Tục cải táng được xem là chuyển nhà mới cho người đã khuất
Lê Tiên Long
GD&TĐ - Theo các chuyên gia lịch
sử, thời kỳ văn hóa Đông Sơn, người Việt chưa có tục lệ cải táng người chết.
Các dấu vết khảo cổ như mộ thuyền cho thấy, người Việt thời đó chỉ chôn người
chết một lần vĩnh viễn.
Thời kỳ Bắc thuộc, các mộ Hán được
khai quật cũng cho thấy dấu tích của việc các quý tộc, nhà giàu người Hán sinh
sống ở nước ta làm mộ rất kiên cố. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng,
tục cải táng được những người Trung Quốc sang làm việc tại Giao Chỉ du nhập vào
nước ta, vì họ có phong tục đưa hài cốt người thân về chôn ở quê hương.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi
Triệu Đà làm vua ở Nam Việt, đã có nói với sứ giả nhà Hán rằng “mồ mả nhà tôi
nay ở Chân Định”, tức nhà Triệu đã quan tâm đến vấn đề quy tập mồ mả tổ tiên.
Cải táng hay còn gọi là bốc mộ, sang
cát, sang tiểu là một tập tục mà sau khi người chết đã ba năm đoạn tang rồi
hoặc vài năm nữa, thì người nhà sẽ tiến hành thực hiện. Cải táng tức là đào
huyệt mộ lên, nhặt xương của người chết, bỏ vào tiểu sành hoặc quan quách rồi
đem đi chôn chỗ khác.
Thời nước ta bắt đầu tự chủ, sử sách
cho biết vị vua khởi đầu nhà Lý là Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) còn chưa xác định
cha ngài là ai, mộ tổ ở đâu. Các vua, quý tộc thời Lý khi qua đời đều được đưa
linh cữu về quê nhà Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) an táng, không có trường hợp
cải táng nào. Các vua nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn khi qua đời cũng được an
táng vĩnh viễn ở khu lăng mộ.
Học giả Phan Kế Bính, trong cuốn
“Việt Nam phong tục”, in đầu thế kỷ 20, lý giải có bốn nguyên nhân người Việt
cải táng mộ thân nhân bao gồm: Một là nhà nghèo, khi chôn dùng ván kém chất
lượng, đến khi ván hư nát sẽ động tới thi hài. Hai là chỗ chôn đất mối kiến, lũ
lụt. Ba là gia đình người sống gặp chuyện không may, thì cũng cải táng bởi có
thể do chôn người chết ở chỗ đất xấu. Bốn là gia đình đó muốn cầu công danh phú
quý.
Như vậy, hai lý do đầu tiên, chủ yếu
là của các gia đình nghèo. Hai lý do sau, đều từ các yếu tố tâm linh, phong
thủy mang phong cách Đạo gia. Lý do thứ tư có thể thấy trong câu chuyện về mộ
tổ phát tích của các vua Trần, được ghi chép trong truyện “Trần triều tổ mộ ký”
(Truyện mộ tổ nhà Trần) trong các sách cổ như “Công dư tiệp ký”, “Đại Nam dư
địa chí ước biên”, theo đó, để trả ơn ông tổ họ Trần cứu mạng, một thầy địa lý
Trung Quốc đã chỉ cho ngôi huyệt phát đế ở thôn Nhật Cảo, xã Thái Đường, huyện
Hưng Nhân (Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) mà mình công phu tìm được. Nhờ đó, sau
này nhà Trần được nước từ tay nhà Lý.
Câu chuyện tương tự cũng xuất hiện
trong truyện kể về vua Lê Thái Tổ cải táng hài cốt cha mình mà xây được nghiệp
đế vương. Sách “Lam Sơn thực lục”, vốn được Nguyễn Trãi soạn khi vua Lê Thái Tổ
còn sống và vua đích thân đề tựa (nhưng sau đó được đời sau sửa chữa, bổ sung),
có ghi lại câu chuyện khi nhà vua lúc còn hàn vi, khi đang cày ruộng, gặp nhà
sư họ Trịnh xưng là sư núi Đá Trẳng từ bên Lào sang, đứng ngắm thấy nhà vua có
khí độ khác thường, có thể làm nên việc lớn. Nhà sư chỉ cho nhà vua rằng: “Xứ
Phật Hoàng thuộc động Chiêu Nghi, có một khu đất chừng nửa sào, hình như quả
quốc ấn.
Phía tả có núi Thái Thất, núi Chí
Linh; bên trong có đồi đất Bạn Tiên. Lấy thiên sơn làm án (ở xã An Khoái). Phía
trước có nước Long Sơn, bên trong có nước Long Hồ là chỗ xoáy trôn ốc (ở thôn
Như Ứng). Phía hữu nước vòng quanh tay Hổ. Bên ngoài núi xâu chuỗi hạt trai.
Nếu táng mộ vào đây thì con trai sang không thể nói được. Nhưng con gái phiền
có chuyện thất tiết. Tôi sợ con cháu ông về sau, có thế phân cư. Ngôi vua có
lúc trung hưng. Mệnh trời có thể biết vậy. Nếu thầy giỏi biết táng lại, thì
trung hưng được năm trăm năm”.
Nhà vua mới đem hài cốt cha mình táng
vào chỗ ấy. Sau đó, nhà sư hóa bay lên trời, nhà vua bèn xây ở chỗ ấy ngôi điện
Du Tiên. Sử cũ cũng chép rằng khi vua Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, quân Minh đã
đào cướp hài cốt cha nhà vua nhằm ép ông đầu hàng. Tuy nhiên, Lê Lợi sai 14
thuộc hạ thân tín do Trịnh Khả dẫn đầu đến doanh trại của giặc lấy lại hài cốt
của cha mình chôn lại như cũ.
Một câu chuyện khác liên quan đến
việc cải táng cũng được ghi trong “Lam Sơn thực lục”, là việc bà vợ vua Phạm
Thị Ngọc Trần hiến mình cho thần núi Quả ở Hưng Nguyên, Nghệ An, để nhận lời
cam kết của Bình Định vương rằng khi lấy được thiên hạ, sẽ truyền ngôi cho con
bà. Khi nhà vua lên ngôi, sai Lê Cố đi lấy hài cốt bà về cải táng, nhưng giữa
đường mối đùn thành đống, lấp thành huyệt mộ, nên vua cho xây điện thờ ở đó,
đặt tên là điện Hiển Nhân. Con của bà là Lê Nguyên Long sau được nối ngôi, tức
vua Lê Thái Tông.
Chuyện cải táng vào huyệt phát đế
sinh vương cũng được ghép vào sự tích tổ tiên chúa Trịnh được tặng cho một
huyệt quý, đem táng hài cốt tiền nhân thì hậu thế làm nên vương nghiệp.
Trong cuốn “Tiểu luận về dân Bắc kỳ”,
được xuất bản năm 1908, tác giả người Pháp Gustave Dumoutier kể thêm chi tiết
ly kỳ khi người dân nước ta cải táng mộ cha: “Khi người con trai khai quật phần
mộ cha, muốn chắc chắn không lẫn với người khác, thì anh ta lấy dao, cứa vào
ngón tay một vết nhẹ, rồi nhỏ một giọt máu xuống khúc xương. Nếu là hài cốt
cha, giọt máu sẽ để lại dấu vết trên mặt xương, ngược lại, máu sẽ trôi tuột
xuống đất”.
Câu chuyện này cũng trùng với chi
tiết trong bộ sử triều Nguyễn mô tả việc vua Gia Long xác định hộp sọ của cha
mình, sau đó an táng tại Lăng Cơ Thánh, dân gian vẫn gọi là Lăng Sọ.
Jules Silvestre, cuốn “Đế quốc An Nam
và người dân An Nam”, cũng viết về việc cải táng của người dân nước ta: “Sau
vài năm, khi người ta thấy sự lựa chọn sai lầm, họ phải dời mộ và điều khiến
nhiều người giàu tiêu tán tiền bạc để lo phần mộ cho những điều mê tín luôn
nhân dịp để tiệc tùng và dọn cỗ bàn tốn kém”.