XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Uống nước lá vối tươi có tốt không?

Nấu nước lá vối uống như nước là là bài thuốc dân gian được nhiều người áp dụng để chữa bệnh: GOUT, tiểu đường, mỡ máu, bệnh gan, hỗ trợ tiêu hóa & một số bệnh lặt vặt khác.

Cây vối là cây gì?

Cây vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus, thuộc họ Sim (Myrtaceae), là loại cây mọc nhiều ở nhiệt đới. Ở nước ta cây vối mọc hoang hoặc trồng, có nhiều ở miền Bắc nước ta. Cây vối thường cao chừng 5 – 6 m, đường kính của cây có thể lên đến 50cm. cuống lá dài 1- 1,5 cm. Phiến lá cây vối dai, cứng. Hoa vối gần như không cuống, màu lục nhạt, trắng. Quả vối hình trứng, đường kính 7 – 12 mm khi chín có màu tím sậm, có dịch. Lá, cành non và nụ vối đều có mùi thơm dễ chịu đặc biệt của vối.
nuoc-la-voi
Nước vối hay trà vối là một loại đồ uống giải khát được nấu bằng nụ, hoặc lá vối đã ủ chín rồi phơi khô, cũng có thể dùng ngay khi lá còn tươi. Đây là loại đồ uống rất thông dụng ở nông thôn, thậm chí cả thành thị vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nước vối được dùng để uống hàng ngày giống như nước chè xanh.

Vì sao cây vối có tác dụng chữa bệnh?

Trong lá vối, nụ vối có tanin, một số chất khoáng, vitamin và có khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu, một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis…Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong thực tế, nhân dân ta thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Một số tác dụng tiêu biểu của Lá Vối theo đông y

Lá vối chữa bệnh gút

Lá vối được coi là cứu tinh với những người bị bệnh gout – “bệnh của nhà giàu”. Theo lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: Lá và nụ vối có công dụng giúp tiêu hóa thức ăn, nhất là thức ăn có nhiều dầu mỡ, giảm béo, lợi tiểu tiêu độc. Bệnh nhân gout là do ăn uống nhiều chất béo ngọt, ứ đọng nhiều chất uric; mặt khác do hệ thống tiêu hóa và thận bài tiết đào thải không tốt dẫn đến uric ứ đọng ở các khớp gây nên tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau khớp.

Nụ vối giảm mỡ trong máu, cholesterol


Công thức cho mỡ máu: Nụ vối 15 – 20 g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày hoặc nấu thành nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống thường xuyên mới hiệu nghiệm

Nụ vối hỗ trợ trị tiểu đường

Một nghiên cứu gây chú ý là tác dụng của nụ vối trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng giữa Viện Dinh dưỡng quốc gia (Việt Nam) và Đại học Phụ nữ Nhật Bản đã chứng minh các hợp chất flavonoid trong chè nụ vối rất hiệu quả trong việc hỗ trợ phòng và điều trị bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh tiểu đường nếu uống thường xuyên chè nụ vối sẽ giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, chống ôxy hóa tế bào, bảo vệ tổn thương tế bào beta tuyến tụy, phòng ngừa đục thủy tinh thể ở người bệnh tiểu đường và giúp tăng chuyển hóa cơ bản. Điều đặc biệt là uống nụ vối không có tác dụng phụ đáng kể nên có thể uống thường xuyên.

Và một số bài thuốc hay từ cây vối, lá vôi khác

  • Trị đau bụng đi ngoài: Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Cùng thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 – 3 ngày.
  • Chữa đầy bụng, không tiêu: Vỏ thân cây vối 6 – 12g, sắc kỹ lấy nước đặc uống 2 lần trong ngày. Hoặc nụ vối 10 – 15g, sắc lấy nước đặc uống 3 lần trong ngày.
  • Chữa lở ngứa, chốc đầu: Lấy lá vối lượng vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu chữa chốc lở.
  • Giúp giảm mỡ máu: Nụ vối 15 – 20g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày hay nấu thành nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống thường xuyên.
  • Hỗ trợ trị tiểu đường: Nụ vối 15 – 20g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày hay hãm uống thay trà.
  • Chữa bỏng: Vỏ cây vối cạo bỏ vỏ thô, rửa sạch, giã nát, hòa với nước sôi để nguội, lọc lấy nước, bôi lên khắp chỗ bỏng. Thuốc sẽ làm giảm tiết dịch, hết phồng, dịu đau, hạn chế sự phát triển của vi trùng.
  • Viêm gan, vàng da: Dùng rễ 200g mỗi ngày, nấu sắc uống.
  • Viêm da lở ngứa: Sắc lá vối lấy nước đặc để bôi.
  • Chữa viêm đại tràng mãn tính, đau bụng âm ỉ: Khoảng 200g lá vối tươi, xé nhỏ, chế vào 2 lít nước sôi, ngâm trong 1 giờ để uống thay nước.
Tốt nhất nên dùng lá, nụ vối tươi sẽ tốt hơn nhiều lá hoặc nụ vối đã phơi khô.
Cây vối là cây dễ trồng, dễ tìm và dễ mua với giả khá rẻ nhưng lại có nhiều công dụng chữa bệnh hay, đặc biệt là các bệnh mãn tính, bệnh cho người già: tiểu đường, huyết áp, mỡ máu, gout, bệnh tiêu hóa…Do đó nếu có điều kiện thì bạn nên mua và dùng nước lá vối thường xuyên nhé!
tu khoa
  • tác dụng chữa bệnh của lá vối
  • nước vối là nước gì
  • uống nước vối tươi có tốt không
  • tác hại của lá vối tươi
  • uống nước lá vối có nóng không
  • nụ vối công dụng
  • bán nụ vối ở sài gòn
  • mua lá vối tươi ở đâu tphcm
  • bán lá vối tươi hà nội

Tham khảo thêm

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

CÁCH CHỌN CHÓ KHÔN

Cách chọn chó khôn

1/ Nhất Vện - Nhì Vàng - Tam Khoang - Tứ Đốm .
2/ Tứ túc huyền đề [hay còn gọi là cái cựa] : Con chó nào có đến 4 cái móng nhỏ đóng ở vị trí sau khuỷu chân thì đó là chó quý tướng mang thịnh vượng lại cho người nuôi. Con nào chỉ có 2 chân trước có huyền đề thì không quý mấy .
3/ Tứ túc Mai hoa: Con chó nào mà trên mu bàn chân có 1 đốm lông trắng nhõ cỡ hộp bắp, hoặc trắng hết cả bàn chân cũng được, thì đốm đó gọi là Hoa Mai. Nhưng phải có đủ hết 4 chân thì chó đó mới là quý tướng.
Loại nầy - những người làm ăn, buôn bán, kinh doanh rất tin và tìm kiếm rất nhiều.
4/ Đuôi chìa khoá: là đuôi uốn cong hơn 1 vòng trên lưng , và đuôi đó phải ngã về phía bên trái, là chó quý tướng. Loại nầy vừa đẹp, vừa khôn, vừa đem lại sự thịnh vượng cho chủ nuôi .
5/ Chó 4 mắt : chó có 2 đốm lông màu vàng đóng ở mí mắt. Là chó tinh khôn, giữ nhà giỏi mà săn bắt cũng tài. Tuy nhiên , loại nầy có tính dữ hơn các con khác .
6/ Chó đốm lưỡi: chó nào lưỡi có vài đốm đen hoặc đen nhiều là chó khôn, các cụ nói rằng rắn cắn không chết.
7/ Chó 3 khoanh: chó trước khi nằm xuống, xoay mình đúng 3 vòng để dọn chỗ rồi mới yên tâm nằm là loại chó khôn.
Còn nói đến chọn chó để săn thì các cụ có kinh nghiệm chọn lựa như sau:
- Thân hình chắc nịch, mạnh bạo, đùi nở, chân thon.
- Mắt phải sâu, chó có loại mắt nầy thì phát hiện ra con mồi rất nhanh, lùng sục đúng chổ.
- Mõm chó phải to, miệng phải rộng, tiếng sủa ấm, vang xa .
- Quanh mồm, lông có nhiều màu là chó can đảm, thiệt dữ.
- Lưng như lưng ngựa, khi chạy thì ngay đuôi thì chó có khả năng chạy như ngựa, vừa nhanh vừa lâu mệt.
- Mũi lúc nào cũng phải ướt là thính mũi, sức khoẻ tốt, săn mồi giỏi .

 - "Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt": có nghĩa là chó mà có đốm ở trên đầu thì tốt nên để nuôi, còn chó mà có đốm ở đuôi thì không tốt.
- "Bỏ đuôi bên trái thì nuôi, bỏ đuôi bên phải thì thịt": khi chó đang ở trong trạng thái tự nhiên, đuôi sẽ nghiêng về bên trái là tốt.
-"Nhất một, nhì chín": chó mẹ chỉ đẻ có một con thì con chó con đó rất quý, bởi lẽ chó mỗi lần sinh ra năm bảy con là chuyện bình thường.
-"Bạch cẩu hoàng đầu thân bối nguyệt", là loại chó toàn thân màu trắng, đầu vàng, trên lưng có dấu ấn như hình mặt trăng tròn, thường có mắt và mũi màu hồng, đỏ hoặc nâu, ấn tròn phải nằm ở chính giữa lưng, gốc đuôi phải có thêm một cái ấn nữa. Chó này còn có tên là "vương cẩu" hoặc "thần cẩu", theo kinh nghiệm dân gian, nuôi chó này thì chủ nhân sẽ thăng quan tiến chức rất nhanh, tiền tài tấn phát.
-" Bối kiếm cẩu", trên lưng của chó, lông mọc xuôi từ đầu cho đến đuôi, tạo ra hình tượng một cây kiếm nằm dọc theo lưng chó, thường thì cán kiếm nằm ở phía cổ và lưỡi kiếm nằm phía đuôi, cũng có khi cây kiếm nằm trong tư thế ngược lại. Loại chó này tạo cho chủ nhà có uy quyền sinh sát. Đây là loại "đệ nhị cẩu tướng".
- Bạch cẩu là chó toàn thân trắng như tuyết (chứ không phải là màu trắng thường) nên rất đẹp. Loại này rất hiếm, nên được xếp hạng "đệ tam cẩu tướng". Lý do được xếp hàng thứ ba vì người nuôi con chó này ắt hẳn trong gia đình phải có người rất xinh đẹp, nếu không thì cũng sắp sửa có con, cháu rất xinh xắn sắp chào đời, nếu là phái nữ thì giống như "tiên giáng trần".
-"Hoàng cẩu" là chó toàn thân đều màu vàng, không có những vết hoặc đốm màu khác pha trộn, tương đối dễ gặp hơn các giống khác. Tuy nó phò giúp cho chủ kém hơn, nhưng vẫn được xếp vào loại chó có tướng tốt.
-"Tứ quý cẩu": là ở mỗi chân, mọc thêm một ngón đặc biệt, được gọi là "huyền đề" (có nơi gọi là đeo, là một loại như ngón chân thừa), cả bốn chân đều phải có như vậy mới được xem là "tứ quý". Con này được xếp hạng đệ ngũ cẩu tướng.
-"Lưỡng câu cẩu", chỉ có hai đeo, thông thường thì ở hai chân sau hoặc hai chân trước.
- "Lục hợp cẩu", có hai đeo ở mỗi chân sau và một đeo ở mỗi chân trước, tổng cộng là sáu đeo.
- "Bát long cẩu" là mỗi chân có hai đeo, tổng cộng được tám cái. Con này được xếp hạng "đệ tứ cẩu tướng".
Trong tất cả các loại đeo nói trên thì tốt nhất là Bát long, kế đến là Tứ quý, sau nữa là Lục hợp và cuối cùng là Lưỡng câu. Theo dân gian, nếu nuôi các chó này, gia chủ nhất định sẽ phát phú quý rất nhanh.
Ngoài ra chó cũng còn có các tướng khác như sau:
-"Tử mị cẩu": khi ngủ chó nằm ngửa ra trong tư thế như bị chết, bốn chân và thân mình xoải dài ra, ngực như ngừng thở.
-"Lân hành cẩu" khi bước đi cả thân mình con chó đều lắc qua, lắc lại như con kỳ lân và từng bước chân cũng uốn éo khi đặt xuống đất, loại này lông phải dài nên khi đi mới có điệu bộ giống con kỳ lân. Đây là chó được xếp hạng "đệ lục" trong tướng pháp của chó.
-"Hổ bộ cẩu" bốn chân khi đi rất khoan thai, nhưng chắc chắn, mỗi bước chân đặt xuống đất thì các xương cốt trên phần thân thể đều lộ ra.
-"Hắc cẩu" còn gọi là chó mực, toàn thân đều đen tuyền, dân gian cho rằng loại chó này mắt thấy được ma, và ma quái rất kỵ loại chó này.
-"Hắc Bạch tứ mục cẩu" là loại chó toàn thân lông trắng hoặc toàn thân lông đen, trên hai mắt lại có lông xoáy lại trông giống như hai con mắt nữa, vì cái xoáy cùng màu lông nên khó nhận ra, phải nhìn kỹ mới thấy được.
- Hắc cẩu tứ mục: là giống chó màu đen nhưng không đen tuyền, bốn chân và bụng là màu vàng, có hai đốm vàng trên mắt, trông như bốn mắt. Đây là giống chó rất dữ dằn, người ta thường nuôi để giữ gìn những doanh trại, công ty, loại chó này nếu nuôi một lúc vài ba con thì khi tấn công địch thủ, chúng đều hợp lực tấn công cùng một lúc từ các phía khác nhau vì có tính đồng đội cao.
-"Hắc cẩu tứ bạch": cũng là giống chó đen, nhưng dưới bụng và bốn chân đều trắng, như mang tất ở chân, loại chó này cũng mang đến sự giàu sang cho gia chủ.
-"Tam nhãn cẩu" là một loại chó có nhiều màu khác nhau, có khi là trắng, đen, vàng hoặc nhiều màu. Đăc biệt, trên đầu, giữa hai mắt có một đốm nhỏ, gọi là con mắt thứ ba. Đây là giống chó có biệt tài, tự nó biết trước có chuyện gì sẽ xảy ra trong đêm, vì vậy khi nuôi loại này, ban đêm nếu thấy nó có cái vẽ lo lắng, bồn chồn hoặc rên rỉ, ắt là có chuyện trộm cướp, hay tai họa sắp đến với gia chủ. Có những con rất khôn, vì biết trước chủ gặp tai nạn nên nó tìm cách ngăn cản như cắn ống quần lôi chân lại không cho đi, hoặc sủa lên, hoặc tìm những cách khác, cố làm cho chủ để ý đến. Vì vậy người nuôi cần phải lưu ý và đoán ý định của nó muốn nói gì với mình.
Ngoài ra chó cũng là một loài vật mà tự nó rất giỏi về thuật phong thủy, nhiều người cho rằng, nên phải tặng cho chó cái biệt hiệu là phong thủy sư (Master of feng-shui): chỗ chó thường nằm bao giời cũng là những vị trí đắc địa nhất trong khu nhà. Nếu quan sát chó, trước khi nằm xuống trên mặt đất, chó luôn luôn cúi xuống khoảnh đất và đảo ít nhất là một vòng, chỗ lạ thì nhiều vòng hơn, nếu gặp chỗ xấu thì tuyệt đối chó không bao giờ nằm xuống.

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Thủy Hử Truyện và truyền thuyết

thuy hu truyen
Phạm Xuân Hy
Thủy Hử Truyện vốn là một tác phẩm chương hồi tiểu thuyết nổi tiếng trong văn học cổ điển Trung Hoa, đã được dịch ra nhiều tiếng trên thế giới, và tại Việt Nam, chúng ta cũng có nhiều bản dịch khác nhau.
Tôi đã từng đọc bản dịch của La Thần,và của Á Nam Trần Tuấn Khải, của Tử Vi Lang sau này. Bản dịch của Tử Vi Lang vẫn là bản dịch mà tôi đắc ý.
Những dịch giả này thường dựa vào bản “Thủy Hử Truyện” 70 hồi, bản đã được Kim Thanh Thán, một nhà phê bình văn học nổi tiếng đời Thanh đã san cải và có bình bàn ở cuối mỗi hồi.
Thủy Hử bản 70, từ hồi thứ nhất, thuật truyện Hồng Thái Úy mở cửa động “Phục Ma Chi Điện 伏魔之殿” thả 72 ngôi Địa Sát và 36 ngôi Thiên Cương, xuống trần đầu thai trở thành 108 hảo hán Lương Sơn Bạc.
Hồi chót, thuật lại cơn ác mộng của Lư Tuấn Nghĩa mơ thấy 108 hảo hán Lương Sơn Bạc bị triều đình giết sạch, chỉ thấy giữa trời nổi lên mấy chữ:
“天下太平 : Thiên Hạ Thái Bình” 
thì truyện kết thúc.
Nhà văn Thi Nại Am đã dựa vào bối cảnh lịch sử Trung Quốc, viết truyện Tống Giang lãnh đạo nông dân các vùng Hà Bắc, Sơn Đông đứng lên khởi nghĩa chống lại triều đình cuối thời nhà Bắc Tống.Đúng ra là vào thời vua Tống Huy Tông, niên hiệu Tuyên Hòa.
Câu truyện Tống Giang khởi nghĩa như sau:
-Tháng 12 năm Tuyên Hòa nguyên niên, tức năm 1119, vua Tống Huy Tông từng xuống chiếu “chiêu an tên tướng cướp Tống Giang”, Việc nhà vua phải xuống chiếu chiêu an, chứng tỏ rằng triều đình nhà Tống đã bị quân khởi nghĩa của Tống Giang đả kích,tấn công nặng nề trầm trọng.
Lúc Tống Giang chưa được chiêu an, quân khởi nghĩa liên tục chiến đấu, xuất nhập, ẩn hiện ở các châu : Thanh, Tế, Bộc, Huy, Nghi,Hải, Sở…
-Đến năm sau, tức năm Tuyên Hòa nhị niên,tức năm 1120, quân của Tống Giang từ Kinh Đông Tây Lộ tiến sang Đông Lộ. Viên Tri Châu Hào Châu là Hầu Mông phải thượng sớ lên triều đình tấu rõ là lực lượng quan quân tuy có đến mấy vạn, nhưng không có ai dám trực diện chống trả , Hầu Mông cũng đề nghị với triều đình nên chiêu an Tống Giang, dùng Tống Giang đi trấn áp cuộc nổi dậy của Phương Lạp.
Vua Tống Huy Tông bèn bổ nhiệm Hầu Mông làm tri Phủ Đông Bình, nhưng Hầu Mông chưa kịp đến nhậm chức thì bị bệnh qua đời.
Vì lúc bấy giờ quân khởi nghĩa chủ yếu hoạt động ở vùng Huy Châu, nên tương truyền là nghĩa quân của Tống Giang trú đóng ở Lương Sơn Bạc.
-Đến tháng 11 cùng năm, Tống triều phái Tri Châu Hấp Châu là Tăng Hiếu Ôn làm Tri Châu Thanh Châu, đi trước trấn áp quân của Tống Giang, nhưng vì quân của Phương Lạp phát triển mạnh mẽ, nên ít lâu sau đó triều đình lại đổi Tăng Hiếu Ôn làm Tri Châu Hàng Châu, Mục Châu.
Tống Giang dời quân xuống phía nam Nghi Châu, khi quân đi từ vùng phía nam Thanh Châu đến Nghi Châu, rồi mượn đường đi với Tri Châu là Tưởng Viên, nhưng bị Tưởng Viên tập kích đánh úp, quân chết khá nhiều.
-Năm Tuyên Hòa tam niên, tức năm 1121, Tống Giang kéo quân từ Nghi Châu tiến đánh quan quân ở Hoài Dương, Tống triều khiến quân binh, tướng lãnh tiến hành chặn và cắt đứt đường của Tống Giang. Tống Giang phải chuyển hướng đi về phía đông bắc, rồi lấy thuyền vượt biển tiến vào Thuật Dương Huyện, giao chiến với viên Huyện Úy là Vương Sư Tâm.Quân của Tống Giang chiến đấu mãnh liệt, chuyển chiến hàng chục trận, quân triều đình không dám chống cự.
-Tháng 12, khi Tống Giang từ biên giới hai châu là Hải Châu và Sở Châu xuất quân, thì Tống Huy Tông ra lệnh cho Tri Châu Hải Châu là Trương Thúc Dạ vừa ra sức trấn áp vừa dụ hàng Tống Giang. Trương Thúc Dạ cho trinh sát dò xét, biết là Tống Giang mới đoạt được mười chiếc thuyền lớn, chở đày hóa vật. Trương Thúc Dạ cho quân mai phục, dụ cho quân Tống Giang tác chiến ở trên bờ sông, rồi thừa cơ phóng hỏa đốt hết thuyền của Tống Giang. Quân của Tống Gian bị quân mai phục của Trương Thúc Dạ vây chặt, đánh tan tành.
Tống Giang hoàn toàn bị đại bại, không làm gì được hơn, đành phải xin đầu hàng với Trương Thúc Dạ.
Nghĩa quân người nào sống sót, thoát được, tiếp tục cuộc chiến đấu.
***
Cuộc nổi dậy của Tống Giang rất là ngắn ngủi, từ cuối năm Tuyên Hòa nguyên niên, tức năm 1119, đến đầu năm Tuyên Hòa tam niên,tức năm 1121, đời Tống Huy Tông, tổng cộng bất quá hơn một năm, chỉ được chính sử nhắc đến một cách rất sơ sài, lác đác.Chỗ nầy dăm chữ, chỗ kia vài hàng.
Chẳng hạn, trong Tống Sử chỉ ghi rằng :
” Bọn cướp ở Hoài Nam là Tống Giang xâm phạm quan quân ở Hoài Dương, lại tấn công Kinh Đông, Giang Bắc, tiến nhập vào địa phận Hải Châu đất Sở, nhà vua hạ lệnh cho Tri Châu Trương Thúc Dạ chiêu hàng”
Nên đối với kết cục của đội ngũ lãnh đạo cuộc nổi dậy của Tống Giang, trở nên một nghi án, không rõ ràng, và có nhiều truyền thuyết bất nhất khác nhau, bàn cãi phân vân về vấn đề này.
Đại khái, có thuyết cho rằng :
1- Tống Giang và đồng bọn bị cầm tù.
Sách « Đông Đô Sự Lược -Tống Huy Tông” chép rằng rằng :
Tháng hai năm Tuyên Hòa thứ ba, bọn giặc Phương Lạp vây hãm Sở Châu.Bọn giặc Tống Giang vây hãm Hoài Dương Quân, lại xâm nhập Đông Kinh, Hà Bắc, tiến vào Hải Châu, Sở Châu…Đến tháng năm năm binh thân, Tống Giang bị cầm tù”
2-Tống Giang và đồng bọn thua trận bỏ trốn.
Sách “Văn Định Tập” ghi :
Ông, (tức Trương Thúc Dạ), húy là Sư Tâm, tự là Dữ Đạo…đậu Tiến Sĩ năm Chính Hòa Bát niên, phong Công lang, Huyện Úy Hải Châu, Thuật Dương. Tống Giang là tên cướp ở Hà Bắc, tung hoành không ai dám kháng cự, rồi chuyển sang cướp Đông Kinh, Thuật Dương, Ông đem quân đánh bại Tống Giang trên bờ sông, bọn Tống Giang phải chậy trốn .
3-Tống Giang và đồng bọn được chiêu an
Sách “Đông Đô Sự Lược-Hầu Mông truyện” ghi:
Tống Giang cướp bóc vùng Đông Kinh, Hầu Mông dâng kế đánh:Tống Giang cùng với 36 người, hoành hành vùng Hà Sóc, Đông Kinh, quan quân có đến mấy vạn, nhưng không ai dám khánh cự.Hắn tất có tài hơn người, chi bằng xá cho hắn rồi chiêu hàng, sai đi thảo phạt bọ giặc Phương Lập, bình định cái loạn ở phía đông nam đã.
Sách “Tục Tống Biên Tư Trị Thông Giám” viết :
Tháng 12 năm Tuyên Hòa nhị niên, tức năm 1120, bọn cướp Tống Giang xâm phạm Hoài Dương cùng Kinh Tây, khi đến biên giới Hải Châu, bị Tri Châu Hải Châu là Trương Thúc Dạ, bầy mưu bắt được và xin đầy hàng.
4-Tống Giang và đồng bọn đầu hàng rồi bị giết
Sách “Di Kiên Chí-Sái Thị Lang” của Hồng Mại viết :
Năm Tuyên Hòa thất niên, Hộ Bộ Thị Lang là Sái Cư Hậu bị bệnh mụn giọt mọc ở sau lưng, được ít lâu thì chết, người vợ xúc động khóc chồng rằng : Thị Lang trước đây còn cầm quân ở Huy Thành, có bọn cướp Lương Sơn Bạc năm trăm người, nhân xin đầu hàng, bị giết, ta mấy lần can không nghe…
5-Tống Giang và đồng bọn đầu hàng, đi trấn áp cuộc nổi dậy của Phương Lạp.
Sách “Tam Triều Bắc Minh Hội Biên” chép:
Tuyên Hòa nhị niên Phương Lập làm phản ở Mục Châu, vây hãm các châu Ôn, Đài, Vụ, Hàng khiến cho vùng nam bị chấn động, dùng Tuyên Phủ Sứ vùng Giang, Chiết đem Lưu Diên Khánh, Lưu Thế Quang, Tống Giang cầm hơn hai chục vạn quân đi thảo phạt…
***
Về Thủy Hử Truyện 水滸傳
« Thủy Hử Truyện » còn có tên « Trung nghĩa Thủy Hử truyện » là một tác phẩm đại biểu cho loại anh hùng truyền kỳ trường biên tiểu thuyết, tác giả Thi nại Am (Có thuyết nói là La Quán Trung)
Thi Nại Am đã dựa vào những cố sự lưu truyền trong dân gian, và các thoại bản, các tạp kịch, làm cơ sở rồi tái sáng tác lại mà thành.
Như trên chúng tôi đã trình bầy, Thủy Hử Truyện đã lấy lấy bối cảnh lịch sử cuối thời Bắc Tống, để tường thuật về cuộc nổi dậy của nông dân, từ lúc bắt đầu đến lúc thất bại, mô tả một cách chân thực sinh hoạt hủ bại, và những tội ác xấu xa của lớp vua chúa, quan quyền phong kiến, bóc lột dân chúng, đi đến chỗ “quan bức dân phản官逼民反” , buộc dân phải tìm đến Lương Sơn Bạc.
Thủy Hử Truyện thành công trong việc sáng tạo rất nhiều nhân vật, nhiều anh hùng, mà mỗi nhân vật là một « khâu » rõ ràng, riêng rẽ, mỗi anh hùng đều có cá tính khác nhau. Như Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ, Võ Tòng, Dương Chí, Ngô Dụng, Tống Giang … Ngôn từ sáng sủa, văn chương điêu luyện, sinh động, ca tụng cuộc chiến tranh của người dân thấp cổ bé họng, phản đối sự áp bức tàn ác của kẻ nắm quyền thế độc tôn, phù trợ chính nghĩa, làm say mê người đọc.
Bản gốc Thủy Hử Truyện nay khôn tìm được nữa, nhưng có nhiều khắc bản 刻本 lưu hành khác nhau.
Chủ yếu có các bản như dưới đây :
– Bản « Trung Nghĩa Thủy Hử Truyện » (100 hồi )khắc vào niên hiệu Gia Tĩnh nhà Minh của Võ Định Hầu Quách Huân, thuật đến chuyện Tống Giang chịu chiêu an hàng triều đình, có tình tiết đi đánh Liêu và chinh thảo Phương Lạp, thì kết thúc.
-Bản 70 hồi.
-Bản 110 hồi .
-Bản 115 hồi.
-Bản 120 hôi.
-Bản 124 hồi
-Bản 141 hồi
Trong các bản trên đây, thì 70 hồi đầu đều giống nhau.
– Riêng Bản « Trung Nghĩa Thủy Hử Toàn Truyện » (120 hồi) khắc vào niên hiệu Thiên Khải đời vua Sùng Trinh do Dương Định Kiến khắc, có thêm tình tiết Tống Giang đi chinh thảo Điền Hổ và Vương Khánh.Bản này, theo các nhà nghiên cứu số nhân vật lên đến 1300 nhân vật.
– Bản « Đệ Ngũ Tài Tử Thư Thủy Hử Truyện » ( 70 hồi, và 1 hồi mở đầu ) do Kim Thánh Thán phê bình. Kim Thánh Thán đã dựa vào bản « Trung Nghĩa Thủy Hử Tòan Truyện » (120 hồi) rồi cắt bỏ những tình tiết Tống Giang chinh Liêu , chinh Điền Hổ, chinh Vương Khánh, chinh Phương Lạp, và tăng thêm một hồi Lư Tuấn Nghĩa mơ thấy một cơn ác mộng, rồi đưa đến việc nghĩa quân dần bị sát hại thì bị san cải hết.
Mặc dầu bị san cải, nhưng chủ yếu của cốt truyện, vẫn còn được bảo lưu và văn tự tương đối tinh luyện sáng sủa. Ngoài ra còn nhiều bản tóm lược khác.
Số lượng nhân vật trong Thủy Hử Truyện tổng cộng gồm có 685 nhân vật chia ra :
-577 người có danh tính ;
-99 người không danh tính
-9 người có tên nhưng không có họ.
Sau « Thủy Hử Truyện », còn có một số tác giả khác, tùy theo quan điểm, tư tưởng của mỗi người , viết nối theo « Thủy Hử truyện » như các truyện :
-Đãng Khấu Chí của Du Vạn Xuân đời Thanh
-Hậu Thủy Hử Truyện Của Thanh Liên Thất Chủ Nhân đời Thanh
-Thủy Hử Hậu Truyện của Trần Thẩm người thời Minh mạt Thanh Sơ.
Phần lớn tình tiết, nhân vật, trong tác phẩm này đã được tác giả Thi Nại Am dầy công gian khổ góp nhặt từ các truyền thuyết dân gian, hí kịch, bình thoại, rồi gia công, hun đúc, hư cấu mà viết thành truyện Thủy Hử, chứ không hoàn toàn là nằm trong khuôn sáo của lịch sử.
Những nhà nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc, nhìn nhận rằng tiểu thuyết Trung Quốc thường khởi đầu đi từ những quán trà,tửu quán mà ra.
Truyện Thủy Hử cũng vậy, tránh không khỏi cái thông lệ đó.
Những cố sự, giai thoại trong truyện này, cũng rất sớm trước đó đã được kể bằng lời nói từ những nơi chợ búa, xóm ngõ, rồi mới được thành hình, và phát triển thành văn viết.
Vào khoảng thời gian giữa hai triều Tống và Nguyên, nghề “thuyết thoại” – tức nghề kể truyện-, một nghề được liệt là trong 16 nghề chính thức, làm ăn rất phát đạt. Có một số nghệ nhân, hoặc họa sĩ có tài, ghi nhớ lại các lời kể, viết vào giấy dùng làm tài liệu dậy cho môn đồ.
Những tài liệu như thế được gọi là “cước bản 脚本- tức bản thảo gốc” sớm nhất của truyện Thủy Hử. Rồi sau khi được sửa đổi, nhuận sắc lại, “cước bản” Thủy Hử truyện này được khắc in, phát hành, trở thành tác phẩm văn học nổi tiếng.Mặc dầu những cố sự trong truyện Thủy Hử được ổn định,in khắc thành sách, đã là một tác phẩm văn học nổi tiếng, nhưng những truyền thuyết, « thuyết thoại » , tức kể truyện Thủy Hử bằng lời nói, vẫn được tiếp tục “kể”, và tiếp tục phát triển một cách có mạch lạc.
Cho nên, có nhiều giai thoai, và truyền thuyết, không được Thi Nại Am nhắc đến trong tác phẩm Thủy Hử của ông, lọai văn học truyền khẩu này, nói một cách khác, đó là loại «Thủy Hử ngoại truyện ».
Người viết mạo muội dịch ra dưới đây vài truyện mua vui.
Hồng Liên Nữ Nghĩa Cứu Hắc Tam Lang
(紅蓮女義救黑三郎-Hồng Liên Nữ Vì Nghĩa Cứu Tống Giang)
Sau khi Tống Giang giết Diêm Bà Tích, biết là mình đã tự chuốc đại họa vào thân, bèn nhân trời còn mờ mờ tối, tìm đường trốn chạy. Đến gần sáng, thì nghe thấy tiếng trống cáo phát án mạng nổi lên, do viên Đô Đầu mới đổi đến tên là Bốc Nghĩa hăng hái đi bắt Tống Giang.
Viên Tri Huyện huyện Huy Thành, không làm gì khác hơn được, chỉ phái mười tên sai dịch cùng Bốc Nghĩa đi trước lùng bắt Tống Giang. Thường nhật, giữa Tống Giang và Tri Huyện có mối giao hảo rất là thân tình, nên trong lòng ông có ý muốn giúp cho Tống Giang thoát thân. Nhân Chu Đồng và Lôi Hoành mới đi công tác về, ông bèn phái hai người này đi theo.
Trời sáng mờ mờ, chính lúc Tống Giang duyên theo một con lộ nhỏ mà chậy. Càng chậy càng cảm thấy mệt.Trấn tĩnh lại nhìn, Tống Giang suýt bật lên thành tiếng,bụng bảo dạ : « Mẹ kiếp, sao mình lại chậy trở lại huyện Huy Thành thế này ! ». Thình lình nghe có tiến người hò hét :
-Đuổi theo mau ! Mau lên.Bắt được Tống Giang là có thưởng.
Tống Giang nghe thấy thế, lại càng cuống lên, rẽ vào lối ngã ba mà chậy ngã.
Khi đó, Bốc Nghĩa cũng phát hiện ra bóng của Tống Giang, bèn lớn tiếng hò hét đuổi bắt.
Cũng may, trước mặt Tống Giang có một thôn xóm nhỏ, Tống Giang vội vã lách vào một con đường hẻm, ngẩng đầu nhìn lên, bất giác giật bắn người. Té ra đó là một con đường hẻm cụt, tắc tịt.May ở góc tường, có một cây táo, Tống Giang vội vã bíu lấy, leo lên đầu tường, rồi nhẩy xuống dưới sân . Bấy giờ bọn người tróc nã Tống Giang cũng đuổi đến dưới chân tường. Tống Giang nhìn thấy bên trong nhà còn leo lắt có ánh sáng, không dám tiến vào, mà đi vòng ra lối hậu viện. Chỉ thấy gian phòng đàn bà ở mé đông, để hở một cánh cửa, bèn lấy tay đẩy ra, liều lĩnh bước vào, thì nghe có tiếng người sợ hãi kêu lên một tiếng kinh ngạc : “A!”.
Rồi một cô gái, đầu tóc rối bời, vén mùng thò mặt ra hỏi:
-Ông muốn gì ?
Tống Giáng đáp :
-Xin cô nương đừng sợ. Tôi là Tống Giang lánh họa chậy đến đây. Sẽ đi ngay.
Tống Giang nói xong, tung người nhẩy lên bàn, tính chuồn sau cửa sổ để chậy.
Người con gái nghe thấy hai tiếng “Tống Giang”, ngồi bật dậy, đưa tay kéo vạt áo Tống Giang lại, nói một cách vội vã :
-Ông không nên đi ra lúc này cửa lớn đã bị phá vỡ, bọn sai dịch đang lục soát ở đằng trước, một lát nữa sẽ vào đến hậu viện.
Rồi người con gái mở chăn của mình ra một nửa, nói với Tống Giang :
-Hãy mau chui vào đây mà nấp !
Tống Giang thấy cô gái chỉ mặc có nội y, quần áo lót, thì lắc đầu quầy quậy.
Bên ngoài vẫn tiếng người hô hoán, ồn ào.
Bọn sai dịch đã vào đến hậu viện, khiến cho cô gái sốt ruột mắt muốn đổ lửa.
Tống Giang không còn cách nào khác, đành phải vạch chăn của người con gái chui vào.
Người con gái đậy chăn cho Tống Giang, rồi lại kéo mùng vào.
Khoảnh khắc. Bỗng nghe một tiếng “rầm”, Bốc Nghĩa phá cửa bước vào, thấy căn phòng nhỏ bé, chật chội, liệu không có chỗ cho người ẩn trốn, bèn lấy đao kéo cửa mùng ra, thấy người con gái nghiêng mình mà nằm, để lộ một cánh tay ra bên ngoài chăn. Đúng lúc đó, Chu Đồng, Lôi Hoành bước vào, hét lớn:
Ngươi không được vô lễ! Tại sao nhà dám bước vào khuê phòng nhà người ta ?
Bất đắc dĩ, Bốc Nghĩa phải đi ra khỏi phòng.
Tiếng ồn ào huyên náo đi xa dần.Tống Giang vội vàng bước xuống giường. Người con gái cũng chỉnh đốn y phục lại.
Tống Giang tiến đến trước mặt thi lễ, nói :
-Mong ơn cô nương đến cứu giúp, nếu như sau này gặp đại nạn mà không chết, thì sau này nhất định xin hậu báo.
Người con gái tươi cười, bảo với Tống Giang :
-Tam lang ! Anh không nhận ra thiếp sao ?
Tống Giang bất ngờ chưng hửng, ngẩng đầu lên nhìn. Chỉ thấy người con gái, mắt hạnh mày liễu, môi đỏ, cổ anh đào, lưng nhỏ eo thon, chẳng khác chi một đóa hồng liên (hoa sen) vừa từ mặt nước mọc lên.
Tống Giang không nhận ra người con gái này là ai, chỉ biết lắc đầu đáp lại. Người con gái mỉm cười chúm chím, lấy tay vuốt làn tóc buông dưới má bên trái ra đằng sau tai, để lộ ra một nốt ruồi mầu đỏ, to bằng hạt đậu. Tống Giang mới sững sốt ngạc nhiên kêu lên:
-A ! Giang Liên.
Người con gái tỏ ra bẽn lẽn thẹn thùng “ứ hự” một tiếng.
Người con gái này họ Giang, tên Liên, vốn là con gái của người cô Tống Giang, lúc còn bé từng sống ở nhà bà ngoại, cùng với Tống Giang chơi đùa nghịch ngợm rất là thân thiết, ngây thơ, không úy kỵ gì, như “thanh mai trúc mã 青梅竹马”. Giang Liên gọi Tống Giang là : Hắc Tam Lang – Anh Ba Đen. Còn Tống Giang gọi Giang Liên là “Xuyên Mã Thung 栓马桩 – Cọc cột ngựa”.
Hai họ Tống ,và Giang đã thầm có ý kết duyên Tấn Tần, nhưng thân phụ của Tống Giang mượn người xem quẻ, quẻ cho biết là thuộc tướng của hai người không hợp.
Nên việc lấy nhau không bàn đến nữa.
Từ nhỏ, Giang Liên tính vốn cương nghị, cứng rắn, từ khi không lấy Tống Giang thì thôi không qua lại vãng lai đến Tống Gia Thôn nữa. Sau này cha mẹ Giang Liên đều qua đời. Người anh và chị dâu của nàng chỉ ham lo kiếm tiền, đem Giang Liên hứa gả cho một người lái buôn cự phú ở Giang Nam.
Tống Giang được tin đó, sầu trường trăm đoạn, thở ngắn than dài, lòng hối hận không kịp.
Sau này, Tống giang làm Áp Ty ở huyện Huy Thành, được bạn bè khuyên nhủ, mới lấy Diêm Bà Tích.
Bấy giờ, Giang Liên lại hỏi Tống Giang :
-Tam ca! Vì sao phải chậy trốn đến đây ?
Tống Giang bèn đem đầu đuôi câu chuyện vì tức giận giết Diêm bà Tích thuật cho Giang Liên nghe.
Giang Liên nói:
-Ông trời có mắt, nên may mắn cho thiếp gặp lại Tam ca. Nhà phú thương ở Giang Nam vài ngày nữa sẽ đến đón dâu. Nhưng thiếp lẽ nào lại lấy làm vợ bé ông già ngoài năm mươi tuổi cơ chứ.Có lúc muốn chết cho xong, đâu có ngờ ngày hôm nay được trùng phùng với Tam ca.Tam ca, cho thiếp đi trốn theo , sau này chúng mình sẽ thành vợ thành chồng.
Tống Giang trả lời:
-Nếu ta với nàng cùng đào tẩu chung với nhau, giả như bị bắt lại, vụ án của ta sẽ bị hiểu lầm là một vụ án giết người vì tình; không liên lụy đến nàng hay sao ? Chẳng thà, hôm nay ta trốn đi trước đến nhà Sài Đại Quan Nhân ở quận Hoành Hải Thương Châu, rồi nhờ Sài Đại Quan Nhân cho người kín đáo về đón nàng, như vậy nàng nghĩ sao ?
Giang Liên chỉ còn biết ngậm ngùi rơi lệ, gật đầu, rồi rút một cây trâm bằng vàng ở trên đầu xuống,dâng lên cho Tống Giang mà nói:
-Đây là di vật của mẫu thân thiếp, xin trao cho chàng làm lộ phí đi đường.
Rồi hai người cùng khóc mà từ giã nhau.
Mấy ngày hôm sau, viên lái buôn cự phú ở Giang Nam đến Huy Thành để đón dâu, muốn ép nàng phải cùng về.
Người anh và chị dâu Giang Liên, mặc cho nàng gào khóc , ngất đi, cứ khiêng nàng xuống thuyền, rồi dương buồm đi một lèo. Khi Giang Liên tỉnh lại thì thuyền đã đi khỏi quê nhà quá xa. Nàng vô cùng đau khổ, không muốn sống nữa, và nhân không có người phòng bị, Giang Liên nhẩy tòm xuống sông.
Sau này, khi Sài Đại Quan Nhân cho người cho người đến đón, nghe được tin đó, thông tin cho Tống Giang biết, khiến Tống Giang đau khổ vô cùng, thề quyết không lấy vợ nữa.
Giang Liên nhẩy xuống sông nhưng không chết. Nàng được một ngư phủ vớt lên cứu sống. Giang Liên bèn ẩn tính mai danh, cắt tóc làm ni cô.
Sau này, Võ Tòng đến Hàng Châu, tu ở trong chùa Lục Hòa Tự, đưa tin nói là Tống Giang và những hảo hán Lương Sơn Bạc đã được chiêu an.Giang Liên biết là Tống Giang còn sống, vừa mừng vừa lo, nên lên đường khất thực hóa duyên đi tìm Tống Giang. Nhưng khi nàng đến Lương Sơn Bạc thì lại được tin là Tống Giang trước đó một tháng đã bị bọn tham quan ô lai đánh thuốc độc giết chết rồi.
Giang Liên đau đớn điên cuồng, ruột gan đứt ra từng đoạn, leo lên đỉnh Hổ Đầu Phong ở Lương Sơn Bạc, khóc lóc kêu gọi tên Tống Giang, rồi tung người từ eo núi xuống dòng nước bạc mênh mang.
Ít lâu sau, nơi vụng nước chỗ Giang Liên tự tử, nẩy sinh ra một loại hoa sen thật lớn. Lá bằng cái chiếu, hoa như cái tán, đỏ au au. Dân chúng phụ cận vùng đó, đến xem hoa, đều cho rằng loại sen đó là hóa thân của Giang Liên, và gọi sen đó là Hồng Liên.
(Bài viết do học giả Thôi Thái Vân sưu tập và chỉnh lý-Phạm Xuân Hy dịch xong ngày 26-3-2016, lúc 21h 12).

Thi Nại Am tả Võ Đại Lang, Võ Tòng
(施耐庵写武氏兄弟-Thi Nại Am viết về an hem họ Võ)
Theo học giả Cố Văn Hiển thì Thi Nại Am và Võ Đại Lang là người đồng hương, đồng học, lại là bạn bè thân thiết lúc còn nhỏ. Lớn lên, Võ Đại Lang lấy vợ sớm. Khi lấy Phan Kim Liên thì Võ Đại Lang khoảng mười sáu mười bẩy tuổi, còn Thi Nại Am nhỉnh hơn một tí, khoảng hai mươi tuổi.
Lúc đó Võ Đại Lang không có đủ tiền để lấy vợ, nên phải vay tiền Thi Nại Am.
Thi Nại Am đùa bảo với Võ Đại Lang rằng :
-Tớ cho cậu mượn thì được thôi, nhưng tớ chưa có vợ , thì đêm đầu cậu phải nhường cho tớ, có được không ?
Võ Đại Lang gật đầu đáp « được » .
Theo truyền thống mê tín của người Trung Hoa, Võ Đại Lang còn thề rằng « đứa nào dối thì đứa đó bị trời đánh chết ».
Vì thế, đến ngày Võ Đại Lang cưới vợ, đêm đầu tiên người bước vào động phòng là Thi Nại Am, nhưng ông vốn là người có học sách thánh hiền, hiểu nghĩa lý , nên suốt cả đêm hôm đó Thi Nại Am chỉ ngồi mà không dám cởi quần áo lên giường nằm.
Võ Đại Lang biết vậy, tỏ ý hết sức cảm kích Thi Nại Am, và tình bạn giữa hai người càng thêm gắn bó, thân mật.
Sau này , Võ Đại Lang được bổ lâm Tri Huyện huyện Dương Cốc, còn Thi Nại Am thì bần cùng, túng thiếu, nghèo khổ , trong nhà có khi không có gạo đổ vào nồi. Thi Nại Am bèn đế huyện Dương Cốc, để nhờ Võ Đại Lang cho mượn chút ít lương thực. Sau khi hai người gặp nhau, Thi Nại Am mới bầy tỏ ý của mình, nhưng chỉ thấy Võ Đại Lang lãnh đạm, chẳng nói có, mà cũng không từ chối, rồi mời Thi Nại Am ra ở ngoài quán dịch.
Thấm thoắt nửa năm trời trôi qua, ăn uống thì xuề xòa đạm bạc, còn Võ Đại Lang cũng không đến gặp.Thi Nại Am nghĩ thầm trong bụng « Người ở nhà chờ chắc chết đói mất, minh không thể ở đây lâu được nữa ».
Rồi không từ giã, bỏ đi.
Thi Nại Am đi ra lối cửa tây môn của huyện Dương Cốc, thấy có một quán trà,tên tiệm đề là « Khánh 慶», mọi người ở đấy đều gọi tên là « Tiệm Trà Khánh ».
Bên trong, khách đến uống trà rất đông. Thi Nại Am bước vào trong quán, uống xong một tách trà, lòng càng nghĩ càng thấy Võ Đại Lang là một thằng đểu, không đáng là bạn, rồi Thi Nại Am xin phép những khách hàng được « giảng cố sự-tức kể truyện » để kiếm tiền.Cổ xưa ở Trung Hoa,trong 50 nghề được coi là chính thức, trong đó có nghề « kể truyện ».Các khác uống trả dĩ nhiên là rất cao hứng. Thi Nại Am bèn lập tức tưởng tượng ra hình ảnh của một anh Võ Đại Lang xấu xí, ba phần người bẩy phần quỷ, và kể là vợ Võ Đại Lang là một người đàn bà dâm loàn, thông gian với một người cũng đang tụ họp ở đây.Vì quán trà nằm ở bên ngoài cửa Tây Môn, nên Thi Nại Am dặt tên người gian dâm là Tây Môn Khánh.
Sau khi kể xong truyện, Thi Nại Am đứng dậy lên đường. Bất luận đi đến chỗ nào, chỉ cần có cơm ăn trà uống, và có nhiều người nghe, thì Thi Nại Am lại đem truyện ra kể.
Khi về đến làng, Thi Nại Am không thấy nhà cửa của mình đâu nữa.Ngôi nhà tranh vách lá ngày trước đã biến mất.Thay vào đó là một ngôi nhà ngói sang trọng đường hoàng.
Nguyên lai, Võ Đại Lang rất hiểu tâm lý của Thi Nại Am, dù có giúp lương thực, tiền bạc bao nhiêu, thì Thi Nại Am cũng không lấy, nên lén để dành tiến mua đất, cất nhà cho Thi Nại Am.
Thi Nại Am nghĩ lại những việc đã làm lúc đi đường đối với Võ Đại Lang, thật là điều không phải, đáng xấu hổ,còn chuyện người vợ Võ Đại Lang gian dâm với Tây Môn Khánh cũng đã phổ biến, lan rộng đi mất rồi, không thâu hồi lại được.
Vì thế, Thi Nại Am mới dùng bút thay lời, mô tả Võ Tòng thành một anh hùng hảo hán đả hổ ở Cảnh Dương Cương và sát đấu với tên gian phu Tây Môn Khánh ở Sư Tử Lâu, để mong chuộc lỗi của mình.
Sự tích Võ Tòng Đả Hổ là một bộ phận sớm nhất trong Thủy Hử Truyện.
Mua vui cũng được một vài ba giây. Đa tạ.
(Bài viết do học giả Cố Văn Hiển sưu tập và chỉnh lý-Phạm Xuân Hy dịch xong ngày 16-3-2016, lúc 21h 12).
***
CHÚ THÍCH: (Trích từ « Sổ tay chữ Hán » của Phạm Xuân Hy)
Thủy Hử Hậu Truyện – 水滸后傳
Tòan truyện gồm 40 hồi, do Trần Thẩm người thời Minh mạt Thanh sơ sáng tác.Trần Thầm tự là Hà Tâm, một tự nữa là Kính Phu, hiệu là Nhạn Đãng Sơn Tiều, sinh tốt không rõ, đại khái vào cuối thời Minh mạt Thanh sơ. Khi nhà Minh vong, tác giả không chịu ra làm quan với Thanh triều, sống bằng cách bói toán và chiết tự, cùng với Cố Viêm Võ kiến lập thi xã. Thi ca sáng tác của Trần Thầm thường biểu thị nỗi cảm thương thời thế, phong cách cứng cỏi điêu luyện..
Ngòai tác phẩm « Thủy Hử Hậu Truyện » ông còn có những ca khúc, thi văn tạp trứ như « Si Thế Giới », « Tục Nhập Nhất Đạn Từ », nhưng đều thất truyền.
« Thủy Hử Hậu Truyện » được coi như là nối tiếp với « Thủy Hử Truyện 100 hồi » .Tác phẩm thuật tiếp việc triều đình chiêu an các hảo hán và đi chinh phục Phương Lạp bị hại, may mắn còn sống sót một số đầu lãnh ở Lương Sơn Bạc như Lý Tuấn , Nguyễn Tiểu Thất, hơn ba chục người, không chịu ra làm quan. Nguyễn Tiểu Thất tái khởi binh tụ nghĩa, trên núi Vân Sơn ,và Lý Ứng nổi dậy ở Ẩm Mã Xuyên, tiếp tục thế thiên hành đạo, chống lại tham quan ô lại đương quyền của triều Bắc Tống, công khai cướp bóc dân lành, dẫn quân Kim nhập xâm.Họ ra sức bất khuất chiến đấu với quân Kim. Sau phân tán đi chạy ra ngoài biển, kiến lập cơ sở ở Kim Ngư Đảo. Lý Tuấn còn lên làm quốc vương Xiêm La.
Trên phương diệnnghệ thuật, những tính cách hình tượng của một số nhân vật chủ yếu được tác giả giữ nguyên như nguyên truyện.Cũng có đôi chỗ đựơc phát triển mới mẻ, ngôn ngữ lưu loát, sinh động. Riêng việc tự thuật quân Kim xâm lược lộn xộn, lung tung.
Toàn thư gồm hơn ba trăm nhân vật, tròng đó có 55 người trong « Thủy Hử Truyện »
Hậu Thủy Hử Truyện – 后水滸傳
Tòan thư gồm 45 hồi, ghi Thanh Liên Thất Chủ Nhân là người sáng tác,tác giả sinh bình bất tường, nhưng theo bài tự của Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân và nội dung , kết của Hậu Thủy Hử Truyện, thì tác phẩm có thể được viết vào đầu thời nhà Thanh.
Sách miêu thuật các hảo hán Lương Sươn Bạc trong « Thủy Hử Truyện » như Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa sau khi được chiêu an bị bọn gian thần giết hại, chuyển thế thác sinh làm Dương Ma, Vương Ma, trở thành những anh hùng tụ hội ở Động Đình Hồ, tiếp tục sự nghiệp thế thiên hành đạo, cùng nhau gánh vác việc nghĩa.
Về phương diện tư tưởng, tác giả kế thừa những điểm ưu tú trong Thủy Hử Truyện, nhiệt tình ca ngợi khởi nghĩa quân của Dương Ma, phẫn nộ tố giác sự hủ bại của triều đình phong kiến nhà Nam Tống.
Hậu Thủy Hử Truyện miêu thuật một cách chân thực nhiều cảnh dân chúng lầm than, không được yên lành sinh sống làm ăn .
Giữa lúc quân Kim nam hạ, Khang Vương Triệu Cấu vội vã bỏ chậy xuống miền nam và xưng đế ở Nam kinh, đóng đô ở Lâm An, Dương Ma thấy Tống Cao Tông hèn nhát, đắm chìm trong tửu sắc, nên âm thầm lén vào trong cung thẳng thắn can ngăn, khác hẳn với Tống Giang trong Thủy Hử Truyện, trước mặt Tống Huy Tông chỉ biết có vâng vâng dạ dạ. Nên trong Hậu Thủy Hử Truyện, tác giả đã miêu thuật là Dương Ma rất dè chừng việc chiêu an và ban thưởng của triều đình nhà Nam Tống, và để Dương Ma phất biểu : « Tống Giang trượng nghĩa sơ tài, kết giao huynh đệ, là điều nên học hỏi, nhưng Tống Giang nhu nhược, không có chủ kiến, đưa anh em đến chỗ bị hại, là điều không thể bắt chước được ».
Về sau, khi bị Nhạc Phi đem quân đến đánh sơn trại, Dương Ma cùng các hảo hán ở Động Đình Hồ không muốn cùng Nhạc Phi giao chiến, và cũng không chịu đầu hàng, bỏ đến Hiên Viên Tỉnh rồi trốn vào Lư Sơn.
Chỗ bất túc của Hậu Thủy Hử Truyện là kết cấu lộn xộn, tính cách nhân vật thiếu phát triển biến hóa, việc tụ nghĩa của các hảo hán ở Động Đình cũng chỉ được miêu tả một cách qua loa, hình tượng nhân vật thiếu sự chân thật..
Du van Xuân, người đời Thanh viết « Đãng Khấu Chí », kế tục « Thủy Hử Truyện », mô tả chuyện Trần Hy Chân và Trần Lệ Khanh « đãng bình » tiêu diệt Lương Sơn Bạc, sát hại bọn Tống Giang.
« Đãng Khấu Chí » tuy cùng đề tài với Thủy Hử Truyện, nhưng nội dung trọng điểm không giống nhau, và lập trường của các tác giả bất đồng. Cho nên, chủ đề của Đãng Khấu Chí hoàn toàn tương phản, và có cái nhìn thù hận với Thủy Hử Truyện.
Đãng Khấu Chí – 蕩 寇 志
“Đãng Khấu Chí” là trường biên tiểu thuyết, gồm 70 hồi,do Du văn Xuân viết vào năm Đạo Quang nhà Thanh lại có tên khác là “Kết Thủy Hử Truyện”, là một tác phẩm chống lại “ Truyện Thủy Hử”. Du Vạn Xuân từng công kích “Thủy Hử truyện” là :
Du Van Xuân sinh năm 1794 mất năm 1849, tự là Trọng Hoa, hiệu là Hốt Lai Đạo Nhân, người Sơn Âm tỉnh , từng theo cha tham dự trấn áp các cuộc khởi nghĩa của người Dao tộc,Lê tộc, Hán tộc, ở Quảng Đông. Du Vạn Xuân cho “Thủy Hử Truyện là ”tà thuyết, là ngôn từ dâm uế, tai hại vô cùng, cho nên tác giả phải nói lên sự thật, trừ bỏ những lới dối trá, trong Thủy Hử Truyện ,để cho thiên hạ hậu thế phân biệt được cái điều trung nghĩa với việc đạo tặc”.
Đãng Khấu Chí của Du Vạn Xuân thuật tiếp Thủy Hử Truyện, bản 71 hồi, do Kim Thánh Thán đã san cải.
Đó là động cơ thúc đẩy mà tác giả Du Vạn Cơ đã bỏ 22 năm tâm huyết để hòan thành “Đãng Khấu Chí”. Sau khi Du Vạn Xuân qua đời, người con có nhuận sắc lại và cho khắc in vào những năm Hàm Phong sơ niên, Hàm Phong thất niên, Đồng Trị thập niên.
Đãng Khấu Chí tường thuật câu chuyện Trần Hy Chân và Trần Lệ Khanh « đãng bình »và giết hết nghĩa quân ở Lương Sơn Bạc, trút lòng thù hận sâu đậm của tác giả đối với “Thủy Hử Truỵện”.
Vì quan điểm đó, “Đãng Khấu Chí” được sự hoan nghênh của giai cấp quan lại thống trị.
Mặc dầu cùng đề tài với Thủy Hử Truyện, nhưng nội dung có những điểm không giống nhau, và lập trường, tư tưởng của hai tác giả cũng khác biệt nhau.
Cho nên, vào năm Hàm Phong thập niên, tức năm 1860, khi Lý Tú Thành, một lãnh tụ khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, khi đánh chiếm được Tô Châu đã ra lệnh “phần thư”, đốt bỏ cấm hủy “Đãng Khấu Chí”.

Cuộc đời mỹ nhân từng nghênh chiến với 8 vị hảo hán trong Thủy Hử truyện

Trong Thủy Hử truyện không thể không nhắc đến Cừu Quỳnh Anh – vợ của Một Vũ Tiễn Trương Thanh. Nàng không chỉ xinh đẹp, mà còn võ nghệ cao cường, từng nghênh chiến với 8 vị đại tướng của Lương Sơn, sau vì tình yêu đã quy thuận Lương Sơn.

my nu, Lương Sơn, hảo hán, cừu quỳnh anh,
Tranh vẽ Cừu Quỳnh Anh. (Ảnh: Internet)
Dưới đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về nữ tướng Lương Sơn dung mạo diễm lệ này!
Tuổi thơ trắc trở
Phụ thân của Cừu Quỳnh Anh là Cừu Thân gia cảnh giàu có, đã lấy con gái của Tống thị. Khi nhạc phụ của ông qua đời, hai vợ chồng vội về đưa tang, không may dọc đường gặp phải Điền Hổ thèm muốn sắc đẹp của Tống thị, Cừu Thân bị bọn cướp giết hại, Tống thị vì giữ gìn danh tiết mà nhảy xuống vực sâu tự vẫn. May thay trong nhà có vợ chồng quản gia Diệp Thanh trung thành tận tâm đã nuôi dưỡng tiểu thư Cừu Quỳnh Anh.
Một năm sau, Điền Hổ làm loạn, và sai Ô Lê chia binh cướp bóc, vợ chồng Diệp Thanh và Cừu Quỳnh Anh đều bị bắt đi. Ô Lê vốn không có con cái, người vợ Nghê thị của ông yêu quý Cừu Quỳnh Anh, liền nhận nuôi nàng. Và Cừu Quỳnh Anh cũng thừa dịp thỉnh cầu Ô Lê cho Diệp Thanh và vợ  ông là An thị ở lại bên cạnh mình. Vì sự an toàn của  Quỳnh Anh, Diệp Thanh đã gia nhập phản quân và đảm nhận chức tổng quản. Trong lúc vô tình Diệp Thanh đã biết được Điền Hổ thì ra là kẻ thù giết chết vợ chồng Cừu Thân, bèn đem chuyện này nói với Quỳnh Anh. Quỳnh Anh sau khi biết được sự thật thì như muốn vỡ cả lồng ngực, nhưng lại chỉ có thể cắn răng chịu đựng để chờ đợi cơ hội báo thù. KỲ NGỘ HỌC VÕ 
Cừu Quỳnh Anh dần dần lớn lên trở thành một mỹ nữ đường đường kiều diễm, dung mạo tuyệt đẹp, dáng người mảnh mai yểu điệu, khí chất hào hùng. Quỳnh Anh không lúc nào không nhớ đến mối thù của cha mẹ, mỗi buổi tối đều mơ thấy có người dạy võ công cho nàng, thế là ngày hôm sau tỉnh lại nàng tự mình âm thầm tập luyện. 
Có một buổi tối nàng mơ thấy có một thiếu niên tự xưng là sao Thiên Tiệp, không chỉ dạy nàng đả phi thạch mà còn nói chàng là duyên phận của nàng. Sau đó tỉnh lại, nàng phát hiện bản thân quả nhiên đã biết phi thạch, chuyện này khiến cho Nghê thị chú ý. Nghê thị đem chuyện này nói với Ô Ly. Sau khi Ô Ly kiểm tra, phát hiện Quỳnh Anh quả nhiên võ công không tệ, thế là liền đem hết thảy bản sự mà mình đã học được trong suốt một đời truyền thụ cho nàng.
Giao chiến với tám vị đại tướng Lương Sơn
Khi Cừu Quỳnh Anh giao tranh với hảo hán Lương Sơn, nhờ vào một thân võ nghệ xuất chúng và tuyệt kỹ phi thạch đánh cho tướng sĩ Lương Sơn chẳng còn nhuệ khí, một trận chiến này rất đáng được liệt vào kinh điển.
Đối thủ trong trận thứ nhất: Vương Anh
Võ công của Oải Cước Hổ Vương Anh vốn chỉ vào hạng xoàng, nhất là khi đối diện với Quỳnh Anh thân thủ xuất chúng, chưa đến 20 hiệp đã bị Quỳnh Anh đánh ngã ngựa.
Đối thủ trong trận thứ hai: Hỗ Tam Nương
Võ nghệ của Nhất Trượng Thanh Hỗ tam Nương mạnh hơn Vương Anh chồng nàng rất nhiều. Nàng thấy chồng mình thất thế liền xông lên, nghênh chiến với Quỳnh Anh, nhưng vẫn không thể chiếm được ưu thế.
Đối thủ trong trận thứ ba: Hỗ Tam Nương và Cố Đại Tẩu
Cố Đại Tẩu nhìn thấy Hỗ Tam Nương không chiếm được ưu thế, liền xông lên tương trợ. Cừu Quỳnh Anh một người giao tranh với hai người, nàng dùng phi thạch đánh Hỗ Tam Nương bị thương, Cố Đại Tẩu không thể không đến bảo vệ Hỗ Tam Nương.
Đối thủ trong trận chiến thứ tư: Tôn Tân
Tôn Tân thấy vợ và Hỗ Tam Nương có nguy hiểm, liền giơ hai cây roi lao vào đánh Quỳnh Anh, nhưng mà còn chưa đến gần đã bị phi thạch đánh trúng mũ sắt, đành phải bảo vệ hai người phụ nữ rút lui.
Đối thủ trong trận thứ năm: Báo Tử Đầu Lâm Xung Cừu Quỳnh Anh giao đấu với Lâm Xung một hồi thấy không thể giành được thắng lợi, liền quay người bỏ đi. Lâm Xung nào chịu bỏ qua, bèn đuổi sát theo sau. Nhưng Lâm Xung lại bị phi thạch của Quỳnh Anh đánh bất ngờ, Lâm Xung lần đầu tiên dùng thương đẩy viên đá thứ nhất ra, nhưng lại không ngăn được viên thứ hai, bị đánh đến khắp mặt toàn là máu, vội vàng rút lui về trận địa.
Đối thủ trong trận thứ sáu: Hắc Toàn Phong Lý Quỳ
Quỳnh Anh dùng phi thạch đánh trúng Lý Quỳ, tuy đã khiến Lý Quỳ bị thương, nhưng lại không đánh ngã được ông. Quỳnh Anh suy xét tình hình, lập tức trở về trận địa của mình, Lý Quỳ tức đến gào thét không thôi.
Đối thủ trong trận thứ bảy: Giải Trân
Quỳnh Anh dùng một viên đá đánh ngã Giải Trân, khiến cho Lỗ Trí Thâm, Giải Bảo, Võ Tòng phải đến cứu.
Đối thủ trận thứ tám: Lý Quỳ
Lý Quỳ xông vào trong trận Nam Quân, phi thạch liên tục của Thù Quỳnh Anh đánh cho Lý Quỳ vỡ đầu chảy máu, làm cho Lý Quỳ suy yếu sức chiến đấu.
Đối thủ trận thứ chín: Trương Thanh
Hai người đứng đối diện nhau bèn cảm thấy hai bên đều rất thân quen, Quỳnh Anh nhận ra người này chính là chàng trai dạy mình phi thạch trong mơ. Hai người đã đại chiến 50 hiệp, Quỳnh Anh giả thua, dùng phi thạch đánh lén Trương Thanh, nào ngờ Trương Thanh lại bắt được viên đá. Và khi hai người phi đá cùng lúc thì viên đá của hai bên lại đụng vào nhau, thật khiến người ta bất ngờ choáng ngợp.
Quỳnh Anh giao đấu chín trận với tám vị đại tướng Lương Sơn, nhưng không lần nào chịu thiệt cả, có thể thấy nàng rất có võ nghệ lại có mưu trí, là một nữ tướng quân vô cùng lợi hại.
my nu, Lương Sơn, hảo hán, cừu quỳnh anh,
Chân dung Cừu Quỳnh Anh trên phim truyền hình. (Ảnh: Internet)
Nhân duyên
Cần biết rằng Cừu Quỳnh Anh đối với nhân duyên của mình từ đầu đã có chí nguyện: Nếu cần phải kết duyên, ngoại trừ những người biết phi thạch ra, nếu như phải sánh duyên với người khác thì tiểu nữ thà chết. Và khi đối diện với Trương Thanh biết phi thạch, còn là người dạy mình phi thạch trong mơ, đoạn nhân duyên này xác thực là nước chảy thành sông rồi.
Theo cách nói của Tống Giang thì đây đúng là nhân duyên trời định, bởi vì Trương Thanh cũng mơ thấy Quỳnh Anh thậm chí còn tương tư thành bệnh. Vậy nên đôi bên đã thuận nước đẩy thuyền, hai người đã sánh duyên với nhau, chỉ tiếc là gặp nhau quá muộn màng.
Khiêm tốn lập công
Cừu Quỳnh Anh sau khi gả cho Trương Thanh, bèn một lòng một dạ đi theo chồng. Thêm vào đó Điền Hổ là kẻ thù năm xưa giết chết cha mẹ của nàng, vậy nên Quỳnh Anh dưới sự an bài của Ngô Dụng, dưới sự giúp đỡ của nhóm người Giải Trân, Giải Bảo, Lạc Hòa, đã bắt sống Điền Báo, Điền Hổ. Vào thời khắc nguy cấp, Trương Thanh dẫn theo tám nghìn người đi ứng cứu và nói với Quỳnh Anh rằng, kẻ thù giết cha của nàng đã bị mình bắt được, nhờ vậy mới thuận lợi rút lui.
my nu, Lương Sơn, hảo hán, cừu quỳnh anh,
Vợ chồng Quỳnh Anh – Trương Thanh trong phim truyền hình. (Ảnh: Internet
Kết cục trong Tân Thủy Hử
Trong “Thủy Hử truyện” phiên bản mới, Cừu Quỳnh Anh và chồng nàng đã tử chiến ở Độc Thông quan; Quỳnh Anh thấy chồng đã chết, bèn không chút luyến tiếc mà đi theo chồng. Còn trong lịch sử thì Quỳnh Anh là bởi mang thai, một mình tịnh dưỡng ở kinh thành, về sau đã sinh hạ một đứa con trai cho Trương Thanh, đặt tên là Trương Tiết; hay tin Trương Thanh tử trận, bèn tự mình đi Độc Thông quan ứng cứu. Có thể thấy vợ chồng tình thâm, và con trai của nàng về sau cũng trở thành đại tướng kháng Kim.
Có thể nói Cừu Quỳnh Anh tuổi thơ khổ nạn, trong nghịch cảnh đã học được một thân võ nghệ, sau khi gả cho Trương Thanh, nặng tình nặng nghĩa với chồng. Sau khi chồng qua đời, nàng một mình nuôi dưỡng con trai khôn lớn, hơn nữa đã bồi dưỡng con trai thành bậc hảo hán đội trời đạp đất.
Vì sao nàng không được liệt vào danh sách 108 vị tướng Lương Sơn?
Rất nhiều người đều cảm thấy bất bình thay cho Quỳnh Anh, vì sao thân thủ nàng tốt như vậy mà lại không được liệt vào trong danh sách 108 vị tướng?
Có ba nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, khi nàng gia nhập Lương Sơn, vị trí 108 vị tướng Lương Sơn đã được sắp xếp xong, nếu như kiên quyết đưa nàng vào sẽ đảo lộn trật tự vốn có từ đầu.
Thứ hai, Cừu Quỳnh Anh đã từng là đại tướng dưới tay phản tặc Điền Hổ, đối với Lương Sơn đã nhận chiêu an của triều đình mà nói, sẽ tạo thành ảnh hưởng không tốt.
Thứ ba, Quỳnh Anh bản tính khiêm tốn, một lòng một dạ đối với chồng, vốn dĩ nàng không hề để ý đến những hư danh này.
Tiểu Thiện, dịch từ secretchina.com

Cách chọn chó tốt theo dân gian


                                                Hắc cẩu tứ mục
 I) Chọn theo Râu chó :“Độc tu Long, Nhị tu Hổ, Tam tu Cẩu, Tứ tu Cùng”
Tôi xin hầu chuyện các bạn về: “Độc Long, Nhị Hổ, Tam Cẩu, Tứ Cùng” là gì?
Xin thưa đó là cách chọn chó nuôi theo kinh nghiệm lưu truyền trong dân gian dựa trên RÂU của chó. Có rất nhiều kiểu chọn chó lưu truyền khác nhau, từ dáng dấp, màu sắc, chân cẳng, huyền đề, tai, lưỡi, đuôi đến cả cuống họng chó.. v..v. Và đây là cách chọn dựa trên RÂU. Đúng ra bài này tôi nên để bên mục “cách chọn chó” nhưng vì đây là cách chọn theo dân gian, chỉ áp dụng cho các giống chó ta, chó Phú Quốc vốn dĩ quen thuộc với người dân VN, nếu để bên kia e rằng không phải !
Trước hết tôi xin định nghĩa lại râu: RÂU là một chỏm lông phía dưới cằm, các chỏm khác trên mõm là ria, các chòm khác trên mặt, bên tai là các chòm lông mặt. Chúng ta vẫn hay thường gọi râu là tất cả các chỏm lông trên.
Chúng ta bắt đầu lật cằm chó ra, chòm RÂU chó là những sợi lông cứng hơn, thẳng hơn, dài hơn và đậm màu hơn, mọc ngay chính giữa cằm – Mong rằng các bạn đếm nó không phải là bốn chiếc lông, bởi vì nếu là bốn râu thì con chó bạn đang nuôi đứng hạng bét (tứ cùng)! Viết đến đoạn này tôi lại thấy áy náy, hy vọng không phải vì thế mà bỗng nhiên mấy chú chó bốn râu đang từ chỗ được yêu thương nay phải chịu cảnh hắt hủi thì thật là tội. - nhưng thôi đành chịu vậy, còn có biết bao kẻ đang rình rập chờ cho chó người ta xổng ra để rắp tâm đưa lên đĩa. Đành an ủi vậy! Chó bốn râu đứng hàng cuối vì chúng thiếu những đức tính cơ bản của loài chó mà con người yêu mến, ngoài ra chúng còn khờ dại trên mọi mặt, người ta lưu truyền như vậy!
Hầu hết các bạn sẽ thấy chó chỉ có ba râu (ba sợi râu) chúng được mọc theo hình tam giác ngay ngắn ngay chính giữa cằm. Những con chó này được xếp hạng là “Tam cẩu” với các đức tính cơ bản của loài chó đó là trung thành với chủ, biết bảo vệ chủ và nhẫn nhục chịu đựng (nếu chúng không có những nét phá cách khác). Chúng ta thường có những con chó này, và chỉ vậy thôi cũng đủ cho chúng ta yêu mến loài chó- đích thực là Cẩu!
Chó có hai râu được ví như con Hổ (Nhị hổ) vì nó là chó dữ. Nếu nó không phải là con đầu đàn thì nó vẫn muốn làm đầu đàn, nó sẽ rất hay cắn lộn với con đầu đàn và có xu hướng tách đàn, còn nó là con đầu đàn thì tuyệt vời, cả đàn phải phục tùng nó một cách tuyệt đối. Con chó hai râu rất dữ với người lạ, nói chung nó là một con chó “dữ như Hổ”.
Cuối cùng và trên hết là con chó một râu, con chó một râu được ví như con rồng (Độc Long) với rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Các bạn cũng biết rồng là một con vật có tính huyền thoại, có nghĩa là nó không có thực, nó là một con vật linh thiêng, nằm trong bộ tứ: Long,Ly,Quy,Phụng. Ba con còn lại thì có Ly (Lân) là Sư tử, Quy là Rùa, Phụng là con chim Phượng Hoàng, chỉ mỗi con Rồng là không có. Nói như vậy tôi muốn nhấn mạnh con chó một râu là cực kỳ hiếm. Tuy vậy nếu bạn muốn tìm một chú chó hai râu hay một râu, bạn sẽ được trả lời là có với giá rất cao. Đơn giản thôi, các lái chó sẽ nhổ bớt râu của chó cho phù hợp với nhu cầu tiêu tiền của bạn! Thực sự nếu bạn muốn tìm một chú chó một râu (hai râu thì không quá hiếm) bạn phải mang theo một chiếc kính lúp loại cầm tay (không phải loại đeo mắt của thợ đồng hồ), nếu bị nhổ hoặc bị rụng tự nhiên thì rất dễ nhận ra bởi bao giờ nó cũng để lại dấu vết là một vết sần rất nhỏ, còn mắt thường thì bạn sẽ bị lừa ngay. Bạn tìm được chú chó một râu rồi thì khoan hãy mừng
II) Chọn theo ngoại hình : Các phương pháp theo dân gian
- "Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt": có nghĩa là chó mà có đốm ở trên đầu thì tốt nên để nuôi, còn chó mà có đốm ở đuôi thì không tốt.
- "Bỏ đuôi bên trái thì nuôi, bỏ đuôi bên phải thì thịt": khi chó đang ở trong trạng thái tự nhiên, đuôi sẽ nghiêng về bên trái là tốt.
-"Nhất một, nhì chín":  chó mẹ chỉ đẻ có một con thì con chó con đó rất quý, bởi lẽ chó mỗi lần sinh ra năm bảy con là chuyện bình thường.
-"Bạch cẩu hoàng đầu thân bối nguyệt", là loại chó toàn thân màu trắng, đầu vàng, trên lưng có dấu ấn như hình mặt trăng tròn, thường có mắt và mũi màu hồng, đỏ hoặc nâu, ấn tròn phải nằm ở chính giữa lưng, gốc đuôi phải có thêm một cái ấn nữa. Chó này còn có tên là "vương cẩu" hoặc "thần cẩu", theo kinh nghiệm dân gian, nuôi chó này thì chủ nhân sẽ thăng quan tiến chức rất nhanh, tiền tài tấn phát.
-" Bối kiếm cẩu", trên lưng của chó, lông mọc xuôi từ đầu cho đến đuôi, tạo ra hình tượng một cây kiếm nằm dọc theo lưng chó, thường thì cán kiếm nằm ở phía cổ và lưỡi kiếm nằm phía đuôi, cũng có khi cây kiếm nằm trong tư thế ngược lại. Loại chó này tạo cho chủ nhà có uy quyền sinh sát. Đây là loại "đệ nhị cẩu tướng".
- Bạch cẩu là chó toàn thân trắng như tuyết (chứ không phải là màu trắng thường) nên rất đẹp. Loại này rất hiếm, nên được xếp hạng "đệ tam cẩu tướng". Lý do được xếp hàng thứ ba vì người nuôi con chó này ắt hẳn trong gia đình phải có người rất xinh đẹp, nếu không thì cũng sắp sửa có con, cháu rất xinh xắn sắp chào đời, nếu là phái nữ thì giống như "tiên giáng trần".
-"Hoàng cẩu" là chó toàn thân đều màu vàng, không có những vết hoặc đốm màu khác pha trộn, tương đối dễ gặp hơn các giống khác. Tuy nó phò giúp cho chủ kém hơn, nhưng vẫn được xếp vào loại chó có tướng tốt.
-"Tứ quý cẩu": là ở mỗi chân, mọc thêm một ngón đặc biệt, được gọi là "huyền đề" (có nơi gọi là đeo, là một loại như ngón chân thừa), cả bốn chân đều phải có như vậy mới được xem là "tứ quý". Con này được xếp hạng đệ ngũ cẩu tướng.
-"Lưỡng câu cẩu", chỉ có hai đeo, thông thường thì ở hai chân sau hoặc hai chân trước.
- "Lục hợp cẩu", có hai đeo ở mỗi chân sau và một đeo ở mỗi chân trước, tổng cộng là sáu đeo.
- "Bát long cẩu" là mỗi chân có hai đeo, tổng cộng được tám cái. Con này được xếp hạng "đệ tứ cẩu tướng".
Trong tất cả các loại đeo nói trên thì tốt nhất là Bát long, kế đến là Tứ quý, sau nữa là Lục hợp và cuối cùng là Lưỡng câu. Theo dân gian, nếu nuôi các chó này, gia chủ nhất định sẽ phát phú quý rất nhanh.
Ngoài ra chó cũng còn có các tướng khác như sau:
-"Tử mị cẩu": khi ngủ chó nằm ngửa ra trong tư thế như bị chết, bốn chân và thân mình xoải dài ra, ngực như ngừng thở.
-"Lân hành cẩu" khi bước đi cả thân mình con chó đều lắc qua, lắc lại như con kỳ lân và từng bước chân cũng uốn éo khi đặt xuống đất, loại này lông phải dài nên khi đi mới có điệu bộ giống con kỳ lân. Đây là chó được xếp hạng "đệ lục" trong tướng pháp của chó.
-"Hổ bộ cẩu" bốn chân khi đi rất khoan thai, nhưng chắc chắn, mỗi bước chân đặt xuống đất thì các xương cốt trên phần thân thể đều lộ ra.
-"Hắc cẩu" còn gọi là chó mực, toàn thân đều đen tuyền, dân gian cho rằng loại chó này mắt thấy được ma, và ma quái rất kỵ loại chó này.
-"Hắc Bạch tứ mục cẩu" là loại chó toàn thân lông trắng hoặc toàn thân lông đen, trên hai mắt lại có lông xoáy lại trông giống như hai con mắt nữa, vì cái xoáy cùng màu lông nên khó nhận ra, phải nhìn kỹ mới thấy được.
- Hắc cẩu tứ mục: là giống chó màu đen nhưng không đen tuyền, bốn chân và bụng là màu vàng, có hai đốm vàng trên mắt, trông như bốn mắt. Đây là giống chó rất dữ dằn, người ta thường nuôi để giữ gìn những doanh trại, công ty, loại chó này nếu nuôi một lúc vài ba con thì khi tấn công địch thủ, chúng đều hợp lực tấn công cùng một lúc từ các phía khác nhau vì có tính đồng đội cao.
-"Hắc cẩu tứ bạch": cũng là giống chó đen, nhưng dưới bụng và bốn chân đều trắng, như mang tất ở chân, loại chó này cũng mang đến sự giàu sang cho gia chủ.
-"Tam nhãn cẩu" là một loại chó có nhiều màu khác nhau, có khi là trắng, đen, vàng hoặc nhiều màu. Đăc biệt, trên đầu, giữa hai mắt có một đốm nhỏ, gọi là con mắt thứ ba. Đây là giống chó có biệt tài, tự nó biết trước có chuyện gì sẽ xảy ra trong đêm, vì vậy khi nuôi loại này, ban đêm nếu thấy nó có cái vẽ lo lắng, bồn chồn hoặc rên rỉ, ắt là có chuyện trộm cướp, hay tai họa sắp đến với gia chủ. Có những con rất khôn, vì biết trước chủ gặp tai nạn nên nó tìm cách ngăn cản như cắn ống quần lôi chân lại không cho đi, hoặc sủa lên, hoặc tìm những cách khác, cố làm cho chủ để ý đến. Vì vậy người nuôi cần phải lưu ý và đoán ý định của nó muốn nói gì với mình
(ST)

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Tướng chó và cách chọn chó

Chó được xem là một trong những con vật đầu tiên sống chung bên cạnh loài người, từ lúc mà con người tiền sử biết sống theo từng nhóm nhỏ, rồi trở thành bộ lạc và cho đến ngày nay. Chó nhờ vào bản năng trời sinh rất thính tai, mũi ngữi có thể theo đó mà tìm ra được dấu vết đã ngữi, cũng như mắt nhìn vào ban đêm thấy rõ hơn con người và rất tỉnh ngủ, có trí thông minh và dễ huấn luyện nên con người đã sớm biết lợi dụng chó để bảo vệ và giúp đỡ cho mình. Chó lại là một giống vật có tình nghĩa nhất nếu so sánh với các con vật khác đã sống gần gũi với con người như trâu, bò, ngựa, heo v.v… những câu chuyện về chó đã cứu chủ trong những cơn hiểm nghèo, nếu phải kể ra, cũng không giấy bút nào có thể ghi lại cho hết được. Trong những trường hợp nguy hiểm, dù biết phải hy sinh tính mạng, chó không bao giờ bỏ chủ để thoát thân một mình, nó nhất định bảo vệ và phản công kẻ địch dù biết đó là loài dữ dằn hơn nó như beo, gấu, cọp v.v…
Và cho dù chủ có nghèo hèn, chó bị bửa đói bửa no vẫn không bao giờ tìm cao sang mà bỏ chủ. Chó thật xứng đáng với câu nói của người Tây phương “ Man’s best friend “ xin tạm dịch “ Bạn tốt nhất của con người “. Thế nhưng chó vẫn bị con người, nhiều nhất là người Á Đông đã tróc da xẻ thịt làm nhiều món nhậu khác nhau để thỏa mãn khẩu vị của họ.
Theo các sách tướng mệnh học được truyền lại thì người ta tin tưởng rằng: một người đàn ông khi lấy vợ, nếu người vợ có tướng vượng phu ích tử thì chắc chắn rằng người đàn ông đó sẽ được may mắn, rộng bước thênh thang trên con đường công danh sự nghiệp. Nếu như người vợ lại có tướng là mệnh phụ phu nhân thì chắc chắc ông ta sẽ được ‘tiền hô hậu ủng’ chức quan sẽ ngồi trên muôn vạn người. Còn nếu xui rủi mà gặp phải bà vợ có tướng bần nhân chi tướng thì chắc là ông ta sẽ bữa đói bửa no, và nếu bị xui xẻo hơn nữa mà gặp phải trích lệ phu quân.
Đây chỉ mới bàn luận sơ qua về tướng pháp của con người, nếu phải nói ra chi tiết thì phải cần đến cả một cuốn sách.
Tướng pháp của chó cũng vậy, theo sự nghiên cứu của người viết bài này thì cho đến nay, dù là Việt ngữ hoặc Hán văn, vẫn chưa có một cuốn sách nào chính thức bàn luận về tướng chó. Tuy nhiên vẫn có những thuật ngữ được truyền tụng trong nhân gian như sau: – Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì xực: có nghĩa là chó mà có đốm ở trên đầu thì tốt nên để nuôi, còn chó mà có đốm ở đuôi thì đó là phường hại chủ.
– Bỏ đuôi bên trái thì nuôi, bỏ đuôi bên phải thì thịt: Chó dù là đuôi dài hoặc ngắn, hoặc uốn cong lại, những lúc chó đang ở trong trạng thái tự nhiên thì đuôi sẽ nghiêng về một phía như câu trên.
Nhất một, nhì chín : người ta tin rằng chó sinh ra chỉ có một con thì con chó con đó rất quý, bởi lẽ chó mỗi lần sinh ra năm bảy con là chuyện bình thường, có khi chó sinh đến cả hơn chục con (cũng may là ông trời sinh ra con người khác với loài này). Tuy nhiên sinh cho đúng chín con cũng rất hiếm. Số 1 và 9 là số đối nhau trong Lạc thư, nên người ta tin cả hai đều tốt. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của người viết thì không phải cả hết chín con đều tốt, mà trong đó chỉ có một hoặc vài con có tướng đặc biệt rất tốt. Để phân biệt cái tốt như thế nào? xin mời đọc giả xem xét những tướng pháp của chó sau đây:
Bạch cẩu hoàng đầu thân bối nguyệt: 
boi nguyet
Là loại chó toàn thân màu trắng, đầu vàng, trên lưng có dấu ấn như hình mặt trăng tròn. Loại này thường thì mắt và mũi màu hồng hoặc đỏ hoặc nâu, ấn tròn phải nằm ở chính giữa lưng, và từ chổ cuối thân mình để mọc ra cái đuôi phải có thêm một cái ấn nữa. Đây là con chó còn có tên vương cẩu hoặc thần cẩu, nếu có nó thì chủ nhân sẽ thăng quan tiến chức rất nhanh, tiền tài tấn phát. Tuy nhiên cũng nên lưu ý rằng nếu bất cứ lý do gì mà chó chết, hoặc bỏ đi thì chủ nhà cũng bị xui xẻo theo. Đây là giống được xếp hàng đệ nhất trong tướng pháp của chó. Thông thường thì các dấu ấn mọc nghiêng một bên, rất hiếm con mọc ngay ở chính giữa lưng. Nếu chó của nhà mình sinh ra một trong những con chó có tướng quý đã nói trên, thì nên giữ con chó đó mà nuôi, vì chó tự sinh ra cho mình là điềm báo trước một sự may mắn sẽ đến, do đó nếu đem cho người khác, tức là mình sẽ không nhận được cái may đó nữa. Lẽ đương nhiên cũng phải hiểu rằng chó tự sinh ra đương nhiên là tốt hơn mình đi kiếm về.
Bối kiếm cẩu:
boi kiem cau
Trên lưng của chó, lông mọc xuôi từ đầu cho đến đuôi, tạo ra hình tượng một cây kiếm nằm dọc theo trên lưng, thường thì cán kiếm nằm ở phía cổ và lưỡi kiếm nằm xuôi theo từ thân cho đến đuôi, cũng có khi cây kiếm nằm trong tư thế ngược lại. Loại chó này tạo cho chủ nhà có uy quyền sinh sát. Thông thường loại chó này hợp với các vị quan làm chức Án sát, tức là chánh án bây giờ. Theo truyền thuyết thì Bao Công ( một nhân vật xử án chí công vô tư nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa ) có con chó này trong thời gian ông làm quan. Con chó này được xếp hạng đệ nhị cẩu tướng pháp của chó.
Bạch cẩu:
bach cau 1
BACH CAU 2
Là một loại chó toàn thân trắng như tuyết, chứ không phải là loại chó có màu trắng thường. Vì có thân hình trắng như tuyết, nên con chó này rất là đẹp. Loại này cũng rất hiếm, nên được xếp hạng đệ tam cẩu tướng. Lý do được xếp hàng thứ ba vì người nuôi con chó này, ắt hẳn trong gia đình phải có người rất xinh đẹp, nếu không thì cũng sắp sữa có con cháu rất xinh đẹp sắp chào đời, nếu là phái nữ thì giống như tiên giáng trần. Con chó này trời sinh ra để bảo vệ người đẹp chủ nhân của nó, tương truyền rằng Dương quý Phi và nàng Tây Thi ( hai trong tứ tuyệt đại giai nhân của Trung Quốc ), từ thuở nhỏ gia đình của hai bà đều có nuôi con chó này.
Hoàng cẩu:
hoang caulà một loại chó toàn thân đều màu vàng không có những vết hoặc đốm màu khác pha trộn. loại này tương đối thường dễ gặp hơn các giống khác. Vì vậy nó phò giúp cho chủ kém hơn những con khác. Tuy nhiên nó vẫn được xếp vào loại chó có tướng tốt.
Tứ quý cẩu: là mỗi chân mọc thêm một ngón đặc biệt được gọi là đeo, đeo là một loại như ngón chân thừa, thường mọc ở trên đoạn dưới của xương ống chân, tùy thuộc vào giống chó mà có khoảng cách từ một đến ba lóng tay so với mặt đất và tuyệt đối không bao giờ mọc ra ở cùng với các ngón thông thường, cả bốn chân đều phải có như vậy mới được xem là tứ quý. Con này được xếp hạng đệ ngũ cẩu tướng.
Lưỡng câu cẩu: Chỉ có hai đeo, thông thường thì ở hai chân sau hoặc hai chân trước.
Lục hợp cẩu: Có hai đeo ở mỗi chân sau và một đeo ở mỗi chân trước, tổng cộng là sáu đeo.
Bát long cẩu:
Ảnh: yeuthucung
Ảnh: yeuthucung
Là mỗi chân có hai đeo, tổng cộng được tám cái. Con này được xếp hạng đệ tứ cẩu tướng.
Trong tất cả các loại đeo nói trên thì tốt nhất là Bát long, kế đến là tứ quý, sau nữa là Lục hợp và cuối cùng là Lưỡng câu. Có các con chó này, gia chủ nhất định sẽ phát phú quý rất nhanh. Ngoài ra chó cũng còn có các tướng khác như sau:
Tử mị cẩu: Khi ngủ chó nằm ngữa ra trong tư thế như bị chết, bốn chân và thân mình xoải dài ra, ngực như ngừng thở.
Lân hành cẩu: Khi bước đi cả thân mình con chó đều lắc qua, lắc về như con kỳ lân và từng bước chân cũng uốn éo khi đặt xuống đất. Về điểm này thường biểu lộ ra mỗi khi chó hân hoan gặp được chủ. Giống chó này thì lông phải dài nên khi đi mới có điệu bộ giống y con kỳ lân. Đây là con chó được xếp hạng đệ lục trong tướng pháp của chó.
Hổ bộ cẩu: Bốn chân khi đi rất khoan thai, nhưng chắc chắn, mỗi bước chân đặt xuống đất thì các xương cốt trên phần thân thể đều lộ ra.
Về Lân hành và Hổ bộ, quý vị có thể nhìn cách đi của người múa Lân, cũng như xem cách đi của con cọp thì sẽ hiểu rõ thêm.
Hắc cẩu:
cho muc
tiếng Việt Nam còn gọi là chó mực, một giống chó toàn thân đều đen tuyền, người ta tin rằng loại chó này mắt thấy được ma, và ma quái rất kỵ loại chó này, nhất là máu huyết của nó. Một số thầy pháp khi trị về tà ma thường dùng máu của giống chó này. Nhà có ma người ta thường nuôi chó này thì ma không dám ở trong nhà nữa mà phải bỏ đi nơi khác.
Hắc Bạch tứ mục cẩu: là loại chó toàn thân lông trắng hoặc toàn thân lông đen, trên hai mắt lại có lông xoáy lại trông giống như hai con mắt nữa, loại này vì cái xoáy cùng màu lông nên khó nhận ra, phải nhìn kỷ mới thấy được. Đặc biệt đã là chó đen mà có thêm bốn mắt thì chắc chắn tà ma sợ nhất vì hai con mắt đặc biệt này khi nhìn ma quái, tự nó sẽ phát ra những tia vô hình như tên đạn bắn vào tà ma vậy.
Hắc cẩu tứ mục:
Ảnh: yeuthucung
Ảnh: yeuthucung
là giống chó màu đen nhưng không đen tuyền, bốn chân và bụng là màu vàng, có hai đốm vàng trên mắt, trông như bốn mắt. Đây là giống chó rất dữ dằn, người ta thường nuôi để giữ gìn những doanh trại, công ty, loại chó này nếu nuôi một lúc vài ba con thì khi tấn công địch thủ, chúng đều hợp lực tấn công cùng một lúc từ các phía khác nhau.
Hắc cẩu tứ bạch: cũng là giống chó đen, nhưng dưới bụng và bốn chân đều trắng ở phần dưới y như mang vớ, loại chó này cũng mang đến sự giàu sang cho gia chủ.
Tam nhãn cẩu:
tam-nhan-cau
là một loại chó có nhiều màu khác nhau, có khi là bạch, hắc, hoàng hoặc nhiều mằu. Giống này đặc biệt trên đầu, giữa hai mắt có một đốm nhỏ, gọi là con mắt thứ ba. Đây là giống chó có biệt tài tự nó biết trước có chuyện gì sẽ xảy ra trong đêm, vì vậy khi nuôi loại này, ban đêm nếu thấy nó có cái vẽ lo lắng, bồn chồn hoặc rên rỉ, ắt là có chuyện trộm cướp sẽ xảy đến, hay tai họa sắp đến với gia chủ. Có những con rất khôn, vì biết trước chủ gặp tai nạn nên nó tìm cách ngăn cản như cắn ống quần lôi chân lại không cho đi, hoặc sủa lên, hoặc tìm những cách khác cố làm cho chủ hiểu. Vì vậy người nuôi cần phải lưu ý và đoán ý định của nó muốn nói gì với mình.
Thỉnh thoảng lại có một con chó mà tự nó lại có nhiều tướng tốt. Những con như vậy thì càng tăng sự tốt thêm như nuôi được hai ba con có quý tướng vậy.
Sự sắp xếp theo thứ tự đệ nhất, đệ nhị tướng pháp của chó v.v… không có nghĩa là nó tốt nhất, tốt nhì mà chỉ về sự tìm kiếm khó gặp loại chó đó.
Các con chó được kể ra ở trên đều là quý tướng cẩu, nếu có nó chủ nhân gặp may mắn, phát phú quý, thăng quan tiến chức v.v…
Từ quan sát tướng mệnh của con người, chó cũng có những tướng pháp tương tự, chó mà lúc đi bốn chân bành ra theo hình chữ bát (八), mắt lại lim dim, thì đó là giống chó rất dê xồm, suốt ngày chỉ luẩn quẩn theo bên mấy con chó cái, loại này thường được nuôi để gầy giống y như heo nọc vậy.
Ngoài ra chó cũng là một loài vật mà tự nó rất giỏi về thuật phong thủy, đúng ra thì phải tặng cho chó cái biệt hiệu là phong thủy sư, con người sinh ra dù có học vài chục năm về các bộ môn thuộc phong thủy như phái Bát Trạch, Loan Đâù, Huyền Không v.v… chưa chắc đã biết được các khí mạch tốt hoặc xấu ở dưới lòng đất dù trên tay có la bàn. Nhưng chó chỉ nhìn một cái là biết ngay đất chổ nào tốt, chổ nào xấu. Hãy quan sát chó, trước khi nằm xuống trên mặt đất, chó luôn luôn cúi xuống khoảnh đất và đảo ít nhất là một vòng, chổ lạ thì nhiều vòng hơn, nếu gặp chổ xấu thì tuyệt đối chó không bao giờ nằm xuống. Từ quan sát điểm này, nhưng chổ mà chó chê không nằm xuống, quý vị thử trồng cây, đặt chậu hoa, chậu cá v.v… chắc chắn cây hoa và cá sẽ chết rất sớm, bởi vì từ dưới lòng đất đó có những luồng hắc khí rất xấu xa. Những nơi này làm người ở trong nhà hay bị bệnh hoạn, uể oải hoặc thường gặp chuyện xui xẻo, bực mình v.v…Nói chung là xấu nếu người nào đó thường xuyên ở trên khu vực này như văn phòng làm việc, chổ ngủ v.v…
Hoặc quý vị nuôi chó trong nhà, nếu như trường hợp nào đó mà chó không thể ra ngoài được để làm công việc đại tiểu tiện, chắc chắn chó sẽ làm bậy trong nhà. Tuy nhiên không phải nơi nào chó cũng làm bậy, những chổ mà chó đã đại tiểu tiện, nếu đọc giả nào am tường về bộ môn Loan đầu hoặc Huyền Không thì hiểu ra rằng những nơi đó đều là khu vực xấu trong trạch vận. Như vậy mới thấy chó quả thật đáng phong danh là Phong thủy sư. Cũng từ điểm này khi quý vị đặt căn nhà để cho chó ở trên một khoảng đất nào đó mà chó không chịu vào ở, thì chắc chắn chổ đó là vủng đất xấu, nên di chuyển căn nhà chó đến vị trí khác, hoặc thấy chổ nào chó thường nằm thì nên đặt căn nhà ở trên chổ đó.
Không những chó giỏi về phong thủy, mà còn là một loài vật giỏi về binh pháp, chó biết dùng yếu tố bất ngờ để hạ thủ các loài vật khác hoặc để cắn con người, đó là dùng chiêu ‘tiên hạ thủ vi cường’, mà muốn ra chiêu này thì phải xử dụng yếu tố bất ngờ, do đó trước khi cắn ai, tuyệt đối nó không bao giờ sủa, vì sủa thì các loài khác biết nên khó mà tấn công, do đó khi đột xuất tấn công tuyệt đối chó không bao giờ sủa, đúng là im miệng quả thật lợi khí hơn vàng. Và khi cần phải hợp lực để tấn công một đối thủ mạnh hơn thì chó áp dụng ‘xa luân chiến‘ tức là hết con này đến con khác thay phiên nhau chiến đấu để làm hao mòn sức lực đối thủ, hoặc cùng tấn công một lần từ các phía khác nhau, dù là cọp mà bị nguyên một đàn chó tấn công thì cũng phải thua, từ điểm này ngưòi ta mới có câu ‘mãnh hổ nan địch quần hồ‘ là ý này.
Như đã nói trên, chó nuôi để giữ của và bảo vệ con người, nên giống chó lớn và bé cũng phân biệt khác nhau, các giống lớn con như German Shepherd, Black Labrador, giống có hình dáng trung bình như Cocker Spaniel, Papillion hoặc các giống nhỏ như Rat terrier, chihuahuas (tea cup) là loại có thể bỏ vào trong túi áo. Tất cả các giống trên và hàng chục giống khác nhau nữa, đều có cùng các tướng pháp như đã nói ở trên. Lẽ đương nhiên để bảo vệ chủ nhân thì chó càng lớn càng tốt, các nhà giàu thường nuôi chó bự con. Tuy nhiên theo ngưòi viết bài này thì tùy vào sự lớn nhỏ của căn nhà mà nuôi loại chó nào. Dù lớn hoặc bé chúng đều có khả năng báo động như nhau mỗi khi có người lạ hoặc loài vật khác đến nhà. 
Doccocauthang sưu tầm
Theo vietlyso