XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

GIA PHẢ HỌ ĐỖ BỒNG TRUNG VĨNH LỘC THANH HOÁ

 HỌ ĐỖ BỒNG TRUNG THANH HÓA

Tín Hữu Ki Tô Giáo Đầu Tiên ở Việt Nam 1572

Người Đầu Tiên tiếp xúc với A Lịch Sơn Đắc Lộ và theo Đạo Hoa Lang 1627 Họ Đỗ Vô Địch Việt Nam với 60 Khoa bảng Tiến Sĩ

Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo

Sống làm những vì tinh tú trên trời, chết làm thần quyền dưới đất.

(Bài Tựa Gia Phả Họ Đỗ)

Tôi xin thưa ngay, tôi hiện không có một tài liệu nào đáng kể về Gia Phả Tộc họ Đỗ ở làng Bồng Trung xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tôi chỉ biết đến những phả này, khi đọc các bài viết trên Võng Lạc (Internet), trong đó các tác giả có đề cập đến Đỗ Tộc Gia Phả. Tuy là tôi đã bỏ công liên lạc với những tác giả để xin sao lục một bản, nhưng không có kết quả. Tôi là cháu ngoại trong gia tộc Họ Đỗ, Bà ngoại tôi Cụ Đỗ Thị Hiền là Nữ Tộc đời 18; ít lâu nay tôi có ý định đi tìm để đọc nguyên bản Gia Phả, hầu chứng minh những liên hệ rất sớm của Họ Đỗ với Đạo Hoa Lang, FaLang, tức Ki Tô Giáo. Họ Đỗ cũng là một Đại Tộc nhiều khoa bảng nhất nước ta. Do đó tôi vẫn muốn có dịp và có cơ hội thuận tiện để trao đổi, tìm hiểu một cách thực tiễn hơn tại chỗ, và cũng hi vọng gặp lại các Con Cháu họ Đỗ có may mắn giữ được các tài liệu này, nguyên bản Hán tự hay các bản diễn Nôm. Vì thế, chỉ được đọc qua đây đó một vài tác giả, rồi ghi notes; nay có Ông họ Đỗ đời 19 hàng Cậu hỏi đến, nên cũng là cơ hội cho tôi, sắp xếp lại các notes, để đọc cho dễ hiểu khi muốn xác tín những đề mục nêu trên đây. Nhất là muốn minh xác về nguồn gốc Á Thánh Tử Đạo Giacôbê Đỗ Mai Năm, Cụ là dòng họ Mai, nhưng về làm con nuôi nhà Họ Đỗ.

Hiện nay, theo thiển ý, bản gia phả có nguồn gốc nhất là Tông phả họ Đỗ do Cụ Đỗ Thiện Chính Hoàng giáp khoa Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) khi về trí sĩ biên soạn từ khởi tổ đến đời thứ 11, sau đó con cháu biên soạn tiếp đến đời thứ 13. Sau đó nữa, có Thạch phả do Cụ Đỗ Thời Viêm soạn vào cuối đời Minh Mệnh, đầu Thiệu Trị, mà gần đây, Ông Nguyễn văn Thành viết lại và ghi : từ đời một đến đời 14, tôi viết theo phả cũ của Họ Đỗ, không biết ông muốn nói phả nào. Sơ lược bản phả này như sau : Khoảng năm 864, có bộ tướng họ Đỗ theo Cao Biền sang đánh quân Nam Chiếu đóng tại An Nam Đô Hộ Phủ1. Năm 1418, Minh triều, khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Tri huyện Thọ Xuân Thanh hóa là Đỗ Phú, dẫn quân Minh đi bắt Lê Lợi, khi Lê Lợi, chiếm lại Thanh Hóa, vây Tây Đô (1425) Đỗ Phú và gia quyến phải trốn sang Lào rồi chết tại đó2. Năm 1428, Lê Thái Tổ ban bố Bình Ngô Đại Cáo, xuống chiếu chiêu an, đại xá thiên hạ, Đỗ Phiếm, hiệu Viên Thịnh từ Ai Lao về định cư ở Biện Đà, xã Biện Thượng, sau tách ra gọi là Đông Biện (Á Thánh Đỗ Mai Năm sinh ở quê tổ, tức Đông Biện). Thạch Phả viết Đời Một, Cụ Đỗ Phiếm nghèo khó, mấy chục năm sau3, con cháu nhiều người đỗ Hương Cống, Tiến Sĩ, con gái thì gả cho con trai họ Nguyễn làng Gia Miêu, nên sau họ Đỗ trở nên Cự Tộc. Các họ Đỗ, Phạm, Hoàng và Mai có công lập nên làng Đông Biện sau gọi làng Bồng Trung. Các Cụ từ Đỗ Phiếm4, kể từ Đời Hai, có tên: 2 Đỗ Bị (Viên Nhân), 3 Đỗ Bí (Viên An), 4 Đỗ Liễu (Viên Trung), 5 Đỗ Chính Đức, 6 Chính Nghĩa, 7 Chính Đạt, 8 Chính Nghiêm, 9 Chính Thành, 10 Chính Bình, và Đỗ Nhất Lương (Chính Trực) đời 11. Kể từ đời 11, Thạch Phả ghi Thân tộc: 12 Đỗ văn Giáo (Chính Hảo), 13 Đỗ Văn Khoán (Thiệu Thanh) 1729‐1812, 14 Đỗ Diệm (Chính Ý) 1757‐1820, 15 Đỗ Thời Viêm (Hy Liễu), 16 Đỗ Quýnh, Cử nhân khoa Đinh Mùi 1847, 17 Đỗ Liệc. Thân sinh Bà Ngoại tôi, Cụ Đỗ Các đời 17, Án Sát Sơn Tây (thường gọi Cụ Án Sơn, để tránh gọi tên), là con út Cụ Đỗ Quýnh.

Ông Phạm Hồng Lam trong những bài viết về Lịch Sử Công Giáo ở Việt Nam (Chú giải A : Về Họ Đỗ Làng Bồng Trung, tỉnh Thanh Hóa) có chép: Trong cuốn gia phả của họ Đỗ làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trang 18; dịch: “Nhánh thứ hai, đời thứ bảy, ông tổ là Đỗ Công Biều đậu cống sinh khoa thi Hương năm kỷ dậu, đời vua Chính Trị năm thứ bảy. Đến năm Chính Trị thứ mười lăm được khâm sắc là Kiệt tiết tuyên lực công thần, đặc tấn Kim tử Vinh lộc đại phu, chức Lại bộ thuyên khảo thanh lại ti viên ngoại lang, tước Lương khê Nam, tên Thuỵ là Mỹ trinh hiền, hiệu là Trúc Lâm tiên sinh. Ngài là con thứ ba (của ông Trinh Kỉnh) bà mẹ họ Dương hiệu là Từ Ái; sinh đặng ba người con. Mộ chôn tại xứ Cồn Cổ Ngựa, kỵ ngày mồng bảy tháng mười; người thiếp có mộ chôn tại xứ Cồn Xương, kỵ ngày 16 tháng tư. Con đầu là Viên Đức, con thứ là Hưng Viễn theo đạo Hòa Lang5”. Ông Lam, trong bài viết, muốn tìm hiểu Đỗ Hưng Viễn theo đạo Ki Tô vào năm nào và dịp nào. Và Ông cũng muốn điều chỉnh chuyện Đỗ Công Biều (Biểu) đậu cống sinh6 khoa thi Hương7 năm Kỷ Dậu, đời Chính Trị thứ 7 và được đặc tấn Kim tử Vinh lộc Đại phu, năm Chính Trị 15, tuy Chính Trị 14 là năm cuối. Điểm đáng tiêc là tác giả quên nói đến chi tiết hay quên giới thiêu phả Họ Đỗ mà Ông đã dùng và được đọc đến để diễn Nôm trang 18. Tôi có ghi được một phần của Gia Phả, đời thứ Bảy, tương tự như trên mà không biết có phải là Tông Phả hay không, bản diễn Nôm Thứ Chi Hựu Thất Đại Tổ chép lại như sau : THỨ CHI HỰU THẤT ĐẠI TỔ (Đời thứ bảy con thứ chi thứ)

NIÊN HIỆU CHÍNH HOÀ TRỊ NĂM THỨ BẢY KỶ DẬU KHOA HƯƠNG THÍ CỐNG SINH, NIÊN HIỆU CHÍNH TRỊ THỨ MƯỜI LĂM SẮC PHONG THỤ KIỆT TIẾT TUYÊN LỰC CÔNG THẦN, ĐẶC TIẾN KIM TỬ VINH, LỘC ĐẠI PHU LẠI BỘ, THUYÊN KHẢO THANH LẠI, TY VIÊN NGOẠI LANG, LƯƠNG KHÊ NAM, ĐỖ CÔNG LỆ, THỤY MỸ CHÂN HIỀN, HIỆU TRÚC LÂM TIÊN SINH

Ông là con trai thứ ba cụ Trung Kính (Con trai thứ hai của bà sau), vợ là Dương Thị Ái, sinh được ba người con. Mả ông ở Cổ Ngựa, giỗ ngày 7 tháng 10 Âm lịch, mả bà cồn Sương, giỗ ngày 26 tháng 4 Âm lịch. Con trai trưởng là Đỗ Viên Đức. Con trai thứ hai là Đỗ Hưng Viễn đi Công giáo.

Niên Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng thế, chỉ nói suông : Ðỗ tộc gia phả tìm thấy ở họ Bồng Trung, xứ Kẻ Bền, ông Ðỗ Hưng Viễn, người con thứ hai của cụ Ðỗ Biểu (thay vì Đỗ Công Biều) một vị quan lớn của triều đình thời Lê Anh Tông (1556‐ 1573), đã tiếp xúc với tàu buôn, người Hoa Lang, và theo đạo Hoa Lang. Cũng theo quyển gia phả này, ông Ðỗ Viên Mãn (là con trưởng của cụ Ðỗ Cảnh) đã theo đạo Hoa Lang khi có dịp tiếp xúc với người ngoại quốc cập bến Cửa Bạng (Ba Làng).

Trong Thời Đại số 7, 1992, giáo sư Bùi Trọng Liễu viết về sự tích ông Thành Hoàng Họ Đỗ ʺThôn Tưʺ, tổng Bồng Hải, tỉnh Ninh Bình, đề cập đến Gia Phả họ Đỗ (do Ông Ðỗ Minh Tiết và gia đình đã cho tác giả đọc và sử dụng đoạn gia phả này) ở làng Quyết Trung có ghi: “Ông tổ họ Ðỗ (trong gia phả không chép tên) vốn quê ở xã Gia Miêu đạo Thanh Hoa (sau này là tỉnh Thanh Hoá), đỗ Tạo sĩ (thi Võ) đời vua Lê Thuần Tôn (1732‐1735), lúc đó chúa Trịnh Giang, con chúa Trịnh Cương, đang cầm quyền. Ông không làm quan, theo anh ra Bồng Hải lập ấp. Ông giàu có, lại có tính hào hiệp, mà lại không có con ; ông cùng anh và dân trong vùng lập đền ʺThôn Baʺ thờ hai ông tiến sĩ triều Lê, làm chùa Ðọ thờ Phật, và mở chợ để dân buôn bán, lại xây đình ở chợ”…. “Phần tra cứu về ông Thành hoàng ở Bồng Hải là do cụ Ðỗ Bằng Ðoàn (1905‐1986), thân sinh của Ông Đỗ Minh Tiết, dịch từ Ngọc phả chữ Nho của đền thờ Thành hoàng ʺThôn Tưʺ tổng Bồng Hải và ghi chép lại. Ông cụ cũng là đồng tác giả của cuốn Việt Nam Ca trù biên khảo, Saigon 1962, xưa là chức sắc tổng Bồng Hải, nên biết rõ chuyện vùng này”. Ngọc Phả này ghi lại một nhánh Họ Đỗ thế kỷ 18, tức cùng thời Đời 13 Đỗ Văn Khoán (Thiệu Thanh) 1729‐1812 và gần thời Thánh Tử Đạo Đỗ Văn Năm 1781‐1838, ra lập ấp ở Bồng Hải và trở thành Thành Hoàng Thôn Tư. Nhưng khi chép “vốn quê ở xã Gia Miêu”, e có sai lầm chăng, vì tất cả các phả kể trên ghi rõ Đời Một họ Đỗ từ Ai Lao về định cư ở Đông Biện, tức Bồng Sơn, Thanh Hóa. Phả cũng có ghi “con gái thì gả cho con trai họ Nguyễn làng Gia Miêu, nên sau họ Đỗ trở nên Cự Tộc”. Phả họ Đỗ có hẳn một Chương viết về con rể cháu ngoại là người Gia Miêu Ngoại trang huyện Tông Sơn.

Một tác giả khác, ký tên là DoCongKysuu, cho biết về lịch sử thành lập làng Bồng : Ruộng đất làng Bồng ít nhưng bù lại, làng nằm ngay tả ngạn sông Mã, lại có đường liên huyện chạy qua nên trên bến, dưới thuyền tấp nập, có chợ lớn, là trung tâm buôn bán của cả vùng nên ngoài nghề nông, dân còn sống bằng nghề buôn bán, làm các loại bánh quê đem bán khắp các chợ, các làng trong vùng. Làng còn có nghề bổ cau tươi, phơi khô bán quanh năm.

Người làng Bồng đi ra ngoài nhiều, người đi buôn, người dậy học, người đi làm quan. Truyền thuyết nói rằng Ngọn núi đá có chiếc mũ Tiến sĩ ở Nhạm thôn chầu về làng, trước làng con đê quai bên kia sông Mã có hình chiếc đòn càng nên người làng Bồng ngày xưa có nhiều người đỗ đạt làm quan, Tiến sĩ văn có, Tiến sĩ võ có, Hương cống, Cử nhân rất đông, Tú tài lại càng nhiều hơn. Chính vì làng có nhiều người đỗ đạt nên xưa kia đã có những câu truyền miệng trong dân gian ʺVoi ngựa về Bồng, Báo ʺ Người ta còn xếp: ʺĐông Cổ Am8, Nam Hành Thiện9, Nghệ Quỳnh Đô, Thanh Đông Biệnʺ Hoặc “Nghệ Đông thành, Thanh Đông Biện”. Từ xưa người Thanh còn xếp Hoằng Nghĩa10, Đông Biện là hai làng đỗ đạt đông nhất tỉnh Thanh. Theo phả họ Mai, cư dân đến Bồng trung lập nghiệp là cuối đời Trần, khi Hồ Quý Ly xây thành Tây giai (1397), có bắt nhiều người ở Nga Sơn đi xây thành. Nhiều cụ già ở Nga sơn, khi đi tiếp tế cho con cháu xây thành đã nhận thấy mảnh đất dọc tả ngạn sông Mã giữa hai làng Biên thượng và Biên Hạ còn hoang vắng nhưng mầu mỡ, phù sa sông Mã hàng năm bồi đắp. Các cụ đã vỡ hoang, lập ruộng vườn, làm nhà, để tiện tiếp tế cho con cháu và lấy chỗ sinh nhai. Làng Bồng Trung11 đã hình thành năm 1397; Cư dân đầu tiên là người từ Nga Sơn lên. Khi giặc Minh cướp nước ta, dân cư làng nhỏ này siêu dạt lên mạn rừng núi thượng du Thanh Hoá hoặc sang Lào.

Năm 1428, Vua Lê thái Tổ lãnh đạo dân ta hoàn thành công cuộc chống giặc Minh. Nhà Vua hạ chiếu khuyến nông, kêu gọi dân lưu tán trở về vỡ hoá. Người đầu tiên trở về làng là ông tổ họ Đỗ (Đỗ Phú). Năm 1470 hai chàng trai họ Đỗ12, được họ ngoại tiến cử theo vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm thành đã lập công xuất sắc; Đỗ Nhuận đã làm đến đô đốc phủ sau tăng Cánh quốc công. Làng cũng có Ông Đỗ viên Đạo, sống thời Lê Thánh Tông, Ông làm thầy thuốc, thầy phong thuỷ. Trong gia phả chi 15 (Thạch Phả 1839‐ 1842), sau này, Cụ Đốc học Đỗ Thời Viêm13 cũng chép lại tương tự. Họ Đỗ khi vinh hoa lại thường đem con gái gả cho con trai họ Nguyễn là họ công thần Gia miêu. Nên thường có con rể, cháu ngoại là những người rất có thế lực thời đó. Phả họ Đỗ có hẳn một Chương viết về con rể cháu ngoại là người Gia Miêu Ngoại trang huyện Tông Sơn.

Vào năm Quang Thuận VI (1465), con gái họ Đỗ là bà Đỗ Thị Hạnh đã kết duyên cùng Quốc công Nguyễn Như Trác tức là ông nội của Nguyễn Kim sau này. Đến năm Hồng Đức III (1472) lại thêm bà Đỗ Thị Đức lấy Trừng Quốc Công Hoàng Lựu là thân sinh của Nguyễn Kim. Năm Hồng Đức XIII (1482) lại có bà Đỗ Thị Kính lấy Hộ bộ Thượng thư Quỳnh Sơn Hầu Nguyễn Lữ. Năm Quang Thiện IV (1519) bà Đỗ Thị Tín lấy ông Chiêu công Huân Nguyễn Kim và chính bà Tín thân mẫu của bà Nguyễn Bảo Ngọc, sau này là vợ của chúa Trịnh Kiểm, người cùng làng Đông Biện, mẹ chúa Trịnh Tùng tức Minh Khang Thái phi. Người em ruột của Nguyễn Kim là Uy sơn Hầu Nguyễn Tông Thái cũng kết duyên với người họ Đỗ, đó là bà Đỗ Thị Chỉ vào năm Chính Trị VIII (1568). Về sau người con trai của Nguyễn Hoàng là Lý Công Nhân Nguyễn Hán cũng lấy vợ họ Đỗ Đông Biện. Bà Đỗ thị Tâm thì Lấy Cẩm Quận Công Nguyễn Hải.

Nhân vật hữu danh trong làng còn có ông Mai An Dũng, vừa làm ruộng, vừa kéo vó đánh cá (1513‐ 1602). Khi câu cá ở bên sông Bồng, ông thấy xác một bà cụ bị bỏ rọ trôi sông. Động lòng thương xót, ông vớt lên an táng tại bờ sông. Hôm sau ông Trịnh Kiểm đi tìm xác mẹ dọc sông, gặp An Dũng, Ông giúp ông Kiểm đưa xác mẹ về chôn ở mả Sáng. Ông Kiểm bắt gà cảm ơn, Ông Dũng từ chối. Năm 1543 ông Kiểm kéo quân về làng Bồng, An Dũng trở thành tướng nhà Trịnh. Ông Kiểm dặn dò con cháu phải nhớ ơn An Dũng, Ông được phong là Quận công, đóng quân tại Eo Lon, vốn cần cù dù bận việc quân, Ông vẫn cùng dân lập làng Toán Nghệ . Họ Tống có hai ông Quận công. Họ Phạm cũng có hai Quận công. Họ Đỗ Họ Nguyễn cũng có nhiều người làm Tướng theo Họ Trịnh đi đánh nhà Mạc.

Năm chính trị thứ 1514 con thứ 2 Ông Kim tử Vĩnh Lộc Đại Phu Đỗ Công Biểu; Đỗ Hưng Viễn theo đạo Công giáo (1572). Tộc phả Họ Đỗ ghi: Ông giữ Đạo đến khi cuối đời. Con cháu Ông sau này không có ai là người Công Giáo. Phả họ Đỗ cũng ghi thời chúa Trịnh Tráng (1577‐1657)15, con cả Ký Quận công Đỗ Cảnh là Đỗ Viên Mãn đã theo đạo Công giáo (1627). Sách nói các Ông là người Việt Nam đầu tiên theo đạo Công giáo.

Hai chi tiết trên, nếu ghi rõ trong Tông phả Họ Đỗ, cho thấy không những tên trùng hợp với hai bài viết đã dẫn, tác giả Phạm Hồng Lam kể một người họ Đỗ, Đỗ Hưng Viễn theo đạo Hoa Lang và Niên Giám Giáo Hội Việt Nam nói đến hai người họ Đỗ, Đỗ Hưng Viễn và Đỗ Viên Mãn theo đạo Hoa Lang, mà còn ghi rõ năm hai Cụ này rửa tội trở lại đạo Ki Tô, Cụ Viễn năm 1572, Cụ Mãn năm 1627. Ông Lam vì không có chi tiết này, nên dùng khảo cứu của linh mục truyền giáo Cố Thảo (Père Poncet, MEP16) trong Bulletin des Amis du Vieux Huê, N° 1, t. XXVIII, 1941, là trang 81‐9117 nói về « L’un des premiers Annamites, sinon le premier, converti au Catholicisme »18, người Việt nam, có lẽ là người đầu tiên theo đạo Ki Tô ; để phỏng đoán Cụ Viễn rửa tội vào khoảng 1560‐ 1570.

Cố « Chính » Thảo, rất thân với thân phụ và gia đình chúng tôi. Thân mẫu tôi Cụ Chữ, tức thứ nữ thứ hai của Bà Cụ Huyện, Trưởng Nữ Đỗ Thị Hiền (đời 18), đã được Cố Thảo rửa tội « trở lại đạo » và Ngài đã làm phép Hôn phối Bà Cụ Chữ với thân phụ tôi tại Nhà Nguyện Dòng Kín Thanh Hóa ngày 19/01/1930. Sau đó bà cho các con gái khác theo đạo (Phúc, Đức – nữ tu dòng Saint Paul, Hằng và Nga, trừ trưởng nữ Chất, lúc đó đã kết hôn với Ông Lê Đỗ Kỳ, và trưởng nam TchyA Tuấn) và chính Cụ Bà Đỗ Thị Hiền cùng em gái tức Bà Ấm Thi cũng do Cố Thảo rửa tội vào khoảng năm 1935. Như vậy 2 con gái (bà Cụ Huyện và Bà

Ấm Thi) của Bà Vợ Đầu Cụ Đỗ Các đời 17 (Cụ có 5 phu nhân) sau cũng theo Tổ Tiên trở lại đạo Hoa Lang, trừ trưởng nam Đỗ Văn.

Lịch sử Ki Tô Giáo kí túc : vị thừa sai đầu tiên tiếp xúc với người Việt Nam, là linh mục Giovanni Battista de Pesaro; năm 1581 vị thừa sai ấy có viết một bức thư gởi cho vua xứ Bắc kỳ, nhưng không thể thân đi đến được. Năm 1583, linh mục Diego d’Oropesa, năm 1583, linh mục Bartholome de Ruiz năm 1984, đến đất Bắc kỳ, nhưng đều không thể làm được việc gì. Đến năm 1588, có hai vị linh mục Bồ Đào Nha là cha Affonso da Costa và Gonsalves de Sa đến Bắc kỳ có ở lại ít lâu tại An Trường trong tỉnh Thanh Hóa. Kinh đô tạm thời của nhà Lê ở thế kỷ XVI, chiếm một khu đất gồm nhiều làng: An trường Lam sơn, Quảng tự, Vạn lai, Phúc lập. Tất cả những làng ấy đều ở tả ngạn sông Chu trong tỉnh Thanh Hóa, phía dưới đập Bái thượng vài cây số. Thế nhưng sử hay sách các vị truyền giáo để lại đều không ghi có người trở lại theo đạo Hoa lang trong thời gian này. Cố Thảo kể người Việt nam đầu tiên theo Ki Tô Giáo, đã được rửa tội tại một xứ thuộc địa Bồ Đào Nha, có thể là ở Célèbes, Iles de la Sonde quần đảo Nam Dương hoặc tại Macao. Sử có chép, triều Lê Anh Tôn (1556‐1573), Vua có gửi sứ bộ qua Ma cao và các xứ thuộc địa Bồ, để liên lạc với các nhà truyền giáo. Vậy có thể Cụ Đỗ Hưng Viễn đã theo phái đoàn đó, được rửa tội năm 1572 ở Macao hay một xứ thuộc địa Bồ khác. Không thấy Cố Thảo đưa ra một giả thuyết về địa dư hay ngày tháng. Cụ Viễn giữ Đạo cho đến cuối đời như đã thấy ghi trong gia phả, và không thấy nói đến gia đình Cụ con cái có theo đạo hay không, hoặc giả nếu có, thì lúc sơ khai chưa có giáo họ, giáo xứ, con cháu không được chăm sóc, nên bỏ đạo để giữ đạo thờ Ông Bà.

Niên Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ghi thêm một chi tiết quan trọng: “Ðỗ tộc gia phảʺ tìm thấy ở họ Bồng Trung, xứ Kẻ Bền, ghi ông Ðỗ Viên Mãn (là con trưởng của cụ Ðỗ Cảnh) đã theo đạo Hoa Lang khi có dịp tiếp xúc với người ngoại quốc cập bến Cửa Bạng (Ba Làng). Tôi không được biết có thêm những diễn biến gì khác đã xẩy ra ở Đông Biện từ năm 1588 cho đến ngày 19/3/1627, khi Linh mục Đắc Lộ và giáo sĩ Marques đặt chân lần đầu tiên lên đất Việt Nam, ở Cửa Bạng19 (xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), khởi sự cho việc truyền giáo của Dòng Tên (Jésuites) ở Đàng Ngoài. Và ngay tháng 4/1627, đã có 2 nhà thờ đầu tiên ở An Vực và Vân No. Phả ghi Cụ Đỗ Viên Mãn theo đạo Hoa Lang năm 1627, vậy thì rất có thể Cụ là người Việt Nam sở tại đầu tiên đã tiếp xúc với Linh mục A Lịch Sơn Đắc Lộ khi Ông cập bến Ba Làng, và đã được Linh mục này rửa tội. Lúc đó Họ Đỗ đã là một Cự Tộc giàu có, nên việc lập nhà thờ nhanh chóng như thế cũng là chuyện dễ dàng20. Nếu giả thuyết tôi đúng, thì họ Đỗ không những là họ số một ở Việt Nam có 60 khoa bảng Tiến Sĩ, mà lại còn có người đầu tiên theo đạo Hoa Lang và người đầu tiên tiếp xúc và chịu phép rửa tội bởi nhà truyền giáo Đắc Lộ, cha đẻ nền Quốc Ngữ.

Phả chép tiếp, đến thế kỷ 17‐18 đất nước ổn định dần. Thời này, dân làng đã đông hơn có thêm dòng họ Nguyễn nữa, từ phía Bắc di cư vào. Sau đó là HọTrương, Họ Đoàn Họ Phạm. Như thế trong làng có mười ba họ21 sinh sống trong 11 xóm. Làng Bồng lúc này còn Một nhân vật đặc biệt nữa là Ông Đỗ Mai Năm22 hay Năm Ngũ. Ông người Họ Mai, sinh 1788 nhà nghèo cha mẹ mất sơm, Ông về làm con nuôi Họ Đỗ, Ông sống thánh thiện, học giỏi, được vào học Đại chủng viện Pinan23, và trở thành linh mục thừa sai, Ông đi giảng đạo nhiều nơi. Vua Minh Mạng cấm đạo, Ông bị bắt ở Nam Định. Năm Minh Mạng 18 ngày 12/8/1838, Ông bị xử trảm, hài cốt Ông hiện được Quàn tại Xứ đạo Kẻ Bền. Ông được Phong Thánh tử vì Đạo (19/6/1988).

Ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi thất thủ ở Huế, Người hạ chiếu Cần Vương. Hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp của nhà vua, khắp mọi nơi trong cả nước phong trào Cần Vương chống Pháp nổi lên rầm rộ. Đặc biệt tại Bồng Trung tức Đông Biện, cụ nghè Tống Duy Tân cùng các con và ông tri phủ Lý Nhân Nguyễn Sự Chí là cháu ruột cụ Nguyễn Tu cùng đồng tâm nổi dậy chống háp. Thời gian này ông Tôn Thất Thuyết và tả quân Trần Xuân Soạn đã về Bồng Trung (Đông Biện), Thanh Hóa để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Lúc này cụ nghè Tống Duy Tân trở thành lãnh tụ của nghĩa quân Thanh Hóa.

Vào ngày mùng 4 tháng 5 năm Bính Tuất (1886), đình làng Bồng Trung được sử dụng làm trụ sở của nghĩa quân để tổ chức cuộc họp lịch sử quan trong do ông Tôn Thất Thuyết đứng ra triệu tập. Ngày hôm đó, tại đây có mặt đầy đủ các thủ lĩnh chống pháp thời bấy giờ như Trần Xuân soạn, Hà Văn Mao, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Lê Ngọc Toản, Cầm Bá Thước, Nguyễn Khê...

Trong buổi tế cờ long trọng, tiến sỹ Tống Duy Tân cùng con trai là cử nhân Tống Nhữ Mai, với các ông Cao Điền (tướng cũ của Trần Xuân Soạn), Nguyễn Sự Chí, Trần Văn Khôi, Lãnh Đợi, Lãnh Tráng... ông Tôn Thất Thuyết công bố sắc phong tiến sỹ Tống Duy Tân làm tổng thống quân vụ, phụ trách toàn bộ phong trào Cần Vương chống Pháp ở Bắc Kỳ. Phía Bắc phong trào liên hệ với Đốc Ngữ ở Hòa Bình, Sơn Tây. Phía Nam liên hệ với phong trào Phan Đình Phùng. Tại Thanh Hóa có nhiệm vụ tập hợp các nghĩa quân như Cầm Bá Thước, Tôn Thất Hàn, Nguyễn Quý Yêm, Hà Văn Mao... Phong trào được gắn bó trên mảnh đất Đông Biện nên đã lấy tên của một ngọn núi của địa phương Đông Biện‐Bồng Trung (núi Báo) là núi Hùng Lĩnh để đặt tên cho cuộc khởi nghĩa là ʺCuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnhʺ. Ngày nay dân Làng Bồng Trung thờ Tống duy Tân như vị thánh ở Đình Bồng Trung ngày đêm hương khói.

Một tác giả khác Đỗ Thỉnh, cùng Giáo sư Nguyễn Ngọc San (Cháu ngoại trong dòng họ Đỗ24), có dịch một phần Đỗ Tộc phổ sử, viết bài nói về Họ Đỗ, gốc ở thôn Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, với 60 Tiến Sĩ, đăng trên Tạp Chí Hán Nôm số 1 (34) – 1998.

Các Tác giả ở đây cho biết khá nhiều chi tiết về bản gia phả. Bản này là Tông phả họ Đỗ do Đỗ Thiện Chính Hoàng giáp khoa Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) đời Lê Thần Tông làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Công, khi về trí sĩ biên soạn từ khởi tổ đến đời thứ 11, sau đó con cháu biên soạn tiếp đến đời thứ 13. Vào khoảng giữa thế kỷ 18 thì gốc tổ họ Đỗ chỉ biết từ đời Đỗ Cảnh Thạc25 là một trong 12 Sứ quân thế kỷ thứ 10. Đời Lý, đời Trần đều có người làm quan to trong triều như Đỗ Tử Bình chức Trung thư môn hạ, Đỗ Tử Kiến, Đỗ Thiên Độc là Thị giảng, Đỗ Lễ làm Đại tướng, Đỗ Nguyên Thạc làm Dực thánh thủy quân, Đỗ Tỉnh làm Thượng thư bộ Hộ v.v... Khi nhà Minh xâm lược nước ta, dòng họ Đỗ chạy sang đất Lào, về sau có ông Đỗ Phú về Thanh Hóa, tương truyền là nhờ đem mả bố táng ở đất Lam Kinh nên từ đó về sau phát triển. Con ông Đỗ Phú là Đỗ Viên Thịnh26 mang gia quyến về sống ổn định ở làng Biện Thượng, được coi là tổ đời thứ nhất họ Đỗ ở Biện Thượng (còn gọi là Bồng Thượng).

Dòng họ Đỗ có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt cao. Theo Tông phả kể cả những người ở quê và những người đã di cư đi ở quê vợ, quê mẹ tính ra từ đời thứ 5 đến đời thứ 12 trong thời đại nhà Lê ‐ Mạc từ 1463 đến 1733 tức là trong vòng 270 năm dòng họ này đã có 60 người đỗ đại khoa. Trong đó có 8 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ (2 Trạng nguyên, 2 Nhất giáp, 3 Bảng nhãn và 1 Thám hoa) 13 người đỗ Hoàng giáp và 39 người đỗ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân.

Lê Thái Tổ sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 ‐ 1428) giành thắng lợi và lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh, lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất, đồng thời cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành lớn thứ hai gọi là Lam kinh27 hay còn gọi là Tây Kinh.

Khai khoa của dòng họ là Đỗ Hân, con ông tổ thứ tư Đỗ Viên Đạo và bà vợ lẽ là Vũ Thị Tăng quê ở xã Cao Ly, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Đỗ Hân ở quê mẹ đi thi đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4 (1463) làm quan Tả thị lang. Em cùng cha khác mẹ với Đỗ Hân là Đỗ Nhuận ở quê mẹ xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) đi thi Hội đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466). Đỗ Nhuận là người thông minh hiếu học, đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi, làm quan đến chức Thượng thư, Đông các đại học sĩ. Ông là người nổi tiếng giỏi văn thơ, đã được vua Lê Thánh Tông phong làm Tao đàn Phó nguyên soái, vào cung dạy Hòang tử. Ông sáng tác nhiều bài thơ hoạ thơ của vua, được in trong các tập Anh hoa hiếu trị, Quỳnh uyển cửu ca và tham gia biên sọan Thiên Nam dư hạ tập theo lệnh của vua Lê Thánh Tông.

Sau đó còn có 10 người nữa cùng đỗ trong đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức ‐ thời kỳ thịnh trị nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam, như Đỗ Thuần Nhân, tam giáp Tiến sĩ năm 1472, Đỗ Vinh, tam giáp Tiến sĩ năm 1475, Đỗ Toàn nhị giáp Tiến sĩ năm 1475, Đỗ Bá Linh tam giáp Tiến sĩ năm 1481, Đỗ Duy Kiểm nhị giáp tiến sĩ năm 1490, Đỗ Công Cẩn tam giáp Tiến sĩ năm 1490, Đỗ Nhân Cương nhị giáp Tiến sĩ năm 1493, Đỗ Toại tam giáp Tiến sĩ năm 1496, Đỗ Hoằng tam giáp Tiến sĩ năm 1496, Đỗ Túc Khang tam giáp Tiến sĩ năm 1496. Trong số 10 người đỗ đời Hồng Đức, đáng chú ý có Đỗ Nhân Cương tức Đỗ Nhạc là con trai ông tổ đời thứ 6 là Đỗ Viên Tể và vợ là Nguyễn Thị Đài quê xã Lại ốc, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Ông Nhạc ở quê mẹ đi thi, 20 tuổi đỗ Hoàng giáp, làm quan tới chức Hộ bộ Thượng thư, Đô ngự sử, Đông các đại học sĩ nhập thị Kinh diên. Con trai ông Đỗ Nhạc là Đỗ Tổng đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Sửu nhà Mạc, niên hiệu Minh Đức thứ 2 (1529), làm quan tới Hình bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ. Em ruột Đỗ Tổng là Đỗ Tấn đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1535, em Đỗ Tấn là Đỗ Trực cũng đỗ nhị giáp Tiến sĩ năm 1580.

Đời vua Lê Hiến Tông niên hiệu Cảnh Thống có 6 người đỗ đại khoa, đáng chú ý nhất có Đỗ Lý Khiêm là con trai thứ tư chi thứ là Đỗ Viên Đức lấy vợ họ Vũ quê ở xã Ngoại Lãng huyện Thư Trì (Thái Bình). Đỗ Lý Khiêm ở quê mẹ đi thi đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Mùi Cảnh Thống thứ 2 (1499), làm quan tới chức Đô ngự sử, làm Chánh sứ sang sứ nhà Minh. Em Đỗ Lý Khiêm là Đỗ Huỳnh đỗ Hội nguyên năm Đoan Khánh thứ 4 (1508). Cùng đỗ niên hiệu Đoan Khánh còn có 3 người nữa là Đỗ Bá Huân tam giáp Tiến sĩ năm 1505, Đỗ Hoàng (Miện) tam giáp Tiến sĩ năm 1505, Đỗ Văn Trung tam giáp Tiến sĩ năm 1505. Có hai người đỗ trong đời vua Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) là Đỗ Cảnh nhị giáp Tiến sĩ là con ông tổ đời thứ 7 theo cha đi du học lấy vợ quê ở Quỳnh Phụ Thái Bình rồi ở đấy, và Đỗ Văn Hãng con ông tổ đời thứ 5 là Viên Phúc làm quan võ ở trong cung vua lấy vợ người xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, ông Hãng ở quê mẹ.

Đời vua Quang Thiệu có hai người đỗ là Đỗ Văn Quýnh là con trai thư ba tổ đời thứ 5 chi trưởng là Đỗ Viên Ngạn. Tông phả viết: “Văn Quýnh bản tính kiêu ngạo, du học ở Kinh đô thường gặp khách hồng nhan, lấy người họ Đỗ quê ở xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng trấn Kinh Bắc, ở quê vợ đi thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1520, và Đỗ Dương “có tài văn chương nổi tiếng ở đời, nhân học ở Kinh thành lấy Vũ Thị Chi quê ở xã Quảng Bị xứ Hải Dương, ở quê vợ đi thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1518”... Em Đỗ Dương là Đỗ Tam Cương đỗ tam giáp Tiến sĩ đời Thống Nguyên năm 1523.

Trong thời nhà Mạc có 11 người đỗ, trừ 3 anh em Đỗ Tổng đã ghi ở trên, còn 8 người có Đỗ Uông là con trai cả Đỗ Viên Trinh đời thứ 7 chi trưởng ở quê mẹ xã Đoan Lâm (Hải Dương) đi thi đỗ Bảng nhãn niên hiệu Quang Bảo thứ 2 (1556) làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư, chú con bà vợ lẽ của ông là Đỗ Hiểu ở quê mẹ đỗ tam giáp Tiến sĩ năm Sùng Khang thứ 9 (1574) trú tại trại Ngọc Hà (Hà Nội). Em Đỗ Uông con ông chú là Đỗ Phi Tán ở quê vợ xã Cổ Đôi (Thanh Hóa) đỗ tam giáp năm Quảng Hòa thứ 4 (1544), làm quan tới chức Thượng thư, Thiếu bảo. Trong họ còn có Đỗ An là con ông tổ đời thứ 5 chi thứ là Đỗ Văn Lan chức Thượng tướng Thiêm sự, nhân khi Đỗ An đến làng Lại ốc viếng đền Trạng nguyên Đỗ Tông bị Mạc Đăng Dung giết, đã lấy vợ ở đấy rồi đi thi đỗ nhị giáp Tiến sĩ năm Sùng Khang thứ 3 (1568).

Còn 22 người đều đỗ đại khoa thời Lê Trịnh, đáng chú ý có một số người đỗ cao như Đỗ Tất Đại, đỗ đệ nhất giáp chế khoa năm Thuận Bình thứ 6 (1556) làm quan Đông các đại học sĩ. Đại là con của Đỗ Phi Tán (làm quan với nhà Mạc). Em Đại là Đỗ Tế Mỹ cũng đỗ đệ nhất giáp Chế khoa năm Chính Trị thứ 8 (1565) làm quan tới chức Thượng thư. Con Đỗ Tế Mỹ là Đỗ Công Liêm đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1670, làm Giám sát ngự sử. Không chỉ đỗ cao mà gia đình Đỗ Phi Tán đã có 4 người đỗ. Một gia đình 3 cha con đều đỗ Tiến sĩ là Đỗ Văn Tổng con bà vợ lẽ của Tả đô đốc Khương hầu Đỗ Viên Khang. Ông Tổng ở quê mẹ xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1640, làm Hình bộ Tả thị lang. Con trai cả là Đỗ Văn Luân 26 tuổi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1659, làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo, con trai thứ là Đỗ Công Toản đỗ tam giám Tiến sĩ năm 1683, làm Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam. Một nhà hai cha con đều đỗ Tiến sĩ như Đỗ Công Bật, con ông tổ đời thứ 8 chi trưởng là Thượng tướng đô đốc Đỗ Viên Thành Đỗ Công Bật học ở Kinh đô, lấy vợ ở huyện Gia Lâm, ở quê vợ đi thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1685, con trai là Đỗ Công Đĩnh đỗ Hội nguyên năm 1760.

Một số người đỗ cao như Đỗ Huy Kỳ đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1731, đi sứ nhà Thanh. Đỗ Công Trấn là con thứ ba ông tổ đời thứ 10, thuở nhỏ đi chơi bị người họ Vũ bắt cóc về xã Quách Thư, huyện Thanh Oai, đổi họ Vũ đi thi đỗ Bảng nhãn khoa Đông các năm 1728, làm quan tới chức Thượng thư bộ Binh, Bồi tụng.

Hai tác giả không thể kể hết tên 60 người trong bài viết28, nhưng có thể nói đây là một trong những dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa nhất ở nước ta. Bản Tông phả là kỳ công sưu tầm của Hoàng giáp Đỗ Thiện Chính, có thời gian dài làm quan ở Thăng Long và đã từng đi nhiều nơi tìm hiểu về dòng họ của mình. Đây là một quyển Tộc phả có giá trị lưu truyền lại cho Con Cháu. Tôi có ước vọng sẽ có ngày được xem tận mắt quyển Phả này.

Trở về Gia Phả, Cụ Hoàng Giáp có ghi chú rằng: Nguồn gốc họ Đỗ là người nhà Hán bên Tàu. Ông Đỗ Diêu Liên làm quan Giám nghị đại phu. Thời hậu Hán ông Đỗ Kiểu làm quan Thái úy tướng quân. Nối đến sau này là các ông Đỗ Dự, Đỗ Mục, Đỗ Nghệ, Đỗ Viện làm quan thời nhà Ngụy, nhà Ngô, nhà Đông Tấn, Tây Tấn. Bốn cụ này đều được tham dự việc nước. Ông Đỗ như Hối làm quan Tể tướng nhà Tiền Đường. Ông Đỗ Hoàng Thường làm quan Bình Chương thời hậu Đường. Bà Đỗ Thái hậu làm hoàng hậu là vợ cả của Tống Nhân Tôn. Ông Đỗ Diễn làm quan khu mật sứ.

Thời nhà Tống ông đã từng được Triều đình ủy nhiệm đi tịch thu gia sản nhà Hồng Bàng. Đó là những ông, bà được tham dự việc nước ở bên Trung Quốc thời bấy giờ.

Ở Trung Quốc còn một phái họ Đỗ nhưng sống ở thời nhà Đường. Có một ông là Đỗ Công tức Đỗ Cảnh Thạc làm bộ tướng thời nhà Đường đã cùng ông Cao Biền sang làm chức Lĩnh Nam đô hộ phủ ở nước Việt Nam ta, đều đeo ấn thụ của Lạc Long Quân, ở Việt Nam được mười ba năm.

Trong thời gian ấy có ông thầy tướng đoán số cho hai ông là Đỗ Phú và Đỗ Cảnh Thạc một quẻ: Họ Đỗ nhà các ngài ở bên Trung Quốc chỉ làm bề tôi, nên đi sang các nước lân bang để xây dựng cơ nghiệp lớn. Từ đấy các cụ họ Đỗ nhà ta không có tư tưởng gì trở về Trung Quốc nữa. Sau đó các cụ cho một số gia thần về Trung Quốc đem hết gia quyến sang nước Ai Lao lập gia đình ở cạnh sông Như Nghuyệt mà ở tức là ông Đỗ Phú. Từ đấy về sau cụ Đỗ Phú tu dưỡng đạo đức sinh sản ở nước Ai Lao được hơn một nghìn người. Nhờ sống làm ăn lương thiện có nhiều uy tín được mọi người cử lên làm vua trông nom việc nước.

Lại nói đến cụ Đỗ Cảnh Thạc, rời Trung Quốc sang Việt Nam cụ Đỗ Cảnh Thạc làm quan 12 sứ quân, sau thần phục Đinh Tiên Hoàng, ở nhà Đinh làm tôi cận thần29. Qua nhà Tiền Lê, hậu Lê đến nhà Lý làm đại thần. Đến nhà Trần được phong làm Phụ quốc.

Trong thời nhà Trần có ông Đỗ Tử Bình làm chức Trung thư môn hạ. Ông Đỗ Tử Kiến, ông Đỗ ThiênThích làm quan thị giảng. Ông Đỗ Lễ làm quan đại tướng quân. Ông Đỗ Chất làm quan tả dực thánh thiên sách thượng tướng quân. Ông Đỗ Hựu làm quan dực thánh thủy quân, đem 15 vạn quân sang đánh nước Chiêm Thành (Tức Thái Lan ngày nay). Ông Đỗ Tỉnh làm quan hộ bộ thượng thư hai trấn Thanh Hóa và Nghệ An. Thời bấy giờ con trai họ Đỗ đều được nhập vào hàng binh, con gái cũng được hiển đạt.

Lại nói đến cụ Đỗ Phú, thời bấy giờ có đem hài cốt thân phụ ra táng ở cái mạch, khu Phật Hoàng, núi Nam Kinh. Huyệt ấy hợp về Thổ tinh. Thửa ruộng đáng nửa sào, có gò ở giữa. Cụ đem hài cốt thân phụ để vào cái gò ấy, tọa Càn hướng Tốn, sau đó đã phát giàu có vô cùng. Không ngờ ông Lê Lợi nhờ thời vận hiển đạt lại có người đến xúi giục, ông bèn đem hài cốt của bố, khoét gò sâu 7 thước mà để hài cốt của nhà y xuống. Huyệt này tọa Khôn, hướng Cấn, hướng đẹp hơn của nhà mình, sau này phát con trai hiển vinh, con gái thất tiết. Sau thời ấy được ba năm, ngày Thanh Minh hai gia đình cùng đi tảo mộ, gặp nhau rồi cùng tranh luận sinh ra kiện cáo đem nhau đến nơi phải trái để quan kiểm tra xem xét thực hư. Họ Đỗ thua, họ Lê được. (lý do họ Lê táng sâu 7 thước, họ Đỗ táng sâu 3 thước). Hài cốt của thân phụ ông Đỗ Phú phải đem về cạnh sông Như Nguyệt an táng.

Về sau này ông Lê Lợi khởi nghĩa đánh quân nhà Minh ông Đỗ Phú cũng đem quân đánh ông Lê Lợi, nhưng thấy Lê Lợi nhiều trận thắng to, nên cụ Đỗ Phú phải đem quân về, không dám kháng cự. Được vài năm thì cụ mất30. Mả cụ hiện nay cũng táng ở cạnh sông Như Nguyệt, khúc đê ủng vào ôm lấy mả cụ. Sau thời gian ấy, ông Lê Lợi bình phục được quân nhà Minh, làm vua nước Việt Nam cải hiệu là Thuận Thiên. Từ ấy ông Đỗ Phiếm tức là ông Đỗ Viên Thịnh đem vợ con gia quyến ra Thanh Hoá ở bến Biện Thượng được 3 năm lại di cư xuống khu Viên Lang gần đấy. Từ đấy trở đi nhân dân các nơi theo ông đến ở càng ngày càng đông. Sau cải tên là Bồng Thượng Phường đà, Biện Thượng Đông giáp. Không được bao lâu lại rời xuống khu Mả Mốc (nay là khu đất nhà thờ) sau lại đổi là xã Đông Biện thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá.

Tôi ghi lại ở Phụ Lục, một tài liệu Diễn Nôm tôi thu nhập được trên Võng Lạc, về Gia Phả Họ Đỗ, mà tôi tin có lẽ chỉ là một phần trích dịch, tuy không đầy đủ, từ Tông Phả của Cụ Hoàng giáp Đỗ Thiện Chính.

Galivan Springs ngày Tân Sửu tháng Đinh Mão năm Kỷ Sửu 25/02/2009.

 

PHỤ LỤC

TRÍCH GIA PHẢ HỌ ĐỖ BỒNG TRUNG

BÀI TỰA

Trộm nghĩ, trên trái đất có vạn vật, ngay cả trong lòng đất cũng có trăm ngàn của quý, trên rừng, dưới biển có hàng ngàn muông thú. Mỗi thứ có một đặc tính riêng biệt. Đó là điều tất yếu của thiên nhiên. Những thứ đó không được tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, chúng chỉ biến hóa từ dạng này sang dạng khác. Nhưng chúng vẫn giữ nguyên đặc tính riêng của chúng. Loài người chúng ta cũng vậy, phải có tổ tiên đó là hình tượng: “Cây có gốc, nước có nguồn”. Nguồn gốc có vững thì ngọn, cành mới khỏe mạnh. Ông cha chúng ta có trong sạch, cường thịnh thì con cháu sau này mới đông đúc và có nhiều công danh trong đất nước.

Đúng như người xưa có nói: “Không khí trong sạch thì người người dễ chịu. Hình thái, màu sắc rõ ràng thì con vật đẹp. Đất tốt dễ mọc nhiều cành lá xanh tốt. Nguồn nhiều sông to và chảy xiết. Ông cha tích luỹ thì con cháu phồn thịnh”. Đó là lẽ tốt đẹp của sự sống. Không những thế mà người cùng nguồn gốc, cùng tổ tiên đều thương yêu, đùm bọc lẫn nhau , họ biết dựa vào nhau khi “Tối lửa, tắt đèn”, biết “Nhường cơm, sẻ áo cho nhau”, biết thương xót nhau “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Đúng như câu tục ngữ:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng

Và câu:

Chị ngã, em nâng

Môi hở, răng lạnh Máu chảy, ruột mềm”31

Đó là tâm hồn trong sạch, quý giá của những người dân lương thiện, của ông cha chúng ta thời xưa. Mỗi người chúng ta có thấm nhuần được điều đó ắt sẽ làm nên sự nghiệp. Đất nước sẽ xuất hiện nhiều nhân tài để sánh vai với năm châu, bốn bể. Ông tổ chúng ta xuất thân cùng mọi sự vật trong thiên nhiên. Như một bông hoa trong sáng, tươi đẹp mọc trong vườn hoa đất nước. Điều đó mọi người trong thiên hạ lại không để ý đến ư?

THEO SỬ CŨ

Từ thời nguyên thủy mới sinh, trải qua một thời gian khá dài, trải ba đời vua mới ra đời. Trải bao đời phong kiến đã lâu, mãi sau này đến vua Tiên Hoàng nhà Đinh dẹp được 12 sứ quân. Trải qua chín phần trời, mười phần đất đến cụ tổ họ ta có nhiều tín nhiệm chiếm được hai phần. Oai phong, tiếng tăm cũng được 3 điểm. Những người quan văn giúp vua làm nên việc lớn, quan võ cũng góp phần giữ được đất nước an ninh. Con trai được vào bộ binh, con gái được làm vợ vua. Trước đây trải qua nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên trong cung có người làm đến chức Bình chương, ngoài cõi chiếm chức Thái uý.

Sang Việt Nam kể từ nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần nhiều người văn đỗ đến tiến sỹ, võ được tặng chức Quốc công. Công danh của ông Tổ ta ngày xưa lẫm liệt như thế đó. Với những việc làm của ông Tổ chúng ta như vậy chúng ta có quyền tự hào mà nói rằng:

Sống làm những vì tinh tú trên trời, chết làm thần quyền dưới đất

Ông cha của họ ta đã tôi luyện từ bao đời trước để lại tiếng thơm cho chúng ta ngày nay, chúng ta không nên mải vui hưởng thụ, sung sướng mà quên quên công ơn của ông cha ta. Chúng ta phải tự hào với những công danh đó mà luôn luôn phát huy cao độ khả năng sẵn có của mình nhằm xây dựng cho công danh đó càng thêm tươi đẹp và vững mạnh về sau.

Vì thế cho nên bụng nghĩ theo trí nhớ, tay cầm bút biên chép từ đời xưa truyền lại cho con cháu ngày nay đều được biết cả. Nếu người có trí thông minh sáng suốt thì chỉ xem qua là hiểu hết. Người ở gần thì kính trọng Tiên Tổ, người đi phương xa phải luôn nhớ đến Tiên Tổ. Thế mới là người có tài, có đức. Kinh thư có câu nói rằng: “Ông cha đời trước có tu dưỡng được đạo đức thì con cháu sau này mới được hiển đạt”

Con cháu sau này biết chữ nên nghiên cứu và suy nghĩ kỹ những điều mà Tổ Tiên ghi trong Gia Phả này để cho con người trở nên trong sáng, có đức, nhiều tài.

Lại xem tập sử ký đời xưa, trời đất mở mang sinh ra loài người biết làm ăn bắt đầu từ thời nguyên thuỷ, bộ tộc, bộ lạc sau đến công xã. Con người chỉ biết làm ăn còn không biết quán xuyến mọi công việc. Sau một thời gian dài làm ăn như vậy công cụ lao động ngày càng phát triển, của cải vật chất thu được càng nhiều ăn không hết. Do có của thừa, vật dư nên đầu óc tư hữu chiếm của công làm của riêng đã ngày càng xuất hiện. Bấy giờ mới sinh ra kẻ giàu, người nghèo. Từ đấy về sau người giàu có quyền hành bóc lột và cai trị người nghèo. Xã hội bắt đầu phân chia thành giai cấp.

Sau một thời gian khá lâu đến thời kỳ phong kiến rồi trải qua ba đời nhà Hoàng năm đời nhà Đế xuống đến nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên bên Trung Quốc. Sau đã qua bao đời đế vương là các nhà vua, đã thay phiên nhau cai trị dân. Sau này đến nước Việt Nam ta, từ lúc cháu bốn đời vua Thần Nông bên Tàu sang làm vua nước ta. Lúc đó ông đi du lịch gặp bà Tiên nữ lấy làm vợ tại nước Việt Nam. Bà sinh được một cái bọc nở được 100 người con giai. Thế là làm ông Tổ ở nước Việt Nam, xây dựng bờ cõi và phân chia làm nhiều nơi cầm quyền cai trị người dân trong nước. Trải qua bao đời rồi đến nhà Đinh, Lê, Lý, Trần cứ thay nhau mà cai trị. Đến cuối đời nhà Trần có một người quyền thần là Hồ Quý Ly cha con đều đỗ đến khoa giáp, làm quan đến chức thượng thư 6 cấp bộ, được phong chức Thái uý kiêm chức Bình chương coi giữ việc quan trong nước, trong tay cầm quyền chỉ huy tất cả binh sĩ trong nước. Những việc to lớn đều do ông ta quyết định. Rồi ông đem phụ trị về tỉnh Thanh hóa, xã Kim Âu thuộc huyện Vĩnh Ninh xưng là vua họ Hồ. Ông chỉ xưng là một viên quan quyền biến chứ không phải là cướp ngôi. Sau vua Tàu tha và cho ở lại tại một quận bên Tàu. Đến nay ở Trung quốc vẫn còn đền thờ Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thượng.

Lại nói sau khi Mộc Thạnh thắng họ Hồ quân tướng đều ở lại Việt Nam, làm thành tổ chức. Chúng bắt dân cày cấy, trồng trọt cả ruộng đất của nhân dân, bắt trai gái lầm than tôi tớ, bắt nhân dân đóng góp, hình phạt khổ sở dưới mọi hình thức. Dân không chịu được. Từ đấy dân đem gia quyến sang nước Ai Lao để ở. Trong nước thì quân Mộc Thạnh ở cả.

Trong mười chín năm trời nước Việt Nam bị đô hộ không còn một thước đất nào cả. May hồi bấy giờ nhờ mệnh trời giúp nước Việt Nam sinh ra một vị thánh sống để đánh quân Tàu. Trong thời gian ấy có ông Lê Lợi người làng Lam Sơn, huyện Lương giang thuộc tỉnh Thanh Hóa là người có nhân đạo. Vả lại thông minh có chí anh hùng và có uy tín trong nước, thao lược khác hẳn người thời bấy giờ.

Trời cho một thanh kiếm thần, nhân dân đều trông ngóng. Sau đó lại thấy lũ hung đồ nổi lên làm loạn trong nước. Ông bèn thu phục, chiêu binh tập mã, kén những anh hùng có tài, chí, những người dân làm chiến sĩ ngày đêm được hơn một vạn quân, lại liên hợp cùng với nước Ai Lao để nhờ voi và ngựa trong khi giáp trận.

Ngày tháng lo toan, đoàn kết nhất trí để trả thù khôi phục lại đất nước của đức Tiền vương rồi cùng các Tướng bàn rằng: Đời xưa có một vị thánh nhà Lê họ Đại Hành chống quân nhà Tống đi đến một ngôi đền hộ quốc. Đêm thấy thần ngâm thơ rằng: “Đất nước Việt Nam vua nước Nam được ở. Trời đất đã định từ lâu. Thế mà lũ mày lại xâm phạm. Phen này ắt hẳn lại bại vong”. Nay bị quân Tàu tàn bạo chiếm đóng cả ruộng đất, hà khắc với nhân dân không còn sự sinh tồn nữa, mà bấy giờ ngày càng thậm tệ. Không những là người mà đến quỷ thần cũng oán ghét. Trời đất nào lại dung thứ kẻ gian. Sau đấy đại khởi nghĩa quân đồng tâm cố sức ngày đêm đánh gấp, chém giết được lũ tướng là Mộc Thạnh, Liễu Thăng, Hoàng Phúc bêu đầu để dụ quân chúng còn kẻ nào không tuân theo đuổi hết về Tàu.

Trong mười năm quét sạch hết quân Minh, nước Việt Nam trở lại hoà bình độc lập. Vua Lê Lợi lên ngôi đổi niên hiệu là Thuận Thiên đem quân về giữ nước. Từ bấy giờ nhân dân sơ tán tìm về quê hương mà phục hồi cơ nghiệp. Thời bấy giờ có một người bề tôi cận thần Hàn Lâm làm bài “Bình Ngô Đại Cáo”, tuyên truyền trong nước để nhân dân hưởng ứng giữ lấy nước được lâu dài.

Tục truyền rằng thôn Bồng Trung xã Vĩnh Tân huyện Vĩnh Lộc thuộc tỉnh Thanh Hoá. Hồi bấy giờ thôn Bồng có hai chi họ Đỗ, anh em đều không chịu cải tính, tục gọi là lưỡng Đỗ, và họ Mai, họ Hoàng, sau thêm họ Phạm gọi là Lưỡng Đỗ Hoàng Mai Phạm. Hiện nay thôn rất to lại thêm cả họ Tống họ Nguyễn.

DANH SÁCH CÁC ĐẠI THẦN

1 ‐ Đặc tiến phụ quốc tướng quân, tay quân Đô đốc chánh thống lĩnh thần sách quân

kiêm Giám thần vũ quân thư quản thập hiếu phấn rực quân đổng lý Bình nhung

quận công Đỗ Viên Tính (Chính trưởng chi ngũ đại)

2 ‐ Sùng tiến trấn quốc thượng tướng quân, Nam quân Đô đốc kiêm Quản long thao

hổ lược nhị vệ chỉ huy thiểm sự, Đô chỉ huy sứ Tín quận công Đỗ Viên Tiến (Thứ

thứ chi ngũ đại)

3 ‐ Đặc tiến phụ quốc tướng quân, Thư bắc quân Đô đốc chánh quản, Thần vũ vệ

xuân quang hầu Đỗ Viên Nghiện (Thứ trưởng chi ngũ đại)

4 ‐ Khâm sai tùy quần thảo tặc, Thần công đệ nhất quản trung quân trung doanh, Tả

hữu thần vũ vệ, Đô ty thiểm sự tổng chi binh chỉ huy sứ, Bình nhung tướng quân,

Chánh quản lĩnh Luyện tín hầu Đỗ Viên Thuần (Chính trưởng chi lục đại)

5 ‐ Thâm sắc quản lĩnh trung phủ thị nội cẩm y, Long vũ hầu oai các vệ thống chế,

Thuần tín hầu Đỗ Viên Phúc (Thứ chi ngũ đại)

6 ‐ Tuyển nhập hộ vệ thị nội , Khâm phủng thánh vệ, Hoài viễn tướng quân chỉ huy

sứ, Khang lộc bá Đỗ Trọng Kính (Đỗ Trung Nghị) ‐ (Thứ chi lục đại)

7 ‐ Quản thị nội kiêm Sai thường ban mật vụ các thuyền, Tán trị hoài viễn đại tướng

quân Đô đốc chỉ huy,Tả Đô đốc Khương công hầu Đỗ Viên Khang (Chính trưởng

chi thất đại)

8 ‐ Đặc tiến phụ quốc tướng quân Ty xá vệ đô chỉ huy sứ, Ty chỉ huy thử vệ sự,

Nghĩa vũ hầu Đỗ Cương Chính (Thứ chi thất đại)

9 ‐ Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Tiết chế đông quân đô thống chánh đốc

đề đốc, Ký quận công Đỗ Viên Thành (Chính trưởng chi bát đại)

10 ‐ Đặc tiến phụ quốc tướng quân, Phủng thánh vệ trung định sở phó quản, Vũ khê

bá Đỗ Chính Lễ (Thứ chi hựu bát đại)

11 ‐ Từ tiết tuyên lực công thần, Đặc tiến Kim tử vinh, Lộc đại phu lại bộ, Thuyên

khảo thanh sử ty viên ngoại lang, Hương khê nam Đỗ Chân Hiền (Thứ chi thất đại)

12 ‐ Quang tiến thận Lộc đại phu Thái bộc tự nghiêu thiếu khanh Đỗ nhân Chiêu

(Đỗ Viên Đạt) ‐ (Thứ chi cửu đại)

13 ‐ Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử vinh, Lộc đại phu, Sơn nam đẳng sứ tán trị

thừa chính sứ ty tham nghị Tây kinh điện, Thái thường tự khanh, Thọ lĩnh tử Đỗ

Quang Hoa (Thứ thứ chi hựu cửu đại)

14 ‐ Mậu lâm tá lang lễ bộ thanh sử, Ty viên ngoại lang Đỗ quang Chiêu (Thứ thứ

chi thập đại)

15 ‐ Trung doanh thần vũ vệ đô ty thiểm sự, Tổng chi chỉ huy sứ, Thuần lễ hầu…

16 ‐ Kỷ tị khoa chính tiến sĩ công bộ, Hữu thị lang thừa sứ đốc đồng Sơn Tây Nghệ

An nhị trấn, Đông lĩnh tử.

NHẤT ĐẠI TRIỆU TỔ

(Đời thứ nhất)

ĐỖ CÔNG HÚY PHIẾM

THỤY NGUYÊN KHÔNG, TỰ VIÊN THỊNH (1378 ‐ 1441)

Ông là con trai cụ Đỗ Phú, bà là Lê thị Hiệu Từ Chinh, Ông bà sinh được 2 người con, một người con trai và một người con gái. Trong Gia phả ghi rằng: Ông gặp phải năm đói, lại gặp mùa rét, nhà nghèo, tuổi già. Lúc đó ông sống ở nơi rừng rú, nơi đó gọi là mả mốc. Ở đây rất hoang vắng không một bóng người qua lại. Đêm ngày chỉ thấy những con sâu bọ, chim chóc, ong bướm hoặc những làn mây, cơn gió thoảng qua. Sống được một thời gian không may ông từ giã cõi đời. Ông mất năm 1444. Nhờ sống lương thiện nên khi mất ông được đàn mối đùn đất thành một ngôi mộ. Đến lúc dâu con đi làm về trông thấy thế coi là vẻ thiên nhiên đã ấn định. Đến khi bà chết lại đem mộ táng ở cạnh mộ ông (Tọa hướng Quý). Bấy giờ đổi làm khu cồn ông.

Khu đất này rộng một mẫu, ba sào, năm thước ở cạnh làng. Nhà thờ hướng Tây bắc trông ra núi Đa Bút, hai cạnh có ngõ con, Xung quanh chu vi đều có mốc y như trong Gia phả đã nói. Trong khu đất này có mả cụ cháu ba đời là vợ chồng cụ Đỗ Viên An. Khu đất ấy còn có một số cây cổ thụ để làm di tích.

Con trai trưởng của cụ là Đỗ Viên Nhân. Con gái là Đỗ thị Hiệu, Xuân Dung Quế Hoa Nương, hiệu Từ Đức. Bà đi lấy chồng, nhưng không có con. Về sau bà đã trở về nhà chăm sóc cha lúc tuổi già. Vì công lao đó nên bà đã được thờ tại bàn thờ bên hừu của Nhà Thờ Từ Đường hiện nay. Con cháu vẫn thường gọi là bàn thờ bà Tổ Cô. Giỗ ông ngày: 17 tháng 12. Giỗ bà ngày: 19 tháng Giêng.

THỨ TRƯỞNG CHI

THỨ TRƯỞNG CHI TỨ ĐẠI TỔ (Đời thứ tư thứ của chi trưởng) ĐỖ QUÝ CÔNG TỰ VIÊN ĐỨC

Ông là con thứ hai cụ Viên Thông, bà là Hoàng Thị hiệu Từ Chí, sinh được ba người con. Mả ông ở cồn Quýt, tọa Càn, hướng Tốn, giỗ ngày mười tư tháng tám. Mả bà ở Lập Vệ, tọa Tân, hướng Ất, giỗ ngày hai tư tháng ba.

Con trai trưởng là Đỗ Túc Khang. Ông này thủa nhỏ rất chăm học ở nhà nhưng thi không đỗ. Ông buồn bã rồi ra Kinh Thành vào trường Quốc Tử học tập. Lúc ấy thường hay qua lại dinh của nàng Thị Lộ. Nhân thế mà việc nhân duyên thành công và cùng đem nhau về làng Hà Vĩ (Tức làng Quạy ngày nay), huyện Đông ngàn, ngoại thành Hà Nội. Đến niên hiệu Hồng Đức thứ hai mươi bảy, khoa Bính Thìn lấy quê vợ đi thi đỗ tiến sĩ thứ hai mươi hai.

Con trai thứ hai là Đỗ Viên Nghiện.

Con trai thứ ba là Đỗ Đại Uyên. Ông lúc nhỏ rất chăm học văn chương, phát triển có tiếng ở đất Kinh Thành. Nhân lấy bà Nguyễn Thị Trù, người làng Hương Mạc (Tức làng Me Cả ngày nay), huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên. Ông lấy quê vợ đi thi, đỗ tiến sĩ thứ mười bốn.

Hai anh em thi đỗ một khoa, trong Triều Đình rất quý trọng .

Lại nói đến bố là cụ Viên Đức lấy bà Nguyễn Thị Tình, người làng Ngoại Lãng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà đông sinh được ông Đỗ Lý Khiêm, đến niên hiệu Cảnh Thống năm thứ hai, khoa kỷ Mùi lấy quê mẹ đi thi, đỗ Thám Hoa. Sau lại sinh ra ông Đỗ Oanh, đến niên hiệu Quảng Hoà Thụy Khánh năm thứ tư, khoa Mậu Thìn thi đỗ tiến sĩ thứ bốn mươi, sau làm quan đến Thượng Thư.

THỨ TRƯỞNG CHI NGŨ ĐẠI TỔ (Đời thứ năm thứ của chi trưởng)

NIÊN HIỆU CẢNH THỐNG NĂM THỨ BA SẮC PHONG PHỤ QUỐC TƯỚNG QUÂN, BẮC QUÂN ĐÔ ĐỐC CHÁNH QUÂN, THẦN VŨ DOANH VỆ, XUÂN QUANH HẦU, ĐỖ QUÝ CÔNG, TỰ VIÊN NGHIỆN.

Ông là con trai thứ hai cụ Viên Đức, bà là Phạm Thị Túc, sinh được năm người con. Mả ông ở Cổ Ngựa, giỗ ngày hai mươi tháng chín. Mả bà ở Gốc Đa, giỗ ngày mười sáu tháng ba.

Con trai trưởng là ông Đỗ Văn Miện. Ông lúc nhỏ là con nhà thế gia, ra Kinh Thành học tập, nhân lấy bà Lê Thị Hưng, người làng Hoàng Mai, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đến niên hiệu Thụy Khánh năm đầu, khoa Ất Sửu lấy quê vợ đi thi, đỗ tiến sĩ thứ hai mươi hai.

Con trai thứ hai là ông Đỗ Duy Tố nối nghiệp.

Con trai thứ ba là ông Đỗ Văn Trù. Ông là con nhà quan, vốn tính lại kiêu, được ăn học. Nhân gặp bà Đồng Thị Nhu, người làng Yên Ninh (Tức làng Nếnh ngày nay),huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đến niên hiệu Quang Thiệu năm thứ ba, khoa Canh Thìn lấy

quê vợ đi thi, đỗ tiến sĩ thứ năm Con gái thứ tư là bà Đỗ Thị Quyền. Con gái thứ năm là bà Đỗ Thị Trang.

THỨ TRƯỞNG CHI LỤC ĐẠI TỔ (Đời thứ sáu thứ của chi trưởng)

NIÊN HIỆU QUANG THIỆU NĂM THỨ SÁU SẮC PHONG TIẾN CÔNG THỨ LANG, THẦN SÁCH QUÂN HIỂN BẠ, TUỲ QUÂN PHÓ QUẢN, LĨNH DU SƠN BÁ, ĐỖ LỆNH THỤY, TỰ VIÊN TỐ

Ông là con trai thứ hai cụ Viên Nghiện, bà là Nguyễn Thị Lương, sinh được ba người con. Mả ông ở cồn Bói, giỗ ngày mồng mười tháng mười, mả bà ở cồn Trưng, Giỗ ngày mồng chín tháng Giêng.

Con trai trưởng là ông Đỗ Lệ Trạch. Ông này lúc ít tuổi văn chương rất giỏi, có tiếng là người lỗi lạc trong giang hồ. Nhân lấy bà Lê Thị Thuần, người làng Hữu Chấp, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đến niên hiệu Cảnh Lịch thứ ba, khoa Canh Tuất lấy quê vợ đi thi, đỗ tíen sĩ thứ mười bốn.

Con trai thứ hai là ông Đỗ Thiện Cơ nối nghiệp. Con gái thứ ba là bà Đỗ Thị Bồng.

THỨ TRƯỞNG CHI THẤT ĐẠI TỔ (Đời thứ bảy thứ của chi trưởng)

NIÊN HIỆU CHÍNH TRỊ NĂM THỨ TƯ SẮC PHONG TIẾN CÔNG THỨ LANG, THẦN VŨ QUÂN THAM QUÂN, ĐỊNH THÀNH BÁ, ĐỖ ĐỊNH CÔNG, TỰ THIỆN CƠ

Ông là con trai thứ hai cụ Duy Tố, bà là Lê Thị Trất, sinh được bốn người con. Mả ông ở Bái Nội, giỗ ngày 21 tháng 9 Âm lịch. Mả bà ở Đa Đôi giỗ ngày 23 tháng 5 Âm lịch. Con trai trưởng là Đỗ Cảnh. Ông lúc nhỏ theo cha ra kinh thành học tập, nhân lấy bà Hoàng Thị quê ở xã Hoằng Liệt (tức thôn Đại Từ ngày nay) thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông nội thành Hà Nội. Đến niên hiệu Chính Trị năm thứ tám ông lấy quê vợ đi thi, đỗ tiến sĩ thứ chín. Làm quan đến Thượng Thư tước phong Sầm Dương Bá.

Con trai thứ hai là Đỗ Quang Nghĩa. Ông này đem quân đi tuần, giữa đường không may bị chết.

Con trai thứ ba là Đỗ Duy Trang nối Nghiệp.

THỨ TRƯỞNG CHI BÁT ĐẠI TỔ (Đời thứ tám thứ của chi trưởng)

NIÊN HIỆU HOẰNG ĐỊNH THỨ MƯỜI LĂM SẮC PHONH TIẾN CÔNG THỨ LANG, PHẤN DỰC QUÂN, ĐIỂN QUÂN, TUỲ QUÂN PHÓ QUẢN LĨNH TRUNG NGHĨA BÁ, ĐỖ LỆNH CÔNG, TỰ DUY TRANG

Ông là con trai thứ ba cụ Thiện Cơ, bà là Mai thị Minh, sinh được ba người con. Mả ông ở Đọi Đèn, giỗ ngày 2 tháng 5 Âm lịch. Giỗ bà ngày 11 tháng 6 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Quang Tiến nối nghiệp. Con trai thứ hai là Đỗ Quang Thế.

THỨ TRƯỞNG CHI CỬU ĐẠI TỔ (Đời thứ chín thứ của chi trưởng)

NIÊN HIỆU VĨNH TỘ NĂM THỨ TÁM SÁC PHONG MẬU LÂM TÁ LANG, BINH BỘ VIÊN NGOẠI, ĐỖ TƯỚNG CÔNG, HUÝ QUẦN, TỰ QUANG TIẾN

Ông là con trai trưởng cụ Duy Trang lấy bà Đỗ Thị Duyên. Ông này bị hỗn thú đã phải trừng phạt trước mặt họ trong thời bấy giờ.

Con trai thứ nhất là Đỗ Quang Luận nối nghiệp. Con trai thứ hai là Đỗ Duy Luật.

Con trai thứ ba là Đỗ Duy Cẩm. Con gái thứ tư là Đỗ Thị Dư. Con gái thứ năm là Đỗ Thị Ư.

THỨ TRƯỞNG CHI THẬP ĐẠI TỔ (Đời thứ mười thứ của chi trưởng) ĐỖ QUÝ CÔNG, TỰ QUANG LUẬN

Ông là con trai trưởng cụ Quang Tiến, bà là Mai thị Mỹ, sinh được bốn người con. Mả ông ở Đa Đôi, giỗ ngày 25 tháng 3 Âm lịch. Mả bà ở Đường Thẳng, giỗ ngày 6 tháng 9 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Duy Hám nối nghiệp.

Con trai thứ hai là Đỗ Viên Hoằng.

Con trai thứ ba là Đỗ Công Chấn tên huý là Công Lang. Ông này lúc nhỏ đương lúc rong chơi, vào ngày 10 tháng 8 khoảng niên hiệu Vĩnh Thịnh năm đầu thì bị bắt cóc. Đó là một người lái buôn, người thôn Đôn Thư, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông tên là Vũ Quốc Cẩm. Khi ông ta đỗ thuyền lên chợ thì thấy ông Công Lang họ ta, mới lên 5 tuổi mà mặt mũi khôi ngô. Vợ chồng ông Quốc Cẩm có bàn nhau rằng: ʺĐứa trẻ này ắt sau này làm nên hiển quý, chi bằng vợ chồng mình bắt quách hắn xuống dưới thuyền cho vui cảnh vợ chồng già. Rồi sau lớn cho ăn học để vợ chồng mình trông cậy lúc tuổi giàʺ. Bàn định xong xuôi Quốc Cẩm bèn bế Công Lang xuống thuyền. Vợ thì mua hết của ngon, vật lạ cho ông ăn. Ông đã được thưởng thức những món quà quý báu đó nên quên cả gia đình.

Khi lớn lên Quốc Cẩm cho ông ăn học. Ông rất thông minh nên đến niên hiệu Bảo Hoà, năm thứ năm, khoa Giáp Thìn ông đi thi và đã đỗ tiến sĩ thứ năm. Sau khi đỗ rồi ông có về lễ yết nhà thờ họ nhưng anh em họ không nhận. Ông buồn bực lại trở về thôn Đôn Thư lập nghiệp.

THỨ TRƯỞNG CHI THẬP NHẤT ĐẠI TỔ (Đời thứ mười một thứ của chi trưởng) ĐỖ QUÝ CÔNG, TỰ DUY HÁM

Ông là con trai trưởng cụ Quang Luận, bà là Phạm Thị Liễu, sinh được ba người con. Mả ông ở cồn Liên, giỗ ngày 29 tháng Giêng Âm lịch. Mả bà ở Điếm Thí, giỗ ngày 23 tháng 11 Âm lịch.

THỨ TRƯỞNG CHI THẬP NHỊ ĐẠI TỔ (Đời thứ mười hai thứ của chi trưởng) ĐỖ QUÝ CÔNG, TỰ DUY TINH

Ông là con trai thứ hai cụ Duy Hám, bà là Thị Nhân, sinh được năm người con. Mả ông ở Lạc Ngà, giỗ ngày 1 tháng 8 Âm lịch, Mả bà cũng ở Lạc Ngà, giỗ ngày 19 tháng 7 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Thiện Hội. Con trai thứ hai là Đỗ Thiện Tăng. Con trai thứ ba là Đỗ Huy Lạn.

THỨ CHI

THỨ CHI TAM ĐẠI TỔ (Đời thứ ba chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG, HUÝ BỊ, TỰ VIÊN AN

Ông là con trai thứ hai cụ Viên Nhân, bà là Nguyễn thị Dạo, sinh được chín người con. Mả ông ở cạnh mả Tổ, giỗ ngày mồng ba tháng bảy. Mả bà ở Mả Dứa, giỗ ngày mồng một tháng mười.

Con trai trưởng Đỗ Viên Trung, tên huý là Liễu. Con trai thứ hai là Đỗ Viên Chính, tên huý là Cầm. Con trai thứ ba là Đỗ Viên Nghị, tên huý là Lũ Thụy.

Con trai thứ tư là Đỗ Viên Thuận, tên húy là Liêm. Con gái thứ năm là Đỗ Thị Đàn.

Con gái thứ sáu là Đỗ Thị Đồng. Con gái thứ bảy là Đỗ Thị Tràm. Con gái thứ tám là Đỗ Thị Tròng. Con gái thứ chín là Đỗ Thị Quang.

THỨ CHI TỨ ĐẠI TỔ (Đời thứ tư chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG THỤY VIÊN TRUNG

Ông là con trai trưởng cụ Viên An, bà là Hoàng Thị Quang, sinh được bảy người con. Mả ông ở cồn Bói, giỗ ngày mồng một tháng chín, mả bà ở cổn Trưng, giỗ ngày hai mươi tháng ba.

Con trai trưởng là Đỗ Viên Minh. Ông dáng người cao lớn, khỏe mạnh, vả lại trông có tướng anh hùng. Khi nhập ngũ ông được ưu tiên nhất thiên hạ. Ông được đem quân đánh nước Chiêm Thành (Tức Thái Lan ngày nay). Ông là người nhập đựơc vào Thành đầu tiên, cém được tướng giữ Thành và đem thủ cấp về dâng thành công đệ nhất. Và ông được phong làm Cao Phong Hầu, Tổng binh chỉ huy sứ. Sau đó được ba năm thì ông mất. Người ta kể lại lúc sinh thời, khi ông đi tuần phủ Hải Dương nhân gặp và lấy bà Nguyễn Thị Tòng, người thôn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Sau đó sinh ra ông Đỗ Duy Kiểm. Đến niên hiệu Hồng Đức năm thứ hai mươi mốt, khoa Canh Tuất ông Kiểm lấy quê mẹ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ sáu. Sau lại sinh ra ông Đỗ Đình Huấn. Đến niên hiệu Cảnh Thống năm thứ hai, khoa Kỷ Mùi đi thi và đỗ tiến sĩ thứ mười sáu. Chi này an cư lạc nghiệp ở Tứ Kỳ, không trở về Thanh Hoá nữa.

Con trai thứ hai là Đỗ Viên Bách. Ông được chức Bá hộ ty xá nhân.

Con trai thứ ba là Đỗ Viên Khuê. Ông lúc nhỏ ra làm thuê ở ngoài Bắc sau lấy bà Vũ Thị Lượng, người thôn Đỗ xá, huyện Đường Hào (Nay đổi là Mỹ Hào). Ông sinh ra ông Đỗ Trác Dỵ. Đến niên hiệu Minh Định năm đầu, khoa Đinh Mùi ông Dỵ lấy quê mẹ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ hai mưi mốt. Sau lại sinh ra ông Đỗ Hồng. Đến niên hiệu Diên Thành năm thứ ba, khoa Canh Thìn đi thi và đỗ Thám Hoa. Chi này ân cư lạc nghiệp ở đấy, không về quê cũ nữa.

Con trai thứ tư là Đỗ Viên Phúc, tên huý là Lang, nối nghiệp. Con trai thứ năm là Đỗ Chính Đức.

THỨ CHI NGŨ ĐẠI TỔ (Đời thứ năm chi thứ)

NIÊN HIỆU CẢNH THỐNG NĂM THỨ NĂM SẮC PHONG QUẢN LĨNH TRUNG PHỦ THỊ NỘI CẨM Y, LONG VŨ HỔ OAI NHI VỆ, THUẦN TÍN HẦU, ĐỖ TƯỚNG CÔNG, HUÝ LANG TỰ VIÊN PHÚC

Ông là con trai thứ tư cụ Viên Trung, bà là Vũ Thị Thuận. Ông giỗ ngày mười ba tháng chín. Sinh được bốn người con. Bà giỗ ngày mười tám tháng sáu. Sau đó ông lại lấy bà Cao thị Đồng, người làng Mễ Trì, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Tây (Nay thuộc Hà Nội) và sinh ra ông Đỗ Văn Hãng. Đến niên hiệu Hồng Thuận năm thứ sáu ông Hãng lấy quê mẹ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ hai mươi sáu.

Con trai trưởng là Đỗ Trung nghị, tên huý là Quyên.

Con trai thứ hai tên huý là Hậu. Ông lúc sinh thời là Xã trưởng. Đến niên hiệu Thống Nguyên năm thứ hai được tuyển vào nhà binh. Đến niên hiệu Cảnh Lịch năm thứ ba được cất nhắc làm chức Thị nội cẩm y vệ đô chỉ huy, Quang Lương Hầu. Ông lấy người vợ trước không có con. Sau lại lấy bà Phạm Thị Văn và sinh ra các ông Đỗ Huệ Nghiệm, Đỗ Huệ Lạc, Đỗ Đăng Khoa, Đỗ Đăng Cao. Hiện giờ lập quán ở xã Kinh Thuỷ, không về quê cũ nữa.

Con trai thứ ba là Đỗ Duy Quang tên thụy là Hiển Mỹ. Ông lúc trẻ làm Xã trưởng, đem quân đánh họ Mạc, họ Trịnh. Đến niên hiệu Chính Trị năm thứ hai được sắc phong Tán trị công thần, Bình nhung tướng quân, Đô chỉ huy sứ, Thứ Bình Hầu. Vợ là Phạm Thị Hỷ sinh ra ông Đỗ Hiển Đước. Ông Đước theo cha đi đánh giặc, có công nên đến niên hiệu thứ mười được phong 5 sắc phong: Yết tiết, Tuyên lực công thần, Hoài Viễn tướng quân, Chỉ huy sứ, Nhân lực hầu. Ông lấy bà Thị Nhân sinh ra ông Đỗ Hiển Nghĩa. Đến niên hiệu Quang Hưng thứ 16 được bổ làm Chi huyện huyện Thạch Thành và được phong là Văn Tuyến Từ. Vợ ông là Nguyễn Thị Hậu, quê quán ở xã Kinh Thuỷ sinh ra các ông Đỗ Đạo An và Đỗ Đạo Ân. Chi này an cư ở đấy không về quê nữa.

Con gái thứ tư là Đỗ Thị By.

THỨ CHI HỰU NGŨ ĐẠI TỔ (Đời thứ năm con thứ chi thứ) ĐỖ QUÝ CÔNG TỰ CHÍNH ĐỨC

Ông là con trai thứ năm cụ Viên Trung, bà là Nguyễn Thị Thuận, sinh được sáu người con. Hai mả ông bà đều ở Lạc Ngà. Giỗ ông 14 tháng 2 Âm lịch, giỗ bà 27 tháng 6 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Chính Nghị thụy là Đỗ Chương. Ông giỏi nghề văn chương có tiếng thời bấy giờ. Nhân lấy bà Vũ thị Bạt, người làng Quang Bị, huyện Gia Phúc, tỉnh Hải Dương. Niên hiệu Quang Thuận năm thứ hai, khoa Mậu Dần lấy quê mẹ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ 13. Sau lại sinh ra ông Đỗ Cương. Niên hiệu Thống Nguyên năm thứ hai, khoa Quý Sửu đi thi và đỗ tiến sĩ thứ mười ba.

Con trai thứ hai là Đài tên chữ là Đỗ Chính Niệm. Lấy bà Thị Mao không có con. Bấy giờ tuổi đã 40, buồn bực ra ngoài Bắc giữa đường gặp và lấy bà Đồng Thị Duyên, là người lái buôn. Sau đó đã đem nhau về bản quán là thôn Khả Lý, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang sinh sống. Sau đó sinh ra ông Đỗ Đồng Dy. Đến niên hiệu Quảng Hoà năm thứ năm, khoa Giáp Thìn lấy quê mẹ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ bảy.

Con trai thứ ba là ĐỗChính Nghĩa, nối nghiệp.

Con trai thứ tư là Đỗ Chính Mỹ. Con gái là Đỗ Thị Đáp. Con gái thứ sáu là Đỗ Thị Hóa.

THỨ CHI LỤC ĐẠI TỔ (Đời thứ sáu chi thứ)

NIÊN HIỆU THỐNG NGUYÊN NĂM THỨ HAI TỶ NHẬP HỘ VỆ THỊ NỘI, KHÂM PHỦNG THÁNH VỆ, HOÀI VIỄN TƯỚNG QUÂN CHỈ HUY SỨ, KHANG LỘC BÁ, ĐỖ QUÝ CÔNG, HUÝ QUYÊN, TỰ TRUNG KÍNH (TRUNG NGHỊ)

Ông là con trai trưởng cụ Viên Phúc, sinh được bốn người con. Mả ông ở Bái Nội, giỗ ngày 21 tháng 10 Âm lịch. Bà là Mai Thị Thảo, mả ở Cây Đa, giỗ ngày 3 tháng 3 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Viên Tín, tên huý là Dụng. Niên hiệu Chính Trị năm thứ ba được sắc phong Kiệt Tiết tuyên lực mậu lâm lang, Thuỷ Thường huyện huyện Thừa, Thận Nghĩa Nam. Đỗ Lệnh Công huý Dụng tự Viên Tín , vợ là Phạm Thị Hiệu sinh hai người con. Hai mả đều ở cồn Bói. giỗ bà ngày 2 tháng 11 Âm lịch.

Ông lại lấy bà nữa ở Bồng Thượng sinh được ba người con, giỗ ngày 8 tháng 10 Âm lịch.

Con trai thứ hai (Con trưởng của bà sau) tên huý là Độ tự Cương Chính, nối nghiệp. Con trai thứ ba (Con thứ hai của bà sau) là Đỗ Chân Hiền tên huý là Lệ, nối nghiệp. Con trai thứ tư (Con trai thứ ba của bà sau) là Đỗ Diễn Khánh tên huý là Tuấn.

THỨ CHI HỰU LỤC ĐẠI TỔ (Đời thứ sáu con thứ chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG TỰ CHÍNH NGHĨA

Ông là con trai thứ ba cụ Chính Đức, bà là Phạm Thị Hỷ, sinh được một người con. Mả hai ông bà đều ở Ông Voi. Giỗ ông 25 tháng 10 Âm lịch, giỗ bà ngày10 tháng 5 Âm lịch.

THỨ CHI THẤT ĐẠI TỔ (Đời thứ bảy chi thứ)

NIÊN HIỆU CHÍNH TRỊ NĂM THỨ SÁU SẮC PHONG KIỆT TIẾT TUYÊN LỰC, ĐẶC TIẾN PHỤ QUỐC TƯỚNG QUÂN, TY XÁ VỆ, ĐÔ CHỈ HUY SỨ TY CHỈ HUY THỨ VỆ SỰ, NHGĨA VŨ HẦU, ĐỖ LỆNH CÔNG, HUÝ ĐỘ, TỰ CƯƠNG CHÍNH, THỤY VIÊN THỌ

Ông là con trai thứ hai cụ Trung Kính (Con trai trưởng của bà sau), vợ là Lê thị Trất, sinh được 4 người con. Mả ông ở Ông Voi, giỗ ngày 7 tháng Chạp Âm lịch. Mả bà ở Quần Chiêu, giỗ ngày 10 tháng 5 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Trọng Hoa, nối nghiệp. Con trai thứ hai là Đỗ Viên Tính, tên huý là Lung. Con gái là Đỗ Thị Bình.

THỨ CHI HỰU THẤT ĐẠI TỔ (Đời thứ bảy con thứ chi thứ)

NIÊN HIỆU CHÍNH HOÀ TRỊ NĂM THỨ BẢY KỶ DẬU KHOA HƯƠNG THÍ CỐNG SINH, NIÊN HIỆU CHÍNH TRỊ THỨ MƯỜI LĂM SẮC PHONG THỤ KIỆT TIẾT TUYÊN LỰC CÔNG THẦN, ĐẶC TIẾN KIM TỬ VINH, LỘC ĐẠI PHU LẠI BỘ, THUYÊN KHẢO THANH LẠI, TY VIÊN NGOẠI LANG, LƯƠNG KHÊ NAM, ĐỖ CÔNG LỆ, THỤY MỸ CHÂN HIỀN, HIỆU TRÚC LÂM TIÊN SINH

Ông là con trai thứ ba cụ Trung Kính (Con trai thứ hai của bà sau), vợ là Dương Thị Ái, sinh được ba người con. Mả ông ở Cổ Ngựa, giỗ ngày 7 tháng 10 Âm lịch, mả bà cồn Sương, giỗ ngày 26 tháng 4 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Viên Đức.

Con trai thứ hai là Đỗ Hưng Viễn đi Công giáo.

THỨ CHI HỰU THẤT ĐẠI TỔ (Đời thứ bảy con thứ chi thứ)

NIÊN HIỆU QUANH HƯNG THỨ MƯỜI LĂM SẮC PHONG QUẢN TRỊ TRUNG TẢ HẪU HỘ VỆ, PHỦNG THÁNH VỆ, HOÀI VIỄN TƯỚNG QUÂN, DĨNH XUYÊN HẦU, ĐỖ TƯỚNG CÔNG, THỤY TRẤN, TỰ DIỄN KHÁNH, HIỆU DỤ HẬU PHỦ QUÂN

Ông là con trai thứ tư cụ Trung Kính (Con trai thứ ba của bà sau), vợ là Từ Huyên, sinh được ba người con. Mả ông ở Xuân Mồ, giỗ ngày 25 tháng Giêng Âm lịch. Mả bà ở Bái Con, giỗ ngày 9 tháng 2 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Thông Minh. Con trai thứ hai là Đỗ Phúc Hậu. Con gái thứ ba là Đỗ Từ Thuận.

THỨ CHI HỰU THẤT ĐẠI TỔ (Đời thứ bảy cháu chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG TỰ CHÍNH ĐẠT

Ông là con trai trưởng cụ Chính Nghĩa, bà là Nguyễn Thị Đức, sinh được hai người con. Mộ hai ông bà đều ở cồn Bói. Giỗ ông ngày 11 tháng 10 Âm lịch, giỗ bà ngày 12 tháng Chạp Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Chính Nghiêm. Con gái là Đỗ Thị Huệ.

Ông lại lấy bà vợ lẽ là Trịnh Thị An và sinh được ba người con. Bà lẽ giỗ ngày 25 tháng 10 Âm lịch

Con trưởng của bà vợ lẽ là Đỗ Chính Lễ (Vũ Khê Bá), nối nghiệp.

Con trai thứ hai của bà vợ lẽ là Đỗ Chính Trực. Con gái của bà vợ lẽ là Đỗ Thị Dung.

THỨ CHI BÁT ĐẠI TỔ (Đời thứ tám chi thứ)

NIÊN HIỆU QUANG HƯNG THỨ MƯỜI BẢY, GIÁP NGỌ HƯƠNG THÍ, NHẤT CỬ CỐNG SĨ. NIÊN HIỆU HOÀNG ĐỊNHĂNM THỨ BA SẮC PHONG QUẢN ĐÔN HẬU CÔNG THẦN, QUANG TIẾN THẬN LỘC ĐẠI PHU CÔNG BỘ, THUYÊN KHẢO THANH SỬ, TY VIÊN NGOẠI LANG, HƯƠNG KHÊ NAM, ĐỖ TƯỚNG CÔNG, HUÝ TRỌNG HOA, THỤY CHÂN ĐỊNH, TỰ MINH TRIẾT TIÊN SINH Ông là con trai trưởng cụ Viên Thọ (Đỗ Cương Chính), bà là Nguyễn thị Hính, sinh được sáu người con. Mả ông ở cồn Trưng, giỗ ngày 8 tháng Giêng Âm lịch. Mả bà ở cồn Bói, giỗ ngày 29 tháng 6 Âm lịch.

Ông lại lấy bà vợ lẽ là Phạm Thị Đoài, ở làng Hương Thị, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây và sinh được ông Đỗ Đễ. Đến niên hiệu Chính Hòa năm thứ sáu, khoa Ất Sửu ông Đễ lấy quê mẹ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ bảy.

Con trai trưởng là Đỗ Viên Đào. Còn bốn người con không rõ.

THỨ CHI HẬU BÁT ĐẠI TỔ (Đời thứ tám con thứ chi thứ) ĐỖ QUÝ CÔNG TỰ VIÊN ĐỨC

Ông là con trai trưởng cụ Đỗ Chân Hiền (Cụ Trúc Lâm tiên sinh), bà là Phạm Thị Tâm, sinh được ba người con trai. Mả hai ông bà đều ở Sau Miễu. Giỗ ông ngày 12 tháng 5 Âm lịch, giỗ bà ngày 1 tháng 8 Âm lịch.

THỨ CHI HẬU BÁT ĐẠI TỔ (Đời thứ tám con thứ chi thứ)

NIÊN HIỆU VĨNH TỘ THỨ MƯỜI SẮC PHONG KIỆT TIẾT CÔNG THẦN, ĐẶC TIẾN KIM TỬ VINH, LỘC ĐẠI PHU HỘ BỘ, THUYÊN KHẢO THANH SỬ TY LANG, VĂN HIỂN BÁ, ĐỖ TƯỚNG CÔNG, TỰ THÔNG MINH, HIỆU THẬN ĐỨC TIÊN SINH

Ông là con trai trưởng cụ Dĩnh Xuyên Hầu Đỗ Diễn Khánh, bà là Thị Thực,sinh được hai người con. Mả ông ở Xuân Bồ, giỗ ngày 9 tháng 3 Âm lịch. Mả bà ở Bãi Lau, giỗ ngày 5 tháng 4 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Thiện Triết. Con trai thứ hai là Đỗ Minh Mẫn.

THỨ CHI HỰU BÁT ĐẠI TỔ (Đời thứ tám con cháu của chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG TỰ CHÍNH NGHIÊM

Ông là con trai trưởng cụ Chính Đạt, bà là Phạm Thị Hảo, sinh được năm người con. Mộ hai ông bà đều ở cồn Bói. Giỗ ông ngày 2 tháng 3 Âm lịch, giỗ bà ngày 7 tháng 3 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Chính Phúc, nối nghiệp. Con trai thứ ba là Đỗ Sinh Đồ, tự Chính Hiền. Con gái là Đỗ Thị Hiền.

THỨ CHI HỰU BÁT ĐẠI TỔ (Đời thứ tám con cháu chi thứ)

NIÊN HIỆU VĨNH TỘ NĂM ĐẦU SẮC PHONG ĐẶC TIẾN PHỤ QUỐC TƯỚNG QUÂN, PHỦNG THÁNH VỆ, TRUNG ĐỊNH SỞ, PHÓ QUẢN LĨNH VŨ KHÊ BÁ, ĐỖ TƯỚNG CÔNG, HUÝ CHIÊU TỰ CHÍNH LỄ

Ông là con trai trưởng của vợ lẽ cụ Chính Đạt, bà là Đỗ thị Đức, sinh được năm người con. Mộ hai ông bà đều ở cồn Hạc. Giỗ ngày 3 tháng 2 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Chính Đạo, tên huý là Trình, nối nghiệp. Con trai thứ hai là Đỗ Chính Chung.

Con trai thứ ba là Đỗ Thiện Chính, tên huý là Tuấn. Đến niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ hai, khoa Kỷ Hợi đi thi và đỗ tiến sĩ. Xuất thân Công bộ hữu thị lang, Đông lĩnh tử chí sĩ.

THỨ CHI CỬU ĐẠI TỔ (Đời thứ chín chi thứ)

QUỐC TỬ GIÁM, GIÁM SINH, ĐỖ LỆNH CÔNG, TỰ VIÊN ÔN, THỤY THIỆN GIÁP, HIỆU THUẦN ĐỐC TIÊN SINH

Ông là con trai trưởng cụ Viên Đức, bà là Trịnh Thị Nhất.

Con trai trưởng là Đỗ Thiện Vi. Niên hiệu Đương Đức năm đầu ông được tuyển vào làm Các vệ. Ông cùng các nghĩa quân đi tuần tỉnh Quảng Nam. Trong lúc đó nhà ông nghèo túng hai em của ông mới 14 và 17 tuổi đều phải xa nhà. Nhân thế ông bèn đem gia quyến ra xã Phủ Lý, thuộc huyện Đông Sơn dạy học để lấy tiền nuôi gia đình. Từ đấy về sau ông không về Thanh Hóa nữa.

Con trai thứ hai là Đỗ Vi Bỉnh. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo túng, theo anh đi ở để nuôi thân. Đến niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ tư không may lại gặp nước lụt lại bị sâu hoàng trình cắn hết hoa mầu. Nhân dân vùng ấy chết đói rất nhiều. Lúc ấy anh em ông đành phải lìa tan mỗi người một phương để kiếm ăn. Anh ở làng Ngọc Đới, huyện Thuần Phúc. Anh an cư ở đấy không trở về quê cũ nữa.

Con trai thứ ba là Đỗ Thiện Mẫn. Ông lúc 14 tuổi nhờ anh nuôi nấng. Đến niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ tư lại bị nước lụt lúc ấy ông 22 tuổi đi làm thuê để kiếm ăn. Đến niên hiệu Chính Hòa năm thứ hai nhân dân vùng ấy chết dịch rất nhiều, ông sợ bèn về xã Yên Vực mà ở rồi lấy vợ và an cư lạc nghiệp ở đấy.

Ông sau này được rèn luyện nghề văn. Đến niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ hai ông đi thi nhưng không đỗ tiến sĩ. Buồn bực quá ông bèn ra ngoài Bắc, nhân gặp và lấy thêm bà Đồng Thị Thọ, người thôn Tuấn Dị, thuộc huyện Gia Lâm, nội thành Hà Nội và dạy học ở đấy. Đến niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ tư lại bị vỡ đê. Nhân dân chết đói rất nhiều, bà Đồng Thị Thọ cũng chết. Bà trước đó sinh được hai người con gái, ông bà đặt tên là Đỗ Thị Gia và Đỗ Thị Dị, có nghĩa là Gia Lâm Tuấn Dị. Trong thời gian ấy ông hồi tưởng nhớ gia đình, lòng như lửa đốt. Đến ngày mồng 10 tháng 10 ông đưa 2 con gái trả bố vợ rồi về quê thăm gia quyến. Về đến quê thấy cửa nhà đổ nát, sân rêu, nhà mốc, vợ con tan tác ông bèn khóc và than rằng: ʺVong gia hương hề, lập thân an, thân bất an, hồi quán dĩ tànʺ có nghĩa là: ʺ Bỏ nơi quê cha hòng lập nghiệp, chẳng được yên, về quê quán lại tànʺ. Ông đành thôi và đi ra Tây Kinh tạm trú ngụ nuôi thân, rồi sau lại tìm vợ con. Đến ngày 18 thì ông tới Tây kinh và tìm nơi dạy học. Ngày 19 ông đến xã Xuân Hồ, huyện Nôi Dương thì gặp ông Lê Hữu Đạo. Ông Đạo hỏi, ông đáp rất có lễ phép. Ông Hữu Đạo bèn đưa ông về nhà. Hai người ngao du phong thể được 10 ngày. Từ đấy về sau người làng ấy đã phục hồi lại nghề dạy học của ông. Ông lại ngâm thơ rằng: ʺTứ thập niên dư, tiến sĩ không, giám sinh tái kết hữu sinh đồng. Thử niên bất chúng tha niên chúng, cấp nguyện Hoàng Thiên thượng giám trungʺ có nghĩa là: ʺ Hơn 40 năm vào thi chẳng đỗ, dạy học làm bạn cùng lũ trẻ con. Khoa này chẳng đỗ đành khoa khác, trờ kia sao cứ phụ người ngayʺ.

Đến mồng 12 tháng 10 năm ấy ông khai trường dạy học. Dạy được 5 ngày, đêm nằm trong màn ông thấy Thần hiện lên bảo rằng: ʺXuân lôi khắc thiện đông thiên địa, thập nhất tha hương Cống sĩ phuʺ. Ngay lúc ấy ông bèn đoán ra rằng; ʺĐến khi có sấm ra mắt mùa xuân có lẽ vợ mình có thai đến tháng 11 thì sinh được cậu Cử nhân cho bõ côngʺ.

Ngay ngày hôm sau ông bèn đi tìm hiểu và lấy bà Lê Thị Thanh cho ứng vào lời Thần đã báo. Sau này quả nhiên vợ ông sinh con trai. Ông bèn đặt tên là Đỗ Viết Phú. Từ đấy về sau ông dạy con học rất dáo diết, văn chương ngày càng lỗi lạc, có vẻ ra người nhà văn. Ông lại nghĩ đến gia đình với lời ngâm đúng phải. Đến niên hiệu Chính Hòa thứ17, khoa Bính Tý ông Đỗ Viết Phú lấy quê mẹ đi thi và đỗ cử nhân thứ 8. Chi này không trở về Thanh hóa nữa.

THỨ CHI HẬU CỬU ĐẠI TỔ (Đời thứ chín con cháu chi thứ)

NIÊN HIỆU PHÚC THÁI THỨ SÁU SẮC PHONG CẨN SỰ MẬU LÂM LANG, THỪA NHIỆM, PHÚ BÌNH PHỦ, ĐỒNG CHI PHỦ, VỊNH PHÁI LANG, ĐỖ LỆNH CÔNG, TỰ MINH MẪN, HIỆU NHẬN DUỆ TIÊN SINH

Ông là con trai thứ của cụ Hiển Bá Đỗ Thông Minh, bà là Từ Thái, sinh được ba người con. Mả ông ở Tổ Mối, giỗ này 25 tháng 4 Âm lịch. Mả bà ở đằng trước, giỗ ngày 3 tháng 3 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Viết Hồ.

Con trai thứ hai là Đỗ Viết Bồ. Ông này sau làm Chi huyện Nông Cống và huyện Thanh Chương.

Con trai thứ ba là Đỗ Viết Niên.

THỨ CHI HỰU CỬU ĐẠI TỔ (Đời thứ chín con cháu chi thứ) ĐỖ QUÝ CÔNG TỰ CHÍNH PHÚC

Ông là con trai trưởng cụ Chính Nghiêm, bà là Nguyễn Thị Trinh, sinh được bốn người con. Mộ hai ông bà đều ở Cây Đa. Giỗ ông ngày 17 tháng 5 Âm lịch, giỗ bà ngày 19 tháng 4 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Chính Ân, nối nghiệp. Con trai thứ hai là Đỗ Chính Bích. Con trai thứ ba là Đỗ Chính Đương. Con trai thứ tư là Đỗ Chính Hạnh.

THỨ CHI HỰU CỬU ĐẠI TỔ (Đời thứ chín con cháu chi thứ)

ĐỖ CÔNG, HUÝ TRÌNH, TỰ CHÍNH THÔNG

Ông là con trai trưởng cụ Chính Lễ, mả ở cồn Bói. Bà là Từ Vinh, sinh được một người con.

Sau ông lại lấy bà Trịnh Thị Thục và sinh được ba người con trai. Con trai trưởng là Đỗ Chính Danh.

Con trai thứ hai là Đỗ Chính Phúc. Con tri thứ ba là...

THỨ CHI HỰU CỬU ĐẠI TỔ (Đời thứ chín con cháu chi thứ)

ĐỖ TƯỚNG CÔNG, HUÝ TUẤN, TỰ THIỆN CHÍNH, THỤY CHÍNH NGHỊ, HIỆU MINH LƯỢNG TIÊN SINH

Ông là con trai thứ ba cụ Vũ Khê Bá Chính Lễ, giỗ ngày 14 tháng 4 Âm lịch. Sinh được ba người con.

Con trai thứ nhất là Đỗ Toàn. Con trai thứ hai là Đỗ Bắc. Con gái là Đỗ Thị Chính.

THỨ CHI HỰU THẬP ĐẠI TỔ (Đời thứ mười chi thứ)

NIÊN HIỆU CHÍNH HOÀ NĂM THỨ MƯỜI TÁM, KHOA ĐINH SỬU ĐỖ TIẾN SĨ ĐỆ TAM GIÁP, ĐỒNG XUẤT THÂN HOÀNG TIẾN ĐẠI PHU, THÁI BỘC TỰ

KHANH, XUÂN QUANG TỬ, ĐỖ TƯỚNG CÔNG, TỰ VIẾT HỒ, THỤY CÔNG NGỌC, HIỆU NHÃ THỰC TIÊN SINH

Ông là con trai trưởng cụ Minh Mẫn, bà là Nguyễn Thị Đức, sinh được hai người con. Mả ông ở Hoàng Côn, mả bà ở Mả Biền.

THỨ CHI HỰU THẬP ĐẠI TỔ (Đời thứ mười chi thứ)

NIÊN HIỆU VĨNH THỊNHTHỨ MƯỜI SẮC PHONG TÁN TRỊ CÔNG THẦN HÌNH BỘ THỊ LANG, TÁN TRỊ HƯNG HÓA, THANH HÌNH HIẾN SÁT, TY HIẾN SÁT SỨ, ĐỖ TƯỚNG CÔNG, TỰ VIẾT NIÊN, THỤY BÌNH LẠC,HIỆU TUY LÝ TIÊN SINH

THỨ CHI HỰU THẬP ĐẠI TỔ (Đời thứ mười chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG TỰ CHÍNH ÂN

Ông là con trai trưởng cụ Chính Phúc, bà là Tống Thị Thiện, sinh được 4 người con. Hai mả ông bà đều ở cồn Bói. Giỗ ông ngày 19 tháng 4 Âm lịch, giỗ bà ngày 7 tháng 5 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Chính Tâm, nối nghiệp.

Con trai thứ hai là Đỗ Chính Độ. Con gái là Đỗ Thị Đảng. Con gái là Đỗ Thị Ân.

THỨ CHI HỰU THẬP ĐẠI TỔ (Đời thứ mười chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG, HÚY NGHỆ, TỰ CHÍNH DANH

Ông là con trai trưởng cụ Chính Thông (Con bà vợ lẽ của cụ), bà là Đỗ Thị Thiềm, sinh được sáu người con. Mả ông ở cồn Bói, giỗ ngày 5 tháng Giêng Âm lịch. Mả bà ở cồn Táo, giỗ ngày 24 tháng 3 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Đình Đoan, tên huý là Long, tự Chính Công. Ông lấy bà Tống Thị Tiết ở thôn Yên Lãng, huyện Nôi Dương. Niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 11, khoa Ất Mùi ông lấy quê vợ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ sáu. Con trai là Đỗ Chính Liêm, vợ là Cao Thị Trương, quê ở Tràng Long, huyện Yên Định sinh được 5 người con.

Lại nói ông là người rất ngang ngạnh, sau này ông đi ra Mạch Cốc, huyện Thụy Nguyên dạy học. Đến niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ ba, khoa Ất Hợi lấy quê quê vợ đi thi và đỗ Thám hoa.

Con trai (thứ hai ?) là Đỗ Thành Nguyên. Ông này tiền phương du học nhân lấy bà Trần Thị Đang, quê ở xã Lang Xuyên, huyện Đông Yên, tỉnh Hà Nam. Niên hiệu Long Đức, khoa Tân Dậu lấy quê vợ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ 17.

Con trai thứ ba là Đỗ Chính Pháp, tên huý là Mát. Con gái thứ tư là Đỗ Diệu Nhân.

Con gái thứ năm là Đỗ Thị Ý. Con gái thứ sáu là Đỗ Thị Huệ.

THỨ CHI HỰU THẬP NHẤT ĐẠI TỔ (Đời thứ mười một chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG, QUÝ NHỠN, TỰ CHÍNH TÂM

Ông là con trai trưởng cụ Chính Ân, bà là Đỗ Thị Quốc, sinh được mười người con. Mả ở Thiện Đồ, giỗ ngày 20 tháng 7.

Con trai trưởng là Đỗ Công Chính, tên huý là Duy.

Ông lại lấy bà Nguyễn Thị Từ sinh được một người con là Đỗ Thiện Ích nối nghiệp. THỨ CHI HỰU THẬP NHẤT ĐẠI TỔ

(Đời thứ mười một chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG HUÝ MÁT, TỰ CHÍNH PHÁP

Ông là con trai thứ ba cụ Chính Danh, sinh được sáu người con.

THỨ CHI HỰU THẬP NHỊ ĐẠI TỔ (Đời thứ mười hai chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG, TỰ THIỆN ÍCH

Ông là con trai cụ ChínhTâm, bà bà Từ Nhân, sinh được sáu người con. Mả ở cồn Hạc, giỗ ngày 16 tháng 5 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Thiện Tích.

Con trai thứ hai là Đỗ Thiện Diên, nối nghiệp. Con trai thứ ba là Đỗ Thiện Thận, tên huý là Thế. Con trai thứ tư là Đỗ Thiện Trương, tên huý là Khanh.

Con gái thứ năm là Đỗ Thị Tài. Con gái thứ sáu là Đỗ Thị Khương.

THỨ CHI HỰU THẬP TAM ĐẠI TỔ (Đời thứ mười ba chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG, TỰ THIỆN DIÊN

Ông là con trai thứ hai cụ Thiện Ích, sinh được ba người con.

Con trai trưởng là Đỗ Văn Hành. Con trai thứ hai là Đỗ Văn Lễ Con gái là Đỗ Thị Thinh.

THỨ THỨ CHI

THỨ THỨ CHI TỨ ĐẠI TỔ (Đời thứ tư thứ của chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG, HUÝ LŨ, TỰ VIÊN NGHỊ

Ông là con trai thứ ba cụ Viên An, bà là Mai Thị Đức, simh được bốn người con. Mả ông ở Gia Vĩ, giỗ ngày 13 tháng 7 Âm lịch. Mả bà ở cồn Lân, giỗ ngày 6 tháng 6 Âm lịch. Sau ông lại lấy bà Phạm Thị Xuân, ở thôn Mỹ Bổng, huyện Thư Trì, tỉnh Nam Hà và sinh ra ông Đỗ Hoàng. Đến niên hiệu Hồng Đức thứ 27, khoa Bính Thìn lấy quê mẹ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ 29.

Con trai trưởng là Đỗ Viên Tiến. Ông thông hiểu trăm nghề tài thêm văn võ. Dàn trận bày quân, ra vào như thần không sợ sống chết. Có người bề tôi đình thần tiến cử thăng chức Sùng Tiến trấn quốc Thượng Tướng Quân, Tây Quận Đô Đốc, kiêm quản long Thao Hổ Lược nhị vệ, chỉ huy Thiểm sự Đô chỉ huy sứ, Tiến Quận Công.

Con trai thứ hai là Đỗ Nhật Hoài. Ông là con nhà thế gia có tiếng. Lúc bấy giờ trong nước hòa bình ông vào thi võ để tranh giáp, đoạt tiêu lòng không hổ thẹn. Nhân đi tìm thầy dạy học ông gặp và lấy bà Trần Thị Vinh, người thôn An Bài, huyện Phủ Dực, tỉnh Thái Bình. Niên hiệu Hồng Đức năm thứ 27, khoa Bính Thìn ông lấy quê vợ đi thi và dỗ tiến sĩ thứ 25. Sau ông lại sinh ra ông Đỗ Cảnh. Niên hiệu Hồng Đức năm thứ sáu, khoa Giáp Tuất đi thi đỗ tiến sĩ thứ 17.

Sau ông lại lấy bà Mạc Thị Tích, quê ở làng Tứ Xá, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương và sinh ra ông Đỗ Bá Hạng. Đến niên hiệu Đoan Khánh năm đầu, khoa Ất Sửu lấy quê mẹ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ 15.

Con trai thứ ba là Viên Y Đỗ Văn Hiệu. Ông lúc nhỏ đi học nhân gặp và lấy bà Nguyễn Thị Tuyên, người thôn Hậu Tiên, huyện An Sơn, tỉnh Hà Tây. Niên hiệu Cảnh Thống năm thứ hai, khoa Kỷ Mùi lấy quê vợ đi thi. Trong khi vào trường thì gặp người bạn là Lê Đỉnh bị cảm. Ông bỏ hết văn bài để chữa cho ông Lê Đỉnh. Sau khi đã khỏi ông Lê Đỉnh cảm ơn ông mà đem những văn bài đó tạ ông. Ông sao lục lại những văn bài đó mang vào thi và đã đỗ Thám Hoa thứ hai.

THỨ THỨ CHI NGŨ ĐẠI TỔ (Đời thứ năm thứ của chi thứ)

NIÊN HIỆU HỒNG THUẬN NĂM THỨ HAI SẮC PHONẤNÙNG TIẾN PHỤ QUỐC THƯỢNG TƯỚNG QUÂN, NAM QUÂN ĐÔ ĐỐC, QUẢN LONG THAO HỔ LƯỢC NHỊ VỆ, CHỈ HUY THIỂM SỰ, ĐÔ CHỈ HUY SỨ, TIẾN QUẬN CÔNG, HUÝ VĂN LANG, THỤY VĂN TÍN PHỦ QUÂN

Ông là con trai trưởng cụ Viên Nghị, vợ là Trịnh Thị Thục, sinh được 5 người con. Hai mả ông bà đều ở cồn Lãng. Giỗ ông 20 tháng 2 Âm lịch và giỗ bà ngày 27 tháng 3 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Viên Phúc.

Con trai thứ hai là Viên Sùng Đỗ văn Nho. Trong thời gian niên hiệu Thiện Phong, bấy giờ ông đã hơn 40 tuổi, ngụ cư ở núi Sóc Sơn có Thần nhân táng cho một ngôi đất để sau này con cháu được phát đạt.

Con trai thứ ba là Viên Long Đỗ An. Ông lúc nhỏ học giỏi có tiếng nhưng sau này đi thi không đỗ. Buồn bực quá ông ra ngoài Bắc, đến thôn Lại Ốc huyện Văn Giang ông vào cầu yết đền thờ quan Trạng Đỗ Tôn. Nhân đó ông lấy bà Nguyễn Thị Bằng, người làng Đại Lạc cũng thuộc huyện Văn Giang. Đến niên hiệu Thuần Khúc năm thứ tư ông lấy quê vợ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ 17.

THỨ THỨ CHI LỤC ĐẠI TỔ (Đời thư sáu thứ của chi thứ)

NIÊN HIỆU VĨNH TỘ NĂM THỨ BA TẶNG CHỨC THÁI BẢO PHÚC QUẬN CÔNG, ĐỖ TƯỚNG CÔNG, HUÝ VĂN NHO, THỤY VIÊN SÙNG

Ông là con trai thứ hai cụ Viên Tiến, sinh được ba người con trai. Mả ở Bãi Nội, giỗ ngày 25 tháng 4 Âm lịch. Bà là Đỗ Thị Nhất, mả ở Đồng Bái, giỗ ngày 7 tháng 11 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Viên Chính. Con trai thứ hai là Đỗ Văn truyển. Con trai thứ ba là Đỗ Viên Thắng.

THỨ THỨ CHI THẤT ĐẠI TỔ (Đời thứ bảy thứ chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG TỰ VIÊN CHÍNH

Ông là con trai trưởng cụ Viên Sùng Đỗ văn Nho, sinh được hai người con. Mả ở Đồng Cảo, giỗ ngày 12 tháng 7 Âm lịch. Bà là Đỗ Thị Kính, mả ở Chùa Cũ, giỗ ngày 6 tháng 9 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Viên Mỹ, mất sớm. Con trai thứ hai là Đỗ Viên Bích.

THỨ THỨ CHI BÁT ĐẠI TỔ (Đời thứ tám thứ chi thứ)

ĐỖ QUÝ CÔNG TỰ CHÍNH BÍCH

Ông là con trai cụ Viên Chính, mả ở Đa Đôi. Bà là Đỗ Thị Hiền, mả ở Cồn Cứ. Giỗ ngày 25 tháng Chạp Âm lịch.

Con trai trưởng huý Lệ, tên là Dạng, tự Nhân Chiêu, thụy Viên Đạt. Giỗ ngày 22 tháng 2 Âm lịch.

Con trai thứ hai huý Diễm, tự Quang Hoa.

THỨ THỨ CHI CỬU ĐẠI TỔ (Đời thứ chín thứ chi thứ)

NIÊN HIỆU THUẬN ĐỨC NĂM ĐẦU SẮC PHONG QUANG TIẾN THẬN LỘC ĐẠI PHU, THÁI BỘC TỰ THIẾU KHANH, ĐỖ TƯỚNG CÔNG HUÝ LỆ, TỰ NHÂN CHIÊU, THỤY PHỤC THỌ (VIÊN ĐẠT), HIỆU NHÃ THỰC TIÊN SINH

Ông là con trai trưởng cụ Viên Bích, sinh được bốn người con. Mả ở Phi Long, giỗ ngày 25 tháng 6 Âm lịch. Bà là Lê Thị Chinh, mả ở Sơn Nam, giỗ ngày 27 tháng 3 Âm lịch. Con trai trưởng là Đỗ Quang Chiêu.

Con trai thứ hai là Đỗ Quang Đăng.

THỨ THỨ CHI HỰU CỬU ĐẠI TỔ (Đời thứ chín thứ của thứ chi thứ)

NIÊN HIỆU ĐỨC LONG NĂM THỨ NĂM SẮC PHONG TÁN TRỊ CÔNG THẦN, ĐẶC TIẾN KIM TỬ VINH, LỘC ĐẠI PHU, SƠN NAM ĐẲNG SỨ, TÁN TRỊ THỪA CHÍNH SỨ TY, THAM NGHỊ TÂY KINH ĐIỆN, THÁI THƯỜNG TỰ KHANH, THỌ LĨNH TỬ, ĐỖ TƯỚNG CÔNG, HUÝ QUANG HOA, TỰ DỰC THIỆN, THỤY CHÂN NHÂN, HIỆU DĨNH ĐẠT TIÊN SINH

Ông là con trai thứ hai cụ Viên Bích, mả ở Đồng Sau, giỗ ngày 9 tháng 6 Âm lịch. Bà là Nguyễn Thị Thận, mả ở Đa Vút, giỗ ngày 5 tháng 8 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Quang Vinh, huý Lân, tự Hựu. Con trai thứ hai là Đỗ Quang Phụ, huý Các, tự Khả.

Con trai thứ ba là Đỗ Quang Bật, huý Lung, tự Dự. Ông được phong Ấm Tử. Ông ra Kinh Thành học tập. Trong thời gian ấy có ông tiến sĩ họ Đồng, người làng Thiết Úng làm quan đồng Triều với cụ Quang Hoa. Ông bèn xin cụ Quang Hoa ông cho làm con nuôi, cụ Quang Hoa đồng ý. Từ đấy về sau họ của ông được đổi thành họ Đồng. Rồi ông được đem về Tam Tảo, Phú Lâm Tiên Du, Bắc Ninh và lấy vợ. Bà vợ này là Hiệu Diệu Minh sinh được sáu người con, ba trai, ba gái. Sau ông lại lấy bà vợ lẽ, người làng Thiết Úng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Con trai thứ nhất là Đỗ Hoàng Thịnh, ở Thiết Úng. Con trai thứ hai là Đỗ Nhân Hoàng, ở Tam Tảo. Con trai thứ ba là... ở Thiết Úng.

Con gái thứ nhất là Đỗ Thị Duyên. Con gái thứ hai là Đỗ Thị Điển. Con gái thứ ba là Đỗ Thị Thiện. Con gái thứ tư là Đỗ Thị Hợp. Con gái thứ sáu là Đỗ Thị Loan. Con gái thứ sáu là Đỗ Thị Sáu.

Lý lịc h cụ Đỗ Quang Bật được ghi rõ ở quyển Gia Phả tiếp theo ở Tam Tảo

THỨ THỨ CHI THẬP ĐẠI TỔ (Đời thứ mười thứ chi thứ)

NIÊN HỊEU VĨNH TÔ NĂM THỨ HAI SẮC PHONG MẬU LÂM TÁ LANG, LỄ BỘ THANH LẠI TY VIÊN LẠI LANG, ĐỖ LỆNH CÔNG HUÝ QUANG CHIÊU, TỰ VIÊN CÔNG DANH THẾ, TRƯỞNG CẨN HẬU TIÊN SINH

Ông là con trai trưởng cụ Nhân Chiêu, mả ở Long Mới, giỗ ngày 7 tháng 10 Âm lịch. Bà là Phạm Thị Triết, giỗngày 10 tháng 5 Âm lịch.

Con trai trưởng là Đỗ Viên Khang. Ông Viên Khang tên chữ là Quang Định. Lúc còn đương học đã hơn 40 tuổi đi thi không đỗ. Nghĩ buồn ông ra ngoài Bắc tìm anh em nhân gặp và lấy bà Đồng Thị Hạnh, người thôn Hoa Lâm, huyện Đông Anh, nội Thành Hà Nội và sinh ra ông Đỗ Công Quỳnh. Đến niên hiệu Chính Hòa năm thứ sáu lấy quê mẹ đi thi và đỗ tiến sĩ thứ 8.

Con trai thứ hai là Đỗ Viên Thuần. Con trai thứ ba là Đỗ viên Quảng.

THỨ THỨ CHI HỰU THẬP ĐẠI TỔ (Đời thứ mười thứ của thứ chi thứ)

ĐỖ LỆNH CÔNG, HUÝ LUNG, TỰ DỰ, DANH QUANG BẬT, HIỆU CƯ GIẢN, THỤY ĐỨC CHÍNH PHỦ QUÂN

Ông là con trai thứ ba cụ Quang Hoa. Trong niên hiệu Khánh đức ông được làm Chi Phủ các Phủ : Thượng Hồng, Nam Sách, Lâm Thao. Sau này ông về lập quê ở Tam Tảo và Thiết Úng. Bà là Hiệu Diệu Minh, sinh được sáu người con, 3 trai, 3 gái.

PHỤ LỤC: DANH SÁCH KHOA BẢNG

(Gồm Họ và Tên, Chức vụ, Khoa cử, Thôn, Xã, Huyện, Tỉnh)

TỈNH NAM HÀ

01 ‐ Đỗ Thành Nguyên ‐Tiến sĩ ‐ Tân Dậu ‐ Long Xuyên , Đông Yên ‐ Nam Hà

02 ‐ Đỗ Hoằng ‐ Tiến sĩ ‐ Bính Thìn ‐ Mỹ Bổng , Thư Trì ‐ Nam Hà

TỈNH PHÚC YÊN

03 ‐ Đỗ Đại Uyên ‐ Tiến sĩ ‐ Hương Mạc (Tức thôn Me Cả) , Đông Anh ‐ Phúc Yên

04 ‐ Đỗ Đồi ‐ Tiến sĩ ‐ Giáp Tuất ‐ Xuân Tảo , Tiên Phúc ‐ Phúc Yên

TỈNH THÁI BÌNH

05 ‐ Đỗ Nhật Hoài ‐ Tiến sĩ ‐ Bính Thìn ‐ An Bài , Phủ Dực ‐ Thái Bình

THÀNH PHỐ HÀ NỘI

06 ‐ Đỗ Túc Khang ‐ Tiến sĩ ‐ Bính Thìn ‐ Hà Vĩ (Tức làng Quậy) Đông Ngàn , (Đông

Anh) ‐ Hà Nội

07 ‐ Đỗ Thiện Mẫn ‐ Tuấn Dị , Gia Lâm ‐ Hà Nội

08 ‐ Đỗ Viết Phú ‐ Cử nhân ‐ Tuấn Dị , Gia Lâm ‐ Hà Nội

09 ‐ Đỗ Công Quỳnh ‐ Tiến sĩ ‐ Hoa Lâm , Đông Anh ‐ Hà Nội

TỈNH BẮC NINH

10 ‐ Đỗ Quang Bật ‐ Chi Phủ Lâm thao ‐ Thiết Úng , Đông Anh ‐ Hà Nội và Tam Tảo ,

Tiên Du ‐ Bắc Ninh

11 ‐ Đỗ Vĩnh ‐ Tiến sĩ ‐ Kỷ Hợi ‐ Ngọ kiều (Tức làng Ngò) , Yên Phong ‐ Bắc Ninh

12 ‐ Đỗ Lệ Trạch ‐ Tiến sĩ ‐ Canh Tuất ‐ Hữu Chấp , Yên Phong ‐ Bắc ninh

13 ‐ Đỗ Quốc ‐ Tiến sĩ ‐ Bính Tuất Xa ‐ Hoa Bắc , Hà ‐ Bắc Ninh

TỈNH BẮC GIANG

14 ‐ Đỗ Văn Miện ‐ Tiến sĩ ‐ Ất Sửu ‐ Hoàng Mai , Yên Dũng ‐ Bắc Giang

15 ‐ Đỗ Văn Trù ‐ Tiến sĩ ‐ Canh Thìn ‐ Yên Linh (Tức làng Nếnh) , Yên Dũng ‐ Bắc

Giang

16 ‐ Đỗ Chính Niệm ‐ Tiến sĩ ‐ Giáp Thìn ‐ Kha Lý , Vĩnh Yên ‐ Bắc Giang

TỈNH HÀ TÂY

17 ‐ Đỗ Viên Khánh ‐ Tiên Phong , Tiên Phong ‐ Hà Tây

18 ‐ Đỗ Công Cận ‐ Tiến sĩ ‐ Canh Tuất ‐ Tiên Phong ‐ Hà Tây

19 ‐ Đỗ Văn Trung ‐ Tiến sĩ ‐ Ất Sửu ‐ An Trung , Thanh Trì , Hà Tây (Hà Nội)

20 ‐ Đỗ Lý Khiêm ‐ Thám Hoa ‐ Kỷ Mùi ‐ Ngoại Lãng , Thanh Trì ‐ Hà Tây (Hà Nội)

21 ‐ Đỗ Oanh ‐ Tiến Sĩ ‐ Mậu Thìn ‐ Ngoại Lãng , Thanh Trì ‐ Hà Tây (Hà Nội)

22 ‐ Đỗ Cảnh ‐ Tiến sĩ ‐ Ất Sửu ‐ Hoằng Liệt , Từ Liêm ‐ Hà Tây (Hà Nội)

23 ‐ Đỗ Văn Tổng ‐ Tiến sĩ ‐ Canh Thìn ‐ An Khoái , Từ Liêm ‐ Hà Tây (Hà Nội)

24 ‐ Đỗ Công Luận ‐Tiến sĩ ‐ Kỷ Hợi ‐ An Khoái , Từ Liêm ‐ Hà Tây (Hà Nội)

25 ‐ Đỗ Công Toản ‐ Tiến sĩ ‐ Kỷ Hợi ‐ An Khoái , Từ Liêm ‐ Hà Tây (Hà Nội)

26 ‐ Đỗ Văn Hãng ‐ Tiến sĩ ‐ Giáp Tuất ‐ Mễ Trì , Từ Liêm ‐ Hà Tây (Hà Nội)

27 ‐ Đỗ Lệnh Danh ‐ Tiến sĩ ‐ Bính Tuất ‐ Cựu Lạc , Thanh Trì ‐ Hà Tây (Hà Nội)

28 ‐ Đỗ Công Lang ‐ Tiến sĩ ‐ Giáp Thìn ‐ Đôn Thư , Thường Tín ‐ Hà Tây

29 ‐ Đỗ Đễ ‐ Tiến sĩ ‐ Ất Sửu ‐ Hương Thị , Thạch Thất ‐ Hà Tây

30 ‐ Đỗ Văn Hiệu ‐ Thám Hoa ‐ Ất Sửu ‐ Hữu Tiên , An Sơn ‐ Hà Tây

TỈNH HƯNG YÊN

31 ‐ Đỗ Viên Lục ‐ Tuần Phủ ‐ Đan Nhưỡng , Văn Giang ‐ Hưng Yên

32 ‐ Đỗ Khắc Kính ‐ Tiến sĩ ‐ Giáp Thìn ‐ Văn Giang ‐ Hưng Yên

33 ‐ Đỗ Khắc Niệm ‐ Tiến sĩ ‐ Đinh Mùi ‐ Văn Giang ‐ Hưng Yên

34 ‐ Đỗ Viên Tể ‐ Tiến sĩ ‐ Quý Sửu ‐ Lại Ốc , Văn Giang ‐ Hưng Yên

35 ‐ Đỗ Tôn ‐ Trạng nguyên ‐ Lại Ốc , Văn Giang ‐ Hưng Yên

36 ‐ Đỗ Phổ ‐ Tiến sĩ ‐ Ất Mùi ‐ Lại Ốc , Văn Giang ‐ Hưng Yên

37 ‐ Đỗ Trực ‐ Trạng nguyên ‐ Canh Thìn ‐ Lại Ốc , Văn Giang ‐ Hưng Yên

38 ‐ Đỗ Viên Khuê ‐ Đỗ Xá , Mỹ Hào ‐ Hưng Yên

39 ‐ Đỗ Trác Dỵ ‐ Tiến sĩ ‐ Đinh Mùi ‐ Đỗ Xá , Mỹ Hào ‐ Hưng Yên

40 ‐ Đỗ Hồng ‐ Thám hoa ‐ Canh Thìn ‐ Đỗ Xá , Mỹ Hào ‐ Hưng Yên

41 ‐ Đỗ Công Mạch ‐Tiến sĩ ‐ Ất Sửu ‐ Thượng Hồng , Gia Lâm ‐ Hưng Yên (Hà Nội)

42 ‐ Đỗ Công Đình ‐ Tiến sĩ ‐ Bính Tuất ‐ Thượng Hồng , Gia Lâm ‐ Hưng Yên (Hà Nội)

43 ‐ Đỗ An ‐ Tiến sĩ ‐ Đại Lạc , Văn Giang ‐ Hưng Yên

TỈNH HẢI DƯƠNG

44 ‐ Đỗ Viên Tú ‐ Gia Phúc , Gia Phúc ‐ Hải Dương

45 ‐ Đỗ Vinh ‐ Tiến sĩ ‐ Ất Hợi ‐ Gia Phúc ‐ Hải Dương

46 ‐ Đỗ Viên Diễn ‐ Cẩm Giàng , Ninh Giang ‐ Hải Dương

47 ‐ :Đỗ Bá Linh ‐ Tiến sĩ ‐ Tân Sửu ‐ Cẩm Giàng , Ninh Giang ‐ Hải Dương

48 ‐ Đỗ Phúc Lập ‐ Tiến sĩ ‐ Kỷ Hợi ‐ Cẩm Giàng , Ninh Giang ‐ Hải Dương

49 ‐ Đỗ Văn Chinh ‐ Tuần Phủ ‐ Đoàn Lâm , Gia Phúc ‐ Hải Dương

50 ‐ Đỗ Văn Chú ‐ Tiến sĩ ‐ Bính Thìn ‐ Đoàn Lâm , Gia Phúc ‐ Hải Dương

51 ‐ Đỗ Viên Minh ‐ Cao phong Hầu ‐ Tứ Kỳ , Tứ Kỳ ‐ Hải Dương

52 ‐ Đỗ Duy Kiểm ‐ Tiến sĩ ‐ Canh Tuất ‐ Tứ Kỳ , Tứ Kỳ ‐ Hải Dương

53 ‐ Đỗ Đình Huấn ‐ Tiến sĩ ‐ Kỷ Mùi ‐ Tứ Kỳ , Tứ Kỳ ‐ Hải Dương

54 ‐ Đỗ Bá Hạng ‐ Tiến sĩ ‐ Ất Sửu ‐ Từ Xá , Tứ Kỳ ‐ Hải Dương

55 ‐ Đỗ Chương ‐ Tiến sĩ ‐ Mậu Thìn ‐ Quang Bị , Tứ Kỳ ‐ Hải Dương

TỈNH THANH HÓA

56 ‐ Đỗ Viên Tính ‐ Quận công,Quốc ‐ Công Vĩnh Lộc ‐ Thanh Hoá

57 ‐ Đỗ Thuần Nhân ‐ Tiến sĩ ‐ Nhâm Thìn ‐ Thạch Bàn, Đông Sơn ‐ Thanh Hoá

Chú thích:

1 Cụ Tổ xưa nhất được Tông Phả chép lại là Sứ Quân Đỗ Cảnh Thạc vào thế kỉ thứ 10. Sứ quân bị Đinh Bộ Lĩnh tức Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp năm 967 (Wikipedia). Ở Việt Nam, có rất nhiều Họ Đỗ ở rải rác nhiều nơi khác nhau. Tỷ như có Họ Đỗ xưa, ở Thanh Lãng Bình Xuyên, Cụ Thủy Tổ Đỗ Minh Khôi làm Hiệu Sinh phủ Yên Lãng triều Lý đời thứ tư (1072‐1128) tới nay đã 900 năm và 26 đời. Sách Họ Đỗ Việt Nam (Đỗ Tòng chủ biên, NXB, VH‐TT, Hà Nội 2001) viết Họ Đỗ là người Việt cổ sống từ xa xưa, 5000‐6000 năm về trước, trước cả thuở lập nước Văn Lang, trước cả thời vua Hùng đời thứ nhất. Theo Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư, Bách Việt Tộc Phả thì những người họ Đỗ xa xưa nhất là Cụ bà họ Đỗ, huý Ngoạn, hay Công chúa Đoan Trang, gọi theo họ là Đỗ Quý Thị. Chồng là Nguyễn Minh Khiết tức Đế Minh, con là Lộc Tục tức Kinh Dương Vương. Mộ và miếu thờ cụ ghi trong thư tịch cũ vẫn còn ở Ba La, thị xã Hà Đông. Cụ theo đạo Bà La môn, đạo hiệu là Hương Vân Cái Bồ Tát. Thời Hùng Vương thứ Sáu có Đỗ Phụng Chân ở trang Khê Kiều, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình có công đánh giặc Ân, được tôn làm Thành Hoàng. Thời Hùng Nghị Vương (thứ 17) ở trang Nhân Lý, nay là làng Tiểu Quan ( Châu Giang, Hưng Yên) có một gia đình họ Đỗ (Đỗ Quang) gồm 2 trai 1 gái đã có công giúp nước. Thời Hùng Vương thứ 18, ở trang Cổ Tiết ( Thái Bình) có gia đình Đỗ Công Điềm và ba con trai Đỗ Quân Tấu , Đỗ Lục Lang, Điền Khánh và con gái là Liên Nương đã có công chống giặc, giúp dân, được suy tôn làm Thành Hoàng làng. Từ đầu Công nguyên, nhất là từ thời Hai Bà Trưng, các nhân vật họ Đỗ được ghi tên trong sử sách ngày càng nhiều. Hiện nay, họ Đỗ Việt định cư từ miền cực Bắc đến tận Cà Mau, ước lượng khoảng 320 chi và nhánh họ Đỗ ( trong đó có 124 chi họ Đỗ ở vùng Nghệ ‐ Tĩnh, Nam Thanh Hoá, gọi là Đậu). Nhưng hình như trên thực tế, con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số thực sự các chi nhánh họ Đỗ.

2 Tông Phả và các bản khác nói Cụ Đỗ Phú có từ Lào về Việt Nam khoảng 1430 và qua đời tại Việt Nam. Nhưng trưởng Nam, Cụ Đỗ Phiếm đem gia đình về định cư ở Đông Biện, nên được xem như Tổ Đời Một Họ Đỗ ở Đông Biện.

3 Từ năm 1470 dưới triều Lê Thánh Tông, đã có Đô Đốc Quốc Công Đỗ Nhuận.

4 Tôi nghĩ có lẫn lộn Tên Các Cụ Trưởng Chi, Thứ Chi và Thứ Thứ Chi. Xin xem Phụ Lục phần cuối bài.

5 Tác giả Phạm Hồng Lam viết Hòa Lang thay vì Hoa Lang, hay FaLang, là có lỗi chính tả. Nhiều người tưởng viết Đạo Hòa Lang là La Religion des Hollandais; đó là sai lầm lớn, vì vào thế kỉ XVII, người Hòa Lan nổi tiếng thời ấy là những tín đồ nhiệt thành phái Dị giáo Tin Lành (hérétiques Protestants), kẻ thù của Công Giáo Catholicisme (từ hậu bán thế kỷ 16 và về sau kéo dài khá lâu, Công Giáo Église Catholique rất mạnh và xem các Đạo Eglises khác là kẻ thù). Đạo Hoa Lang hay FaLang khi truyền đến Việt Nam, tức ngày nay là Ki Tô Giáo 基督教, 耶稣教 jidu jiào, yesu jiào, Thiên Chủ Giáo天主教 tian zhŭ jiào, phải được dịch là Đạo của người Bồ Đào Nha (La Religion des Portugais), vì khi tới Đông Nam Á, người Bồ ăn mặc quần áo sặc sở, nên người Việt ta gọi họ là người Hoa Lang (hay Falang, theo thổ âm Quảng Đông). Hoa Lang花郎huā láng có nghĩa người hoa hòe, Lang đây diễn Nôm là anh chàng (gentleman). Cám ơn Ông Bạn Nguyễn Tấn Hưng và các bạn đã nhắc nhở điểm này.

6 Cuốn Từ điển Việt ‐ Bồ ‐ La (Dictionarium Annamiticum, Lusitanum, et Latinum, Roma, 1651) của A Lịch Sơn Đắc Lộ Alexandre de Rhodes (1593‐1660) và các bạn Dòng Tên của ông, đồng tác‐giả, làm 87 năm sau thời Cụ Đỗ Công Biểu đậu Cống Sinh (1564‐1651), theo Phạm Hồng Lam, có định nghĩa chức Cống, Ông cống hay Hương cống, chỉ bậc nhì trong kỳ thi Hương, ai đỗ chức ấy thì được miễn thuế. Vậy hẳn là cái chức ngày nay gọi là Cử nhân. Như vậy Cụ Biểu đỗ Hương Cống năm Ký Dậu 1564. Những bộ sử ký và các tài liệu chính thức khác, thường hay nói đến các Cống sĩ để chỉ những người thâm nho, những học sinh, những thí sinh; nhưng ít khi gặp chữ Cống Sinh.

7 Tác giả Phạm Hồng Lam cũng có ghi : Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thì trong đời Chính Trị 1558‐1571, có bốn khoa thi, 1558 năm Kỷ vị, Chính Trị đệ nhị; 1562, năm Nhâm tuất, Chính Trị đệ ngũ; 1565, năm Ất sửu, Chính Trị đệ bát; và 1571, năm Tân vị, Chính Trị thập tứ. Vậy thì trong năm Chính Trị đệ thất không mở khoa thi. Bộ Cang mục chép có hương thi ở Tây Đô trong Chính Trị thứ bảy, năm 1564 quả không có khoa thi nào. Song le, năm 1565, có một khoa thi Hội, đỗ thì bậc tiến sĩ xuất thân và Đông xuất thân; nhưng những khoa thi Hội ấy mở sau các khoa thi Hương, Hương thí mở trước Hội thí một năm. Vậy Cụ Đỗ Công Biểu hẳn phải có đi thi Hương năm 1564 và đỗ chức Cống sinh (Hương Cống).

8 Hải Phòng

9 Nam Định

10 Xã Hoàng Lộc thuộc huyện Hoằng Hóa, trước 45, tên là Hoằng Bột, gồm hai làng Hoằng Nghĩa và Bột Hưng. Hoằng Nghĩa có truyền thống vể học hành khoa cử, đã sinh sản ra nhiều khoa bảng nổi tiếng. Trong hơn bốn thế kỷ, Hoằng Lộc có mười hai người được đề danh trên bảng vàng đại khoa, trong đó có bảy vị được khắc tên tại bia đá đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám; có hai người đỗ tam khôi là ông Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất và ông Thám hoa Nguyễn Sư Lộ; hai người đỗ Đình nguyên Hoàng giáp là ông Nguyễn Thứ và ông Nguyễn Lại (hai kỳ thi này không lấy tam khôi); một người đỗ Hội nguyên là ông Nguyễn Nhân Thiệm và hai người đỗ Hoàng giáp là ông Nguyễn Cẩn và ông Nguyễn Bá Nhạ. Tài liệu Wikipedia.

11 Từ cái tên ban đầu thuở khai sinh lập địa, là làng Biện Đà rồi đổi thành Đông Biện. Đến năm Ất dậu Hàm Nghi 1 (1885), Đông Biện mới đổi tên là làng Bồng Trung và tên này được lưu giữ tới ngày nay.

12 Năm 1470 hai vị trai làng người họ Đỗ đã một lòng theo vua Lê Thánh Tông đi dẹp giặc Chiêm Thành và một vị lập công xuất sắc nên nhà vua đã phong tới chức đô đốc phủ tả đô đốc, sau nhà vua còn sắc phong là Quốc công đó là cụ Đỗ Nhuận. Quốc công Đỗ Nhuận (quan nhà Hậu Lê) sinh được năm người con trai cũng đều đỗ tiến sĩ vào đời vua Lê Thánh Tông và vua Lê Hiến Tông.

13 Nhân tài Làng Đông Biện không thiếu, sau này, Cụ Đỗ Thời Viêm người họ Đỗ Đông Biện làm quan đốc học tại tỉnh Ninh Bình. Hay Cụ Nguyễn Huy Tế người họ Nguyễn Đông Biện làm tới chức tả thị lang bộ hộ, đều là những người trung trực, ngay thẳng nên trong triều đã được vua Tự Đức sủng ái. (Wikipedia)

14 Triều Chính Trị chỉ có 14 đời (1558‐1571), niên hiệu Chính Trị khởi từ năm Mậu ngọ, 1558, đến năm Tân vị 1571 thì hết, kể được 14 năm. Quả thế bộ Cang Mục chép cho chúng ta biết rằng tháng giêng năm Nhâm thân, 1572, vua Lê Anh Tôn làm lễ tế Giao có để rơi cái lư trầm. Cái triệu bất thường ấy khiến người ta phải lo yểm trừ gấp bằng cách thay đổi niên hiệu, và năm 1572 thay cho năm Chính Trị thứ mười lăm, thì lại đặt niên hiệu Hồng Phúc đệ nhất; nhưng còn có xảy ra nhiều chuyện quan trọng hơn. Ngày 21 tháng 11 nghĩa là vào khoảng cuối năm 1572 hoặc đầu năm 1573 vua Lê Anh Tôn cùng bốn người con trốn vào Nghệ An, ngày 22 tháng giêng năm quý dậu, 1573, nhà vua thăng hà, có lẽ bị Trịnh Tòng sát. Đối với dân chúng, ít ai hay biết những chuyện ấy; và năm 1572 đáng là niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất, người ta chỉ gọi là niên hiệu Chính Trị thứ mười lăm, mãi cho đến sau chuyện xảy ra đã lâu mà cũng gọi thế. Theo Phạm Hồng Lam.

15 Thanh Đô vương Trịnh Tráng (鄭梉, 1577–1657) là chúa Trịnh thứ 3 thời Lê trung hưng và là chúa thứ hai chính thức xưng vương khi còn tại vị, nắm thực quyền cai trị miền Bắc nước Đại Việt từ năm 1623 đến 1657.

16 MEP, linh mục Thừa Sai thuộc dòng Misions Étrangères de Paris.

17 Tác giả Phạm Hồng Lam ghi Bulletin des Amis du Vieux Huế năm 1941, trang 18‐81, nhưng Ông bạn Nguyễn Tấn Hưng, Sử Học và Sinh Ngữ Học gia tốt nghiệp EPHE La Sorbonne, Paris, đọc bản thảo, đã giúp tôi đính chính lại cho đúng.

18 Trong tập Đô Thành hiếu cổ 1941, Bulletin des Amis du Vieux Huế, tr.351‐358, Cố Thảo cũng có viết một bài nhan đề là: La Princesse Marie d’Ordunez de Cevallos, kể chuyện Công chúa Maria trở lại đạo về cuối thế kỷ 16, tại kinh đô tạm thời của nhà Lê, trong tỉnh Thanh Hóa, và việc ấy là do một vị linh mục Y Pha Nho, Ordunez de Cevallos, có đến xứ Bắc Kỳ trong thời kỳ đó, kể lại. Flora Maria có thể là tên dịch của Công Chúa Mai Hoa. Cách hai cây số về phía tây bắc An trường, có khu làng “Gia tô”, xóm Giatô mà Ordunez đã nói đến. Dân vùng ấy tôn thờ một bà công chúa nhà Lê, có ba miếu thờ bà, mà họ gọi là bà Mai Hoa Công chúa, hay bà Công chúa Chè, hoặc Công chúa Chiêm Thành. Người ta chỉ cúng hoa, không cúng xôi thịt. Bà dược gọi là công chúa Chiêm Thành, bởi vì mẫu thân là bà Cung phi người Chiêm Thành, và Công chúa Chè bởi vì bà đã gia công khai thác việc trồng chè. Hình như, vua Lê Thần Tôn có lấy một bà vợ Hoa Lang (ý nói người Bồ Đào Nha hay ngoại quốc), tượng bà được thấy trong một ngôi đền thờ vua Lê Thần Tôn ở gần tỉnh thành Thanh Hóa.

19 Cửa Bạng là một địa danh nổi tiếng trong lịch sử truyền giáo, nhưng tới ngày nay tại cửa Bạng, tức làng Do Xuyên hầu như không còn vết tích gì liên hệ tới giáo hội Ki Tô. Ta thường nói tới Ba Làng, là giáo xứ lớn vào hàng nhất của giáo phận Thanh Hóa, nằm cách cửa Bạng mấy cây số về phía bắc. Sở dĩ gọi Ba Làng vì giáo xứ này được thành lập chiếm diện tích của ba thôn : Như Xuân, Ngoại Hải và Sung Mãn.

20 Từ năm 1659, thành lập giáo phận Ðàng Ngoài, đến giáo phận Tây Ðàng Ngoài (1679), giáo phận Tây (1846), giáo phận Ðoài (1895), giáo phận Thanh (1901), sau là giáo phận Phát Diệm (1924), vùng đất Thanh Hóa đã có nhiều cơ sở và giáo xứ đông người do các cha dòng Tên và Hội Thừa Sai Paris phục vụ.

21 Tôi đếm chỉ thấy có các họ : Đỗ, Tống, Phạm, Hoàng, Mai, Nguyễn, Trương, Đoàn.

22 Thân phụ và Thân mẫu thì hay nhắc đến Thánh Tử Vì Đạo Giacôbê Ðỗ Mai Năm, sinh năm 1781 tại Ðông Biện, Thanh Hóa, Linh mục thuộc Hội Thừa Sai Balê, đã trốn tránh khỏi bị bắt một thời gian lâu dài trong nhà Thánh Antôn Ðích. Ngài bị khám phá ra và cả hai bị bắt cùng với bố vợ của thánh Antôn là Micae Mỹ. Bị xử trảm ngày 12/08/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/08.

23 Ở đây có lẽ Phả diễn Nôm không đúng về tên Đại Chủng Viện Pinan, phải viết là Penang. Ở Mã Lai có Grand séminaire de Penang còn gọi là Collège Général, nơi từ thế kỷ 16, đã đào tạo Thần Học cho rất nhiều các Linh mục ở Á châu. Thánh Đỗ Mai Năm đã được gửi qua Mã Lai học Đại Chủng Viện Penang, và có lẽ thụ phong Linh Mục tại đó khoảng năm 1820. Khi bị xử trảm Ngài thọ 50 tuổi.

24 Hậu duệ Cụ Án Đỗ Các cũng có Ông tên Nguyễn Ngọc San, thứ nam của Ông Nguyễn Dỵ và Bà Đỗ Thị Ngân.

Bà Ngân là con Bà Phạm Thị Lương, vợ thứ Ba của Cụ Án Đỗ Các.

25 Đỗ Cảnh Thạc, hán tự viết 杜景碩, bính âm là dù jĭng shuò; ( ? ‐ 967) là tướng nhà Ngô và là một trong 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam. Theo thần phả Độc nhĩ đại vương ở Thanh Oai được các nhà nghiên cứu sử dụng bổ sung cho sử liệu, cha Đỗ Cảnh Thạc là Đỗ Thục, người gốc Quảng Lăng (Trung Quốc). Thời Ngũ đại Thập quốc tương đương thời kỳ tự chủ Việt Nam, Đỗ Thục sang Tĩnh Hải quân và sinh ra Đỗ Cảnh Thạc.

Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục của nhà Nguyễn chú rằng Đỗ Cảnh Thạc ʺngười huyện Thuận Đức thuộc Quảng Đôngʺ. Như vậy các nguồn tài liệu đều ghi Đỗ Cảnh Thạc có nguồn gốc Trung Quốc. Họ Đỗ cùng tộc với thi hào Đỗ Phủ 杜甫 quê Tứ Xuyên.

Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để cướp ngôi Tiết độ sứ. Đỗ Cảnh Thạc vào Ái châu đi theo Ngô Quyền. Năm 938, ông giúp Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn và sau đó phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền xưng vương (939), phong Đỗ Cảnh Thạc làm chỉ huy sứ. Năm 944, Tiền Ngô Vương mất, Dương Tam Kha giành ngôi của thái tử Ngô Xương Ngập, tự xưng là Dương Bình vương. Xương Ngập bỏ trốn, chạy đến Nam Sách Giang, ẩn náu tại nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương. Tam Kha nhận em Xương Ngập là Ngô Xương Văn làm con nuôi. Dương Tam Kha sai Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi đem quân đi lùng Xương Ngập, ba lần đến Trà Hương đều không bắt được Xương Ngập vì Phạm Lệnh Công đem Xương Ngập giấu vào trong động núi. Tam Kha biết tin, lại sai lùng tìm nhưng cuối cùng vẫn không tìm thấy.

Năm 950, Dương Bình vương lại sai ông và Dương Cát Lợi đi cùng Ngô Xương Văn đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình. Khi đi đến huyện Từ Liêm, Xương Văn bảo hai tướng rằng: Đức trạch của Tiên vương ta thấm khắp lòng dân, tất cả các chính lệnh thi hành không ai là không vui lòng theo cả. Chẳng may Tiên vương ta mất đi. Bây giờ Bình vương là kẻ bất nghĩa, tự cướp lấy ngôi, còn tội gì hơn nữa! Nay lại sai chúng ta đi đánh các ấp vô tội kia, may mà được đã vậy, nếu họ không phục thì làm thế nào?

Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi xin nghe theo mệnh lệnh của Xương Văn. Xương Văn bàn mưu đem quân quay về đánh úp Bình Vương để phục lại cơ nghiệp nhà Ngô. Hai quan sứ đều đồng tình, giúp Xương Văn quay về đánh đổ Dương Tam Kha. Dưới thời Hậu Ngô Vương, Đỗ Cảnh Thạc tiếp tục được trọng dụng. Năm 965, Ngô Xương Văn đi dẹp loạn bị tử trận. Theo sử sách, trong lúc triều đình Cổ Loa hỗn loạn, Đỗ Cảnh Thạc cùng các tướng Dương Huy, Kiều Tri Hựu và Lã Xử Bình tranh giành quyền bính. Sau đó ông kéo quân ra ngoài, chiếm giữ vùng Đỗ Động Giang, đắp thành Quèn cát cứ, trở thành một sứ quân, tự xưng Đỗ Cảnh Công. Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc là một sứ quân mạnh, có cung thành chắc chắn và hào sâu bao quanh. Theo thần phả Độc nhĩ đại vương ở Thanh Oai, Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng mưu lược, Đinh Bộ Lĩnh phải bàn mưu tính kế mà đánh. Ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây 4 mặt thành và tiến đánh bất ngờ vào Trại Quyền. Bấy giờ Đỗ Cảnh Thạc đang ở đồn Bảo Đà, quân tướng không ứng cứu được nhau, bị mất cả thành luỹ, đồn trại, lương thực bèn bỏ thành chạy. Hai bên giao tranh hơn một năm sau, Đinh Bộ Lĩnh hạ được thành. Đỗ Cảnh Thạc bị trúng tên chết. Đó là năm 967. Năm sau, Đinh Bộ Lĩnh dẹp hết các sứ quân lên làm hoàng đế, tức là vua Đinh Tiên Hoàng. Tài liệu Wikipedia.

26 Phả này rõ ràng, Cụ Đỗ Phú từ Ai Lao về Thanh Hóa, nhưng con Cụ, Đỗ Viên Thịnh về định cư ở Biện Thượng và được xem Ông Tổ đời Một Họ Đỗ Bồng Trung. Có một thuyết khác về Cụ Đỗ Phú, xin xem phần cuối bài.

27 Thành điện Lam kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (gọi là du sơn) mặt Nam nhìn ra sông Chu ‐ có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam ‐ Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Qua khảo cổ và dấu tích còn lại cho thấy xưa kia ở đây đã từng tồn tại Ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu Thái miếu... nguy nga tráng lệ.

28 Xin xem phần Phụ Lục Danh Sách Khoa Bảng

29 Phần này Gia Phả viết ngược lại với tài liệu Wikipedia : Sứ quân Đỗ cảnh Thạc bị Đinh Bộ Lĩnh hạ thành, rồi bị trúng tên mà tử vong.

30 Theo ghi chép ở bản Phả này, thì có thể hiểu Cụ Đỗ Phú qua lập nghiệp bên Ai Lao trước, còn được cử cử lên làm vua trông nom việc nước. Sau đó Cụ mới trở về Việt Nam và có ý tranh dành với Lê Lợi, khi đem an táng thân phụ tại Khu Phật Hoàng, núi Nam Kinh. Sau đem quân đánh Lê Lợi, không biết là theo quân Minh để chinh phạt, hay dùng nghĩa quân của mình để tranh dành quyền thế.

31 Tông Phả viết bằng Hán tự. Phần Diễn Nôm nay gồm những ca dao hoàn toàn Nôm. Tôi không hiểu nguyên bản Hán tự như thế nào.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét