(董仲舒)
I.- Sơ lược tiểu sử
Đổng Trọng Thư người Quảng Xuyên
(thuộc huyện Táo Cường tỉnh Hà Bắc hiện nay), sinh năm 179 TCN. Ông xuất thân
trong một gia đình đại địa chủ, thuở nhỏ đã khổ công học tập, nổi tiếng là
"ba năm không ngó tới điền viên" nhằm dốc lòng nghiên cứu “Công dương
Xuân Thu truyện”. Thời Hán Cảnh Đế (156 TCN - 141 TCN) đã nhậm chức Bác sĩ
(quan chuyên giảng dạy về kinh điển của Nho gia). Lúc Hán Vũ Đế (140 TCN -87
TCN) chọn người hiền lương có học vấn, ông lần lượt vâng chiếu ba lần trả lời
đối sách, dâng vua bài Thiên nhân tam sách nổi tiếng. Vũ Đế đánh giá cao kiến
nghị "bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho học", rất mau chóng tiếp nhận ý
kiến này, lại bổ nhiệm ông làm Tướng quốc cho Dịch vương ở Giang Đô. Ông trở
thành chuyên gia tư tưởng của Hán Vũ Đế (Han Wudi).
Trung tâm tư tưởng là học thuyết Nho
giáo, có pha lẫn với thuyết âm dương ngũ hành. Xây dựng nên hệ thống thần học
phong kiến, trong đó thần quyền, quân quyền, phụ quyền, phu quyền liên kết chặt
chẽ với nhau.Sau này do ca ngợi những biến cố tai dị (sự trừng phạt của thiên
nhiên đối với con người), khuyên giải Vũ Đế vì đã giết hại đại thần thân cận,
làm cho Vũ Đế phẫn nộ, ông bị cách chức và bị nhốt vào ngục. Sau khi được thả
ra, ông giữ chức Tướng quốc của Giao Tây vương. Về già, ông xin cáo quan về
nhà, không lưu tâm đến sản nghiệp, chỉ chăm lo viết sách và lập “học thuyết”.
Ông mất năm 104 TCN, thọ 75 tuổi. Tác phẩm gồm "Xuân thu phồn lộ", "Đổng Tử văn tập", "Cử hiền lương đối sách".
II.- Học thuyết, trường phái
Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử hình thành
nên Nho giáo nguyên thủy, còn gọi là Nho giáo tiền Tần (trước đời Tần), Khổng
giáo hay "tư tưởng Khổng-Mạnh". Từ đây mới hình thành hai khái niệm,
Nho giáo và Nho gia. Nho gia mang tính học thuật, nội dung của nó còn được gọi
là Nho học; còn Nho giáo mang tính tôn giáo.
Ở Nho giáo, Văn Miếu trở thành thánh
đường và Khổng Tử trở thành giáo chủ, giáo lý chính là các tín điều mà các nhà
Nho cần phải thực hành.
Đến đời Hán, Hán Vũ Đế theo ba đề
nghị của Đổng Trọng Thư là:
1.- Đưa Nho giáo lên hàng quốc giáo và
dùng nó làm công cụ thống nhất đất nước về tư tưởng.
2.- Xây cất trường học, dạy nhiều học
trò, dùng kẻ sĩ để dạy tập tục tốt đẹp cho nhân dân.
3.- Đặt nặng vấn đề thi cử để chọn nhân
tài, các địa phương có thể đề cử hiền tài ra giúp nước.
Hán Vũ Đế đã sử dụng học thuyết của
Đổng Trọng Thư, coi là hệ tư tưởng chính thống, là khuôn mẫu của đạo đức xã
hội. Đổng Trọng Thư, tự cho mình là người tiếp tục tư tưởng của
phái Nho gia, nhưng thực tế ông đã xuyên tạc, tiếp thu và khuếch trương những
yếu tố duy tâm trong triết học của của Khổng Tử, Mạnh Tử, của phái “Âm dương -
Ngũ hành” và các trường phái khác nhau để nhào nặn nên thứ học thuyết mới, một
học thuyết mang đậm màu sắc chính trị duy tâm thần bí và khắc nghiệt. Do sự
biến dạng cơ bản của nó nên sau này người ta gọi Nho gia do Đổng Trọng Thư khởi xướng lập nên
là Hán nho.
Từ đó, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng
chính thống bảo vệ chế độ phong kiến Trung Hoa trong suốt hai ngàn năm. Điểm
khác biệt so với Nho giáo nguyên thủy là Hán Nho đề cao quyền lực của giai cấp
thống trị, Thiên Tử là con trời, dùng "lễ trị" để che đậy "pháp
trị".
Về tư tưởng triết học và chính trị:
Hai mệnh đề quan trọng nhất trong học thuyết của Đổng Trọng Thư là “Trời trao
chính quyền” và “Trời và người có thể thông quan, hiểu biết lẫn nhau”(thiên
nhân tương dữ).
Ông ra sức đẩy đến mặt cực đoan, mặt
duy tâm trong tư tưởng “Mệnh trời” của Khổng Tử, mọi hiện tượng tự nhiên xã hội
và trật tự của nó đều được xuất phát và sắp đặt theo ý “trời”, thân thể và ý
thức của con người đều do thựơng đế ban cho. Ông cho rằng mọi hoạt động tốt hay
xấu của giai cấp thống trị ở dưới trần thế đều gây nên những “cảm xúc” vui hay
giận của trời, biểu hiện ra những hình thức “ban ơn” hay “trừng phạt” của trời
như được mùa, mưa thuận, gió hòa. . .
Đổng Trọng Thư cũng sử dụng học
thuyết “Âm dương - Ngũ hành” để xây dựng học thuyết duy tâm tôn giáo của mình,
vận dụng vào xã hội. Ông đề ra lý luận xã hội có tính chất thần học cho rằng:
trật tự và quy luật vận động của xã hội là do ý chí của Thượng đế xếp đặt và
chi phối, giai cấp thống trị phải nắm được quy luật ấy để mà cai trị, mọi người
phải biết mà tuân theo cho hợp với ý trời.
Ông đưa ra lý luận “dương thiện, âm
ác”, “dương tôn, âm ti” khẳng định giai cấp thống trị, người quân tử biểu hiện
thế lực “dương”, là sáng suốt, là người lãnh đạo... còn giai cấp bị trị, kẻ
tiểu nhân là biểu hiện của thế lực “âm” là ngu đần, bị động, phục vụ cho thế
lực “dương”; trệt tự của tự nhiên “âm dương” không thể thay đổi được, do vậy
trật tự của xã hội hiện hành là hợp ý trời, là hợp lý vĩnh hằng.
Ông dùng cặp phạm trù “khí” “âm dương”
“ngũ hành” để giải thích quy luật vận động phát triển của thế giới và khẳng
định quy luật ấy do trời chi phối và chỉ có thiên tử “con trời-vua” được “Trời
trao cho chính quyền” mới nắm được “Thiên thống” để cai trị dân cho hợp ý trời.
Như vậy chúng ta thấy tư tưởng triết
học của Đổng Trọng Thư trong quan niệm về tự nhiên và chính trị xã hội là duy
tâm tôn giáo, mang màu sắc mục đích luận rõ nét, ông mưu toan kết hợp thần
quyền và vương quyền vào một cá nhân vua, người đứng đầu xã hội, được mệnh danh
là “Thiên tử”.
Về lý luận đạo đức xã hội: Đổng Trọng
Thư xây dựng một hệ thống các phạm trù “tam cương”, “ngũ luân”, “ngũ thường”
làm khuôn mẫu cho mọi hành vi cư xử, giao tiếp, giáo dục, tự trau dồi cá nhân
của mội giai tầng trong xã hội.
Thuyết “Tam cương” của ông cho rằng,
trong quan hệ giữa người với người trong xã hội có ba mối quan hệ là: vua - bề
tôi; cha – con; vợ - chồng. Sau mở rộng ra hai mối quan hệ nữa là: anh - em;
bạn bè thành “ngũ luân”. Thực ra đây là mối quan hệ đã được Khổng Tử, Mạnh Tử
đề cập đến rồi, như Đổng Trọng Thư đã tước đi một số yếu tố có tính nhân đạo,
tiến bộ mà đưa vào quan niệm một chiều khắt khe.
Đặc biệt là với “Tam cương” ông đưa
ra thứ quy tắc đạo đức phi lí, phi nhân bản: “vua xử tội chết thần phải chết
nếu không mắc tội bất trung, cha bảo con chết, con phải chết, nếu không là mắc
tội bất hiếu, chồng bảo vợ phải tuyệt đối tuân theo”. Ông đã dùng thuyết “âm
dương” nhưng bỏ mặt duy vật, nên ông cho rằng đó là quy luật của tự nhiên và viện đến ý “trời”để
biện minh cho học thuyết đạo đức của mình: “Vua là tượng của “trời”, nên có đức
che chở, hướng dẫn; bề tôi là tượng của “đất”, nên có đức tính chuyên chở, tuân
theo; chồng là khí “dương” nên có đức sinh, dẫn đầu, vợ là thuộc khí “âm” nên
có đức phụ trợ, tuân theo; cha là thuộc “mùa xuân” nên có đức sinh, con là
thuộc “mùa hạ” nên có đức dưỡng, tuân theo”
và tất cả là “do trời định đoạt”.
Thuyết “Ngũ thường” (năm cái thường
lý, thường tình của con người) là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Về mặt tên gọi và
nội dung của nó là “chép lại” của Khổng Tử. Nhưng Đổng Trọng Thư đã giải thích
và vận dụng nó theo mục đích của mình. Ông cho rằng con người phải có đủ “Ngũ
luân” để thực hiện đạo “Tam cương”, và con người mới có đạo “Cương-Thường”.
Thực ra học thuyết về luân lý đạo đức
của Đổng Trọng Thư nhằm mục đích cao nhất là “trung quân”, trung thành tuyệt
đối với nhà vua. Bởi vì mối quan hệ vua-tôi là đứng đầu trong ba mối quan hệ
được coi là rường cột, cơ bản của con người, xã hội. Điều này cho thấy hoàn
toàn trái ngược với Khổng Tử, Mạnh Tử.
Về bản tính của con người: Đổng Trọng
Thư chia con người thành ba loại:
- loại
thứ nhất tình dục rất ít, không cần dạy dỗ cũng thành người tốt đó là “tính
thánh nhân”;
-loại
thứ hai tình dục quá nhiều có dạy dỗ cũng khó mà được người tốt gọi là “tính
nhỏ mọn”;
-loại
thứ ba là loại tuy có tình dục nhưng thể là tốt hoặc xấu gọi đó là “bậc trung”.
Ông lập luận về bản tính của con
người là cơ sở lý luận để củng cố đẳng cấp bất bình đẳng trong xã hội phong
kiến.
Như vậy, Nho giáo qua bàn tay “chế
biến” của Đổng Trọng Thư thời Hán so với Nho giáo thời Khổng Tử, thậm chí cả
thời Mạnh Tử là một bước thụt lùi nghiêm trọng.
Chính tính nghèo nàn, xơ cứng của nó đã đẻ ra một truyền thống học hành thi cử theo kiểu sách vở “Từ chương huấn hổ” và để lại tấm gương Hiếu - Trung mù quáng của các thế hệ nhà Nho sau này. Nó trở thành công cụ thống trị tinh thần đắc lực của nhà nước trung ương tập quyền, chuyên chế của các triều đại phong kiến tiếp sau.
III.- Kết luận:
Triết học Nho giáo của Đổng Trọng Thư là lập trường triết học duy
tâm-bảo thủ. Những cái mà ông đã làm là, hạ thấp nhân trị, đề cao lễ trị. Vì
nhân trị là cốt lõi của Khổng Tử nên ông không thể loại bỏ hoàn toàn mà dùng
nhân trị như một cái vỏ bao bọc lễ trị.
Ông cũng đã loại bỏ tính dân chủ của
Nho giáo nguyên thủy. Dân là chủ bị lờ đi mà thay vào đó họ đề cao
"trời", tạo ra thuyết "thiên mệnh".
Vua là "thiên tử" (con
trời), không nghe theo vua là phản lại trời. "Ngũ luân" trong Nho
giáo nguyên thủy được rút gọn thành "tam cương": vua-tôi, cha-con,
vợ-chồng. Đổng Trọng Thư đã chia tính người
thành ba cấp (trên, giữa và dưới); xây dựng nên hệ thống phong kiến duy
tâm thần học lớn nhất của Trung Quốc. Quan hệ "trung dung" trong ngũ
luân được chuyển thành quan hệ một chiều duy nhất được tóm gọn trong bốn chữ
"trung-hiếu-tiết nghĩa”. Cuối cùng ông đã thực hành việc hạn chế vai trò
của văn hóa sao cho có lợi cho chế độ phong kiến.
Tóm lại, Đổng Trọng Thư đã xây dựng nên hệ thống thần học làm nền
tảng cho chế độ phong kiến, trong đó thần quyền, quân quyền, phụ quyền, phu
quyền liên kết chặt chẽ với nhau. Lí thuyết cơ bản là "thiên nhân cảm
ứng", cho rằng Trời là "ông tổ của vạn vật", là "vua của
trăm vị thần”. Trời Người có quan hệ mật thiết với nhau, con người đúng với
danh nghĩa của nó, là phải toàn thiện, hoàn hảo như Trời.
Nhưng, độc tôn Nho giáo dẫn tới làm
cho Nho gìáo thoái hóa, mất sức sống và sáng tạo, chỉ còn là một bậc thang của
danh và lợi mà thôi. Những nhà chính trị sau nầy cũng vận dụng tư tưởng của Đổng Trọng Thư mà “hạn
chế bớt một số mặt văn hóa, chỉ cho phổ biến cái nào có lợi cho giai cấp thống
trị” mà thôi. Chủ nghĩa duy tâm thần bí
“thiên tử, thiên mệnh” quá lỗi thời, không còn chỗ đứng trong xã hội
ngày nay.
Hai điều chúng ta có thể áp dụng là ,
mở nhiều trường học, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước; thực tâm đề cử, tiến
cử người có đạo đức tốt , tài năng tốt ra tham chánh giúp nước giúp dân.
Thêm nữa, quan điểm con người là một
“tiểu thiên địa” mà ông viết trong Xuân Thu Phồn Lộ cũng có chỗ cho chúng ta
suy nghĩ , vận dụng : “…Vũ trụ mà không có người thì vũ trụ không còn hoàn
toàn, không thành được vũ trụ nữa. Bởi vì vũ trụ là một đại hòa điệu của Tam
tài: Thiên, Địa, Nhân, nếu mất một yếu tố thì sự hòa điệu ấy không còn.
Cho nên: Trời Đất Người là gốc của
muôn vật: “Trời sanh ra, Đất nuôi dưỡng, Người làm nên”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét