XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Chuyện chưa kể về người tìm ra sâm Ngọc Linh

Vai mang ba lô đi bộ hàng tháng trời dọc đông Trường Sơn, tây Trường Sơn dưới mưa bom khốc liệt, ông vẫn không phát hiện thấy dấu vết của nhân sâm.
Cuối cùng, ông quyết định leo lên đỉnh núi tổ của dãy Trường Sơn là đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 mét thì bất ngờ phát hiện ra nhân sâm đốt trúc. Đó là lần đầu tiên cây sâm quý được phát hiện ở Việt Nam và ông cũng chính là người đặt tên Ngọc Linh cho loại dược liệu quý này.
Gian nan tìm "thần dược" bản địa...
Dược sĩ Đào Kim Long quê ở làng Lỗ Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghề thuốc. Từ thời cụ, ông nội, cha của Đào Kim Long đều được truyền lại những bài thuốc bí truyền trị một số bệnh khó chữa thời ấy như bệnh lậu, giang mai...
Người tìm ra và đặt tên cho cây sâm quý chính là dược sĩ Đào Kim Long, năm ấy được Bộ Y tế cử đi tìm, nghiên cứu thuốc quý cho bộ đội kháng chiến ở Trường Sơn. Đó là những năm 1970, khi dược sĩ Long mới hơn 30 tuổi, đang nằm điều trị ở Bệnh viện Hòe Nhai với bệnh thấp khớp teo cơ, một chân bị teo đi nhỏ hơn chân kia đến 4 cm, đi phải dùng gậy. Nhưng khi nghe lãnh đạo đến tận phòng bệnh và nói: Đoàn đi điều tra cây thuốc cho bộ đội Trường Sơn hy sinh cả, không còn ai nghiên cứu cây thuốc cho bộ đội nữa, thì ông ngỏ ý muốn theo tiếp công việc này.
Ba tháng trời ròng rã đeo ba lô gạch tập leo núi ở Hòa Bình, cuối cùng ông cũng mang được 30 kg gạch trên vai leo núi cả ngày không mỏi. "Lúc bắt đầu đi Nam thì vẫn chân bé, chân to nhưng sau 3 tháng đi bộ vào đến nơi thì hai chân bằng nhau", dược sĩ Đào Kim Long nhớ lại.
Với ông, đó là những năm tháng đi bộ may mắn nhất trong đời bởi ông được đi dọc theo tây Trường Sơn, cũng là hướng di cư của cây cỏ. Những năm tháng ấy, ông đã ghi chép được tỉ mẩn từng luồng di cư của cây thuốc như cây Ba Kích từ miền Bắc đi qua Quang Trị, Thừa Thiên - Huế thì đột nhiên dừng lại, không phát triển nữa.
Dọc chuyến đi tây Trường Sơn ấy, người ta chỉ chú tâm mang gạo, mang lương thực, những đoạn đèo dốc nặng nhọc có người còn vứt bớt cả gạo thịt đi, còn vị dược sĩ vẫn đeo trên lưng đủ 7 quyển Thực vật chí Đông Dương nặng hơn chục cân. Và gần 400 cây thuốc ở núi Trường Sơn, lần đầu tiên đã được ông tìm ra và ghi chép tỉ mỉ về phân bố, đặc điểm sinh thái.
Sau hàng tháng trời ròng rã vừa leo núi vừa nghiên cứu cây thuốc dọc tây Trường Sơn mà vẫn chưa phát hiện thấy dấu vết của nhân sâm, vị dược sĩ nghĩ không thể tìm thấy sâm di cư từ phía Bắc vào được, liền xin cấp trên được tiếp tục đi dọc núi phía đông Trường Sơn.
Tiếp tục đi bộ từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... Đào Kim Long tìm thêm được 400 cây thuốc nữa. Cũng trong chuyến đi dọc đông Trường Sơn, ông nghĩ chỉ có thể tìm được nhân sâm ở đỉnh núi Ngọc Linh mà thôi, bởi đó là đỉnh núi tổ phân lưu đi khắp cả đông, tây Trường Sơn.
Trước những nghiên cứu kỹ lưỡng của ông Long, Bộ Y tế đã cử hẳn một đoàn đi tìm nhân sâm. Ông Long kể lại: Lặn lội nhiều ngày trời trên ngọn núi tổ, cuối cùng ngày mong chờ cũng đến, khi ấy tôi đang đi phía trước thì một thành viên trong đoàn tên là Châu Giang cầm một cây nhỏ chạy vọt lên hỏi: Thầy ơi, cây gì đây? Đó là ngày 19/3/1973, vào lúc 9 giờ sáng. Tôi nhìn bàng hoàng rồi hỏi lại: Em lấy ngọn cây này ở đâu? Giang liền dẫn tôi quay lại khoảng mười bước chân và chúng tôi gặp được cây nhân sâm đầu tiên trên núi Ngọc Linh. Tôi nói nhỏ: Đây là cây mình đang tìm! Sau đó, tôi quyết định lên cao hơn.
Đến 17 giờ cùng ngày, khi dừng bên dòng suối thì đã gặp cả thảm nhân sâm dày đặc, gần như thuần chủng, mọc xanh tốt, nở hoa thơm ngát... Lúc ấy, tuy đã hết gạo nhưng chúng tôi vẫn ở lại suốt nửa tháng sống bằng rau rừng, nước nhân sâm... để nghiên cứu về đất đai, khí hậu, đặc điểm sinh thái. Khi đó, chúng tôi đã thấy không có bằng chứng sâm Ngọc Linh di cư từ Hoa Nam (Trung Quốc) xuống hay Malaysia, Ấn Độ sang. Đó là cây sâm bản địa của Việt Nam".
Ngọc Linh hay cây "thuốc giấu" của người Xê đăng
Theo dược sĩ Đào Kim Long, điều đặc biệt là sâm Ngọc Linh phân tán theo dòng nước. Vào khoảng tháng 9, tháng 10, khi chín, cây lụi đi, đổ hạt xuống đất và những cơn mưa nhỏ kéo các hạt di cư xuống dưới mọc thành cây. Vì thế, cây sâm Ngọc Linh có thể mọc ở bờ suối hoặc ngay trên hòn đá giữa suối.
Những cuộc mò mẫm trong rừng điều tra điều kiện sống, sự di cư của sâm quý khiến chàng dược sĩ trẻ bị đồng bào dân tộc nghi là biệt kích, bắt và giải về bản. "May thay, khi giải tôi về bản thì trưởng bản Đak Man nhận ra bảo nó là người nhà nên tôi mới được thả", ông Long kể.
Ngày ấy, để có được kết quả nghiên cứu đầy đủ về sâm quý, ông từng vào tận thung lũng Arêu trên đỉnh Ngọc Linh. Thung lũng Arêu ngày ấy rộng lớn và mịt mùng đến nỗi máy bay rơi ở đó thì không tài nào tìm nổi, còn người bản địa thì lắc đầu quầy quậy khi nghe nhắc đến tên. Cuối cùng chỉ có ba thầy trò Đào Kim Long luồn rừng vào tận thung lũng Arêu trên đỉnh Ngọc Linh.
Cái tên cây "thuốc giấu" của người Xê đăng cũng bắt đầu xuất hiện từ những năm tháng ông Long leo rừng, lội suối, ăn ngủ nhờ người các bản làng để nghiên cứu sâm Ngọc Linh. Nhớ lại những năm tháng ấy, ông Long nói: "Tôi đã dạy cho người Xê đăng cách dùng sâm quý. Tôi dặn họ phải giấu kỹ đi kẻo địch phát hiện. Người nọ truyền tai người kia và cái tên cây Thuốc giấu ra đời từ đó". Không chỉ được dạy cách dùng sâm quý, các bản làng như Đakman, Moza... ngày ấy còn thường được trưởng bản triệu tập đông đủ để nghe vị dược sĩ nói về cây thuốc nam, cách sử dụng và chế biến những thứ cây cỏ tưởng như bỏ đi thành vị thuốc hiệu nghiệm.
Sâm Ngọc Linh không chỉ đơn thuần là cây nhân sâm đốt trúc như sâm Nhật Bản, mà Ngọc Linh còn có những tính năng y dược mà cả sâm Nhật Bản và sâm Trung Quốc đều không có được. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Minh Đức (Trường ĐH Y Dược TP HCM) thì về mặt hoá học, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 saponin. Trong đó, 26 sanopin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật (sâm Triều Tiên có khoảng 25 sanopin).
Không chỉ là lời đồn thổi mà sâm Ngọc Linh đã được các nhà khoa học chứng minh có nhiều tính năng y dược thuộc hàng "thần dược" như: Chống oxy hóa, chống lão hóa, kích thích hệ miễn dịch, phòng chống một số bệnh về ung thư, tốt cho gan, cải thiện sinh dục. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống oxy hóa.
Sâm Ngọc Linh
Dược sĩ Đào Kim Long kể rằng, trước đây từng có chủ trương đưa cây sâm quý này xuống phát triển ở đồng bằng để nhân rộng cho nhân dân được sử dụng. Nhưng ngay từ ngày đó, ông đã khẳng định cây sâm Ngọc Linh chỉ phát triển được ở núi Ngọc Linh mà thôi, nếu chuyển đi vùng đất khác, kể cả ngọn núi khác thì cũng sẽ không còn những tính năng y dược thần kỳ như vậy nữa.
Hiện trên núi Ngọc Linh có hai vườn giống lớn, một ở phía Quảng Nam trên độ cao 1.900 mét; một ở phía Kontum trên độ cao 2.000 mét. Giá một lạng sâm Ngọc Linh loại tốt có tuổi đời khoảng 50 năm, dao động từ 10 triệu đồng trở lên. Còn với sâm Ngọc Linh hơn trăm năm tuổi thì là vô giá. Nhưng quan trọng hơn, Ngọc Linh là cây sâm bản địa Việt Nam, đặc hữu ở vùng núi Ngọc Linh, là một trong số những loại sâm tốt nhất thế giới.
Sâm Ngọc Linh thuộc loại cây thảo, cao 80-100cm. Thân rễ nằm ngang trên hoặc dưới mặt đất độ 1-3cm, mang rễ con và củ. Thân rễ có sẹo, nhiều đốt. Các thân mang lá. Tương ứng với một thân mang lá là một đốt dài khoảng 0,5-0,7cm. Trên đỉnh của thân mang lá là các lá mọc vòng, có 5-7 lá chét với phiến lá hình trứng ngược. Hoa mọc giữa các lá thẳng với thân. Quả dài từ 0,8-1,0 cm, rộng khoảng 0,5- 0,6 cm, khi chín có màu đỏ.
Cây mọc dưới tán rừng. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là thân rễ củ. Cũng có thể dùng lá và rễ con. Ngọc Linh thích hợp với nhiệt độ ban ngày từ 20-25 độ C, ban đêm 15-18 độ C và có thể sống trên 100 năm.
Theo GiađinhNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét