể đạt cao trình +13,24 xấp xỉ cao trình đỉnh đê hiện nay +13,40 (Báo cáo Viện Quy hoạch Thuỷ lợi). Điều đó có nghĩa là khả năng lũ trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô đều trở nên khắc nghiệt hơn.
Do chế độ mưa thay đổi cùng với qúa trình đô thị hoá và công nghiệp hoá dẫn đến nhu cầu tiêu nước gia tăng đột biến, nhiều hệ thống thuỷ lợi không đáp ứng được yêu cầu tiêu, yêu cầu cấp nước. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước sạch sẽ trở nên khan hiếm, có khoảng 8,4 triệu người Việt Nam thiếu nước ngọt vào năm 2050.
3. Mực nước biển dâng
Nếu mực nước biển dâng 0,75-1,0m, ngoài 5 thành phố lớn như đã nói ở trên sẽ bị ngập úng do triều thì hầu hết các thành phố ven biển khác sẽ bị ngập triều, đặc biệt là các ấp, xã ở ĐBSCL. Về mùa lũ, vào những năm lũ lớn khoảng 90% diện tích của ĐBSCL sẽ bị ngập lũ với thời gian khoảng 4-5 tháng.
Hai khu vực được đánh giá có nguy cơ ngập triều gây mặn nặng nhất là Bến Tre và Cà Mau. Theo dự báo của ADB, diện tích ngập triều thường xuyên có thể ở trên mức 20% và khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng đến nơi ở. Cũng do nước biển dâng, chế độ dòng chảy sông suối sẽ thay đổi theo hướng bất lợi, các công trình thuỷ lợi sẽ hoạt động trong điều kiện khác với thiết kế, làm cho năng lực phục vụ của công trình giảm.
Nước biển dâng làm mặn xâm nhập sâu vào nội địa, các cống hạ lưu ven sông sẽ không có khả năng lấy nước ngọt vào đồng ruộng (xem Hình 1); vào mùa khô sẽ có khoảng trên 70% diện tích ĐBSCL sẽ bị xâm nhập mặn với nồng độ lớn hơn 4g/l.
Mực nước biển dâng làm hệ thống đê biển hiện tại có nguy cơ tràn và vỡ đê ngay cả khi không có các trận bão lớn. Ngoài ra, do mực nước biển dâng cao làm chế độ dòng chảy ven bờ thay đổi gây xói lở bờ.
Vùng đồng bằng sông Hồng hiện có khoảng 55 hệ thống thủy nông, thủy lợi vừa  đảm bảo tưới cho 765.000 ha (trong đó, tưới lúa mùa khoảng 580.000 ha, màu và cây công nghiệp dài ngày 7.000 ha), diện tích được tiêu khoảng 510.000 ha. Tuy nhiên,  các công trình tiêu nước vùng ven biển hiện nay hầu hết đều là các hệ thống tiêu tự chảy; khi mực nước biển dâng lên, việc tiêu tự chảy sẽ hết sức khó khăn, diện tích và thời gian ngập úng tăng lên tại nhiều khu vực.
Vùng miền trung khoảng 5.500 ha sẽ bị ngập, thời gian ngập lũ sẽ dài hơn, lũ đén sẽ khốc liệt hơn và dòng chảy kiệt sẽ suy giảm đáng kể.
Đối với hệ thống đê sông, đê bao và bờ bao, mực nước biển dâng cao làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước các con sông dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn sẽ làm cho đỉnh lũ tăng thêm, uy hiếp sự an toàn của các tuyến đê sông ở các tỉnh phía Bắc, đê bao và bờ bao ở các tỉnh phía Nam.
4. Nhu cầu nước và khả năng cân bằng nước trong tương lai
- Nhu cầu nước: Tổng nhu cầu nước năm 2000 khoảng 78 tỷ m3, năm 2010 khoảng 103 tỷ m3, năm 2020 khoảng 122 tỷ m3 và lưu lượng duy trì môi trường sinh thái hạ du trong mùa khô khoảng 4.300 m3/s. Dự báo nhu cầu nước:
+ Nông nghiệp: năm 2010 tăng 11-12 % so với năm 2000, năm 2020 tăng khoảng 12 % so với năm 2010.
+ Sinh hoạt: năm 2010 tăng 90-100% so với năm 2000, năm 2020 tăng 60-70 % so với năm 2010.
+ Công nghiệp: năm 2010 tăng 70-80% so với năm 2000, năm 2020 tăng 40-50% so với năm 2010.
+ Chăn nuôi: năm 2010 tăng 50-60% so với năm 2000 và năm 2020 tăng 25-35% so với năm 2010.
- Khả năng đáp ứng nhu cầu nước: Tổng nhu cầu nước năm 2000 chỉ bằng 9-10% tổng lượng dòng chảy mặt, năm 2010 bằng 12-13%, năm 2020 bằng 15-16% tổng lượng dòng chảy mặt. Như vậy về tổng lượng dòng chảy năm vẫn có thể thoả mãn nhu cầu nước ở mức an toàn nhưng về mùa khô, hầu hết các lưu vực đều rất thiếu nước.
III. Quan điểm, mục tiêu phát triển thuỷ lợi
1. Quan điểm
a. Phát triển thuỷ lợi đảm bảo phát triển biền vững, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, làm cơ sở để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hoá, thâm canh cao, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Khai thác sử dụng nước hợp lý, đa mục tiêu, thống nhất theo lưu vực sông và hệ thống công trình thủy lợi. Khai thác sử dụng đi đôi với bảo vệ, chống suy thoái, cạn kiệt, bảo vệ môi trường nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.
b. Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai: bão, lụt, lũ, lũ quét, hạn hán, úng ngập, xâm nhập mặn, sạt lở...
c. Quản lý, khai thác sử dụng và phát triển nguồn nước đảm bảo các yêu cầu trước mắt và không mâu thuẫn với nhu cầu phát triển trong tương lai.
d. Chú trọng phát triển thuỷ lợi cho miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước.
e. Quản lý, sử dụng và phát triển nguồn nước phải luôn gắn với nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn nước ngày càng mạnh mẽ.
2. Mục tiêu
a. Mục tiêu chung
- Đảm bảo ổn định an toàn dân cư cho các thành phố, các vùng, miền, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên...
- Phát triển thủy lợi theo hướng bền vững, hiện đại hoá, tăng mức đảm bảo cấp  nước cho các ngành kinh tế; đảm bảo sản xuất nông nghiệp ổn định, an ninh lương thực quốc gia; đảm bảo 3,8 triệu ha đất canh tác lúa hai vụ.
- Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
b. Mục tiêu đến năm 2020
Mục tiêu 1: Cấp nước phục vụ dân sinh kinh tế.
- Đáp ứng nguồn nước phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho dân cư đô thị và  nông thôn theo tiêu chuẩn đã được ban hành.
- Đáp ứng nguồn nước phục vụ phát triển công nghiệp, quan tâm vùng khan hiếm nước: các tỉnh miền Trung, Ninh Thuận, Bình Thuận...
- Cấp đủ nguồn nước để khai thác 4,5 triệu ha đất cây hàng năm (riêng đất lúa 3,8 triệu ha), tiến tới bảo đảm tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ (3,3 triệu ha), nâng tần suất đảm bảo tưới lên 85%.
- Đảm bảo tưới, tiêu nước chủ động phục vụ phát triển vùng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất muối tập trung.
Mục tiêu 2: Tiêu thoát nước và bảo vệ môi trường nước.
- Chủ động và nâng cao tần suất đảm bảo tiêu nước cho các đô thị lớn như TP. Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau...có tính đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Tăng cường khả năng tiêu thoát ra các sông chính, tăng diện tích tiêu bằng động lực, đảm bảo tiêu thoát nước ở những vùng đồng bằng:
+ Vùng đồng bằng Bắc Bộ: đảm bảo tiêu cho các khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp.
+ Vùng ven biển miền Trung: tăng cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư, tiêu cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu và đầu vụ Đông Xuân.
+ Vùng đồng bằng sông Cửu long: ở vùng ngập nông đảm bảo tiêu cả năm, ở vùng ngập sâu tiêu cho vụ Hè Thu và đầu vụ Đông Xuân.
- Đảm bảo môi trường nước trong các hệ thống đạt tiêu chuẩn nước tưới.
Mục tiêu 3: Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
- Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai bão lũ, lụt. Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.
- Có giải pháp công trình đảm bảo an toàn cho nhân dân, bảo vệ 3,8 triệu ha lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu.
- Từng bước nâng cao khả năng chống lũ của các hệ thống đê sông tại các lưu vực sông lớn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ với tần suất thiết kế
- Chủ động phòng, tránh lũ và thích nghi để bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông thuộc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu, Đông Xuân với tần suất đảm bảo 5¸10%.
- Kiểm soát lũ triệt để ở vùng ngập nông đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo các điều kiện thích nghi và an toàn cho dân sinh, sản xuất ở vùng ngập sâu.
- Hệ thống đê biển, đê cửa sông đảm bảo mức tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
- Đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đê, kè, cống, ổn định bờ sông, bờ biển.
Mục tiêu 4: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, đảm bảo phát huy trên 90% năng lực thiết kế.
Mục tiêu 5: Đưa trình độ khoa học công nghệ thủy lợi đạt mức trung bình của Châu Á vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đạt trình độ trung bình tiên tiến trên thế giới.
IV. Các giải pháp phát triển thuỷ lợi thích ứng với biến đổi khí hậu
1. Giải pháp chung
- Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến hệ thống công trình thủy lợi.
- Nghiên cứu, áp dụng các chỉ tiêu thiết kế nhằm nâng cao mức đảm bảo cấp nước, tiêu thoát nước, chống lũ thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu
- Rà soát, bổ sung quy hoạch, từng bước xây dựng các công trình ngăn sông lớn.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống đê biển, đê sông, đê cửa sông bảo đảm an toàn cho dân sinh và sản xuất.
- Xây dựng các chương trình nâng cấp các hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước, tiêu thoát nước, đảm bảo an toàn công trình.
- Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ khoa học tiên tiến hạn chế tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra.
2. Đối với các thành phố lớn
Thành phố Hà Nội: Bộ Nông nghiệp đã hoàn thiện quy hoạch tiêu thoát nước cho hệ thống sông Nhuệ trong đó có Thành phố Hà Nội và đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 01/7/2009, trong đó có đề xuất hệ thống CTTL nhằm giảm úng ngập cho thành phố cụ thể:
- Xây mới cống, trạm bơm Liên Mạc làm nhiệm vụ tưới tiêu kết hợp (170m3/s) và tiếp nước cải thiện môi trường sông Tô Lịch.
- Xây dựng mới các trạm bơm: Nam Thăng Long (9m3/s); Trạm bơm Yên Sở II (45m3/s), Yên Sở III (55m3/s); trạm bơm Đông Mỹ (35m3/s).
- Xây dựng mới các trạm bơm: Yên Nghĩa (120m3/s); Trạm bơm Yên Thái (54m3/s) kết hợp trạm bơm Đào Nguyên (15m3/s).
Thành phố Hồ Chí Minh: Bộ Nông nghiệp đã hoàn thiện quy hoạch chống ngập úng cho Thành phố và đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008.
Bộ Nông nghiệp và PTNT với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo đang chỉ đạo các đơn vị tư vấn của Bộ, thành phố Hồ Chí Minh và Long An sớm hoàn thiện báo cáo đầu tư xây dựng các cống ngăn triều lớn trong vùng (xem Hình 2).
Thành phố Cần Thơ: Bộ Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo đơn vị tư vấn lập Quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng thành phố Cần Thơ làm cơ sở để đầu tư xây dựng công trình chống ngập úng cho thành phố. Ngoài ra quy hoạch thuỷ lợi cho các tỉnh thành phố khác sẽ được triển khai sớm theo chỉ đạo của Chính phủ.
3. Đối với đồng bằng sông Hồng: Hoàn thành xây dựng các hồ chứa trên thượng nguồn để cùng tham gia cắt lũ cùng với việc nâng cấp hệ thống đê sông đảm bảo an toàn cho hạ du (theo chương trình nâng cấp đê sông vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Tiếp tục tiến hành nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê biển, đê cửa sông và các cống dưới đê, kết hợp bổ sung diện tích rừng ngập mặn ven biển. Xây dựng các đập ngăn sông để chống nước biển dâng và xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống công trình thủy lợi bao gồm: các trạm bơm tưới, tiêu, các cống, …
4. Duyên hải miền Trung: Ngoài những biện pháp công trình ở trên trong vùng này cần tập trung sắp xếp phân bố lại quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế xã hội xa những vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai. Xây dựng các công trình tránh trú an toàn khi có thiên tai xảy ra như các tuyến đường vượt lũ, nhà tránh trú bão, …Thành lập các Trung tâm phòng tránh thiên tai ở các địa phương để chỉ huy trực tiếp trước, trong và sau khi có thiên tai. Xây dựng các hệ thống cảnh báo, bản đồ dự báo rủi ro: ngập lụt, hạn hán, các kịch bản nước biển dâng, xâm nhập mặn, … đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
5. Đồng bằng sông Cửu Long: Vùng này được đánh giá là chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu từ hai phía thượng nguồn và từ phía biển. Đối với thượng nguồn tiếp tục tham gia tích cực trong Ủy hội sông Mê Công cùng cam kết sử dụng hợp lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống đê biển kết hợp với các cống ngăn mặn tại các cửa sông lớn. Trước mặt quy hoạch xây dựng các cống trên sông Cái Lớn – Cái Bé nhằm ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng BĐCM; xây dựng các cống ngăn mặn: Giao Hòa, Bến Tre tại tỉnh Bến Tre bảo đảm cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và phát triển nông nghiệp; bờ bao khép kín tại một số vùng (Đồng Tháp, An Giang) kết hợp với các cống điều tiết để lấy nước thau chua rửa phèn, lấy phù sa vào chủ động.
V. Kết luận
            Nhìn lại phát triển thủy lợi trong nhiều năm qua kể từ khâu quy hoạch, xây dựng đến quản lý vận hành còn có nhiều hạn chế, chẳng hạn như hệ thống tiêu của Đại công trình Bắc Hưng Hải khi có mưa lớn trong nội đồng cũng phải tính đến chuyện bơm tiêu ra các sông lớn do quá trình đô thị hóa đã nâng hệ số tiêu lên nhiều lần; mặn đã xâm nhập sâu vào trong sông khiến việc lấy nước rất khó khăn; các công trình đầu tư dang dở, không khép kín ở ĐBSCL đã không phát huy được tác dụng; mưa lũ lớn kết hợp với triều cường khiến cho việc tiêu thoát và thời gian ngập kéo dài, mức độ trầm trọng đặc biệt trong các thành phố lớn và các thành phố ven biển ĐBSCL. Vùng duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc luôn phải đối mặt với rủi ro khi có thiên tai xảy ra mà chưa có giải pháp thật căn cơ. Hệ thống quản lý vận hành chậm đổi mới, cùng với hệ thống công trình lạc hậu, chưa quan tâm đến công tác sử dụng đội ngũ kỹ sư thủy lợi ở một số địa phương, ngoài ra còn nhiều yếu tố khác đã kìm hãm sự phát triển của thủy lợi. Trước những thách thức mới trong điều kiện công nghiệp và đô thị hóa, biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại từ khâu chiến lược, quy hoạch, … quản lý vận hành cho tất cả các hệ thống công trình thủy nông, lưu vực. Các giải pháp được đề xuất ở đây đều xem xét cả trước mắt và không mâu thuẫn với lâu dài. Hệ thống đê biển Nam Trung bộ đến đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ phê duyệt là một minh chứng rõ nhất về giải pháp trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, tính lồng ghép, phối hợp giữa các Bộ và giữa các địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều công trình không được kết hợp (thủy lợi, giao thông, quốc phòng, Công Thương …), làm đi làm lại nhiều lần, kém hiệu quả, chưa tuân thủ theo các văn bản pháp luật. Trước những yêu cầu và thách thức mới đó, đòi hỏi người làm công tác quản lý thủy lợi phải đổi mới để phát triển không ngừng, áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ của thế giới vào thực tiễn Việt Nam. Kết hợp, lồng ghép chặt chẽ với các ngành khác đảm bảo lợi dụng tổng hợp mang lại hiệu quả cao (xem Hình 3).  Ngoài ra không thể có được những giải pháp hữu hiệu nếu không có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các tổ chức nước ngoài và sự tham gia của tất cả người dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét