Tam Đảo - Hòn ngọc Đông Dương
Có
lẽ không còn mấy ai nhớ rằng, người Pháp đã dùng cụm từ “hòn ngọc Đông
Dương” để chỉ Tam Đảo thời cực thịnh. Nhã hiệu này đã chìm lấp theo thời
gian, trong mây núi, cỏ hoang, dưới bước chân hàng triệu lượt người qua
lại. Đây là trạm nghỉ trên núi cao nằm trong vùng châu thổ Sông Hồng,
một khu nghỉ mát lý tưởng đối với các quan chức người Âu và gia đình của
họ, nhất là vào những ngày nắng nóng. Trong suốt 15 năm, chính quyền
thuộc địa đã chi vào đây khoảng 50.000 franc mỗi năm để biến nơi này
thành nơi sa hoa tráng lệ bậc nhất Đông Dương.
Trạm
khí hậu Tam Đảo quay hướng chính Bắc, lụp xụp nằm mục trong gió sương,
phía sau mảnh vườn quan trắc 10×10m phẳng gần như tuyệt đối. Khó mà nhìn
thấy trạm nhỏ này, thường lẫn trong mầu xanh ẩm ướt của sương núi và
cây rừng, nếu không có hai cột máy đo gió trắng toát nhô lên, khe khẽ
quay. Một con chó, một con gà mái ấp, một con gà chọi và bốn con gà thịt
– thành viên mới được mua về, quanh quẩn kiếm ăn trong vườn su su rậm
rịt bò lan trên các cọc nứa.
Quả
cầu pha lê to cỡ trái bưởi đo nhật quang ký sáng một cách kỳ lạ giữa
mảnh vườn quan trắc này, trong một ngày Tam Đảo thưa mây.
Trên
lan can khách sạn xây trên nền biệt thự Pháp cổ, nhà phê bình văn học
Phạm Xuân Nguyên râu tóc muối tiêu, đúng hơn là muối nhiều hơn tiêu,
hỏi: “Bác sĩ hải quân Paul Néis và trung úy Albert Septans, rồi sau này
là bác sĩ Étienne Tardif, nhà thám hiểm – bác sĩ A. Yersin đã tìm ra cao
nguyên Lang Biang. Ai tìm ra Tam Đảo?”
Tam
Đảo thời Trần Mạt thuộc huyện Dương, đến thời thuộc Minh vẫn gọi là
huyện Dương thuộc phủ Tuyên Hóa, đời Lê Quang Thuận đặt là huyện Tam
Dương, thuộc phủ Đoan Hùng trấn Sơn Tây. Dãy núi chúng tôi đang đứng đây
gọi là Tam Đảo, vì khoảng giữa có ba ngọn núi cao vút như ba hòn đảo
nổi giữa biển mây: ngọn Thiên Thị bên phải 1375m, ngọn Thạch Bàn bên
trái cao 1358m, giữa là đỉnh Phù Nghĩa cao 1210m.
“An
Nam chí nguyện” (nhà Minh – thế kỷ XV) chép: “Núi Tam Đảo phủ Tuyên
Quang ở địa phận huyện Tam Dương có 3 ngọn nổi lên sừng sững cao vút đến
tận trời, cùng với Tản Viên, hai ngọn núi đứng xứng đôi nhau là danh
sơn của Giao Chỉ”. “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn chép: “Núi Tam Đảo
ở địa phận 2 xã Lan Đình và Sơn Đình huyện Tam Dương”.
Một
tài liệu do huyện ủy Tam Đảo cung cấp cho hay, dãy Tam Đảo đã được
người Pháp phát hiện hồi đầu thế kỷ. Trong một báo cáo của những nhà
điều tra rừng gửi toàn quyền Đông Dương năm 1904 đã mô tả: “Tất cả những
điều kiện cần thiết cho một Viện điều dưỡng trên núi đều hội tụ đầy đủ ở
khu Suối Bạc. Trước hết là nước lành, tiếp đến là khí hậu mát mẻ. Trong
những ngày trời nóng, nhiệt độ ở đây thường thấp hơn Hà Nội 10 độ.”
Không
ảnh chụp Tam Đảo năm 1923. Các công trình được quy hoạch giống một khu
nghỉ mát ở châu Âu trong thung lũng lòng chảo đường kính khoảng 2km.
Ở độ cao 1000m so với mặt biển
Phong cảnh Tam Đảo
Đến
thập kỷ 30, 40 đã xuất hiện nhiều nhà bê tông cốt thép kết hợp với
tường gạch đá và được mở rộng về phía Đông Bắc (từ nhà máy giấy đến nhà
Joseph. Năm 1945 có khoảng 143 biệt thự lớn nhỏ, trong đó có dinh Toàn
quyền, nhà kiểm lâm, nhà lục lộ…
Các
biệt thự không sát liền nhau mà được xây dựng men theo sườn núi; càng
xa trung tâm lòng chảo càng nhiều nhà cao tầng, hầu hết là của các chủ
người Pháp, chỉ có một vài nhà thuộc tầng lớp quan lại, thượng lưu người
Việt (Hồ Đắc Điềm, Phú Mỹ, Hồng Khê…). Mỗi biệt thự mỗi kiểu, mỗi kiểu
mỗi tên, tên rất kêu nhưng cũng rất thực: L’horizon (chân trời nhà có
tầm nhìn xa và rộng)… Belle vue (ngoạn mục)…
Khách
sạn Métropole 5 tầng sừng sững ngay khi vừa tới khu nghỉ mát, có phòng
nhảy, có sân quần vợt… Dinh Toàn quyền đồ sộ nằm riêng trên một mỏm núi
phía Nam thung lũng. Đường vào dinh Toàn quyền đi qua hai nhà của sĩ
quan cao cấp quân đội Pháp. Có nhà thờ lớn xây bằng đá, tháp chuông cao
chót vót, có nhà 7 tầng trườn theo sườn núi, có nhà mái bằng, có nhiều
nhà mái ngói lợp màu nâu sẫm, có nhà lợp bằng mái đá đen mỏng.
Ban đêm, ánh điện lấp lánh rực sáng núi rừng.
Giữa
lòng chảo là khu công viên – thể thao văn hóa: có bãi rộng, có bồn hoa,
ghế đá, sân chơi trẻ em… giống cỏ, giống hoa nhiều loại đưa từ Pháp
sang (chỉ trồng được ở nơi mát); vào hè, trăm hoa đua nở, trăm màu khoe
sắc; có bể bơi dành cho người lớn, có cả bể bơi dành cho trẻ con; có sân
quần vợt, có nhà bắn bia; xa và cao hơn về phía Đông bắc có sân bóng
đá… có các ki ốt (nhà lục lăng), ở những nơi có tầm nhìn rộng, gần khách
sạn Metropole và gần nhà Toàn quyền, phía trước ki ốt có bàn đá hình
cánh cung, mặt bàn vạch các mũi tên chỉ hướng và khoảng cách tới các địa
danh trung du đồng bằng…
Tam
Đảo đúng là một nơi thần tiên non bồng, chẳng thế mà người Pháp đã ví
Tam Đảo là hòn ngọc của Đông Dương, hơn Đà Lạt, Sapa (Việt Nam), thậm
chí hơn Mông Tư (Vân Nam, Trung Quốc).
Trong
số đó có những ngôi biệt thự nổi tiếng như Dinh Toàn quyền (bìa phải
ảnh), biệt thự Công sứ Henry Wintrebert (ngôi nhà nhiều tầng bên trái)
và biệt thự của gia đình Millies Lacroix (bộ trưởng Bộ thuộc địa?).
Biệt
thự của gia đình Millies Lacroix, phía xa là Dinh thống sứ. Các ngôi
biệt thự này toạ lạc ở những vị trí rất đẹp, từ đây con cái các quan
chức có thể dõi nhìn theo cha mẹ chúng khi họ quay về Hà Nội khi kì nghỉ
kết thúc.
Khu
vui chơi trẻ em nằm bên dòng suối Thác bạc. Có thể đoán được dòng chảy
của con suối nhờ hệ thực vật phông phú mọc hai bên và con đường chạy
chéo bức ảnh. Ở khu vực chính giữa có một cây cầu nhỏ kiểu Nhật. Cách đó
vài chục mét là khu hồ bơi với những hàng chắn ngang mầu trắng.
Cảnh
quan nơi đây được tô điểm bởi những cây cầu với kiến trúc tuyệt đẹp.
Cây cầu nhỏ này dẫn vào khu biệt thự của gia đình Millies Lacroix. Từ
đây có thể thấy rõ bãi đậu xe phía trước khách sạn.
Bên
cạnh khu nghỉ mát nguy nga tráng lệ cũng hình thành đồng thời “làng An
Nam” – cái tên đau khổ, đầy khinh miệt của người dân nô lệ. Đây là một
khu định cư người lao động, làm thuê. Pháp dồn dân ta vào một nơi, không
được ở chung trong khu nghỉ mát.
Lúc
đầu, làng ở cách khu nghỉ mát chỉ vào trăm mét, bên sườn núi chênh vênh
(trước đền Mẫu hiện nay). Sau hai lần hỏa hoạn là hai lần người Pháp có
cớ để đẩy dân ta đi xa hơn, đến khu 2 hiện nay (cách trung tâm lòng
chảo 1 – 2 km). Đất rừng mênh mông nhưng chúng chỉ phân cho mỗi hộ hai,
ba chục mét vuông. Cả làng nhà tranh vách đất, liền sát nhau, mái nhà
dưới là sân nhà trên, hỏa hoạn xảy ra thì thật khủng khiếp, gió thổi lửa
cháy một nơi thành cháy nhiều nơi, chỉ lo cứu người, lo cho người già,
trẻ con. Gió bão ở trên núi cao thì cũng thật ghê gớm, thổi bay cả một
mái ngói.
Phía
bắc làng An Nam là trại lính Pháp hình thành vào năm 1939 – 1940. Để
đối phó với nhưng diễn biến có thể xảy ra ở Đông Dương trong Thế chiến
thứ hai, Pháp đã chuẩn bị xây ở Tam Đảo hai pháo đài, một ở điểm cao
trên hướng Đông Bắc một ở phía Tây Nam thị trấn. Ở đây là những tên lê
dương mà phụ nữ trẻ em phát khiếp khi thấy chúng, nhất là khi chúng say
rượu, con gái không dám vào rừng kiếm củi. Chúng chốt ở cửa ngõ Tam Đảo
này đến một đại đội. Lính lê dương cũng chỉ được đi lại từ làng An Nam
trở xuống, không được lên khu lòng chảo, nơi nghỉ mát của giới thượng
lưu
Đầu
những năm 1940, Pháp còn phát hiện về phía Tây và cách chừng 12km còn
một nơi nữa mà chúng gọi là Tam Đảo 2, cũng có thể lập thành khu nghỉ
mát. Tam Đảo 2 rộng hơn Tam Đảo 1, cũng đẹp và cũng có nguồn nước sạch
và đã bắt đầu phá đá làm đường.
Năm
1948, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” bảo đảm đường giao
thông huyết mạch giữa chiến khu Việt Bắc và cả nước, người Tam Đảo đã
phá toàn bộ các biệt thự, trừ nhà thờ, nhưng đến sau năm 1954 lại phá
tháp chuông.
Ông
Nguyễn Duy Hoạt, Chủ tịch thị trấn Tam Đảo kể: phá những khu biệt thự
tuyệt đẹp ấy bằng búa tạ và xà beng. Dân đục hàng loạt các lỗ đối diện
nhau trên tường các biệt thự, rồi luồn thân gỗ lớn vào. Sau đó nổi lửa.
Hầu hết các công trình ở đây đều thuộc diện nguy nga đồ sộ, các biệt thự
đại đa số đều xây bằng đá, kiên cố hết mức, tường tầng một khách sạn
Metropole dày 1,2m nhưng thảy đều không chịu được lửa lớn, trở thành
đống đá vụn mà không cần đến một quả mìn, một lạng thuốc nổ nào. Phá
hoại cũng đầy sáng tạo.
Hình như, thoáng có tiếng thở dài trong lời kể ấy.
(DCOL chuyển thể từ ghi chép của Việt Thường - Hoàng Hằng)
Nhìn
lại toàn cảnh Tam Đảo với những công trình không còn tồn tại. Thật khó
có thể tưởng tượng những gì xây dựng ròng rã 40 năm có thể bị huỷ hoại
trong một vài ngày bằng phương tiện hết sức thủ công. (Ảnh chụp khoảng
1931)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét