Ký giả Larry Kinh
“Chữ tài đi với chữ tai một vần”, hoặc “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”.
Ấy là đúc kết bằng thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Người tài luôn gặp những bi kịch cuộc đời.
Nhân
tài thì ở đâu cũng có và xuất hiện trong mọi thời mọi lúc. Dĩ nhiên, có
nước sản sinh ra nhiều nhân tài, có nước ít. Vì sao? Không khó để tìm
ra lời giải đáp cho câu hỏi này. Xin sẽ được bàn vào một dịp khác khi
thuận tiện.
Bài viết này chỉ điểm qua những con người đầy tài năng nhưng cuộc đời luôn bị xô đẩy lên thác xuống ghềnh.
Các
cụ nói “gái ham tài, trai ham sắc”. Đàn bà rất mê những người đàn ông
tài năng. Song, họ mới chỉ thấy ánh hào quang của tài năng, mà chưa thấy
chông gai, sóng gió của người tài. Nhiều khi thượng đế “trao” tài năng
cho một người nào đó thì cũng “ban tặng” luôn cho người ấy cả một tấn bi
kịch cuộc đời.
Galilé
người Ý, cha đẻ của khoa học hiện đại, thiên tài trong nhiều lĩnh vực:
thiên văn, vật lý, toán học, triết học. Song, sự nghiệp cũng như cuộc
đời ông không mấy suôn sẻ. “Thuyết nhật tâm” của ông đi ngược lại
“thuyết địa tâm” của Giáo hội Công giáo Rôma vốn tồn tại từ lâu. Trước
sức ép của giáo hội, ông đã phải từ bỏ đứa con đẻ “nhật tâm” đúng đắn
của mình. Vậy mà ông vẫn không được yên thân, vẫn bị quản thúc những
ngày cuối đời theo lệnh của Tòa án dị giáo La Mã.
Thừa
tướng Văn Chủng của nước Việt bên Trung Hoa thời Chiến quốc đã cùng
Phạm Lãi giúp Việt vương Câu Tiễn khôi phục nước Việt. Đưa Câu Tiễn từ
chỗ là con tin của Ngô vương Phù Sai, tiêu diệt được Phù Sai, trả mối
thù Cối Kê, xóa sổ luôn Ngô quốc. Vậy mà sau chiến thắng, Câu Tiễn đến
thăm và nói với Văn Chủng:
-
Nhà ngươi có 7 thuật, ta mới thi hành có 3 mà Ngô đã bị diệt, còn thừa 4
thuật , "xin" nhà ngươi mang xuống âm phủ mà mưu hộ cho tiền nhân nước
Ngô.
Rồi
Câu Tiễn ra về, để lại thanh kiếm Chúc Lâu vốn là vật mà Phù Sai đã đưa
cho thừa tướng Ngũ Tử Tư để ông này tự kết liễu đời mình.
Tôn
Tẫn, một tài năng lẫy lừng cũng thời Chiến quốc, chỉ vì tài hơn Bàng
Quyên mà đã bị viên tướng này chặt 2 chân, thích chữ vào mặt.
Hàn
Phi, công tử nước Hàn, người để lại cuốn “Hàn Phi tử” nổi tiếng từ cách
nay hơn 2.000 năm, là “người tài giỏi nhất của những người tài giỏi”,
bị Lý Tư tìm cách đưa vào tù và ép uống thuốc độc mà chết. Ông chỉ
“phạm” mỗi một tội: quá tài. Bởi, nếu ông sống thì thừa tướng Lý Tư sẽ
không còn được hoàng đế Tần Thủy Hoàng trọng dụng nữa.
Dương Tu tài hơn Tào Tháo một cái đầu mà bị chặt đầu đi “cho bằng”.
Những
bi kịch người tài từ cổ chí kim, từ đông sang tây nhiều lắm, không sao
kể xiết. Ngay ở Việt Nam ta cũng đâu thiếu những nhân tài kiệt hiệt mà
nỗi thăng trầm của đời họ đã làm cho bao con tim ứa máu (Nguyễn Trãi,
Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Văn Cao…)
Bi
kịch lớn nhất của các tài năng là do rất ít người hiểu được tư tưởng,
triết lý của họ. Ý tưởng, suy nghĩ của họ có khi còn bị cho là ngông
cuồng, gàn dở. Vì thế họ luôn cô độc và phẫn uất. Hàn Phi gọi họ là
những người cô phẫn.
Người
tài vốn đã không nhiều, người biết dùng người tài lại càng ít. Phải là
người sếp có con mắt tinh tường mới nhìn ra và dùng được họ. Có mấy ai
được như Tề Hoàn Công dùng Quan Trọng hoặc Lưu Hán Vương dùng Hàn Tín.
Hàn
Tín thời Chiến quốc, khi đầu quân cho Sở vương Hạng Võ chỉ được giao
cho chức chấp kích (vác kích đứng hầu). Vậy mà khi sang với Hán vương
Lưu Bang, ông được tôn kính hết mức. Khi phong chức đại tướng quân cho
ông, Hán vương lập đàn trời, chọn ngày lành tháng tốt, tắm gội sạch sẽ,
triệu tập ba quân nghênh tiếp…Và Hàn Tín quả đã không phụ ông, cầm quân
đánh đâu thắng đó, diệt được Hạng Vũ, đưa Lưu Bang lên đỉnh vinh quang.
Một
điểm nữa khiến nhiều người tài kém may mắn bởi rất ít người trong số họ
chịu khom lưng, quỳ gối, gọi dạ, bảo vâng. Họ còn dám cương quyết bảo
bảo vệ chính kiến của mình. Nhiều khi khẳng khái chỉ ra những sai lầm
yếu kém của “bề trên”.
Nhìn
xã hội đương đại thì thấy rõ. Do vậy, người tài khó hiển vinh. Người có
tài không thành đạt bằng người được lòng cấp trên. Cái câu “ngu si
hưởng thái bình” phần nào minh chứng điều đó.
Vì
vậy, những người đàn bà “hiểu đời” ít khi lấy chồng là người tài năng.
Họ chọn loại người có tướng số làm quan. Bởi, các quan đều có cả 2 thứ :
quyền, tiền. Khi đã có 2 thứ ấy rồi, họ sẽ tìm cách tiếp cận các tài
năng để đánh bóng cho họ.
Khi bài viết ngắn này đã đăng, mình được tin nhà văn Lê Lựu đang trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khó.
Ai
đã từng đọc "Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Người cầm súng..." đều thừa
nhận Lê Lựu là nhà văn có tài. Vậy mà vừa đây, nhà văn Phạm Ngọc Tiến
viết: "Chiều nay (22/4/2013)đến thăm lão nhà văn Lê Lựu. Ông nằm còng
queo trên giường...Ông kể lại rành mạch nhiều chuyện đời ông nếm trải.
Đã biết chuyện, nhưng khi nghe ông trực tiếp kể lại mình thú thật không
thể tin nổi, không dám tin đời một con người lại có thể gặp những biến
cố đau khổ đến mức như vậy".
Dù "Những biến cố" xảy ra với bất kỳ lý do gì thì đó cũng là bi kịch của cuộc đời nhà văn Lê Lựu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét