Chúa Trịnh Sâm
1. Nguyên nhân:
Vào tháng 9 âl năm Cảnh Hưng 41 (Canh Tý, 1780), Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm truất vương trưởng tử Trịnh Tông (Đoan Nam Vương sau này) xuống làm quý tử (con út). Vì Trịnh Tông bị ghẻ lạnh nên làm chính biến. Theo lệ cũ, con chúa 7t đã ra nhà riêng đọc sách nhưng đến 9t thì Trịnh Tông mới đi học. Chúa cho Nguyễn Khản, Lý Trần Thản làm Tư Giảng. Ít lâu sau, ông Thản qua đời, ông Khản làm Trấn Thủ nơi xa, Trịnh Tông thất học và ở nhà ông Nguyễn Phương Đĩnh, cả năm không gặp mặt cha. Trong khi đó, chúa sủng ái con trai Tu Dung Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán; tức Điện Đô Vương sau này.
2. Diễn biến:
Khi nghe tin chúa ốm nặng, gia thần của Trịnh Tông xúi giục ông làm binh biến. Họ phao tin rằng: Chúa sai vương tử đi đánh miền Nam và phải sắm sửa binh giáp. Mật sai Chu Xuân Hán dò xét chúa nhưng chúa khỏi bệnh. Sự việc bị tiết lộ, Tu Dung Đặng thị khải với chúa. Trịnh Sâm tức giận gọi Quận Huy Hoàng Tố Lý (Đình Bảo) yêu cầu trị tội. Quận Huy bàn:
"Vương tử có lỗi nhưng chưa trải sự đời, nhị quân Tây - Bắc tất dự mưu này. Nay họ cầm quân bên ngoài, trị ngay sợ xảy ra binh biến. Xin trước triệu họ về kinh, giam ở phủ rồi dần dần phát giác sự trạng đem ra mà trị tội. Nhưng Tuân (Trấn Thủ Kinh Bắc Nguyễn Khác Tuân) và Khản (Trấn Thủ Sơn Tây Nguyễn Khản, anh cả Nguyễn Du) nếu cùng triệu 1 lúc, e rằng chúng nghi ngờ, vậy nên triệu 1 người trước 1 người sau".
Chúa cho là phải bèn triệu ông Khản về, vỗ về an ủi sau đó bắt giam ông và Nguyễn Phương Đĩnh lại.
3. Vai trò của Ngô Thì Nhậm:
Khác với KĐVSTGCM một mực đổ tội cho Ngô Thì Nhậm, ĐVSK Tục Biên chép rằng: "Lúc ấy Đốc Đồng Kinh Bắc Ngô Thì Nhậm trước kia giảng sách hàng ngày cho Tông. Học trò Nhậm là tiểu giám Hà Như Sơn làm người giữ sách cho Tông, biết Tông cùng bọn ấy có âm mưu, nói với Nhậm. Nhậm sợ quá, mật khuyên Tuân cùng Đĩnh thôi việc ấy đi, nếu không được thì đổ lỗi cho đám tôi tớ. Tuân không nghe, bây giờ Tuân cũng bị triệu về. Thấy Khản, Đĩnh đã bị giam, Tuân xin vào yết kiến để chịu tội, không được vào. Chúa sai nội thần trách Tuân rằng: "Cậu cùng thằng Tông làm giặc, cậu cứ đi mà dấy quân, ta đã có tướng giỏi để đối chọi". Tuân đi ra gặp Nhậm ở cửa các, nắm lấy tay Nhậm than rằng: "Tôi thờ chúa từ lúc chúa lọt lòng mà ra đến nay, nay chúa gọi là giặc. Ngày trước tôi nghe ông nói tưởng việc cũng dễ dàng, bây giờ làm thế nào?"
Nhậm lập tức đến nhà Tả Xuyên, gặp Khản và hỏi duyên cớ tại sao? Khản nói rằng: Họa sinh ra tự cha con chúa, lũ Khản bị dèm đã lâu, biện bạch cũng vô ích, không gì bằng đem sự trạng của Tông nói ra để chúa biết việc tự đám tôi tớ (tức gia thần của Trịnh Tông). Thế là dùng thuốc độc chữa bệnh độc.
Lập tức nói với Nội giám Phong Triều Hầu Phạm Huy Thức đem thư của Khản kể tội Tông dâng lên. Tuân cũng làm thư nói việc trước và dẫn lời của Nhậm vào, lại nói tôi cũng định tố giác nhưng chưa kịp làm đấy thôi. Tờ khải đến nơi, chúa mắng rằng: "Người ta bảo cho nói mà không nói, chả phải dự mưu là gì?" Chúa không xét, cho Tuân Thọ xé thư ấy trước mặt Tuân, Tuân lại quỳ xuống mà nhặt lấy. Do đấy chúa lại càng giận, cho bắt cả Chu Xuân Hán. Giao cho Ngô Thì Nhậm cùng Phong Triều Hầu tra xét, phát giác được tội trạng của lũ tôi tớ. Gặp lúc Nhậm có tang cha xin từ chức". (Đại Việt Sử Ký Tục Biên, tr. 483)
Như vậy, Ngô Thì Nhậm là người khuyên bảo Nguyễn Khác Tuân tự thú. Đến khi án phát, ông được Trịnh Sâm giao việc điều tra, chứ không phải "giết 4 cha lên Thị Lang" như sử Nguyễn đã ghi.
4. Kết quả:
Do ông Nhậm từ quan chịu tang, chúa giao cho Lê Quý Đôn điều tra vụ án này. Theo chính sử, nhà bác học có thù oán với ông Khản nên làm liên lụy nhiều người vô tội. Khi kết quả trình lên, chúa Trịnh truất trưởng tử làm quý tử; nghĩa là mất luôn cơ hội tranh quyền thừa kế. 2 ông Nguyễn Khác Tuân và Chu Xuân Hán tự sát, ông Nguyễn Khản bị giam vào ngục, A Bảo (thầy học) của ông Trịnh Tông là ông Nguyễn Phương Đĩnh bị cách chức.
Riêng ông Nhậm, do có lời đồn Huy Quận Công Hoàng Tố Lý và Tu Dung Đặng Thị Huệ hại ông nên chúa thăng làm Hữu Thị Lang Bộ Công, thăng học trò là Hà Như Sơn làm Quản Binh, thăng Nguyễn Huy Bá - người tố cáo vụ án với Đặng Thị Huệ làm Đông Các Đại Học Sĩ. Về sau, Nguyễn Phương Đĩnh than rằng: "Nhậm như người trên bờ vớt người dưới ao, lại bị lũ gian hùng làm cho nhơ nhuốt, thật đáng giận".
Nguồn:
Đại Việt Sử Ký Tục Biên (1676 - 1789), Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB Hồng Đức, 2018
Hoàng Lê nhất thống chí
Ngô gia văn phái
Hồi thứ nhất
Đặng
Tuyên Phi được yêu dấu, đứng đầu hậu cung
Vương Thế Tử bị truất ngôi, ra ở nhà kín.
Triều Lê Trang
tông Dụ hoàng đế (Tức Lê Trang Tông, tên là Duy Ninh (1533-1548). Các chú thích
từ đây trở đi đều của người dịch) trung hưng cơ nghiệp ở sông Tất Mã (Tức sông
Mã ở Thanh Hoá). Bấy giờ Thế tổ Minh khang thái vương Trịnh Kiểm làm phụ chính,
giúp vua dẹp yên được đảng họ Mạc và trở lại kinh đô cũ. Rồi từ đó, họ Trịnh
đời đời kế tiếp tước vương, nắm giữ hết quyền bính trong tay, hoàng gia mỗi
ngày một suy yếu dần.
Truyền đến đời
Hiển tông Vĩnh hoàng đế, niên hiệu Cảnh hưng (1740-1786), thì Thánh tổ Thịnh
vương (Tức Trịnh Sâm, mới lên ngôi chúa) chuyên quyền cậy thế, làm oai làm
phúc; vua Lê chỉ còn biết chắp tay rủ áo mà thôi.
Thịnh vương là
người cứng rắn, thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài
về văn lẫn võ, đã xem khắp kinh sử, biết làm văn làm thơ. Sau khi Thịnh vương
lên nối ngôi chúa, từ kỷ cương trong triều đến chính trị trong nước, hết thảy
đều được sửa đổi; bao nhiêu tướng giặc, đảng nghịch, đều lần lượt bị dẹp tan,
Chúa có cái chí muốn làm bá chủ, nào diệt giặc Trấn Ninh, nào phá bọn Công Chất
[đây là hai cuộc khởi nghĩa nông dân lớn ở thế kỷ 18. Cuộc khởi nghĩa của Lê
Duy Mật ở vùng Thanh-Nghệ, lấy Trấn Ninh làm căn cứ, kéo dài 32 năm
(1738-1770). Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ở vùng Sơn Nam và Tây Bắc, kéo
dài 30 năm (1739-1769)], quân nhà chúa đã đến, không chỗ nào là không thắng.
Lúc đó bốn phương yên ổn, kho đụn đầy đủ, chúa dần dần sinh bụng kiêu căng, xa
xỉ, phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thoả thích.
Một hôm, tiệp dư
(Một cấp bực của vợ vua, dưới bậc phi) Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ
bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng,
mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng,
bèn tư thông với ả.
Từ đó, Thị Huệ
càng ngày càng được nhà chúa yêu quí, ả nói gì chúa cũng nghe và hễ có việc gì
là chúa cũng bàn với ả. Rồi ả được ở chung một nơi với chúa, y như một cặp vợ
chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của ả cũng đều được sắm sửa hệt như đồ
dùng của chúa.
Thị Huệ từ lúc
được nhà chúa chiều chuộng, hơi có vẻ lộng hành. Hễ có chuyện gì không vừa ý,
là ả xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa.
Chúa có một viên
ngọc dạ quang, lấy được trong khi đánh dẹp phương Nam, vẫn xâu ở trên đầu khăn
làm đồ trang sức. Một hôm Thị Huệ lấy tay mân mê viên ngọc. Chúa nói:
- Nhè nhẹ tay
chứ, đừng làm ngọc sây sát!
Thị Huệ bèn ném
viên ngọc xuống đất mà khóc rằng:
- Làm gì cái hạt
ngọc này! Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm giả chúa hạt khác là cùng. Sao chúa nỡ
trọng của khinh người như vậy?
Rồi ả tự ý bỏ ra
ở cung khác, từ chối không gặp chúa nữa. Chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành cho
ả vui lòng, lúc ấy ả mới chịu làm lành với chúa.
Kịp đến khi Thị
Huệ có mang, chúa liền sai người đi lễ khắp trăm thần để cầu sinh con thánh.
Đến kỳ, ả sinh được một trai, vào năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh hưng 38 (1777).
Chúa hết sức yêu mến đứa bé, lúc đầy trăm ngày, chúa lấy tên của mình lúc nhỏ
là Cán mà đặt cho nó, để tỏ ra nó cũng giống mình.
Khoa thi hương
năm ấy, chúa lấy hai câu: "Sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung" (Nghĩa
là: "Khí thiêng của sông núi tụ lại, sự tốt đẹp của hồ biển đúc nên",
ý muốn chỉ về Trịnh Cán), để làm đề thi. Các quan văn võ đưa đón ý chúa, cũng
có nhiều kẻ lấy chữ: "Tính huy hải nhuận" (nghĩa là: "Sao sáng,
biển hoà" tức là điềm sinh ra bậc thánh) làm câu chúc mừng.
Lúc vương tử Cán
đầy tuổi tôi, cốt cách tướng mạo khôi ngô, đẫy đà, khác hẳn người thường. Đến
khi biết nói, vương tử Cán đối đáp gãy gọn, cử chỉ không khác gì người lớn. Mỗi
khi các quan văn võ vào thăm, vương tử tiếp đón với dáng bộ nghiêm chỉnh. Có
người cách hàng năm mới gặp, vương tử cũng vẫn nhớ rõ họ, tên, kể lại chuyện cũ
vanh vách. Chúa sai quan từ hàn làm bài tụng 16 chữ, để viên a bảo (viên quan
trông nom việc nuôi nấng, dạy dỗ con cái của vua chúa) dạy truyền miệng cho
vương tử. Vương tử chỉ nghe qua một lượt là đọc thuộc liền. Thấy vậy chúa càng
quí vương tử Cán bội phần.
Cũng do đó, Thị
Huệ mới ngầm có ý muốn cướp ngôi thế tử.
Lại nói, lúc ấy
chúa đã có thế tử là Trịnh Tông (sau đổi là Trịnh Khải), do thái phi họ Dương
đẻ ra. Thái phi tên là Ngọc Hoan, người ở làng Long Phúc, huyện Thạch Hà. Chị
nàng là cung tần của Ân vương (cha Thịnh vương, tức là Trịnh Doanh), sinh ra
Thuỵ quận công, được Ân vương hết sức yêu quí. Nhờ chị, thái phi được kén vào
làm cung tần của Thịnh vương. Nhưng từ sau khi vào cung, nàng vẫn ngày đêm sống
cô quạnh. Bỗng một đêm, nàng nằm mơ thấy vị thần đem cho tấm đoạn có vẽ đầu
rồng. Nàng không hiểu đó là điềm gì, đem hỏi viên quan hầu là Khê trung hầu.
Khê trung hầu biết chắc là điềm sinh thánh.
Hôm sau, chúa
cho vời cung tần Ngọc Khoan vào hầu. Khê trung hầu cố ý giả làm nghe lầm, đưa
ngay thái phi Ngọc Hoan đến. Thấy nàng, chúa có vẻ không thích, nhưng đã chót
gọi đến, không nỡ đuổi ra. Sau đó chúa đòi Khê trung hầu vào trách mắng. Khê
trung hầu cúi đầu tạ tội, đoạn thuật rõ đầu đuôi chuyện thái phi nằm mơ cho
chúa nghe. Chúa cũng nín lặng không nói sao cả.
Thái phi trải
qua một trận mưa móc, liền có thai ngay. Đến kỳ, nàng sinh ra một trai. Năm
Quí-mùi, Cảnh hưng 24 (1763).
Chúa tự nghĩ đầu
rồng tuy có khí tượng làm vua, nhưng là rồng vẽ không phải rồng thật, mà lại
chỉ có đầu không có đuôi, như vậy chưa hẳn đã là điềm tốt cả. Vả lại ở triều
trước, Trịnh Cối, Trịnh Lệ (Trịnh Cối là con Trịnh Kiểm, Trịnh Lệ là con Trịnh
Doanh. Hai người này đều mưu đồ giành ngôi chúa, nhưng đều thất bại) cũng do
người Long Phúc đẻ ra và đều mưu sự phản nghịch mà không thành.
Do đó, chúa có ý
không vui. Các quan văn võ vào chúc mừng, chúa lấy cớ rằng đứa con ấy không
phải là vợ cả đẻ ra, từ chối không nhận lời mừng.
Khi thế tử Tông
đã lớn, dung mạo rất khôi ngô mà chúa cũng chẳng yêu chiều gì mấy.
Tính thế tử ham
võ nghệ, không thích học hành. Năm lên bảy tuổi, chúa sai Nguyễn Khản (Nguyễn
Khản là con Nguyễn Nghiễm, người huyện Nghi Xuân Nghệ Tĩnh có sách chép là
Nguyễn Lệ) tiến sĩ khoa Canh-thìn (1760), làm tả tư giảng, và Trần Thản, tiến
sĩ khoa Kỷ-sửu (1769), làm hữu tư giảng để rèn tập cho thế tử. Nhưng chẳng bao
lâu, Thản chết. Còn Khản thì đang được chúa tin dùng, phải quán xuyến mọi công
việc trong ngoài, nên cũng không mấy khi đến được chốn "màn giảng",
chỉ có năm sáu viên tuỳ giảng bảo ban việc học cho thế tử theo như nếp cũ mà
thôi. Chuyện đó chúa cũng có biết phần nào, nên lại càng không bằng lòng.
Theo lệ cũ,
người con trai nối ngôi chúa hễ đến mười hai tuổi thì phải ra ở Đông cung. Bấy
giờ các quan cũng có tâu trình việc ấy; song chúa không cho, bắt thế tử phải
đến ở tại nhà riêng của quan a bảo là Hân quận công (Nguyễn Đĩnh). Như vậy,
ngôi đông cung vẫn bỏ trống, như có ý chờ đợi người khác.
Đến năm thế tử
mười lăm tuổi, thì con nhỏ là vương tử Cán ra đời, chúa hết sức yêu dấu đứa con
nhỏ đó. Ba năm sau, thế tử đúng mười tám tuổi. Theo lệ cũ, thế tử đáng được mở
phủ riêng; nhưng bấy giờ các quan chẳng ai dám tâu bày, mà chúa cũng không hề
nhắc tới việc ấy.
Như thế là người
nối ngôi vẫn chưa định, nên lòng người rất phân vân. Hễ ai thuộc về thế tử Tông
thì hùa theo thế tử Tông, ai thuộc đảng Thị Huệ thì vào phe vương tử Cán. Trong
phủ chúa dần dần sinh ra bè nọ cánh kia.
Thị Huệ cho rằng
thế tử Tông đã khôn lớn, lông cánh đã đủ; mà con mình hãy còn trứng nước, nên
càng mưu mô để gây thêm thế lực.
Khi ấy Huy quận
công Hoàng Tố Lý (nguyên trước là Hoàng Đăng Bảo) đang có danh vọng lớn, thường
dựa vào sự giúp đỡ của Thị Huệ; mà Thị Huệ thường cũng lấy quận Huy làm chỗ nhờ
cậy bên ngoài. Quận Huy người làng Phụng Công, là cháu Bình Nam thượng tướng
quân Việp quận công là Hoàng Ngũ Phúc, vẻ người thanh dật, là tay văn võ toàn
tài. Khoa thi hương năm ất-dậu (1765), Huy đi thi được trúng cách; đến khoa thi
võ năm Bính-tuất (1766) Huy lại đỗ luôn tạo sĩ. Hồi ấy Ân vương còn đang trọng
dụng quận Việp, mới gả con gái thứ cho quận Huy.
Uy quyền quận
Việp mỗi ngày một lớn. Có người ngờ sẽ xảy ra điều gì bất trắc, hoặc cũng có kẻ
bảo quận Việp sắp lấy thiên hạ để truyền cho quận Huy. Căn cứ vào lời sấm hồi
ấy có câu: "Nhất thỉ trục quần dương". (Một con lợn đuổi đàn dê); có
kẻ tán rằng: Thỉ tức là quận Huy, bởi vì quận Huy tuổi hợi (thuộc lợn), mà
dương đây chỉ vào chúa và thế tử, vì cả hai đều tuổi mùi (thuộc dê). Rồi những
kẻ hiếu sự lại còn đặt ra câu sấm: "Thảo nhất điền bát" (Cỏ một,
ruộng tám) để chỉ vào chữ Hoàng (thảo nhất điền bát chắp lại thành chữ Hoàng
chỉ Hoàng Ngũ Phúc). Có kẻ lại nói: "Thổ sất vân gian nguyệt, hoàng hoa ánh
nhật hương". (Mảnh đất sánh trăng trong mây; hoa cúc ánh hương mặt trời).
Thổ, sất, nguyệt là chữ tế (chữ tế nghĩa là con rể, chỉ quận Huy). Hoàng, hoa,
nhật là chữ Việp (Chữ Việp gồm chữ hoa và chữ nhất, còn chữ Hoàng là họ Hoàng),
chỉ quận Việp. Thêm nữa, tên cũ của quận Huy là Đăng Bảo (Có nghĩa là: lên ngôi
báu) người ta cũng lấy đó để dị nghị. Vì vậy quận Việp muốn tránh sự hiềm nghi
ấy mới bảo quận Huy đổi tên Đăng Bảo ra Tố Lý.
Sau quận Việp
lấy cớ mắc bệnh đau mắt để xin từ chức, chuyện ấy chẳng nhắc làm gì nữa.
Lại nói năm
Giáp-ngọ (1774), quận Việp phụng mệnh kéo quân vào đánh trong Nam, có đem quận
Huy đi theo. Quận Huy vốn đã học được phép dùng binh gia truyền của quận Việp,
nên được các tướng tá rất sợ phục. Huy lại khéo cắt đặt nhân tài, nên các tay
hào kiệt đều vui lòng chịu sai khiến. Huy có công luôn luôn phá được quân địch,
tiếng tăm mỗi ngày một lẫy lừng. Khi dẹp yên được xứ Thuận Hoá thì quận Việp
qua đời. Chúa bèn giao luôn cho quận Huy quản lĩnh số quân của quận Việp, và
cho làm trấn thủ Nghệ An.
Đóng ở trấn Nghệ
An. Huy ra sức tiêu diệt trộm cướp, cấm đổi tiền (đổi tiền đẹp để tích trữ, làm
cho tiền khan hiếm), trấn áp cường hào, ngăn chặn việc kiện cáo, làm cho trong
hạt rất thịnh vượng, Huy lại thu dụng những kẻ anh tài, đặt ra nhiều chức liêu
thuộc. Dưới trướng ông ta có những tên như tả, hữu tham quân chẳng hạn. Thế là
thiên hạ lại ồn ào lên, đồn rằng quận Huy sắp sửa làm phản.
Chúa nghe tiếng,
ngày ngày cùng viên triều thần tin cẩn là Nguyễn Khản và quan thế tử a bảo Hân
quận công Nguyễn Đĩnh bàn cách giết Huy. Trong lúc bàn bạc, ba người vẫn dùng
tiếng lóng "chữ thập" để chỉ quận Huy. Vì chữ thập cũng na ná chữ
nghệ (chữ thập xoay chéo thành chữ nghệ viết tắt) là trấn Nghệ An, nơi quận Huy
đóng quân.
Họ thường đuổi
mọi người đi để bí mật bàn bạc, chỉ có Thị Huệ là biết được.
Công chúa vợ
quận Huy, ngày đêm ra vào trong phủ luồn lọt Thị Huệ; Thị Huệ mới đem việc kín
nói cho công chúa nghe. Quận Huy trong dạ không yên, dâng thư xin về triều.
Chúa cho phép ngay.
Huy nghĩ rằng Thị
Huệ tuy được chúa yêu, nhưng con trai của Thị Huệ còn nhỏ, trong khi đó thế tử
đã lớn rồi, hùa theo Thị Huệ e không phải là kế lâu bền. Vì vậy, sau khi đã vào
hầu chúa, Huy liền lấy châu báu đút lót cho những kẻ chân tay của thế tử, để
xin nương tựa vào thế tử. Rồi Huy lại đem một trăm lạng vàng và mười tấm đoạn
Nam Kinh làm lễ yết kiến, để xin vào ra mắt thế tử. Nhưng thế tử không nhận đồ
lễ, cũng không cho vào gặp, nói riêng với bọn hầu cận rằng:
Thằng giặc ấy
sao không ở trấn làm phản, mà lại vội về triều? Rồi đây ta sẽ tịch thu hết cả
gia sản nhà nó, cần gì đồ lễ của nó bây giờ!
Quận Huy biết
thế tử không dung mình, bèn quyết ý hùa theo Thị Huệ và âm thầm có chí phế lập.
Huy đem dâng
ngôi nhà cũ của quận Việp cho vương tử Cán làm dinh thự. Từ đó, Huy thành ra
người riêng của Thị Huệ. Mà trước mặt chúa, Thị Huệ cũng hết sức bao che cho
Huy. Do đó, quận Huy được vào chính phủ (phủ của chúa Trịnh để phân biệt với
triều đình của vua Lê) mở dinh quân Trung nhuệ, coi việc trong phủ, đồng thời
kiêm lĩnh chức trấn thủ trấn Sơn Nam (địa bàn của Sơn Nam thời Lê gồm: Hà Đông,
Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình), Quận Huy và Thị Huệ, trong ngoài liên
kết với nhau, thế lực nghiêng cả thiên hạ. Các viên quan võ như chức cai cơ,
trấn thủ, đều do cửa của họ mà ra. Lúc ấy, duy chỉ có Hồng lĩnh hầu Nguyễn
Khản, trấn thủ Sơn Tây hiện đang làm tả tư giảng cho thế tử, và Tuân sinh hầu
Nguyễn Khắc Tuân, trấn thủ Kinh Bắc tức con nuôi của Hân quận công, hiện đang
làm a bảo cho thế tử, là còn dám có ý kia khác với quận Huy mà thôi. Như vậy là
cái thế bè đảng đã thành rồi.
Lại nói, từ khi
vương tử Cán sinh ra, thế tử Tông có ý rất tức bực, chỉ sợ mình không được lập
làm chúa. Thế tử cùng với bọn gia thần là mấy tên hầu Thế Thọ, Thẩm Thọ... nho
sinh Đàm Xuân Thụ và tên xuất thân tạp lưu (là hạng thư lại không đỗ đạt gì,
không do chính ngạch mà ra) Vĩnh Vũ, ngày đêm bàn mưu, lo lắng không biết nên
làm thế nào.
Vừa lúc đó,
chứng bệnh cũ của chúa lại phát, bệnh tình rất nguy kịch. Một đêm thế tử bỗng
mơ thấy mình mặc áo chầu chàm, đội mũ chữ đinh, đứng ở phủ đường. Sáng mai thế tử
kể lại với bọn gia thần và nói:
- Ta mơ như vậy
là điềm có tang, trong cung nay mai chắc sẽ có biến; ta phải sớm lo liệu trước
mới được.
Bọn tôi tớ ấy
liền khuyên thế tử nên ngấm ngầm sắm sửa binh khí, chiêu mộ dũng sĩ; một mai
trong cung xảy ra chuyện chẳng lành, thì cứ việc đóng chặt cổng thành, giết
quận Huy, và bắt giữ cả hai mẹ con Thị Huệ, khiến vương tử Cán không thể lên
ngôi chúa. Mặt khác báo cho hai trấn Tây, Bắc (Sơn Tây, Kinh Bắc) đem quân vào
kinh, bắt ép các đại thần để dựng thế tử lên ngôi chúa.
Thế tử nghe theo
và phao lên rằng mình sắp được lệnh đem quân vào đánh miền Nam. Rồi thế tử lại
sai người báo ngầm cho Khê trung hầu, giao một ngàn lạng bạc cho nho sinh Đàm
Xuân Thụ để Thụ phân phát cho bọn tay chân đi mua sắm vũ khí. Tiếp đó, thế tử
mật báo cho các viên trấn thủ ở hai trấn Tây, Bắc, chiêu tập dũng sĩ.
Thế tử cắt đặt
xong thì bệnh của chúa cũng vừa khỏi, việc ấy bị tiết lộ. Hồi đó, có Nguyễn Huy
Bá người ở Gia Lâm (làng Phú Thị, huyện Gia Lâm) tính tình nham hiểm, giảo
hoạt, thường vẫn quen thói tố giác kẻ khác để kiếm quan chức. Năm trước, chính
vì Bá đã tố cáo âm mưu nổi loạn của Nguyễn Huy Cơ và Thuỵ quận công (Thuỵ quận
công tức Trịnh Lệ con Trịnh Doanh, định giành ngôi chúa với Trịnh Sâm) mà y
được làm chức tham nghị ở trấn Sơn Nam, dần dà, y ngoi lên chức tiến triều
(những người không đỗ tiến sĩ mà được làm quan ở sáu bộ thì gọi là tiến triều),
rồi lại thăng tới chức đốc đồng ở trấn Thái Nguyên. Lúc này vì có lỗi bị cách
chức, y đang nóng lòng mong lại được ra làm quan. Y bèn sai con dâu cả vào làm
đày tớ cho Thị Huệ; rồi thường nhặt nhạnh những chuyện chơi bời đùa nghịch của
Tông, xui con dâu kể lại cho Thị Huệ để nịnh nọt, lấy lòng. Mặt khác, y lại
ngầm sai người nhà tin cậy tới làm bộ hạ của hai viên trấn quan Tây, Bắc để dò
xét tình hình. Đến lúc ấy, y đã nắm được phần nào sự việc của bọn này, liền vào
báo với Thị Huệ.
Thị Huệ đem việc
đó bàn với quận Huy. Huy bảo Huy Bá viết bức thư kín, rồi Huy tự bỏ vào trong
tay áo, đi đến phủ chúa, đuổi hết những người chung quanh, đem thư ra trình
chúa.
Chúa xem xong,
cả giận, định sai người giao xuống trị tội tức khắc. Quận Huy can rằng:
- Thế tử quả là
có lỗi, nhưng sở dĩ thế tử dám làm chuyện to lớn như thế chính là do hai viên
trấn thủ Tây, Bắc chủ mưu. Nay hai viên ấy hãy còn cầm quyền ở ngoài, nếu vội
vã trừng trị thế tử, e sẽ có biến khác. Chẳng thà trước hết hãy gọi hai viên ấy
về triều, giam cả ở trong phủ, rồi bấy giờ hãy tuyên bố tội trạng và trừng trị
một thể.
Chúa cho là
phải. Hôm sau chúa đòi thế tử vào cung, vờ quở mắng về việc xao nhãng học hành,
rồi bắt thế tử phải đến ở trong một ngôi nhà ba gian trong Trạch các. Lại sai
tiến sĩ khoa Bính-tuất (1766) là Nguyễn Quýnh làm tả tư giảng, và tiến sĩ khoa
Mậu-tuất (1778) là Nguyễn Đích làm hữu tư giảng. Rồi sau đó chúa cho đòi hai
viên trấn thủ Tây, Bắc về triều; bữa ấy nhằm ngày 15 tháng 8 năm Canh tý niên
hiệu Cảnh hưng (1780).
Lại nói, lúc ấy
ở trấn Kinh Bắc (địa bàn Kinh Bắc gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên) có viên
đốc đồng là Ngô Thì Nhậm (người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà
Đông, con Ngô Thì Sỹ, sau làm quan với Tây Sơn), tiến sĩ khoa ất-mùi (1775) vốn
là gia thần và tuỳ-giảng của thế tử, thường vẫn rất ăn ý với trấn thủ Tuân sinh
hầu (Nguyễn Khắc Tuân). Về phía Tuân, không việc gì là không bàn với Nhậm, duy
chỉ có việc âm mưu của thế tử là Tuân không hề nói đến. Trước đó mấy ngày, Sơn
Thọ (có sách chép Hà Như Sơn) là gia thần của thế tử, lại từng là học trò của
Nhậm, được thế tử sai đến kể rõ mưu mô của thế tử cho Nhậm biết; rồi lại ngầm
ra lệnh cho Nhậm phái người cất lẻn lên vùng Lạng Sơn mua ngựa tốt để dùng vào
việc binh. Thì Nhậm hoảng sợ nói:
- Thế tử là
người sẽ nối ngôi chúa, mà nước là nước của thế tử, lo gì mất ngôi mà phải lập
mưu ấy? Đây ắt lại do bọn tôi tớ xúi giục. Thế tử trẻ người hăng máu, suy nghĩ
chưa chín chắn, nên mới nghe theo họ. Chúa thượng là người xét đoán sáng suốt,
há lại che giấu được ngài ư? E rằng tai hoạ sẽ xảy ra lúc nào không biết, bọn
gia thần của thế tử rồi không còn đất gửi thân đâu.
Đoạn Thì Nhậm
vội vã sang kể hết tình đầu cho Khắc Tuân nghe, và khuyên Tuân phải hoả tốc về
kinh, can ngăn thế tử đừng làm việc đó, để tránh tai vạ sau này.
Khắc Tuân không
nghe, nói rằng:
- Tiểu chức này
với quan lớn, chỉ biết việc tuần phòng khám xét; ngoài ra những việc không dính
líu đến ta, thì không nên hé răng.
Thì Nhậm thở dài
mà về.
Mấy ngày sau,
quả nhiên có lệnh đòi Khắc Tuân và Thì Nhậm. Hai người vội vàng cùng đi. Tới
kinh, họ thấy trấn thủ Sơn Tây (Hồng lĩnh hầu Nguyễn Khản) và a bảo Hân quận
công (Nguyễn Đĩnh) đều đã bị triệu về, còn đang ngồi đợi tội ở nhà Tả-xuyên.
Khắc Tuân xin vào điếm Quyển-bồng gặp chúa, nhưng chúa không cho vào, sai viên
quan hầu là Quyến trung hầu ra trách Khắc Tuân rằng:
- Cậu và thằng
Tông đã muốn làm giặc thì cậu cứ việc ra mà sắp sẵn binh mã, đây ta đã có các
tướng mạnh để đối địch với cậu!
Khắc Tuân quay
ra, gặp Thì Nhậm ở điếm Tiểu-bút, Tuân cầm tay Nhậm than:
- Tôi thờ chúa
từ khi lọt lòng đến giờ, nay chúa gọi tôi là giặc. Hôm nọ quan lớn nói chuyện
tôi cứ cho làm thường, nay việc đã như thế, tính sao bây giờ?
Thì Nhậm cũng
hoảng hốt chẳng biết trả lời thế nào.
Khắc Tuân liền
làm tờ khải, cung khai hết những việc trước rồi nhờ Quyến trung hầu đưa vào
dâng chúa. Nhưng chúa đang giận, không xem, lại sai Quyến trung hầu đem tờ khải
ra xé trước mặt Khắc Tuân.
Khắc Tuân lượm
lấy tờ khải bị xé ấy mà ra, nhưng sợ hãi luống cuống chẳng biết đi đường nào.
Viên trấn thủ
Sơn Tây lúc ấy cũng rất lo sợ, có điều muốn nói mà không dám tự bày tỏ. Ông ta
bèn cùng Khắc Tuân nói với Thì Nhậm:
Bọn tôi ở ngôi
trọng yếu mà bị lời gièm pha nặng nề, bây giờ dù có nói gì, chúa cũng chẳng
tin. Ngài nên đem những điều nghe thấy viết một tờ khải, đổ tội cho lũ tôi tớ,
như vậy may ra bọn tôi mới khỏi bị oan, mà thế tử cũng sẽ được an toàn không
việc gì.
Thì Nhậm bất đắc
dĩ phải làm theo ý hai người. Chẳng ngờ chúa nhận được tờ khải, lại càng giận
dữ nói:
- Quả như lời
nói của người ta không sai!
Rồi chúa sai Thì
Nhậm và bọn quan hầu là Ngạn triêu hầu, Đường trung hầu, án trung hầu cùng tra
xét vụ án đó.
Thì Nhậm cùng
bọn quan hầu định tìm cách gỡ tội cho Khắc Tuân và viên trấn thủ Sơn Tây, nhưng
vì nhà có tang Nhậm phải bỏ việc quan mà về [Nhậm về chịu tang cha là Ngô Thì
Sĩ. Theo Việt sử thông giám cương mục (sau đây gọi tắt là Cương mục) thì chính
Nhậm hợp mưu cùng Huy Bá để tố cáo việc của Tông và Khắc Tuân. Ngô Thì Sĩ đã cố
sức can mà nhậm vẫn không nghe. Sau khi nghe tin Nhậm đã phát giác việc ấy, Sĩ
buồn bực, bèn uống thuốc độc tự tử. Nhậm vì có công tố giác, được thăng hữu thị
lang bộ Công. Do đó, người đương thời có câu rằng: "Sát tứ phụ nhi thị lang" giết 4 người cha để làm thị lang). Bốn
cha là: Sĩ, thân phụ; Tông, quân phụ; Khắc Tuân, và Xuân Hán, phụ chấp (bạn của
bố). Có thuyết lại nói tứ phụ là Sỹ và Nguyễn Khản, Phương Định, Khắc Tuân ba
người bạn của bố].
Chúa bèn giao
cho viên đồng tham tụng là Nghĩa phái hầu Lê Quí Đôn, bảng nhãn khoa Nhâm-thân
(1752) làm thay việc tra xét. Cuối cùng, nắm được hết tình hình tội trạng, chúa
liền gọi các chính thần vào cung vừa khóc vừa nói:
- Quả nhân không
may gặp phải thằng con bất hiếu, lũ bầy tôi bất trung, chúng ngầm mưu việc phản
nghịch; hình tích cũng giống như vụ Thừa Kiền, nhưng tâm địa thì tệ hơn nhiều.
Việc bỏ con cả lập con thứ là bất đắc dĩ. Các ngươi cũng nên hiểu rõ bụng ta,
cứ theo phép nước mà định tội chúng nó đi!
Các quan trong
triều bàn rằng: mấy tên phạm tội đều nên xử tử, còn riêng về thế tử thì không
dám bàn.
Lời bàn đó dâng
lên, chúa cầm bút phê rằng:
"Cứ xét
theo nghĩa của kinh Xuân-thu thì phải trị tội tên Tông thật nặng. Nhưng nghĩ
tình cha con ruột thịt không nỡ như thế, vậy nên truất nó xuống làm con út,
trọn đời giữ đạo làm tôi. Còn bọn các quan, thì viên trấn thủ Sơn Tây và Khê
trung hầu, vốn đã theo hầu ta từ lúc chưa lên ngôi, cũng có công lao, đặc ân
cho được tự liệu lấy. Riêng a bảo Hân quận công là người thật thà không tham dự
và mưu đó cũng được tha tội chết, nhưng phải cách chức xuống làm dân
thường".
Mệnh lệnh ban
xuống, Khê trung hầu và Tuân sinh hầu đều uống thuốc độc tự tử.
Dưới trướng Tuân
sinh hầu có viên văn thư là Nguyễn Quốc Trấn cũng bị tội lây với chủ, phải ghép
án tử hình. Lúc sắp bị chém, Quốc Trấn quát lớn:
- Trời không có
mắt, triều đình không có quan, nỡ để Quốc Trấn mắc oan.
Rồi Trấn dặn
người thân thuộc để giấy bút vào tay áo mình và nói thêm:
- Sống đã không
bày tỏ nỗi oan được, chết phải kiện ở âm phủ.
Mọi người nghe
câu nói đó, ai cũng thương xót cảm động.
Thế tử Tông bị
truất rồi, chúa bắt cứ phải ở trong ngôi nhà ba gian, cho người giám sát chặt
chẽ; phàm những việc ăn uống Tông đều không được tự do. Bọn gia thần của Tông
cũng không được phép ra vào thăm hỏi. Do đó, phe đảng của thế tử, mỗi người lẩn
trốn đi mỗi nơi.
Còn phe cánh của
Thị Huệ thì mỗi ngày một mạnh. Các quan lớn nhỏ không ai là không nịnh nọt, hùa
theo, mà nhà chúa cũng càng trọng ả hơn trước.
Thừa dịp ấy, Thị
Huệ bèn hỏi con gái chúa là công chúa Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu
Lân.
Công chúa này
tên chữ là Ngọc Thuyên, là cô con gái yêu quý nhất của chúa. Nguyên chính phi
họ Hoàng sinh được hai nàng công chúa. Cô lớn là công chúa Ngọc Anh, tên chữ là
Ngọc Loan, đã gả cho Đương trung hầu Bùi Thế Toại, con trai cả của Đoan quận
công Bùi Danh Đạt làm trấn thủ Nghệ An trước kia. Còn Ngọc Lan là cô thứ hai,
chưa có chồng, được chúa rất yêu chiều.
Ngọc Lan vóc
người yếu đuối, từ nhỏ vẫn ở trong cung thuỷ tinh, kiêng nắng, kiêng gió. Nơi
Ngọc Lan ở, chúa bắt thị tỳ phải nói năng sẽ sàng để cho nàng khỏi giật mình.
Khi Ngọc Lan đã lớn, mỗi lần vào thăm chúa, chúa đều cho phép cùng ngồi với
mình như lúc nàng còn bé. Phàm những điều Ngọc Lan cầu xin chúa, không có lời
nào là không đắt. Các quan vào hàng công thần, quí tộc, nhiều người đã tới cầu
hôn, nhưng chúa chưa hứa gả cho ai. Đã có lần chúa hạ chiếu chỉ cho các quan
văn võ, cùng con cháu các dòng họ công thần vào phủ để cho công chúa tự kén
chọn. Chúa bảo công chúa hễ chọn được ai vừa ý thì chúa sẽ gả cho người đó.
Nhưng Ngọc Lan vẫn chưa kén được ai vừa lòng.
Đến nay, Thị Huệ
cầu hôn cho em trai, chúa sợ mất lòng ả ta, bất đắc dĩ mà phải gượng nhận lời.
Lại nói, Đặng
Mậu Lân này vốn là một tên hung bạo; từ khi Thị Huệ được chúa yêu dấu Lân lại
càng ỷ vào thế chị để làm những việc càn rỡ. Hết thảy áo quần, xe kiệu của y,
nhất nhất đều rập kiểu theo đúng như của vua chúa. Thường ngày, Lân vẫn đem theo
vài chục tên tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp. Hễ gặp xe
kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho
họ nhục nhã, rồi lấy thế làm thích thú. Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người
nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi
lôi người ấy vào hiếp liền. Ai không chịu, Lân xẻo luôn đầu vú. Chồng hoặc cha
kẻ bị nạn, nếu dám hé răng kêu ca, lập tức Lân sai quân vặn gãy răng, hoặc cũng
có người bị đánh đến chết. Người thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói.
Chúa cũng biết
thế, nên tuy đã trót nhận lời gả công chúa cho Lân mà trong bụng vẫn còn có ý
thương tiếc. Vả lại chúa nghĩ, công chúa người yếu ớt, mảnh khảnh, không thể
chịu nổi một tên đàn ông cường bạo như thế. Nến đến ngày về nhà Lân, chúa lấy
cớ rằng công chúa chưa từng lên đậu lên sởi, để không cho phép Lân hợp cẩn
(Theo lễ xưa, đêm tân hôn vợ chồng uống chung một chén rượu, gọi là hợp cẩn).
Rồi chúa sai quan a bảo cùng nhiều thị nữ đi theo để hộ vệ công chúa. Tiếp đó,
chúa lại phái thêm cả viên nội sai là Sử trung hầu đến làm giám chế, không cho
Lân xâm phạm tới công chúa.
Thật là:
ái ân, cô gái không e sợ
Hoan hỉ, chàng trai lại dở dang.
Chưa biết việc tới thế nào? Hãy xem hồi sau phân giải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét